Người Hai Đầu epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 62: Nổi Phong Ba Ở Thành Cô Tô - Giở Huyền Công Bên Đá Thí Kiếm
ai nàng Thiến Thiến nghe thấy Thiên Tứ la như vậy, vội chạy lại xem và đồng thanh quát lớn:
- Thanh Tòng Truy Hồn trâm!
Thiên Tứ giơ tay áo lên cho hai nàng xem, tay áo của chàng ghim đầy ám khí trông như lông nhím vậy. Những ám khí này giống hệt mũi Thanh Tòng Truy Hồn trâm mà Thùy Can Lão nhân đã nhặt được ở cạnh xác của vợ chồng La Ngọc Lân, nên vợ chồng Thiên Tứ đều toát mồ hôi lạnh ra ngay. Nếu vừa rồi, Thiên Tứ không nhanh tay thì Hoa Thiến Thiến đã sớm xuống cỏi Âm ty ký sổ có mặt ở dưới đó rồi.
Thực là tìm kiếm mãi không thấy, tình cờ lại gặp ở đây. Sở dĩ vợ chồng Thiên Tứ tới Giang Nam phen này là tìm kiếm Tô Châu Ngũ Hổ, những kẻ đã sử dụng ám khí Thanh Tòng Truy Hồn Trâm này.
Tuy vợ chồng Thiên Tứ biết thiếu niên này không phải là Tô Châu Ngũ Hổ, nhưng thấy y đã biết sử dụng ám khí này, tất nhiên y phải có liên quan tới Tô Châu Ngũ Hổ chứ không sai. Vậy chỉ cần hỏi y là có thể biết được chỗ ở của Tô Châu Ngũ Hổ liền.
Hoa Thiến Thiến chỉ đảo ngược đôi ngươi một vòng đã nghĩ ra được một kế liền. Rồi nàng tiến tới cạnh Thiên Tứ, rỉ tay khẽ nói vài câu và đôi ngươi cứ chớp nháy nhìn chồng, có ý bảo chồng nên theo kế hoạch của mình mà hành động.
Hàn Thiến Thiến là người rất ngây thơ, tuy thông minh tuyệt đỉnh, nhưng nàng không biết làm những việc xấu và cũng không biết cách mưu hại người khác. Nên nàng thấy thái độ của Hoa Thiến Thiến như thế, có vẻ nóng lòng sốt ruột, vội lên tiếng hỏi:
- Đại tỷ nói gì với đại ca thế?
Không những võ nghệ cao cường, Hoa Thiến Thiến còn đa mưu, lắm kế hơn người, nên nàng chỉ suy nghĩ một chút đã nghĩ ra được mưu kế để đối phó với đối phương ngay. Thấy Hàn Thiến Thiến hỏi như vậy, nàng đành phải rỉ tai nói rõ mưu kế của mình cho Hàn Thiến Thiến hay.
Hàn Thiến Thiến vừa nghe vừa hớn hở nói:
- Đại tỷ thông minh thực!
Hoa Thiến Thiến sợ nàng nọ ngây thơ, nhỡ buộc miệng nói toạc mưu kế ấy ra thì hỏng hết đại sự, nên nàng vội bịt mồm Hàn Thiến Thiến lại, không cho nói tiếp.
Lúc ấy, Thiên Tứ đã rũ tay áo một cái, tất cả Thanh Tòng Truy Hồn trâm đều rớt xuống đất hết, rồi chàng từ từ đi tới gần thiếu niên kia, với giọng ôn tồn hỏi:
- Công tử họ Lương phải không?
Chàng làm ra vẻ rất thân mật, như bạn cũ lâu năm mới gặp nhau vậy. Thiếu niên kia thấy thái độ của chàng như thế, mừng rỡ khôn tả, vội đáp:
- Vâng, tiểu sinh họ Lương, thực không biết…
Thiên Tứ thấy mình đã hỏi đúng chỗ, liền hỏi tiếp:
- Ồ, thế Tô Châu Ngũ Hổ năm vị nhân nghĩa đại ca ấy với công tử có họ hàng, bà con gì không?
Thấy Thiên Tứ hỏi như thế, thiếu niên nọ lại tưởng Thiên Tứ là bạn thân với cha chú mình thực, nên thái độ của y cũng nhẹ nhõm vô cùng, liền nhanh nhẩu đáp:
- Ồ, thế ra ba vị là bạn thân của gia phụ và thúc phụ đấy? Có ngờ đâu người quen với nhau cả mà không hay. Thực quả không đánh nhau vỡ đầu sứt tai vẫn không biết nhau là ai. Thôi xin mời ba vị tới tệ xá sơi chén rượu nhạt đi…
Tuy y nói như thế, nhưng hai mắt lúc nào cũng vẫn nhìn trộm hai nàng hoài. Hoa Thiến Thiến thấy thế, thỉnh thoảng lại còn ban cho y một nụ cười, khiến y như mất hết hồn vía.
Thấy thiếu niên ấy hiếu sắc như vậy, Thiên Tứ liền mắng chửi thầm:
“Tên dâm tặc này, mi chết đến nơi rồi mà vẫn không hay…”
Nghĩ tới đó, chàng vận thần công Sư Tử Hống lên nói tiếp:
- Ồ, thế ra là lệnh tôn đấy.
Tiếng nói của chàng rất trầm, nhưng khi lọt vào tai của thiếu niên lại hóa thành tiếng kêu như sấm động liền, nên thiếu niên ấy giật mình đến thoắt một cái và tỉnh ngộ ngay. Y cố trấn tĩnh tâm thần mà nói tiếp:
- Nhưng cha chú của tại hạ đã đi Kim Lăng cả rồi…
Thiên Tứ vội hỏi:
- Các vị ấy đi Kim Lăng làm chi?
Thiếu niên đáp:
- Có lẽ Thiết đại gia đã tới Giang Nam rồi.
Nói tới đó, y liền sinh nghi và nghĩ bụng:
“Lai lịch của ba người này ta không rõ lắm, võ công lại rất cao cường, chả lẽ họ là kẻ thù của cha chú ta chăng? Việc này chỉ e…”
Y vừa nghĩ tới đó, đã ngửi thấy một mùi thơm xông vào mũi và có giọng nói rất nũng nịu rót vào tai ngay:
“Năm vị ấy ở chỗ nào của Kim Lăng thế?”
Thiếu niên đang hoài nghi thì bị mùi thơm xông vào mũi đã quét sạch sành sanh mối nghi ngờ ấy ngay, rồi ngẩn người ra đáp:
- Tỷ Kim Sơn.
Thì ra người vừa lên tiếng hỏi thiếu niên ấy là Hoa Thiến Thiến. Vì nàng thấy mặt y đã lộ vẻ nghi ngờ, đang cau mày suy nghĩ, nên nàng vội nhẩy lại hỏi như thế để cho y không kịp suy nghĩ tiếp.
Thiên Tứ lại xen lời hỏi:
- Thiết đại gia là ai thế?
Thiếu niên buộc miệng đáp:
- Thiết đại gia là Thiết Diện Điểu Trảo đấy!
Ba vợ chồng Thiên Tứ nghe thấy chàng nọ trả lời như vậy đều giật mình đánh thót một cái.
Thiếu niên kia là người rất xảo quyệt, trông thấy thái độ của vợ chồng Thiên Tứ như vậy, đã biết là mình bị mắc hỡm và đã nói rõ tung tích của cha chú mình cho người ta hay rồi. Nhưng y vẫn không dám để lộ ra ngoài mặt, chỉ ngấm ngầm nghĩ cách thoát thân thôi. Y biết võ công của ba thiếu niên nam nữ này rất lợi hại, vì y đã lãnh giáo qua rồi.
Tuy thiếu niên ấy rất giảo hoạt, nhưng Hoa Thiến Thiến lại còn quỷ quyệt hơn. Y chỉ đảo ngược đôi ngươi một vòng, Hoa Thiến Thiến đã biết là y nghĩ gì rồi, liền khẽ đụng Thiên Tứ một cái. Thiên Tứ cũng là người rất thông minh, thấy Hoa Thiến Thiến đụng vào mình một cái đã hiểu ngay, và đã biết rõ hết hành động và ý nghĩ của thiếu niên kia liền. Sắc mặt của hai người bỗng biến đổi hẳn, từ chỗ rất thân thiện ôn hòa đã biến thành lạnh lùng oai nghi, mắt lộ sát khí nhìn thẳng vào mặt thiếu niên nọ.
Thì ra, thiếu niên ấy là đứa con duy nhất của lão đại, thuộc nhóm Tô Châu Ngũ Hổ. Còn bốn người em, tuy đều lấy vợ cả, nhưng người nào cũng hiếm hoi, nên thiếu niên này không khác gì là người thừa kế duy nhất của cả năm anh em. Vì thế, y được cưng chiều từ hồi còn nhỏ, muốn lấy sao trên trời, anh em Ngũ Hổ cũng phải lấy cho kỳ được mới thôi. Anh em Ngũ Hổ còn đặt cho y một cái tên là Tiểu Hổ. Trong hai mươi năm sau, y đã trở nên Tô Châu Tiểu Bá Vương.
Tô Châu Ngũ Hổ đem hết võ công của mình truyền thụ cho Lương Tiểu Hổ, mong y sau này làm rạng rỡ cho anh em mình và gây nên tên tuổi ở trên giang hồ. Ngờ đâu, Tiểu Hổ là người rất thông minh, khôn ngoan mà tiếc thay y đã đi lầm đường, hoành hành ở quê hương, chỉ có một chút thông minh khôn ngoan, chuyên làm việc tồi bại. Vì thế, người ở Tô Châu mới đặt cho y cái biệt hiệu là Tô Châu Tiểu Bá Vương là thế. Tô Châu Ngũ Hổ không những không dạy bảo, mà lại còn cho con mình là rất tài ba.
Khi Tô Châu Ngũ Hổ đi xa về, thì Tiểu Hổ tuổi đã ngoài hai mươi, chuyên làm những việc vô pháp, vô thiên, trên hoa ghẹo nguyệt, bất cứ việc xấu xa như thế nào, y cũng dám làm hết. Ngũ Hổ thấy con mình như vậy, biết vì mình nuông chiều quá nên mới hại nó như vậy. Người luyện võ, nếu hiếu sắc, võ công sẽ sút kém ngay và không thể nào luyện tập được nội công thượng thừa nữa. Năm anh em bàn tán mãi, sau đành phải lấy khí giới sắc bén để bổ cứu.
Thế rồi, năm anh em y đi ra tận ngoài quan ngoại, rất vất vả, suýt tí nữa thì mất mạng, mới lấy được thanh bảo kiếm Bích Huyết Hàn Mang đời thượng cổ về để cho con cháu sử dụng.
Từ khi có thanh bảo kiếm ấy rồi, Tiểu Hổ như hổ thêm cánh, càng ngông cuồng tự phụ thêm, không coi ai vào đâu cả. Ngày hôm nay lại là ác giả ác báo, gặp ngay Tiểu Sát Tinh.
Tiểu Hổ thấy sắc mặt của Hoa Thiến Thiến và Thiên Tứ đã thay đổi, y liền rùng mình đến thót một cái, hai chân mềm nhũn, liền quỳ ngay xuống vái lại lia lịa. Những ngùi đứng xem ở bên ngoài, thấy Tô Châu Tiểu Bá Vương mà phải quỳ lạy như vậy, liền vỗ tay như pháo.
Trong đám đông có người táo tợn hơn, lại còn dám la lớn:
- Thiếu hiệp với nữ hiệp hãy thiến y đi, để trừ tai hại cho thành Tô Châu chúng tôi.
Một người hô, trăm người họa, tiếng kêu la vang lên tận trên không:
- Giết y đi!
- Xé xác y ra làm muôn mảnh!
- Lột da, rút gân y, lấy mỡ của y để thắp đèn!
Tất cả các người có mặt tại đó, ai ai cũng muốn giết chết Tiểu Hổ mới hả dạ.
Hơi cau mày lại, Thiên Tứ bỗng giơ hai tay lên, vận chân khí ở đơn điền lên quát lớn:
- Xin các vị hãy bình tĩnh một chút!
Tiếng quát tháo của chàng kêu như sấm động, đã làm cho mọi người vang tai nhức óc, và ai nấy đều im lặng tức thì.
Thiên Tứ nhìn Tiểu Hổ đang quỳ ở dưới đất, mồ hôi lạnh toát ra như tắm, tay chân run lẩy bẩy mà lạnh lùng nói rằng:
- Chắc các hạ không phải là người điếc, mà dù có là ngươi điếc đi chăng nữa, cũng nghe thất tiếng quát tháo kêu như sấm động của các người đồng hương của các hạ, ai nấy đều muốn xử tử các hạ mới hả dạ…
Tiểu Hổ cứ đập đầu xuống đất kêu ‘‘cồm, cộp’’ trông rất tội nghiệp, mồm thì van lơn rằng:
- Chỉ xin thiếu hiệp tha tội cho tôi!
Mặt lộ vẻ khinh bỉ, Thiến Tứ nói tiếp:
- Bây giờ không phải là vấn đề cá nhân của La mỗ nữa. Dù mỗ có tha chết cho ngươi, nhưng các vị có mặt tại đây đều không muốn ân xá cho, thì mỗ biết làm sao được?
Tiểu Hổ đưa mắt liếc nhìn các người đứng quanh đó một vòng, rồi van lơn Thiến Tứ tiếp:
- Chỉ cần thiếu hiệp tha chết cho tôi, chắc họ không dám làm gì đâu…
Dùng giọng mũi kêu ‘‘hừ’’ một tiếng, Thiến Tứ lạnh lùng nói tiếp:
- Hừ! Đủ thấy ngày thường ngươi hoành hành ở trong làng xóm, hà hiếp lương dân, việc tai ác như thế nào cũng dám làm! Thôi được, ta tha cho ngươi để xem các người có ưng chịu hay không?
Tiểu Hổ rùng mình đến thót một cái, biết mình đã bị Thiến Tứ điểm vào ‘‘Khí hải’’ trọng huyệt, công lực đã mất hết rồi, nên y lộ vẻ rất oán hận, lườm Thiên Tứ một cái.
Làm như không thấy gì hết, Thiên Tứ liền lớn tiếng nói với quần chúng rằng:
- Thôi được, bây giờ tại hạ xin trao lại tên này cho quý vị. Vì quý vị là người làng nước ở nơi đây, mới biết rõ hành vi ác độc của y như thế nào. Còn tại hạ là người ở xa tới, không dám can thiệp tới nữa.
Nói xong, chàng liền đưa mắt nhìn xung quanh một vòng, thấy bọn đại hán mặc võ trang màu đen đã đào tẩu hết. Tuy vậy, vấn đề này vẫn làm cho những người đứng quanh đó khó xử hết sức.
Thiến Tứ nói xong những lời lẽ ấy, liền quay lại nói với hai người vợ cưng rằng:
- Chúng ta đi thôi, nơi đây không có việc của chúng ta nữa. Chúng ta phải đi ngay Kim Lăng tìm kiếm Tô Châu Ngũ Hổ, may ra có thể gặp mặt Thiết Diện Điểu Trảo là khác.
Hoa Thiến Thiến vội đáp:
- Đại ca, chúng ta làm thế nào mà báo tin cho cha với các người hay biết được?
Thiên Tứ nhìn các người một lượt, rồi đáp:
- Chúng ta hãy đi khỏi chốn này trước rồi hãy nói chuyện sau. Thế rồi, chàng bỏ mặt Lương Tiển Hổ đang uể oải quỳ ở dưới đất, rẽ các người ra, thủng thẳng đi luôn.
Lúc ấy mặt trời đã lặn, mặt trăng đã mọc. Ra tới ngoài thành Tô Châu, Thiên Tứ mới nói với hai nàng Thiến Thiến tiếp:
- Đêm nay chúng ta hãy ở lại Tô Châu đợi chờ một ngày nữa. Nếu nhạc phụ và các người chưa tới, chúng ta đành phải đi trước, để lại dấu hiệu cho nhạc phụ với các người hay. Như vậy, nhạc phụ và các người sẽ đi Kim Lăng tìm kiếm chúng ta liền. Bằng không, chúng ta đi Kim Lăng chậm ngày nào sẽ lỡ việc ngày đó.
Tất nhiên, hai nàng Thiến Thiến phải tán thành ý kiến của chàng. Nên ba vợ chồng quay lại trở vào trong thành, kiếm một khách sạn lịch sự nhất thuê luôn hai căn phòng lớn để ở, Thiên Tứ ở phòng ngoài, hai nàng ở phòng trong.
Tắm rửa xong, Hàn Thiến Thiến đòi ra ngoài phố để xem tình cảnh ban đêm của Tô Châu.
Thiên Tứ với Hoa Thiến Thiến tuy thông minh, không ngoan thực nhưng dù sao hai người cũng hãy còn ít tuổi và cũng thích mua vui như ai. Thế rồi ba người ăn mặc chỉnh tề, trông khác gì Kim Đồng Ngọc Nữ, đi ra bên ngoài để dạo phố. Đi tới đâu, ai nấy cũng đều ngắm nhìn ba người không ngớt.
Trong khi đi đường, ba người đã thấy đói bụng và vừa thấy có một tửu lầu ở cạnh đó, liền lên tửu lầu ấy để ăn uống.
Vừa gọi thức ăn xong, Hoa Thiến Thiến bỗng dùng khủy tay khẽ thúc vào người Thiên Tứ một cái. Thiên Tứ giật mình kinh hãi, thấy Hoa Thiến Thiến đang trố mắt lên nhìn về phía trước, chàng cũng vội nhìn theo, mới hay chỗ cách mình không xa có một người đàn bà trung niên, tuổi đã ngoài bốn mươi, da trắng như ngọc, trên trán không có một vết nhăn nào cả, tóc đen nhánh trông rất quý phái. Nếu người đàn bà ấy không đeo một cái phất trần sợi vàng ở trên vai, thì ai ai cũng phải tưởng lầm nàng là quý phụ, hay hoàng phi gì đó liền.
Người đàn bà ấy ăn mặc áo lụa màu huyền, đang ngồi ăn uống một mình, thỉnh thoảng lại liếc nhìn Hoa Thiến Thiến mà tủm tỉm cười.
Thiên Tứ vừa trông thấy người đàn bà ấy đã nhạc nhiên và nghĩ bụng:
“Nội công của người đàn bà này đã luyện tới mức phảng phác quy chân rồi. Với ngoại diện và tuổi tác của bà ta, thì ít ai luyện tới mức độ như vậy. Bằng không, bà ta thế nào cũng có thuật trú nhan”.
Chàng vừa nghĩ tới đó, thì phổ cây đã bưng rượu và thức ăn lên.
Thiên Tứ với Hoa Thiến Thiến không muốn đa sự, nên giả bộ làm như không biết và cũng không nhìn người đàn bà ấy nữa. Còn Hàn Thiến Thiến thì rất ngây thơ, chả hiểu biết gì cả, chỉ hớn hở tươi cười mà hỏi Thiên Tứ nọ nọ kia kia hoài thôi.
Ba người vừa ăn uống vừa để ý nhìn lên người đàn bà nọ.
Đột nhiên, người đàn bà trung niên kia đặt đũa xuống, vỗ tay kêu “bốp” một tiếng. Phổ cây vội chạy lại, cung kính hỏi:
- Bà muốn làm thêm món ăn gì?
Người đàn bà ấy đáp:
- Chú lấy văn phòng tứ bảo cho tôi.
Giọng nói của bà ta nghe rất êm dịu và tựa như tiếng chim hoàng oanh hót vậy, có lẽ còn dễ nghe hơn cả tiếng nói của các thiếu nữ đôi mươi.
Hàn Thiến Thiến nghe thấy tiếng nói êm tai ấy liền quay đầu lại ngắm nhìn người đàn bà xinh đẹp ấy một hồi, rồi hớn hở nói với Thiên Tứ và Hoa Thiến Thiến rằng:
- Đại ca, đại tỷ xem vị đại nương kia có xinh đẹp không?
Thiên Tứ với Hoa Thiến Thiến chỉ khẽ gật đầu một cái thôi.
Tuy tiếng nói của Hàn Thiến Thiến rất khẽ mà người đàn bà ấy cũng đã nghe thấy liền. Bà ta nhìn Hàn Thiến Thiến tủm tỉm cười, tỏ vẻ cám ơn nàng đã khen mình xinh đẹp.
Một lát sau, tên phổ cây đã đem giấy bút mực ra. Người đàn bà ấy liền cuối đầu viết luôn. Không ai biết bà ta viết gì cả.
Viết xong, bà ta móc túi lấy một nén vàng nặng chừng mười lạng, gọi tên phổ cây dặn bảo rằng:
- Chú đem số vàng nầy ra đưa cho người trưởng quầy, bảo tôi đã bao hết căn lầu này rồi, không cho khách mới nào lên nữa.
Thoạt tiên, hơi ngạc nhiên, tên phổ cây ngẩn người ra giây lát rồi hớn hở vâng lời, đem số vàng ấy nộp cho người trưởng quầy ngay.
Thiên Tứ đưa mắt nhìn xung quanh, thấy trên lầu, chỗ ngồi lịch sự nhất chỉ có bọn mình với người đà bà ấy thôi. Chờ tên phổ cây đi xuống dưới lầu rồi, người đàn bà ấy liền búng tờ giấy vừa viết xong sang bàn của Thiên Tứ.
Thiên Tứ với Hoa Thiến Thiến biết người đàn bà ấy không phải là những cao thủ thường, nên hai người không dám trêu ngươi tới. Chỉ có Hàn Thiến Thiến là rất ngây thơ, nghe thấy người đàn bà dặn phổ cây bao cả tầng lầu ấy, nàng lại cảm thấy rất thích thú. Lúc đó, tờ giấy của người đàn bà vừa búng tới phía trên bàn của ba người, tờ giấy bỗng ngừng lại rồi từ từ rớt xuống.
Hàn Thiến Thiến thấy thế liền tươi cười nói:
- Đại ca xem tài ba của đại nương có cao siêu không?
Thiên Tứ giơ tay ra bắt lấy tờ giấy ấy, thấy trên giấy có viết những chữ như sau:
“Bảo kiếm Bích Huyền Hàn Mang là báu vật của tệ cung, vì không cẩn thận nên mới để cho Tô Châu Ngũ Hổ lấy trộm. Bổn công chúa phải tái nhập Trung nguyên, không quản ngại ngàn dặm xa xôi để mong lấy lại được vật báu. Nay nữ hiệp đã lấy được bảo kiếm, bổn công chúa xin nữ hiệp vui lòng trao đổi lại thanh bảo kiếm ấy. Dù bất cứ điều kiện gì bổn công chúa cũng ưng thuận trao đổi hết”.
Dưới ký tên: Trường Bạch công chúa Liễu Như Mỵ.
Hoa Thiến Thiến để ý nhìn sắc mặt của Thiên Tứ. Chờ chàng xem xong, nàng liền đỡ lấy tờ giấy để xem. Nàng cũng cảm thấy rất ngạc nhiên, rồi cau mày, đôi ngươi cứ đảo lộn hoài...
Thiên Tứ thấy thái độ của Hoa Thiến Thiến, biết vợ mình có vẻ không muốn. Nhưng chàng nghĩ, vật của người ta, mình không có lý do gì để chiếm đoạt. Vì vậy, nhất thời chàng cảm thấy rất khó xử.
Hoa Thiến Thiến là người luyện kiếm, tất nhiên rất ưu thích thần kiếm bảo vật. Huống hồ nàng luyện Kiếm Môn Cương Khí lại càng cần phải có bảo kiếm, thì oai lực của pho kiếm pháp mới tăng tiến gấp đôi, vì vậy mà nàng không muốn trả lại cho người đàn bà nọ.
Hoa Thiến Thiến thấy Thiên Tứ tỏ vẻ khó xử, biết ngay chồng mình là người quang minh lỗi lạc, không muốn làm một việc gì trái với đạo lý. Tuy nàng rất quý thanh bảo kiếm ấy, nhưng nàng lại yêu mến chồng mình hơn. Nàng không muốn chồng mình có một chút gì không hài lòng, và cũng không muốn để chồng mình khó xử vì câu chuyện này, cho nên nàng đành phải cố chịu nhịn mà trả lại thanh bảo kiếm cho người đàn bà xinh đẹp kia.
Tuy Thiên Tứ không muốn chiếm vật sở hữu của người, nhưng chàng cũng rất yêu Hoa Thiến Thiến, và biết vợ mình thích thanh nhuyễn kiếm ấy lắm, nên chàng mới nghĩ xem có cách gì lợi cả cho đôi bên để trao đổi không?
Lúc ấy Hàn Thiến Thiến cũng đọc xong tờ giấy, nàng không để ý đến sắc mặt của Thiên Tứ với Hoa Thiến Thiến mà chỉ cười vẻ ngây thơ, xen lời nói:
- Đại ca, đại tỷ chúng ta không thể vì thấy một chút tài ba của người và mấy lời nói trên giấy này mà dễ dàng trả lại thanh bảo kiếm cho người. Ít nhất, người ta cũng phải có cái gì để chứng minh là vật của người ta đã, thì chúng ta mới có thể trả lại được.
Lời nói của nàng tuy ngây thơ nhưng đã nhắc nhở cho hai người một ý kiến hay, nên Thiên Tứ với Hoa Thiến Thiến đều nghĩ bụng:
“Phải đấy, không nên vì mấy dòng chữ này mà ta trao trả ngay thanh trường kiếm này cho người đàn bà nọ. Như vậy, nếu trả lầm cho kẻ hung ác thì có phải là mối họa đó do vợ chồng mình gây nên không?”
Thiên Tứ còn nhận thấy mình phải đề cao cảnh giác một chút mới được. Vì đã có bài học trước, là con Kim Thiền Thừ với quyển bí kíp “Nhất Nguyên Chính Khí” rồi. Nhất là cuốn bí kíp đã lỡ đưa cho Thiết Diện Điểu Trảo, nên mình đã phải ôm hận suốt đời. Chàng nhận thấy lời nói của Hàn Thiến Thiến rất có lý, liền ngấm ngầm vận “Đại Năng Thần Công” lên giơ tay ra khẽ búng chỉ phong vào vách tường để viết mấy câu như sau:
“Bảo kiếm Bích Huyết Hàn mang là báu vật của đời thượng cổ, ai ai cũng muốn chiếm được hết. Mong đại nương hãy chứng minh bằng cách gì để cho tại hạ biết là nguyên chủ, thì tại hạ mới hoàn lại được”.
Liễu Như Mỵ thấy chỉ phong của chàng lợi hại như thế cũng phải kinh hãi thầm và nghĩ bụng:
“Không ngờ thiếu niên này trẻ tuổi như vậy mà lại có công lực thâm hậu đến như thế. Hà! Thực không ngờ đã mấy chục năm mình không vào Trung nguyên mà trong Trung nguyên lại có những nhân tài xuất sắc như thế này. Thực là người mới thay người cũ, hậu sinh khả uý có khác”.
Bà ta cũng là người hiếu thắng, mồm vẫn tủm tỉm cười mà đã ngấm ngầm vận công lực lên, giơ tay không phất mạnh một thế, những chữ của Thiên Tứ đã bị bà ta xoá đi hết. Rồi Liễu Như Mỵ lại chỉ tay vào ấm rượu, liền có một tia rượu bắn ra nhắm trên tường chỗ Thiến Tứ vừa viết, búng luôn mấy cái. Trên đó liền có những chữ như sau xuất hiện:
“Trăm hiệp làm bằng,
Kẻ thắng làm cớ!”
Ba người đều là thiếu niên cả, khi nào chịu nhịn nổi sự khiêu chiến như thế? Chả cần phải dùng rượu viết, Thiên Tứ chỉ búng ngón tay rạch hờ thôi:
“Bao giờ? Nơi nào? Cứ cho biết, thế nào cũng tới đúng giờ hẹn”.
Mấy chữ của Thiên Tứ vừa che lấp đúng những chữ của Như Mỵ.
Không thể nào viết chữ lên trên ấy được nữa, Như Mỵ đành phải giơ tay ra cách không phất một cái, những chữ ở trên tường bị xoá hết liền. Nàng lại dùng rượu viết tiếp:
“Canh ba đêm nay, trên Thí Kiếm Thạch ở Hổ Khâu”.
Viết xong, nàng phất tay áo một cái, liền xuống lầu đi ngay.
Ba người không hẹn mà nên, đều đưa mắt nhìn theo nàng ta, thấy mặt đã đẹp, thân hình cũng đẹp nốt. Nàng quả thực là một phụ nữ tuyệt sắc, có một không hai trên thế gian này.
Chờ Như Mỵ đi khỏi, ba người mới như vừa trút xong một gánh nặng nghìn cân, cùng thở nhẹ một tiếng luôn.
Hoa Thiến Thiến lên tiếng trước:
- Đẹp thực! Nhưng tiếc thay, nàng ta lại muốn đánh nhau với chúng ta, chứ không muốn làm bạn.
Thiên Tứ cau mày lại, nghĩ bụng:
“Trận đấu đêm nay chưa biết được thua ra sao? Người ta có nội công cao siêu như vậy, đấu trong trăm hiệp, ta chưa chắc đã thắng được nàng”.
Chàng đang nghĩ ngợi, bỗng nghe thấy Hoa Thiến Thiến nói:
- Đại ca không nên lo âu như thế! Đêm nay, để tiểu muội ra ứng chiến. Việc này do tiểu muội gây nên...
Nàng chưa nói dứt, Thiến Tứ đã vội át giọng đỡ lời luôn:
- Sao Thiến muội lại nói như thế? Chả lẽ Thiến muội muốn chia rẽ với ngu huynh hay sao?
Thấy chàng nói như vậy, Hoa Thiến Thiến hỗ thẹn vô cùng, mặt đỏ bừng ngay.
Vì đến đêm có việc bận, nên ba người vội vàng ăn xong bữa cơm ấy để trở về khách sạn nghỉ ngơi.
Đêm hôm ấy, trăng đã mọc lên tới đỉnh đầu, có ba cái bóng người đi nhanh như điện chớp, từ trong thành Tô Châu chạy thẳng ra núi Hổ Khâu ở ngoại thành.
Thí Kiếm Thạch là nơi hoang vu và lớn rộng, xung quanh có trồng mười mấy cây táo. Một bóng người đang đứng trơ trọi cạnh hòn đá để thử kiếm, ở giữa một bãi đất trống.
Bọn Thiên Tứ ba người vừa tới nơi, Như Mỵ đã tiến ra nghênh đón ngay.
Dưới bóng trăng, người đàn bà tuyệt đẹp, tuổi trên bốn mươi kia rất hớn hở nói:
- Ba vị thực là người rất trọng chữ tín, tới đúng giờ hẹn.
Xưa nay vẫn giữ tôn chỉ kính lão nhường hiền, Thiên Tứ thấy người ta tới trước bọn mình, vội tiến lên hai bước, chắp tay vái chào và đáp:
- Tiểu bối đã tới chậm, xin lão tiền bối lượng thứ cho.
Như Mỵ khẽ gật đầu, cũng khách sáo nói tiếp:
- Xin thiếu hiệp đừng nên đa lễ như thế. Tôi chỉ tới trước ba vị có một chút thôi. Bây giờ mới đúng canh ba. Không biết vị nào ra tay đấu với bổn công chúa thế?
Thấy Như Mỵ rất biết điều, không những không có vẻ gì là kiêu ngạo mà cũng không thị lớn tuổi khinh thường người ít tuổi, Thiên Tứ đã có thiện cảm với nàng ta ngay, vội cung kính đáp:
- Tiểu bối đã thương lượng với tiện nội rồi. Do tiện nội ấn chứng với lão tiền bối năm mươi hiệp, rồi đến tiểu bối tiếp tay năm mươi hiệp sau. Nếu lão tiền bối không bằng lòng đấu như thế, thì xin lão tiền bối cứ việc chỉ giáo cho.
Thấy Thiên Tứ lễ phép như vậy, Như Mỵ rất hài lòng và khen ngợi thầm chàng là người thiếu niên rất rộng lượng và quang minh lỗi lạc, nên nàng vội trả lời rằng:
- Bổn công chúa vui lòng nhận lời về cách đấu ấy. Xin thiếu hiệp hãy cho biết quý tánh đại danh trước đã.
Thiên Tứ không những tự xưng tên họ mà còn giới thiệu cả tên họ của hai nàng Thiến Thiến nữa.
Năm mươi năm về trước, Như Mỵ đã lừng danh trên giang hồ rồi, sau vì thất tình nên mới rút lui ra ngoài Trường Sơn Bạch ở ngoài quan ngoại ẩn cư trong Trường Bạch Cung, không những không tái nhập giang hồ mà đến cả việc của giang hồ cũng không để ý nốt. Nếu không phải vì Tô Châu Ngũ Hổ lấy trộm Bích Huyết nhuyễn kiếm thì không khi nào Như Mỵ lại tái nhập giang hồ như thế này, chưa biết chừng nàng không bao giờ rời khỏi Trường Bạch Cung nửa bước cũng nên.
Nàng định lẳng lặng vào Trung nguyên, rồi lại ngấm ngầm quay trở về quan ngoại ngay, quyết không ở lại để gây thị phi làm chi. Có ngờ đâu, nàng lại gặp phải bọn Thiên Tứ ba người như thế này.
Như Mỵ tới Tô Châu cùng một ngày với bọn Thiên Tứ và cũng vừa gặp Hoa Thiến Thiến đoạt được thanh nhuyễn kiếm ấy. Nàng mới ngấm ngầm theo sau ba người, chờ tới khi ba người ở trọ khách sạn nào rồi, nàng mới lên tửu gia ăn cơm và nghỉ chân. Nàng định đến đêm sẽ tới khách sạn của bọn Thiên Tứ để lấy trộm lại thanh bảo kiếm của mình.
Nhìn bề ngoài của vợ chồng Thiên Tứ ba người, Như Mỵ đã đoán biết ba người không những võ công rất cao cường, mà người lại rất chính phái nữa.
Ngờ đâu, nàng lên tửu gia không lâu, thì bọn Thiên Tứ ba người cũng lên đúng tửu gia ấy ăn cơm, nên mới có cuộc hẹn nhau tới đây để đấu với nhau như vậy.
Chờ Thiên Tứ giới thiệu xong, Hoa Thiến Thiến tay cầm Bích Huyết Hàn Mang bảo kiếm, nghinh thân đợi chờ, thái độ nghiêm chỉnh, tay trái nắm kiếm quyết, tay phải cầm kiến giơ lên ngang ngực. Nàng dùng nội lực khiến thanh kiếm mềm đã thẳng như một thanh kiếm thép.
Là người giàu kinh nghiệm giang hồ, Như Mỵ chỉ trông thấy kiểu cách của Hoa Thiến Thiến đã biết ngay thiếu nữ này đã thấu hiểu chân lý của kiếm đạo rồi, và kiếm thuật đã luyện tới mức xuất thần nhập hoá chứ không phải là cao thủ tầm thường, nên nàng đã kinh hãi, liền nghĩ bụng:
“Năm mươi năm trước, ta đã giữ được toàn vẹn danh dự, chẳng lẽ đến bây giờ tên tuổi của ta lại tan rã ở đây chăng?”
Nàng vừa nghĩ vừa từ từ mở cái phất trần sợi vàng xuống, tay cầm cán phất trần tung mạnh một cái, những sợi vàng của cái phất trần ấy đều dựng thẳng lên, oai thế quả thật kinh người.
Hoa Thiến Thiến chuẩn bị xong, Như Mỵ liền nghiêm nghị nói:
- Mời La phu nhân ra tay tấn công trước đi!
Thấy đối phương gọi mình là La phu nhân, Hoa Thiến Thiến hổ thẹn đến hai má đỏ bừng và ngẩn người ra suy nghĩ. Thiên Tứ thấy thế liền khẽ ho một tiếng, Hoa Thiến Thiến mới giật mình đến thót một cái, vội liễm thần nghinh khí, không dám nghĩ vẩn nữa.
Thấy Như Mỵ chỉ hơi xếch ngược đôi lông mày lên thôi, chứ không tỏ rõ thái độ gì hết, Hoa Thiến Thiến mới khẽ đáp:
- Tiểu bối xin thất lễ.
Nói xong nàng múa thanh nhuyễn kiếm lên, chỉ trong nháy mắt, ánh sáng xanh ở thân kiếm đã tia ra ngoài xa mấy thước liền.
Thiên Tứ đứng cạnh đó thấy thế cũng phải khen ngợi thầm:
“Nội lực của Thiến muội đã tiến bộ hơn trước nhiều. Nàng chỉ mới múa thanh kiếm lên mà kiếm mang đã tia ra được vài thước như vậy kể cũng hiếm có rồi. Nếu nàng chịu khó luyện tập thêm một thời gian nữa, có lẽ sẽ trở nên đệ nhất kiếm thủ của thiên hạ chứ không sai”.
Thực ra kiếm là thần vật, người là cao thủ, kiếm mang đi tới đâu, quỹ thần đều kinh hãi.
Như Mỵ thấy thế cũng kinh hãi thầm. Nhưng nàng là người giàu kinh nghiệm, công lực lại rất tinh thông, nên nàng vội lướt sang bên để tránh thế kiếm ấy của Hoa Thiến Thiến.
Hoa Thiến Thiến cũng biết những vị võ lâm tiền bối này xưa nay vẫn có thói quen hể đấu với người ít tuổi hơn mình, thế nào cũng nhường nhịn ba thế trước để tỏ rõ mình rộng lượng và không thèm thị lớn bắt nạt nhỏ.
Thế thứ nhất hụt, thế thứ hai là thế “Dã Hoả Lưu Nguyên”, lưỡi kiếm sáng quắc và chém ngang luôn. Như Mỵ không dám khinh thường, vội quay người lướt sang bên trái để tránh né.
Thế công ấy kinh hiểm vô cùng, nhưng Như Mỵ vẫn nhẹ nhõm tránh né được một cách rất ung dung, như vậy đủ thấy nàng ta lão luyện như thế nào.
Hoa Thiến Thiến thấy hai thế công của mình đã hụt hết, nên thế thứ ba của nàng đã hoá thành những làn sóng nhằm đầu của Như Mỵ úp chụp xuống.
Như Mỵ thấy thế giật mình kinh hãi, vội nhún chân một cái, tung mình nhẩy lên vận khí hộ thân mà xuyên qua bóng kiếm, phi thẳng lên trên cao. Lần này nàng ta đã mạo hiểm, nhưng rút cục vẫn thoát khỏi lưới bóng kiếm ấy mà không bị thương mảy may nào.
Thiên Tứ là một võ học đại gia, thấy Như Mỵ ứng phó một cách khéo léo như vậy cũng phải kính phục.
Trong khi lơ lửng ở trên không, Như Mỵ đã quát lớn:
- La phu nhân, bổn công chúa bắt đầu phản công đây!
Hoa Thiến Thiến nghe nói không dám coi thường, vì nàng thấy mình tấn công luôn ba thế đều hụt hết, biết người ta không phải là một hảo thủ thường, nên nàng phải nghênh thần liễm khí để đợi chờ. Ngờ đâu, Như Mỵ chỉ phẩy phất trần một cái, rồi nhẹ nhàng nhảy xuống đất chứ không chịu ra tay. Hoa Thiến Thiến đang lấy làm lạ, muốn rung động thanh kiếm ở trong tay để tiến lên tấn công tiếp…
Lúc ấy, Như Mỵ mới đột nhiên giơ phất trần lên, nhắm mặt nàng đâm luôn một thế, phất trần của nàng toả ra trông không khác gì là một cây dù vậy.
Thể thức quái dị và huyền ảo này chưa thấy ai sử dụng qua bao giờ, hơn nữa đôi bên lại đứng cách nhau quá gần, nhất thời Hoa Thiến Thiến không kịp múa kiếm để chống đỡ nữa, trong lòng hoảng sợ vô cùng, vội lui ngay về phía sau. Nàng lui bước như vậy càng nguy hiểm thêm, vì những sợi vàng cây phất trần của Như Mỵ hình như bị hơi người của nàng hút vậy, bỗng dài hẳn một thước vừa đụng tới đầu mũi kiếm của Hoa Thiến Thiến.
Cũng may, từ khi được Thuỳ Can Lão nhân truyền thụ Kiếm Môn tuyệt kỹ cho, võ công của Hoa Thiến Thiến đã cao siêu hơn trước nhiều. Nàng chỉ dùng chân trái khẽ đá vào gót chân phải, uốn lưng liễu một cái, đã thừa thế nhảy ngược về phía sau ngay.
Thấy mình vừa ra tay đã chiếm được thế thắng, khi nào Như Mỵ lại chịu để yên, như bóng theo hình, nàng đuổi theo Hoa Thiến Thiến ngay. Là một người rất thông minh, phản ứng rất nhanh, Hoa Thiến Thiến không đợi chờ đối phương tấn công tới, đã giở ngay Kiếm Môn Kiếm pháp, tuyệt học của sư môn ra phản công luôn.
Chỉ thấy kiếm quang ở thanh kiếm của nàng toả ra bao vây lấy toàn thân và kiếm khí như cầu vòng sáng chói lọi. Chỉ trong chớp mắt, đã thấy một làn kiếm quang xanh như nước biển thôi, chứ không còn thấy hình bóng của Hoa Thiến Thiến đâu nữa.
Lúc ấy, Như Mỵ cũng múa động cây phất trần, ánh sáng vàng tia ra tứ phía, một luồng hào quang bao chặt lấy người nàng. Thế là hai luồng ánh sáng, một lam, một vàng, cứ quay tít và xung kích lẫn nhau, thỉnh thoảng lại có tiếng kêu “loong coong” phát ra.
Mỗi lần va chạm như thế, ánh sáng lam lại bị đẩy lùi về phía sau hai thước, hiển nhiên công lực của Hoa Thiến Thiến còn kém Như Mỵ một mức.
Đột nhiên, đằng xa có tiếng nói rất lớn vọng tới:
- Triệu Canh Thạch, ngươi tới Hổ Khâu này làm chi?
Giọng nói vang đi rất xa và mãi mãi không dứt.
Đọt nhiên, ánh sáng vàng liễm hẵn, Như Mỵ nhảy lui về phía sau hơn mười trượng, sắc mặt nhợt nhạt, dưới ánh trăng trông càng ghê rợn thêm. Mặt lộ sát khí giơ tay lên chỉ Thiến Tứ và nói:
- Tiểu tử giỏi thực, ngươi…
Ngờ đâu, nàng chưa nói dứt, thì lại có giọng nói khàn khàn vọng tới tiếp:
- Triệu Canh Thạch, lão bảo ngươi đừng tới, ngươi lại cứ đi về phía đằng này làm chi? Chả lẽ…
Tiếng nó ấy chưa dứt, Như Mỵ đã dậm chân một cái, tung mình nhẩy ra ngoài xa mấy trượng. Chỉ trong nháy mắt đã mất dạng liền, hình như nàng muốn trốn tránh cái gì vậy.
Tình hình ấy đã làm cho ba vợ chồng Thiên Tứ thắc mắc khôn tả và cùng nghĩ bụng:
“Triệu Canh Thạch chả đã bị Thiết Diện Điểu Trảo giết chết ở Thành Đô vào hồi mấy tháng trước rồi là gì? Sao bây giờ lại còn Triệu Canh Thạch nào xuất hiện ở đây như thế? Liễu Như Mỵ chưa có vẻ gì là bị đánh bại cả, nhưng mới nghe thấy cái tên Triệu Canh Thạch, mặt đã biến sắc và bỏ chạy ngay như thế là nghĩa lý gì?”
Ba vợ chồng Thiên Tứ đang đứng ngẩn người ra nghĩ ngợi thì bỗng thấy một cái bóng thấp thoáng, và chỉ trong nháy mắt ba người đã thấy một ông già ăn mày xuất hiện trước mặt ngay. Chưa nói đã cười, ông ta bảo với ba vợ chồng Thiên Tứ rằng:
…………..
Tính ngây thơ, Hàn Thiến Thiến lại thích hỏi vặn, liền nũng nịu cười và hỏi lại:
- Bác ăn mày, tại sao Liễu Như Mỵ có tài ba như thế mà lại sợ Triệu Canh Thạch được?
Không muốn nói những chuyện thừa đó sợ lỡ mất việc chính, nhưng Thí Nhân lại không nhẫn tâm để cho cô bé ngây thơ này thất vọng.
Thiên Tứ với Hoa Thiến Thiến cũng muốn biết rõ nguyên nhân ấy, vì cả ba vợ chồng đều có thiện cảm với Liễu Như Mỵ rồi.
Thí Nhân đáp:
- Lão phu nói cho các người nghe cũng được, nhưng lão phu chỉ có thể nói đại khái, vì các người còn phải đi ngay Kim Lăng mới dự kịp cuộc vui này.
Năm mươi năm về trước, lúc ấy Liễu Như Mỵ mới ngoài đôi mươi, tất nhiên đẹp hơn bây giờ nhiều. Người đã đẹp, võ công lại cao siêu, nên y thị vào trong Trung nguyên này không bao lâu đã gây được tên tuổi ngay. Lúc ấy, cái tên Trường Bạch công chúa Liễu Như Mỵ lừng lẫy khắp giang hồ võ lâm, nên đã có rất nhiều hiệp sĩ trẻ tuổi muốn được gần gũi y thị, nhưng y thị rất tự phụ, không coi ai vào đâu hết.
Lúc bấy giờ Triệu Canh Thạch tuổi cũng ngoài hai mươi như y thị, đã trẻ lại đẹp trai, võ công cao siêu hơn những thiếu niên kia nhiều. Trong một trường hợp ngẫu nhiên, Canh Thạch gặp Như Mỵ, liền vui lòng chịu khuất phục dưới gót sen của Như Mỵ ngay. Như Mỵ cũng không thèm đếm xỉa tới, vì thấy Canh Thạch không đứng đắn và không phải là người trong chính phái.
Nhưng Canh Thạch không khác gì ruồi gặp mật, cứ Như Mỵ đi tới đâu, y cũng theo tới đó. Như Mỵ muốn xua đuổi cũng không được, tức giận khôn tả, liền rút kiếm ra định giết chết Canh Thạch mới hả dạ.
Không ngờ, Canh Thạch không kháng cự gì hết, quỳ ngay xuống chìa cổ ra cho Như Mỵ chém. Là người chính phái, tất nhiên Như Mỵ không chém giết một người không chống cự như thế. Đồng thời, y thị cũng thương hại Canh Thạch, vì thấy y si tình quá, nhưng y thị vẫn không nhận lòng yêu của đối phương.
Thấy Như Mỵ không giết mình, Canh Thạch càng tới gần thêm.
Có một hôm, trời giúp Canh Thạch, vì Như Mỵ đang bị bọn kiêu hùng trong giới hắc đạo của Tây Nam năm tỉnh vây đánh để cướp thanh bảo kiếm Bích Huyết Hàn Mang. Chờ tới lúc y thị lâm nguy, Canh Thạch mới nhẩy xổ tới cứu nàng thoát chết. Nhờ đó, Như Mỵ mới chịu lấy Canh Thạch.
Ngờ đâu, tiểu tử họ Triệu vẫn tính nào nết ấy, không sao sửa đổi được. Kết hôn xong, không bao lâu, y lại giở thủ đoạn cũ ra, chuyên môn đi khiêu khích, ly gián, dùng thủ đoạn xảo quyệt ám hại các người trong giang hồ. Ngoài ra, y còn nhòm ngó của cải của Trường Bạch Cung nữa.
Dù Như Mỵ khổ tâm khuyên bảo như thế nào, Canh Thạch cũng không nghe, vẫn tiếp tục hoành hành như vậy. Thấy khuyên bảo chồng không được, Như Mỵ nổi giận, liền quay trở về Trường Bạch ngay, nhất quyết không vào Trung nguyên nữa.
Tuy Canh Thạch đã trở về Trường Bạch Cung xin Như Mỵ tha thứ cho, nhưng y liền bị Như Mỵ đánh đuổi ngay. Lúc ấy, y không ham mê sắc đẹp của Như Mỵ như trước, và y có thực tâm yêu y thị đâu, nên bị đánh đuổi, liền bỏ đi ngay, chứ không quay trở lại nữa.
Ý muốn của Như Mỵ đánh đuổi Canh Thạch như thế là chỉ mong chồng mình biết thay tâm đổi tính đó thôi. Ngờ đâu, Canh Thạch vẫn tính nào tật ấy, sửa đổi sao được? Vì vậy, Như Mỵ mới thề không gặp lại Canh Thạch và cũng không can thiệp đến việc của giang hồ nữa…
… Cho nên Triệu Canh Thạch bị giết chết, y thị không hay biết gì hết. Hà! Kể cũng tội nghiệp thực! Cổ nhân nói: “Hồng nhan đa bạc mệnh”, thực không sai tí nào!...
… Thôi muộn lắm rồi, các ngươi mau cưỡi bò, cưỡi hươu đi Kim Lăng để gặp Thiết Diện Điểu Trảo ngay đi!
Nói xong, ông ta không đợi chờ Thiên Tứ với hai nàng trả lời, đã vội quay người đi ngay, chỉ trong nháy mắt đã mất dạng liền.
Lúc ấy, trời vừa rạng đông, ba vợ chồng Thiên Tứ nghe xong mẫu chuyện bi đát ấy, đều đứng ngẩn người ra, nhìn thẳng về phía mặt trời sắp mọc…
oOo
Cảnh mùa Xuân đã đẹp, cả mặt trời cũng đẹp hơn ba mùa kia nốt. Những khách lữ hành thích thú nhất là gió ấm áp của mùa này.
Thiên Tứ với hai người vợ cưỡi bò và hươu phi trên đường cái quan, tiến thẳng về phía Kim Lăng.
Vì được Tiêu Thí Nhân báo tin cho hay, vợ chồng Thiên Tứ đi Kim Lăng ngay để gặp Thiết Diện Điểu Trảo, nên không kịp chờ đợi vợ chồng Bại Sự Lão Nhân với Hoa Thương Nguyên nữa. Chàng sợ chần chừ không đi ngay, lỡ Thiết Diện Điểu Trảo hay tin đào tẩu mất thì sao?
Tỷ Kim Sơn ở ngoài thành Kim Lăng, thế núi rất hùng vĩ, cây cối um tùm. Vì trồng đầy những cây phong, nên khắp ngọn núi đỏ như nhuộm máu vậy.
Ba vợ chồng Thiên Tứ vừa tới Tỷ Kim Sơn đã vội xuống bò và hươu, giở khinh công tuyệt diệu xông vào trong rừng cây phong lục soát tức thì.
Tìm kiếm suốt cả ngày, ba người đã vòng quanh ngọn núi một vòng rồi mà vẫn không phát hiện Thiết Diện Điểu Trảo đâu cả.
Thiên Tứ cau mày lại, nói với hai nàng Thiến Thiến rằng:
- Tôi chắc sào huyệt của Thiết Diện Điểu Trảo không khi nào lại đặt ở chỗ người ta dễ phát giác, nhất định phải ở trong hang núi hay rừng rú…
Chàng vừa nói tới đó, bỗng có mấy tiếng ám khí kêu “veo, veo” ở trên không và ở đàng xa bay tới. Chỉ nghe thấy tiếng kêu của ám khí cũng đủ biết người ném phải là cao thủ tuyệt đỉnh.
Không dám sơ ý, Thiên Tứ khẽ quát bảo cả hai nàng rằng:
- Mau, hai vị hiền muội mau lui tới phía sau ngu huynh!
Nói xong, chàng lớn bước tiến về phía trước ba bước, để che chở cho hai nàng, chàng vừa đứng vững thì ám khí cũng vừa tới nơi. Chàng vận chân khí lên hộ thân, rồi giơ tay phải lên bắt mũi ám khí ấy. Nhưng khi nhìn kỹ lại, chàng mới hay đó chỉ là một cái lá phong. Chàng kinh hãi thầm và nghĩ bụng:
“Hiện nay trong võ lâm, người có thể dùng lá và hoa làm ám khí như thế này không có mấy ai, có thể đếm ra được. Vậy người nào đã tới Tỷ Kim Sơn này thế? Không cần phải nói rõ, chắc lại là Thiết Diện Điểu Trảo chứ không sai?”
Hai nàng Thiến Thiến đều đứng ở hai bên của Thiên Tứ. Hoa Thiến Thiến bỗng thất kinh khẽ bảo Thiên Tứ rằng:
- Đại ca xem, trên cái lá còn có chữ đấy!
Thiên Tứ nghe nói vội cúi đầu nhìn, quả thấy trên lá có viết:
“Quay trái, quay phải, lại quay trái. Trên tháp, dưới tháp, dưới đáy tháp”.
Hai câu đó như thơ mà không phải là thơ. Chàng lại xem kỹ chỗ mép lá, thấy có vẽ hình nửa bà cụ. Chàng lại ngắm nhìn một hồi, rồi buộc miệng nói:
- Ồ! Thế ra là cụ ấy đấy!
Hoa Thiến Thiến vội đỡ lấy cái lá phong, với Hàn Thiến Thiến cùng xem, rồi hai người đồng thanh thất kinh hỏi:
- Bà cụ ấy là ai thế?
Thiên Tứ hớn hở đáp:
- Cụ ấy là Âm Hồn Bất Tán Thạch lão tiền bối đấy!
Hai nàng Thiến Thiến mừng rỡ đến nhảy bắn người lên, đồng thanh nói tiếp:
- Nhất định là cụ ấy đã báo tin cho chúng ta biết sào huyệt của Thiết Diện Điểu Trảo rồi.
Thiên Tứ lại cầm lấy cái lá xem lại lần nữa và nói:
- Quay trái, quay phải rồi lại quay trái. Trên tháp, dưới tháp, dưới đáy tháp. Thế là nghĩa lý gì?
Hoa Thiến Thiến vội đỡ lời:
- Đại ca khỏi cần phải thắc mắc làm chi, chúng ta cứ việc theo lời dặn của bà ấy mà đi, tới đâu hay tới đấy.
Thiên Tứ gật đầu tán thành:
- Thôi được, chúng ta cứ theo đúng lời dặn bảo của cụ ấy mà đi vậy!
Nói xong, chàng tiến lên trước dẫn đường. Đi được vài chục trượng, quả nhiên, ngoẹo sang bên trái có một con đường nho nhỏ, ngòng ngoèo như ruột dê thực. Ba người hớn hở đi theo con đường nhỏ ruột dê ấy mà tiến, suýt tí nữa thì quên cả mục đích tới đây là để kiếm Thiết Diện Điểu Trảo, người đã khiến hai giới hắc, bạch trong giang hồ đều phải kinh tâm khiếp đảm. Ba người không khác gì bò mộng mới ra khỏi chuồng, không biết sợ hổ vậy.
Ngờ đâu, đi hết con đường ruột dê ấy, ba người liền bị một cái rừng rất rậm rạp ngăn cản trước mặt, dưới đất đầy những cỏ dại, gai góc bịt kín mít, không còn tiến tới được nữa.
Thiên Tứ rất thắc mắc, vội nghĩ bụng:
“Con đường nhỏ vừa rồi đúng là do nhân công tạo nên, tại sao tới đây lại tắt nghẽn như vậy? Thôi, khỏi cần phải thắc mắc, ta cứ ngoẹo sang bên phải, ven theo lề rừng này xem sao…?
Chàng nghĩ đến đó, liền vẩy tay gọi hai nàng Thiến Thiến, rồi ba người cùng ngoẹo sang phía bên phải luôn. Mới đi được năm bước, Hàn Thiến Thiến bỗng thất kinh kêu “ủa” và nói:
- Đại ca xem kìa!
Thiên Tứ vội nhìn theo tay của nàng ta, thấy trong bụi cỏ có những dấu vết chân của người dẫm lên, mới biết chỗ đó vừa có người đi qua. Chàng hớn hở vô cùng, vội dẫn hai người vợ cùng tiến thẳng về phía ấy và vẫn đi ven theo bên bề rừng.
Trong tiếng đồng hồ sau mà ba người vẫn chưa đi hết được khu rừng, nên càng nóng lòng sốt ruột, vội rảo bước đi nhanh thêm.
Một lát sau, đã đi đến khu rừng rậm nọ, thì bỗng thấy địa thế thay đổi hẳn, phía bên trái có rất nhiều bực thang đá. Ba người thấy đúng như lời dặn bảo của Âm Hồn Bất Tán, liền tiến ngay lên những bực đá ấy.
Không ngờ lên ngót nghìn bực đá mới tới đỉnh núi, và vừa tới nơi, thì quả nhiên ba người đã thấy phía đằng trước có một cái tháp. Tháp này đã lâu ngày không có người tu sửa, nên tường vách sứt sẹo và đổ nát, cỏ dại mọc um tùm. Tháp này có bảy từng tất cả và trông xa không khác gì một ông cụ già lọm khọm vậy.
Ba người đều thông minh tuyệt đỉnh, liền chú ý ngay đến tình hình của cái tháp cổ này. Mặc dù lúc ấy đang là giữa trưa nhưng nhìn vào bên trong lại có vẻ âm u rùng rợn vô cùng. Tháp đã bỏ hoang lâu năm như vậy, thế nào bên trong chả có những con độc vật ẩn náu…
Thiên Tứ cau mày lại, nghĩ bụng:
“Âm Hồn Bất Tán viết câu thứ hai: Trên tháp, dưới tháp, dưới đáy tháp, như vậy ắt phải là ở trong cái tháp này rồi? Nhưng cái tháp này đổ nát, và đầy rêu phong cỏ dại như thế, thì làm gì có người ở bên trong?’’
Nghĩ tới đó, trong đầu óc chàng bỗng nảy ra một ý kiến và vỡ lẽ ngay. Chàng vội nói với hai nàng Thiến Thiến rằng:
- Hai vị hiền muội thử để ý nhận xét kỹ xem, có phải những rêu cỏ và mạng nhện chằng chịt phong toả cái tháp này đều là nguỵ trang không?
Hai nàng thấy chàng nói như thế liền để ý nhìn kỹ, Hoa Thiến Thiến vội đỡ lời:
- Đại ca đã vào trong tháp thì ba chúng ta phải cùng vào cả một lúc.
Ngờ đâu, Thiên Tứ lại lắc đầu đáp:
- Để ngu huynh vào trước, còn hai vị hiền muội canh ở bên ngoài. Hễ có người tới, hai vị có thể chặn bắt hết những tên giặc lọt lưới.
Nói xong, chàng không muốn mất thì giờ, đã vội tung mình nhẩy ngay lên trên cao, xoay người một cái, hất mạnh hai tay áo, thân hình của chàng đã lên tới chỗ mép đỉnh tháp rồi. Chàng bỗng giơ hai tay ra, người đã đi vào trong từng trên cùng luôn.
Chàng thấy từng trên cùng của cái tháp này ngang dọc chỉ dài chừng mấy thước thôi, nhưng khác hẳn bên dưới nhiều, vì trong đó rất sạch sẽ, không có một hạt bụi nào hết. Bên trong kê một cái giường, một ghế, một bàn và một kỷ trà. Hiển nhiên, từng tháp này có người đang ở, nhưng lúc ấy bên trong vắng tanh, không có một bóng người nào cả.
Người Hai Đầu Người Hai Đầu - Trần Thanh Vân Người Hai Đầu