Chương 70
ôi đã bắt đầu thấy thích nó vào cái đêm Towneley đến báo tin, và trong thời gian qua tôi nghĩ là nó đã định hình được bản thân rồi. Tôi cũng thấy thích nó khi chúng tôi trò chuyện lúc nó còn trong tù, và muốn tìm hiểu thêm về nó để xem xét nó cho thật kỹ càng. Tôi đã sống đủ lâu để biết rằng có vài người làm được những việc vĩ đại vào cuối đời lại chẳng phải là một kẻ khôn ngoan gì lúc còn trẻ, và khi biết là nó sẽ ra tù vào ngày ba mươi tháng này, tôi đã trông nó đến, cũng như đã chuẩn bị một phòng ngủ để bắt nó ở lại đây với tôi cho đến lúc nào nó xác định được sẽ làm gì tiếp theo.
Lớn tuổi hơn nó nhiều, tôi biết cách làm của tôi hoàn toàn ổn, nhưng nó lại không chịu. Và điều duy nhất nó chấp nhận là sẽ làm khách trong nhà tôi cho đến khi tìm được phòng cho mình, rồi dọn đi ngay lập tức.
Nó vẫn còn rất kích động, nhưng sau khi dùng xong bữa sáng thịnh soạn hơn hẳn chế độ nhà tù và được dọn ra trong một gian phòng ấm cúng, nó đã cảm thấy khá hơn. Tôi hài lòng khi thấy nó rạng rỡ với tất cả những thứ tôi có, lò sưởi với lửa ấm, những chiếc ghế bành, báo Times, con mèo của tôi, những cây phong lữ đỏ thắm bên cửa sổ, chưa kể đến cà phê, bánh và bơ, xúc xích và mứt cam,...v.v. Tất cả mọi thứ đều thỏa mãn những ý thích tao nhã nhất của nó. Nó cứ mãi đứng lên mà ngắm cây tiêu huyền bên cửa vẫn còn xanh lá, và nói rằng cho đến tận bây giờ nó mới biết được cái thú thực sự của những việc như thế này. Nó cứ liên tục ăn uống, nhìn ngắm, cười đùa và hò reo với một xúc cảm mà tôi không thể quên nhưng cũng chẳng thể tả nổi.
Nó kể cho tôi nghe lúc nó được ra tù, cha và mẹ nó đã mai phục nó thế nào. Tôi giận điên người và thật tâm khen ngợi những gì nó đã làm. Nó rất biết ơn tôi vì điều đó. Nó nói rằng những người khác hẳn sẽ bảo nó nên nghĩ về cha mẹ hơn là nghĩ về bản thân, và thật là dễ chịu khi tìm được một người có cùng ý nghĩ với nó. Thậm chí nếu tôi có nghĩ khác nó, tôi cũng sẽ không nói ra, nhưng cả hai chúng tôi cùng suy nghĩ, và tôi gần như rất cám ơn nó vì đã nhìn cuộc đời qua cùng lăng kính với tôi, về phía nó cũng vậy. Thật lòng mà nói, tôi không ưa Theobald và Christina, và với cách nhìn đó, tôi thấy mình có phần bị cô lập trong vô vọng, nên thật dễ chịu khi tìm thấy một người nữa đồng tình với tôi.
Sáng hôm đó, chúng tôi đã cùng nhau có một khoảng thời gian thật tuyệt vời.
Có tiếng gõ cửa vang lên, và có lẽ đó không phải là người đưa thư mà là một vị khách đang chờ trước cửa nhà tôi. ‘lạy Chúa,’ tôi kêu lên, ‘tại sao chúng ta lại không đóng cửa miễn tiếp khách luôn cho rồi. Có lẽ đó là cha con. Nhưng chắc chắn khó có chuyện anh ấy đến vào giờ này! Nhưng dù gì, con hãy cứ ẩn vào trong phòng ngủ của bố đã.’
Tôi bước ra cửa, và đúng là Theobald và Christina. Tôi không thể từ chối mời họ vào nhà và buộc phải nghe họ kể lại câu chuyện căn bản cũng hệt như những gì Ernest vừa kể cho tôi vậy. Christina khóc lóc đau khổ, còn Theobald thì nộ khí xung thiên. Mất khoảng mười phút để cam đoan với họ là tôi chẳng hay biết Ernest giờ đang ở đâu, tôi mới mời được họ đi. Tôi thấy họ nhìn với ánh mắt ngờ vực những dấu chỉ rành rành rằng có ai đó vừa mới ăn sáng với tôi, rồi họ bỏ đi có phần khó chịu, nhưng dù gì thì tôi cũng thoát được họ rồi, và Ernest tội nghiệp lại được bước ra, nhưng mặt nó trông tái mét, đầy sợ hãi và buồn rầu. Nó nghe loáng thoáng tiếng nói chuyện nhưng không rõ ràng, và nó không chắc là tôi có bị kẻ thù kia thu phục hay không. Chúng tôi đóng bặt cửa, và một lâu sau, nó bắt đầu bình tĩnh lại.
Sau bữa ăn sáng, chúng tôi cùng nhau bàn về tình hình hiện thời của nó. Tôi đã đến chỗ bà Jubb để lấy về cái tủ và sách vở của nó, nhưng vẫn còn để đồ đạc, các bức tranh và cây đàn lại ở đó cho bà Jubb, để bà vừa có đồ dùng vừa coi sóc chúng giùm cho tôi. Ngay khi biết được có tủ áo của nó ở đây, Ernest liền lấy ra và mặc ngay vào một bộ nó vốn mặc trước khi được phong chức để, theo tôi nghĩ, đổi mới cho vẻ ngoài của nó.
Rồi sau đó, chúng tôi bắt đầu đi vào chủ đề tài chính của nó. Nó lấy được mười bảng từ Pryer chỉ một hai ngày trước khi bị bắt, và chỉ còn khoảng bảy tám bảng lúc vào tù. Người ta trả lại số tiền này cho nó lúc mãn hạn. Lâu nay, nó vẫn luôn trả tiền mặt khi mua bất kỳ thứ gì, nên chẳng có khoản nợ nào cần phải trích tiền ra thanh toán. Ngoài ra, nó vẫn còn áo quần, sách vở và đồ đạc. Như tôi đã nói, nó có thể có được một trăm bảng từ cha nó nếu đồng ý di cư, nhưng cả Ernest và tôi (đúng ra thì nó đã thuyết phục tôi như thế) đều đồng ý là không thể chấp thuận được đề xuất này. Và như thế, những thứ tôi vừa kể trên là toàn bộ gia sản nó có.
Ernest bảo rằng nó dự định sẽ tìm một căn phòng đỉnh gác mái trong một ngôi nhà yên tĩnh, vốn chỉ tốn ba hay bốn shilling một tuần, và sẽ dọn đến ngay khi tìm được, đồng thời cũng sẽ tìm một chỗ làm thợ may. Tôi không nghĩ việc nó khởi đầu với cái gì là quan trọng, bởi tôi biết khá chắc rằng nếu nó có thể khởi đầu với bất kỳ cái gì cũng được, chẳng bao lâu sau thế nào nó sẽ tìm ra được điều phù hợp với nó mà thôi. Vấn đề khó khăn là làm sao để nó đi được bước đi đầu tiên này. Việc nó có thể cắt và may, hay nói cách khác là nó có kỹ thuật thợ may, vẫn chưa đủ, nó phải được nhận vào một cửa hàng may và được hướng dẫn bởi một ai đó biết cách nào và điểm nào có thể giúp nó tiến bộ.
Suốt chiều hôm ấy, nó đi tìm phòng trọ và sớm tìm được, đồng thời cũng thấy quen hơn với không khí tự do mới được phục hồi của mình. Đến tối, tôi đưa nó đến Olympic, nơi có Robson diễn trong một vở kịch nhại lại vở Macbeth của Shakespeare, và nếu tôi không nhớ nhầm thì hôm đó Keeley đóng vai phu nhân Macbeth. Trong cảnh trước vụ mưu sát, khi Macbeth nói rằng ông không thể giết Duncan được, ngay lập tức, phu nhân Macbeth liền xóa tan sự ngần ngại của chồng bằng cách gô cổ ông dưới cánh tay và kéo đi khắp sân khấu, vừa đá vừa hét. Ernest cười đến chảy cả nước mắt. ‘Kịch Shakespeare kiểu gì buồn cười thế này,’ nó buột miệng reo lên. Tôi vẫn còn nhớ bài luận về bi kịch Hy Lạp của nó, và bây giờ tôi càng thấy mến nó hơn bao giờ hết.
Ngày hôm sau, nó đi tìm việc, và đi mãi đến tận năm giờ chiều mới thất thểu trở về báo rằng chẳng gặt hái được gì. Ngày hôm sau và hôm sau nữa cũng vẫn thế. Nó đi đến đâu người ta cũng từ chối và thậm chí còn thẳng thừng yêu cầu nó bước ra khỏi nhà họ. Dù nó không nói ra, tôi vẫn có thể thấy là nó đang khá hoảng loạn, bởi vậy tôi nghĩ rằng mình phải đứng ra giải quyết việc này. Nó bảo là nó đã đi hỏi rất nhiều chỗ và lần nào cũng nhận được một câu trả lời như nhau. Giờ nó mới thấy ra được rằng giữ nếp cũ thì dễ nhưng đi vào một con đường mới thì vô cùng khó khăn.
Khi đến hẻm Leather để mua cá trích hun khói cho buổi dùng trà, tình cờ nó có trò chuyện với một người bán cá ở đó chủ yếu là do hiếu kỳ chứ không phải có ý gì khác. ‘Bán buôn ư,’ ông chủ cửa hàng nói với nó, ‘Tại sao không ai tin rằng có thể bán được những thứ giá chỉ một hoặc hai xu nếu biết cách. Ví dụ như đống ốc này. Thứ bảy vừa rồi, tôi và Emma bé bỏng của tôi đã ở đây và bán đống ốc trị giá bảy bảng này từ tám đến mười một giờ rưỡi, và hầu hết đều chỉ bán một hoặc hai xu, có số ít người còn chỉ mua có nửa xu. Ốc bán được là nhờ hơi từ lò ra. Chúng tôi giữ cái nồi nấu cho chúng được nóng mãi, và khi nào hơi ốc bốc lên mạnh thì người ta đến mua còn nếu hơi yếu sẽ chẳng có ai ghé đến, nên chúng tôi cứ phải đun lò mãi cho đến khi bán được hết. Vấn đề là ở chỗ đó, nếu biết cách làm ăn thì sẽ bán được hàng, còn nếu không biết thì chỉ làm rối tung lên mà thôi. Sao nào, nếu không có hơi ốc bay ra, thì dù có đứng cả đêm, tôi cũng sẽ chẳng bán được nổi mười shilling đâu.’
Chuyện này và những chuyện lề đường tương tự như vậy mà nó nghe được đã thôi thúc Ernest hơn bao giờ hết là phải đánh cược vào nghề may, thứ duy nhất mà nó biết rành rõi. Dù vậy, thêm ba bốn ngày nữa trôi qua nhưng triển vọng việc làm của nó sao mà quá xa vời. Lúc này tôi đã làm những gì cần làm, cụ thể là tôi tìm đến thợ may của mình, người đã may áo quần cho tôi suốt hơn hai mươi lăm năm qua, và xin ông ấy một lời khuyên. Ông nói thẳng rằng dự định của Ernest là hoàn toàn vô ích. Ông Larkins, người thợ may nói, ‘Nếu cậu ấy bắt đầu lúc mười bốn tuổi, thì có thể kiếm được việc, nhưng không một ai đã hai mươi bốn tuổi có thể chịu nổi việc phải làm việc trong một xưởng toàn thợ may, cậu ta sẽ không thể hòa hợp được với những người khác, và họ cũng vậy, ông nghĩ xem, cậu ta không thể nói kiểu ‘chào anh bạn, rất vui được gặp’ với những người khác, và dù không như vậy đi nữa, cũng không mong gì những thợ khác sẽ thích cậu ta. Trước khi có thể làm thân với những người được đào tạo khác mình, thì người ta thế nào cũng sẽ bị nhấn chìm trong rượu chè hay những thói khác vì nỗi buồn thiếu tình đồng nghiệp.’
Ông Larkin nói thêm nhiều về điều này và kết chuyện bằng cách dẫn tôi đi xem xưởng may nơi thợ của ông đang làm việc. ‘So với hầu hết xưởng thợ, thì đây là thiên đường. Nhưng có quý ông nào, như ông chẳng hạn có thể trụ nổi ở đây quá hai tuần hay không?’
Chỉ năm phút sau, tôi đã rất mừng khi được thoát khỏi cái nơi nóng bức và hôi hám đó, và thấy rằng nếu Ernest đi làm việc trong xưởng may như thế này thì cũng chẳng khác gì còn ở trong tù.
Ông Larkins chào tôi sau khi nói thêm rằng nếu người tôi tiến cử có thạo việc hơn hiện giờ đi nữa, cũng chẳng có ông chủ nào nhận cậu ấy đâu, bởi e sợ sẽ làm bực mình những thợ khác.
Tôi từ biệt ông ra về, và thấy rằng tôi nên tự mình suy xét lại việc này. Lúc này, hơn bao giờ hết tôi thấy bối rối không biết có nên cho anh bạn nhỏ này vài ngàn bảng rồi để nó sang những xứ thuộc địa sinh sống hay không nữa. Lúc tôi về đến nhà đã là năm giờ chiều thì thấy Ernest đang chờ tôi, vẻ mặt rạng rỡ và tuyên bố rằng nó đã tìm được những gì nó muốn.
Xác Thịt Về Đâu Xác Thịt Về Đâu - Samuel Butler Xác Thịt Về Đâu