IV - Giá Trị Của Tập Truyện Trạng Quỳnh
ói tóm lại, chuyện Trạng Quỳnh là một chuyện hoạt kê do một tác giả vô danh soạn ra từ khoảng giữa hoặc khoảng cuối thời vua Lê chúa Trịnh, nhân vật Trạng Quỳnh chỉ là một nhân vật giả tạo như trên kia đã nói, giả tạo nhưng khiến có người cũng muốn có tay như Quỳnh thật để trị những cái rởm ở đời, từ cái rởm của kẻ cầm đầu thiên hạ đến những kẻ khố rách áo ôm, từ cái rởm của những kẻ ăn trên ngồi chốc đến những kẻ bần cùng lam lũ, từ bọn học thức, bọn tu hành đến những kẻ phàm phu tục tử.
Chuyện Trạng Quỳnh là thế, song có lẽ đương thời không được in, hoặc không dám in ra, chỉ khẩu truyền… rồi sau một thời gian khá dài mới có người góp lại in ra bằng chữ Nôm, rồi dần dần là những bản quốc ngữ, nên có nhiều bản xếp đặt thứ tự không giống nhau và thiếu sót cũng khá nhiều, so với những chuyện còn được khẩu truyền trong dân gian.
Chuyện đặt ra tuy nhiều chỗ sơ hở và vô lý với những sự kiện thực tế ở bên ngoài nhưng dù sao, với nội dung của nó, tác giả đã phơi ra được những gì là lố lăng và mục nát của chế độ đó và nó đã thành công trong việc lôi kéo được số đông độc giả theo chủ đích của mình bằng những cái rất trào lộng, rất trớ trêu, rất mâu thuẫn, rất éo le mà lắm khi giải quyết rất thần tình hấp dẫn.
Nếu đem so với những tác phẩm khác của các nhà văn ở thời Lê trung hưng như « Truyền kỳ mạn lục » của Nguyễn Dữ, « Lĩnh Nam chích quái » của Vũ Quỳnh, « Công dư tiệp ký » của Vũ-phương-Đề v.v… thì chuyện Trạng Quỳnh – mặc dù đi riêng một lối – đã vượt lên hẳn về lối phổ biến và được các tầng lớp nhân dân chú ý; đó là thời đại ấy còn chưa có những phương tiện để tuyên truyền quảng cáo như mấy lúc về sau.
Tuy nhiên, về phần nội dung tác phẩm cũng còn một khuyết điểm rất nặng là đả kích thì nhiều mà xây dựng thì thiếu, cho nên với tính chất của văn chương trào phúng, tác phẩm chỉ được giá trị về mặt phổ thông cùng mua vui trong đại chúng thôi vậy.
Sài-thành, Thu Đinh-Dậu 1956
THÁI BẠCH
Trạng Quỳnh Toàn Tập Trạng Quỳnh Toàn Tập - Ngô Lăng Vân Trạng Quỳnh Toàn Tập