Chương 87
iờ thì ngày của chia thành ba phần tự nhiên. Buổi sáng tôi ngồi với Wayan ở cửa hiệu của cô ấy, cười và ăn. Buổi chiều với thầy mo Ketut, trò chuyện và uống cà phê. Tôi dành buổi tối trong khu vườn dễ thương, hoặc ở bên ngoài một mình và đọc sách, hoặc thỉnh thoảng trò chuyện với Yudhi khi anh đến chơi guitar. Mỗi sáng, tôi thiền khi mặt trời lên cao trên những đồng lúa, còn trước giờ đi ngủ tôi nói với bốn em trai linh hồn của mình và yêu cầu họ trông chừng khi tôi ngủ.
Tôi chỉ mới ở đây một vài tuần mà đã có cái cảm giác sứ mệnh đã gần như hoàn thành rồi. Nhiệm vụ ở Indonesia là tìm kiếm sự cân bằng, nhưng tôi không cảm thấy đang tìm kiếm bất cứ thứ gì nữa vì sự cân bằng thế nào đó đã đâu vào đấy rất tự nhiên. Chẳng phải vì tôi đang trở thành người Bali đâu (cũng như tôi không thể trở thành người Ý hay người Ấn) mà chỉ thế này – tôi có thể cảm nhận sự thanh thản của riêng mình, và tôi thích sự luân phiên thời gian những ngày của mình giữa thực hành tín ngưỡng thanh thản và vu thú với phong cảnh đẹp, bạn bè thân yêu và thức ăn ngon. Gần đây tôi đã cầu nguyện rất nhiều, thoải mái và đều đặn. Phần lớn là tôi thấy mình muốn cầu nguyện khi đang đạp xe, từ chỗ Ketut về nhà qua khu rừng khỉ và những ruộng bậc thang lúc cuối chiều chạng vạng. Tôi cầu nguyện, dĩ nhiên, để không bị xe buýt đụng nữa, hay bị một con khỉ nhảy xổ vào hay bị chó cắn, nhưng đó chỉ là chuyện lặt vặt; hầu hết cầu nguyện của tôi đều là để bày tỏ lòng biết ơn tuyệt đối về sự toại nguyện trọn vẹn của bản thân mà tôi chưa từng cảm thấy chính mình hay thế giới này làm giảm bớt đi.
Tôi cứ nhớ mãi một trong các giáo huấn của Sư phụ về hạnh phúc. Bà nói người ta ai cũng thường nghĩ hạnh phúc là một vận may, cái gì đó có lẽ sẽ rơi xuống ta như thời tiết tốt nếu ta đủ may mắn. Nhưng đó không phải là cách hạnh phúc diễn ra. Hạnh phúc là kết quả của nỗ lực cá nhân. Ta đấu tranh để có nó, nỗ lực có nó, kiên trì với nó, và thậm chí đôi khi đi vòng quanh thế giới để tìm nó. Ta phải tham gia không ngừng nghỉ vào những biểu thị phúc lành của riêng mình. Và một khi ta đã đạt đến một trạng thái hạnh phúc, ta không bao giờ được lơi lỏng việc gìn giữ nó, ta phải cố gắng ghê gớm để cứ bơi về phía hạnh phúc đó mãi mãi, để nổi trên đỉnh nó. Nếu ta không làm vậy, ta sẽ làm rò rỉ hết sự mãn nguyện vốn có của mình. Khi ta đau buồn thì đơn giản là cần cầu nguyện, còn việc tiếp tục cầu nguyện ngay cả khi cơn khủng hoảng của ta đã qua thì giống với một quá trình ghi tạc, giúp tâm hồn ta bám chặt vào những sở đắc tốt đẹp ấy.
Hồi tưởng lại những giáo huấn này khi tôi đạp xe rất tự do đi khắp Bali trong hoàng hôn, tôi cứ cầu nguyện những lời cầu nguyện đã thật sự là những lời thề, thổ lộ trạng thái hài hòa của mình cho Thượng Đế thấy và nói, “Đây là cái con muốn bám vào.
Xin hãy giúp con ghi nhớ cảm giác mãn nguyện này và giúp con luôn luôn nuôi dưỡng nó.” Tôi gửi hạnh phúc này vào một ngân hàng đầu đó, không chỉ được FIDIC[41] bảo vệ mà còn được bốn anh em trai hồn ma của tôi trông giữ nữa, giữ như một bảo đảm khỏi những thử thách tương lai trong đời. Đây là một thực hành tôi bắt đầu gọi là “Niềm Hân Hoan Chuyên Cần.” Khi tôi tập trung vào Niềm Hân Hoan Chuyên Cần, tôi cũng cứ nhớ một ý kiến giản dị người bạn Darcey của tôi từng bảo – tất cả buồn phiền và rắc rối của thế gian này do những người không hạnh phúc gây ra. Không chỉ trong bức tranh toàn cầu lớn của Hitler và Stalin mà cả trên bình diện cá nhân nhỏ nhất. Ngay cả trong đời riêng của tôi, tôi có thể thấy rõ lúc những khúc đoạn bất hạnh nhất của mình mang lại chịu đựng hay sầu não hay (ít nhất là) bất tiện cho những người xung quanh mình. Do vậy, mong cầu mãn nguyện không chỉ là hành vi bảo toàn và làm lợi lạc cho chính mình mà còn là một món quà hào phóng cho thế gian. Dọn dẹp sạch cầu não của ta sẽ dẹp ta ra khỏi đường đi. Ta ngừng lại một chướng ngại, không chỉ đối với chính mình mà còn đối với tất cả những người khác. Chỉ khi đó ta mới tự do để phục vụ và vui thích với những người khác.
Lúc này, người tôi đang thích thú nhất là Ketut. Ông già – thật sự là một trong những người hạnh phúc nhất tôi từng gặp – đang cho tôi toàn quyền tiếp cận ông, tự do hỏi bất kỳ câu hỏi dai dẳng nào về thiêng liêng, về bản chất con người. Tôi thích những loại thiền ông chỉ cho tôi, sự đơn giản hài hước của “nụ cười trong gan” và sự hiện diện đầy tính trấn an của bốn anh em hồn ma. Mới đây ông thầy mo bảo tôi là ông biết mười sáu kỹ thuật thiền khác nhau, và nhiều câu chú với tất cả các mục đích khác nhau. Một số mang lại thanh thản hay hạnh phúc, một số để có sức khỏe nhưng cũng có một số chỉ là bí nhiệm thuần túy – để đưa ông vào những cảnh giới ý thức khác. Ví dụ, ông nói, ông biết một loại thiền đưa ông “lên đó.”
“Lên đó ư?” tôi hỏi. “Lên đó là gì?”
“Lên đến bảy tầng trời,” ông nói. “Lên thiên đàng.”
Nghe thấy cái ý niệm quen quen về “bảy tầng”, tôi hỏi có phải ông có ý nói thiền của ông đưa ta qua bảy luân xa của cơ thể như Yoga thảo luận không.
“Không phải luân xa,” ông nói. “Những nơi chốn. Thiền này đưa tôi đến bảy nơi trong vũ trụ. Lên và lên. Tầng cuối cùng tôi đến là thiên đàng.”
Tôi hỏi, “Ông đã đến thiên đàng hả, Ketut?”
Ông cười. Tất nhiên ông đã đến đó, ông nói. Lên thiên đường dễ quá.
“Nó trông ra sao?”
“Đẹp. Ở đó tất cả đều đẹp. Tất cả mọi người ở đó đều đẹp. Mọi thứ thức ăn tuyệt diệu đều ở đó. Tất cả ở đó đều là yêu thương. Thiên đường là tình yêu.”
Rồi Ketut nói ông biết một loại thiền khác. “Đi xuống.” Thiền đi xuống này đưa ông xuống bảy tầng dưới thế gian. Thiền này nguy hiểm hơn. Không dành cho người bắt đầu, chỉ dành cho một bậc thầy.”
Tôi hỏi, “Vậy là ông lên đến thiên đàng trong loại thiền thứ nhất, rồi, trong loại thiền thứ hai ông phải đi xuống...!”.
“Địa ngục,” ông kết thúc câu.
Chuyện này thật thú vị. Thiên đường và địa ngục không phải là những ý niệm tôi được nghe đề cập nhiều trong Ấn giáo. Người theo Ấn giáo nhìn vũ trụ dưới dạng nghiệp, một quá trình luân hồi liên tục, nghĩa là ta không thật sự “kết thúc” bất kỳ ở đâu lúc chết – không ở thiên đường không ở địa ngục – mà chỉ đầu thai trở lại thế gian trong một thể dạng khác, để giải quyết bất kỳ mối quan hệ hay sai lầm nào ta đã để dở dang trong kiếp trước. Khi cuối cùng ta đạt được sự viên mãn, ta hoàn tất hoàn toàn vòng tròn luân hồi và tan vào Không. Khái niệm nghiệp hàm ý là thiên đường và địa ngục chỉ có trên trần gian này, nơi chúng ta có khả năng tạo ra chúng, làm ra hoặc điều thiện hoặc điều ác tùy vào số phận và nhân các chúng ta.
Tôi luôn thích khái niệm nghiệp. Theo nghĩa đen thì không nhiều lắm. Không hẳn vì tôi tin mình đã từng là người phục vụ quầy rượu của Cleopatra – mà một cách ẩn dụ hơn. Triết học về nghiệp hấp dẫn tôi trên bình diện ẩn dụ vì ngay cả trong một kiếp người rõ ràng là chúng ta cứ lặp lại sai lầm của mình thường xuyên, lúc đầu vào cũng những thói nghiện và thôi thúc cũ mèm đó, tạo ra cũng những hậu quả đáng thương cũ rích và thường là tai họa đó, cho đến khi cuối cùng chúng ta dừng lại và điều chỉnh. Đây là bài học tối cao của nghiệp (nhân tiện, cũng chính là của triết học phương Tây) – quan tâm đến những vấn đề bây giờ, nếu không sau này ta sẽ lại đau khổ khi ta làm rối tung mọi thứ lần tới. Và lặp lại đau khổ - đó là địa ngục. Ra khỏi sự lặp lại bất tận đó để đến một trình độ hiểu biết mới – đó là nơi ta sẽ tìm thấy thiên đường.
Nhưng ở đây Ketut đang nói về thiên đường và địa ngục theo một cách khác, như thể chúng là những nơi chốn có thật trong vũ trụ mà ông đã thực sự đến thăm. Chí ít thì tôi nghĩ đó là điều mà ông muốn nói.
Cố gắng làm rõ điều này, tôi hỏi, “Ông đã đến địa ngục rồi hả Ketut?’
Ông cười. Tất nhiên ông đã đến đó.
“Ở địa ngục ra sao?”
“Cũng y như ở trên thiên đường,” ông nói.
Ông thấy vẻ hoang mang của tôi và cố giải thích, “Vũ trụ là một vòng tuần hoàn, Liss.”
Tôi vẫn không chắc mình đã hiểu.
Ông nói, “Lên, xuống – tất cả đều là một, rốt cuộc là thế.”
Tôi nhớ một ý niệm huyền bí Cơ đốc giáo xưa: Bên trên thế nào, bên dưới cũng vậy. Tôi hỏi, “Vậy làm sao ông có thể nói sự khác biệt giữa thiên đường và địa ngục?”
“Là cách thức ta đi. Thiên đường, ta đi lên, qua bảy nơi vui vẻ. Địa ngục, ta đi xuống, qua bảy nơi buồn khổ. Đấy là lý do đi lên thì tốt hơn, Liss.” Ông cười.
Tôi hỏi, “Ý ông là, chi bằng suốt đời ta nên đi lên trên, qua bảy nơi hạnh phúc, vì thiên đường và địa ngục – các điểm đến – dù sao cũng như nhau.”
“Cũng vậy vậy,” ông nói. “Cuối cùng cũng như nhau. Nên tốt hơn là hạnh phúc trên hành trình.”
Tôi nói, “Vậy, nếu thiên đường là tình yêu, thế thì địa ngục là...”
“Cũng là tình yêu,” ông nói.
Tôi ngồi nghĩ điều đó một lúc, cố hiểu cho ra.
Ketut lại cười, trìu mến vỗ lên đầu gối tôi.
“Chuyện này luôn rất khó hiểu đối với một người còn trẻ!”
Ăn Cầu Nguyện Yêu Ăn Cầu Nguyện Yêu - Elizabeth Gilbert Ăn Cầu Nguyện Yêu