Z.28 epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Z.28 Cuba, Đêm Dài Không Sáng - Chương 7: Xiết Chặt Vòng Vây
ăn Bình là con người lạ lùng. Khoa học là lẽ sống của chàng. Bất luận làm việc gì, từ việc nghiên cứu một dụng cụ điện tử nghề nghiệp, hoặc chọn khẩu súng đến việc quật ngã đối phương bằng atêmi và thủ đoạn chàng đều tận dụng khoa học. Mặt khác, chàng lại tin dị đoan. Nhiều khi chàng lại đi ngược lại chính chàng nữa. Rồi đột nhiên chàng gạt bỏ tất cả....
Tối hôm ấy, sau khi ông phó D.D.A. rời Sàigòn, chàng nhận lệnh của ông Hoàng lên đường cấp tốc, chàng tạt qua nhà người-vợ-không-bao-giờ-cưới Quỳnh Loan ăn bữa cơm do nàng tự tay nấu nướng, cùng với đứa con trai duy nhất Văn Hoàng.
Đang khui bịch Salem, chàng bỗng quay lại Quỳnh Loan:
- Em vấn xì-gà cho anh.
Quỳnh Loan ngạc nhiên:
- Lâu lắm mới nghe anh đòi hút xì-gà.
- Ừ. Từ mươi năm nay. Không hiểu sao đêm nay anh lại thèm hơi khói của nó.
- Có lẽ anh sắp đi Cuba. Ở đó thuốc lá Salem là đồ quốc cấm. Anh tập hút xì-gà trước cho quen.
- Phần nào là vậy. Nhưng lý do khiến anh thèm xì-gà là... em. Và phải thứ xì-gà do tay em vấn mới được.
- Anh bắt đầu dị đoan rồi đó.
- Không phải đâu. Hồi nãy ngồi với ông cụ, nhìn ông cụ đốt xì-gà Cuba chính hiệu anh bỗng nhớ đến một tục lệ nên thơ của người Cuba. Dân bản xứ cho rằng xì-gà chỉ thật ngon nếu kẻ vấn nó là trinh nữ....
- Hừ....
- Đừng ngắt lời anh vội. Muốn lá thuốc được hương vị đậm đà, và khói thuốc thơm hoài, thơm mãi, người trinh nữ phải thấm nước bọt vào lá cuộn ngoài, để dán điếu thuốc lại thay cho hồ dính (1) . Ngày xửa ngày xưa, các nhà quyền quý thường sai đàn em xục xạo hang cùng ngõ hẻm, tuyển mộ bằng bất cứ giá nào những cô gái còn trinh mang về tư dinh vấn xì-gà. Xì-gà Ha-van nổi tiếng khắp thế giới là vì thế. Mặc dầu sau này người ta dùng công nhân đàn ông và đàn bà nạ giòng trước khi chuyển qua dùng máy vấn thuốc tự động.
- Em thành nạ giòng rồi anh ơi!
- Em mới sinh một lần, gái một con trông mòn con mắt mà em. Vả lại đối với anh, khi nào em cũng vẫn là trinh nữ. Trinh nữ như hồi hai đứa mình gặp nhau trên đất Lào (2) ...
Nước mắt chảy quanh, Quỳnh Loan gục vào vai Văn Bình. Lòng Văn Bình cũng rạt rào. Đúng lý chàng phải kết hôn với Quỳnh Loan. Nhưng lấy Quỳnh Loan thì cuộc đời của Nguyên Hương sẽ ra sao?
Chuông đồng hồ lanh lảnh điểm 9 tiếng. Văn Bình vội quơ đôi tất:
- Đến giờ ra phi trường. Thôi để anh sửa soạn.
Bé Văn Hoàng từ ngoài chạy vào như cơn gió. Về võ nghệ nó đã tới cấp trung đẳng, đừng nói thiếu niên cùng tuổi, ngay cả người lớn giầu kinh nghiệm cũng bị nó hạ dễ dàng. Tuy nhiên nó vẫn là bé Văn Hoàng, tính nết trẻ con, suốt ngày làm nũng mẹ. Bệnh nghịch tinh của nó thì hết chỗ chê.
Đến trước mặt hai người, nó dừng lại, vung nhẹ cánh tay, một cây dù nhỏ xíu giấu trong áo xoè ra, nó uốn lưng, ngoáy mông, bắt chước vũ nữ múa bụng Ai-Cập. Nó múa thật khéo, cái vòng hoa bìm-bìm nó đeo trên cổ xoay tròn, phản chiếu ánh đèn rực rỡ.
Quỳnh Loan vụt dậy, mặt xanh mét:
- Văn Hoàng, con làm gì vậy?
Giọng nói run sợ thất thần của mẹ làm bé Văn Hoàng giựt mình. Nó ngưng vũ, hỏi mẹ:
- Mẹ cấm con?
Quỳnh Loan hỏi lớn:
- Cái vòng hoa của con bằng hoa bìm-bìm?
Văn Hoàng đáp:
- Vâng. Bác Lê Diệp hái rồi xâu lại cho con chơi.
Quỳnh Loan tru tréo:
- Nguy rồi, nguy rồi... hoa bìm-bìm.... làm sao bây giờ anh ơi?
Bé Văn Hoàng ngẩn tò te nhìn mẹ. Mắt đỏ ngầu, mẹ nó chụp cái dù bằng vải sặc sở nó cầm trên tay rồi ném thẳng ra vườn. Chưa hết, Quỳnh Loan còn giựt đứt vòng hoa bìm-bìm, những cánh hoa tím lần lượt bay lả tả trên đất. Văn Hoàng khóc òa:
- Mẹ... mẹ dữ với con quá. Tại sao hả mẹ?
Văn Bình đã hiểu lý do Quỳnh Loan làm dữ với con. Nếu nàng không hoảng kinh thật sự, chắc chàng đã phì cười. Nàng chê chàng mắc bệnh mê tín dị đoan nặng, té ra bệnh mê tín dị đoan của nàng còn nặng hơn chục lần. Theo người phương tây, không nên dương dù trong nhà, vì như vậy rất xui, cũng xui như bỏ bừa cái kéo hoặc cái mũ chềnh ềnh trên giường ngủ. Mang hoa bìm-bìm vào nhà còn xui hơn nữa. Trước khi làm công việc quan trọng, không ai dám qua giàn hoa bìm-bìm.
Nhưng đó là dị đoan của người phương tây. Quỳnh Loan đã kiêng ngày nguyệt tân, kiêng quét nhà ngày đầu năm, kiêng tất cả những điều người Việt kiêng - nghĩa là khá nhiều - nàng còn kiêng thêm theo kiểu người Âu-châu, khiến mọi việc đối với nàng đều xấu. Theo phong tục, tà ma đem lại sự xấu, muốn xả xấu phải đuổi tà ma. Quỳnh Loan vơ cây phất trần trên nóc tủ, Văn Bình chưa kịp can thiệp nàng đã quất ngang lưng bé Văn Hoàng.
Bé Văn Hoàng luyện được làn da đặc biệt, đòn nặng đánh không thấm thía huống hồ chiếc phất trần mỏng mảnh. Mẹ nó thương yêu nó rất mực, ít khi rầy la chứ đừng nói là đánh đập nữa. Vậy mà mẹ nó thẳng tay giáng mạnh cây phất trần.
Nó không chủ tâm vận công, khốn nổi nhiều năm tập tành đã tạo cho nó một sự phản xạ tự động, đòn phất trần đánh xuống lưng thì tức thời chân khí được huy động cuồn cuộn đến chỗ bị đòn. Cây phất trần bị gẫy rắn làm hai đoạn, mỗi đoạn bay đi một phía. Bé Văn Hoàng chưa hết sửng sốt trước thái độ lạ lùng của mẹ nó. Ngược lại, Quỳnh Loan lại quá hoảng kinh khi thấy cây phất trần đứt khúc. Nàng gục mặt vào lòng bàn tay nức nở.
Bé Văn Hoàng ôm mẹ:
- Con xin lỗi mẹ. Mẹ đánh con nữa đi. Lần này con không dám vận công nữa.
Quỳnh Loan vẫn sụt sùi, bé Văn Hoàng hỏi cha nó:
- Con phạm lỗi gì hả ba? Ba nói cho con rõ, con chưa hiểu gì cả?
Văn Bình cuộn tờ báo thành ống tròn đưa cho Quỳnh Loan:
- Đó, khí giới đó, em đuổi tà ma đi, kẻo nó nhập vào phổi phèo thằng Văn Hoàng rồi nó làm phi cơ chở anh đâm đầu xuống biển.
Quỳnh Loan bịt miệng chàng:
- Không được nói gở.
Văn Hoàng hỏi:
- Mẹ dị đoan hả ba?
- Ừ, con giơ lưng ra cho mẹ đuổi tà ma.
Bé Văn Hoàng tủm tỉm cười. Không dằn được nữa, Văn Bình cười phá. Đang khóc, Quỳnh Loan cũng bật cười. Tuy vậy, nàng vẫn dằn tờ báo cuộn tròn lên vai con trai mấy cái.
Văn Bình cúi xuống xỏ chân vào giầy. Quỳnh Loan lại giẫy mạnh như đỉa phải vôi:
- Lần này thế hết thuốc chữa. Thôi, anh ở nhà, đừng đi nữa. Em không cho anh ra máy bay đâu.
Văn Bình nhìn Quỳnh Loan:
- Hôm nay, có lẽ em bị mệt. Em nên uống thuốc an thần. Để anh dặn Lê Diệp, mời y sĩ đến khám cho em.
- Hừ, anh mới cần thuốc an thần, em vẫn khỏe như voi. Từ trước đến nay có khi nào anh xỏ giầy trái cựa đâu? Em nghi là định mạnh xui khiến anh nên....
Đối với hàng trăm triệu người trên thế giới thì xỏ giầy vào chân là việc quá thông thường. Đối với Quỳnh Loan, nó lại đòi hỏi một quy tắc nhất định. Là xỏ chân trái trước, chân phải sau. Thứ tự phải trái này bị đảo lộn nghĩa là công khai khiêu khích thần nhân, và chắc chắn sẽ gặp tai nạn khủng khiếp. Thần nhân là ai, Quỳnh Loan không biết, nàng cũng không cần biết rằng từ ngày thiên hạ biết dùng giầy, thiên hạ xỏ chân vào lung tung mà vẫn sống phây phây. Mỗi lần Văn Bình sửa soạn đi đâu, nàng chực sẵn một bên. Chàng vốn đãng trí, nàng bèn cầm lấy chiếc giầy phải để chàng không thể nào lầm lẫn. Hồi nãy, vì chuyện cây dù và hoa bìm-bìm của bé Văn Hoàng, tâm trí nàng hoang mang, thành thử nàng quên bẳng.
Giờ nàng nhớ ra thì đã muộn.
Mặt buồn so, Quỳnh Loan bước lại bàn điện thoại. Văn Bình ngăn cản:
- Em kêu cho ông cụ?
Nàng gật đầu, nước mắt tràn ra hai má:
- Vâng. Hạnh phúc của em, dầu mất nữa cũng chẳng sao. Nhưng còn tương lai của bé Hoàng. Và đời sống của anh... Ông cụ giận thì em phải chịu, em không thể nhìn anh đi vào đất chết....
- Ai bảo với em là anh đi vào đất chết?
- Cây dù và hoa bìm-bìm.
- Em đã hóa giải bằng phất trần.
- Chưa đủ. Vì còn chiếc giầy lộn xộn... Thôi, anh đừng an ủi em nữa, em không nghe đâu. Những ngày chúng mình ở Lào, em dại dột trêu tức thần nhân nên bị trù ếm không được làm vợ anh....
Văn Bình bật hồi tưởng lại quá khứ. Thần nhân.... lúc nào Quỳnh Loan cũng sợ thần nhân trù ếm. Nếu có sự trù ếm, té ra các ngài cũng biết thù vặt như bọn người trần mắt thịt đần độn và dơ bẩn này ư? Hồi đó, Quỳnh Loan còn trẻ măng, mặc dầu vốn liếng võ thuật, nghề nghiệp của nàng được coi là đàn chị trong ban Biệt Vụ của Sở. Văn Bình sống như người tây phương, mỗi khi thảo luận hăng say, chàng thường ngồi đại trên bàn. Quỳnh Loan bắt chước thới quen này một cách ngây thơ. Đang ngồi trên bàn, chàng kéo nàng vào lòng, rồi hai người thổ lộ tâm tình cho nhau. Nàng về Sàigòn, đến bói bài ta-rô một cô thầy bói bài nổi tiếng, bói năm bẩy lượt, bói hoài bói mãi vẫn gặp chướng ngại trên đường hôn nhân. Cô thầy bói yêu cầu Quỳnh Loan thuật lại những giây phút gần gũi đầu tiên giữa hai người. Cô thầy bói run tay, đánh rơi xấp bài xuống đất, mặt cắt không còn hột máu:
- Cô nói sao? Cô nói là hai người chuyện trò, tình tự thân mật với nhau trên bàn?
- Vâng, trên bàn. Trên bàn cũng như trên ghế, trên phản, trên đi-văng, trên sôfa, nó là chỗ ngồi, nó có gì khác đâu?
- Khác lắm. Bàn này bằng gì?
- Bằng gỗ. Không lẽ người ta làm bàn bằng đất sét. Hẳn cô thầy cũng đồng ý rằng bàn chỉ có thể được làm bằng gỗ hoặc bằng sắt.
- Đùa bỡn nguy lắm, cô ơi. Sở dĩ tôi hỏi kỹ là vì bàn bằng sắt bớt xui hơn bàn gỗ.
- Và bàn đất sét bớt xui hơn bàn sắt...
- Cô ưa đùa bỡn thì thôi, cô không nên bói nữa. Quẻ này tôi không lấy tiền. Chào cô Quỳnh Loan.
- Giận tôi làm gì tội nghiệp, cô thầy. Hẳn cô thầy đã rõ tính tôi. Luôn luôn tếu mà cô.
- Lần này không tếu được nữa vì là vấn đề trăm năm. Nói ra thì cô sẽ buồn, sẽ khóc, sẽ khổ, nhưng không nói ra không được. Bây giờ hoặc trong tương lai, cô chỉ có rất ít hy vọng thành hôn với người yêu của cô.
- Trời ơi, chỉ vì chuyện cái bàn.
- Phải, vì cô dám ngồi trên bàn, người con gái ngồi trên bàn trò chuyện với tình nhân sẽ không thể cưới được tình nhân. Cô Quỳnh Loan này, cô nên ráng chịu đựng, chờ đợi 5 hoặc 10 năm, hoặc dài hơn nữa, tùy theo thần nhân trù ếm đến mức độ nào.
- Thần nhân trù ếm?
- Phải.
- Tại sao lỡ ngồi trên bàn thần nhân lại trù ếm?
- Tôi chưa hiểu rõ. Tục lệ này rất linh thiêng, cô gái nào lỡ ngồi trên bàn là y như rằng bị cảnh chăn đơn gối chiếc. Dường như dưới thời hồng hoang có một số thần thảo mộc tu luyện hàng triệu năm biến thành rừng đại tùng bách trên thượng giới. Trời thưởng công bằng cách ra lệnh xẻ gỗ một cây tùng tiên bào gọt thành bàn, và cấp cho vị thần coi việc hôn nhân. Mọi sổ sách về cưới gả đều được chép viết trên bàn ấy. Ngày kia, một tiểu thần thừa lúc thiên đình vắng vẻ đã cùng người yêu làm ô uế mặt bàn. Phiên tòa được nhóm họp, nữ tiểu thần đa tình phạm thượng bị lưu đày tức khắc xuống cõi trần bụi bặm, ngàn đời không được tái ngộ người yêu. Tục lệ kiêng ngồi trên bàn từ đấy mà ra....
Sau khi gặp cô thầy bói đa đoan, Quỳnh Loan trở nên mê tín hơn lên. Nàng dằn lòng chờ đợi. Chờ đợi bao lâu cũng được. Miễn hồ Văn Bình vẫn yêu nàng. Nhưng muốn chàng yêu nàng, chàng phải sống. Những sự rủi ro xảy đến có thể làm chàng thiệt mạng.
Văn Bình cười và tìm cách nói dối, cũng như nhiều lần về trước, để làm dịu văn bệnh dị đoan trầm trọng của Quỳnh Loan:
- Ồ, tưởng gì, chứ việc hóa giải chiếc giầy chân phải thì dễ ợt...
- Vậy hả, anh làm ngay đi.
- Anh hôn đế giầy là xong.
- Hôn đế giầy? Trời ơi, đế giầy của anh dẫm khắp nơi, bẩn thỉu kinh khủng, anh nuốt hàng ức triệu vi trùng vào mình sao được?
- Thì anh hôn em. Anh hôn môi em. Hôn môi em thì khỏi phải nuốt hàng ức triệu vi trùng.
Không đợi Quỳnh Loan trả lời, chàng hôn vũ bão vào miệng nàng. Cái hôn đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa của điệp viên Z.28 đã lôi Quỳnh Loan ra khỏi thế giới của dị đoan ám ảnh, và đưa nàng vào thực tại đầy bướm hồng và chim mộng. Như bà tiên vừa ban phép mầu, Quỳnh Loan quên phứt cái dù, hoa bìm-bìm, cái bàn và chiếc giầy chân phải. Nếu kèn xe hơi do chàng "sếu vườn" Lê Diệp lái không kêu pin pin vô hồi kỳ trận, chẳng hiểu trận hôn giữa hai người sẽ kéo dài đến bao lâu nữa.
Ra sân bay, dưới ánh đèn phi đạo sáng quắc, Văn Bình nhìn thấy những giọt nước mắt óng ánh như kim cương trên gò má trắng hồng của Quỳnh Loan. Đã quen với cảnh biệt ly, quen với sống chết như cơm bữa, và quen với nước mắt đàn bà, Văn Bình vẫn nao nao trong dạ. Quỳnh Loan dặn chàng không biết đến lần thứ mấy chục:
- Anh đừng khinh thường, anh nên thận trọng triệt để, vì anh xuất hành xui xẻo, anh nhé.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Xui xẻo thật. Đèn phòng sáng trưng, họng súng của địch lại ở tư thế chuẩn chiến trăm phần trăm. Văn Bình không mảy may hy vọng chuyển bại thành thắng.
Địch dõng dạc bằng tiếng Anh, giọng Anh thuần túy:
- Quay lại gusanô.
Tiếng Anh không thông dụng ở Cuba, dân bản xứ chỉ hiểu tạm đủ để chào hỏi, chúc tụng và bán đồ cho du khách. Họ ở sát nách Mỹ nên giọng Anh của họ pha giọng Mỹ. Nhưng giọng nói của tên địch cầm súng lại là Anh-cát-lợi chay.
Nhìn vóc dáng địch, Văn Bình biết ngay hắn là người Jamaica (3) một hòn đảo cách Cuba 150 cây số. Jamaica là thuộc địa cũ của Anh. Dân ở đó phần đông là mọi. Người da trắng chỉ chiếm một tỉ số rất nhỏ. Ngày xưa, người mọi bị mua làm nô lệ, trải qua nhiều thế hệ, họ trộn giống với các nhà trồng tỉa và khách thương Âu-Á, họ trở thành cao lớn, khôn ngoan. Thêm vào đó, họ mang giòng máu của tên cướp biển Lương Sơn Bạc khét danh, khiến họ có đức tính giang hồ can trường (4) .
Cơ quan G-2 đặc biệt tuyển dụng những người gốc gác Jamaica để xung vào ban Hành Động. May mà Văn Bình nghĩ đến trách nhiệm đối với Galli và giơ tay đầu hàng. Giá chàng phản công, chàng đã bị ăn đạn.
Là vì người Jamaica có tài thiên bẩm về tác xạ. Họ không học bắn thì thôi, đã học là bắn nhanh và bắn trúng một cách kỳ diệu. Không những thế, họ còn có tài thiên bẩm về bắn ban đêm, khỏi cần ánh sáng.
Galli rú lên:
- Sông Đen, Sông Đen, trời ơi!
Người lạ mặc đồng phục sám, bả vai trái đeo phù hiệu tròn mầu trắng, thêu một mỏm núi xanh và một giòng sông đen. "Núi Xanh" là tên đỉnh núi cao nhất Jamaica. "Sông đen là tên con sông cũng ở Jamaica, được dư luận năm châu biết tiếng nhờ những cuộc săn bắn cá sấu ban đêm ở đó. Ban Hành Động của G-2 gồm nhiều toán, toán Sông Đen quy tụ những nhân viên chọn lọc bắn giỏi, võ nghệ cao cường. Toán Sông Đen được giao phó phần việc an ninh đặc biệt, như truy lùng, tóm bắt các phần tử chống đối võ trang quan trọng. Bị toán Sông Đen chiếu cố thì đừng hòng trốn thoát....
Người lạ gằn giọng, thái độ ngạo nghễ:
- Phải, tôi là nhân viên Sông Đen. Gặp nhân viên Sông Đen thì đầu hàng là hợp lẽ. Santa, anh ngồi xuống, ngồi bệt xuống đất. Duỗi một chân ra, vén ống quần lên.
Người lạ rút trong túi ra một cái còng hình thù khác thường. Mỗi cái còng đều có hai vòng bằng nhau. Loại còng này lại gồm một vòng nhỏ và một vòng to.
Hắn kêu Galli:
- Cô em lại đâu. Cô còng thằng gusanô lại cho tôi. Còng cổ chân trước, rồi đến cổ tay.
Kiểu còng cổ chân và cổ tay này là một phát minh cực kỳ lợi hại, nạn nhân vô phương kháng cự, chỉ còn nước nhảy cà tâng một chân.
Galli ngần ngừ thì tên G-2 Sông Đen hất hàm:
- Mau lên để còn xuống xe về trụ sở.
Ngoảnh nhìn Văn Bình, hắn dọa:
- Biết điều thì ngồi yên. Bắn cá sấu ban đêm, trời tối như hắc ín, cách xa trăm mét mà chỉ cần bắn một phát độc nhất, rút súng ra bắn không thèm nhắm, huống hồ bắn trong phòng sáng đèn, bắn gần hai, ba mét....
Gã nhân viên Sông Đen vừa gãi nhằm chỗ ngứa của Văn Bình. Hắn khoe khoang thành tích với ý định làm chàng khiếp sợ, không ngờ lại tạo cơ hội cho chàng lật ngược thế cờ.
Mỗi chuyến ghé thăm miền caríb, Văn Bình thường không quên ghé cửa khẩu Sông Đen, tham dự cuộc săn đêm. Con sông lớn này có nhiều khoảng sình lầy, nước chảy xiết, cây cối um tùm, khí hậu ẩm ướt, thích hợp với giống cá sấu da dầy. Cá sấu ở đây nhiều vô kể, da nó rất quý, lột và đem thuộc, người ta làm dây lưng, bót-phơi, va-li đắt giá.
Có hai cách săn cá sấu. Bắt sống ban ngày và bắn ban đêm. Bắt sống tuy khó mà dễ, vì nó là công việc chung của nhiều người. Bắt sống không mấy thú vị, người ta gài bẫy chờ cá sấu mắc kẹt là ùa tới. Du khách ưa săn đêm hơn vì ai có súng nấy. Ngoại trừ Văn Bình. Khi buồn, chàng đi săn ngay bằng hai bàn tay. Với một người dẩn đường, không cần một lực lượng rầm rộ. Chàng lội ra xa, chộp mõm cá sấu bẻ rộp một tiếng gẫy cổ. Hoặc choảng atêmi dập óc.
Săn ban đêm khoái nhất là có người đẹp tháp tùng, điều Văn Bình luôn luôn thực hiện. Trèo lên chiếc ca-nô nhỏ, mang theo súng dài, đèn bắn, đạn dược, đồ ăn, chạy tít ra xa, mai phục gần những lùm bụi um tùm. Rọi đèn xuyên màn đêm, cá sấu đi qua, bị ánh đèn thôi miên, lập tức dừng lại, con mắt đỏ quạch của nó hiện rõ trên nền nước đen sì. Nó chỉ xuất hiện trong vòng mấy giây đồng hồ phù du, nếu bắn chậm hoặc bắn trật là nó biến dạng, có khi phải chờ cả giờ, giữa đàn muỗi hút máu khổng lồ, mới gặp con khác. Tối mịt là Văn Bình xuống ca-nô, chưa đến nửa đêm thuyền mướn đã phải quay vào bờ vì số cá sấu bị bắn hạ quá nhiều, động cơ của nó không kéo nổi nữa.
Văn Bình săn cá sấu quen nên chàng không lạ gì sở đoản của giới Sông Đen (5) . Họ đứng tren ca-nô tròng thành, họ phải rùn mình, chân cao chân thấp, dồn sức nặng toàn thân xuống một chân để giữ thế quân bình. Trong tư thế này, họ bị quét nhẹ là té ngã....
Không bỏ được tác phong săn cá sấu đêm, gã nhân viên G-2 đứng hơi lệch về một bên, mũi súng chĩa xuống. Galli cầm cây còng, sợi xích sắt nhỏ lòng thòng, môi nàng lập bập như môi bệnh nhân vừa bị chích thuốc trụ sinh, tay nàng run run, suýt đánh rơi cây còng.
Gã G-2 quát:
- Nắm cho chắc. Được rồi. Anh kia, còn đợi gì nữa mà không vén ống quần lên.
Galli vừa cúi xuống, sửa soạn chụp vòng còng vào cổ chân Văn Bình thì chàng đã tung người ra phía trước trong một thế câu-đan-cước tuyệt kỹ của Phục Hồ quyền. Đặc điểm của thế võ lợi hại này là đang ngồi bệt trên đất vẫn có thể rướn mình và phóng cước. Văn Bình đã lên tới trình độ siêu đẳng, chàng không cần lấy trớn như các võ sư thông thường, bởi vậy khi gã G-2 bị chàng đá trúng xương ống quyển mới biết là chàng phản công. Hắn ngã nhào vào cái bàn, kêu rầm, mặt bàn gẫy nát, nửa mình trên của hắn bị mắc kẹt trong đống gỗ vụn.
Cũng may hắn chưa kịp lảy cò thì khẩu súng bị tuột khỏi hổ khẩu, lăn vào góc phòng. Văn Bình a tới, toan quất atêmi, hắn đã vùng dậy lẹ làng. Hắn quẫy mình, những mảnh gỗ của chiếc bàn khá kiên cố rơi rụng lả tả. Cử chỉ này cho Văn Bình thấy gã G-2 là võ sĩ có hạng.
Khắp người hắn máu chảy đầm đìa, nhiều dầm gỗ sắc nhọn còn đâm lút da thịt, vậy mà hắn không có vẻ gì là đau đớn. Thường lệ, đối thủ nào bị Văn Bình đạp xương ống quyển cũng bị què, ít ra là khập khiễng. Can đảm lắm cũng suýt soa kêu đau. Nhưng gã nhân viên G-2 lại tỉnh khô. Hắn thản nhiên như thể sự việc vừa xảy ra chỉ là một màn biểu diễn ngoạn mục vô thưởng vô phạt.
Hắn ôm chầm vai chàng. Lúc ấy chàng mới biết hắn có những ngón tay rắn như bằng sắt thép. Chàng bèn hất ngược cùi trỏ đánh vào hàm dưới của hắn.
Chẩu quyền của Văn Bình từng triệt hạ được những võ sĩ nặng trên một tạ có chục năm luyện tập. Rắc, rắc.... xương cằm của hắn bị bể. Dầu hắn khỏe đến đâu, sức lực cũng bị suy giảm ghê gớm vì xương cằm vỡ tạo ra sự nhức nhối không ai chịu đựng nổi.
Gã nhân viên G-2 vẫn như không, thế tất hắn rành nội ngoại công, hoặc giả thần kinh hệ của hắn đã mất cảm giác. Hắn lừ lừ tiến lại, hai bàn tay dài ngoằng, xương xẩu, đầy lông lá như bàn tay vượn xòe rộng, những móng nhọn đâm chĩa tua tủa. Chỉ riêng 90 kí xương thịt bê-tông của hắn đã đủ áp đảo chàng, phương chi hắn còn 10 móng tay dùi sắt nữa. Văn Bình bèn lùi một bước.
Gã G-2 nhe răng cười, cái cười man rợ của đười ươi:
- Mày chết với tao. Tao sẽ ngoạm nát mặt mày.
Trảo quyền của hắn giơ cao, sửa soạn chụp xuống. Miệng hắn mở toang hoác, để lộ những chiếc răng nanh sắc bén như lưỡi dao. Thì ra răng nanh được mài nhọn... cầm dưới bị atêmi đánh bể không làm hắn đau đớn, dường như còn giúp tăng thêm sức lực và sự hung dữ nữa.
Cổ áo hắn đứt khuy bị trể xuống bả vai, và Văn Bình thoáng nhìn thấy một mảng da sần sùi nổi những chấm mầu đen bằng nửa hột bắp. Không riêng bả vai phải, bả vai trái cũng có những chấm kỳ lạ này. Văn Bình chợt hiểu.
Những móng tay mũi dùi của địch úp vào màng tang của chàng, theo thế gọng kềm. Chàng nâng chưởng, gạt ra, đồng thời đánh bồi vào vết gẫy trên hàm địch.
Rạo, rạo... những đoạn xương cằm dưới còn nguyên đã bị đánh vụn....
Địch là con voi cũng phải ngã quỵ. Nhưng đến tích-tắc này, gã nhân viên G-2 tiếp tục đứng khơi khơi.
Văn Bình đã khám phá ra lý do khiến địch có thể cầm cự với chàng mặc dầu phân nửa mặt bị thương nặng. Thì Galli kêu to:
- Coi chừng, anh ơi, hắn có marakê! Đừng cho hắn ngoạm vào mặt...
Hàm răng nhọn đầy máu của địch đã ghé sát má chàng. Chàng hoành mình từ tả sang hữu để gỡ thoát vùng tay liều mạng thắt chặt của địch. Giọng nói cảnh cáo của Galli vẫn rỉ rả:
- Giết hắn đi, hắn có marakê, phép marakê....
Galli không cảnh cáo chàng cũng biết.
Marakê không phải là sự mới lạ đối với Văn Bình. Nôm na nó là một phương pháp cổ xưa của một bộ lạc thiểu số da đỏ, gọi là bộ lạc Oai--a-na (6) sinh sống trong vùng rừng núi hiểm trở giữa nước Ba-Tây và Guy-an thuộc Nam-Mỹ, nhằm làm tê liệt sự đau đớn thên thân thể con người.
Phương pháp này rất giản dị: áp vào da hàng trăm con kiến lửa và ong vàng, loại kiến và ong đặc biệt, và chịu đốt cho quen. Chịu được ong và kiến đốt thì mai kia bị gãy xương, bị đạn xuyên da thịt, sẽ không còn biết nhức nhối nữa.
Người ta đan những mảnh phên lát thành hình vuông nhỏ bằng bàn tay, bên trên có chất hồ dính mà ong và kiến ưa thích, mảnh phên này mang tên qua-a-na, tùy theo khả năng chịu đựng của con người, nó sẽ chứa từ 50 đến 200 con kiến lửa. Kiến đây là kiến khổng lồ, thân dài từ 3 đến 5 centimét, còn ong thì lớn gấp đôi. Một vài con cắn đốt cũng đủ đau ngất, phương chi cả trăm con cùng chích một lượt. Mỗi lần áp qua-a-na khoảng 30 giây đồng hồ. Cừ khôi thì từ một phút trở lên. Chưa ai chịu được 2 phút mà không bất tỉnh. Và muốn chịu được 30 giây đồng hồ phải tập dượt ít nhất 3 tháng.
Trong thời gian tập dượt, đương sự luôn luôn cắn chặt hai hàm răng. Kết quả là các cơ ở miệng khỏe lên gấp bội, hàm răng trở thành một thứ võ khí độc đáo và lợi hại. Dân mọi Oai-a-na bèn mài nhọn răng nanh, dùng nó để ngoặm cắn đối thủ.
Gã nhân viên G-2 giỏi marakê, thảo nào có tài chịu đau, thảo nào dọa ngoạm nát mặt chàng.... Chàng muốn giữ hắn sống để khai thác tin tức nhưng nghệ thuật marakê của hắn buộc chàng phải hạ đòn độc. Trước khi chàng lên đường ở Sàigòn, ông Hoàng đã mở tập hồ sơ về G-2 của thủ tướng râu xồm, trầm ngâm hồi lâu rồi nói với chàng như sau:
- Dĩ nhiên công việc có hóc búa người ta mới nhờ đến mình... điều này anh đã hiểu rõ hơn ai hết. Tôi chỉ muốn lưu ý anh về số tiền công kếch sù mà ông Sì-mít hứa trả cho anh, nghĩa là cho Sở trong trường hợp anh thành công ở Cuba. Và về sự cất công đến tận đây gặp anh và tôi của ông phó D.D.A. là vì Phản Gián Cuba rất đắc lực. Riêng bọn đặc vụ của G-2 do Nương Nương điều khiển còn đắc lực hơn nữa.
Anh cần mở mắt thật rộng khi đụng toán Sông Đen. Tôi được tin G-2 có một toán thiện xạ ở vùng Sông Đen chuyên săn cá sấu ban đêm. Họ bắn súng trăm phát trúng trăm. Về võ thuật, họ chỉ dùng răng miệng. Để ngoạm cắn. Răng miệng của họ rất khỏe do nhiều ngày tháng tập luyện marakê... Nghe nói răng miệng của họ cắn nát được gỗ lim cứng.
Vì vậy anh nên thận trọng triệt để...
Thận trọng triệt để... hừ, Quỳnh Loan khuyên chàng thận trọng triệt để vì chàng xuất hành xui xẻo. Ông tổng giám đốc Hoàng cũng khuyên chàng thận trọng triệt để vì... tài thiện xạ cá sấu và chịu đau marakê của nhân viên đặc vụ G-2...
Nếu ông Hoàng được mục kích sự chuyển thắng quá dễ dàng của chàng hẳn ông sẽ đỏ mặt xấu hổ. Marakê... Sông Đen, đòn ngoạm mà có gì đáng sợ đâu? Có gì để ông Sì-mít phải ký chi phiếu mấy triệu đô-la ngon lành thuê mướn Văn Bình? Phen này vể Sàigòn chàng sẽ nói với ông cụ rằng "dễ ợt, dễ ợt, ông ơi, chẳng qua họ nhát như cáy, họ báo hoảng... bọn Sông Đen chỉ là đồ bỏ, chưa đánh đã ngã chổng kềnh"...
Văn Bình dùng cẳng tay xô gã nhân viên G-2 ra khỏi mặt chàng. Chàng tưởng "dễ ợt", té ra nó không dễ ợt như chàng tiên liệu. Chàng dư sức hất đổ chiếc xe hơi nặng nề, cồng kềnh, nhưng khối xương thịt của gã nhân viên G-2 chỉ nhẹ và nhỏ bằng mười, chàng lại không lay động nổi. Hắn chỉ thối lui nửa bộ, và trong khi ấy rắn hắn đã cạp được cổ vai áo của chàng.
Hắn rướn lên với ý định ngoạm sâu vào da thịt. Văn Bình vùng mạnh, áo chàng rách xoạc một mảng lớn, hàm răng lởm chởm của gã nhân viên G-2 thay vì cắn đứt vai chàng đã cạp lầm cái hộp đựng thuốc lá bằng vàng tây cất trong túi áo ngực.
Trời ơi, loại hợp kim này bắn không thua thép Đức quốc, búa đập chưa lún, thế mà răng nanh của hắn vẫn xuyên thủng. Nghĩa là hắn có thể cắn lìa cầu vai, cắn đứt xương sườn, cắn nát trái tim nóng hổi của chàng....
Thất kinh, chàng nắm mái tóc dài rậm của gã nhân viên Sông Đen. Chàng day ngược, đoạn hất bắn nạn nhân vào tường. Hắn dội bật ra ngoài, loạng choạng như người say rượu. Hắn chưa kịp nhận định phương hướng thì Văn Bình đã tấn công tới tấp bằng quái-đả-chùy, một bí pháp của Thiếu Lâm nhằm áp đảo đối phương với những đòn liên tiếp từ hai nắm tay phóng ra từ mặt xuống bụng, không cho đối phương có thời giờ chống đỡ. Gã G-2 lãnh một chưởng giữa trũng mắt và hai quyền nơi ức, ngay sau đó là ngọn độc cước trúng hạ bộ. Bị 4 đòn nặng một lúc, tài nghệ của hắn đành phải tiêu ma. Gượng chế không nổi, hắn quay đảo một vòng rồi nhào trên sàn phòng máu me bê bết.
Galli thở không ra hơi:
- Khiếp quá!
Văn Bình cầm tay nàng:
- Em giúp anh tẩu tán hai cái xác.
Nàng ngó quanh quất, bồ hôi lạnh lấm tấm trên trán:
- Anh định mang đi đâu?
- Giấu trong phòng nào vắng người.
- Không ổn, anh ơi. Mọi phòng ở lầu 8 đều có người ở. Mỗi phòng một gia fđình.
- Tầng dưới?
- Cũng vậy.
- Phiền ghê. Sau lưng cao ốc có cầu thang xoắn ốc không?
- Có. Cầu thang cứu hỏa bằng bê-tông từ dưới đất lên sân thượng. Anh hỏi để làm gì? Để khuân xác chết?
- Phải.
- Hai trăm kí và 8 tầng gác không phải bở. Vả lại, khiêng xác chết xuống dưới nhà rồi nhét ở đâu?
- Có xe hơi của G-2 đậu chờ. Thôi, đừng hỏi lẩn thẩn nữa. Em ra ngoài hành lang xem có gì khả nghi không?
Galli ló đầu qua khe cửa quan sát. Nàng quay vào nói:
- An toàn trăm phần trăm.
Văn Bình lấy khăn lông lau sạch những dấu tay của chàng và của Galli trên các đồ vật. Chàng ngẫm nghĩ một giây, đưa va-li đựng hành trang cho nàng xách, dùng sợi dây câu cá của Santa buộc cột hai thi thể lại với nhau. Vị chi chàng có gói hàng nặng gần 2 tạ để vác trên vai. Vác một bao hàng 2 tạ không phải là việc ai cũng làm nổi, ngay cả những phu khuân hàng chuyên nghiệp trên các bến tàu cũng è cổ, lè lưỡi, chào thua vô điều kiện. Có chăng là võ sĩ quán quân đô vật hoặc phu hàng thịt ở chợ Ba Lê.
Văn Bình đỏ mặt tía tai, và ì ạch mãi mới giữ được hai xác chết trên vai. Galli chống nạnh ngắm chàng, ra chiều khoái trá. Chàng thừa hiểu nàng đang nghĩ đến chuyện gì. Gái Cuba có khác, bản tính nàng hồn nhiên, chóng quên, thắm thiết với yêu đương.
Nàng buột miệng:
- Anh khỏe quá, em không ngờ...
Nàng quan niệm sự khỏe của chàng theo một nghĩa khác. Nàng không cần quan tâm đến những giọt bồ họi vã như mưa trên trán và cỏ chàng. Nàng ôm chàng hôn khiến chàng trượt chân, gói xác xuýt xà xuống đất. Mặc kệ, nàng tiếp tục ngắt véo chàng một cách âu yếm. Đến khi chàng thở hồng hộc nàng mới chịu buông tha.
Cầu thang bê-tông dựng đứng, bậc nhỏ và ngắn, vô ý hụt chân là mất mạng. Văn Bình bước xuống trước, bó xác được đặt nằm trên bậc thang, một tay chàng nắm lan can để giữ thăng bằng, tay kia chàng nỗ lực vận công kẹp chặt xương ống quyển của các chết không cho chúng tụt xuống quá mau.
8 tầng lầu của chung cư không lấy gì làm cao, Văn Bình lại có cảm tưởng nó cao gấp chục lần lữ quán cao nhất Sàigòn. Chàng xuống hoài, xuống mãi vẫn chưa chạm đất từng dưới. Chưa bao giờ chàng mệt bằng bây giờ. Chàng phải nhịn thở ngõ hầu vận công hữu hiệu, giữa lúc cơ thể lừ đừ, bết bát của chàng thèm khát dưỡng khí hơn lúc ào hết. Thiếu hơi ôxy, mắt chàng hoa lên, đom đóm tuôn tung tóe, bắt buộc chàng phải dừng nghỉ.
Sau cùng nền sân hiện ra lờ mờ. Biện pháp cúp điện đã giúp chàng khá đắc lực. Suốt từ lầu 8 xuống sân dưới, mọi khung cửa mở ra bao lơn đều tối om. Thiên hạ đã ngủ say.
Văn Bình ghé tai Galli:
- Người gác?
Nàng đáp thì thào:
- Không thấy.
Nàng chỉ bức tường trắng loang lổ bên trái:
- Cửa ra lối này.
Chàng kéo hai cái xác chết sền sệt trên đất. Xuống khỏi cầu thang chàng mới nhận thấy sự cẩn thận quá... ngây thơ của mình. Thà vứt xác chết trong phòng mà hơn. Vì những vết máu từ cầu thang cấp cứu sẽ là bằng chứng cụ thể của việc phi tang xác chết. Chàng đã mất công, phí sức vô ích.
Bởi vậy, chàng không đỡ hai xác chết lên vai nữa.
Đường cái cũng tối mò như nhà hầm. Tít tận đàng xa mới thấy một ngọn đèn hè le lói. Thiêu thân và đất bụi bám đầy, giá ngọn đèn ở ngay chỗ Văn Bình đứng, nó cũng chẳng chiếu sáng được gì, phương chi nó cách xa gần 50 mét.
Con đường này ở sau lưng cao ốc Tự Do. Văn Bình lôi bó hàng bất đắc dĩ một quãng, đến dưới một cây phượng vĩ lớn thì dừng lại, nói với Galli:
- Em chờ anh tại đây. Anh ra phía trước lấy xe.
Galli bíu lấy chàng:
- Không, em sợ lắm. Anh đi đâu, em đi đó. Anh nhìn coi, xác chết đang nhe răng dọa nhát em kia kìa....
Galli quá giầu óc tưởng tượng. Hai xác chết nằm úp mặt vào nhau, dầu chúng nhe răng nàng không thể nhìn thấy. Dầu chúng ngoảng mặt về phía nàng thì trời tối mù, phụ họa với bóng lá cây soan tây rậm rì, nàng cũng không thể nhìn thấy. Chẳng qua nàng kiếm cớ, đeo cứng bên chàng.
Với mục đích gì?
Khi ấy Văn Bình đã tự đặt câu hỏi.
Ban ngày, khu phố gần vận động trường Nhiệt Đới và đại lộ 43 ở phía Nam thị trấn đã vắng hoe, ban đêm nó còn vắng hoe hơn. Tivi và radô đã tắt, bài diễn văn nẩy lửa của ông thủ tướng râu xồm mang chứng bốc đồng khoác lác đã kết thúc từ nãy, tứ phía im lặng khác thường, khiến bước chân thật nhẹ của Văn Bình kêu cồm cộp trên lề như nhịp giầy săn-đá của bọn lính lê-dương say rượu.
Hai bên đường, cách khoảng 10 thước có một cây phượng vĩ. Cành lá của chúng bắc thành cầu vồng che kín mặt đường. Văn Bình yên tâm: vạn nhất nhân viên G-2 mai phục ở đầu đường, họ cũng khó phăng ra sự hiện diện của chàng. Trước kia Ha-van là thành phố thức đêm. Dân bản xứ có thói quen lên giường thật muộn. Tiệm nhảy còn muộn hơn nhiều. Các sòng bạc thì liền tù tì đến sáng hôm sau. Thời du hí vàng son không còn nữa, đường sá Ha-van từ nửa đêm trở đi biến thành địa khu canh gác chặt chẽ của bọn mili-xianô (7) võ trang.
Mấy chú "nhân dân tự vệ" này túc trực ở các nút chặn, và bên trong các sở công tư. Trên đường là xe hơi tuần tiễu của lực lượng an ninh. Ban đêm không có giới nghiêm mà thành ra có giới nghiêm. Vì tắc-xi ngưng chạy. Xe buýt ngưng chạy. Đi đâu phải trình giấy. Phải là ông bự mới có xe hơi riêng. Và phải là ông bự an ninh mới nghênh ngang ngoài đường ban đêm. Do đó, lái xe hơi ban đêm là chuyện nguy hiểm, song cũng là chuyện an toàn đối với Văn Bình. Chàng ít sợ bị chặn lại. Bọn tự vệ chỉ dám hậm họe dân quèn và viên chức hạng bét.
Chàng đang bâng khuâng nghĩ đến bộ mặt nửa huênh hoang tự đắc nửa khiêm cung sợ sệt của mấy cậu nhân dân tự vệ Ha-van thì từ bóng tối, sau một thân soan tây cao lớn vọng ra tiếng gọi giật, tiếp theo là một tràng tây-ban-nha hách xì xằng:
- A don dê va u xơ tét? (8)
Văn Bình không muốn kiếm chuyện vì trong hoàn cảnh này chàng bắt buộc phải hạ độc thủ. Chàng giả vờ không nghe tiếng, cứ cắm đầu cắm cổ xấn tới.
Một thiếu niên 15, 16 cầm khẩu súng trường cổ lổ sĩ dài ngoằng từ hồi đệ nhất thế chiến và cắm cái lưỡi lê rỉ sét chưa hề được xử dụng, le te chạy lại. Diện mạo non choẹt, giọng nói mới vỡ, mở đầu cho tuổi dậy thì mơ mộng khiến Văn Bình nẫy lòng trắc ẩn. Văn Bình biết tình hình an ninh đòi hỏi chàng khó xuống tay tàn nhẫn.
Thiếu niên chắn ngang mặt chàng:
- Giấy tờ.
Văn Bình vùng cười khanh khách:
- Chú em to gan thật. Chú em biết anh là ai chưa?
Thiếu niên quan sát Văn Bình tỉ mỉ từ đầu xuống chân:
- Chưa. Nhưng dầu là ai cũng phải trình giấy tờ.
- Trừ anh.
- Đừng nói ẩu. Quay lưng lại, về trụ sở.
- Sẵn sàng về trụ sở với chú em. Phiền một nỗi anh chưa làm xong công vụ quan trọng.
- Công vụ quan trọng? Vậy đồng chí là...
- Chú em lầm. Anh là gián điệp.
- Gián điệp, trời ơi!
- Đêm nay anh phải ám sát thủ tướng râu xồm Castro.
- Điên... ai nghe được thì mất đầu. Hỏi thật anh... anh là ai, anh đi đâu vào giờ này?
Văn Bình khoát tay:
- Chú em tránh sang bên cho anh đi. Anh giết ông thủ tướng râu xồm chắc chú em khoái lắm.
Galli dã tới bên Văn Bình. Nàng ôm tay chàng, nũng nịu:
- Anh đi nhanh quá, em chạy theo muốn hụt hơi.
Thiếu niên mili-xianô chỉ Galli:
- Chị biết mấy giờ rồi không?
Galli đáp:
- Sau 12 giờ.
- Quãng đường này từ 10 giờ trở đi là bộ hành không được qua lại. Chỉ có nhân viên an ninh được quyền. Lẽ ra tôi bắt giữ đưa về trụ sở, nhưng vì, nhưng vì... thôi, tôi để cho chị và anh đi thong thả, qua khỏi cao ốc này anh chị phải quẹo trái. Chớ lạng quạng đi thẳng nha. Vì tư dinh của ông phó thủ tướng nằm ở giữa đường. Anh chị mê ly với nhau hơi nhiều nên quên cả luật lệ và đường sá. Tôi thích nghe chuyện tếu, bởi vậy tôi có cảm tình với anh. Nè anh, tôi hỏi thật, anh định ám sát ông thủ tướng thật hả?
Văn Bình đặt một bàn tay lên ngực trái, dáng điệu trịnh trọng như người tuyên thệ:
- Thật.
Thiếu niên nhún vai:
- Anh tếu hết thuốc chữa rồi. Vù nhanh lên, thằng trưởng toán sắp tới. May mà anh chị gặp tôi. Gặp thằng trưởng toán thì được di nghỉ mát ở La Cabana là cái chắc.
La Cabana là một trong hai địa ngục trần gian ở Cuba. Nó là cái đồn binh cổ xưa, xiêu vẹo thê lương, tọa lạc trên đỉnh ngọn đồi ngó xuống thủ đô Ha-van. Thủ tướng râu xồm biến nó thành nhà giam kiên cố. Nó gồm 10 căn hầm kín, gọi là guiera, bên trên có chòi canh, được xây cất từ hai thế kỷ trước, mỗi hầm rộng 6 mét, dài 30 mét, không trổ cửa, ngoại trừ một lối ra vào nhỏ xíu để đưa thức ăn và thông hơi, với 200 tù nhân bị nhốt len như cá mòi hộp. Vị giam trong Cabana thì khó thể trở về. Một phần bị đem đi bắn tại chỗ, sau những phiên tòa chớp nhoáng chiếu lệ. Một phần bị chở đến đảo Thông (9) ngoài khơi hoặc đến những trại lao công cưỡng bách. Nếu nhờ phúc ấm được trả tự do thì thân thể cũng đã còm cõi, ốm o vì nạn tra tấn.
Văn Bình chưa được "hân hạnh" viếng La Cabana. Tuy vậy, chàng đã thông thạo mọi ngõ ngách của nó. Vì ông Hoàng có nhân viên mắc kẹt ở đó.
- Mucha gờra-xia (10) .
Chàng cám ơn gã thiếu niên tự vệ, rồi kéo tay Galli vù ngay, sợ chần chừ gã thay đổi ý kiến.
Chàng quẹo trái và thấy hai cái đốm đỏ trong chiếc díp đậu sát lề. Đúng là xe hơi của nhân viên G-2. Sốt ruột, chúng đốt xì-gà khét um.
Đây không phải đoạn đường cấm nên chúng không quan tâm đến Văn Bình và Galli. Nàng khoác tay chàng, thân mật và mùi mẫn. Hai tên G-2 ngồi ở băng trước. Khi Văn Bình đến gần xe, một tên mới ló mặt ra, ê ê mấy tiếng rồi đuổi quầy quậy.
Địch thủ của chàng thuộc loại đô con, cổ và vai phốp pháp. Tên ngồi sát lề phốp pháp hơn tên ngồi ngoài, phía vô-lăng. Hạng đàn ông phốp pháp này chỉ chứa toàn nước. Văn Bình bước tréo nửa bộ, quật ngược mép bàn tay vào yết hầu tên ngồi sát lề. Chàng vận dụng hết sức mạnh, nạn nhân bị bốc khỏi ghế, đổ nhào sang bên. Bốp... hai cái sọ dừa tròn thu lu đụng nhau, rồi 2 nhân viên G-2 ngã lăn.
Hoàn toàn bất động.
Lực lượng địch đã bị thanh toán trong thời gian kỷ lục một tích tắc đồng hồ. Nạn nhân không kêu được nửa tiếng.
Văn Bình lần lượt xô từng xác chết xuống đường. Galli cản chàng lại:
- Để chở họ ra biển. Anh làm thế này lộ mất.
Văn Bình mở công-tắc:
- Đằng nào cũng lộ.
- Nghĩa là anh bỏ luôn 2 xác chết hồi nãy?
- Bỏ luôn.
- Nguy lắm, anh ơi!
- Nguy lắm, anh nói hoài em chẳng thèm nghe. Em nên quay về phòng với má. Theo anh, em sẽ bị bắt, bị giết một cách lãng xẹt.
- Anh lái đi đâu?
- Nô-sê (11) .
- Chúa ơi... em được phép tò mò không anh? Anh đến đây với mục đích gì?
- Như em đã rõ. Anh thay thế Santa.
- Ngoài Santa ra, anh còn quen người nào khác?
- Nô.
- Chết rồi. Vậy ngoài căn phòng của Santa trong cao ốc, anh không còn biết một nơi trú ẩn nào khác?
- Nô.
- Nghĩa là giờ đây anh lái xe lang thang trong thành phố, anh chưa biết sẽ đi đâu?
- Si (12) ....
- Lạy Chúa... anh liều quá.... em chưa thấy ai liều và ngu bằng anh.
- Đàn bà khôn không nên theo đàn ông ngu.
- Riêng em thì nên. Anh không quen ai, anh không biết địa chỉ an toàn nào, dó lại thêm một lý do vững chãi khiến em đi cùng. Cho dẫu phải đến La Cabana hoặc đảo Thông.... Anh trao vô-lăng cho em....
- Anh trao cả vận mạng của anh cho em đấy.
Đoàng... đoàng.... hai phát súng nổ rang. Galli đạp ga lái xe ra giữa lộ.
- Họ báo động. Chắc họ vừa khám phá ra hai xác chết. Lộ rồi.... lộ hết rồi.... anh ơi....
Văn Bình không để ý đến lời than thở não nuột của cô gái Cuba. Chàng dựa ghế, bình thản nhắm nghiền mắt. Chàng ngủ hay chàng tỉnh tọa. Chàng bình thản thật sự hay giả vờ bình thản. Không ai đọc được ruột gan chàng. Chỉ thấy chàng mỉm cười....
Mỉm cười... giữa lúc vòng vây của Tử Thần, vòng vây của G-2 siết chặt....
Chú thích
1. Tục lệ này có thật. Hiện nay người Cuba vẫn tiếp tục tin vào phép mầu của các cô gái đồng trinh (tương tự như thuật ăn táo tàu của người Trung Quốc)
2. Xin đọc "Bà Chúa thuốc độc" quyển thượng và quyển hạ, Z.28, đã xuất bản để tìm hiểu mối tình Văn Bình-Quỳnh Loan trên đất Lào.
3. Jamaica, thủ đô Kingston, một trong những hòn đảo đẹp nhất vùng Ca-ríb.
4. Tức Henri Morgan, người Anh, chưa đến 30, hành nghề hải tặc, được dân chúng thương yêu (thế kỷ 17), sau được hoàng gia Anh phong tước, và làm thống đốc đảo Jamaica.
5. Núi Xanh tức Blue Montain, còn Sông Đen là Black River, chảy qua thị trấn Nandeville, phía Nam Jamaica. Cá sấu ở đây được gọi là crocodilus Jamaiconsus. Cá sấu ở đây ngoài chất da bền, tốt và đẹp, nghe nói còn chứa trong hạch tuyến một hóa chất trợ tình nữa. Hóa chất này thường được tìm thấy ở những con cái sung sức.
6. Đó là bộ lạc Wayana, sinh sống quanh rặng núi Tumac-Humac, ở biên giới Ba-Tây và Guyanas. Theo chỗ tác giả biết, nhiều người tây phương (chẳng hạn nhà thám hiểm Pierre Lévêque, Pháp) đã đến tận nơi, học phép marakê.
7. Milicino.
8. A donce va usted nghĩa là "ông đi đâu đấy"?
9. Tức Isle of Pines. Isla of Pina, ở Tây-Nam Cuba.
10. Muchas gracias, nghĩa là rất cám ơn.
11. Tôi (anh) không biết (no sé).
12. Phải, vâng, ừ (sí).
Z.28 Z.28 - Người Thứ Tám Z.28