Chương 62: Đêm Bờ Sông
ồi đó Minh Khánh còn bé lắm, mới học bắt ma được hơn một năm thôi. Nghe chuyện của ông Tư Thồn, Minh Khánh đâm ra sợ. Hắn nép hẳn vào bên người sư phụ. Bên cạnh Minh Khánh, mặt thằng bé dẫn đường đã xanh mét như tàu lá chuối, xem chừng sắp tè ra quần đến nơi. Thấy cu cậu sợ run lên, sư phụ Văn Sơn cho thằng bé một đồng tiền, bảo nó đi về. Rồi ông mở tay nải, lấy giấy bút ra. Minh Khánh liền xung phong mài mực.
Mực là một trong bốn bảo bối của văn phòng, gọi là “văn phòng tứ bảo” bao gồm mực giấy, bút, nghiên. Bốn thứ này khá đắt giá vì nó là công cụ để học tập, truyền đạt và thi cử của tầng lớp “có học”, từ những ông đồ đến quan tể tướng. Mực có hai loại, mực thỏi và mực nước. Thường thì ở nhà, sư phụ thường dùng mực nước sau đó mới mài một ít mực thỏi để tăng độ sánh thôi. Thế nhưng đi xa thì ông thường mang nguyên cả thỏi. Viên mực này hẳn là vị quan nào biếu ông, lúc Minh Khánh mài còn ngửi thấy hương thơm. Giống như các nhà Nho, bút mực giấy cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thầy trừ tà. Đơn giản bởi vì đó là một công cụ tiện lợi để luyện vẽ bùa. Không ai mới bắt đầu học vẽ bùa đã dùng kim sa và giấy vàng cả.
Như Minh Khánh, để vẽ được cái bùa đầu tiên đã phải học viết chữ, vẽ tranh ròng rã ba năm. Đó là khoảng thời gian khổ cực nhất trong cuộc đời đi bắt ma của hắn. Sau này sư phụ mới giải thích rằng đó là để rèn luyện tâm tính và khiếu thẩm mỹ cho thầy trừ tà trước khi vẽ bùa. So với những người tu đạo khác, việc vẽ bùa chưa bao giờ là chuyện đơn giản với thầy trừ tà. Đơn giản bởi lẽ đó là vũ khí của thầy trừ tà để chiến đấu và bảo vệ mạng sống. Với người khác, vẽ bùa có thể lỡ vẽ xiên xẹo một nét, uy lực giảm đi một hai thành vẫn không sao. Còn với thầy trừ tà, một hai thành uy lực thiếu đi đó có thể biến lá bùa đó thành lá bùa đòi mạng. Giống như binh sĩ lên chiến trường, gươm đao phải sắc bén, lá bùa của thầy trừ ta luôn phải phát huy đầy đủ một trăm phần công lực. Đó là do kinh nghiệm của xương và máu trong suốt cuộc chiến đấu dai dẳng hàng trăm năm trước truyền lại và hun đúc thành.
Thế nhưng hôm đó, Minh Khánh biết sư phụ Lê Văn Sơn chắc là không định vẽ bùa. Bởi vì hắn thấy ông dùng giấy Tuyên “thục chỉ”. Giấy Tuyên có hai loại. Loại “sinh chỉ” là giấy sống, chưa nhúng phèn, chuyên dùng trong thư pháp. Loại “thục chỉ” là giấy đã nhúng phèn, dùng trong hội họa. Sư phụ bắt đầu yêu cầu ông Tư Thồn nhớ lại con ma, cố gắng miêu tả hình dạng của nó để sư phụ vẽ lên giấy. Từ ánh mắt, đến cái miệng cười của nó, tất cả đều được sư phụ vẽ thật sống động. Sau hơn chục tờ giấy vứt đi vì ông Tư Thồn bảo không giống, cuối cùng sư phụ cũng vẽ được một bức mà được ông Tư gật đầu.
Trong khi sư vụ yên lặng ngắm bức tranh, Minh Khánh cũng giả đò nhìn theo, mặc dù hắn cũng không hiểu sư phụ làm thế có mục đích gì. Sau nửa canh giờ, hai thầy trò chào từ biệt ông Tư để đi bắt ma. Trước khi đi, sư phụ Lê Văn Sơn có nói với ông Tư rằng trong chuyến đò hôm ấy, ông Tư đã lây dính khí âm của con ma nên có thể mở ra Âm nhãn. Hiện tại nếu ông muốn làm thầy trừ tà thì có thể đi lên núi Hoàng Lĩnh hoặc sang đất Nam Lan để học cách bắt ma. Rồi sư phụ cho ông Tư Thồn một lá bùa để phòng thân vì những người có dính khí âm như ông hay bị ma làm hại. Ông Tư cảm ơn sư phụ rối rít, lễ phép tiễn thầy trò ra khỏi nhà.
Sau khi gặp ông Tư rồi, Minh Khánh tưởng sư phụ Lê Văn Sơn sẽ dẫn hắn ra bờ sông xem con ma, thế nhưng ông lại đi ngược vào trong làng. Minh Khánh thấy sư phụ hỏi nhà lý trưởng. Lý trưởng chắc mới ở đám tang thầy họ Phạm về, hơi thở vẫn còn mùi rượu nồng nặc. Sư phụ đưa bức vẽ con ma cho lý trưởng, nhờ hắn lên huyện xã xem trong vùng có ai mất tích mà mặt mũi giống thế này không. Lý trưởng thấy hình vẽ con ma thì sợ lắm, không dám cầm, chỉ sai một đứa cháu cầm rồi cùng đi lên huyện. Hai thầy trò ở nhà lý trưởng. Nhà y rộng và thoáng mát lắm. Từ nhà ra sân đều lát gạch đỏ sạch sẽ. Mới chiều tối, bà lý đã vội mổ gà làm cơm chiêu đãi hai thầy trò. Minh Khánh được nguyên cái đùi gà to thơm phưc phức. Thịt gà săn, càng nhai càng thấy thơm chấm với muối tiêu lá chanh thì ngon quên trời đất. Ngoài ra Minh Khánh còn nhớ món đậu xào lòng mề. Chắc là xào bằng mỡ gà hay sao mà thơm thế. Đậu đũa giòn giòn, mề gà sật sật, gan gà béo béo làm hắn say mê. Hôm đấy mình Minh Khánh chén hết bốn bát cơm, bằng hai bữa bình thường.
Ăn xong hai thầy trò ngồi uống nước trên cái chõng trong vườn. Gió từ vườn thổi mát quá, lại còn mùi hoa bưởi dịu dịu làm Minh Khánh ngủ thiếp đi. Đến gần đêm thì sư phụ Lê Văn Sơn đánh thức Minh Khánh dậy. Hóa ra là lý trưởng đã về. Lý trưởng cầm cái quạt mo quạt lấy quạt để vừa kể chuyện lên huyện. Mặc dù rất dong dài, nhưng Minh Khánh cũng hiểu được rằng huyện nha cho rằng không có ai phù hợp với hình ảnh mà sư phụ đã vẽ. Sư phụ Lê Văn Sơn cười, khách khách khí khí cảm tạ lý trưởng đã giúp đỡ. Lý trưởng có vẻ hài lòng, vui vẻ sai người dọn cơm ra rồi mời hai thầy trò cùng ngồi mâm. Thì ra từ chiều đến giờ y vẫn chưa ăn. Minh Khánh đến lúc này cũng hơi đoi đói rồi, lại muốn ngồi xuống nhưng sư phụ từ chối lời mời của lý trưởng. Ông bảo phải ra sông xem.
Thế là lý trưởng sai người cho hai thầy trò mỗi người một cái đuốc to, đủ cháy cả hai đêm rồi tiễn hai thầy trò. Minh Khánh và sư phụ đi dọc con đường làng ra sông. Đêm cuối tháng tối lắm. Mặc dù có đuốc nhưng Minh Khánh vấp liên tục. Gió cứ thổi liên tục làm cây đuốc của Minh Khánh cứ bập bùng bập bùng. Ra đến bên sông, Minh Khánh vừa đi vừa nhìn xung quanh, lúc đấy hắn vẫn chưa có âm nhãn nên cảm thấy con ma có thể ở bất kỳ đâu. Đột nhiên hắn húc đầu vào lưng sư phụ. Thì ra ông dừng lại mà hắn chẳng biết. Cơn đau ở sống mũi khiến hắn chực khóc. Sư phụ vội lấy tay xoa xoa cho Minh Khánh rồi đỡ hắn ngồi xuống bãi cỏ. Một mình ông bước xuống gần mép sông. Minh Khánh thấy ông bắt đầu mở ra âm nhãn. Trên mặt sông âm khí bắt đầu tụ lại nhưng con ma vẫn không hiện hình. Gió bắt đầu thổi ào ạt. Sương lạnh bắt đầu lan tràn làm Minh Khánh thấy lạnh. Hắn rùng mình nhìn xung quanh. Gió thổi cỏ lay đều khiến hắn giật mình thon thót.
Đột nhiên một cái gì đó chạy qua phía sau làm Minh Khánh ngoảnh lại. Đó là cả một khoảng không thênh thang cùng với con đường vào làng vừa tối vừa sâu hun hút. Nhìn kỹ một lúc Minh Khánh thở phào tiếp tục quan sát sư phụ. Hắn cảm thấy lúc này âm khí trên sông đã mở rộng ra, tạo thành một cái vòng xoáy ngay trên mặt sông. Lúc này trong lòng Minh Khánh chia làm hai nửa, một bên vừa hi vọng con ma hiện ra cho sư phụ bắt, một bên lại mong nó đừng chui ra.
Phía sau Minh Khánh lại có cái gì đó chạy qua làm hắn giật thót. Lần này Minh Khánh cảm thấy mình không nghe lầm. Hắn đứng dậy giơ cao cây đuốc lên, thò b àn tay nhỏ mũm mĩm móc một lá bùa mà sư phụ cho từ trong ngực ra, run run tiến về phía có tiếng động hồi nãy. Lúc này hắn vẫn chưa thuộc nổi Tịnh Tâm chú chả biết đọc gì, chỉ lẩm bẩm: “Đừng bắt ta, đừng bắt ta” cho đỡ sợ. Sương càng lúc càng dày đặc. Chỉ vài bước chân thôi mà sao Minh Khánh thấy vừa mệt mỏi vừa lạnh run đến thế.
Lại có tiếng sột soạt, lần này không phải ở chỗ cũ mà bên trái hắn tầm ba thước. Minh Khánh lập tức quay người về phía đó, giơ đuốc lên soi. Vẫn không có cái gì cả. Minh Khánh thở phào nhẹ nhõm. Hắn không muốn đối mặt với con ma bây giờ đâu. “Hẹn mày hôm nào tao học xong phép bắt mày đã nhé ma!” Hắn tự nhủ trong lòng như thế. Đột nhiên từ phía sau có một bàn tay nắm lấy vai hắn. Minh Khánh sợ quá thét lên “Á…Á …Á…”
Vùng Đất Vô Hình Vùng Đất Vô Hình - Thám Hoa Rách