Huynh Đệ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Vĩ Thanh
hấm thoát đã ba năm trôi qua, người ra đi kẻ ra đời. Ông Lão Quan mài kéo đã ra đi. Ông Trương thợ may cũng ra đi. Nhưng trong ba năm ba cháu nhỏ họ Quan và chín cháu nhỏ họ Trương đã ra đời. Thị trấn Lưu chúng tôi sáng mặt trời mọc, tối mặt trời lặn đời đời vẫn thế.
Không ai biết cái chết của Tống Cương đã để lại dấu ấn gì trong lòng Lâm Hồng, chỉ biết chị đã xin thôi việc ở Xưởng dệt kim, lại dọn khỏi ngôi nhà gác trước kia. Bằng số tiền phúng viếng của bữa tiệc đậu phụ, chị mua một ngôi nhà mới, ở một mình, sáu tháng trời cứ ở lì trong nhà, rất ít đi ra ngoài. Dân chúng thị trấn Lưu hiếm lắm mới nhìn thấy chị, có nhìn thấy cũng chỉ là một khuôn mặt có vẻ lạnh lùng. Dân chúng bảo, chị có vẻ mặt bà goá. Chỉ có rất ít người cẩn thận tỉ mỉ mới nhận ra sự thay đổi của chị. Những người này nhận xét chị ăn diện càng ngày càng mốt, càng ngày càng sang, toàn đồ xịn. Sau khi để không nửa năm trời, Lâm Hồng đã bắt đầu xuất đầu lộ diện tại ngôi nhà cũ ngày xưa, chấm dứt đời sống ẩn dật của chị, lại trở về trong tầm nhìn của dân chúng thị trấn Lưu. Sau khi tu sửa trang trí lại, ngôi nhà cũ đã biến thành cửa hiệu làm đầu, chị đứng ra làm bà chủ. Cửa hiệu làm đầu của Lâm Hồng từ đó trở đi, âm nhạc xập xình, đèn nê ông nhấp nháy, làm ăn buôn bán càng ngày càng sầm uất. Cánh nam giới thị trấn Lưu chúng tôi khi đến cửa hiệu của Lâm Hồng, không gọi cái từ ngữ quê mùa "cắt tóc", anh nào cũng gọi theo mốt Tây "làm đẹp mái tóc". Những ai ngày thường nói năng thô lỗ, cũng không nói "cắt tóc". Họ bảo: "Mẹ kiếp, làm đẹp mái tóc một phát".
Thời gian này, Chu Bất Du của cửa hàng điểm tâm bên kia phố vẫn tuyên bố: Trong vòng ba năm phải mở một năm cửa hàng điểm tâm liên hoàn Chu Bất Du. Chu Bất Du nói vậy đã ba năm, không những chưa có một cửa hàng ở bên ngoài, ngay đến hai cửa hàng khác ở thị trấn Lưu cũng không hề động tĩnh. Chu Bất Du vẫn ba hoa khoác lác, vẫn thề thốt phải làm cho thị trường cổ phiếu của Mardonan sụt giá năm mươi phần trăm. Tô Muội quá quen với lối bốc khoác của Chu Bất Du. Chị biết quý ông chồng ban ngày không bốc khoác, ban đêm không xem phim Hàn Quốc, sẽ sống chẳng thà chết. Chị cũng chả thèm xấu hổ cho chồng làm quái gì cho mệt xác.
Trong khi cửa hàng điểm tâm của Chu Bất Du vẫn y nguyên như cũ, thì cửa hiệu làm đầu của Lâm Hồng đã lặng lẽ thay đổi. Lúc đầu chỉ có ba thợ cắt tóc nam, ba thợ gội đầu nữ. Sau một năm, các tiểu thư đến tới tấp, các cô đến từ trời nam đất bắc, năm hồ bốn bể, cao có thấp có, gầy có béo có, đẹp có xấu có, cô nào cũng hở ngực hở lưng váy mi ni, tất cả hai mươi ba người. Sau khi đến thị trấn Lưu, các cô ở trong ngôi nhà gác sáu tầng. Các gia đình ở cũ lần lượt dọn đi hết. Nhà thơ Triệu cũng chuyển đi. Lâm Hồng bỏ tiền thuê các căn hộ một phòng một sảnh của họ. Sau khi sửa chữa trang trí lại, mỗi cô ở một phòng một sảnh. Cả ngôi nhà lúc nào cũng ríu rít giọng nam điệu bắc.
Những tiểu thư này ban ngày đều ngủ. Đến tối lại tấp nập nhộn nhịp. Hai mươi ba cô môi son má phấn, ngồi chen nhau trong cửa hiệu làm đầu ở gác dưới ngôi nhà gác, giống như hai mươi ba chiếc đèn lồng đỏ sáng lấp la lấp lánh, đon đả mời chào khách đến. Bọn đàn ông đứng ở bên ngoài, từng cặp mắt, từng cặp mắt cứ hau háu nhìn vào. Ngồi ở bên trong, cô nào cô nấy liếc mắt đưa tình. Sau đó cửa hàng làm đầu, giống như một chợ đen, xôn xao tiếng kì kèo mặc cả giá. Bọn đàn ông nói nhỏ nhẹ, thận trọng, y như mua hêrôin. Các cô gái nói thẳng thừng, y như bán đồ mỹ phẩm. Tìm được tiểu thư, ngã xong giá, các cô các chàng bá vai bá cổ đi lên cầu thang. Trong cầu thang những người đàn ông đàn bà nói nói cười cười chuyện nở như ngô rang. Sau khi đi vào buồng, trong ngôi nhà sáu tầng giống hệt một vườn bách thú, không thiếu một thứ tiếng gì, trở thành cuốn từ điển bách khoa toàn thư khổng lồ về tiếng làm tình của đàn ông đàn bà.
Dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi ai cũng gọi nơi đây là khu đèn đỏ. Cửa hàng điểm tâm của Chu Bất Du bên kia phố nhìn sang khu đèn đỏ, cũng ăn nên làm ra, khách vào tấp nập, tiền vào cuồn cuộn, mỗi ngày đong được một đấu vàng. Trước kia cửa hàng điểm tâm cứ đến mười một giờ đêm là đóng cửa dọn dẹp, bây giờ làm việc thông tầm suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Bắt đầu từ một giờ sáng, cho mãi đến bốn năm giờ sáng, khách ra khỏi khu đèn đỏ và các tiểu thư cứ nườm nượp qua phố, đi vào cửa hàng điểm tâm. Sau khi ngồi xuống, ăn bánh bao nhỏ có ống mút, mồm cứ mút chùn chụt.
Thị trấn Lưu chúng tôi ai đã thật sự chứng kiến tận mắt quỹ đạo cuộc đời của Lâm Hồng? Một thiếu nữ ngây thơ trong trắng, dễ xấu hổ. Một cô gái ngọt ngào khi tình yêu chớm nở. Một người vợ hiền nết na trong tim chỉ có Tống Cương. Một người tình điên cuồng làm tình ba tháng với Lý Trọc. Một bà goá sống buồn rười rượi. Một người đàn bà độc thân nét mặt thờ ơ, ở ẩn trong nhà rất hiếm ra ngoài. Sau đó cửa hiệu làm đầu xuất hiện, khách đến đông, một bà chủ hễ nhìn thấy khách là đon đả chào mời, cũng ra đời đúng thời cơ. Sau khi những cô gái môi son má phấn lần lượt kéo đến, Lâm Hồng càng sốt sắng ứng xử khôn khéo, không mất lòng ai. Những cô gái này không gọi chị là Lâm Hồng. Ai cũng gọi Lâm Hồng là Chị Lâm. Lâm Hồng biến thành một Chị Lâm hoàn toàn khác hẳn. Khi thấy khách đến cửa, chị cười toe toét, giọng cứ ngọt xớt. Nhưng khi đi ra phố lớn, gặp những đàn ông không dính dáng gì đến làm ăn buôn bán, ánh mắt chị cứ lạnh lùng tỉnh khô.
Chị Lâm lúc này, tuy đuôi mắt và vầng trán bò đầy những nếp nhăn ly ty, nhưng vẫn đẫy đà lẳng lơ, bao giờ cũng mặc quần áo màu đen bó sát người. Mông tròn lẳn. Ngực ngồn ngộn. Tay phải chị suốt ngày cầm điện thoại di động, không lúc nào buông tay, y như cầm thỏi vàng. Điện thoại di động của chị réo suốt đêm ngày. Gần như lúc nào chị cũng cười tít mắt, nói vào máy điện thoại di động, nào là "cục trưởng à", "giám đốc à", "anh à", "em à" sau đó chị sẽ nói:
- Mấy em cũ đi rồi, có mấy em mới đến, đứa nào cũng trẻ đẹp.
Tiếp theo nếu chị bảo: "Tôi đưa đến cho ngài xem", thì phía bên kia nhất định là khách sộp, không là quan lớn, cũng là ông chủ bự trong huyện. Nếu chị bảo "ngài đến xem thử", thì phía bên kia cũng sẽ là một khách thường, một ông chủ nhỏ, hay một quan tép riu. Nếu khách thuộc tầng lớp ăn lương gọi điện đến, chị vẫn cười tít mắt, chỉ đổi sang giọng khác, trả lời ngắn gọn:
- Cô nào ở chỗ tôi cũng xinh đẹp.
Ông Đồng thợ rèn là khách sang của Lâm Hồng. Năm nay ông đã ngoài sáu mươi tuổi. Vợ ông còn hơn ông một tuổi. Ông đã mở ba siêu thị ở thị trấn Lưu chúng tôi. Ông Đồng thợ rèn đã là Đồng Tổng giám đốc, gọi nôm na là "Đồng Tổng". Nhưng ông không cho phép nhân viên gọi mình là "Đồng Tổng", vẫn gọi ông là "Đồng thợ rèn". Ông vẫn bảo gọi ba chữ "Đồng thợ rèn", nghe ra có vẻ vẫn hừng hực sức sống.
Đồng thợ rèn ngoài sáu mươi tuổi tinh lực vẫn dồi dào như một thanh niên. Hễ nom thấy gái đẹp, cặp mắt cứ sáng quắc, như kẻ cắp nhìn thấy tiền. Lúc hơn năm mươi tuổi, bà vợ béo phì của ông đã mổ hai lần. Đầu tiên cắt bỏ một phần hai dạ dầy, sau đó lại cắt bỏ toàn bộ tử cung. Trong mấy năm bà gầy đi một nửa. Sau khi thân thể suy sụp, vợ ông khô gầy như củi, ham muốn tình dục cũng suy sụp hoàn toàn, trong khi Đồng thợ rèn vẫn hừng hực sức sống, ít nhất cũng phải làm hai quắn một tuần. Lần nào cũng làm cho bà xã đau lên đau xuống, khốn khổ chẳng thiết sống. Vợ ông bảo lần nào xong, cũng giống như mổ cắt bỏ tử cung, khiến bà hai tháng sau vẫn chưa trở lại bình thường. Nhưng cái lão chết tiệt Đồng thợ rèn máu mê, vừa mới được dăm hôm lại lân la đòi hỏi.
Để mình sống được lâu, vợ ông Đồng thợ rèn đã nhất quyết từ chối. Giống như con lợn đực lên cơn động cỡn không tìm ra lợn nái để trút xả, Đồng thợ rèn hậm hực giận cá chém thớt. lúc ở nhà đập bát ném đĩa, ra siêu thị lại rầy la nhân viên, có lần còn choảng nhau to với một khách hàng. Cảm thấy cứ kéo dài tình trạng này, sớm muộn gì cũng sinh chuyện, sớm muộn gì cũng bị người đàn bà khác lôi kéo, nuôi công khống vợ hai vợ ba vợ bốn vợ năm vợ sáu vợ bảy vợ tám ở ngoài, tiền của Đồng thợ rèn vất vả khổ sở mới kiếm được, mình vẫn ki cóp, tiếc không dám tiêu, rút cuộc lại rơi hết vào tay những con đàn bà khác. Sau khi cân nhắc thiệt hơn, bà vợ ông Đồng thợ rèn đành cắn răng dẫn đức ông chồng đến chỗ chị Lâm, nhờ các tiểu thư dưới trướng chị Lâm chữa giúp cái tính cái nết nóng nẩy bộp chộp của chồng. Các cô gái đòi chi tiền bồi dưỡng, chị Lâm đòi thu chi phí quản lý, cũng nằng nặng tay. Vợ ông Đồng thợ rèn tuy xót ruột khoản tiền này, nhưng nghĩ lại, coi như đưa chồng đi bệnh viện chữa bệnh. Tiền đáng tiêu vẫn nên tiêu, nghĩ vậy bà cũng yên tâm hơn. Bà cảm thấy coi như của mất còn người, tốn tiền tránh được tai hoạ.
Ông Đồng thợ rèn lần nào đến chỗ Lâm Hồng cũng đàng hoàng không ngần ngại sợ sệt, lần nào bà xã cũng thân chinh dẫn đi. Bà vợ ông lỗ vốn thua thiệt với các cô. Bà tự tay chọn gái, ngã giá đâu vào đấy, trả tiền tử tế rồi mới về. Ông Đồng thợ rèn ở lại tuyên chiến, cùng cô gái quần nhau một trận sống mái trên giường. Còn mình, bà ngồi trong nhà chờ ông về báo tin chiến thắng.
Lần đầu tiên Đồng thợ rèn chơi gái hơn một tiếng đồng hồ mới về đến nhà, bà xã rất không hài lòng. Bà hỏi hay là ông yêu con bé rồi? Ông bảo, đằng nào cũng tiêu tiền, sao không thêm nếm một chút? Ông nói:
- Như thế mới gọi là đầu vào tỉ lệ thuận với đầu ra.
Bà Đồng cảm thấy chồng nói có lý. Mỗi lần ông đi chơi gái về, bà quan tâm đầu tiên là chuyện thời gian bao lâu. Tuy ngoài sáu mươi tuổi, ông Đồng vẫn rất máu mê, gần như lần nào cũng kéo dài hơn sáu mươi phút. Bà Đồng hết sức hài lòng, cảm thấy đầu vào và đầu ra thành tỉ lệ thuận. Ông Đồng cũng có lúc trạng thái không ổn, có mấy lần chỉ ba mươi phút đã bỏ cuộc. Bà Đồng cáu lắm, cảm thấy đầu vào nhiều hơn đầu ra, cần phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư, sửa mỗi tuần đầu tư cho chồng hai lần thành một lần.
Ông Đồng cảm thấy mình hết sức oan uổng. Để đỡ tốn tiền bà tìm cho ông cô nào cũng xấu. Mới đầu cũng còn coi được, cô gái tuy không xinh đẹp, nhưng trẻ lắm. Về sau ông Đồng dần dần tỏ ra không khoái lắm đối với gái không đẹp. Hợp đồng "đại chiến" với cô gái tự nhiên giảm dần. Rốt cuộc trong ngôi nhà của Lâm Hồng còn có những cô gái rất xinh đẹp. Ông Đồng nhìn ngó, thèm rỏ dãi. Ông van xin bà xã lần sau phải tìm cho ông một cô xinh đẹp. Bà Đồng không đồng ý. Bởi vì gái đẹp đòi nhiều tiền. Giá thành đầu tư sẽ tăng vọt. Ông Đồng thề với vợ, chỉ cần gái đẹp, nhất định ông sẽ xài hai tiếng đồng hồ trở lên, nhất định phải thu hồi đầu tư, kiên quyết không để lỗ.
Lấy nhau mấy chục năm, ông Đồng luôn luôn nghênh ngang kiêu ngạo tự mãn trước mặt vợ, nhất là sau này mở cửa hàng, lại mở cả siêu thị liên hoàn, thành công trong sự nghiệp khiến ông càng giương giương tự đắc, thường xuyên lên mặt dạy bảo quát mắng vợ. Bây giờ khi van nài vợ tìm cho mình gái đẹp, ông không tiếc quỳ xuống, nước mắt lưng tròng. Trông điệu bộ đáng thương của chồng, bà Đồng mủi lòng nghĩ, trước kia ông ấy mạnh mẽ lắm, bất giác bà lắc đầu thở dài:
- Đàn ông đàn ang gì mà yếu đuối đến thế?
Nói xong bà đồng ý vào những ngày lễ ngày tết sẽ chọn cho ông một cô gái xinh đẹp. Như được thánh chỉ, ông Đồng lập tức tìm quyển lịch năm, ghi ra giấy tất cả các ngày lễ tết, nhớ kỹ trong lòng. Bắt đầu từ tết xuân, trước tiên tìm ra những ngày lễ tết truyền thống, nào là tết trung thu, tết đoan ngọ (mồng năm tháng năm), tết trùng dương (mồng chín tháng chín), tết thanh minh v. v... không để lọt tết nào. Tiếp theo là ngày lao động quốc tế mồng một tháng năm, ngày thanh niên ngũ tứ (mồng bốn tháng năm), ngày thành lập Đảng mồng một tháng bảy, ngày thành lập quân đội mồng một tháng tám, ngày quốc khánh mồng một tháng mười, lại còn ngày nhà giáo, ngày tình nhân, ngày trai độc thân, ngày người già, lại còn tính ngày nghỉ lễ của nước ngoài như lễ Nô en, lễ tạ ơn. Cuối cùng ghi cả ngày mồng tám tháng ba phụ nữ quốc tế, ngày mồng một tháng sát quốc tế thiếu nhi. Khi ông Đồng nói với vợ tất cả những ngày lễ tết, bà giật nẩy người, kêu thất thanh:
- Trời mẹ ơi!
Sau đó hai vợ chồng cò kè bớt một thêm hai như mua bán. Bà Đồng đầu tiên gạch phăng những ngày lễ của nước ngoài. Với đầy vẻ tinh thần tự hào dân tộc, bà nói:
- Chúng ta là người Trung Quốc không nghỉ lễ của nước ngoài. Ông Đồng không đồng ý, làm ăn buôn bán hơn mười năm, đương nhiên ông hiểu biết hơn bà. Ông say sưa nói:
- Bây giờ là thời đại nào? Bây giờ là thời đại toàn cầu hoá. Tủ lạnh, Ti vi, máy giặt nhà mình đều là mác nước ngoài. Không thể nói tôi là người Trung Quốc không dùng mác nước ngoài?
Bà Đồng cứ há hốc mồm, mà không biết nói gì, cuối cùng đành phải nói một câu:
- Tôi không nói nổi ông.
Ngày lễ của nước ngoài đã được giữ lại. Trong ngày lễ truyền thống của Trung Quốc, bà Đồng đã tìm ra tết Thanh minh. Bà bảo:
- Đây là ngày lễ người chết, không được tính lên thân người sống như ông. Ông Đồng vẫn không đồng ý, ông bảo:
- Tết thanh minh là người sống tưởng nhớ người ruột thịt của mình đã qua đời, vẫn là tết của người sống. Hàng năm đến ngày này chúng ta đều đi viếng mộ bố trước, viếng mộ mẹ sau, tại sao lại không tính?
Bà Đồng suy nghĩ lâu lắm, lại nói một câu:
- Tôi không nói nổi ông.
Tết Thanh minh được giữ lại. Rồi bà Đồng cứ khăng khăng gạt bỏ ngày lễ nhà giáo và ngày thanh niên mồng bốn tháng năm, cả ngày tết nhi đồng mồng một tháng sáu. Ông Đồng cũng đồng ý bỏ ngày nhà giáo, nhưng ông không đồng ý bỏ ngày mồng một tháng sáu và ngày mồng bốn tháng năm. Ông nói, sau khi trải qua tuổi nhi đồng và thanh niên, mình mới có tuổi già hôm nay, ông nói một cách rất có lý lẽ:
- Đồng chí Stalin dạy bảo chúng ta: "Quên quá khứ có nghĩa là phản bội".
Hai vợ chồng, ông nói đi bà nói lại, sau khi tranh luận với nhau hơn một tiếng đồng hồ, bà lại phải nhượng bộ. Bà bảo:
- Tôi không nói nổi ông.
Tiêu điểm tranh luận cuối cùng tập trung vào ngày kỷ niệm phụ nữ mồng tám tháng ba. Bà Đồng nói:
- Ngày kỷ niệm phụ nữ có liên quan gì đến ông?
- Ngày phụ nữ mới cần tìm phụ nữ chứ?
Bà Đồng đột nhiên tủi thân, lau nước mắt, nói:
- Tôi có nói thế nào cũng không nói nổi ông. Ông Đồng thừa thắng xông lên, lại nghĩ đến hai ngày kỷ niệm. Ông bảo:
- Còn hai ngày nữa, ngày sinh của tôi và ngày sinh của bà.
Cuối cùng bà Đồng đã phẫn nộ. Bà kêu lên:
- Ngày sinh của tôi mà ông còn đi chơi gái hay sao? ông Đồng biết sai lập tức sửa chữa. Ông vừa lắc đầu, vừa xua tay, nói:
- Không tính, không tính. Toàn bộ không tính. Hôm sinh nhật bà, tôi không đi đâu hết. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ ở bên bà cả hai mươi bốn. Ngày sinh nhật tôi, cũng không đi đâu cả, cũng hai mươi bốn tiếng đồng hồ ở bên bà. Hai ngày sinh nhật là tết trung thành trinh tiết của chúng ta. Trong hai ngày này, đừng có nói đi ngủ với đàn bà khác, mà ngay đến liếc gái một cái cũng không.
Nhượng bộ cuối cùng của ông Đồng khiến đầu óc ù lì của bà Đồng vẫn cứ tưởng mình cuối cùng đã thắng. Bà vui vẻ xua tay, nói:
- Dù sao đi nữa, tôi cũng không nói nổi ông.
Bà Đồng đã thân chinh dẫn chồng đến chỗ Lâm Hồng tìm gái, hơn nữa ngày lễ ngày tết còn có thưởng, còn được chọn gái đẹp đắt tiền, khiến cánh đàn ông có vợ ở thị trấn Lưu chúng tôi vô cùng hâm mộ. Họ bảo ông Đồng thợ rèn thật là tốt số. Họ bảo Đồng thợ rèn dù có biến thành đống cứt chó, cũng có vận may của đống cứt chó. Tìm được một người vợ thấu tình đạt lý và tư tưởng thông thoáng, ủng hộ chồng phóng túng, còn mình thì nhất mực son sắt thuỷ chung. Cánh mày râu có vợ của thị trấn Lưu chúng tôi nhìn lại vợ mình, bà nào chí nấy cũng ngang ngược thô bạo, tư tưởng xơ cứng, bà nào chị nấy cũng giữ rịt túi tiền và dây rút quần của đức ông chồng. Hai tay không buông. Bàn tay nào cũng cứng rắn như hai gọng kìm. Những ông chồng này người nào cũng thở dài thườn thượt, hễ gặp ông Đồng là khe khẽ hỏi:
- Sao số ông đỏ thế không biết?
Ông Đồng mặt mày hớn hở, trả lời một cách khiêm tốn:
- Cũng là cái số tìm được người vợ tốt.
Nếu có vợ bên cạnh, ông sẽ nói thêm vài câu:
- Bà xã tuyệt vời nhà tôi không những không tìm được trên đời, mà có xách đèn lồng lên trời cũng không tìm ra, có xuống đất tìm, có xuống biển tìm, cũng không có.
Sau khi được vợ dẫn đến chỗ chị Lâm tìm gái, ông Đồng hết ngay tính nóng nẩy cáu gắt, hết luôn cả thói nghênh ngang trước mặt vợ, cũng không hục hặc chửi mát nói kháy nhân viên dưới quyền. Như một người trí thức, Ông Đồng tỏ ra ôn tồn nhã nhặn, lúc nào cũng mỉm cười, không nói bậy chửi tục. Trước thay đổi của chồng, bà Đồng rất phấn khởi, chồng bà không những không ngông nghênh, mà bắt đầu vâng vâng dạ dạ trước mặt bà, ngày trước chẳng bao giờ muốn cùng đi phố với bà, bây giờ hai người đi phố, ông xách túi cho bà. Trước kia đừng hòng ông bàn bạc bất cứ việc gì với bà. Bây giờ việc gì ông cũng xin ý kiến bà. Ông Đồng còn để bà làm chủ tịch Hội đồng quản trị, mình chỉ làm Tổng giám đốc. Công văn giấy tờ của Công ty đều do bà ký duyệt. Tuy bà chả hiểu gì hết, nhưng chỉ cần chồng đem đến bảo bà ký là bà biết nên ký. Người khác đem đến, bà không nắm chắc tuyệt đối không ký. Sau khi có chữ ký của chồng trên đó, bà mới ký. Bà không còn là một bà nội trợ. Bà cùng ông đi làm về nhà. Bà cũng bắt đầu coi trọng ăn diện, cũng mặc quần áo xịn, bôi son phấn mác nổi tiếng. Tuy dốt đặc cán mai về nghiệp vụ của công ty, nhưng nhân viên trong công ty ai ai cũng gật đầu khom lưng, cũng để bà cảm thấy mình có thành công trong lập nghiệp. Bà thích nói chuyện đạo lý, gặp những người phụ nữ làm nội trợ mấy chục năm như mình, bà chỉ bảo người ta. Bà bảo đàn bà không được ỷ hẳn vào đàn ông, vẫn nên có sự nghiệp của mình. Dạy bảo đến cuối cùng, bà sẽ nói một câu rất thời thượng:
- Phải tìm giá trị của bản thân.
Ông Đồng nhớ vanh vách trong lòng mọi ngày tết ngày lễ, đã trở thành cuốn lịch sống của thị trấn Lưu chúng tôi. Chị em thị trấn Lưu muốn để chồng đồng ý mình sắm một bộ quần áo mới, đã hỏi ông Đồng trên phố lớn:
- Gần đây có ngày lễ ngày tết nào không, thưa ông?
Anh em thị trấn Lưu muốn tìm một lý do để vợ đồng ý cho mình đi chơi một đêm mạt chược, cũng sẽ hỏi ông Đồng trên phố.
- Hôm nay là ngày gì, thưa ông?
Bọn trẻ đòi bố mẹ mua đồ chơi, nhìn thấy ông Đồng đi đến, cũng hỏi ông:
- Thưa ông Đồng thợ rèn, hôm nay là ngày kỷ niệm của bọn cháu ông nhỉ?
Ông Đồng thợ rèn đã trở thành Vua lễ tết có tiếng tăm của thị trấn Lưu chúng tôi. Ông làm việc càng hăng say. Ông không chỉ càng ngày càng ăn nên làm ra ở siêu thị, mà nghiệp vụ bán buôn hàng tiêu dùng thường ngày rất nhiều cửa hàng nhỏ của thị trấn Lưu chúng tôi cũng nhập hàng của Công ty ông. Đương nhiên lợi nhuận của Công ty ông cứ tăng lên không ngừng. Bà Đồng cảm thấy mọi điều này đều quy công vào quyết sách sáng suốt ban đầu của mình, kịp thời giải quyết cuộc khủng hoảng ham muốn tình dục của chồng. Ông Đồng tinh lực dồi dào, Công ty cũng ngày càng đi lên. So với tốc độ tăng lợi nhuận của Công ty, chút tiền chi cho các cô gái, đúng là không thấm tháp vào đâu. Vợ ông Đồng cảm thấy đầu ra đã lớn hơn đầu vào, có lúc chẳng phải ngày tết ngày lễ, bà cũng tìm cho chồng một cô gái xinh đẹp.
Hai ông bà ngoài sáu mươi tuổi, mỗi tuần hai lần leo cầu thang ngôi nhà gác khu đèn đỏ của chị Lâm. Ông Đồng tinh thần tươi tỉnh. Bà Đồng phì phà phì phò, thở ra đằng tai. Khi nói chuyện, ông bà xưa nay mặc kệ người ta có nghe thấy hay không. Lần đầu tiên chẳng phải ngày lễ ngày tết, ông Đồng cũng được xài gái đẹp. Sau này, lần nào ông cũng muốn tìm gái đẹp. Đứng trên cầu thang, ông van nài vợ, như trẻ con vòi bố mẹ mua đồ chơi. Ông nói rất đáng thương:
- Bà ơi, tìm cho tôi cô nào xịn xịn xinh xinh bà nhé.
Ra vẻ Chủ tịch Hội đồng quản trị, vợ ông nói:
- Không được, hôm nay không phải ngày tết, cũng không phải ngày lễ.
Giống như kẻ dưới quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị ông nói:
- Hôm nay có một khoản thu đến hạn thanh toán.
Bà vợ Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông nghe vậy đã tươi cười gật gật đầu bảo:
- Được tôi sẽ chọn cho ông một con xịn xịn xinh xinh.
Các cô gái ở ngôi nhà này không ai ưa thích ông Đồng thợ rèn. Các cô cảm thấy ớn tận cổ người đàn ông quá thể này lắm rồi, hễ leo lên giường là dai dẳng, không biết bao giờ mới leo xuống. Gớm, người đâu mà khiếp thế không biết, râu tóc đã bạc phơ, đáng tuổi ông tuổi cụ, hễ leo lên thường là bừng bừng sức sống, như chàng trai hai mươi tuổi, mà chi tiền bồi dưỡng lại keo kẹt bủn xỉn, ít hơn tất cả khách làng chơi. Lần nào ông ta đến, cũng có bà vợ ốm ho, liêu xa liêu xiêu đi cùng. Lần nào bà ta cũng ép giá xuống nấc thấp nhất. Cô gái và bà già cò kè bớt một thêm hai sốt cả ruột, mòn cả răng, lần nào cũng phải tốn đến một tiếng đồng hồ mới ngã giá. Bà vợ già ốm ho cứ nói vài phút lại phải uống nước, lên cơn hen, ho sù sụ vài phút cho đỡ, mới tiếp tục ép giá. Các cô bảo tiếp ông Đồng thợ rèn, còn mệt hơn tiếp bốn đàn ông khác, mà tiền bồi dưỡng đã ít hơn người ta, lại còn trừ đầu trừ đuôi. Không cô nào thích phục vụ ông Đồng thợ rèn. Nhưng ông là nhân vật có máu mặt của thị trấn Lưu chúng tôi, là khách sang của chị Lâm, các cô không thể cạch mặt. Chỉ cần cô nào lọt mắt ông Đồng và bà xã của ông, cô ấy đành phải nhăn nhó, uể oải nói:
- Toi rồi, lại phải học Lôi Phong.
Lưu Thành Công, nhà văn Lưu, Lưu Tân Văn, Phó Lưu và bây giờ là Lưu Ceo cũng là Vip của chị Lâm. Sau khi Tống Cương chết, Lý Trọc nhường ngôi Tổng giám đốc cho Phó Lưu. Lưu phó Tổng giám đốc, sau khi biến thành Lưu Tổng giám đốc, không khoái người khác gọi mình là " Lưu Tổng ". Anh ta bắt người khác gọi mình là "Lưu Ceo". Dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi ngại bốn âm tiết rầy rà, chẳng khác gì người Nhật Bản, đã gọi tắt là "Lưu C". Từ một nhà văn nghèo xơ nghèo xác, Lưu Thành Công đã biến thành phú ông Lưu C. Anh ta mặc complê mác xịn Italia ngồi trong xe con Horse Lý Trọc trao cho. Bỏ ra một triệu nhân dân tệ mua đứt cuộc hôn nhân với bà vợ trước của mình, bảo là nên bù đắp lại tuổi xuân cho chị, cuối cùng đá đít người đàn bà hơn hai mươi năm về trước đã định vứt bỏ, sau đó tay trái khoác, tay phải ôm một hai ba bốn năm cô gái xinh đẹp làm bồ. Theo lối nói của anh ta, những người tình này đều là thiếu nữ ánh sáng mặt trời. Trong nhà mình đã xuân sắc đầy vườn, nhưng vẫn không nhịn nổi còn la cà đến chỗ chị Lâm. Anh ta bảo cơm nhà ăn nhiều rồi, muốn đến chỗ chị Lâm ăn phở, nếm món thú rừng.
Lưu C lúc này càng coi thường nhà thơ Triệu. Nhà thơ Triệu vẫn tuyên bố không bỏ cây bút. Lưu C bảo nhà thơ Triệu còn theo đuổi văn học là nghĩ quẩn, chẳng khác gì tự lấy dây thừng thắt cổ mình. Lưu C giơ ra bốn ngón tay khích bác nhà thơ Triệu:
- Viết gần ba chục năm nay, chỉ viết được bốn dòng thơ ngắn củn đăng trên tạp chí inrôniô trước kia, ngần ấy năm rồi, ngay đến dấu chấm dấu phẩy cũng không thấy tăng thêm, vẫn còn bảo mình là nhà thơ Triệu, chẳng phải là một nhà thơ Triệu in rôniô...
Nhà thơ Triệu thất nghiệp về nghỉ mấy năm nay cũng khinh Lưu C ra mặt. Nghe đâu khi Lưu C khích bác mình giơ ra bốn ngón tay, còn bảo mình là nhà thơ inrônêô. Đầu tiên ông ta nổi cáu bỏ mũ xuống, sau đó cười gằn mấy tiếng, ông ta bảo đánh giá kẻ tiểu nhân chạy theo thế lực và tiền của, việc cóc gì phải giơ ra bốn ngón tay, giơ ra một ngón là quá thừa. Nhà thơ Triệu giơ một ngón tay bảo:
- Một kẻ bán rẻ linh hồn.
Nhà thơ Triệu dọn đi khỏi ngôi nhà khu đèn đỏ thị trấn Lưu chúng tôi, thuê một gian nhà nhỏ rẻ tiền bên cạnh đường sắt phía tây thành phố, mỗi ngày có hàng trăm lượt đoàn tàu đi qua trước gian nhà nhỏ rẻ tiền của ông. Ngôi nhà nhỏ rè tiền của ông ngày nào cũng có hàng trăm lần chao đảo lắc lư như động đất. Bàn ghế lắc lư, giường cũng lắc lư, tủ chạn lắc lư, bát đũa cũng lắc lư. Nóc nhà lắc lư, mặt đất cũng chao đảo. Nhà thơ Triệu ví chuyện lắc lư chao đảo của gian nhà nhỏ giá rẻ co dúm như bị điện giật. Buổi tối sau khi ngủ, đoàn tàu đi qua gian nhà rung chuyển, nhà thơ Triệu mấy lần mơ thấy mình ngồi trên ghế điện tử tù, nước mắt nước mũi sụt sịt, từ biệt áng mây trời Tây.
Nhà thơ Triệu nghèo túng nhếch nhác sống nhờ vào tiền thuê nhà chị Lâm trả ông hàng tháng. Tuy cũng complê com lếch hẳn hoi, nhưng toàn thân nhăn nhúm nhem nhuốc. Dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi đều đã xem ti vi màu hai mươi năm nay, bây giờ bắt đầu thay bằng ti vi màn hình tinh thể lỏng và ti vi màn hình rộng, mà nhà thơ Triệu vẫn còn xem ti vi đen trắng mười bốn in cọc cạch của mình. Hình ảnh trên ti vi lúc có lúc không. Nhà thơ Triệu ôm ti vi đi khắp phố to ngõ nhỏ cũng không kiếm đâu ra một người biết sửa ti vi đen trắng. Ông đành phải tự mầy mò chữa lấy. Khi hình ảnh tự dưng mất, ông gõ vào nó, hình ảnh lại hiện ra. Có khi gõ mấy cái liền vẫn không có hình ảnh, ông dùng luôn cú rê chân hồi nhỏ, rê luôn một phát cho ra hình ảnh.
Nhà thơ Triệu hào hoa phong nhã ngày xưa, giờ bất mãn tức đời bắt đầu nói năng tục tĩu. Trong khi đời sống của Lưu C đẹp như mây, thì nhà thơ Triệu không có một mảnh tình, đành phải treo lên tường tróc vữa của gian nhà cỏn con một quyển lịch năm in hình người đẹp cũ rích, hết nhìn lại ngắm theo kiểu vẽ bánh cho đỡ đói. Không có một người đàn bà bằng xương bằng thịt liếc nhìn ông một cái. Ông cũng đã từng gần gũi tán tỉnh mấy bà goá lớn tuổi hơn mình. Bà nào cũng đi guốc trong bụng ông, nói toạc móng heo, hãy nuôi sống mình đã, rồi hãy động não nghĩ đến chuyện ân ái. Nhà thơ Triệu day dứt vô cùng, ngày xưa ông cũng có một cô bạn gái xinh đẹp, hai người quấn quýt bên nhau hơn một năm. Sau đó nhà thơ Triệu bắt cá hai tay theo đuổi Lâm Hồng, kết quả xôi hỏng bỏng tay, gà bay trứng vỡ. Lâm Hồng không đến tay, bạn gái cũ cũng đi theo người khác.
Sau khi vợ trước của Lưu C bị vứt bỏ, tuy thoả mãn với một triệu đồng nằm ở phiếu gửi tiết kiệm ngân hàng, cô vẫn đứng trên phố lớn khóc lóc, tố cáo Lưu C bạc tình bạc nghĩa. Khi tố cáo Lưu C chị ta vẫn giơ mười ngón tay, lại còn lật đi lật lại, đương nhiên không phải chỉ số lần ngủ với nhau, mà muốn nói ân tình chồng vợ đã hai mươi năm. Chị ta ca cẩm hai mươi năm giặt áo nấu cơm cho Lưu C, chăm nom Lưu C trong mưa trong gió. Sau khi Lưu C thất nghiệp về nhà, chị ta không ruồng bỏ, trái lại càng thêm chăm sóc thương yêu. Chị ta khoe thân thể mình thuộc nhóm đông ấm hè mát. Mùa đông sưởi ấm cho Lưu C như lò sưởi, mùa hè hạ nhiệt độ cho Lưu C như một cục băng. Chị ta vừa nỉ non vừa nói, bây giờ thân Lưu C đầy mùi đồng, mắt Lưu C đầy mùi gái. Trước kia Lưu C là một nhà văn giàu tình cảm, đi đứng chững chạc, nói năng ôn tồn nho nhã. Ngày xưa chị yêu anh ta, lấy anh ta, vì anh ta là nhà văn Lưu, bây giờ không còn nhà văn Lưu, chị ta cũng không còn chồng...
Trong số người nghe lúc đó có người nghĩ đến nhà thơ Triệu, định dắt mối, nói với chị ta:
- Không còn nhà văn Lưu, vẫn còn nhà thơ Triệu. Nhà thơ Triệu đến nay vẫn chưa xây dựng gia đình, là một Vương Lão Ngũ kim cương đấy.
- Nhà thơ Triệu ư! Kim Cương ư? - Chị ta hỉ mũi hai tiếng - Ngay đến Vương Lão Ngũ rác cũng không xứng.
Vợ trước của Lưu C cảm thấy mình đã là phú bà của thị trấn Lưu, lại có người đặt ngang hàng chị với nhà thơ Triệu độc thân nghèo rớt mồng tơi, thấy bị sỉ nhục, chị ta còn tỏ ra hậm hực, thêm một câu:
- Cho dù là một con gà mái, cũng không thèm nhìn thêm ông ta một cái.
Nhà thơ Triệu, thường hay thậm thụt ra vào phòng thường trực hào hoa cấp năm sao của ông Vương bán kem, ngồi vào ghế xô pha Italia, sờ vào chiếc tủ Pháp, khểnh vào chiếc chiếc giường đôi của Đức, được ngồi vào chiếc bô vệ sinh Toto tự động xối nước và hong khô hậu môn, đương nhiên cũng không bỏ qua. Nhà thơ Triệu cứ khen nức nở chiếc ti vi lớn màn hình tinh thể lỏng treo trên tường của ông Vương bán kem. Ông ta bảo còn mỏng thêm vài mi li mét so với tập thơ ông ta sắp xuất bản. Nhưng số lượng chương trình ti vi lại vượt qua số bài trong tập thơ. Nghe nhà thơ Triệu leo lẻo khoe sắp ra đời một tập thơ, ông Vương bán kem đưa tặng một thiếp chúc mừng, hỏi tập thơ xuất bản ở đâu? Ông Vương bán kem hỏi:
- Không xuất bản ở thị trấn Lưu chứ?
- Đương nhiên là không - Nhà thơ Triệu nghĩ đến cuộc thi người đẹp trinh tiết năm nào, tên lừa đảo giang hồ đã từng nói đến một địa danh, ông ta tiện thể nói luôn - Xuất bản ở quần đảo Vitskin thuộc Anh.
Ông Vương bán kem sống cuộc đời hào hoa buồn chán vô vị. Ngày nọ nối tiếp ngày kia mở kênh ti vi theo dõi dấu chân chính trị của ông Dư nhổ răng. Ngày nọ nối tiếp ngày kia kể lể những chuyện truyền kì của ông Dư nhổ răng. Dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi nghe đến nhàm chán, đặt cho ông Vương bán kem một biệt hiệu "Anh Tường Lâm". Chỉ có nhà thơ Triệu tỏ ra không nhàm chán đối với chuyện kể của ông Vương. Lần nào ông ta cũng chăm chú lắng nghe, có vẻ say sưa ao ước, khiến ông Vương bán kem lầm tưởng cuộc đời có một tri kỷ là đủ. Thật ra nhà thơ Triệu không nhàm chán cái tủ lạnh to đùng của ông Vương, cứ việc tha hồ dốc cho bằng sạch từng lon từng chai nước giải khát các loại trong tủ.
Trong thời gian này làn sóng chống Nhật loang ra cả nước. Các cuộc tuần hành chống Nhật ở Bắc Kinh, Thượng Hải đã lên truyền hình, lên báo và lên mạng. Trông thấy các cửa hàng Nhật Bản ở Thượng Hải bị đập phá, những ô tô của Nhật Bản ở Thượng Hải bị đốt, một số dân chúng của thị trấn Lưu chúng tôi cũng không cam lạc hậu, cũng trương biểu ngữ ra đường phố diễu hành, cũng muốn đập phá, đốt một vài thứ gì đó. Họ nhìn thấy một cơ sở liên doanh với Nhật Bản do Lý Trọc mở. Thế là dân tình náo nức kéo đến cửa hiệu Nhật Bản đập phá kính cửa sổ, lôi ghế ra châm lửa đốt hơn hai tiếng đồng hồ, các trang thiết bị khác bên trong không bị phá hỏng. Ông Đồng thợ rèn thấy tình hình xấu đi, lập tức sơ tán mọi thứ mặt hàng Nhật Bản trong siêu thị, căng một biểu ngữ lớn ở cổng vào siêu thị: Kiên quyết không bán hàng Nhật Bản!
Ông Dư nhổ răng đi tìm các điểm nóng chính trị ở các nơi trên thế giới cũng đã trở về. Ông Vương bán kem không còn quan tâm đến nhà thơ Triệu. Ông đóng cửa ra vào phòng thường trực, khiến nhà thơ Triệu ngày nào đến cũng bị tẽn tò, cứ nhìn vào tủ lạnh lớn bên trong qua kính cửa sổ, thèm nhỏ dãi nước giải khát rồi nuốt nước bọt ừng ực mà về. Những ngày này ông Vương bán kem đầy vẻ thành kính săn đón bên cạnh ông Dư nhổ răng, sáng đi tối về trên phố lớn thị trấn Lưu chúng tôi, đêm đến tiếc chẳng thể ngủ cùng giường với ông Dư nhổ răng. Cuộc diễu hành chống Nhật của thị trấn Lưu chúng tôi vốn đã cuốn cờ dẹp trống, sau khi đốm lửa nhỏ Dư nhổ răng trở về, những cuộc diễu hành chống Nhật bắt đầu bùng cháy. Trong lúc nói chuyện, khẩu hiệu mười thứ tiếng của ông Dư nhổ răng được dịp tiện thể sổ lồng. Dân chúng thị trấn Lưu tai thính mắt tường, mười mấy ngày sau, khi cần cũng có thể buột mồm hô khẩu hiệu mười thứ tiếng. Ông Dư nhổ răng bây giờ không còn là thợ nhổ răng số một trong vòng một trăm dặm vuông. Sau khi đi khắp nơi trên thế giới, trở về thị trấn Lưu, ông Dư nhổ răng nghiễm nhiên mang bộ mặt của một lãnh tụ chính trị, hơn nữa còn tỏ ra sành sỏi, dày dạn kinh nghiệm ứng xử. Nói theo lối nói của ông là:
- Tôi trưởng thành từ trong mưa bom bão đạn của chính trị.
Ông Dư nhổ răng quyết định dẫn ông Vương bán kem sang Nhật Bản phản đối thủ tướng Nacaxônê viếng thăm đền thờ những tên tội phạm chiến tranh. Nghe vậy ông Vương bán kem run lẩy bẩy, đừng có nói ra nước ngoài, cho dù số lần ông đi ra khỏi thị trấn Lưu cũng không nhiều hơn năm ngón trên một bàn tay, huống hồ lại còn đi sang nước người ta, phản đối thủ tướng của người ta. Ông Vương bán kem tỏ ra không yên tâm. Hết sức thận trọng, ông bảo ông Dư:
- Chúng ta vẫn chỉ nên phản đối ở thị trấn Lưu.
- Ở thị trấn Lưu, nhiều nhất cũng chỉ là một dân thường - ông Dư có hoài bão chính trị. Ông dẫn dắt ông Vương - Sang Tôkyô biểu tình mới là nhà chính trị.
Ông Vương vẫn tỏ ra không quan tâm đến chuyện làm dân thường hay làm nhà chính trị, ông chỉ quan tâm đến ông Dư, sùng kính ông Dư. Biết ông Dư đi nhiều nơi, hiểu biết rộng, chỉ cần đi theo ông Dư sẽ không phạm sai lầm. Soi khuôn mặt già nua của mình trong gương, ông Vương thầm nghĩ mình sắp lấp ló cửa lỗ đến nơi, lại chưa bao giờ ra nước ngoài. Ông nghiến răng liều một phen, quyết định đi theo ông Dư sang Tôkyô - Nhật Bản. Ông Dư cứ việc làm chính trị của ông, còn mình đi du lịch cho biết đó biết đây.
Lưu C hết sức coi trọng hai vị cổ đông thứ hai và thứ ba của Công ty bố trí riêng một chiếc xe con liên doanh Cơ rao - Toyota mới mua về, đưa hai ông ra sân bay Thượng Hải. Lưu C xuất phát từ lòng tốt. Anh ta bảo chiếc xe con kiểu mới vẫn chưa có ai ngồi. Hai vị Dư, Vương ngồi vào, coi như đi xe gái trinh.
Hai ông Dư và Vương ngồi chờ trong ghế xô pha Italia của phòng thường trực. Nhìn thấy chiếc xe con Nhật Bản đến đón hai người, ông Dư vẫy tay gọi lái xe đến ôn tồn bảo:
- Đi lấy cho ta cái búa tạ.
Lái xe ngơ ngác không biết lấy búa làm gì? Anh ta hết nhìn ông Dư lại nhìn ông Vương. Ông Vương cũng đực mặt ra. Ông Dư vẫn ôn hoà giục lái xe:
- Đi đi!
Ông Vương cũng không biết lấy búa tạ làm gì? Ông Dư đã bảo lấy, nhất định là có lý, ông Vương giục lái xe:
- Đi mau mau lên!
Lái xe ngáo ngơ đi ra. Ông Vương hỏi ông Dư:
- Lấy búa tạ làm gì?
- Đây là hàng Nhật Bản - Ông Dư chỉ vào chiếc xe con ngoài cửa, ngồi vắt chân chữ ngũ trên ghế xô pha Italia, ông nói - Chúng ta ngồi xe con Nhật Bản, lại sang Nhật Bản biểu tình, vấn đề sẽ rất nhạy cảm... Ông Vương hiểu ý, gật đầu rối rít thầm nghĩ ông Dư lợi hại ghê gớm thật, đúng là một nhà chính trị, bụng bảo dạ, Lưu C quả là hồ đồ, chẳng hiểu đếch gì, rành rành biết bọn mình đi Nhật Bản biểu tình vẫn còn dùng xe con Nhật Bản đưa đi, đúng là không có đầu óc chính trị.
Giữa lúc này, lái xe vác búa tạ đến, đứng ở cửa phòng thường trực, chờ chỉ thị của ông Dư. Ông Dư xua tay bảo:
- Đập đi.
- Đập gì thưa ông? - Lái xe thắc mắc hỏi.
- Đập hàng Nhật - Ông Dư vẫn ôn hoà nói.
- Hàng Nhật nào thưa ông? - Lái xe vẫn không hiểu gì hết.
Ông Vương chỉ vào chiếc xe con ngoài cửa kêu lên:
- Chiếc xe con ngoài kia.
Lái xe giật nẩy người ngạc nhiên, nhìn hai ông cổ đông của Công ty đi giật lùi từng bước, đến trước xe con bỏ búa xuống chạy liền. Một lúc sau, Lưu C dẫn xác đến, cười toe toét, giải thích cho hai vị cổ đông, chiếc xe này không phải hàng Nhật Bản, là hàng hợp tác đầu tư Trung Nhật, ít nhất cũng có năm mươi phần trăm thuộc về Trung Quốc. Ông Vương xưa nay tin Lưu C, quay lại nói với ông Dư:
- Đúng, không phải hàng Nhật Bản.
Ông Dư nói chậm rãi:
- Phàm là những việc về chính trị, đều là việc lớn, không được qua quýt, giữ lại năm mươi phần trăm của Trung Quốc, còn năm mươi phần trăm của Nhật Bản đập nát. Ông Vương lập tức đứng trên lập trường của ông Dư. Ông ta bảo:
- Đúng, đập nát năm mươi phần trăm.
Lưu C tức lộn ruột, tức tới mức sắc mặt xám ngoét, thầm nghĩ búa tạ nên đập vào đầu hai lão già khốn nạn!
Lưu C không dám trút giận lên hai lão cổ đông, quay sang hằm hằm quát lái xe:
- Đập! Mau mau đập!
Lưu C giận dữ bỏ đi. Sau khi do dự mãi, lái xe giơ búa tạ đập một nhát, vỡ vụn kính chắn gió trước xe. Ông Dư nhổ răng hài lòng đứng dậy, kéo tay ông Vương bán kem giục:
- Đi!
- Không có xe, đi thế nào? - Ông Vương hỏi.
- Đi tắc xi - ông Dư nói - Đi Santana của Đức đến Thượng Hải.
Hai phú ông bảy mươi tuổi của thị trấn Lưu chúng tôi kéo va ly đi ra phố lớn. Đứng chờ vẫy gọi xe tắc xi đi qua. Ông Vương luôn mồm ngợi dáng vẻ ung dung bình tĩnh vừa giờ của ông Dư. Ông Dư không nói một câu quyết liệt, nhưng việc làm thì đầy quyết liệt. Ông Dư gật gật đầu, bảo ông Vương:
- Nhà chính trị không cần nói mạnh, chỉ có bọn nhóc lưu manh đánh nhau mới nói mạnh mà thôi. Ông Vương gật gật đầu, nghĩ đến việc sắp sửa đi theo ông sang Nhật Bản, bỗng dưng niềm vui dạt dào trong tim. Nhưng suy nghĩ lại, ông Vương đâm lo, ông khẽ hỏi ông Dư:
- Chúng ta sang Nhật Bản biểu tình, liệu cảnh sát Nhật Bản có bắt chúng ta không?
- Không đâu - Ông Dư trả lời, - Từ trong trái tim và con mắt, tôi chỉ mong họ đến bắt chúng ta!
- Tại sao? - Ông Vương ngạc nhiên hỏi.
Nhìn bốn chung quanh vắng vẻ, ông Dư khe khẽ bảo ông Vương:
- Nếu tôi bị cảnh sát Nhật Bản tóm, chắc chắn Trung Quốc sẽ lên tiếng kháng nghị, Liên hợp quốc nhất định đứng ra giải quyết tranh chấp giữa hai bên. Báo chí các địa phương trên thế giới nhất quyết sẽ đăng chân dung tôi và ông, tôi và ông chẳng phải sẽ là danh nhân?
Nhìn vẻ mặt ngẩn tò te của ông Vương bán kem, ông Dư nhổ răng nói một cách đáng tiếc:
- Ông ơi, ông đếch hiểu gì về chính trị.
Lý Trọc không là khách sang của chị Lâm. Hơn ba năm đã trôi qua, Lý Trọc không hề gặp Lâm Hồng một lần, cũng không động đến một người đàn bà khác. Lần làm tình cuối cùng giữa anh ta và Lâm Hồng đã trở thành áng văn hay muôn thuở. Tin Tống Cương chết, khiến Lý Trọc choáng váng. Nỗi kinh hoàng trong nháy mắt và sự hối hận, khiến Lý Trọc không gượng dậy nổi, từ đó anh bị liệt dương. Nói theo lối nói của anh ta:
- Võ công của ta đã hỏng hoàn toàn.
Sau khi võ công đã hỏng hoàn toàn, Lý Trọc cũng hết luôn chí lớn hừng hực. Anh ta đến Công ty làm việc cũng chỉ là ba ngày đánh cá hai ngày phơi lưới, càng ngày càng giống một hôn quân bê trễ việc triều đình. Sau khi mở tiệc đậu phụ bố trí cho Lâm Hồng một cuộc sống tử tế, Lý Trọc lập tức nhường vị trí Tổng giám đốc cho Phó Lưu.
Lý Trọc nhường chức vào ngày 27 tháng 4 năm 2001. Buổi tối, anh ta ngồi trên bô vệ sinh mạ vàng trong nhà vệ sinh, trong vô tuyến truyền hình màn tinh thể lỏng đang phát hình ảnh con tàu vũ trụ lên hợp của Nga phóng lên bầu trời. Nhà buôn Mỹ- Daiweisi Dituo bỏ ra hai mươi triệu đô la mua vé con tàu, mặc quần áo phi công vũ trụ, vẻ mặt giương giương tự đắc của một phi hành đoàn đi du lịch trong vũ trụ. Lý Trọc quay nhìn mình trong gương, vẻ mặt nghệt ra vừa ngắm hoa tươi, lại đi nhìn đống phân trâu. Lý Trọc rất không hài lòng với mình trong gương, nghĩ bụng lão người Mỹ đã bay vào vũ trụ ăn uống ỉa đái, mà mình vẫn còn ngồi trên bô vệ sinh mạ vàng để năm tháng trôi qua vô ích. Lý Trọc tự nói với mình:
- Bố mày cũng phải đi...
Hơn một năm sau, Chateerwosi, nhà tỉ phú của Nam Phi cũng bỏ ra hai mươi triệu đô la, cũng ngồi con tàu Liên hợp đi du lịch trong vũ trụ. Chateerwosi nói, trên trái đất có mười sáu quỹ tích, cho nên ngày nào ông ta cũng nhìn thấy mười sáu lần mặt trời mọc, mười sáu lần mặt trời lặn. Tiếp theo là ca sĩ người Mỹ, Passi cũng tuyên bố sẽ bay lên vũ trụ vào tháng mười năm nay... Lúc này Lý Trọc y như kiến bò trên chảo nóng, ruột gan sôi sục không yên, anh ta nói:
- Đã có ba thằng khốn nạn tranh đi trước mình...
Lý Trọc thuê hai lưu học sinh người Nga cùng ăn cùng ở, dạy anh ta học tiếng Nga. Để nắm thật nhanh tiếng Nga, Lý Trọc đề ra quy chế, chỉ được nói tiếng Nga, không được nói tiếng Trung Quốc trong ngôi nhà hào hoa của mình. Điều này chỉ tổ làm khổ Lưu C. Mỗi lần Lưu C đến báo cáo tình hình kinh doanh của công ty, nội dung chỉ nói hai mươi phút phải nói trên ba tiếng đồng hồ. Lý Trọc nghe rõ rành rành, lại cứ giả đò ra vẻ không biết tiếng Trung Quốc, đòi hai lưu học sinh dịch sang tiếng Nga. Sau khi nghe tiếng Nga, Lý Trọc lắc đầu như đang suy nghĩ, đang tìm những chữ tiếng Nga ít ỏi trong đầu, anh ta tìm không ra những chữ chính xác, liền tìm mấy chữ gượng ép vá víu, lưu học sinh lại dịch thành Trung văn, Lưu C nghe cứ trắng mắt ra, không biết Lý Trọc nói những gì? Lý Trọc cũng thừa biết nói sai, nhưng anh ta không thể đứng ra sửa lại, bởi vì anh ta không được nói tiếng Trung Quốc, anh ta tiếp tục tìm chữ không chính xác trong vốn tiếng Nga ít ỏi. Lưu C mệt bã người kiệt sức, hình như đang nói tiếng người với súc vật, nói tiếng súc vật với con người, cứ xơi xơi chửi thầm Lý Trọc:
- Mẹ kiếp, con ma Tây giả.
Trong khi chăm chỉ chịu khó học tiếng Nga, Lý Trọc cũng bắt đầu rèn luyện cơ thể. Đầu tiên tập trong phòng, sau đó chạy bộ, tập bơi, rồi chơi bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, quần vợt, bóng đá, bôlinh và chơi gôn. Việc tập luyện của Lý Trọc luôn thay đổi, mỗi kiểu chưa vượt quá hai tuần đã chán. Lúc này tâm hồn Lý Trọc trở nên thư thái, thanh tịnh, ít ham muốn, giống như một nhà sư, chỉ ăn chay không ăn thịt cá. Ngoài thời gian học tiếng Nga và tập luyện, anh ta thường nhớ đến bữa cơm giỏi giang của Tống Cương nấu hồi còn bé. Nghĩ đến Tống Cương, Lý Trọc lại quên sạch tiếng Nga, nét mặt đầy vẻ mồ côi, bất giác nói tiếng địa phương thị trấn Lưu chúng tôi. Sau đó cứ lẩm bẩm nhắc lại câu cuối cùng Tống Cương viết trong thư để lại:
- Cho dù sinh ly tử biệt, chúng ta vẫn là anh em.
Lý Trọc đã mở mười một khách sạn ở thị trấn Lưu chúng tôi. Khách sạn nào anh ta cũng đến ăn thử một lượt vẫn không ăn được bữa cơm nào ngon lành như bữa "cơm Tống Cương" nấu hồi nhỏ. Anh ta lại đi ăn ở các nhà hàng khách sạn khác cũng không có. Lý Trọc chi không tiếc tiền, vẫn không có "cơm Tống Cương" mà ăn, ăn xong cũng để trên bàn mấy trăm đồng rồi mới đi. Dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi nhao nhao nấu cơm riêng trong nhà, mời Lý Trọc đến nếm thử xem có phải "cơm Tống Cương" trong huyền thoại hay không? Lý Trọc đã lần lượt đến ăn từng nhà. Sau đó không ăn nữa, nhìn vào là biết ngay. Anh ta để tiền cơm trên bàn, lắc đầu đứng dậy, lắc đầu nói:
- Không phải "cơm Tống Cương ".
Lý Trọc nhớ "cơm Tống Cương" như thế, một số dân chúng có đầu óc làm ăn buôn bán của thị trấn Lưu chúng tôi phát hiện có thời cơ kiếm tiền, nhao nhao đi khai thác di vật của Tống Cương như nhà khảo cổ, chuẩn bị bán cho Lý Trọc với giá hời. Có một người may mắn tìm được một chiếc túi du lịch in hai chữ "Thượng Hải". Khi Tống Cương theo Chu Du đi khỏi thị trấn Lưu, trong tay xách chiếc túi du lịch, nhưng bị Chu Du quăng vào thùng rác của thị trấn Lưu. Lý Trọc vừa nhìn chiếc túi du lịch đã nhận ra, chuyện cũ lần lượt hiện lên trước mặt rõ mồn một. Khi ôm chiếc túi du lịch, Lý Trọc cứ buồn thỉu buồn thiu, sau đó bỏ ra hai vạn đồng mua lại chiếc túi cũ kỹ.
Thị trấn Lưu chúng tôi bùng nổ cơn khát tìm di vật của Tống Cương. Những đồ thật giả được tung ra tới tấp. Nhà thơ Triệu cũng tìm ra một di vật của Tống Cương. Ông ta xách một đôi giày đá bóng màu vàng rách bươm đứng canh ở các sân bóng. Cuối cùng đã gặp Lý Trọc đến tập ở sân quần vợt. Nhà thơ Triệu hai tay nâng đôi giày đá bóng một cách thành kính, vẻ mặt thân thiết nói với Lý Trọc:
- Lý Tổng giám đốc, Lý Tổng giám đốc, xin ngài xem qua.
Lý Trọc dừng chân nhìn đôi giày đá bóng màu vàng rách bươm, hỏi nhà thơ Triệu:
- Có ý gì vậy?
Nhà thơ Triệu nói lấy lòng:
- Đây là di vật của Tống Cương!
Lý Trọc cầm đôi giày nhìn kỹ mấy cái, vứt trả nhà thơ Triệu, bảo:
- Tống Cương chưa bao giờ đi đôi giày đá bóng này.
- Tống Cương không đi bao giờ - Nhà thơ Triệu kéo Lý Trọc lại giải thích - Tôi đã từng đi, ngài còn nhớ không? Lúc còn bé tôi đã từng đi đôi giày này rê chân hai anh em ngài, chủ yếu là rê chân Tống Cương, thứ đến mới rê chân ngài, cho nên nó cũng được coi là di vật của Tống Cương.
Nghe xong, Lý Trọc à à, cho nhà thơ Triệu xơi liền một hơi mười tám cái rê chân ngay trên sân quần vợt. Nhà thơ Triệu ngoài năm mươi tuổi ngã lộn cổ mười tám cái đau từ đầu đau đến ngón chân, đau từ cơ thịt đau vào tận xương. Lý Trọc rê tới mức mồ hôi mồ kê nhễ nhại, thở hổn hà hổn hển, mồm nói xơi xơi:
- Khoái quá! Khoái quá! Khoái quá!
Lý Trọc phát hiện rê chân mới là môn yêu thích nhất trong các môn thể thao của mình. Nhìn nhà thơ Triệu nằm rên hừ hừ trên sân, Lý Trọc vẫy tay bảo ông ta đứng dậy. Nhà thơ Triệu không đứng dậy, mà vừa rên vừa ngồi dậy. Lý Trọc hỏi ông ta:
- Ông bằng lòng làm việc cho tôi không?
Nghe hỏi vậy, nhà thơ Triệu lập tức nhảy quớ lên, hết rên liền. Ông ta tươi cười hỏi:
- Lý Tổng giám đốc, làm việc gì?
- Trợ lý đi theo tập thể dục. - Lý Trọc nói - ông được hưởng lương nhân viên quản lý bậc trung của Công ty.
Nhà thơ Triệu không bán được đôi giày đá bóng màu vàng rách bươm của mình, nhưng đã được làm trợ lý đi theo Lý Trọc. Từ đó về sau, ngày nào nhà thơ Triệu cũng đeo băng bảo vệ đùi gối và cổ tay, trời nắng chang chang cũng phải mặc áo bông quần bông, trời mưa gió cũng phải đứng trên bãi cỏ sân quần vợt, trung thành với chức trách, chờ Lý Trọc đến rê chân.
Lý Trọc học ba năm tiếng Nga, trình độ nói tiếng Nga tiến bộ rõ rệt. Lý Trọc rèn luyện ba năm, cơ thể ngày càng cường tráng. Sáu tháng nữa, anh ta sẽ phải đến Trung tâm huấn luyện vũ trụ của Nga, theo học chương trình huấn luyện cơ bản của phi công vũ trụ. Thấy ngày bay lên vũ trụ càng ngày càng gần, Lý Trọc sốt ruột chờ đợi khi ngồi trên ghế xô pha trong phòng khách, thường hay quên quy chế do chính mình đề ra, nói mấy câu tiếng Nga, rồi nói vài câu tiếng địa phương thị trấn Lưu. Giống như một ông già, Lý Trọc thích lải nhải với hai lưu học sinh người Nga, cứ bên trái một Tống Cương, bên phải một Tống Cương. Anh ta đếm ngón tay mình bảo, lão Dituo người Mỹ đem máy ảnh, máy quay camêra, đĩa quang và ảnh chụp vợ con lên vũ trụ. Còn Chateerwosi người Nam Phi mang lên vũ trụ ảnh chụp người ruột thịt trong gia đình và bạn bè, mang cả kính hiển vi, đĩa từ và máy tính xách tay. Sau đó anh ta giơ ra một ngón tay nói, Lý Trọc ta người Trung Quốc chỉ mang theo một thứ lên vũ trụ, thứ gì? Đó là hộp tro xương của Tống Cương. Mắt Lý Trọc xuyên qua kính cửa sổ sát đất, nhìn lên bầu trời đêm xa xăm lấp lánh, vẻ mặt đầy lãng mạn, anh ta bảo phải đặt hộp tro xương của Tống Cương lên quỹ đạo của vũ trụ. Trên quỹ đạo vũ trụ, ngày nào Tống Cương cũng được nhìn mười sáu lần mặt trời mọc, mười sáu lần mặt trời lặn. Tống Cương sẽ vĩnh viễn ngao du giữa mặt trăng và các vì sao.
- Từ đó trở đi - Lý Trọc đột nhiên nói bằng tiếng Nga - Người anh em Tống Cương của ta sẽ là người ngoài hành tinh.
Ngày 20 tháng 2 năm 2006
Huynh Đệ Huynh Đệ - Dư Hoa Huynh Đệ