Chung Vô Diệm epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Hồi Thứ Bảy Mươi Bảy ( Hết) - Ba Vị Vương Chia Binh Thảo Tặc
hung hậu nói vừa dứt lời Yến Anh bước ra tâu rằng:
- Lời Quốc mẫu thiệt là kim thạch, ngu thần đã làm ba cái thăm rồi, viết đủ Ngô, Ngụy và Hàn, ai bắt trúng đâu thời đi đó.
Nói rồi lấy ba cái thăm bỏ vào trong hộp, dâng lên cho Tuyên Vương và Chung hậu xem. Chung hậu kêu ba người con tới nói rằng:
-Việc này là quốc gia rất lớn, ấy cũng tại nơi mạng trời, các con phải vâng lời, mẹ cha mới đành dạ.
Ba vị Vương gia đều bước tới, bắt ba người ba cái thăm rồi dưng lên cho Tuyên vương. Tuyên vương mở ra xem, thấy Điền Côn đi bình nước Hàn, Điền Đơn đi bình nước Ngụy, Điền Nguyên đi bình nước Ngô, Yến Anh lại đứng làm tờ như ai mà trước đắc thắng ban sư, thời sẽ lập làm Từ quân Thái Tử. Ba vị Vương gia cúi đầu vâng lịnh, ai lui về phủ nấy lo sắp sửa binh mã lương tiền. Thiên Tử lại truyền nội thần dọn tiệc yến diên, chúc cho ba vị kỳ khai đắc thắng. Rạng ngày ba vị phân binh ra làm ba đạo, đốt hiệu pháo mở cửa thành, chia nhau ra kẻ Ngụy, người Hàn, quyết thâu về giang san một mối.
Nói về vợ chồng Khổng Đại ở trấn thủ thành Lang Da, đêm ngày cứ đi tuần phòng, mà ngăn ngừa cướp đạo. Ngày kia khi đi tới núi Toàn Sơn, Tú Anh ngồi trên ngựa xem thấy có một lằn hắc khí xông lên, bèn nói với Bắc Lộ vương rằng:
-Trong núi đó chắc có yêu nhân tàng ẩn nên có hắc khí xông lên, xin lang quân hãy tới đó xem thử, cho hẳn tường chân giả.
Nói rồi Khổng Đại đi được ít dặm xảy nghe tiếng la ó dậy trời, làm đầu có một vị anh hùng, mình cao một trượng dư, mặt xanh như chàm mới nhuộm, tay cầm cái Tuyên hoa phủ, mình cưỡi con ngựa ô chùy, kêu gọi quan khách đi đường phải nạp tiền mãi lộ. Khổng Đại nói:
-Sơn tặc tên gì, như mi biết ta lợi hại, phải mau mau xuống ngựa đầu hàng.
Tên sơn tặc đáp rằng:
- Lão gia họ Viên tên Đạt biệt hiệu là Dạ Long, phụng lệnh Hồ tiên ông, chiếm cứ Lục Lâm sơn trại. Như mi biết lão gia lợi hại thời bó tay chịu cho rồi.
Viên Đạt nói dứt lời, Khổng Đại hươi búa tới chém. Hai người đánh hơn ba chục hiệp mà chưa định hơn thua. Viên Đạt bèn lấy Lưu tinh kim đạn cầm tay, liệng Khổng Đại nhằm ngay lưng ngựa. Khổng Đại thất cơ bỏ chạy, Viên Đạt cũng giục ngựa đuổi theo, Độc Cô Xuân giục quân ào ào, bốn phía phủ vây Viên Đạt. Viên Đạt tả xông hữu đột, nhưng vậy mà chẳng có sợ chút nào, từ sớm mai cho đến xế chiều, binh Tề chết ngả hai thần tướng.
Đây nhắc về Hồ Ông, khi bị Bạch Liên phá Quần yêu trận rồi, trốn chạy tới núi Toàn Sơn, xứ Lục Lâm, thấy Viên Đạt ở đó, bèn giúp sức mà dạy bảo binh thơ, hàng ngày cứ biểu Viên Đạt đi thâu tiền mãi lộ, đặng chiêu binh mãi mã. Ngày nay Viên Đạt đi sớm mai tới tối mà không thấy trở về, trong lòng phút đã phát nghi, bèn đằng vân lên trên không mà xem xuống. Thấy Viên Đạt bị khổn, mới kiếm kế phò nguy tức thì động niệm linh văn, bên dinh Tề ầm ầm lửa cháy. Khổng Đại khi ấy xem về dinh trại, thời đã phách tán hồn kinh. Tú anh gặp lúc đi tuần dinh, biết yêu nhân thi hành pháp thuật. Bèn cắn máu đầu lưỡi phun lên, và niệm chú phản phong tức thì nổi gió thần thông, lửa trở lại cháy đầu yêu đạo. Hồ Ông biết có người phá phép, cầm bửu kiếm mà sa xuống đánh với Tú Anh, kẻ đao người kiếm giao tranh hơn ba chục hiệp mà chưa phân thắng bại. Tú Anh liền lấy cái Kim câu tế khởi, giữa không trung sáng chói hào quang, Kim câu sa xuống vội vàng, Hồ Ông bị móc té nhào xuống đất, Tú anh đưa một đao đứt làm hai khúc. Hồ Ông hiện nguyên hình rõ ràng một con Bạch Thố tinh, tu luyện ngàn năm đắc đạo. Tú Anh giục ngựa đi tới thấy có một tiểu tướng đương đánh với binh Tề, còn Bắc Lộ vương đương đốc quân vây phủ mà tên tiểu tướng không hề kinh sợ. Tú Anh liền kêu lớn tiếng rằng:
-Xin quân Tề hãy dừng lại, để ta bắt tướng ấy cho.
Khổng Đại nghe có tiếng vợ mình tới cả mừng, liền nhường chỗ cho vô đánh cùng Viên Đạt. Tú Anh thấy đao pháp của Viên Đạt thuần phục, tính bề đánh bộ chắc không hơn, bèn lấy dây Câu tiên sách tế lên, tức thì trói Viên Đạt nhào lăn xuống ngựa. Quân Tề áp ra bắt sống đem bỏ vào tù xa.
Khổng Đại lại truyền quân thẳng đến Toàn Sơn đốt phá tiêu tan sơn trại, rồi thâu binh trở về thành an nghỉ và khao thưởng tam quân.
Còn Viên Đạt lúc nằm trong tù xa, than vắn thở dài và oán trách Hồ Ông, vì nghe lời nên gây ra tai ương, uổng một kiếp anh hùng cái thế. Lúc ấy Tú Anh cũng vì tiếc Viên Đạt là người tài năng xuất chúng, nên lén tới đó rình nghe lén thoáng tai tỏ hết mấy điều, bèn lại gần buông lời hỏi han rằng:
- Nếu ngươi muốn được toàn sanh, thời nghe lời ta cho khỏi thành uổng tử.
Viên Đạt nghe nói bèn hỏi rằng;
- Ngươi tên họ là chi, xin nói rõ cho ta nghe thử? Như cứu ta đặng khỏi chết phen này, thời ơn tái sanh muôn đời ghi tạc.
Tú Anh đáp rằng:
- Ta là học trò Hỏa Vân Thánh Mẫu, vợ của Bắc Lộ vương gia, như nhà ngươi chịu đầu hàng ta, thời ta cho làm thiên tướng.
Viên Đạt đáp rằng:
- Loài sâu bọ cũng còn muốn sống, huống chi người ta lại tiếc thân. Nhờ Vương phi đại khoan nhân, tha chẳng giết ấy là ơn lớn, còn như nói cho làm thiên tướng, thời thà cắt đầu chớ lòng tôi chẳng ưng, nếu muốn cho tôi đầu phục Tề binh, thời phong cho chức công hầu mới chịu.
Tú Anh nói:
- Vì ngươi chưa có công lao gì với nước nhà, mà phong quyền tước lớn sao cho phục bá quan, chi bằng bây giờ nhận làm nghĩa tử. Vương gia chừng nào lập được công lao rồi sẽ tính.
Viên Đạt nghe phải thì vâng lời. Tú Anh liền truyền quân mở tù xa cho Viên Đạt. Viên Đạt theo Tú anh thẳng tới quân trướng bái yết Khổng Đại vương gia và xưng bằng nghĩa phụ. Khổng Đại cả mừng bèn nhận làm nghĩa tử. Từ đó về sau, trọn địa phương Toàn Sơn và Lang Da, núi không cáo núp, biển lặng tăm kình, nhân dân hỷ lạc thái bình, mưa gió phải thời thuận tiết.
Đây nhắc lại ba vị vương gia nhận binh đi đánh ba nước. Khi ấy Điền Côn và vợ là Liêm Thoại Hoa thống lãnh Tống Thiên, Tống Vạn làm đại tướng và mười muôn binh mã đi qua đánh nước hàn, ba quân hùng hổ oai vang, chỉ dặm Hàn bang tấn phát. Đại binh khi đi được ít ngày thời đã đến Hàn bang giáp giới, quan tiên phong trở về tâu lại, Điền Côn truyền hạ trại an dinh, năm phương tám hướng đồn binh, rồi sai người tới thành khiêu chiến.
Còn Hiếu vương nước Hàn đương lúc lâm triều, xảy thấy Huỳnh môn quan vào báo rằng:
-Nay Tề bang sai Điền Côn đại hưng binh mã, tới đây chinh phạt nước mình, đã đến dưới thành đồn dinh, nên chúng tôi phải vào tâu lại.
Hiếu vương nghe báo cả kinh, ngửa mặt lên trời than rằng:
- Đã mấy lần nghe lời sàm tấu, nên làm ra dấy động đao binh, lại Huyết Hải vô tình, nên mới hạ ngục Trương Xa, không biết ai thông tin tức nên Tề bang mới khởi binh đến đây, bây giờ phải đem thủ cấp Huyết Hải ra hiến trước dinh Tề thời khỏi việc chiến tranh họa hoạn.
Than rồi bèn truyền quan Trị điện, ra bắt Huyết Hải dẫn vào. Huyết Hải tới trước Kim giai quỳ lạy kêu oan tâu rằng:
-Tôi chưa có lỗi lầm việc nước, như giết tôi thì oan uổng quá chừng
Hiếu vương liền chỉ mặt mắng rằng:
-Ngày trước Trương Xa về nước, ngươi vu tấu nó tư thông cùng ngoại bang, may nhờ có văn võ bá quan, bằng không thời nó đã hồn về chín suối, ngươi lại nói quyết phục thù cho huynh trưởng (là Huyết Hồ) hưng binh sát phá Lâm Tri, không dè chưa làm gì được ai mà lại bị Tề binh sát lai quan ải.
Huyết Hải tâu rằng:
-Việc đó là sự nhỏ, xin Ngô chúa an tâm. Đồ pháp cửu của tôi thông thần, vợ chồng Điền Côn chắc là tới đây nạp mạng.
Hiếu vương nói:
-Như ngươi có pháp bửu thời phải thối Tề quân, nếu mà nói chẳng y lời, thời sẽ bêu đầu thị chúng.
Huyết Hải quỳ lạy tạ ơn. Hiếu vương truyền mở trói cho Huyết Hải, rồi vua tôi dắt nhau lên Vọng dịch lầu mà xem thế giặc. Rồi đó truyền thủ thành trì nghiêm ngặt, chớ nên khinh địch mà mắc mưu. Ba quân hùng hổ tỳ hưu, thề quyết một lòng báo phục.
Còn Điền Côn khi an dinh hạ trại rồi sai người đi hạ chiến thơ và rạng ngày sau nhóm chúng tướng lại hỏi rằng:
-Có ai đi thảo chiến mà làm đầu công chăng?
Tống Thiên lãnh mạng xin đi, Điền Côn dặn phải đề phòng cho cẩn thận. Tống Thiên vâng lịnh phát ba tiếng pháo, dẫn năm trăm dũng sĩ xông ra thẳng đến dưới thành Bình Dương, kêu Hiếu Vương mà biểu hàng lập tức. Quân kỳ bài chạy vào phi báo, quân sư là Huyết Hải nghe nói nổi xung, truyền tam quân phát pháo khai thành, thẳng tới trận tiền cự địch.
Khi ấy Tống Thiên nghe có hiệu pháo, thời biết có tướng giặc xông ra, vừa đến còn đang xa xa, thấy tướng Hàn đầu đội xung thiên mão, tay cầm cây thiền trượng rất hung, mình mặc áo cà sa, bên vai có cây roi giáng ma, sau lưng lại có mang cái hồ lô bửu bối, rõ ràng là: Lão trọc đầu hay ăn xôi chuối, chớ chẳng phải người dưỡng tướng năng thần, bèn chỉ mặt hỏi rằng:
- Mi có phải là Huyết Hải, thời mau mau thể thủ quy y, đã làm kẻ tu trì thời còn tới chiến trường làm chi cho uổng mạng?
Huyết Hải thường có tánh nóng, nghe bấy nhiêu điều bèn hươi gậy đập liền. Tống Thiên cũng đưa thương lên đỡ, đánh nhau được chừng ít hiệp, Huyết Hải liền đem cái hồ lô ra và niệm chú, tức thì lửa Tam Muội túa lòa, làm cho Tống Thiên cháy mặt nám mày, quất ngựa chạy ngay về một nước, còn năm trăm dũng sĩ Tề cũng đạp nhau chạy trở về dinh, lửa cũng cháy theo. Điền Côn đương lúc hiểm nghèo, vợ chồng cũng dắt nhau bỏ chạy. Lúc ấy Thoại Hoa vừa chạy vừa niệm chú và đầu cáo với Thánh Hoàng, Thổ Địa, tức thì đòi năm vị Long vương dạy rằng:
-Phải làm mưa xuống cho tuyệt hỏa và phản phong, đặng bảo toàn tướng sĩ.
Khi đó Huyết Hải thấy có mưa xuống tắt lửa, bèn thâu binh lộn trở về thành, vào đền tâu lại cho Hiếu vương hay, Hiếu vương truyền nội thị dọn bày yến tiệc. Hiếu vương liền rót ba chung ngự tửu thưởng tài quân sư và nói rằng:
- Cô vương đã đánh với Vô Diệm hai lượt, làm chi chẳng nên việc nay may nhờ có Quân sư giúp sức, họa may trừ đặng Chung hậu cũng không khó gì.
Huyết Hải nghe nói thêm đắc ý mười phần, bèn bước xuống quỳ phân trần sau trước, tâu rằng:
- Dầu núi Tuyết Sơn có cao muôn trượng, bóng dương chiếu tới thời cũng tan ngay, ngu thần hằng uống giận đêm ngày, vì cục máu nóng thù anh chưa trả, xin chúa thượng hãy an tâm, ngu thần sẽ bắt Điền Côn như trở bàn tay, chẳng phải dám khoe tài, vì trong mình đủ sức.
Hiếu vương lại rót thêm ba chung ngự tửu nữa, an ủi công lao. Kế thấy đêm thâu bóng thỏ càng cao, bèn bãi tiệc trở về dinh an nghỉ.
Còn khi vợ chồng Điền Côn nhờ mưa làm tắt lửa, rồi lại còn e nỗi cừu nhân đêm khuya thừa cơ phóng hỏa, Liêm Thị rất nghi ngại bèn xủ quẻ xem coi, biết Điền Côn và anh em Tống Vạn có tai nạn, bèn sai người lội suối băng ngàn, dâng biểu cáo cấp xin binh cứu viện.
Đây nhắc về Điền Nguyên và Túy Vân thống lãnh Lỗ Quốc Anh, Lưu Kỳ và mười muôn binh mã, đi đánh nước Ngô, một đường thẳng tới Cô tô, truyền phát pháo an dinh hạ trại, Ngô vương hay tin ấy muốn dâng biểu đầu hàng. Kế xảy thấy có một người xuất ban đến tâu rằng:
- Xin Ngô chúa hãy an tấc dạ, cho ngu thần ra bắt Điền Nguyên vì tôi có ba cuốn thiên thơ, làu thuộc tinh thông đủ các phép, lựa thao tam lược có dư, trước là tận trung vì nước nhà và làm cho tứ hải vang danh, sau thêm phục thù cho thần huynh mới thỏa tình cốt nhục.
Ngô vương nghe rồi xem lại người ấy tên là Đạo Hồng là em ruột cuả Đạo Tông, bèn phán rằng:
- Không xong đâu! Đạo Tông là người có tài trí còn bị nó đốt tiêu xác tiêu hồn, nay còn ngươi tài chi ỷ mình khôn, đừng làm bậy khiến cho quả nhân mang hại.
Đạo Hồng tâu rằng:
- Như Ngô chúa chẳng cho tôi cự địch, thời thà cam chịu chết tại đây.
Nói dứt lời muốn đập đầu vào long trụ, Ngô vương phải lật đật y như lời. Đạo Hồng bèn tạ ơn lui ra, về Soái phủ nhóm chúng tướng lại và sắp đặt binh cơ, đặng ngày mai xuất chiến.
Rạng ngày sau, Lỗ Quốc Anh dẫn binh đến, Phó nguyên soái là Vương Hổ vào báo lại cho Đạo Hồng hay, Đạo Hồng sửa sang nai nịt, phát ba tiếng pháo dẫn binh mở cửa xông trận. Quốc Anh xem thấy liền chỉ mặt hỏi rằng:
-Tướng Ngô tên họ là gì, phải mau xưng ra cho ta biết rồi sẽ đánh.
Đạo Hồng đáp rằng:
- Ta là Ngô vương gia hạ. Nguyên soái tên Đạo Hồng quyết trả thù anh nên mới ra đây, nguyện bắt chúng bây mà tế sống anh ta.
Quốc Anh nghe nói nổi giận, bèn hươi thương đâm liền, Đạo Hồng cũng đưa gươm rước đánh. Qua lại hơn ba chục hiệp, Đạo Hồng biết dùng sức không hơn nổi Tề tướng, bèn thò tay vào túi lấy ra một cuốn yêu thơ thổi một cái, mây tuôn bay tối mịt. Quốc Anh mặt xem đã đen kịt liền giục ngựa thối lui, quái phong thổi tới ba hồi, đồ beo cọp thổi tới vô số. Quốc Anh thâu binh về trại, Đạo Hồng truy sát tới nơi, thấy cửa dinh đã bế lại rồi, bèn rút binh về thành phục chỉ.
Ngô vuơng khen tài và khao thưởng tướng sĩ rồi ghi công đệ nhứt cho Đạo Hồng, tiệc bày khánh hạ vừa xong, Ngô vươn bảo Đạo Hồng về dinh an nghỉ. Còn Quốc Anh bị bại trận về phục tội với Xuân vương. Điền Nguyên nói rằng:
-Binh gia thắng bại là lẽ thường, huống chi nó dụng tà yêu pháp thuật.
Kế đó Tùy Vân thăng trướng thấy Điền Nguyên than thở buồn rầu, Túy Vân mới nói:
- Thành Cô Tô ở dựa mé sông, đánh ban ngày khó lòng dùng kế, ý thiếp muốn đêm nay hạ chiến, sắm vân thê cho sẵn mà leo thành, quản chi yêu đạo tung hoành, một ngọn phi kiếm thời đầu rơi xuống đất.
Điền Nguyên khen phải, bèn truyền sĩ tốt sửa sang binh khí, đến canh ba thời công đả thành trì. Các tướng đều vâng lệnh, Tùy Vân bèn nói với Điền Nguyên rằng:
- Vương gia hãy đến phía đông môn mai phục và truyền quân kiếm đồ uế vật cho nhiều, còn thiếp thời vào cửa tây môn, dầu Đạo Hồng nó có cánh lên trời cũng không khỏi.
Xuân Vương cả đẹp và sắp đặt đâu đó y lời. qua đầu canh ba, Túy Vân đằng vân lên giữa không trung tán đậu thành binh, dùng tam muội hỏa mà đốt vầy soái phủ. Còn Xuân vương và Lỗ Quốc Anh thấy trong thành lửa đỏ, kíp truyền quân phát pháo và bắc thang leo vào. Còn Đạo Hồng đương lúc kiêu binh vì buổi ban ngày đã đắc thắng nên trong thành chẳng có phòng bị. Khi nghe tin lửa cháy thì kinh hồn và đến lúc nước đã tới chân vội vàng ra khỏi cửa thì gặp ngay một viên nữ tướng dẫn theo một toán thần binh. Đạo Hồng xem thấy liền liều mình đánh vùi một hồi làm gì cũng chẳng xuể. Đạo Hồng biết thế địch không lại bèn hóa ra một đạo hắc quang bỏ chạy qua phía đồng môn. Xuân vương xem thấy tỏ tường, kíp truyền cho quân sĩ lấy đồ uế vật liệng lên. Đạo Hồng liền nhào lăn xuống đất. Xuân Vương mừng rỡ bèn rượt theo, lật đật mà chẳng đề phòng bị Đạo Hồng liệng trúng một cuốn Yêu thơ. May nhờ có Nguyệt phách bửu kiếm hộ thân, chứ như người khác thời đã hóa ra tro bụi.
Khi Xuân Vương bị cuốn yêu thơ vào mặt đổ hào quang rồi nằm gục trên yên, Đạo Hồng vội vã đến liền, ý muốn cắt lấy đầu thị chúng. Chẳng dè giữa không trung bỗng nghe tiếng nói:
-Yêu đạo chẳng nên phi phép.
Đạo Hồng nghe vậy ngửa mặt ngó lên, liền bị một ngọn phi đao đầu rơi xuống đất. Túy Vân cũng sa xuống đất, truyền Tề binh đem vương tử về dinh rồi lại hiệp binh với Quốc Anh mà công phá thành Cô Tô.
Rạng ngày thâu binh về trại, thấy Xuân vương nằm thiêm thiếp như người mê, Túy Vân bèn đến kêu luôn ba bốn tiếng mà không hề đáp lại. Kế đó thấy quân binh thưa lại rằng:
-Khi hôm có một ông già tới đây, tên gọi Biển Thước, ông già ấy lại nói là ông có quen với ngài thuở trước, nay đưa tiên dược đến mà cứu người. Nói vừa dứt thì thấy dưới chân sanh mây hóa trận gió bay đi đâu không biết.
Túy Vân nghe nói rất mừng rỡ, vội vàng tiếp lấy tiên đơn hòa với nước mà đổ cho chồng và kêu Xuân Vương lai tỉnh. Giây phút Xuân Vương hồi dương tỉnh dậy. Túy Vân thuật lại các lời, Điền Nguyên liền quỳ xuống bái tạ giữa không trung rồi truyền quân sửa soạn vào thành mà vấn tội.
Thương hại Ngô vương tuổi cao tác lớn, ngôi trời chẳng có con trai, gặp việc nhà lắm lúc nạn tai, cũng tại bởi mấy tên tướng nịnh. Đêm ấy nằm không an giấc vì đầy thành lửa đỏ pháo vang. Sáng ngày lại thấy nội thị vào tâu rằng:
-Đạo Hồng đã hồn về địa phủ, còn thành trì đã bị Tề binh công phá nát tan, bây giờ chẳng biết chạy hà phan, xin Thánh Hoàng định đoạt.
Ngô vương nghe tâu té ngửa, ba hồn thẳng lên mây xanh, bá quan xúm lại đỡ lên, giá ngự đà trở về chín suối. Bá quan đều mau vào tâu cùng Chánh cung Bá Hậu rằng:
-Tề Thần đã đem binh đến công phá thành trì, nên long giá nghe báo hồn đã về trời. Vả lại nước mình kế vị không người, phải mau viết hàng thơ đưa ra mới đặng.
Bá Hậu nghe tâu vội vàng thẳng ra Kim Loan điện than khóc một hồi, rồi đưa Lễ bộ quan tẩn liệm thi hài, đưa long dư vào nơi Bạch Hổ điện. Rồi đó lấy địa đồ và ngọc tỷ giao cho Tướng đến dâng cho Tề bang, tức thì trở lại cung phòng, một mình luống đeo sầu ngậm tủi. Thương vì nỗi mình già tuổi yếu, lại gặp cơn quốc phá gia phong. Sách có câu: Sanh tử dữ đồng cho rạng chữ nhi chung tùng nhứt. Bá hậu nghĩ như vậy rồi truyền cung nữ đi ra hết rồi lấy ba thước lụa điều mà tự vận.
Rạng ngày sau, Xuân Vương vừa muốn truyền quân sửa soạn công thành, xảy thấy quân kỳ bài vào tâu rằng:
-Có tướng của Ngô bang đưa văn biểu tới hàng đầu tiểu chúa.
Xuân Vương nghe nói vội vàng truyền lệnh cho Ngô thần vào yết kiến. Khi Trâu Thiên Tử vào đến trướng, quỳ dâng văn biểu và tâu rằng:
Ngô vương đã thất kinh tán mạng và sự nối ngôi chẳng có con trai, nên triều thần thuận theo ý trời xin dâng biểu và địa đồ quy thuận.
Xuân vương cả đẹp, thâu lấy hàng biểu rồi truyền quân nhập thành. Ngô bang văn võ vọng nghinh, vợ chồng Xuân vương thẳng vào Kim Loan điện. Tề thần và Ngô thần thảy đều triều kiến. Xuân vương truyền xuất, đề bảng an dân, kế thấy cung giám tới tâu rằng:
-Bá Hậu đã liều mình tự vận.
Vợ chồng Xuân vương nghe tâu hết sức thương tiếc và khen rằng Tiết Liệt Phu Nhân, rồi truyền bá quan tẩn liệm thi hài, dùng vương lễ mà an táng người trung liệt. Hai vợ chồng táng chung một lăng tẩm, bá quan quảy hiếu cư tang. Việc xong, sai Hưu Kỳ ở lại trấn thủ Cô Tô thành và truyền chúng tướng ban sư về nước.
Khi Điền Nguyên về tới phủ Dương Châu, gặp quân kỳ bài đến tâu rằng:
-Có Nuơng Nương chỉ dụ, sai vương gia đi cứu Điền Côn. Vì Hàn bang có Huyết Hải cao dường, dùng tà thuật sát thương binh mã.
Điền Nguyên xem chỉ dụ rồi truyền quân nhựt dạ kim hành, thẳng tới Hàn bang mà cứu viện. Đi chẳng mấy ngày đã tới phủ Bình Dương, Điền Nguyên truyền quân kiếm gò cao mà an dinh hạ trại. Tối lại vợ chồng bèn thương nghị rằng:
-Yêu nhân hay dùng tà hỏa đặng thiêu hại Tề binh, vậy phải mau kiếm cho đặng cái chổi của Nương Nương thì mới trừ được nó.
Xuân vương liền sực nhớ lại khi Trương Xa về nước, Quốc mẫu có đưa cho va một cái chổi cầm theo, bây giờ phải tìm lấy cái bửu bối ấy mới trừ yêu diệt quái được. Vợ chồng thương nghị xong rồi, tính chờ đến đêm khuya vào Nam lao tìm Trương Xa mà lấy lại.
Qua đầu canh hai, Túy Vân đằng vân vào thành, tàng hình thẳng tới Nam lao, tìm đặng Trương Xa tỏ bày các chuyện. Trương Xa nghe nói cả mừng, liền lấy cái thần trửu đưa ra. Túy Vân tiếp lấy vội vàng liền đằng vân mà bay về dinh trại.
Rạng ngày sau, vợ chồng Điền Nguyên đem binh tới dưới thành khiêu chiến, quân tiểu hiệu vào báo cho Huyết Hải hay. Huyết Hải nổi giận lôi đình, liền sửa sang xuất binh ra đối địch. Hai bên chẳng kịp xưng hỏi họ tên, áp đánh nhầu một hồi, Huyết Hải bèn lấy cái hồ lô mở nắp ra
Tức thì lửa cháy rần rần làm cho quân Tề thất vía. Điền Nguyên cầm cây thần trửu quét qua quét lại ba lần, yêu hỏa tức thì mất lặng, còn Huyết Hải thời nhào lăn xuống ngựa. Túy Vân vội vàng liệng cây Giáng Ma chữ, đánh Huyết Hải một cái hiện nguyên hình, thiệt là một con kim tằm ngoài da đỏ dường như mặt trời dọi. Túy Vân xem thấy, lại lấy Phược yêu sách tế lên trói quách, quân sĩ rần rần áp tới dẫn về dinh. Điền Nguyên nổi trận lôi đình, truyền đem ra hành hình tức tốc. Quân đao phủ chém hoài không đứt, thấy trơ trơ và lại đổ lửa hào quang. Túy Vân bèn lấy Định Yêu châm tế lên, đâm kim tằm nát da nát thịt. Rồi đó kíp truyền chém lấy thủ cấp bêu lên mà chiêu an cùng bảo Hàn vương nạp biểu quy hàng, bằng không thời toàn thành tru lục.
Quân giữ thành mau vào phi báo với Hiếu vương là yêu đạo đã chết rồi. Hàn vương nghe nói hỡi ôi, vỗ án kêu trời than khóc. Hai hàng nhỏ sa lụy ngọc, bá quan đều cùng thảm thương. Hàn Hóa Vân bước ra tâu rằng:
-Tôi xin tiến cử một người tới dinh Tề xin đầu hàng mới đặng.
HIếu vương nói:
-Đương lúc nước nhà tai nạn, bá quan phải giúp Trẫm đặng chia sự lo, bây giờ Thừa Tướng muốn sai ai, xin nói ra cho trẫm rõ?
Hàn Hóa Vân tâu rằng:
-Chỉ có Trương Xa nguyên soái đi dâng hàng biểu mới xong.
Hiếu vương nói:
-Vậy để Trẫm sai Triệu Đại đi cùng khanh tới Nam lao mà vời Trương nguyên soái.
Khi hai người đi tới đó thì Trương Xa còn mắc bịnh hỏa nhập tâm vì trách vua không rõ tin lầm nên đến nỗi nước nhà nghiêng ngửa. Bởi cớ ấy đêm ngày trằn trọc, bắt nóng ruột nên phải nói xàm, kế đó bỗng thấy ngục tốt vào thưa rằng:
-Thiên Tử sai Hàn thừa tướng và Triệu lão gia đến triệu.
Trương Xa phát thinh ra nói rằng:
-Hai thằng đó đi đâu, muốn tới đây mà làm thích khách hay sao?
Hàn Hóa Vân và Triệu Đại cũng không giận, bèn thuật hết các việc cho Trương Xa nghe. Trương Xa đáp rằng:
-Ta là một thằng gian thần mãi quốc, nhờ ơn bất sát là may, chết sống cũng ở đây, chẳng thèm đi đâu hết.
Triệu Đại nói rằng:
-Xin Nguyên soái phải lấy nước nhà làm trọng, còn sự oán thù hãy dẹp lại một bên, chớ nếu như xã tắc đảo huyền thì Nguyên soái cũng không toàn danh dự.
Trương Xa nghe nói hết lời, mới bớt tánh nóng xuống và chịu đi với hai người. Hàn Hóa Vân truyền quân lấy quần áo đổi thay, ba người đi tới Kim Loan điện vào ra mắt thiên tử. Hiếu vương thấy Trương Xa vừa tới, liền bước xuống ngai an ủi rằng:
-Vì Cô vương tin dùng đứa gian thần nên không phải cùng người công thần bảo quốc. Nay Tề binh công thành rất gấp, phải đầu hàng cho đỡ lúc nguy cấp. Ngặt vì không biết sai ai đi đến nói cho Tề quân thâu nạp.
Trương Xa quỳ lạy tạ ơn bất sát và xin liều mình trả nợ non sông. Hiếu vương nghe nói mừng lòng, viết hàng biểu cùng đem giao tỷ quốc.
Trương Xa lãnh lấy rồi tạ ơn thiên tử, liền vội vã đi tới Tề dinh, tỏ nguồn cơn với tiểu hiệu tuần quân, vào trướng hổ tấu trần tự sự. Xuân vương nghe nói có Trương Xa đến liền giáng chỉ cho vào. Trương Xa đến nơi phân tỏ thấp cao rằng:
-Nhờ ơn Quốc mẫu hải hà nên ngu thần mới được lưỡng toàn trung hiếu. Ngặt vì bị gian thần vu tấu, tha khỏi chết mà mắc bị gia tại Nam lao. Nay lại có chỉ triệu tha ra và sai ngu thần qua dâng hàng biểu.
Xuân vương nói:
-Ta cũng vị tình Nguyên soái mới thu nạp hàng biểu này. Chớ nếu như Hàn vương mà sai ai tới đây thì ta cũng quyết phá thành hãm trận.
Trương Xa hết sức vui đẹp liền từ tạ lui về và tâu lại Hàn vương hay các việc. Vua tôi bèn sửa soạn các đồ kim ngân châu báu và sai Triệu Đại đưa đến cống nạp cho Tề Thần. Xuân vương truyền quân thâu nạp xong rồi liền dọn tiệc đãi đằng quân sĩ. Rồi đó Triệu Đại giã từ tiểu chúa về triều phục chỉ lại cho Hàn vương, còn Xuân vương thì truyền quân sĩ bạt dinh, đi qua phía Đông mà thông tin lại cho Điền Côn tỏ rõ.
Nói về Điền Côn từ khi bại trận, vợ chồng đêm ngày trông đợi cứu binh, chẳng khác nào như các nọ trông sao mà chẳng thấy âm hao tin tức. Đến ngày nay vợ chồng đang ngồi trò chuyện, thấy quân lam kỳ vào phi báo rằng:
- Xuân vương đã thu phục Hàng bang, đương kéo binh tới dinh tiền hội hiệp.
Vợ chồng Điền Côn nghe qua cả đẹp, liền xuất dinh nghinh tiếp. Anh em gặp nhau hết sức mừng rỡ. Kế đó Điền Côn buông lời nói rằng:
-Cảm ơn ngự đệ có dạ hảo tâm.
Điền Nguyên liền đáp rằng:
-Em đã bình định đặng Ngô quốc, ban sư về tới Duy Dương, lại tiếp được ý chỉ của Nương Nương, nên em phải đem binh tới đây cứu viện. Huyết Hải chết rồi thời xong chuyện, Hàn vương nạp biểu xưng thần nên sai em tới đây hội hiệp với Vương huynh, ngày mai sẽ thâu binh về nước.
Điền Côn đáp rằng:
-Ngự đệ thiệt là phước phận, trời khiến xui chấp chưởng giang sơn. Vợ chồng anh hổ thẹn muôn phần, tới đây bị bại binh và chết tướng.
Điền Nguyên nói:
-Xin vương huynh đừng quá tưởng, em chẳng dám chịu lời. Xin hãy nghỉ binh ít ngày rồi đây cùng nhau phản bái.
Vợ chồng Điền Côn khen phải, nghỉ binh ba bữa rồi bạt trại khởi trình.
Nhựt nguyệt tợ thoi đưa, tháng ngày mau thắm thoát. Xuân qua, Hạ tới, vừa buổi tiết Đoan dương, muôn nhà đều đốt một nén hương, khắp xứ cũng nghinh tường tập phước. Chung hậu đang lúc ở trong cung lo việc nước, trận gió hương phưởng phất ngoài hiên, trong mình phút đau bụng liền thì biết tới kỳ thai sản. Ông bà đã lo đồ sắm sẵn, chờ tới giờ tiếp sản thôi sinh, mùi hương náo nức cung đình, tới giờ Ngọ sanh râ Ấu Chúa. Cung nữ thảy đều mừng rỡ đến tâu lại cho Tuyên vương hay. Thiên tử nghe tâu nở mặt nở mày, tới sản phòng mà hỏi thăm Chung hậu. Chung hậu thưa:
-Thần thê không có sanh mèo như lúc trước nữa, xin thiên tử xem coi giống ai?
Tuyên vương nghe nói cả cười và mặt mày mắc cỡ, Chung hậu lại nói:
-Bữa nay sanh nhằm ngày ngoại kỵ, chắc thằng này khôn lớn ắt phải vô duyên, hay là bị mắc phải tiền khiên nên mới sanh nhằm ngày chẳng tốt.
Tuyên vương nói:
-Long Quy làm tướng thuở trước, Y Doãn ở tại Hữu Sằn, còn Phó Duyên cũng ẩn cư sơn dã, tới sau mấy người cũng quyền cao tước cả, kẻ thì làm tướng, người thì làm vương. Ngàn năm công nghiệp hinh hương, cũng đều sanh nhằm ngày Đoan Dương giờ Ngọ.
Chung hậu nghe nói phải, cả mừng và xin đặt tên cho con. Tuyên vương nói:
-Bữa nay là ngày ngoại kỵ. Đoan dương thì đặt tên cho nói là Điền Kỵ.
Chung hậu khi ấy truyền nhũ mẫu bồng Điền Kỵ tới tạ ơn vua rồi để lên nằm nghỉ trên long sàng. Lúc đó vợ chồng còn đàm đạo kiết tường, bỗng thấy Ngọc thiền bước tới vừa đi vừa khóc, hết lúc khóc lại cười, hết cười lại nói, ai cũng bàn rằng mắc phải yêu ma. Cung nhân lật đật trở về nhà thời té ra chết giấc. Còn Chung hậu lúc ấy cũng như cơn huyết vựng nằm trên giường mê mẩn tâm thần. Tuyên vương nghe nói tới gần, thời chóa con mắt, thấy có một người ngưu đầu mã diện, cầm cây phan phất qua phất lại. Cung nhân không biết chuyện gì hung kiết mà lo toan. Lúc ấy lại có một người cung giám già hơn sáu chục tuổi bước tới nói rằng:
-Việc như vầy sao không thỉnh Yến Anh, nếu có sự chi bất bình thì lấy ai mà xử trí?
Cung quan nghe như vậy lật đật chạy ra tướng phủ mà thuật hết việc cho Tề phủ hay. Yến Anh chân chẳng kịp mang giày, vội vã chạy ngay vào cung viện. Khi đến nơi thấy Tuyên vương đang nằm thiêm thiếp, bèn truyền cho cung nhân đi lấy cương thang đổ vào miệng, giây lát thở ra mới tỉnh. Tuyên vươn bèn thuật lại chuyện thấy người ngưu đầu mã diện, nên thất kinh mà té ngửa hôn mê, Yến Anh khi ấy toán quẻ rồi tâu rằng:
-Ấy là Quốc mẫu đi phán đoán dưới âm ty, xong công việc rồi trở về dương thế.
Tuyên vương lại hỏi còn Trịnh Thị như vậy có phải là bịnh ma quỷ hay chăng, Yến Anh bèn suy toán âm dương nữa mới biết rõ gốc tích căn do, rồi tâu rằng:
-Bắc cung chẳng phải ma quỷ, cũng không phải bịnh căn. Vì ngu thần chẳng dám lậu thiên cơ, chờ Bắc cung hồi dương rồi sẽ biết.
Tuyên vương nghe nói các việc, mới đổi sầu làm tươi, liền truyền quân dọn tiệc nơi hoa viên, tôi chúa đều vây mừng giai tiết.
Nói về Chung hậu xuống tới âm ty, vào thành Phong Đô, Diêm quân tiếp rước ân cần, vào Sum La điện phân ngôi tân chủ. Diêm quân khi ấy nói rằng:
- Nương nương thác sanh ra đời Xuân Thu Chiến Quốc, việc trước sau không biết phân minh, bao nhiêu án thiện án tử sanh, vua Thập điện chưa hề phân xử. Nay Nương Nương là Lê San đệ tử, xin nhờ tài cao mà xử phân đi cho rồi.
Chung hậu nghe nói vâng lời, bèn thay y phục mà lên ngồi đại diện. Phán quan liền đưa sách bộ phụng tiến, Công tào thời kể ra các tội, những người chết nghiệp thủy hỏa đao binh, cùng bao nhiêu oan hồn uổng tử. Cũng là bởi tiền sanh hung dữ nên kim thế phải chịu luân hồi, kẻ thiện tạm thời lại được làm kiếp người, còn loài ác nghiệp thời phạt đày ra cầm thú.
Lúc ấy lại thấy có một người nam tử tới quỳ xin thường mạng và kêu oan rằng:
- Tôi về hội Kỳ bàn, bị Chung hậu mà thác không minh bạch. Tấm trung hồn vẫn còn oan ức, xin bắt Vô Diệm xuống tra cứu.
Chung hậu liếc mắt ngó qua thì biết là Ngũ Tân thuở trước. Chung hậu khi ấy phán rằng:
- Ngươi là trung thần hậu duệ sao không biết khí số của trời. Đường đường một đấng làm trai, trở lại thua người đàn bà mà không biết xấu. Phán quan mau kíp tra xem sổ bộ coi tiền sanh thế nào?
Phán quan tâu rằng:
-Ấy là một vị thần tiểu hoa trên Thiên Tào giáng thế.
Chung hậu mới phán nữa rằng:
- Ngũ Tân! Sách có chữ: Trung thần bất úy tử, úy tủ bất trung thần. Chốn sa trường đã vị quốc vong thân, đến nỗi này còn lo tánh mạng. Vả lại người là một vì sao giáng thế, sao không biết xét mà trở về thiên cung. Còn ở đây thưa kiện hành hung, ta phạt người xuống Đông Sơn đầu thai kiếp khác.
Sứ giả vâng mạng dẫn Ngũ Tân đi đầu thai, còn bao nhiêu oan hồn uổng tử, người lành thời cho thăng thiên đường, kẻ dữ thời phạt sa địa ngục. Trong nhứt khắc phán đoán mọi việc xong hết, rồi đó Chung hậu lại nói với Diêm vương rằng:
- Việc âm dương cách biệt, sự thiện ác đã phân minh. Xin cho Ai gia trở lại cung đình, kẻo Thiên tử đem tình hoài vọng.
Diêm vương rất hậu trọng, đưa Chung hậu trở về Lâm Tri. Khi Chung hậu về đến, hoàn hồn, liền ngó thấy trên đầu Ngọc Thiền có bóng bạch quang xuất hiện thời có ý mừng mà không nói ra, bèn kêu cung nữ hỏi rằng:
-Thánh giá bây giờ ở đâu?
Cung nữ thấy Chung hậu đã hồi tỉnh lại rồi, mới lật đật đi tâu cùng Thiên tử. Tuyên vương và Yến Anh cả mừng đều bước tới Chiêu Dương cung, cùng nhau mừng rỡ. Chung hậu khi ấy niềm nỡ và thuật lại việc đi phán đoán dưới âm ty cho Thiên tử nghe. Tuyên vương nói:
- Diêm vương mời ngự thê đi phán đoán, vậy mà làm cho quả nhân thất vía kinh hồn.
Yến Anh khi ấy lại tâu rằng:
- Nay Trịnh tân nhân còn mê mẩn, xin Quốc mẫu lo phương giải cứu, kẻo để lâu e nỗi khó lòng.
Chung hậu nói rằng:
- Vì Ngọc Thiền đã thành chánh quả nên trời sai Thiên Tiên tới thử việc giả chân, quả Ma vương với Trịnh phi còn ở trên Ngư Sơn, chẳng có việc chi mà phòng lo sợ.
Lúc ấy vua tôi còn đang đàm đạo, xảy thấy trận gió thổi qua, hương bay thơm phức. Quốc mẫu biết Trịnh tân cung đã hoàn hồn, bèn bước tới niệm câu thần chú thì thấy đạo bạch quang ở trên đầu thâu xuống, giây lát Ngọc Thiền tỉnh dậy, mở mắt ra xem thấy Chung hậu còn đứng ở bên long sàng, lật đật bước xuống vội vàng lạy tạ ơn Chung hậu. Chung hậu mới nói:
-Ta mừng cho vương muội nay đã thành chánh quả rồi. Cũng vì nhờ tấm lòng kiên trinh và đạo đức hơn người, chẳng bao lâu cũng sẽ về trời sum họp.
Nói rồi kíp truyền cung nhân dọn tiệc, vua tôi hỷ lạc với nhau, kế xảy thấy Huỳnh Môn quan bước vào tâu rằng:
-Xuân vương ban sư đắc thắng đã về tới trước trường đình.
Khi ấy Yến Anh bước ra tâu rằng:
-Lúc xuất binh đã có lập ước, ai ban sư về trước thời được lập làm Tử quân. Nay Xuân vuơng đắc thắng ban sư, ngôi đại bửu đã đành phong lập.
Tuyên vương khen phải, Chung hậu cũng nói rằng:
-Xuân vuơng tuy là đắc thắng, song còn phải đợi Điền Đơn, như anh em nó bất phục thì làm sao?
Yến Anh nói:
-Việc đó để ngu thần phụng chỉ, ra trước trường đình nghinh tiếp, lập Điền Nguyên làm Thái Tử thì xong.
Thiên tử chuẩn tấu. Yến Anh liền truyền nội các thần viết chiếu phong lập Điền Nguyên rồi lên kiệu thẳng tới trường đình mà nghinh tiếp.
Khi đến nơi, hai vị Vương gia mừng rỡ, cùng nhau tiếp rước lão thần. Yến Anh mở chiếu đọc lên rằng:
- Phong lập Điền Nguyên làm Thái tử, lựa ngày sẽ lên ngôi bửu vị, chấp chánh triều cang mà cai trị thần dân. Còn Điền Côn thì đi tu kiến lăng phần, cho trọn chữ quân thần phụ tử.
Hai vị vương gia quỳ lạy tạ ơn rồi cùng nhau ở lại trường đình còn đợi binh Điền Đơn phạt Ngụy về.
Nói về Tuyên vương và Chung hậu đương khi thưởng ngoạn trong hoa viên, bỗng thấy trận hương phong thổi tới. Chung hậu ngửa mặt lên trời thấy có một hình người phản phất, liền bấm tay làm một quẻ thì đã hiểu các việc nguyên do gốc tích. Vì Công chúa Yên Đơn có sanh sặng người con tên là Tôn Tẩn. Tôn Tẩn với nước Tề vẫn có duyên phận, tới ngày sau phải chịu tận trung. Vì nay Tôn Tẩn mắc bịnh đậu Thiên Hoa, có lương y mà cứu không nổi, Chung hậu nghĩ rằng nếu như sai người cầm linh đơn đi tới thời e khi trễ nải khó lòng. Liền niệm chú hô phong hóa ra một con bạch vượn. Chung hậu khi ấy đưa ra cho một hoàn linh đơn tiên dược và hóa trận gió bão bay tới nước Yên. Xong việc ấy, Chung hậu còn xem thấy Tôn Tẩn hồn tiên, cứ ở trên mây phiêu phiêu phưởng phưởng. Chung hậu lại niệm câu hồn thần chú, sau Huỳnh Cân lực sĩ đưa Tôn Tẩn trở về. Việc này là có tiền duyên đến Phong Kiếm Xuân Thu mới rõ.
Đây nhắc lại Điền Đơn qua nước Ngụy, bị thất binh tới mười hai trận nên phải treo miễn chiến bài. Đạo binh trận ấy bị vây nên vợ chồng Điền Nguyên trong lòng đã khủng khiếp. Ngày kia vợ chồng đang ngồi thương nghị, muốn sai người đột xuất mà về cầu cứu với Lâm Tri, xảy có quân lam kỳ vào báo rằng:
-Có Tả thừa tướng nước Ngụy tới trước dinh cầu xin giảng nghị.
Điền Đơn nghe nói hồ nghi tưởng chắc là họ dùng kế, mới sai binh cơ phòng bị, rồi truyền lịnh cho vào. Châu Hợi vô đến khấu đầu rồi bày tỏ các việc rằng:
-Quốc vương đã biết lòng hối quá nên sai ngu thần tới đây giảng hòa.
Điền Đơn khi ấy nói rằng:
-Như thật lòng thì dâng hàng biểu hàng thơ, ngày mai ta sẽ về nước.
Châu Hợi vâng lời về tâu lại cho Ngụy vương hay. Ai vương liền viết hàng thơ, sai Châu Hợi theo Tây Lộ vương đến Lâm Tri cống hiến. Rạng ngày Tây Lộ vuơng truyền quân bạt trại, mau kéo binh trở về. Lúc đi vừa tới Trường đình thấy có quân hiệu đến báo rằng:
-Có hai vị vương gia và Yến tề phủ còn ở đợi nơi trường đình.
Điền Đơn lật đật xuống yên, bước vào cùng nhau thi lễ.
Yến Anh thuật lại các việc vâng lời chiếu chỉ, đã phong cho Điền Nguyên làm Thái tử Đông cung. Anh em hớn hở vui lòng, mấy vị vương phi cũng thảy đều ưng đẹp. Rồi truyền quân dọn tiệc hỷ lạc và nghỉ binh lại đó một đêm. Rạng ngày sau, ba vị vương gia cùng mấy vị vương phi truyền quân phát pháo khởi hành thẳng tới Kim Loan điện. Cùng nhau làm lễ triều kiến và tâu hết sự tình các nước, Thiên tử truyền khao thưởng tam quân và gia phong cho các tướng.
Lúc này sáu nước thảy có sai người tới cống hiến, ai ai cũng vui mừng. Trong thiên hạ thái bình, bỗng chút thinh không sa xuống một vị Kim Tinh tới trước Kim giai bày cớ sự rằng:
-Ta vâng lệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế rước ba vị Thánh trở về Thiên cung.
Chung hậu khi ấy tiếp rước khách một cách ân cần và kêu Xuân vương tới phân trần sau trước rằng:
-Nay có sáu người tới đây triều hạ, ấy là phước phận của vương nhi. Đây quốc tỷ giao lại cho chôn cùng Yên tề phủ cùng phò đặng ngôi cửu ngũ.
Xuân vương lãnh lấy ngọc tỷ rồi cúi đầu lạy tạ ơn cha mẹ mà lên ngôi. Bá quan triều bái xong, kế đó Kim Tinh cầm cây Đồng phan phất qua một cái, liền thấy ba con chim hạc trên trời sa xuống. Tuyên vương, Chung Hậu và Ngọc Thiền, mỗi người cưỡi một con. Kim Tinh lại cầm Đồng phan phất lại một lần nữa, thấy mây lành tuôn phủ, gió tốt thổi qua, đưa thẳng ba vị trở về trời. Lúc ấy Điền Nguyên và bá quan thảy đều ra đứng giữa trời mà lạy đưa tám lạy.
Đây nói về Điền Nguyên đưa cha mẹ về trời rồi, ngự vào Kim Loan điện, chấp chưởng triều cương, xưng hiệu là Tề Tương Vương rồi sai sứ đi thông tin cho các nước biết. Rồi đó, ngoài triều chánh giao cho Yến tể phủ, nội sự phó mặc Lưu nương nương, bá quan đều thăng thưởng vui mừng và ấy vị Phan vương cũng hết lòng tán trợ.
Nước Tề từ đây thịnh trị, thiệt là quốc thái dân an, ngàn năm vững đặt âu vàng, chỉnh bạc ngồi yên bệ ngọc.
HẾT
Chung Vô Diệm Chung Vô Diệm - Tô Chẩn Chung Vô Diệm