Hồi 81 - Cơm Chẳng Lành Canh Chẳng Ngọt
oàng hậu Phú Sát đi thẳng vào ngự sàng, chẳng báo hiệu để ai đó đánh thức Càn Long hoàng đế. Bỗng bà quỳ xuống đất, rút phắt chiếc trâm cài đầu, để cho mái tóc mây xoã buông rơi tận đất. Bà rút trong bọc ra bản "Tổ huấn" đọc vang lên giữa lúc hoàng đế đang ôm hai gái lầu xanh ngủ miết. Hai ả này không dám nhắm mắt từ khi đi nằm, bỗng thấy một bà có vẻ quý phái bước vào, biết rằng bà này hẳn chẳng phải bọn phi tần tầm thường nên khẽ lay lay hoàng đế.
Càn Long hoàng đế giật mình tỉnh dậy, nghe có người đọc lời "Tổ huấn" đành nhảy ra khỏi đống chăn, vội mặc áo, quỳ ngay trên đống chăn, cung kính nghe. Đợi khi lời Tổ huấn đã đọc xong, ngài bước xuống giường hầm hầm nổi giận, hết hàm ngó thẳng mặt hoàng hậu gắt hỏi:
- Hậu xuất kinh hồi nào?
Hoàng hậu cúi đầu đáp:
- Không tâu rõ cho hoàng thượng hay, thần thiếp thật đáng tội muôn thác, thần thiếp xuất cung cùng lúc với hoàng thượng. Rồi từ đó, thần thiếp ở hầu hạ Thái hậu nên chưa tới thỉnh an hoàng thượng được.
Nghe nói câu này, Càn Long hoàng đế lại càng giận tức thêm. Ngài cười nhạt nói:
- Rõ khéo cho một bà hoàng hậu chẳng biết thể thống là gì! Hậu lẻn theo gót trẫm phải chăng để giám sát hành động của trẫm?
Câu hỏi này đánh trúng ngay tim bà Phú Sát nên bà không trả lời được. Càn Long hoàng đế lại hỏi tiếp:
- Hậu lẻn theo gót trẫm để giám sát hành động của trẫm cũng được đi. Nhưng giữa lúc đêm khuya, hậu xông vào phòng ngủ của trẫm có phải để mưu sát trẫm không?
Câu này quả hết sức nặng nề! Hoàng hậu uất giận đến biến hẳn sắc mặt. Bà ứa đôi hàng lệ nói:
- Hoàng thượng vu vạ thế, bảo tiện thiếp làm, sao chịu nổi. Tiện thiếp đã giữ ngôi trung cung tỷ, đương nhiên thánh giá có bề gì đó là bổn phận của tiện thiếp phải hầu hạ lo toan. Nay nghe nói hoàng thượng có những hành vi quá đáng, tiện thiếp phải liều mình tới khuyên can. Nếu đến ban ngày thiếp e sợ lộ hình tích mất cả thể thống, nên mới nhè lúc đêm khuya mà tới, những mong hoàng thượng suy nghĩ lại. Bọn con gái gió trăng, ai cũng làm chồng được. Hoàng thượng chớ nên gần chúng, nếu có điều gì bất trắc, có phải tiện thiếp tội đáng muôn thác không?
Bị hoàng hậu phá mất giấc mộng đẹp, Càn Long hoàng đế trong lòng đã lấy làm tức giận rồi. Nay lại nghe bà nói như răn dậy, ngài chịu không nổi nữa. Ngài đập mạnh tay vào chiếc chuông nhỏ ở đầu giường, tức thì bốn tên thái giám vội vã bước vào, Ngài chỉ vào hoàng hậu và hất hàm quát bảo:
- Kéo ngay ra cho ta.
Bọn thái giám chẳng dám trễ nải, cung kính bước tới, nâng hoàng hậu đứng dậy. Bà vừa khóc vừa nói:
- Nếu hoàng thượng bất chấp cả danh vị của thần thiếp thì cũng xin nhớ tới tình nghĩa vợ chồng ân ái một thời, sao lại có thể vô tình đến thế được? Hoàng thượng tức giận đến đâu mặc dầu, thần thiếp cũng chỉ xin hoàng thượng xem cho hết bản tấu chương này, lúc đó thần thiếp dù có chết cũng cam lòng, chẳng dám oán hận.
Nói đoạn, bà dâng cao bản tấu chương lên qua đầu. Hoàng đế chẳng còn cách nào khác, đành phải tiếp lấy tờ sớ. Ngài mới xem ước được độ vài dòng, thấy ý kiến trong sớ nào so ngài với Tuỳ Dạng Đế, nào sánh ngài như Chính Đức Đế, bất giác nổi khùng ném toẹt xuống đất, chạy tới, giơ thẳng cánh tát vào má trái, tiếp theo một tát nữa vào má phải, mạnh đến nỗi đôi má của hoàng hậu đỏ rực lên như gấc chín, miệng trào máu ra có giọt. Bọn thái giám vội chạy tới che đỡ cho bà.
Càn Long hoàng đế lúc đó giận hầm hầm, vội lấy chiếc mũ trùm đầu chụp vào, chạy ra khỏi khoang nói:
- Đi gặp Thái hậu!
Phú Sát hậu dùng hai gối lết tới mấy bước, chặn ngang lối ra, ôm cứng lấy chân hoàng đế, liều chết không buông.
Bà nghẹn ngào nói:
- Hôm nay hoàng thượng dù có giết ngay thần thiếp cũng xin xem hết bản tấu chương của thần thiếp đã, rồi hãy đi cũng chưa muộn.
Càn Long hoàng đế bị hoàng hậu ôm chặt lấy chân, chẳng còn cách gì thoát được, nên máu giận càng bừng bừng, ngài co căng lên, lấy hết sức đạp bà. Thương thay cho hoàng hậu bị cái đạp mạnh, đau quá ngất luôn.
Càn Long hoàng đế chẳng thèm quay đầu nhìn lại, xông thẳng ra mũi thuyền, nhảy lên bờ, có thị vệ kèm bên, chạy thẳng tới thuyền của Thái hậu. Lúc này trời đã sáng, thái hậu đang trang điểm. Bọn thị nữ vào tâu:
- Có đức vạn tuế giá tới!
Thái hậu bất giác giật mình. Bà vội nhìn ra thì thấy hoàng đế ăn vận hết sức lôi thôi, mặt hầm hầm, bước vội vào khoang. Ngài chỉ kịp vấn an Thái hậu, xong là kể ngay ra tội của hoàng hậu; nào kiếm chuyện gây gổ, nào làm mất thể thống triều đình. Ngài còn thêm:
- Đã xông vào lúc đêm khuya là có lòng bất trắc, xin thái hậu hạ chiếu "tứ tử" (cho lệnh để tự vận mà chết).
Hoàng thái hậu nghe lấy làm lạ bèn nói:
- Ta vừa nghe tâu hoàng hậu vẫn đang ở khoang sau vậy còn có hậu nào tới ngự chu nữa?
Nói đoạn, bà cho gọi ngay bọn thái giám và cung nữ hầu hạ hoàng hậu tới, truyền lệnh lôi viên thái giám tổng, quản ra ngoài dùng côn đập chết, một mặt sai thái giám cầm cờ tiết của thái hậu sang ngự chu triệu hoàng hậu về.
Một lát sau, hoàng hậu về tới. Hoàng thái hậu nhìn cô con dâu đầu bù tóc rối, máu lệ đầy mặt, thở dài nói:
- Đến thế này thì thể thống hoàng hậu còn gì nữa chứ?
Hoàng hậu Phú Sát chỉ khóc mùi, chẳng nói được câu nào.
Càn Long hoàng đế ngồi bên cứ một mực giục thái hậu hạ chiếu "tứ tử" hoàng hậu. Thấy hoàng đế không còn lấy một chút tình nghĩa lửa hương nào nữa, trong lòng hoàng hậu bất giác nguội lạnh như tro tàn. Bà thừa lúc mọi người chung quanh sơ hở, bèn chạy ra mũi thuyền, nhảy đại xuống dòng sông.
Đáng thương thay một đời mẫu hậu trong chốc lát đã theo ngọn sóng trôi xuôi mất tung biệt tích. Đứng trước hành động ấy của người vợ đau khổ như thế mà Càn Long hoàng đế vẫn thản nhiên, coi như một kẻ xa lạ không liên hệ gì với mình. Thật đáng buôn cho nhân tình thế thái!
Đến lúc này thì Thái hậu chợt cảm thấy nỗi lòng hoàng hậu thật đáng thương. Bà vội truyền lệnh tìm kiếm, dù hoàng hậu còn sống hay đã chết. Hai bên bờ, bọn binh sĩ cùng dân chúng, ai nấy hối hả kẻ lao xuống nước, người nhẩy lên thuyền, thượng lưu cũng như hạ lưu khúc sông đầy nghẹt những người là người, mãi khi tới mé dưới cầu Ngọc Long mới thấy. Hoàng hậu lúc này đã uống, no nước, mê man không còn biết gì nữa.
Bọn thái giám ba chân bốn cẳng khiêng hoàng hậu chạy bộ lên thuyền, đặt nằm tại khoang sau. Bà mửa ọe ra không biết bao nhiêu nước, lúc đó mới tỉnh lại. Bà nằm liệt giường luôn ba ngày chẳng dậy được, lòng hết sức đau đớn, chẳng khác gì muôn mũi tên đâm xỉa vào. Qua ngày thứ tư, lòng bà bỗng thấy thư thái lạ thường.
Chủ ý đã định, bà thừa lúc bọn cung nữ không có ở bên cạnh, bèn rút cây dao bằng vàng trong tay áo ra rồi xoẹt một tiếng, đã cắt gọn mớ tóc mây sát tận đến chân. Bà bước lên khoang trước cầu khẩn Thái hậu gia ân cho bà vào chùa quy y cửa Phật.
Hoàng Thái hậu thấy sự việc đã đến nước này, không còn cách gì cứu vãn được nữa, bèn nâng Hoàng hậu dậy rồi nói:
- Khi qua Sơn Đông, ta thấy cạnh hồ Đại Minh có một toà Thanh Tâm am, sơn thuỷ hữu tình, có thể tịnh tâm tu hành được. Nay ta cho người đưa ngươi tới đó ở tạm. Đợi khi nào hoàng thượng hồi loan, ta sẽ đưa người về kinh, người bằng lòng như vậy chứ?
Phú Sát hậu nghe nói, quỳ xuống tạ ơn. Lúc đó Thái hậu mới cho gọi bốn tên tiểu thái giám tới, dặn chúng mướn một chiếc thuyền lớn đưa hết quần áo đồ đạc của hoàng hậu xuống, mời hoàng hậu qua thuyền rồi đưa bà thẳng tới Thanh Tâm am ở phủ Tế Nam.
Bọn văn võ quan viên tỉnh thành Sơn Đông thấy hoàng hậu giá tới, nhất tề chạy đến đón rước. Từng đoàn quyến thuộc của bọn quan viên cung nườm nượp đến hầu hạ, dâng lễ cho bà.
Từ sau hôm vào am, Phú Sát hậu chỉ bầu bạn với một bà ni già. Nhất thiết quan viên phủ huyện lui tới thăm viếng, bà đều tạ tuyệt. Mãi về sau bà được tin hoàng Thái hậu và hoàng đế đã về kinh cả, lại biết tin hoàng thượng hạ chỉ truất phế danh hiệu Hiếu Hiển hoàng hậu của bà. Được tin này, bà khóc ròng ba ngày ba đêm, một hột cơm cũng không ăn. May nhờ được bà ni cô già khuyên can an ủi mãi bà mới bỏ ý định tuyệt thực.
Người đời thường bảo "hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai". Điều này sai ở đâu chứ nhất định đúng đối với hoàng hậu Phú Sát. Từ khi bị Càn Long hoàng đế truất phế thì sự cung dưỡng của bọn quan lại địa phương cũng đoạn tuyệt từ đó bọn quan gia quyến thuộc chẳng thèm lui tới hỏi han, ngay cả ni cô già cũng lạnh nhạt với bà nữa. Bốn tên tiểu thái giám hầu hạ bà lâu nay nghe tin đó cũng bỏ bà mà đi luôn mất ba, chỉ còn lại có một. Tiếp đến đêm hôm rầm tháng tám, bỗng có hơn mười tên cướp băng cửa am nhảy vào, chẳng thèm lấy cái gì khác mà chỉ vét riêng có hòm đựng quần áo và đồ nữ trang của bà. Bà vừa sợ hãi vừa đau khố, đích thân lên cửa quan báo cướp và đòi quan phủ lùng bắt bọn cường đồ. Nhưng viên quan thấy bà đã thất sủng chỉ ầm ừ vâng dạ cho qua. Bọn cường đạo đã biến mất, bà kiểm lại tư trang của bà thì thấy hết sạch chẳng còn sót lại chút gì! Đáng buồn thay cho một bà hoàng cành vàng lá ngọc gặp phải vận xui mà đến nỗi phải nấu cơm làm bếp lấy, duy chỉ còn có một tên tiểu thái giám hầu hạ sớm hôm mà thôi. Sống giữa nơi sơn cùng thuỷ tận, Phú Sát hậu đã có đôi lần muốn thoát nợ trần cho xong nhưng đều nhờ được tên tiểu thái giám cứu sống cả. Từ đó, bà cùng tên tiểu thái giám, hai người cam nghèo chịu khổ, tựa nhau mà sống cho qua ngày đoạn tháng.
Tình cảnh của hoàng hậu thì bi thương như vậy mà Càn Long hoàng đế hình như bịt mắt che tai chẳng ngó ngàng gì tới. Chính giữa lúc bà đang cùng quẫn nhất thì hoàng đế đang say sưa chuốc chén bên gái đẹp. Trong nhóm đại thần tuỳ tùng trong cuộc Nam tuần, có một vị tên gọi Lương Thi Chính, thấy hoàng đế hoang dâm vô độ cũng dâng một tờ sớ khuyên ngài nên gìn giữ mình vàng.
Nhưng Càn Long hoàng đế lúc đó đang lạc vào mê hồn trận thì nào có chịu nghe. Chẳng những thế, ngài còn ra lệnh gọi Chính tới ngự chu cho một bài học nên thân với những câu nói thậm tệ:
- Ngươi được làm Đại học sĩ chỉ là do ý trẫm thấy ngươi làm thơ hay. Nuôi ngươi cũng như nuôi gái lầu xanh, bất quá chi để mua vui mà thôi. Ấy thế mà ngươi lại dám cả gan can thiệp tới công việc của trẫm nữa à?
Bài học nhục nhã này làm cho bá quan văn võ tái xanh mặt mày, từ đó anh nào cũng khoá mồm buộc lưỡi lại, chẳng dám khuyên can nữa.
Càn Long thấy mình ở trong ngự chu có bọn nội giám, thị vệ đông đảo hầu hạ, tai mắt ắt nhiều, không thể nào chơi bời phóng túng được. Bởi vậy, ngài bàn tính với mấy tên thái giám thân tín, đợi tới đêm khuya, vi hành tới hẳn các tổ quỉ cho tự do thoải mái hơn. Nhờ những đêm vi hành này, ngài được biết, qua cửa miệng của bọn chơi, là tại đất Tô Châu, gái làng chơi xinh đẹp nhất phải kể Ngân Hồng. Ngân Hồng còn có một cô em gái tên gọi Tiểu Hồng. Nếu đem sánh với chị, Tiểu Hồng e còn có phần đẹp hơn. Song Tiểu Hồng tính tình lạnh nhạt, ít chịu tiếp khách, bởi vậy nàng vẫn còn là một xử nữ. Dò được tin này, hoàng đế tỏ ra thích lắm. Ngài bèn buộc tên thái giám phải đưa tới nhà Ngân Hồng.
Không ngờ Càn Long hoàng đế đi chuyến này luôn một lèo bảy ngày chẳng thấy về thuyền, hoàng Thái hậu cung quan viên văn võ Tô Châu hoảng sợ bấn loạn cả lên. Phú đài Giang Tô vội phát lạc toàn ban tuần bộ hợp lực cùng bọn khoái huyện Nguyên Hoà bủa đi khắp nơi trong thành ngoài chợ, hang cùng ngõ hèm, phố lớn đường con, tra xét tìm kiếm rầm rộ om sòm…
Mãi đến ngày thứ tám người ta mới biết được tin hoàng đế. Thì ra ngài bị người ta bắt trói trong chuồng ngựa. Nhờ được một tên giữ ngựa chạy tới nha môn phủ đài báo tin, bọn văn võ quan viên mới được biết, bèn hối hả tới đón hoàng đế đưa về thuyền. Thái hậu lúc đó mới yên tâm. Tại sao hoàng đế lại bị nhốt trong chuồng ngựa. Câu chuyện khá ly kỳ xin xem hồi sau sẽ rõ.
Thanh Cung Mười Ba Triều Thanh Cung Mười Ba Triều - Hứa Tiếu Thiên Thanh Cung Mười Ba Triều