Chương 75
hế là chuyện xảy ra như vậy đó – ngay buổi chiều vừa đến Bali – tôi đột nhiên ngồi sau một chiếc xe máy, ôm chặt anh bạn mới Mario Ý-Indonesia của mình, anh chở tôi phóng khắp các ruộng bậc thang hướng đến nhà Ketut Liyer. Bằng tất cả những gì tôi đã nghĩ về việc tái ngộ với ông thầy mo trong hai năm qua, tôi thực sự không hình dung được mình sẽ nói gì với ông khi đến. Và tất nhiên chúng tôi không có một cuộc hẹn. Vậy là chúng tôi xuất hiện không thông báo. Tôi nhận ra cái bảng hiệu bên ngoài cửa nhà ông, cũng đúng là cái lần trước có ghi “Ketut Liyer – họa sĩ”. Đây là một khu nhà gia đình Bali truyền thống, điển hình. Một bức tường đá cao bao quanh toàn bộ khu nhà, ở giữa có một sân nhỏ và một ngôi đền ở phía sau. Vài thế hệ sống suốt đời cùng nhau trong những căn nhà nhỏ khác nhau liên thông bên trong những bức tường này. Chúng tôi bước vào không gõ cửa (dù sao thì cũng không có cửa) khiến mấy con chó giữ nhà Bali điển hình (gầy còm, giận dữ) hoảng loạn nhặng xị lên và rồi ông thầy mo già Ketut Liyer đang ở đó trong sân, mặc xà rông và áo sơ mi đánh golf, trông đúng như lối ông đã mặc hai năm trước lần đầu tôi gặp. Mario nói cái gì đó với Ketut, và đúng là tôi không trôi chảy tiếng Bali, nhưng tôi nghe có vẻ như một giới thiệu chung chung, cái gì đó kiểu, “Đây là một cô gái từ Mỹ - Tấn công đi.”
Ketut quay lại nhìn tôi cười với cái miệng sún gần hết răng, lòng bi mẫn tuôn trào, và điều này làm người khác được trấn an biết mấy; tôi đã nhớ chính xác, ông ấy là khác thường. Gương mặt ông là một bách khoa toàn thư về lòng tốt. Ông bắt tay tôi thật chặt, mạnh mẽ và phấn khích.
“Tôi rất hân hạnh biết cô,” ông nói.
Ông không hề biết tôi là ai.
“Lại đây, lại đây,” ông nói, và tôi được dẫn vào hiên căn nhà nhỏ của ông, nơi có những tấm chiếu tre đan dùng làm bàn ghế. Trông đúng như hai năm về trước. Cả hai chúng tôi ngồi xuống. Không hề do dự, ông nắm lòng bàn tay tôi – cho rằng, cũng như hầu hết khách Tây phương của ông, tôi đến đây để xem tướng tay. Ông xem tướng tay cho tôi rất ngắn gọn, tôi thấy vững tâm vì nó là một phiên bản rút gọn đúng điều ông đã nói với tôi lần trước. (Ông có thể không nhớ mặt tôi, nhưng định mệnh tôi, trong đôi mắt tinh tường của ông, không thay đổi.) Tiếng Anh của ông khá hơn lần gặp trước, cũng tốt hơn tiếng Anh của Mario. Ketut nói như một ông già Trung Hoa thông thái trong phim kungfu cổ điển, một kiểu tiếng Anh ta có thể gọi là “Grasshopperese”, vì ta có thể chèn từ trìu mến “Grasshopper” [châu chấu] vào giữa bất kỳ câu nào và nó nghe có vẻ rất thông thái. “A – cô có một số phận rất may mắn, châu chấu...”
Tôi đợi khi Ketut dừng trong khi xem tướng rồi ngắt lời để nhắc ông là tôi đã đến đây gặp ông rồi, hai năm trước.
Ông có vẻ bối rối. “Không phải là lần đầu tiên ở Bali à?”
“Không, thưa ông.”
Ông suy nghĩ rất lung. “Cô là cô gái từ California?”
“Không,” tôi nói, không còn hy vọng. “Tôi là cô gái từ New York.”
Ketut nói với tôi (và tôi không chắc nó có liên quan gì không), “Tôi không còn đẹp trai nữa, rụng nhiều răng. Có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ đi nha sĩ, làm răng mới. Nhưng tôi rất sợ nha sĩ.”
Ông phô hàm răng trống hoác và cho tôi thấy sự hư hại. Quả thực, hầu hết răng bên trái trong miệng ông đã rụng và bên phải thì tất cả đều hỏng, những chân răng vàng trông đến đau lòng. Ông đã ngã, ông bảo tôi. Răng ông gãy hết vì như vậy đó.
Tôi bảo ông tôi lấy làm tiếc khi nghe điều đó, rồi thử nói chậm rãi lại lần nữa, “Tôi không nghĩ ông nhớ ra tôi, Ketut. Tôi đã ở đây hai năm trước với một thầy Yoga người Mỹ, một phụ nữ sống ở Bali nhiều năm.”
Ông cười, hãnh diện.
“Tôi biết AnnBarros!”
“Đúng rồi. AnnBarros là tên của người thầy Yoga. Nhưng tôi là Liz. Tôi đã từng đến đây nhờ ông giúp đỡ vì tôi muốn đến gần Thượng Đế hơn. Ông đã vẽ cho tôi một bức tranh ma thuật.”
Ông nhún vai nhã nhặn, thản nhiên. “Không nhớ,” ông nói.
Đây là tin xấu đến gần như buồn cười. Giờ tôi sẽ làm gì ở Bali đây? Tôi không biết chính xác mình đã hình dung gặp lại Ketut có thể sẽ ra sao, nhưng tôi hy vọng chúng tôi sẽ có một kiểu sum họp siêu nghiệm đầy nước mắt nào đó. Và mặc dù đúng là tôi từng sợ ông có thể đã chết, tôi cũng không chợt nghĩ rằng – nếu ông vẫn còn sống – ông có thể sẽ không hề nhớ ra mình. Vậy mà giờ đây có vẻ gì như là tột cùng ngu ngốc khi tưởng tượng rằng cuộc gặp đầu tiên của chúng tôi có thể là đáng nhớ đối với ông ấy như đối với tôi. Lẽ ra tôi nên dự liệu chuyện này đàng hoàng hơn, một cách nghiêm túc.
Vậy là tôi mô tả bức hình ông đã vẽ cho tôi, hình người với bốn chân (“đứng vững vàng trên mặt đất”) và không có đầu (“không nhìn thế gian bằng trí tuệ”) và khuôn mặt ở chỗ trái tim (“nhìn thế gian bằng trái tim”) và ông lắng nghe tôi lịch sự, với sự quan tâm vừa phải, như thể chúng tôi hoàn toàn đang thảo luận cuộc đời của ai đó khác.
Tôi ghét phải làm vậy vì tôi không muốn thử ông, nhưng phải nói ra, vậy la tôi chỉ bày nó ra. Tôi nói, “Ông đã bảo tôi nên trở lại Bali này. Ông đã bảo tôi ở lại đây ba hay bốn tháng. Ông nói tôi có thể giúp ông học tiếng Anh và ông sẽ dạy tôi những điều ông biết.” Tôi không thích cái hơi hám trong giọng điệu của mình – chỉ là chút xíu xiu thất vọng. Tôi không đề cập gì về lời mời ông đã từng nói sẽ lo cho tôi sống với gia đình ông ấy. Cái đó có vẻ không thích hợp, theo như tình huống này.
Ông lắng nghe tôi lịch sự, mỉm cười và lắc đầu, như kiểu: Những thứ mọi người nói không buồn cười sao?
Lúc đó tôi suýt bỏ qua luôn. Nhưng đã đi quá xa thế này rồi, tôi phải cố gắng một lần cuối cùng. Tôi nói, “Tôi là người viết sách, Ketut. Tôi là người viết sách từ New York.”
Và không hiểu sao điều này lại có tác dụng. Đột nhiên gương mặt ông trở nên sáng rạng niềm vui, trong trẻo và rõ ràng. Như thể một bông pháo hoa lóe sáng trong tâm trí khi ông chợt nhận ra. “LÀ CÔ!” ông nói. “CÔ! Tôi nhớ ra CÔ!” Ông nghiêng người về phía trước, nắm hai vai tôi và bắt đầu lắc lắc tôi một cách vui vẻ, như kiểu đứa trẻ lắc một món quà Giáng sinh chưa mở để cố đoán xem cái gì bên trong. “Cô đã trở lại! Cô đã trở LẠI!”
“Tôi đã trở lại! Tôi đã trở lại!” tôi nói.
“Cô, cô, cô!”
“Tôi, tôi, tôi!”
Giờ thì tôi nghẹn ngào nước mắt, nhưng cố không để lộ. Sâu thẳm trong tôi được khuây khỏa – khó mà giải thích. Thậm chí tôi ngạc nhiên. Nó như thế này – như thể tôi bị một vụ tai nạn, xe tôi rơi qua một cái cầu và chìm xuống đáy sông và tôi bằng cách nào đó xoay xở thoát khỏi chiếc xe chìm bằng cách bơi qua một cửa sổ mở và rồi bơi ếch, cố bơi một hơi qua dòng nước xanh lạnh về phía ánh sáng ban ngày, tôi gần như hết khí oxy, rồi các động mạch cổ tôi vỡ ra rồi má tôi phồng lên với ngụm hơi cuối cùng và rồi – THỞ HỔN HỂN! – tôi đã xuyên lên mặt nước và tợp những ngụm lớn không khí. Và tôi sống sót. Cái nhịp thở hổn hển đó, cái đột phá đó – đây là cảm giác khi tôi nghe ông thầy mo Indonesia nói, “Cô đã trở lại!”. Sự nhẹ nhõm của tôi chính xác là lớn đến thế.
Tôi không thể tin nó có kết quả.
“Vâng, tôi đã trở lại,” tôi nói. “Dĩ nhiên là tôi đã trở lại.”
“Tôi vui mừng quá!” ông nói. Chúng tôi nắm tay nhau và giờ thì ông ấy phấn khích quá sức. “Tôi không nhớ ra cô ngay! Chúng ta đã gặp nhau lâu quá rồi! Giờ cô trông khác quá! Quá khác với hai năm trước! Lần trước, cô là một phụ nữ trông rất buồn bã. Giờ - rất vui vẻ! Như một người khác!”
Ý nghĩ này – ý nghĩ về một người trông khác đến thế sau chỉ mới hai năm – hình như khiến ông rung lên cười khúc khích.
Tôi thôi không cố giấu nước mắt và chỉ để nó trào ra. “Đúng, Ketut. Trước đây tôi đã rất buồn. Nhưng giờ cuộc sống đã tốt đẹp hơn.”
“Lần trước cô đang trong một vụ ly dị tồi tệ. Không tốt.”
“Không tốt,” tôi khẳng định.
“Lần trước cô lo lắng quá nhiều, buồn rầu quá nhiều. Lần trước, cô như một bà già buồn bã. Giờ cô trông như một cô gái trẻ. Lần trước cô xấu xí. Giờ cô xinh xắn!”
Mario bùng lên tán thưởng ngất ngây và tuyên bố một cách đắc thắng, “Thấy không? Bức tranh thật linh nghiệm!”
Tôi nói, “Ông có còn muốn tôi giúp ông học tiếng Anh không, Ketut?”
Ông bảo tôi có thể bắt đầu giúp ông ngay lúc này và lanh lẹ đứng lên, như ông thần lùn giữ cửa. Ông nhảy vào căn nhà nhỏ của mình và trở ra với một đống thư ông nhận được từ nước ngoài trong vài năm qua (vậy ra ông có một địa chỉ!). Ông yêu cầu tôi đọc to mấy bức thư cho ông nghe, ông có thể hiểu tiếng Anh rất tốt, nhưng không đọc được nhiều lắm. Tôi đã là thư ký của ông rồi. Tôi là thư ký của một ông thầy mo. Chuyện này thật hoang đường. Các bức thư từ những nhà sưu tầm nghệ thuật ở nước ngoài, từ những người thế nào đó đã xoay sở có được những bức hình ma thuật và những bức tranh ma thuật của ông. Một bức thư từ một nhà sưu tầm ở Úc, khen ngợi khả năng hội họa của Ketut, viết, “Nhờ đâu ông có thể thông thái đến vậy để có thể vẽ chi tiết như thế?” Ketut trả lời tôi, như đang đọc chính tả, “Vì tôi lập luyện nhiều, nhiều năm.”
Khi các bức thư đã được đọc xong, ông cho tôi biết viết cuộc sống của ông trong mấy năm qua. Một số thay đổi đã diễn ra. Ví dụ, giờ ông có một người vợ. Ông chỉ qua sân về phía một phụ nữ chắc nịch đang đứng trong bóng râm cửa bếp của mình, bà nhìn tôi trừng trừng như thể đang phân vân không biết có nên bắn tôi hay không, hay đánh thuốc tôi trước rồi hãy bắn. Lần trước khi tôi ở đây, Ketut đã buồn rầu cho tôi xem các bức hình người vợ vừa mất của ông – một phụ nữ Bali lớn tuổi xinh đẹp có vẻ sáng láng và vẫn trông nom bọn trẻ con ngay cả khi đã cao tuổi. Tôi vẫy chào qua sân về phía người vợ mới, bà ta quay trở vào bếp của mình.
“Một người đàn bà tốt,” Ketut nói về phía bóng râm của bếp. “Một người đàn bà rất tốt.”
Ông tiếp tục kể là ông rất bận bị với các bệnh nhân Bali của mình, luôn có nhiều thứ phải làm, phải ban nhiều phép thuật cho các bé mới chào đời, những nghi lễ cho người chết, chữa người bệnh, lễ cưới. Lần tới ông sẽ đến một đám cưới Bali, ông nói, “Chúng ta sẽ đi cùng nhau! Tôi sẽ dẫn cô theo!” Vấn đề duy nhất là, không còn nhiều người Tây phương đến thăm ông nữa. Không ai đến tham quan Bali từ vụ đánh bom khủng bố. Chuyện ấy khiến ông “cảm thấy rất bối rối trong đầu”. Chuyện ấy cũng khiến ông cảm thấy “rất trống trải trong ngân hàng của tôi”. Ông nói, “Giờ cô sẽ đến nhà tôi mỗi ngày để thực tập tiếng Anh với tôi chứ?” Tôi gật đầu sung sướng và ông nói: “Tôi sẽ dạy cô thiền Bali, được chứ?”
“Đồng ý,” tôi nói.
“Tôi nghĩ ba tháng là đủ thời gian dạy cô thiền Bali, đủ để tìm thấy Thượng Đế cho cô theo các này,” ông nói. “Có lẽ bốn tháng. Cô thích Bali chứ?”
“Tôi yêu Bali.”
“Cô lập gia đình ở Bali chưa?”
“Vẫn chưa.”
“Tôi nghĩ có lẽ sớm thôi. Mai cô sẽ trở lại chứ?”
Tôi hứa mai sẽ trở lại. Ông không nói gì về chuyện tôi chuyển đến ở với gia đình ông cả, nên tôi không đề cập đến, lén lút ném cái nhìn sau cùng về phía bà vợ đáng sợ trong bếp. Có lẽ thay vì thế tôi sẽ chỉ ở lại trong khách sạn dễ thương của mình luôn. Dù sao cũng tiện nghi hơn. Hệ thống nước, và tất cả những thứ đó. Dù vậy, tôi sẽ cần một chiếc xe đạp, để đến gặp ông mỗi ngày...
Vậy là đã đến lúc phải về.
“Tôi rất hân hạnh được biết cô,” ông nói, bắt tay tôi.
Tôi đưa ra bài học tiếng Anh đầu tiên của mình. Tôi dạy ông sự khác biệt giữa “happy to meet you” và “happy to see you”. Tôi giải thích rằng ta chỉ nói “Nice to meet you” lần đầu tiên ta gặp ai đó. Sau đó, mỗi lần ta lại nói “Nice to see you”. Vì ta chỉ gặp ai đó từng lần một. Nhưng giờ chúng tôi sẽ gặp nhau nhiều lần, ngày này sang ngày khác.
Ông thích vụ này. Ông thực tập một lượt, “Rất vui được gặp cô! Tôi rất vui được gặp cô! Tôi có thể gặp cô! Tôi không điếc!”
Chuyện này khiến chúng tôi cười, cả Mario nữa. Chúng tôi bắt tay và đồng ý là chiều mai tôi sẽ đến. Cho đến lúc đó, ông nói, “Hẹn gặp lại, cá sấu Mỹ.”
“Lát nữa nhé, cá sấu,” tôi nói.
“Hãy để lương tri cô dẫn đường. Nếu cô có bạn phương Tây nào đến Bali, chỉ họ đến tôi xem tướng tay – giờ tôi rất trống trải trong ngân hàng kể từ vụ đánh bom. Tôi là một người tự học. Tôi rất vui gặp cô, Liss!”
“Tôi cũng rất vui gặp ông, Ketut!”
Ăn Cầu Nguyện Yêu Ăn Cầu Nguyện Yêu - Elizabeth Gilbert Ăn Cầu Nguyện Yêu