Kẻ Trộm Sách epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 59
Á THƯ CUỐI CÙNG.
Gửi bà Hermann,
Như bà có thể thấy, cháu đã lại ở trong thư phòng bà và đã phá hỏng một trong những quyển sách của bà. Cháu đã quá giận dữ cũng như sợ hãi, và cháu muốn giết những từ ngữ. Cháu đã ăn cắp đồ của bà và bây giờ cháu lại còn phá hỏng tài sản của bà nữa. Cháu xin lỗi. Để tự trừng phạt mình, cháu nghĩ rằng cháu sẽ không đến đây nữa. Hay phải chăng nó chẳng phải là một sự trừng phạt gì cả? Cháu rất yêu chỗ này và rất ghét nó, bởi vì nó đầy những từ ngữ.
Bà đã là một người bạn của cháu dù cho cháu đã làm bà tổn thương, ngay cả khi cháu là một người không thể chịu đựng được (đây là một từ mà cháu đã tra trong từ điển), và cháu nghĩ là bây giờ thì cháu sẽ để cho bà được yên. Cháu xin lỗi vì tất cả.
Cảm ơn bà một lần nữa.
Liesel Meminger.
Con bé để lại bức thư trên mặt bàn rồi nói lời vĩnh biệt với căn phòng, đi quanh nó ba vòng và lướt tay trên những tựa sách. Cũng nhiều như nó ghét chúng, con bé vẫn không thể cưỡng lại được hành động này. Những miếng giấy bị xé rách rơi vãi xung quanh một quyển sách có nhan đề Những quy tắc của Tommy Hoffman. Trong luồng gió thổi vào qua ô cửa sổ, một vài mảnh giấy đó bay lên rồi lại rơi xuống.
Ánh sáng vẫn có màu cam, nhưng nó không còn rực rỡ như trước đó nữa. Tay con bé nắm một lần cuối ô cửa sổ bằng gỗ, và có một luồng khí nén cuối cùng của một cái dạ dày bị chúi xuống, và cơn đau nhói nơi hai chân khi nó tiếp đất.
Lúc nó đi đến chỗ ngọn đồi và băng qua cây cầu, thì ánh sáng màu cam đã tan biến. Những đám mây đang bị vét sạch.
Khi đi trên phố Thiên Đàng, con bé đã có thể cảm thấy những giọt mưa đầu tiên. Mình sẽ không bao giờ gặp lại Ilsa Hermann nữa, con bé nghĩ thầm, nhưng kẻ trộm sách giỏi việc đọc và phá hủy những quyển sách hơn là đưa ra những giả thiết.
BA NGÀY SAU
Người đàn bà ấy đã gõ lên cửa nhà số ba mươi ba phố Thiên Đàng và chờ người ta ra mở cửa.
Liesel thấy thật lạ lùng khi nhìn bà ấy không ở trong bộ áo choàng tắm. Chiếc váy mùa hè bà mặc có màu vàng với những đường trang trí màu đỏ. Có một cái túi thêu một đóa hoa nhỏ trên đó. Không có chữ thập ngoặc nào. Đôi giày bà màu đen. Trước đó nó chưa bao giờ chú ý đến hai cẳng chân của Ilsa Hermann cả. Bà ấy có một đôi chân bằng sứ.
“Bà Hermann, cháu xin lỗi – vì những gì cháu đã làm ở thư phòng của bà lần trước.”
Người đàn bà ấy bảo nó im lặng. Bà cho tay vào giỏ và lôi ra một quyển sách nhỏ màu đen. Bên trong nó không phải là một câu chuyện, mà là tập giấy kẻ. “Ta nghĩ rằng nếu cháu không đọc những quyển sách của ta nữa, thì có thể cháu sẽ muốn viết ra một quyển sách. Lá thư của cháu, nó thật…” Bà ấy đưa quyển sách cho Liesel bằng cả hai tay. “Chắc chắn là cháu có thể viết. Cháu viết rất hay.” Quyển sách khá nặng, bìa cũng được cán màng mờ như quyển Cái nhún vai vậy. “Và làm ơn đi,” Ilsa Hermann khuyên nó, “Đừng tự trừng phạt mình, như cháu đã nói. Đừng giống như ta, Liesel.”
Đứa bé gái mở quyển sách ra và chạm vào những trang giấy. “Danke schon[1], bà Hermann. Cháu có thể pha cho bà chút cà phê, nếu bà muốn. Bà sẽ vào nhà chứ? Cháu đang ở nhà một mình. Mẹ cháu đang ở nhà bên cạnh, với bà Holtzapfel.”
“Chúng ta sẽ đi vào bằng cửa sổ hay cửa ra vào đây?”
Liesel tin rằng đó là nụ cười tươi tắn nhất mà Ilsa Hermann đã cho phép mình có trong nhiều năm qua. “Cháu nghĩ là chúng ta sẽ dùng cửa ra vào. Như thế sẽ dễ chịu hơn.”
Họ ngồi cùng với nhau trong nhà bếp.
Họ uống cà phê và ăn bánh mì quết mứt. Khó khăn lắm họ mới nói chuyện được với nhau, và Liesel có thể nghe thấy tiếng Ilsa Hermann nuốt, nhưng làm thế nào đó mà việc này không mang lại sự khó chịu, hay cảm giác không thoải mái. Thậm chí nó còn là một cảnh tượng rất thú vị khi người đàn bà ấy nhẹ nhàng thổi vào cốc cà phê để làm cho nó nguội bớt.”
“Nếu cháu viết được cái gì đó và hoàn tất nó,” Liesel nói, “cháu sẽ cho bà xem.”
“Thế thì hay lắm.”
Khi vợ ngài thị trưởng ra về, Liesel nhìn bà đi ngược lên phố Thiên Đàng. Con bé ngắm cái váy màu vàng, đôi giày đen và hai cẳng chân bằng sứ của bà.
Ở chỗ hòm thư, Rudy hỏi nó, “Đó có phải là người mà tớ nghĩ không vậy?”
“Phải.”
“Hẳn cậu đang đùa.”
“Bà ấy đã tặng tớ một món quà.”
Như sau này bạn sẽ thấy, ngày hôm đó Ilsa Hermann không chỉ đưa cho con bé một quyển sách. Bà ấy còn cho nó một lý do để dành thời gian ở dưới tầng hầm – cái chỗ yêu thích của con bé, ban đầu là với Bố, sau đó là với Max. Bà đã cho nó một lý do để viết ra những từ ngữ của chính mình, để nhắc nó nhớ rằng những từ ngữ cũng đã mang nó đến với cuộc sống này.
“Đừng tự trừng phạt mình,” con bé lại nghe thấy những lời nói của bà, nhưng sẽ có sự trừng phạt và nỗi đau đớn, và sẽ còn có cả hạnh phúc nữa. Viết lách là thế.
Vào ban đêm, khi Mẹ và Bố đang ngủ, Liesel mò xuống tầng hầm và thắp đèn dầu lên. Trong suốt một giờ đồng hồ đầu tiên, nó chỉ nhìn chăm chăm cây bút chì và trang giấy trước mặt mình. Nó khiến bản thân mình nhớ lại, và như thói quen của nó, con bé không nhìn đi chỗ khác.
“Schreibe,” nó tự nói với mình. “Hãy viết đi.”
Sau hơn hai giờ đồng hồ, Liesel bắt đầu viết, mà không biết làm sao nó có thể làm được việc này. Làm sao mà nó có thể biết được rằng sẽ có ai đó nhặt câu chuyện của nó lên và mang theo bên mình mọi nơi mọi lúc?
Không ai mong đợi những điều này cả.
Họ không lên kế hoạch cho chúng.
Con bé dùng một thùng sơn nhỏ làm ghế ngồi, một thùng sơn có mặt đáy rộng làm bàn viết, và Liesel cắm bút chì vào trang giấy đầu tiên. Ở ngay giữa trang, con bé viết những từ sau đây.
. KẺ TRỘM SÁCH.
Một câu chuyện nhỏ
Tác giả
Liesel Meminger
NHỮNG MÁY BAY THẢ BOM
Đến trang thứ ba thì tay nó nhức buốt.
Những từ ngữ thật nặng nề, con bé nghĩ, nhưng khi đêm trôi qua, nó đã có thể hoàn thành mười một trang.
. TRANG 1.
Tôi đã cố tảng lờ nó đi, nhưng tôi biết tất cả chuyện này đều bắt đầu với đoàn tàu, tuyết và đứa em trai ho hen của tôi. Ngày hôm đó tôi đã ăn trộm quyển sách đầu tiên của mình. Đó là một quyển sách hướng dẫn để đào huyệt, và tôi ăn trộm nó khi đang trên đường tới phố Thiên Đàng…
Con bé ngủ thiếp đi dưới hầm, trên một cái giường làm từ những tấm phủ tránh bụi, với những tờ giấy quăn mép, đặt trên cái thùng sơn cao hơn. Sáng ra, Mẹ đang nhìn nó, đôi mắt được khử trùng bằng clo của bà như đang hỏi.
“Liesel,” bà nói, “Mày đang làm cái quái gì dưới này vậy?”
“Con đang viết, Mẹ à.”
“Lạy các đấng Jesus, Maria và Joseph.” Rosa dậm mạnh lên những bậc cấp để lên lầu. “Hãy lên nhà trong vòng năm phút nữa nếu không mày sẽ bị phạt kiểu dội xô nước vào người đấy. Verstchst?”
“Con hiểu rồi.”
Mỗi đêm, Liesel đều xuống tầng hầm. Con bé lúc nào cũng giữ quyển sách bên mình. Nó viết trong suốt nhiều giờ đồng hồ, cố gắng hoàn thành mười trang sách mỗi đêm về cuộc đời nó. Có quá nhiều thứ cần xem xét, có quá nhiều thứ có nguy cơ bị bỏ qua. Hãy kiên nhẫn, nó tự nhủ, và với những trang sách ngày càng nhiều thêm, sức mạnh nắm đấm từ ngữ của con bé cũng tăng lên. Thậm chí nó còn chép lại quyển Người lay từ ngữ và Người đứng nhìn xuống, chép lại những bức tranh và những con chữ, bổ sung thêm rằng vết tích của quyển Mein Kampf vẫn có thể được nhìn thấy qua lớp sơn của những trang sách. Những hình phác thảo đầu tiên mà nó nhìn thấy trong quyển sách của Max cũng xuất hiện – để kể lại câu chuyện một cách chính xác như trong trí nhớ của con bé.
Đôi khi, con bé viết về những điều đã xảy ra trong tầng hầm, trong khi nó đang viết. Con bé vừa kết thúc cái đoạn mà Bố đã tát nó trên những bậc cấp của nhà thờ, và họ đã cùng nhau nói Heil Hitler ra sao. Ở bên kia căn hầm, Hans Hubermann đang cho cây đàn xếp vào hộp và mang lên nhà. Ông vừa chơi đàn suốt nửa giờ đồng hồ trong khi Liesel viết.
. TRANG 42.
Đêm nay Bố đã ngồi cùng với tôi. Ông mang cây đàn xếp xuống và ngồi gần nơi Max từng ngồi. Tôi thường quan sát những ngón tay và gương mặt ông mỗi lúc ông chơi đàn. Cây đàn xếp thở. Có những nếp nhăn trên má ông. Trông chúng như thể được vẽ lên vậy, và vì một lý do nào đó, khi tôi nhìn thấy chúng, tôi muốn bật khóc. Không phải tôi khóc vì bất cứ nỗi buồn hay niềm khiêu hãnh nào cả. Tôi chỉ đơn giản là thích cái cách mà chúng chuyển động và thay đổi. Đôi khi tôi nghĩ rằng cha tôi là một cây đàn xếp. Khi ông nhìn tôi, cười và hít thở, tôi nghe thấy những nốt nhạc.
Sau mười đêm viết như thế, Munich bị đánh bom một lần nữa. Liesel đã viết được đến trang 102 và đang ngủ thiếp đi trong tầng hầm. Con bé không nghe thấy tiếng cúc cu hay tiếng còi báo động, và nó đang ôm quyển sách của mình ngủ khi Bố đi xuống để đánh thức nó dậy. “Liesel, đi thôi.” Nó mang theo quyển Kẻ trộm sách cùng những quyển sách khác của nó, và họ đi tìm bà Holtzapfel.
. TRANG 175.
Quyển sách đang trôi xuôi theo dòng sông Amper. Một thằng nhóc nhảy xuống, đuổi kịp nó và giữ lấy nó bằng tay phải của mình. Thằng nhóc toe toét cười. Nó đứng ngập đến ngực trong làn nước lạnh buốt của tháng Mười một. “Một nụ hôn thì thế nào hả, Đồ con lợn?” Nó hỏi.
Đến cuộc oanh kích tiếp theo, vào ngày 2 tháng Mười, con bé đã viết xong quyển sách của mình. Chỉ còn lại vài chục trang giấy trắng, và kẻ trộm sách đã bắt đầu đọc lại những gì nó đã viết. Quyển sách được chia thành mười phần, mỗi phần đều được đặt tên bằng nhan đề của những quyển sách hay những câu chuyện, và miêu tả xem từng quyển sách hay câu chuyện đó đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời con bé.
Tôi thường tự hỏi rằng con bé đã đọc lại đến trang mấy khi tôi bước xuống phố Thiên Đàng trong cơn mưa như một cái vòi nước nhỏ giọt, năm đêm sau đó. Tôi tự hỏi con bé đang đọc gì khi quả bom đầu tiên rơi ra từ lồng ngực của một chiếc máy bay.
Phần tôi, tôi thích hình dung ra cảnh con bé đang thoáng nhìn thấy bức tường, và đám mây hình dây thừng của Max Vanderburg, vầng mặt trời nhỏ giọt của anh, cùng những hình người đang đi về phía nó. Sau đó, con bé nhìn thấy những nỗ lực khốn khổ của cái bài viết chính tả được viết bằng sơn của nó. Tôi nhìn thấy Quốc trưởng đang bước xuống những bậc thang dẫn xuống tầng hầm, với đôi găng tay được buộc vào nhau và quàng quanh cổ ông ta. Và kẻ trộm sách đọc, đọc đi đọc lại câu cuối cùng của quyển sách, trong suốt nhiều giờ đồng hồ.
Chú thích
[1] Cảm ơn (Tiếng Đức)
Kẻ Trộm Sách Kẻ Trộm Sách - Markus Zusak Kẻ Trộm Sách