Chương 97: Lê Xích Vào Tù (2)
ám nha dịch phía sau Ngụy Thân mặc kệ những người quỳ trước mặt đều là quan to nhị phẩm, tam phẩm trong triều, vẫn hùng hổ xông lên. Đới Nghĩa run rẩy báo:
- Nô tài Đới Nghĩa của Ty Lễ Giám!
Vừa dứt lời, tiếng xiềng xích lào xào vang lên, liền theo đó một cái gông to quàng ngay vào cổ lão.
Lý Đạc, Nghê Khiêm, Dương Lăng lần lượt tự báo họ tên, rồi lập tức bị gông xiềng quấn chặt giải lên tù xa, đưa thẳng về kinh thành!
------------------------
Chương chín mươi bảy Lê Xích Vào Tù
(Thân mang xiềng xích, chân lê vào tù)
------------------------
Trên Kim điện, văn võ bá quan đang tụ năm tụ ba rải rác khắp triều, vẻ mặt phẫn uất.
Đã thượng triều gần nửa canh giờ rồi, nội thị vào nội cung thúc giá đã ba lần, ấy vậy mà ngai vàng vẫn trống trơn. Thời vua Hoằng Trị chưa từng xảy ra chuyện này, nhưng tới triều của Chính Đức thì lần này đã là lần thứ tư rồi.
Các quan viên đang to nhỏ thì thầm với nhau chợt một tên tiểu thái giám lật đật từ sau bức bình phong bước ra, kéo dài giọng hô:
- Hoàng Thượng thượng điện, văn võ bá quan tiếp giá!
Văn võ bá quan vừa nghe, không kịp chỉnh lại hàng ngũ, vội vàng quỳ xuống kiến giá. Có người trộm ngẩng đầu nhìn lên, thấy hoàng đế Chính Đức đầu đội mũ Dực Thiên, thân mặc long bào, từ sau bức bình phong đi ra, vừa đi vừa ngửa mặt ngáp dài.
Tiểu hoàng đế bước lên bệ rồng, đặt mông ngồi xuống ngai vàng, mặt mày khó chịu. Y nhìn thoáng qua đám quần thần, lại nhìn ra ngoài cửa điện. Lúc này mới tờ mờ sáng, mặt trời còn chưa ló dạng mà! Chính Đức bực bội díp mắt lại, bảo:
- Các ái khanh bình thân! Có bản tấu gì thì mau trình lên đi!
Ba vị đại học sĩ Nội Các cũng đang rất tức giận. Ban nãy khi bọn họ thúc giục nội thị mời Hoàng Thượng thăng điện, mới nghe nói rằng hôm qua Hoàng Thượng đã phế truất đám người hầu trực ở tẩm cung và văn thư phòng, thế này thì còn ra thể thống gì nữa? Như vậy buổi tối canh mấy Hoàng Thượng đi ngủ, bãi triều xong canh mấy Hoàng Thượng đọc sách cũng sẽ không ai biết, há chẳng phải thiên hạ đại loạn hay sao?
Ba vị đại học sĩ uất ức chuẩn bị can gián thẳng thắn một phen nên Hoàng Đế Chính Đức vừa dứt lời, Tạ Thiên lập tức bước ra khỏi hàng khải tấu. Vị lão thần này quả nhiên không thẹn với cái tên "ngay thẳng", vừa mở lời đã thao thao bất tuyệt:
- Hoàng Thượng! Mấy ngày gần đây Hoàng Thượng thiết triều quá muộn, có khi mặt trời mọc cao mới thượng điện. Đám người thị vệ và phục vụ trong triều đứng lâu mệt mỏi, cũng sẽ không tránh khỏi thất lễ. Hơn nữa quan lại và sứ thần ngoại quốc đến triều cống khi lên triều đều phải chờ đợi rất lâu, chẳng những tinh thần mệt mỏi, mà phí phạm thời gian, bỏ lỡ công việc.
- Nên biết buổi tảo triều (chầu sớm) là việc cao nhất của vua, là bộ mặt của thiên hạ. Người đã làm vua thì thân gắn liền với thiên hạ; nếu ngại tu tỉnh e rằng sẽ kém sút. Nếu vua mà bê trễ ở trên, bầy tôi xao nhãng ở dưới, thì làm sao có thể trị nước được thái bình? Thần nhận trọng thác, đứng giữa lo âu, cũng là vì lo thánh tâm (lòng vua) có điều vướng bận, phòng có gì cơ nhỡ mà liều chết trần tình. Xin bệ hạ nghĩ lại!
Chính Đức nhướng một mắt lên nhìn lão một lúc, rồi đờ đẫn đáp:
- Trẫm biết rồi!
Lưu Kiện thấy Hoàng Đế Chính Đức không hề cho đó là đúng, trong lòng cả giận. Lão lập tức cao giọng bẩm:
- Hoàng Thượng! Từ xưa tới nay, người làm vua nếu siêng năng lo nghĩ thì hưng thịnh, nếu ngạo nghễ ham vui thì thất bại. Nghe nói Hoàng Thượng đã phế truất những người hầu trong tẩm cung và văn thư phòng, thần cho rằng việc này rất không ổn. Cổ ngữ có câu: sa vào chơi bời để yên thân, chìm vào dâm dật để sung sướng, ấy là nguyên nhan chính dẫn đến suy đồi vậy. Hoàng Thượng cần lập tức khôi phục lại quy định cũ, đến tảo triều đúng giờ!
Lưu Kiện nói xong, lùi về phía sau một bước, Lý Đông Dương ở bên tay trái lão lập tức lách mình bước ra. Chính Đức thấy vậy không khỏi cuống lên, y vội vàng phán:
- Trẫm biết rồi, trẫm nhất định sẽ sửa đổi! Ờ... việc này để thương nghị sau đi. Các ái khanh còn có có tấu chương gì khác không?
Từ Quán đưa mắt ra hiệu cho tả thị lang bộ Công Lý Kiệt. Lý Kiệt hiểu ý, lập tức phấn chấn tinh thần ứng thanh bước ra, vận khí từ đan điền cất giọng oang oang tâu:
- Hoàng Thượng! Thần có bản tấu!
Chính Đức như trút được gánh nặng, vội bảo:
- Ái khanh mau nói đi!
Lý Đông Dương thấy vậy, bèn mỉm cười lui trở về.
Lý Kiệt hiên ngang bẩm:
- Hoàng Thượng! Thần phụng chỉ đôn đốc xây dựng lăng tẩm cho tiên đế. Thần cảm thấy trách nhiệm trọng đại, nên vô cùng thận trọng, như bước vào vực sâu, như đi trên băng mỏng, không dám buông lỏng chút nào...
Lý Kiệt nói cả buổi, Chính Đức nghe mà buồn chán, chỉ ờ một tiếng, hoàn toàn chẳng tỏ ý đúng sai gì. Lý Kiệt không thấy Hoàng Đế khen ngợi gì, trong lòng cũng cảm thấy hơi thất vọng đành chuyển sang trọng tâm:
- Trước đây vài ngày thần nghe nói địa khí ở Đế Lăng không ổn, huyệt mộ lạnh lẽo, huyền cung Kim Tỉnh lại trào nước, ấy là điềm chẳng lành vậy. Thế nhưng Khâm Thiên giám Nghê Khiêm, thị lang bộ Lễ Lý Đạc, Ty Lễ Giám Đới Nghĩa và Thần Cơ doanh Dương Lăng chẳng biết có lòng dạ gì mà giấu giếm không báo...
Hắn tấu tới đây, cả triều đình liền nổ tung như có sét đánh giữa trời quang. Bá quan lập tức rì rào sôi nổi. Vụ án này thoáng cái đã một hơi lôi kéo luôn năm nha môn vào, có thể xem là vụ án lớn nhất triều Chính Đức. Một khi điều tra được sự thực là vậy, chẳng biết có bao nhiêu nhân vật quan trọng rơi đầu xuống đất, bọn họ làm sao không sợ hãi cho được?
Ba người Lưu Kiện, Tạ Thiên, Lý Đông Dương cũng kinh ngạc vô cùng, đưa mắt nhìn nhau rồi đều khẽ lắc đầu tỏ ý mình không biết gì. Tạ Thiên liếc qua Lý Kiệt rồi lại dời ánh mắt sang thượng thư bộ Công Từ Quán. Thấy trong mắt Từ Quán thoáng lóe lên vẻ đắc ý, lão lập tức hiểu rõ mọi việc, không khỏi hừ thầm trong lòng.
Lưu Kiện cũng hơi không vui. Lão là người đứng đầu nội các mà gặp việc lớn như vậy, bộ Công không chịu báo trước cho lão biết mà lại vượt cấp tâu thẳng lên Hoàng Đế. Lòng tranh giành ân sủng của Từ Quán đã hiển thị quá rõ ràng rồi.
Bộ Lễ cũng là một trong những nha môn bị liên can, nhưng thần sắc Vương Quỳnh lại thản nhiên, không hề kinh hoảng chút nào. Trước đó Từ Quán đã mật nghị với lão ta, Vương Quỳnh thầm nhận định Hoàng Đế không giữ lễ nghi, bây giờ lại bê trễ triều chính, nhất định là do Dương Lăng và đám nội giám Lưu Cẩn xui khiến mà nên, chính bọn chúng là mối họa lớn của triều đình. Vì vậy vừa nghe chuyện lão liền lập tức quyết định: cho dù có mất Lý Đạc cũng phải hạ cho được Dương Lăng.
Lý Kiệt vừa bẩm xong, lão liền bước ra khỏi hàng quỳ xuống tâu:
- Hoàng Thượng! Mấy vị khâm sai phụng chỉ rất được Hoàng Thượng tin cậy mới được giao cho trọng trách lớn như vậy. Không ngờ bọn họ lại cả gan làm xằng, tội không thể tha! Thần đang là thượng thư bộ Lễ, quan viên thuộc hạ cũng tham dự trong đó, thần cũng có tội không biết nhìn người, quả thật rất hoảng sợ, xin bệ hạ giáng tội.
Từ Quán bước ra tâu:
- Hoàng Thượng! Năm trước khi nền Đế Lăng được kiểm tra, Vương thượng thư đang ở kinh thành lo kỳ thi Hội, dẫu rằng mang tội không biết, song cũng có thể thông cảm được.
Nhưng những đại thần phụng chỉ đôn đốc xây lăng gặp việc lớn tổn hại đến long mạch, thương tổn tới vận mệnh quốc gia mà lại dám khi quân không báo, cần phải lập tức bắt về xét hỏi, xử phạt mức cao nhất của luật pháp, để an ủi vong hồn Tiên đế trên cao.
Vốn Chính Đức nghe nói lăng tẩm phụ hoàng xảy ra sự cố đã vô cùng tức giận, lại nghe nói long mạch hao tổn ảnh hưởng tới vận mệnh quốc gia thì lòng càng thêm bất an. Sự mệt mỏi lập tức tan biến, y tức giận đến nhảy dựng lên, nhưng nghĩ lại cũng thấy hơi nghi ngờ, bèn hỏi lại:
- Việc này là thật ư? Các ngươi có bằng chứng cứ gì không?
Lý Kiệt lập tức đáp như chém đinh chặt sắt:
- Thần có chứng cớ! Lục Ân Lỗ là thập trưởng Thần Cơ doanh phụ trách canh gác lăng mộ, đã từng chính mắt thấy Kim Tỉnh tươm nước. Thần đã mang nhân chứng về kinh rồi!
Chính Đức nghe thế thì nổi giận thật sự, y vỗ ngự án đánh “bộp”, quát to:
- Thật đáng trừng trị! Lập tức áp giải những kẻ có liên can về kinh, giao cho bộ Hình, Đô Sát viện, Đại Lý tự tam ty hội thẩm, nếu điều tra đúng là thật...
Trong lòng y chợt nghĩ đến Dương Lăng, thoáng do dự một chút, rồi lại nghĩ mình tín nhiệm với y như thế, vậy mà cả y cũng làm rối kỉ cương, chỉ vì cầu lợi mà giấu giếm mình, thế là trong lòng vừa thương tâm vừa phẫn nộ, cắn răng phán:
- Nếu thực sự bọn chúng khi quân phạm thượng, chém!
* * *
Từ khi biết thập trưởng Lục Ân Lỗ của Thần Cơ doanh mất tích, không có đêm nào Dương Lăng ngủ được ngon giấc. Y không ngây thơ tới độ cho rằng tên thập trưởng này đã đào ngũ hay bị dã thú ăn thịt. Lý Kiệt đi một ngày một đêm không về, y đã biết được sự việc không ổn rồi.
Việc đã đến nước này, Dương Lăng chỉ đành trông chờ vào tính đặc thù của Kim Tỉnh. Kim Tỉnh theo phong thủy là nơi quan trọng của long mạch, không được tùy tiện động vào, hơn nữa Nghê Khiêm cũng bịt lại rất kín kẽ, trừ phi đào đất khám nghiệm, bằng không sẽ không thể nhìn ra chỗ này từng chảy nước. Cho dù trong triều có nhân chứng, nhưng nếu không có vật chứng thì cũng tuyệt không có cách nào xử trí nhiều đại thần như vậy được.
Nghê Khiêm, Lý Đạc nghe tin tên thập trưởng bị ăn roi nọ mất tích, thị lang bộ Công Lý Kiệt về kinh, lập tức sợ tới cuống lên, sáng sớm đã cùng với Đới Nghĩa hoảng hốt chạy tới tìm Dương Lăng để thương lượng đối sách.
Đới Nghĩa là một trong bốn đại thủ lĩnh của Ty Lễ Giám, là thân tín của thái giám chưởng ấn nội tướng (*)Vương Nhạc, trước nay luôn có giao tình thân thiết với Phạm Đình của Đông Xưởng. Lão thấy mọi người không nghĩ được biện pháp, trong mắt không khỏi lóe tia ác độc, cười gằn:
- Ta sẽ lập tức hồi kinh sai người thủ tiêu tên lính đó, để xem Từ Quán và Lý Kiệt còn có thể giở được trò gì!
(*) nội tướng: ý chỉ thái giám trong cung; chưởng ấn nội tướng: đại thủ lĩnh, quản lý tất cả thái giám trong cung.
Dương Lăng vội can:
- Không được! Nếu thật sự gã thập trưởng đã bị hắn mua chuộc mang đi, tất nhiên hắn sẽ bảo vệ gã nghiêm ngặt. Từ Quán và Lý Kiệt không phải là kẻ ngu dốt, nếu dùng gã làm mồi nhử dụ chúng ta vào bẫy thì làm sao? Không thể làm như vậy được.
Lý Đạc vặn vẹo hai tay, lo lắng hỏi:
- Vậy làm sao bây giờ? Phải làm sao đây? Chúng ta cứ ngồi chờ chết à?
Dương Lăng thầm nghĩ: “Nếu như tất cả mọi người đã mê tín phong thủy, bây giờ cũng chỉ còn cách dùng phong thủy đối phó với phong thủy thôi.” Y đang định hỏi Khâm Thiên giám Nghê Khiêm thử dùng vài phương pháp phong thủy được hay không thì đột nhiên cửa chính bị người đẩy đánh “rầm”, Bành Kế Tổ nhớn nhác xông vào, cất giọng ồm ồm kêu lên:
- Đại nhân! Đã xảy ra chuyện rồi. Cái cây cầu bạch ngọc sau Nhất Tự môn đột nhiên sụp xuống, đất hai bên cũng sụp đổ một mảng lớn. Toàn bộ mười mấy huynh đệ được điều đi đào sông ở đấy đều bị chôn sống bên dưới rồi.
- Cái gì?
Dương Lăng kinh hãi đứng bật dậy, rồi lập tức nghĩ đến bảy tên lính hôm qua bị điều ra khỏi địa cung chính là được sai đi tới dưới cây cầu để đào đất. "Sao lại trùng hợp như vậy, bọn họ vừa tới nơi liền xảy ra chuyện rồi?"
Sinh nghi, Dương Lăng lập tức quay đầu nhìn Dương Nhất Thanh. Vừa gặp ánh mắt y, Dương Nhất Thanh lập tức thoáng đưa mắt tránh đi, vẻ mặt hơi mất tự nhiên. Dương Lăng giật mình, đoán là gã đã ra tay. Y biết Dương Nhất Thanh muốn tốt cho mình, nhưng hành động này chẳng những làm hại tính mạng của bảy sĩ binh vô tội kia, mà còn liên lụy tới những người khác. Nhất thời Dương Lăng cũng không biết trong lòng mình đang có cảm giác gì.
Y hiểu ví bằng y đủ cương quyết, đủ vô tình, muốn hòng tiếp tục lăn lộn thành công trên quan trường thì y phải học cách quyết đoán kịp thời, phải luôn đặt lợi ích lên hàng đầu. Cần trừ khử người nào thì phải lập tức trừ khử ngay không chút đắn đo, phải đá văng hết những chướng ngại vật trên đường. Nhưng trên phương diện tình cảm, y thật sự không tiếp thụ nổi việc mình trở thành một tên chính khách máu lạnh.
Dương Lăng giậm chân, đành phải nói với Bành Kế Tổ:
- Đi! Mau tới trước lăng nhìn xem, tổ chức người tới cứu giúp!
Y vừa mới dẫn đám người liên can lao ra khỏi cửa phòng thì đã thấy mấy chục tên nha dịch bộ Hình, áo gai mũ đỏ đao giắt bên hông đang chạy tới. Trong nhóm có người cất cao giọng quát:
- Thánh chỉ tới! Những quan viên liên can tới việc đôn đốc kiến tạo Đế Lăng quỳ xuống tiếp thánh chỉ!
Bọn Dương Lăng nghe thấy cả kinh, lập tức đồng loạt quỳ xuống đánh xoạt. Đám nha dịch nọ chợt tách ra, một ông lão khôi ngô mặt đỏ sậm, râu hoa râm, tay áo bay phần phật bước nhanh lên phía trước. Chân vừa trụ vững, lão lập tức giở thánh chỉ ra, dùng khẩu âm Sơn Đông đọc to:
- Phụng thiên thừa vận, Hoàng Đế chiếu rằng: Khâm sai đại thần giám sát kiến tạo Đế Lăng là Nghê Khiêm của Khâm Thiên giám, tả thị lang Lý Đạc của bộ Lễ, thái giám thủ lĩnh Đới Nghĩa của Ty Lễ Giám và tham tướng Dương Lăng của Thần Cơ doanh bị nghi ngờ đã gian lận công trình, lừa dối Thánh Thượng, lập tức bắt giải về kinh để Tam Ty hội thẩm tra hỏi. Khâm thử!
Vừa dứt lời, ông ta lập tức vung tay lên quát:
- Các nghi phạm hãy tự báo họ tên để cho ta bắt!
Tả thị lang bộ Lễ Lý Đạc vừa nhìn thấy ông lão chính là tả thị lang Ngụy Thân của bộ Hình thì cả người không khỏi run lên, lập tức ngã ngồi phịch xuống đất. Ông lão mặt đỏ khôi ngô này là người Khúc Phụ, Sơn Đông, đồng hương với Khổng thánh nhân. Lão có tướng mạo như con nhà võ nhưng lại là người đọc sách chính tông, là tiến sĩ năm Thành Hóa thứ mười bảy.
Người này kiêm khiết chính trực, chỉ “nhận pháp bất nhận nhân” (không nể nang ai). Từng có kẻ giả mạo ngoại thích (thân thích của mẹ hoặc vợ vua) để lừa bịp, nha môn các ty của bộ Hình đều e ngại kẻ đó là quốc thích nên không ai dám bắt về hỏi tội. Ngụy Thân vừa tiếp nhận cáo trạng xong, không nhiều lời mà lập tức dẫn người bắt kẻ đó về ngay. Sau vụ án này danh tiếng Ngụy Thân lan truyền khắp kinh sư, đến cả tai vua. Sau đó phàm có những vụ án nào liên quan đến triều thần hoặc ngoại thích mà Hoàng Đế muốn nghiêm trị, phần lớn đều cử lão ra tay.
Dần dà, mọi người cũng đoán ra quy luật: chỉ cần Ngụy lão đầu mà ra mặt, kẻ bị bắt chắc chết đến chín thành. Vừa vặn mặt của Phán quan âm phủ trong truyền thuyết cũng màu đỏ, nên sau lưng lão mọi người bèn gọi lão là ”Ngụy phán quan”. Lý Đạc thấy lão tới, tự biết mình hẳn phải chết, lập tức thân thể nhũn ra như bún.
Đám nha dịch phía sau Ngụy Thân mặc kệ những người quỳ trước mặt đều là quan to nhị phẩm, tam phẩm trong triều, vẫn hùng hổ xông lên. Đới Nghĩa run rẩy báo:
- Nô tài Đới Nghĩa của Ty Lễ Giám!
Vừa dứt lời, tiếng xiềng xích lào xào vang lên, liền theo đó một cái gông to quàng ngay vào cổ lão.
Lý Đạc, Nghê Khiêm, Dương Lăng lần lượt tự báo họ tên, rồi lập tức bị gông xiềng quấn chặt giải lên tù xa, đưa thẳng về kinh thành!
Ngược Về Thời Minh Ngược Về Thời Minh - Nguyệt Quan