Đất Vỡ Hoang epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 26
ôlốptxép và Liachépxki trở lại gian phòng xép nhà Ôxtơrốpnốp, và ở đây đã được ba hôm. Chúng đến vào lúc rạng sáng, khoảng nửa tiếng sau khi Radơmiốtnốp, suốt đêm hôm ấy ngồi phục ở góc vườn bên cạnh nhà lão Ôxtơrốpnốp để quan sát nhà lão, ngáp một cái cuối cùng rồi đứng dậy, rón rén trở về nhà, trong bụng nghĩ quẩn nghĩ quanh: "Thằng cha Xêmiôn bày ra cái trò quái gở không chịu được! Bao nhiêu đêm rồi ngồi mục ra trong xó xỉnh sân vườn nhà người ta, như những tên trộm ngựa, thậm chí như những thằng trộm cắp vặt, ngồi chết rũ ra đấy, chẳng đêm nào được ngủ, và vất vả như thế để rồi chẳng được cái tích sự mẹ gì cả! Nào có thấy bóng vía bọn gian phi ấy đâu? Độc mình rình bóng mình… Phải đi nhanh nhanh lên, kẻo có mụ nào quen dậy sớm vắt bò, trông thấy mình thì rồi chuyện lại sắp lan đi khắp làng như sóng lan đi trên mặt nước cho mà xem: "Radơmiốtnốp sáng bạch nhật mới được thả cho về! Con mụ nào mà gớm thế, nó khéo chiều, khéo ấp ủ làm sao mà sáng toét ra ông ấy mới bừng mắt tỉnh dậy?". Rồi miệng lưỡi thiên hạ tha hồ mà thêu dệt, mình tha hồ mà mất uy tín… Phải chấm dứt cái trò này thôi! Mặc cho GPU đi mà lo việc bắt gian phi, mình không việc gì mà phải bao biện làm thay. Suốt đêm hôm qua mình ngồi trong vườn, căng mắt nhìn đến lòi cả con ngươi ra, thế thì hôm nay còn làm việc thế nào được nữa? Ngồi trụ sở mà ngủ gục xuống bàn hay thế nào? Giương đôi mắt đỏ ngàu mà nhìn người ta hay sao? Rồi người ta lại bảo: "Thằng ma bùn, nó đi lượn suốt đêm để rồi bây giờ ngồi ngáp như con chó ngáp ruồi vậy!". Rồi đi tong hết uy tín của mình…
Ray rứt vì hoài nghi, bã người ra sau một đêm thức trắng và trong bụng đinh ninh việc theo dõi này là một việc làm vô tích sự, Radơmiốtnốp rón rén bước vào sân, và chạm trán ngay ở thềm với bà mẹ ở trong nhà đi ra.
- Con đây mẹ à, - Anđrây lúng túng nói và định lách vào nhà.
Nhưng bà lão chặn anh lại, nghiêm nghị nhận xét:
- Tôi nom thấy anh rồi, tôi đã mù đâu… Này Anđrây, anh thôi cái trò chó dái chạy nhông suốt đêm như thế đi được rồi đấy! Anh chả còn trẻ trung gì nữa, hết cái thời trai gái lăng nhăng lâu rồi, cũng phải biết xấu hổ với mẹ, với bà con thiên hạ chứ? Liệu lấy vợ và tu tỉnh con người đi, quá thể lắm rồi đấy!
- Lấy ngay bây giờ, hay là chờ mặt trời lên cao cao tí có được không hả mẹ? - Anđrây hỏi kháy.
- Tôi không thúc ép anh đến thế đâu. Cứ cho mặt trời lên cao xuống thấp ba lần đi, nhưng sang đến lần thứ tư anh phải lấy vợ, - bà mẹ tảng lờ, làm như không biết ý hỏi kháy của con, đáp lại hoàn toàn nghiêm trang. - Anh phải thương tôi già chứ! Tôi già nua sức yếu rồi mà hết vắt sữa bò lại thổi nấu, giặt rũ cho anh, lại lo vườn rau, làm mọi việc trong nhà như thế thì chịu sao nổi… Có thế thôi mà không hiểu được hả con? Việc nhà cửa là anh không hề mảy may sờ đến. Anh chả đỡ đần cho tôi được tí gì cả! Đến nước anh cũng chẳng gánh. Ăn xong lại ra trụ sở, cứ như người ở trọ, như khách lạ trong nhà vậy. Anh chỉ còn độc biết lo cho mấy con bồ câu, và cứ mê lên như đứa trẻ con vậy. Đấy đâu phải công việc của người lớn? Chơi cái trò trẻ con ấy thì anh phải biết xấu hổ với thiên hạ chứ! Nếu không có con Nhiurka đến đỡ đần tôi bấy lâu nay thì tôi đã nằm liệt giường từ lâu rồi! Anh có mù đâu mà không trông thấy con bé ấy ngày nào cũng chạy sang nhà ta, không làm việc này thì lại làm việc khác, lúc vắt sữa bò, lúc tưới rau, làm cỏ, thôi thì đủ mọi việc. Anh thử đi khắp cái vùng này tìm xem có đứa con gái nào tốt người tốt nết như nó không? Nó nhìn anh tha thiết, nhưng anh đi chơi lắm mờ cả mắt, chả trông thấy gì cả! Suốt đêm qua anh mò đi đâu? Thử soi gương mà xem kìa: cỏ bám đầy đầu đầy tóc, cứ như con chó hoang vậy! Cúi đầu xuống xem nào, thế này thì có chết không! Người ta lôi anh vào đâu người ta quần thế này hả?...
Bà lão đặt bàn tay lên vai anh, khẽ ấn bắt anh cúi xuống, rồi khó khăn mới gỡ ra được cả một nắm cỏ gai khô bám chắc vào mái tóc hoa râm của anh.
Anđrây đứng ngay người lên, cười chữa thẹn, rồi nhìn thẳng vào khuôn mặt đang nhăn lại kinh tởm của mẹ, nói:
- Mẹ đừng nghĩ xấu về con! Không phải con chơi bời bậy bạ đâu, mà công việc bắt con phải lăn lộn trong cỏ. Bây giờ thì mẹ chưa hiểu được, nhưng rồi bao giờ con nói được cho mẹ biết thì mẹ sẽ hiểu. Còn như cái chuyện lấy vợ, mẹ giao hẹn cho con ba ngày thì nhiều quá đấy: mai con sẽ dắt Nhiurka về cho mẹ. Có điều là mẹ cẩn thận đấy, mẹ ơi, chính mẹ đã kén nó về làm dâu thì mẹ liệu mà ăn ở với nó thế nào cho khỏi om sòm nhà cửa. Còn con thì có thể sống với ba bà trong cùng một nhà mà vẫn êm ru, mẹ biết rồi đấy, con rất dễ tính, đừng có ai đụng đến con là được rồi… Còn bây giờ thì mẹ tránh ra cho con vào, con ngủ tí cho đỡ cay mắt rồi đi làm.
Bà lão làm dấu phép rồi né ra.
- Ôi, nhờ ơn Chúa soi sáng cho anh biết thương mẹ già. Vào đi con, vào chợp mắt đi một tí, để mẹ đi làm cho ít bánh tráng mà ăn sáng. Mẹ để dành cho con cả một ít kem nữa đấy. Vui mừng thế này thì biết mời anh cái gì cho bõ bây giờ!
Anđrây vào đã khép chặt cửa lại rồi mà bà lão vẫn đứng đó nói, rất nhỏ, cứ như anh vẫn đang đứng sát bên bà:
- Tôi chỉ còn độc có mình anh trên đời này thôi! - rồi bà thút thít khóc.
Hôm ấy, cùng một lúc ở mấy góc làng, có năm người đến tảng sáng mới đặt lưng xuống ngủ. Ngoài Anđrây Radơmiốtnốp ra, còn có Đavưđốp đã ngồi suốt đêm dưới mái nhà kho Atamantsukốp, có Nagunốp đã không chợp mắt lúc nào, còn có cả Pôlốptxép và Liachépxki đã luồn được trót lọt vào nhà của Ôxtơrốpnốp.
Trong buổi sáng hè êm ả phơn phớt sương mù ấy, năm con người khác nhau về tính cách và niềm tin đến như thế chắc rằng đã mơ thấy những giấc chiêm bao rất khác nhau, nhưng họ đã ngủ thiếp đi cùng một giờ ấy…
Trong bọn họ, Anđrây Radơmiốtnốp là người thức dậy đầu tiên. Anh cạo râu nhẵn nhụi, gội đầu, mặc chiếc áo sơmi sạch tươm vào, xỏ chiếc quần dạ của anh chồng cũ của Marina Pôiarkôva được chuyển sang tay anh theo quyền thừa kế trực tiếp, rồi sau khi nhổ bao nhiêu nước bọt lên đôi ủng, anh ngồi đánh rất kỹ bằng mảnh dạ xé từ vạt chiếc áo capốt cũ. Anh sửa sang trang điểm lặng lẽ trầm ngâm, không vội vã.
Bà mẹ đoán biết anh trang điểm thế để làm gì rồi, nhưng không hỏi han gì cả, sợ lỡ mồm câu nào làm lung lay mất cái quyết tâm trịnh trọng của con trai. Bà chỉ lăng xăng bên cái bếp lò, tíu tít khác thường lệ, và thỉnh thoảng đưa mắt nhìn trộm anh một cái. Rồi hai mẹ con lẳng lặng ngồi ăn sáng.
- Con đi đến chiều mới về, mẹ đừng đợi con, - Radơmiốtnốp dặn mẹ bằng giọng ông chủ tịch.
- Cầu Chúa phù hộ cho con! - Bà mẹ chúc.
- Cứ đợi đấy rồi Chúa phù hộ… - Radơmiốtnốp đối đáp lại, giọng ngờ vực.
Khẩn trương chứ không dềnh dàng như Đavưđốp, anh chỉ mất vẻn vẹn có mười phút là hỏi xong vợ. Tuy nhiên, bước chân vào nhà hai cụ thân sinh ra Nhiurka, anh cũng làm đúng như phép tắc ở đời, nghĩa là anh đã để hai phút ngồi lẳng lặng hút thuốc, rồi trao đổi vài câu với ông bố cô Nhiurka về mùa màng, thời tiết, rồi tuyên bố luôn, cứ như việc ấy đã được quyết định từ lâu vậy:
- Mai tôi sẽ lấy cô Nhiurka nhà ta.
Ông bố cô dâu vốn không thiếu hóm hỉnh, hỏi:
- Lấy làm gì vậy? Làm thường trực trụ sở Xôviết à?
- Còn tồi tệ hơn thế ấy chứ. Lấy làm vợ.
- Cái ấy thì tùy nó…
Radơmiốtnốp quay sang phía cô dâu mặt đang đỏ như gấc, rồi không có một bóng nụ cười nào trên cái miệng bình thường hay cười của anh, anh hỏi:
- Cô đồng ý chứ?
- Tôi đồng ý từ mười năm nay rồi, - cô gái trả lời dứt khoát, và đôi mắt dũng cảm, tròn xoe và say đắm của cô nhìn Anđrây không rời.
- Vậy thế là xong, - Radơmiốtnốp hài lòng nói.
Thể theo phong tục xưa nay, hai ông bà cụ muốn thách cưới, nhưng Anđrây châm điếu thuốc thứ hai xong, dứt khoát gạt phăng mọi mưu đồ của hai ông bà đi:
- Tôi không đòi cô ấy của hồi môn, vậy hai bác còn muốn thách gì nữa nhỉ? Thách ít khói thuốc lá nhá? Hai bác sửa soạn cho cô ấy đi. Hôm nay tôi sẽ đưa cô ấy lên huyện làm giá thú, rồi về ngay, mai sẽ tổ chức đám cưới, như vậy đấy!
- Gì mà anh làm sôi lên như cháy nhà vậy? - bà mẹ cô dâu tự ái hỏi.
Nhưng Radơmiốtnốp lạnh lùng nhìn bà, đáp:
- Sự đời tôi cháy hết từ mười hai năm trước cơ, cháy rồi và chỉ còn tro tàn thôi… Còn bây giờ tôi vội là vì mùa màng đến nơi rồi, và bên nhà tôi, các bác cũng biết đấy, bà cụ tôi đã đến lúc phải cho nghỉ hưu thôi. Vậy ta thỏa thuận với nhau thế này: rượu vốtka tôi sẽ tải trên huyện về, độ mươi lít, không có hơn nữa đâu. Còn cái nhắm thì cũng tùy rượu mà các bác chuẩn bị cho, và mời khách nữa. Bên tôi chỉ có ba người: bà cụ tôi, Đavưđốp và bác Salưi.
- Còn Nagunốp? - ông bố ngạc nhiên hỏi.
- Anh ta bị ốm, - Anđrây bịa phứa ra trả lời. Anh tin chắc chắn là Maka sẽ không đời nào chịu đặt chân đến dự đám cưới anh.
- Ngả một con cừu chứ hả, anh Anđrây Xtêpanưts?
- Tùy các bác, có điều là đừng làm gì quá đáng, ở cương vị tôi thì không nên, người ta sẽ hạ tầng công tác, cho ăn cái kỷ luật vi phạm chính sách của Đảng rồi thì lại ngồi hàng năm mà xuýt xoa, thổi phù phù vào mấy cái ngón tay nâng cốc ấy. - Rồi quay sang phía cô dâu, anh nháy mắt một cái hóm hỉnh, và mỉm một nụ cười nửa miệng, nói: - Nửa giờ nữa tôi sẽ quay lại, trong khi đó cô liệu đóng bộ diện cho ác vào, Nhiurka ạ. Cô lấy chồng là chủ tịch Xôviết, chứ không phải lấy anh cha căng chú kiết nào đâu đấy!
° ° °
Đám cưới đã diễn ra tẻ ngắt, không hát hỏng, không nhảy múa, không cả những lời pha trò vui nhộn và những lời chúc mừng cô dâu chú rể thường thấy ở bất cứ đám cưới kôdắc nào đôi khi làm cho khỉ cũng phải ngượng đỏ mặt… Thái độ nghiêm trang của Radơmiốtnốp đã chi phối mọi người: anh giữ một vẻ nghiêm trang không hợp lúc, dè dặt ít nói, ít uống rượu. Anh hầu như không tham gia các câu chuyện trò, thường thường chỉ ngồi im, và thỉnh thoảng lắm một hai ông khách ngà ngà say có hò: "cay lắm" thì anh lại như miễn cưỡng, quay sang phía cô dâu mặt đang đỏ dừ, gượng gạo hôn cô với đôi môi giá lạnh. Và đôi mắt anh thường ngày linh lợi là thế, lúc này lại chẳng nhìn cô dâu, chẳng nhìn khách, mà lại nhìn tận đâu, và hình như đang nhìn vào cái dĩ vãng xa xăm, rất xa xăm và đau buồn.
Đất Vỡ Hoang Đất Vỡ Hoang - Mikhail Sholokhov Đất Vỡ Hoang