Hồi 96: Chế Rượu, Mượn Hoa, Hai Lần Trổ Phép Tiên. Lam Quan, Tần Lĩnh, Chín Lần Độ Văn Công
ương Tử vài ba lần khuyên chú tu đạo, Hàn Dũ không nghe, còn nổi giận, sai người bắt Tương Tử lôi đi, đem về giao cho mẹ chàng quản lý. Lúc đó, Từ phu nhân đã vững tin Tương Tử tu tiên đắc đạo, không muốn gượng ép lưu giữ Tương Tử ở lại nhà làm gì, mới nói với con:
- Chú của con mong cho con đỗ đạt, nên người, chính là bổn phận của bậc trưởng bối. Nay con đã tu tiên đắc đạo, cũng là thực hiện chí hướng của mình, mẹ cũng bất tất phải nghe lời chú, làm khó cho con. Nhưng có một câu cũng nên nói rõ: con đã là người có pháp lực thần thông, đi mây về gió, qua Đông sang Tây, chẳng mất nhiều thời giờ. Vậy từ nay về sau, con nên thường xuyên về nhà, đợi chừng nào mẹ nhắm mắt tắt nghỉ, lúc đó muốn về hay không, là tự ý con, chẳng ai ngăn cản.
Tương Tử vội thưa:
- Xin mẹ yên tâm, Đạo gia rất trọng điều trung hiếu. Nếu hài nhi không có lòng tưởng nhớ đến mẫu thân, sao còn về thăm? Hạng người như thế, có khác gì loài cầm thú. Hai vị sư phụ của con đâu có thèm nhận con làm đệ tử? Mẹ đừng bận tâm suy nghĩ, chỉ cần con khắc khổ học tập, vài năm nữa là tiền trình rộng mở. Tới ngày con đắc đạo, lên trời, nhất định mẹ vẫn còn trên dương thế. Con sẽ thoát độ cho mẹ, hưởng phúc trường thọ.
Phu nhân nghe nói, ấm áp trong lòng. Tương Tử thấy điểm tỉnh cho chú không có hiệu quả, đành trở về núi Túng Sơn.
Lại qua nhiều năm nữa, cứ cách hai, ba năm, Tương Tử lại về nhà một lần, hiển lộ thần thông phi thường cho thúc phụ coi. Nhưng Hàn Dũ bẩm sinh có tính ngang ngạnh, nói thẳng: cho dù hoa bay khắp trời, Tương Tử có nói hay cách mấy, làm chuyện lạ cỡ nào chăng nữa, ông cũng không động lòng, cứ tiếp tục sự nghiệp cũ của mình, và không buồn ngó tới Tương Tử. Tương Tử cũng kiên trì theo đuổi ý định của mình, phải thoát độ cho thúc phụ cho bằng được. Chàng ta đã điểm hóa cho Hàn Dũ được bảy lần, nay là lần thứ tám, đúng vào kỳ bát tuần thượng thọ của Hàn Dũ. Tương Tử vì việc chúc thọ, lại trở về nhà. Hàn Dũ nghĩ mình tuổi đã cao, thấy cháu từ xa về, cũng cảm động trong lòng. Những điều thường ngày ông chán ghét ở Tương Tử cũng giảm đi phân nửa. Tới ngày sinh nhật, ông còn sai Tương Tử thay mặt mình làm chủ bữa tiệc, chuyện trò với các vị công khanh, khách khứa. Mọi người biết Tương Tử là một thần tiên hữu đạo, ai cũng khẩn thiết cầu xin chàng giảng về đạo trường sinh bất lão. Tương Tử mới đem những phương pháp hữu ích cho thân tâm, lựa những điều giản dị và dễ hiểu, tùy hoàn cảnh mà truyền thụ một lượt. Chẳng dè điều đó lại kích động Hàn Dũ, nổi giận đùng đùng, nói Tương Tử không nên nói ra những điều tà thuyết như thế, ở trước mặt ông. Tức thì gọi cháu tiến lại, hỏi:
- Anh lém mồm lém miệng, ở trước mặt biết bao vị tôn trường, mà dám tự tiện nói ra những lời nhảm nhí, thử hỏi trong ngần ấy năm trời, anh ra ngoài học được những gì?
Tương Tử nghe hỏi, liền ngâm mấy câu:
"Núi xanh, mây che khấu
Nơi ấy chính là nhà
Đêm tối ăn ngọc dịch
Ban ngày uống giáng hà
Đỉnh ngọc giữ tiên dược
Lò luyện bạch chu sa
Một bầu tàng tạo hóa
Gươm báu chém tà ma
Rót rượu mời bằng hữu
Khoảnh khắc nở bông hoa
Ai muốn theo học đạo
Ngắm hoa núi với ta"
Hàn Dũ nổi giận, nói:
- Lại những lời cuồng ngôn!
Quan khách đều nói:
- Đã nói lớn lối, ắt có bản lãnh. Cháu của ngài đã nhiều lần hiển lộ linh ứng, mà chúng tôi không có duyên được coi. Hôm nay may mắn gặp nhau, ngại gì mà không thi triển thần thông, khiến mọi người được mở rộng tầm mắt, tăng thêm kiến thức?
Hàn Dũ nhân đó nói:
- Nó từng tự khoe có thể chế ra rượu, bắt hoa nở, hãy bảo nó làm thử xem sao.
Tương Tử cười, nói:
- Đó chẳng qua chỉ là đạo thuật nho nhỏ, không liên quan gì tới đại đạo chân chính. Cháu xin tuân lệnh chú, đem rượu tới chúc thọ chú, và khiến hoa nở để đẹp lòng quan khách. Nhưng điều cháu kỳ vọng ở chú là bởi điều sau, không bởi điều trước. Nếu đem chút thuật mọn ra để dẫn dụ chú, quả thật đó là điều đại bất kính.
Hàn Dũ nói ngay:
- Nói lắm cũng vô dụng. Sao không mau thực hiện.
Tương Tử không trả lời, kêu người mang tới một chiếc vò rỗng, đặt ở trước sân, lấy chiếc khăn đậy lên, gõ gõ ba tiếng, miệng niệm lâm râm. Mở khăn ra, qua nhiên đầy một vò rượu. Tương Tử rót mời Hàn Dũ trước, sau tới các vị quan khách, nói:
- Thưa các vị đại nhân, rượu của bần đạo chẳng phải thứ rượu tầm thường, mà là ngọc dịch của tiên phủ. Bất luận là ai, uống vào một chén, tuổi thọ liền tăng một kỷ 1 mọi bệnh tật tiêu trừ.
Các vị khách đều cạn chén, Tương Tử mới chỉ tay vào vài ông khách ngồi trên bàn tiệc, nói:
- Mỗ đại nhân, Mỗ thượng thư, các ông vẫn có chứng bệnh ấy, bệnh nọ, bây giờ khỏi cả rồi chứ?
Nhiều vị khách chưa thấy cảm giác gì, riêng có một vị Lưu đại nhân, mắc chứng hen suyễn đã lâu, vừa uống một chén, lập tức hết đờm, hơi thở bình thường, mà trong người thoải mái, liền lớn tiếng nói với Hàn Dũ:
- Hàn đại nhân, cháu của ông đúng là thần tiên hữu đạo.
Chuyện gì khác không cần bàn, chỉ nói chuyện anh ấy ban cho một chén rượu tiên, đã khiến căn bệnh tiểu đệ ôm nửa đời người, lập tức dứt hẳn. Chẳng phải diệu đạo của thần tiên thì là gì?
Bản thân Hàn Dũ, mấy năm gần đây, cơ thể suy nhược, thường thấy đau lưng chịu không nổi, lại thêm chứng lãng tai, hoa mắt, vừa uống rượu xong lập tức mắt sáng, tai nghe rõ, mà xương cốt cũng cứng cáp, dễ chịu vô cùng, cảm động trong lòng. Nghe Lưu đại nhân nói, bất giác gật đầu vài cái, cười với Tương tử, và nói:
- Chẳng phải chú muốn làm khó gì cháu, nhưng cháu hãy trổ phép thuật làm hoa nở, để các vị đại nhân có hứng thú uống rượu.
Tương Tử vâng lời, hỏi mọi người coi ai thích ngắm hoa gì?
Mọi người cố ý nói ra những loại hoa không nở vào thời điểm này.
Tương Tử làm ra vẻ khó khăn, nói:
- Những cây hoa đó, lúc này gốc rễ đã tàn lụi, cành cây khẳng khiu. Bây giờ biết tìm đâu ra những loài hoa đó?
Hàn Dũ nói liền:
- Thấy ngay mà, cháu chỉ nói toàn là chuyện nhảm nhí.
Tương Tử đáp:
- Xin chú đừng nóng vội. Hôm nay là ngày đại thọ của thúc thúc, cháu từ xa về đây để làm gì? Nếu đem kỹ năng nhỏ nhặt ra làm trò đùa, không khỏi mang tiếng thiếu thành kính. Trên đời lúc này tất nhiên không có loài hoa đó, chỉ còn cách lên vườn hoa của Vương mẫu, mượn về là được.
Hàn Dũ vội hỏi:
- Vườn hoa của Vương mẫu cách đây bao xa?
- Nói tới lộ trình, nếu cưỡi mây bay đi, cũng phải mất chừng năm, ba năm, nếu là người phàm trần cuốc bộ phải mất hai, ba ngàn năm. Nhưng cảnh tượng thần tiên, vốn là hư hư, thực thực, núi Linh sơn ở ngay trong đầu ta, tiên cảnh gần gụi trong gang tấc. Đường lên vườn hoa Vương mẫu, cháu chỉ coi như từ trong này bước ra ngoài cửa.
Nói rồi, bước ra sân, hướng lên không trung, đưa tay vẫy. Mọi người đều nghe rõ có tiếng xào xạc, một đàn hạc trắng rất đông bay tới. Tương Tử nói:
Xin các vị đại nhân đừng cười. Đây toàn là các bạn đồng đạo của tôi từ kiếp trước. Nay tôi phải nhờ họ đi mượn hoa đem về.
Mọi người đều khuyên: chẳng nên phí tâm sức như thế. Tương Tử không nghe, dặn dò đám hạc trắng vài câu. Chúng liền bay đi, cao vút tầng mây, chốc lát biến mất. Tương Tử lại vào bàn tiệc, cùng mọi người vui uống. Hồi lâu, lại nghe tiếng hạc kêu lanh lảnh, mọi người cùng ra sân. Ngửng đầu nhìn lên, thấy vô số hạc trắng, đem về ngàn vạn loại danh hoa. Tương Tử cười nói:
- Đây là Vương mẫu chiếu cố bần đạo, thấy những con hạc do tôi sai đi, không mang hết được số hoa, nên đặc biệt phái những hạc tiên trong vườn, vác đỡ về đây.
Câu nói chưa dứt, đám hạc đã bay xuống, đậu đầy trong sân, lắc mình một cái, biến ra các đồng tử mày thanh mắt sáng, đem những bông hoa bầy khắp đại sảnh. Mọi người nhìn ngắm, thấy có những loài hoa đặc sản của một số địa phương, có những loài hoa nở ra ở các mùa khác nhau trong năm. Lại có loài hoa người trần gian chưa từng nhìn thấy bao giờ. Tất cả đều phô mầu sắc rực rỡ, tỏa hương thơm ngát khắp phòng. Trong đó, còn có một đóa hoa cực lớn, trồng trong một chiếc chậu lớn, bằng ngọc bích. Hình dạng hoa đó như hoa mẫu đơn, nhưng lớn hơn rất nhiều. Bông hoa phát ra ánh sáng lấp loáng, hiện rõ hai câu thơ:
"Ải Lam, tuyết ngập khó qua
Núi Tần, mây tỏa, quê nhà thấy đâu? ".
Hàn Dũ hỏi:
- Vậy là ý gì?
Tương Tử đáp:
- Đó là chuyện tương lai của thúc phụ. Thiên cơ khó tiết lậu, cháu chẳng dám nói trước. Chú cứ ghi nhớ lấy, sau này sẽ thấy ứng nghiệm.
Bấy giờ, Tương Tử thấy thúc phụ đã có ý tin đạo, sau khi tiệc tan, lại khổ công khuyên nhủ lần nữa. Nhưng Hàn Dũ chưa dứt tục tình, chẳng chịu nghe theo, Tương Tử đành buông một câu: – "Xin trân trọng tạm biệt!", lại trở về núi Tung sơn.
Một năm sau, Hàn Dũ vì dâng biểu can gián vua về việc rước cốt Phật, đã đắc tội, bị đày đi Triều Châu, thuộc vùng Lĩnh Nam.
Tới ngày lên đường, Hàn Dũ dẫn theo hai tên gia đinh. Tới một nơi nọ, bị lỡ độ đường, trời lại giáng xuống một trận mưa tuyết rất lớn, toàn thân ướt lạnh, bụng đói meo. Người già lâm vào hoàn cảnh này, quả thật là quá sức chịu đựng. Hai tên gia đinh ngồi co ro bên nhau, dưới một gốc cây, không ngó ngàng gì tới chủ nhân, còn buông lời oán hận chủ nữa. Hàn Dũ bất giác ngước mặt nhìn trời, cất tiếng than dài:
- Hàn Dũ ta một đời trung thực, dốc lòng tin đạo thánh hiền, vì sao lúc tuổi già còn mắc nạn, rơi vào tình trạng này?
Hai tên gia đinh nghe được, nói to tiếng:
- Đại nhân bất tất phải nói những lời oán thán. Đang yên lành ở trong triều làm quan, ông lại nói ra những lời cuồng ngôn, chọc giận thánh thượng, rõ ràng tự chuốc lấy vạ. Đến nay gặp phải thảm báo. Chỉ tội nghiệp cho hai chúng tôi, lỡ gửi thân vào quí phủ, những tưởng được sống yên lành, có việc làm ăn đàng hoàng, ai ngờ điều tốt lành chưa thấy đâu, đã phải theo chân ông, chịu nhiều khổ sở. Đường phía trước còn xa, Triều Châu lại là nơi nước độc, rừng thiêng, chúng tôi thật tình chịu không nổi vất vả. Trong nhà chúng tôi, từ người già cả đến đứa trẻ thơ, đều trông cậy vào chúng tôi để sinh sống, lỡ chúng tôi có bề gì, lấy ai nuôi họ? Xin đại nhân thông cảm, tự đi một mình, chúng tôi phải tìm đường khác mà đi thôi.
Hàn Dũ nghe vậy, kinh hãi nói:
- Hai ngươi bỏ đi, để ta ở lại một thân già, chịu chết đói, chết rét dọc đường hay sao?
Hai người kia cười nhạt, nói:
- Ông nói tức cười thật. Ông chỉ biết nghĩ đến ông, coi tính mạng lão gia của ông là khẩn yếu, mà không nghĩ tới những người dưới như chúng tôi, sinh mạng cũng quan trọng như ông vậy.
Hàn Dũ nghe chúng nói những câu vô lễ như thế, tự nghĩ lại cả cuộc đời mình, từ lúc trẻ đến lúc già, chưa từng bạc đãi người dưới. Riêng hai người này, từ đời cha mẹ đã vào hầu hạ trong phủ, kể là tình nghĩa chủ tớ đã hai đời, được thân phụ ông nuôi nấng tử tế, ngoài tiền công trả sòng phẳng, còn bỏ tiền cưới vợ cho người làm công, lập thành gia thất, những chi phí đó đều do Hàn phủ ban cho. Lần này bị biếm đi Triều Châu, ông mới đặc biệt kén chọn hai người này, cho đi theo, nào ngờ chúng không chịu nổi đói lạnh vất vả bỏ ông lại dọc đường như thế này. Cho thấy ở trên đời, lòng người không thể trông cậy.
Suy nghĩ đến đó, ông mới tìm lời thương lượng với hai tên gia nhân. Thương lượng không hiệu quả, ông nổi nóng, mắng chúng một trận. Chẳng dè, hai đứa đã rắp tâm làm phản, dùng lời dịu ngọt năn nỉ, còn chẳng ăn thua, huống hồ là chửi mắng? Hai người nghe chửi, liền vác hành lý của Hàn Dũ lên vai, đồng thanh nói: "Xin lỗi ông chủ, chúng tôi không thể hầu hạ" vội vã bỏ đi liền. Hàn Dũ biết có đuổi theo chúng cũng không kịp, đành để mặc chúng đi, cũng chẳng nghĩ tới chuyện chạy theo để đòi lại đồ vật Lúc đó, tuyết rơi ngập trời, đằng trước không thấy thôn làng, đằng sau không có chỗ trú chân. Nhìn quanh, chỉ thấy một vùng rộng lớn mấy chục dặm đều là bình nguyên, tuyết phủ trắng xóa.
Cũng may bên mình còn con ngựa bạch, hai tên giặc lưu tình, không cướp đi mất. Ngoài con ngựa đó ra, không nhìn thấy một động vật nào khác. Còn như con người, đừng trông mong được thấy. Hàn Dũ lúc đó lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, lại tự cảm thấy từ tinh thần tới thể xác, đều không kham nổi việc qua đêm lạnh, dưới ánh trăng. Vả lại qua một đêm rồi, sáng mai chẳng biết có tìm được thôn làng hay không, và tìm ra con đường nào để tới Triều Châu đây? Tưởng nghĩ bản thân đã già rồi, rốt cuộc không thoát khỏi cảnh xin ăn dọc đường, giữa chốn nhân gian. Suy nghĩ lung tung, không tìm ra cách giải quyết. Trời đã sập tối, tạm thời hãy quất roi cho ngựa tiến lên. Nào ngờ con ngựa cũng không chịu đựng nổi lạnh giá, khuỵu hai chân xuống đất, không chịu đi nữa. Ngay cả chủ nhân cũng chìm trong lớp tuyết, không thể cử động chân tay. Hàn Dũ lúc đó khổ sở vô cùng, muốn chết cho xong. So với chết bằng dao đâm, chết bằng thuốc, chết vì treo cổ, chết chìm dưới nước, thì chết vì vùi lấp dưới tuyết vẫn sạch sẽ hơn. Nhưng bản thân ta là quan đại thần, chẳng thà chết vì quốc pháp còn hơn bắt chước kẻ đàn ông, đàn bà tầm thường, tìm cái chết lãng nhách. Nghĩ đến đó, liền mím môi, cắn răng, nhắm chịt hai mắt, không quan tâm tới những bông tuyết lớn đập lên thân mình. Gió bấc thổi, lạnh buốt, đập vào mặt, đau rát. Tiếng con ngựa bạch hí lên, nghe thê lương, dường như cũng không muốn để lọt vào tai.
Hàn Dũ nằm vùi dưới đống tuyết một thời gian dài, sắc trời đã tối mịt. Bỗng nhiên, ông mở mắt ra nhìn, thì… Ô kìa, một cảnh tượng lạ lùng hiện ra. Rõ ràng mình đang nằm vùi dưới tuyết, ở giữa chốn đồng không mông quạnh, không hề có nhà cửa, thôn xóm, đã di chuyển hồi nào mà hiện giờ mình ở trong một gian lương đình? Chẳng những thế, còn có con ngựa bạch cùng chung hoạn nạn, cũng đang nằm cuộn tròn dưới đất, thở khò khè. Hàn Dũ kinh ngạc vô cùng, cứ tưởng mình đang nằm mơ. Nhất thời, ông phấn chấn tinh thần, lồm cồm ngồi dậy, đưa mắt nhìn quanh, thấy phía đối diện là một chiếc giường. trên đó một đạo nhân trẻ tuổi đang ngồi ngay ngắn. Thấy Hàn Dũ tỉnh dậy, đạo nhân vội đứng lên, tiến lại gần bên Hàn Dũ, mỉm cười, nói:
- Thúc phụ còn nhớ thằng cháu Tương Tử này hay không?
Hàn Dự định thần nhìn kỹ, nhận ra người cháu Hàn Tương Tử, đứng trước mặt mình mà cười, hiểu ngay ra Tương Tử đã thi triển thần thông, tới cứu mình, mừng rỡ không biết để đâu cho hết.
Hàn Dũ cảm động trong lòng, bầu nhiệt huyết nổi lên, khiến ông không nén được lòng, vội ôm chầm lấy Tương Tử, nước mắt rơi lã chã, hổn hển nói:
- Cháu ngoan của ta, ta không dè nổi được gặp cháu ở đây, cứ tưởng chú cháu ta gặp nhau trong mộng.
Tương Tử đỡ chú ngồi lên giường, nhắm vào ông hà hơi ba lần. Hàn Dũ chợt cảm thấy mình trẻ ra, toàn thân ấm áp, tinh thần tăng gấp bội, chẳng những quên hết nỗi khổ sở vì tuyết lạnh, mà cảm giác về những nỗi vất vả đường dài trong mấy ngày qua cũng tiêu tan tất cả. ông đứng ngay dậy, bước tới vài bước, thấy con ngựa đang nằm thở khò khè, dường như đang hấp hối, liền yêu cầu Tương Tử chữa trị cho nó. Tương Tử lại nhắm vào con ngựa, phà một hơi thở, con ngựa liền đứng bật dậy, hướng về phía chủ nhân gật đầu vài cái, ra dáng cám ơn. Tương Tử bất giác thở dài, nói:
- Vật còn như thế, người lại thua sao? Người đời vì danh, vì lợi toan tính vất vả, đến khi sắp chết, lại cầu mong được sống hết tuổi thọ, chết an lành trên giường. Kết cuộc đó chẳng đáng thương xót than thở lắm sao?
Hàn Dũ lúc bấy giờ đã hiểu rõ tiên đạo là vĩ đại, hết lòng hướng về thần tiên đại đạo, nhớ lại trước đây đã nhiều lần xua đuổi Tương Tử, lòng rất hổ thẹn, ăn năn. Tương Tử hiểu được ý chú, ngỏ lời an ủi, khen ngợi. Hàn Dũ nhân đó hỏi cho biết nơi này là đâu, Tương Tử nói:
- Thúc phụ còn nhớ câu thơ hiện ra trong khóm hoa hay không? Chỗ này có tên gọi là Lam quan.
Hàn Dũ vừa nghe, liền nhớ ra, nói lớn tiếng:
- Số đã định trước, tránh đâu cho khỏi? Chú đã nhớ ra câu thơ của cháu, nay lại gặp nhau ở đây, không thể không làm một điều gì để kỷ niệm.
Nhân đó, sáng tác một bài thơ Đường luật, cất cao giọng ngân nga:
"Sáng dâng biểu quyết can vua
Chiều nhận chiếu biếm cõi xa ngàn trùng
Đã lòng ngăn tệ trừ hung
Trung trinh dám quản long đong thân già
Ải Lam tuyết ngập khó qua
Núi Tần mây tỏa quê nhà thấy đâu?
Cháu theo chú đến Triều Châu
Xương tàn ta đó liệu sao lượm về.
(Cao Bá Vũ chuyển lục bát, theo nguyên tác:
"Nhất phong triều tấu cửu trùng thiên
Tịch biếm Triều Châu lộ bát thiên
Bản vị thánh triều trừ tệ sự
Cảm tương suy hủ tích tàn niên?
Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại?
Tuyết ủng Lam quan mã bất tiền
Tri nhữ viễn lai ưng hữu ý,
Hảo thu ngô cốt chướng giang biên")
Từ đó, Hàn Dũ một lòng hướng Đạo. Tương Tử lại dẫn chú đi gặp hai vị sư phụ Chung, Lã của mình. Hai ông nói cho Hàn Dũ biết chuyện kiếp trước. Hàn Dũ vốn thông minh tuyệt đỉnh, lại có tiên duyên, tự nhiên là dễ tỉnh ngộ. ông tu đạo chưa đầy mười năm, tâm tính đã sáng rõ. Về sau, ông lên núi Thiếu Thất, thuộc tỉnh Hà Nam để tu đạo, được Thái Bạch kim tinh dẫn lên trời, triều kiến Ngọc đế, được khôi phục chức cũ. Trên đây là những cố sự được người đời truyền lại, nói về việc "Tương Tử chín lần độ cho Văn Công".
Tương Tử sau khi độ thoát Hàn Dũ, lại về nhà độ cho mẹ là Từ phu nhân được thành địa tiên. Việc nhà đã xong, chàng lại về núi Tung sơn, tiếp tục luyện tập Huyền kinh.
Đến đời nhà Bắc Tống, Vương Nhất Chi được Thiết Quài tiên sinh cứu độ, lại sinh ra đời, làm em trai bà Tào thái hậu, có tên là Tào Đại, được người đời gọi là Tào quốc cữu. Ông này nhất tâm tu đạo không lưu luyến hồng trần, Thiết Quài tiên sinh mới kêu Lã tổ cùng Hàn Tương Tử tới khảo nghiệm một hồi. Biết được Tào quốc cữu có đạo tâm vững chắc, Tương Tử mới ở lại trong phủ quốc cữu đích thân chỉ điểm đại đạo cho quốc cữu.
Chú thích
1 12 năm.
Bát Tiên Đắc Đạo Bát Tiên Đắc Đạo - Khuyết Danh Bát Tiên Đắc Đạo