Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Ký Ức Vụn
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Phụ Lục - “Ký Ức Vụn” Qua Con Mắt Bạn Đọc
D
ọc " Ký Ức Vụn " - Bảo Ninh
Tác giả đi dọc qua thành phố ra tận bờ sông Hồng trong buổi tối mưa gió mang tác phẩm mới in xong đến tặng bạn hữu, mà vừa đề tặng vừa nhấm nhẳn mắng người ta. Tôi viết là viết phục vụ đồng bào đồng chí của tôi, những người lao động quê mùa chân lấm tay bùn đọc chơi cho vui, chứ sức mấy mà mong đám thị thành văn vẻ các ông để mắt, không dám đâu. Đã bực bội không dưng như vậy thì thèm vào, nghĩ bụng thế. Vả lại, khẩu văn blog, - theo như lời của chính tác giả nói về cuốn sách - nó là cái gì vậy?
Năm trước nghe thiên hạ kháo nhau loạt bài tả chân do Nguyễn Quang Lập viết và tải trên mạng, tôi nhờ bạn in ra giấy để đọc. Đọc xong, cười rũ, giống như hồi xưa ngang qua Khu Tư lính tráng cười bò ra với nhau nghe kể chuyện bọ. Khẩu văn blog là thế? Và cuốn Ký Ức Vụn là tập hợp của những bài tả chân ấy?
Để cuốn sách đầu giường, mấy hôm sau mới giở trang đầu. Đọc chơi cho vui, tác giả đã bảo vậy, thì đọc cho vui.
Bất thường ngay từ trang đầu. Viết lách nhẹ không, như chơi, mà cuốn ngay lập tức. Hết truyện Con Ăn Ruồi đọc sang truyện Thằng Hai Đầu Gối, rồi Thằng Sứt Môi, rồi Ký Ức Năm Hào, rồi Thắng Á, Chị Du...
Truyện có hay không? Hay như thế nào?
Nhớ có lần bàn luận với nhau ở báo điện tử Vietimes về cuốn Tuổi 20 Yêu Dấu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, khi được hỏi rằng vì sao mà thích, vì sao mà thấy tiểu thuyết đó hay, tôi không thể giải thích, bởi tôi không biết. Cái con người độc giả trong tôi chỉ có một "tiêu chí" để tự mình định giá với mình về một tác phẩm văn học, ấy là: đọc một mạch hết cuốn sách, hoặc miễn cưỡng đọc cố, hoặc chỉ trang đầu, thậm chí dòng đầu đã phải đầu hàng. Ông bạn ở Vietimes vặn ngay: truyện chưởng vẫn thường được người ta đọc hết một lèo không buông sách, vậy Kim Dung là nhà văn lớn?
Vặn vẹo như thế còn biết nói sao. Tuy nhiên với truyện chưởng thì tôi vẫn vậy thôi, đo lường theo cái cách đó. Không đọc được hết một trang, và vì thế, với tôi, truyện của Kim Dung không hay. Tất nhiên là với tôi thôi.
Khi đã là tác phẩm hay thì bất kể là của ta của tây của tàu, bất kể cổ kim, bất kể tên tuổi, bất kể thể loại, đề tài, cách viết, có khi cả không cần hiểu kỹ lưỡng kỳ cùng nội dung, cốt truyện của cái truyện ấy nó là thế nào, hay là hay, vậy thôi, miễn bình luận. Cái hay của tác phẩm văn học là hoàn toàn vô thức và nói chung độc giả cũng vô thức mà cảm được cái hay ấy.
Tôi nằm đọc Ký Ức Vụn tới nửa đêm, thấy khuya quá rồi thì tắt đèn nhắm mắt. Nhưng không thể ngủ. Lại phải bật đèn, mở sách ra, đọc tiếp. Hơn 290 trang kìn kìn chữ, đọc một hơi tới sáng. Cả ngày hôm sau chỉ nghĩ về cuốn sách ấy.
Ký Ức Vụn, nếu là trong một mâm nhậu vài ba thằng đọc to lên với nhau chắc phải phát sặc lên vì cười, và cả tức nữa, đến muốn đập chén chửi vang. Nhưng một mình nằm đọc thì chẳng thấy buồn cười. Chẳng thấy tục. Chẳng thấy bỗ bã. Đây là một tác phẩm sâu nặng buồn vui. Buồn nhiều hơn vui. Những mảnh ký ức khía vào tim người đọc. Càng khía sâu hơn bởi cách viết - tôi không biết gọi sao cho đúng cái cách viết ấy: thảo khấu, cười cợt, báng bổ, làm loạn, trêu ngươi? - khiến chữ nghĩa tương phản với nội dung. Đấy là cách viết của sự "trên tài". Một tác phẩm bi kịch đời người mà chữ nghĩa lại gây cười thì trên tài hơn hẳn những nỗi buồn cao sang nhưng thô thiển, ầm ĩ và lồ lộ ra trên các trang sách tràn ngập những tính từ bi ai.
Bản thân Nguyễn Quang Lập nói mình dùng "khẩu văn", nhiều người khác cũng bảo vậy và không ít người nói vậy với cái ý là hành văn theo kiểu hoạt khẩu. Trong đời thường, Nguyễn Quang Lập do uống nhiều nên thường hay kể chuyện và kể rất hay, nhưng không phải người hay nói, không phải dân "trăm hay" lắm lời. Anh viết dường như rất dễ, nhưng sự dễ ấy trái ngược hoàn toàn với dễ dãi. Đố anh dễ dãi nào viết dễ được như thế. Còn những người viết khó khăn và ì ạch như tôi thì lại thường hay "làm văn" nên chỉ ước ao chứ không bao giờ đạt nổi khả năng "khẩu văn" của Nguyễn Quang Lập. Viết được như thế thật sướng, nhưng muốn sướng được như vậy phải đổi cả một đời trần ai, nào ai dám đổi.
Ký Ức Vụn được Nhà xuất bản định nghĩa trên trang bìa là tạp văn chọn lọc. Nhưng riêng tôi, tôi nghĩ đây là tập truyện ngắn. Có thể gọi nó là "truyện ngắn không hư cấu" được không?
Sự thực thì tôi thấy Ký Ức Vụn là một cuốn tiểu thuyết, cuốn ấy viết cho những người cùng thời cùng kiểu với tôi. Bởi tiểu thuyết là thế. Không có đời mình trong đó, nhưng đọc thấy đời mình, đời bạn bè mình, thấy lại trước mắt năm tháng đã qua, những năm tháng hiện hữu trong các câu chuyện và cả ở khoảng trống giữa các câu chuyện. Thời thơ ấu, tuổi học trò, mối tình đầu, tang thương chiến tranh, đời văn, quê nhà, và tha hương lang bạt. Trần Vàng Sao. Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đoàn Anh Thắng. Phùng Quán. Bạn bè ở Huế...
Mừng cho Nguyễn Quang Lập vượt được muôn trùng gian khổ trở về chiếm hữu lại văn đàn. Và cả mừng cho văn chương, cho nhà văn nói chung, trong đó có mình. Bấy lâu vẫn tưởng là số lượng độc giả ưa đọc và biết đọc văn học càng ngày càng vơi. Cứ tưởng bây giờ thiên hạ chỉ thiên về " văn học sân chơi". Song, cơn sốt, nếu có thể gọi như vậy, cơn sốt đam mê và thán phục của đông đảo độc giả, nhất là độc giả trẻ đối với Ký Ức Vụn đã chứng tỏ tôi nghĩ nhầm. Một tác phẩm văn học đã từ lâu lắm rồi mới thấy, lại được đón nhận rộng rãi bởi một niềm say mê văn học đã từ lâu lắm rồi mới có. Thật là điều quá đáng mừng cho văn học.
Ghép lại những mảnh vụn ký ức - Tiểu Quyên
Gần 20 năm vắng bóng trên văn đàn, nhà văn Nguyễn Quang Lập trở lại với tác phẩm Ký ức vụn (NXB Hội Nhà văn - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành) đã gây ít nhiều bất ngờ cho bạn đọc và người trong giới.
Ký ức vụn giống như một khoảng đời mênh mông mà nhà văn đã góp nhặt trong suốt hành trình sống và trăn trở. Tác phẩm được chia thành từng phần khá rạch ròi: Những người từng gặp, Buồn vui một thuở, Thương nhớ mười ba, Những người bạn khó quên... ở đâu và ở thời điểm nào cũng thấy những cuộc đời chìm nổi, truân chuyên, bất hạnh đi qua trang viết của nhà văn. Có khác chăng là giọng văn của Nguyễn Quang Lập 20 năm sau đã khác hơn, dí dỏm hơn và ngôn ngữ cũng tự do, phóng khoáng hơn. Những mảng ký ức trôi qua từng trang viết, không định lượng thời gian nhưng vẫn thấy như hình ảnh của người trong quá khứ vẫn còn hiện hữu đâu đây. Cuộc sống thay đổi nhưng có những bi kịch phủ lên phận người cứ như tuần hoàn, chỉ có sức chịu đựng là khác nhau.
Nguyễn Quang Lập gọi những người bạn trong ký ức mình bằng những cái tên kiểu như “con ăn rùi”, “thằng hai đầu gối”, “thằng sứt môi”, “thằng Thanh”, “thằng Á”, “chị Du”... - một kiểu “độc quyền kỷ niệm” nhưng trải trong đó là số phận con người trong cuộc sống vốn nhiều bể dâu. Mà mỗi cuộc đời đều xứng đáng được đi vào văn học hay cả điện ảnh như chính tác giả đã chia sẻ: “Nhiều lần tôi muốn làm phim” khi nói về các nhân vật đi qua hồi ức của ông.
Đọc Ký ức vụn, ngỡ ngàng khi lại được trở về thung lũng Chớp-ri của miền Tây Quảng Bình. Không gian này 20 năm trước đã có một Chuyện ở thung lũng Chớp-ri với hình ảnh cô giáo Thương khao khát hạnh phúc mà vụng trộm trong nỗi đắng đót xót xa. Bây giờ lại xuất hiện hình ảnh thằng Hoàn mỗi khi nhớ mẹ lại thích thổi sáo dụ rắn ra ngoài, chỉ vì nghe cha nói rằng “mẹ là con rắn độc”, rồi cuối cùng lại chết thương tâm vì bị rắn độc cắn. Những ký ức rất ngắn, nhưng mỗi một cuộc đời được tái hiện qua những trang viết của nhà văn lại hiện lên rất rõ, đủ để xao xác lòng người đọc về những phận đời.
20 năm trước, tác giả của tập truyện ngắn Tiếng gọi phía mặt trời lặn khiến người đọc chùng lòng bởi những câu chuyện buồn đến mênh mông của các nhân vật trong Tiếng khèn bè, Tiếng lục lạc, Đò ơi, Hạnh phúc mong manh... 20 năm sau, vẫn là những góc đời buồn, nhưng Nguyễn Quang Lập đã thả vào Ký ức vụn những nụ cười hài hước nhưng đầy những ưu tư, suy ngẫm.
Ký ức vụn còn là hình ảnh của những con người rất gần, một hành trình rất thật của cuộc đời tác giả. Ở đó, thấy Nguyễn Khải, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hòa Vang, Nguyễn Lương Ngọc, thấy cả Công Ninh, Hồng Ánh, Mai Hoa, Nguyễn Thanh Sơn... Ở đó còn có những chặng đường đã qua và cả những tiếng thở dài trong cuộc sống hiện thời của nhà văn. Một sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa kỷ niệm và sự cảm thông, giữa những ưu tư trước thời cuộc và sự thay đổi chóng vánh và bất ngờ của những điều diễn ra trong cuộc sống hằng ngày.
Nhiều bạn văn nhận xét vui rằng Nguyễn Quang Lập viết Ký ức vụn bằng ngôn ngữ đôi lúc “tưng tưng”, “cù rờ cù rựng” và dùng cả những từ ngữ nằm trong “vùng cấm kỵ” đến mức “tầm bậy tầm bạ”. Nhưng thật kỳ lạ, nếu thiếu những ngôn ngữ ấy thì các mảnh ký ức chắc chắn sẽ vắng hẳn nét riêng trong văn chương của “bọ Lập”.
Nhà văn nói rằng: “Sau khi cười xong, người ta nhận ra chút gì đó ngậm ngùi, đăng đắng là cách tôi vẫn hay làm”. Và thật đúng khi đến với Ký ức vụn, có những mảnh ký ức của nhà văn khiến người ta bật cười, nhưng cái cười ấy bao giờ cũng đan lồng một nỗi rưng rưng. Cái thanh khiết ở mỗi con người chính là họ đã sống và cảm nhận đúng ý nghĩa cuộc đời của họ. Nhưng cái bất hạnh của mỗi cuộc đời chính là sự nghiệt ngã của lằn roi số phận.
Những bài viết tập hợp trong Ký ức vụn hầu hết đã được đăng tải trên blog Quê choa thu hút đông đảo độc giả.
Bạn bè gọi vui Nguyễn Quang Lập là “hot blogger”. Chủ blog Quê choa nói rằng ông không đi theo xu hướng xuất bản sách trên mạng, việc đăng bài trên blog là một “kế hoạch dài hạn” hoàn toàn có trong chủ đích của ông. Ngoài Ký ức vụn, nhà văn Nguyễn Quang Lập còn đang “ngấm ngầm” viết một cuốn tiểu thuyết và sẽ sớm cho ra mắt độc giả.
Ký ức vụn: khối tình lớn, đọc “đã đời”! - Nguyễn Ái Học
Trong khoảng mấy chục văn sĩ (cả phê bình và sáng tác) mà tôi được biết, Nguyễn Quang Lập là người nói bỗ bã số một. 13 năm trước được gặp anh tại nhà riêng ở phố Lò Sũ. Nghe anh nói giọng “thẳng tưng”, bỗ bã, huych toẹt, cú một, không đưa đưa, đẩy đẩy, lươn lươn lẹo lẹo... nghe “đã đời”. Nay gặp lại anh, thấy anh đi lại khó khăn - do bị tai nạn, nhưng anh vẫn khỏe, vẫn nguyên xi một giọng nói tục, huych toẹt, thẳng tưng, không ấm ớ, lại thấy thật “đã đời”!
Nay, vô tình gặp tạp văn Ký ức vụn của Nguyễn Quang Lập vừa mới “ra lò” (NXB Hội Nhà văn - Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây - 2009), đọc thấy “đã đời”, liền cầm bút viết bài này.
1. Ký ức vụn của Nguyễn Quang Lập gồm 59 bài, gọi là truyện ngắn cũng được, gọi là hồi ký cũng được, gọi là chân dung cũng đúng... Bởi vậy, gọi tạp văn là hợp lý! Đọc Ký ức vụn, cảm giác ban đầu thấy Nguyễn Quang Lập nói toàn chuyện “tầm bậy tầm bạ”, “cù rờ cù rựng”! Suy ngẫm một chút ta dễ thấy giọng văn ở đây có vẻ “ba trợn ba trạo” mà thực chất không “ba láp”, “ba hoa”, tưởng “cù rờ cù rựng” mà thực chất toàn chuyện cần thiết, nghiêm chỉnh, chuyện trung tâm của con người. Đó là chuyện ăn, chuyện ngủ, chuyện gia đình, khát vọng tình yêu, tình bạn, niềm thương nhớ quê hương, chiến tranh, sự giả trá, nhân cách làm người, chuyện thơ văn, rồi những cảm xúc như đau thương, oan khuất, mỉa mai, chua xót, oái oăm... về những điều vừa nói. Toàn những chuyện đời, rất chi là đời.
2.Đọc Ký ức vụn, tôi có cảm giác, Nguyễn Quang Lập ngồi chơi trò ru bích (mượn cách nói của Thanh Thảo). Ký ức vụn là một khối hổ lốn, một khối ru bích, Nguyễn Quang Lập cứ xoay một mặt là ra một cái nhìn độc đáo, mới mẻ về một mảnh đời gắn với một vấn đề đời sống như vừa nói trên đây.
Nguyễn Quang Lập như không viết văn, mà ngồi kể chuyện “cộ” (tiếng miền Trung, “cộ” là “cũ”). Sự sống hiện ra như nó đã có. Nhưng mỗi câu chuyện của anh bao giờ cũng vút lên một điều gì đó, làm ta nhức nhối, rưng rưng - với lối viết ngắn gọn, hiện đại. Đoạn kết của mỗi chuyện, ngôn ngữ của Nguyễn Quang Lập “ ngầm” xoẹt ngang một “nhát”, như bom sát thương, làm ta điếng người. Tôi đã bật khóc khi đọc Ký ức năm hào. Tôi cũng dám chắc nước mắt nhà văn đã nhòa trang giấy trong âm điệu câu văn trấn an cho tâm trạng quá khứ mà thực ra là hiện tại: “Khi đó mình không khóc, mình nhớ như in khi đó mình không khóc”. Bây giờ thì anh đang khóc. Có phải đó là những giọt nước mắt quý hiếm trong thời đại chúng ta đang sống - thời đại “thừa tâm lý, thiếu tâm hồn” như nỗi lo âu của nhà văn giải Nobel - Octavio Paz?
Nguyễn Quang Lập đã thật sự ám ảnh ta bằng cái thế giới độc đáo mà anh hồi ức. Thế giới ấy có nhiều nhà văn tên tuổi từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn... có những nhà kinh doanh thành đạt... chung quanh cuộc đời Nguyễn Quang Lập. Nhưng sao nhớ và thương đến thế con người, cảnh vật nơi cái thị trấn Ba Đồn bé nhỏ, cái làng Đông - gia đình anh sơ tán. Đó là những thằng Hoàn, thằng Á, chị Du, thằng Thanh, anh cu Cá, cu Luật, cu Đô, và nhất là nhớ con Hà - thiên sứ của đời anh, đã làm ta bật khóc.
Nguyễn Quang Lập đã phổ vào những trang văn Ký ức vụn tấm lòng yêu quê, say quê tha thiết! Trong văn Nguyễn Quang Lập, con gái quê anh ai cũng đẹp. Con Sử “trắng bóc, tóc mượt”, “cười có lúm đồng tiền chấm phẩy”. Con Hà thì “dong dỏng cao, trắng trẻo, tóc dài, giống Thu Hà, báo Tuổi trẻ”. Chị Du thì “trắng trẻo, múp máp”. Cô Th. thì “xinh, giọng đẹp, văn công lấy vào làm giới thiệu”. Cùng với những người con gái đẹp là vẻ đẹp của thiên nhiên quê anh, những rặng trâm bầu, những rặng cây dẻ trắng che cho đình làng quanh năm mát rượi... Nguyễn Quang Lập đã làm ta bất ngờ trước vẻ đẹp của con người và quê hương của một vùng gió Lào cát trắng, thiên nhiên khắc nghiệt, chiến tranh từng hủy diệt một thời!
3. Không thể không nói đến tài dựng chân dung của Nguyễn Quang Lập. Mấy chục đứa, “không đứa mô giống đứa mô”. Từ chị Thuận hay ăn ruồi, thằng hai đầu gối, thằng Á, chị Du, thằng Thanh, con Hà ở quê anh... đến đám bạn bè nhà văn, rồi người đẹp chị MYZ, Tuyết Nga, Hồng Ánh... “đứa mô ra đứa nấy”.
Các nhân vật như đi đứng, nói năng trước mắt ta. Mỗi người nói với ta một điều về sự sống. Họ vừa đáng trách, vừa đáng quý. Nhưng với mọi cuộc đời, mọi số phận, Nguyễn Quang Lập đều kín đáo gửi gắm một niềm cảm thông nhiều chiều, chân tình, da diết. Chính điều này đã phủ lên văn Lập một khí hậu ấm áp, tin yêu. Đằng sau câu chữ nhiều lúc xót xa, đắng đót và có vẻ thẳng tưng, bỗ bã kia, văn anh giấu một niềm tin yêu. Như người em gái Tuyết Nga, dẫu trải qua nhiều bất hạnh vẫn nuôi nấng niềm vui với mọi người, giữ lấy “tiếng cười trong vắt, bền bỉ suốt cả cuộc đời”! Đây chính là bản lĩnh của nghệ thuật Nguyễn Quang Lập vậy.
Có tình lớn mới đảm bảo được văn hay. Có chân tâm với người, với đời, cách nào rồi thiên hạ cũng biết. Ký ức vụn của Lập được bảo hành bởi khối tình lớn đại thể như tôi đã nói trên đây. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một cách nhìn. Văn học cần nhiều cách nhìn. Thế thì, Ký ức vụn đang chờ bạn đọc.
4. Chuyện nói tục trong văn chẳng có gì là mới mẻ. Tuy nhiên, lại cần phân biệt cảm giác với cảm xúc trong văn. Nói tục để chỉ dừng lại tạo cảm giác, gây ấn tượng, đó là cái tục vô giá trị, kém văn hóa. Nói tục để tạo được cảm xúc thẩm mỹ, gợi cho người đọc suy nghĩ, triết lý sâu sắc về cuộc đời... đó là cái tục có ý nghĩa. Nguyễn Quang Lập dùng từ “bạo” để tạo cho ta những phản ứng thẩm mỹ bất ngờ, gợi cho ta suy ngẫm nỗi đời, gợi niềm khát khao cái đẹp đích thực, làm cho ta tê tái - thương yêu.
Bạn văn kiểu Nguyễn Quang Lập - Lê Thiếu Nhơn
Lặn lội với nghề cầm bút bao nhiêu năm thăng trầm đủ mùi vị cuộc sống, Nguyễn Quang Lập phát hiện bản thân có “cái mạng nổi tiếng, động cái gì là thiên hạ bàn tán ầm ầm”. Điều ấy không phải không có cơ sở, vì ngay cả khi blog “Quê Choa” xuất hiện, cũng không ai dám nghĩ Nguyễn Quang Lập đã ở tuổi ngoài 50 vẫn có thể trở thành một “hot boy” trên mạng.
Cuộc phô diễn khẩu văn suốt hơn một năm qua các entry thu hút hàng trăm khách comment, đã được Nguyễn Quang Lập tuyển chọn thành cuốn tạp văn “Ký ức vụn” dày 300 trang, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành.
Ký ức vụn” in 2 ngàn bản, giá bán loại thường là 45 ngàn đồng. Nguyễn Quang Lập đâu có màng chuyện nhuận bút, anh chỉ lấy 100 cuốn loại đặc biệt, giá bìa 190 ngàn để tặng bạn bè. Đơn vị đứng ra bỏ tiền in và phát hành “Ký ức vụn” là Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây vẫn cảm thấy sức lan tỏa từ cái blog Quê Choa chưa phải hoàn mỹ lắm, nên tiếp tục in poster quảng cáo và còn “khiêng” Nguyễn Quang Lập đi giao lưu, ký tên tưng bừng. Chắc chắn “Ký ức vụn” bán chạy, vì sách lậu cũng đã xuất hiện tràn lan!
Thỉnh thoảng vẫn có người dùng khẩu văn vào các bài viết nho nhỏ, nhưng không ai dùng khẩu văn một cách dày đặc như Nguyễn Quang Lập. Nhất là tiếng địa phương vùng Bình Trị Thiên được anh sử dụng rất đắc địa. Đi kèm với chi tiết phúng dụ, bao giờ Nguyễn Quang Lập cũng kéo thêm câu cửa miệng “ua chầu chầu”.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập là một người hoạt ngôn. Ngồi giữa đám đông thì giọng anh thường vượt trội bởi những lời trêu chọc hoặc cợt đùa. Hình như Nguyễn Quang Lập nói về điều gì thì mới dõng tai qua cũng thấy cực kỳ thú vị. Ngay cả thời Nguyễn Quang Lập có chút chức sắc trên quê nhà yêu dấu của mình, anh cũng chinh phục người khác bằng tài diễn thuyết phi thường. Ấy là dạo Nguyễn Quang Lập làm Phó Chủ tịch Hội văn nghệ Bình Trị Thiên được mới 3 tháng thì…tách tỉnh, anh về phụ trách tạp chí Cửa Việt và trúng cử Hội đồng nhân dân thị xã Đông Hà. Nhiều người còn truyền tụng giai thoại lâm ly rằng: Trước một phiên họp trang nghiêm, “ông hội đồng” Nguyễn Quang Lập đã nói sôi sục hơn 30 phút về giá trị máu xương đã đổ ở thành cổ Quảng Trị, khiến ai cũng rưng rưng xúc động. Khi Nguyễn Quang Lập bước xuống diễn đàn, có đại biểu nữ không kìm được sự run rẩy, bèn ôm lấy Nguyễn Quang Lập mà khóc nức nở: “Bọ làm em tự hào quá, bọ ơi. Xứ sở mình có bọ là nhất. Nhất! Nhất! Nhất!”. Kèm với mỗi chữ “nhất” nấc lên là vòng ôm xiết chặt hơn. Nguyễn Quang Lập đâu nỡ cắt đứt cảm xúc của phái đẹp, nên cứ giữ nguyên thực trạng ấy bằng thái độ hoan hỉ “Hay hè, hay hè!”.
Thời sinh viên Đại học Bách Khoa – Hà Nội, Nguyễn Quang Lập từng đánh đổ bao nữ sinh viên mộng mơ qua những câu thơ mơ mộng, như “Em đi qua trảng cỏ. Sương tan thành bình minh. Đi qua cánh đồng xanh. Thành líu lo chim hót. Đi qua dòng suốt ngọt. Suối ngọt hóa lời ca. Đi qua trái tim ta. Thành tình yêu nồng cháy!”. Tất nhiên, đấy là thơ tình của thời giăng gió xa xôi, chứ Nguyễn Quang Lập vẫn kiên trì đeo bám những vần điệu du dương ấy, thì năng lực thơ tình của anh phát tiết toàn phần cũng sẽ bằng thơ tình của… Trần Đăng Khoa! Chuyển sang văn xuôi, truyện ngắn đầu tay “Người lính hay nói trạng” lập tức thành danh Nguyễn Quang Lập với chất hài hước chua cay. Không chỉ hai tập truyện ngắn “Một giờ trước lúc rạng đông” và “Tiếng gọi phía mặt trời mọc”, mà các vở kịch của Nguyễn Quang Lập như “Sự tích nước mắt” và “Mùa hạ cay đắng” cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Chỉ khi tiểu thuyết “Những mảnh đời đen trắng” xuất bản năm 1989 hứng chịu bao nhiêu búa rìu dư luận thì anh mới phát hiện chữ nghĩa nghiệt ngã thật. Không sao, chân tài không hé chỗ này thì sẽ lộ chỗ khác. Nguyễn Quang Lập viết kịch bản phim, hết “Đời cát” lại đến “Thung lũng hoang vắng” rồi “Trái tim bé bỏng”, dù chẳng thể giúp các rạp chiếu phim tăng lượng khán giả, nhưng cũng giúp các trang báo điểm tin nghệ thuật thứ bảy cứ dào dạt những dự cảm thơm phức nước hoa.
Đấy, tài hoa lấp lánh và đa dạng của Nguyễn Quang Lập dẫu ghét dẫu yêu cũng không thể nào phủ nhận được. Cuốn tạp văn “Ký ức vụn” đánh dấu sự trở lại văn đàn của Nguyễn Quang Lập sau 20 năm, gây xôn xao dư luận cũng đâu phải chuyện tình cờ may mắn. Trong 5 phần của “Ký ức vụn”, đáng kế nhất là phần “Bạn văn”. Khi Nguyễn Quang Lập viết mẩu “Bạn văn” đầu tiên về nhà thơ Bùi Minh Quốc đã khiến bạn đọc thích thú, vì đó là một lối viết chân dung nhân vật khác hẳn những bài báo kể lể thành tích phổ biến hiện nay. Thế nhưng, “Bạn văn 2” viết về Tô Nhuận Vỹ và “Bạn văn 3” viết về Xuân Đức thì sinh sự. Có cả nỗi giận dữ và mối đe dọa kiện tụng xuất hiện. Nguyễn Quang Lập buộc lòng phải xóa hai entry ấy trên blog, và dĩ nhiên anh cũng không đưa vào “Ký ức vụn”.
Sở dĩ nhắc lại hai mẩu “Bạn văn” lao đao kia là để chứng minh khả năng thiết kế hình tượng của Nguyễn Quang Lập không nằm ở những chi tiết có thật 100%. Nguyễn Quang Lập có nhạy cảm đặc biệt trong cấu trúc tình huống và dàn dựng chi tiết. Hãy mường tượng thế này, những gì viết ngay hàng thẳng lối trên trang giấy chỉ là Nguyễn Quang Lập – nhà báo, còn những gì viết bề bộn ra ngoài lề mới đích thực là Nguyễn Quang Lập – nhà văn. Ví dụ, hai mẩu “Bạn văn” viết về diễn viên Hồng Ánh và nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn đều nằm ở dạng thường thường bậc trung. Có lẽ nể nang đôi vợ chồng trẻ ấy mua vé máy bay mời mình vào tận Phan Thiết dự đám cưới, nên Nguyễn Quang Lập viết để trả ơn. Chưa hẳn hai nhân vật Hồng Ánh – Nguyễn Thanh Sơn nhạt nhẽo, nhưng hình như Nguyễn Quang Lập chưa tìm thấy ở họ một tình huống có thể cấu trúc lại, hoặc một chi tiết có thể dàn dựng lại, nên bài viết của anh đành giống như tâm tình ngọt lạt nhân gian. Với hai mẩu “Bạn văn” Hồng Ánh và Nguyễn Thanh Sơn thì bút lực Nguyễn Quang Lập đã quyết tâm chuyển từ loại tạp – văn – rất- hay tiến thẳng lên loại bài – báo – rất – xoàng, mà bỏ qua loại tản- mạn – hơi – khá!
Cái đắm đuối khi đọc “Bạn văn” của Nguyễn Quang Lập là được thấy vài điều có thật chấp chới ra ngoài những điều không có thật. Sự khéo léo tung đòn giữa “vũ thuật” và “võ thật” chính là giá trị mới mẻ mà Nguyễn Quang Lập mang đến cho dạng chân dung nhân vật, còn thứ khẩu văn mà anh chăm chú bổ sung chỉ có ý nghĩa gia vị nêm nếm. Những bài “Bạn văn” viết về Trần Dần, Phùng Quán hay Xuân Sách, trong giới cầm bút đương thời có không dưới 100 người viết được như Nguyễn Quang Lập. Những bài “Bạn văn viết về Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo hay Phạm Ngọc Tiến, trong giới cầm bút đương thời có ít nhất 10 người viết được như Nguyễn Quang Lập. Còn những bài “Bạn văn” mang tính trữ tình ngoại đề như “Cái miệng hình số tám”, “Người đẹp” hay “Ông Đề cương” thì rất có thể trong giới cầm bút đương đời không mấy người so được với Nguyễn Quang Lập! Nếu anh đầu tư miệt mài cho những trang viết độc đáo này thì đó là “Bạn văn” kiểu Nguyễn Quang Lập, và e rằng anh có một cái chiếu riêng trong làng văn Việt Nam ở thế kỷ 21!
Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Xương rồng cát lại nở hoa - Thực hiện: Một Trăm Độ
Người ta biết đến ông như một người đa tài, một kẻ đa mang. Ông làm được nhiều việc, mà việc gì cũng giỏi. Tên tuổi của ông đã là một đảm bảo chắc chắn cho sự thành công, đặc biệt trên lĩnh vực văn học, sân khấu và điện ảnh. Đằng sau những hào quang chói lòa ấy là một con người bản lĩnh với nghị lực phi thường. Nhà báo Như Bình đã từng so sánh ông với loài xương rồng cát – một sức sống, một ý chí vươn lên mãnh liệt.
Ông là nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập. Đã nhiều lần trong quá khứ xương rồng cát nở hoa, và hiện tại đang nở hoa rực rỡ.
Một Trăm Độ đã có một cuộc phỏng vấn nho nhỏ đối với nhà văn Nguyễn Quang Lập nhân dịp cuốn sách thứnăm của ông, tập tạp bút “Ký ức vụn” được xuất bản. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ rất thú vị của ông!
Một Trăm Độ: Kính chào nhà văn Nguyễn Quang Lập! Cảm ơn chú đã dành thời gian cho “Chat chit với blogger” của Một Trăm Độ! Lời đầu tiên, xin chúc mừng sự ra đời cuốn sách thứ năm của bọ. Tại sao bọ lại chọn “Ký ức vụn” làm tiêu đề cho tập tạp bút này?
Quê choa: Lúc đầu cuốn sách có tên Những mảnh vụn ký ức. Anh bạn Phạm Xuân Nguyên thấy không hay lắm, vì nó trùng cái chữ những với cuốn Những mảnh đời đen trắng của tôi, anh đặt cho cái tên Ký ức vụn. Tôi rất thích cái tên này. Nó đúng là những kí ức nho nhỏ chợt đến, không hề được sắp xếp theo thứ tự thời gian và không gian.
Một Trăm Độ: “Hãy đợi đấy, những hồi ức Nguyễn Quang Lập từ blog sang giấy”. Đó là khẳng định chắc nịch của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trên báo Thể thao – văn hóa Online cách đây gần 1 năm, khi bọ mới viết blog được vài tháng. Hiện nay thì tiên đoán đó đã thành sự thật, blog đã sang giấy, hồi ký đã thành sách. Có nhanh không khi bọ xuất bản sách (từ blog) chỉ sau chưa đầy 1 năm viết blog?
Quê choa: Thực ra đấy là những sáng tác tôi viết, rồi post lên blog để thăm dò phản ứng đọc giả, từ đó điều chỉnh tí chút rồi đưa in. Tôi là nhà văn chuyên nghiệp, không phải tập tọng viết trong blog chơi vui, rồi lấy trong blog đưa in như một số người không chuyên mà bảo là vội.Tôi chọn 59 bài trong 115 bài đã viết để tập hợp thành một cuốn sách, biên tập khá kĩ lưỡng mới đưa in. Cái này đã có trong kế hoạch ngay từ khi lập blog.
Một Trăm Độ: Trời cho con người ta chữ tài, lại khuyến mãi thêm chữ nghiệp. Đối với bọ, văn có phải là một cái nghiệp?
Quê choa: Không những nghiệp, mà là nghiệp chướng. Số phận run rủi đẩy tôi làm nhà văn chứ tôi không hề chọn nó. Kiếp sau tôi sẽ không làm nhà văn nữa, chán rồi hi hi.
Một Trăm Độ: Người đời vẫn rỉ tai nhau: “Nhà văn nói láo, nhà báo nói điêu” Những tác phẩm của bọ rất thật, thật đến trần trụi. Nhưng mạn phép hỏi bọ, trong đó có chút “láo” nào không ạ?
Quê choa: Phàm là sáng tác đều phải hư cấu cả. Tôi hư cấu bằng cách thêm bớt các chi tiết có thật, sắp xếp có chủ ý, sao cho đạt được một tác phẩm như ý muốn. Nếu hiểu nói láo là bịa đặt thì tôi không bao giờ. Tôi ghét cay đắng sự bịa đặt.
Một Trăm Độ: Vắng bóng trên văn đàn khá lâu, rồi bất ngờ trở lại với blog “Quê choa”, sử dụng lối văn độc đáo mà bọ gọi là “khẩu văn”, nói tục như một biện pháp tu từ. Mọi người ủng hộ bọ rất nhiều, nhưng cũng không tránh khỏi sự phản bác. Bọ thấy sao khi nhận được những comment đậm chất “không ủng hộ” như thế?
Quê choa: Chẳng những các comment, mà có nhiều blog đã viết hẳn cả một hai entry để phản đối văn của tôi nữa. Chẳng sao cả, tôi biết trước điều đó. Tôi biết văn tôi như trái sầu riêng vậy, chưa quen ngửi không có nổi, nhưng quen rồi thì thấy ngon.
Một Trăm Độ: Đã có nhiều người nói là nghiện văn Bọ Lập. Sáng sáng tuần tuần mà không đọc văn của Bọ Lập thì cứ thấy thiêu thiếu, bứt rứt không yên. Theo bọ, điều gì trong văn của bọ đã cuốn hút người đọc tới vậy, và phẩm chất nào là quan trọng nhất để trở thành một nhà văn thực thụ?
Quê choa: Có hai điểm mà tôi biết chắc vì thế bạn đọc thích, đó là văn tôi không phải là loại văn đạo đức giả, thứ hai là văn tôi không hề có ý định giáo dục ai. Tôi viết chơi, mọi người đọc cho vui, vậy thôi.
Một Trăm Độ: Sau “Ký ức vụn”, bọ có dự định dài hơi nào cho sự nghiệp văn học của mình không ạ?
Quê choa: Cái cuốn tiểu thuyết Tình Cát tôi đang post lên là một dự định ra sách, ngoài ra tôi sẽ ra một cuốn truyện ngắn, một cuốn chân dung được viết theo lối khẩu văn, và một cuốn tiểu thuyết khác viết theo lối khẩu văn, cuốn này có tên: Những chuyện có thật và bịa đặt của tôi. Có lẽ đây là cuốn sách cuối cùng đời văn của tôi. Sau đó nếu còn sống tôi sẽ bye bye văn và đi chơi, câu cá và uống rượu, tất nhiên tán gái nữa nếu có thể, he he.
Một Trăm Độ: Chắn hẳn các độc giả đang rất nôn nóng chờ đón các tác phẩm “sắp ra lò” của bọ. Chúc bọ dồi dào sức khỏe, thư thái tinh thần để thực hiện được tất tần tật các kế hoạch trong dự định. Và trước mắt là chúc bọ và nhà sách Đông Tây “cháy sách”! Chân thành cảm ơn nhà văn!
“Ký ức vụn”: Một cách tự trào và hòa giải! - Mai An Thảo
Kí ức vụn, đến thời điểm này, có thể nói là một cuốn sách gây hứng thú vì những gì là nó và những gì về nó. Là nó, người ta nhận ra một giọng văn riêng, một cách tái cấu trúc kí ức riêng và đặc biệt hấp dẫn là những chân dung văn nghệ sĩ (mà tác giả gọi là Bạn Văn) rất riêng. Về nó, thì ngay từ khi còn tồn tại ở dạng entry blog, những mẩu chuyện này đã được đón nhận, bàn luận sôi nổi trên văn đàn mạng và khi thành sách, một lần nữa, nó lại gây sốt không kém mô hình các sách best – seller ở Việt Nam trước đây để cuối cùng, có lẽ rất hi hữu, tác giả cuốn sách, đã trao giải thưởng cho các bài viết, nói chung, có tính chất tán thưởng về cuốn sách của mình.
Bài viết này xin đề cập đến những khía cạnh khác mà bản thân người viết, với sự tập trung sâu hơn vào 25 chân dung Bạn văn, cho rằng quan trọng nhất khi tiếp nhận cuốn sách mang tên Kí ức vụn.
Trước hết, có thể coi Kí ức vụn là một dạng hồi kí, tức là tái cấu trúc kí ức của cá nhân về chính bản thân mình và những người mình từng gặp gỡ quen biết. Nếu “Những người bạn khó quên” hay “Người từng gặp” bị dìm kín trong phạm vi cá nhân nhỏ hẹp, nó chỉ có thể đại diện cho hoặc là một kiểu tính cách hoặc là một tuýp người xã hội mà tác giả đang muốn và có công dựng nó lên thành điển hình thì 25 chân dung Bạn Văn có phạm vi rộng hơn vì những nhân vật này, trước khi hội ngộ trong Kí ức vụn, ít nhiều đã được phác thảo chân dung đây đó. Cũng có thể khẳng định, chính sự nổi tiếng của những người trong Bạn Văn đã làm mờ đi tính chất thân sơ, cái điều mà tôi chắc rằng độc giả không mấy để ý, của mối quan hệ giữa người dựng chân dung và đối tượng được đặc tả. Tuy nhiên, với tư cách người trong cuộc, người dựng phải lẩy ra những chi tiết được coi là thuyết phục và hấp dẫn nhất để độc giả không nghi ngờ về kĩ năng hư cấu, điều tối kị trong thể hồi kí/tự truyện. Và chính nhờ chi tiết mà chuỗi kí ức vụn có dịp trỗi dậy như các chứng thực đáng tin để ráp nối nên nét chân dung mỗi một văn nghệ sĩ. Trong sinh hoạt văn học Việt Nam, trường hợp Kí ức vụn, tức là trường hợp những hồi kí/chân dung tiếp cận và giải cấu đối tượng theo lối phơi bày một sự thực đáng tin trong dáng dấp đáng ngờ nhất, là không nhiều. Trước, có thể kể Tô Hoài với tập hồi kí Cát bụi chân ai, tiếp theo [phần nào] là Trần Đăng Khoa với tập Chân dung và đối thoại. Cả hai, khá giống với Kí ức vụn sau này, một cách ngoạn mục, đều phá bỏ ranh giới truyền thống viết chân dung nhà văn. Độc giả, qua ba cuốn sách trên, sẽ ghi nhớ rất rõ những triệu chứng căn bệnh đồng tính của thi sĩ tình yêu Xuân Diệu, cách ăn phở của Lê Lựu, hay những tâm sự đời người của Hoàng Phủ Ngọc Tường… Nghĩa là, ở đây, họ thích sự ló dạng con người đời tư/đời thường của nhà văn hơn là sự bày chật của con người nghệ sĩ, cái mà thông thường, dễ bị đông cứng trong khuôn mẫu đạo đức xã hội rằng, người nghệ sĩ ấy phải hoàn hảo về mặt nhân cách và lí tưởng về mặt thẩm mĩ. So với hai cuốn trước, Kí ức vụn đậm đặc chi tiết đời tư hơn và do đó, những yếu tố của một đời tư như lời ăn tiếng nói, thói quen ứng xử và những ham muốn nhục dục… cũng được trưng dụng hữu ích nhằm làm cho đối tượng trở nên cực thực và nhất là, có khả năng tạo cái pha nhận thức mới: xét cho cùng, nói như Nguyễn Huy Thiệp, con người diễn nôm ra ai chẳng lằng nhằng! Tuy rất khó giải thích rõ ràng nhưng cái sự lằng nhằng ấy có thể hiểu một cách chung, là tính chất con người nhất, mà có lần K. Marx đã quả quyết “không hề xa lạ với tôi”. Một đời sống hỉ nộ ái ố nếu đã không nhạt nhẽo thì hãy để nó phơi mở trong vai trò là làm sáng lên đối tượng. Nếu đôi khi vì dưới ánh mắt đạo đức hẹp hòi, mà nó không thể được diễn nôm, không được thỏa mãn trình diện thì ngay cả với người nghệ sĩ, hẳn sẽ là tai họa và thậm chí, là kẻ giả vai. Kí ức vụn cho phép mỗi chân dung một cơ hội đúng vai, tròn vai mà dù, thi thoảng, cái bi có quẫy lên thì cũng chỉ làm cho cái hài, cái tự trào trương nở rộng hơn. Kí ức vụn đúng là một cách tự trào.
Khác với tự thán và tự mê, tự trào có một năng lực hướng ngoại rất lớn. Trong khi tự thán và tự mê, chủ yếu, như cách ngắm vuốt chính mình và đặt ở môi trường văn hóa thuần nông, nó gần gũi với tinh thần vị kỉ, tự kỉ. Tự trào, ngược lại, coi việc “quẳng mình” là một trách nhiệm và khi cái cười bật lên thì đám đông sẽ lĩnh hội mình, giải mã mình chứ ‘mình” không còn ở dạng thô sơ của sự thù tạc cá nhân. Tự trào, để xuất hiện, phải cần đến bản lĩnh vì lúc đó, quan niệm thẩm mĩ của anh ta, cái tạo nên tiếng cười, đôi khi chống lại xung quanh, thách thức một cái nhìn cũ. Nhưng nhờ vậy mà nó gây ấn tượng mạnh, được truyền tụng. Xin dẫn vài ví dụ: Thế kỉ XV, Nguyễn Trãi, ngoài những vần thơ tua gìn đạo trung hiếu mà bản thân quan phẩm – nhân phẩm của ông xứng đáng là tấm gương, cũng đã không quên tự trào khi viết về mình: “Tuổi cao tóc bạc, cái râu bạc/ Nhà dột đèn xanh, con mắt xanh”. Có người coi đó là cách nghĩ giản dị và mộc mạc của Nguyễn Trãi. Nếu quả vậy thì cũng phải thấy rằng, chính Nguyễn Trãi đã xa lánh lối dựng chân dung một nho sĩ đạo mạo để có được tiếng cười trẻ trung rất hiện đại. Sang thế kỉ XIX, Nguyễn Khuyến tự trào về mình, dù với tâm lí thất thế, là kẻ “giả điếc”: “Khi vườn sau khi sân trước khi điếu thuốc khi miếng trầu khi trà chuyên năm ba chén khi Kiều lẩy một đôi câu”. Mạnh mẽ và đi xa hơn Nguyễn Khuyến, Tú Xương công khai đẩy con người đời tư lên trước: Vị Xuyên có Tú Xương/ Dở dở lại ương ương/ Cao lâu thường ăn quịt/ Gái đĩ quen chơi lường. Cho dù 4 nét vẽ này là của Tú Xương hay của bạn văn dành cho ông thì cũng phải thấy, khả năng tự trào sắc sảo này đã làm một Tú Xương đời thường gần gũi với thói đời mà ông từng chửi “ăn ở bạc”. Điều quan trọng cần phân biệt ở đây là, Tú Xương chỉ có thể vi phạm đạo đức với tư cách con người xã hội nhưng trong nghệ thuật, ông xứng đáng được ngưỡng mộ vì đã tự tìm lấy lối đi riêng để dựng chân dung và tạo dấu ấn thẩm mĩ mới ở thể loại này. Cũng như vậy, ở Kí ức vụn, mỗi bạn văn đều được tác giả cận cảnh ở chi tiết đời tư một cách nhất quán, không hề có lối tạt/rẽ sang con người nghệ thuật theo kiểu phê bình đạo đức trá hình. Cho nên, tự trào, dù có gây đỗ vỡ những quan hệ xã hội thông thường, thì trước sau, nó vẫn cần phải hồn nhiên, tự nhiên trong tư thế xuất hiện. Có tư thế này còn có thể kể thêm lối tự trào của Bùi Giáng, của thơ đời Bùi Chí Vinh…
Kí ức vụn tự trào, gây cười về điều gì? Thì cũng như Tú Xương tổng kết: Một trà, một rượu, một đàn bà. Có chăng, ngoài ba cái lăng nhăng ấy, lác đác trong Bạn Văn còn thấy cái sự ‘lười tắm’; sự lắm chữ, yêu chữ, ngộ chữ; sự ứng xử nhân tình… Mỗi chân dung một sự lằng lằng, mỗi lằng nhằng một lẳng lặng nghe, mỗi lẳng lặng nghe, một đằng đẵng cười.
Để gây cười, ngoài hệ thống chi tiết được phục dựng đắc địa, tác giả còn hay sử dụng thủ pháp này: so sánh, liên tưởng theo lối khẳng định hoặc ở dạng hơn nhất. Chẳng hạn: “Trẻ con nước này quên ai thì quên, có ba người không thể quên, đó là Bác Hồ, Tô Hoài và Xuân Sách” (Nhớ Xuân Sách); “Mình nói xứ Nghệ có hai đặc sản quí hiếm gọi là kẹo Cu Đơ và thơ Minh Huệ” (Tuyết Nga); “Tôi nộp thuế cho vợ đầy đủ nhất Hội nhà văn nhé, có thua thì thua Đoàn Tử Huyến thôi chứ quyết không thua ai” (Trung Trung Đỉnh); “Hết phim, các em xinh đẹp xúm đen xúm đỏ xin chữ kí, bụng nghĩ nhà văn nước Nam mấy ai như mấy nghệ sĩ điện ảnh không, may lắm có Trần Đăng Khoa với Nguyễn Nhật Ánh”(Quốc Trọng)… Trong mỗi so sánh, do tính bất nhất, khác biệt giữa các đối tượng, nên nó không những gây cười mà còn ẩn giấu dư vị giễu. Dư vị này được làm ngấm thêm bằng gia vị cảm giác thông qua các lớp từ quen thuộc: hay điếc tai, kinh, thất kinh, sướng rêm người… Chúng như những đường vòng xuyến đuổi theo từng bức chân dung, người xem vừa muốn truy đuổi tận cùng vừa phải chờ đợi tín hiệu tiết chế từ phía tác giả.
Với sự hấp dẫn và độc đáo của mình, Kí ức vụn, ở thời điểm nó ra đời, đúng như Bảo Ninh chào đón “thật là điều quá mừng cho văn học”. Tuy nhiên, phải thấy, trường hợp Cát bụi chân ai (1992), Chân dung và đối thoại (1998), Yêu và sống (Lê Vân, trước đây cũng nhận được điều tương tự. Từ đó, đặt trong sinh hoạt văn học Việt Nam, có thể nhận ra một đặc điểm: khi những đổi mới và cách tân trong sáng tác đi vào hồi lắng và văn đàn luôn chịu trận bởi sự đòi hỏi khắt khe là phải có tác phẩm lớn (chí ít phải có tiểu thuyết lớn) thì gần như nó bị rúng động bởi sự xuất hiện của thể hồi kí/ tự truyện/ chân dung mà nó, mãnh lực tìm kiếm chủ yếu, là thoát ra khỏi sự tự ngưỡng mộ để trở nên tươi tắn trong dáng vẻ bụi bặm. Với một ý thức rõ ràng về việc nhập cuộc với đời sống văn học thì các nhà văn đột phá trong thể loại này sẽ đem lại một không khí mới cho văn đàn, làm giải nhiệt những đòi hỏi nóng bỏng từ phía những người chỉ dựa vào tiêu chí thành tựu, thoạt tiên rất chính đáng nhưng kì thực là vô lí và gây nên bất thường đối với sự phát triển bình thường của văn học. Nói khác đi, việc làm thụt giảm sự chú ý của văn đàn vào những thói quen cũ để mở ra chiều hướng có tính khả thi hơn trong thời điểm cụ thể, chính là sự hòa giải.
Hòa giải, cụ thể, ở mấy điểm. Một là, trong khi nền văn chương luôn chờ đợi một dự án văn chương lớn lao, có khả năng đại diện cho cả gương mặt thời đại thì độc giả, ngược lại, vẫn chờ đón và hi vọng vào những “tiểu văn chương” mà nó đáp ứng thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của mình. Bắt mạch đúng tâm lí tiếp nhận của độc giả là một ứng xử nghiêm túc và thông thái mà không phải người viết nào cũng làm được. Thứ hai, khi không đáp ứng được yêu cầu là thành tựu lớn với nghĩa là hoàn toàn độc sáng về bút pháp thì cung cách mà tác giả Kí ức vụn, nhờ những chiêu thức về ngôn ngữ, giọng điệu và chi tiết phi hư cấu, có thể coi là bước tiền phong nho nhỏ để tiến lên vũ đài văn chương với vị thế của kẻ tuyên ngôn, rằng, không thể cạn kiệt trong cách nhìn về một đối tượng. Và thứ ba, giới hạn của sinh hoạt văn chương sẽ được mở rộng do chỗ nó tôn trọng sự bình đẳng và dân chủ giữa các khuynh hướng thẩm mĩ khác nhau, từ đó, tiếng nói của sự “thương nhớ vỉa hè” như tác giả Kí ức vụn thú nhận, cũng sẽ tạo ra một vùng phủ sóng nhất định đến sự thu phát văn học nơi trung tâm.
Hòa giải, do vậy, đôi khi, là một điểm đáng khích lệ. Tuy nhiên, ít có sự bảo hiểm chắc chắn đối với một sự hòa giải như kiểu Kí ức vụn. Nói rộng hơn, số phận của Kí ức vụn, theo tôi, nhanh chóng trở thành những câu chuyện giai thoại, điều nằm ngoài chủ ý nghiêm túc của tác giả là chứng minh nó rất xác thực. Vì sao vậy? Vì dường như, trong tâm lí văn học nước ta, nỗi ám ảnh về đạo đức xã hội khiến những sự thật hay điều cấm kị khi được nói ra, đều dễ biến thành truyền miệng và giai thoại. Khi đã là giai thoại, cả người viết và người đọc đều an tâm vì nó, nếu không vô thưởng vô phạt, thì sẽ có dịp “mua vui”. Những câu chuyện đời của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Tú Xương hay Bùi Giáng… phần lớn đã được giai thoại hóa. Trong Kí ức vụn, đơn cử chân dung Trung Trung Đỉnh với chi tiết: “Một hôm còn thấy anh Đỉnh ngồi với một ông to lắm, ôm vai hót cổ, nói ông ông tôi tôi, say lên còn vọc chim ông ấy, cười khe khé, mình thấy mà thất kinh”, e rồi cũng thành giai thoại.
Mà, một sự xác tín trở thành giai thoại, thì phải chăng là cách tự trào?
Hết
Chương trước
Mục lục
Ký Ức Vụn
Nguyễn Quang Lập
Ký Ức Vụn - Nguyễn Quang Lập
https://isach.info/story.php?story=ky_uc_vun__nguyen_quang_lap