Nhím Thanh Lịch epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 12: Chị Em Gái
ơn mưa này...
Ở quê tôi, mùa đông, trời mưa. Tôi không có kỷ niệm về những ngày có ánh nắng mặt trời: chỉ có mưa, nỗi khổ vì bùn lầy và giá lạnh, không khí ẩm ướt ám vào quần áo, vào tóc chúng tôi, ngay cả khi ngồi bên bếp lửa cũng vẫn không thực sự hết ẩm. Từ đó, biết bao lần tôi đã nghĩ về buổi tối mưa này, biết bao nhiều hồi tưởng trong hơn bốn mươi năm về một sự kiện lại xuất hiện vào ngày hôm nay, dưới cơn mưa rào này?
Cơn mưa này...
Chị tôi được đặt tên theo tên của một chị gái đã mất từ khi mới lọt lòng, chị này lại đã lấy tên đó từ một người quá cố. Chị Lisette rất xinh xắn, và mặc dù còn là trẻ con, tôi đã biết điều đó, cho dù mắt tôi vẫn chưa hề biết xác định hình thức của cái đẹp, mà chỉ cảm thấy những đường nét chính. Vì ở nhà tôi, mọi người ít nói chuyện với nhau, nên điều này thậm chí chưa bao giờ được nói ra; nhưng hàng xóm thường xì xào bán tán, và mỗi khi chị tôi đi qua, người ta thường bình luận về sắc đẹp của chị ấy. "Xinh thế mà lại nghèo quá, số phận thật đen đủi," bà bán hàng tạp hóa trên đường đến trường chép miệng. Còn tôi, xấu xí và tàn tật cả đầu, bước đi nhẹ nhàng, mặc kệ những số phận đau khổ mà mỗi người đều gắng sức gán cho chị.
Năm mười sáu tuổi, chị ra thành phố trông con cho một nhà giàu. Suốt một năm trời chúng tôi không gặp chị nữa. Chị trở về đón Noel ở nhà với những món quà mới lạ (bánh mì tẩm gia vị, những dải duy băng màu sắc sặc sỡ, những túi nhỏ đựng hoa oải hương khô) và vẻ mặt của một bà hoàng. Liệu có thể có sắc mặt nào hồng hơn, sống động hơn, tuyệt vời hơn sắc mặt của chị? Lần đầu tiên có người kể chuyện cho chúng tôi nghe và chúng tôi dán mắt vào miệng chị ấy, hau háu muốn biết sự thức tỉnh thần bí mà những lời nói từ miệng chị đem lại, chị tôi, một cô gái nông thôn trở thành người giúp việc cho những người giàu có và kể về một thế giới xa lạ, màu mè, lấp lánh, nơi phụ nữ lái xe móc để làm thay công việc của đàn ông hay cho biết tin tức trên thế giới khi người ta ấn nút...
Khi nghĩ lại tất cả những chuyện đó, tôi biết được gia đình mình đã phải sống trong sự cùng kiệt. Chúng tôi chỉ sống cách thành phố khoảng năm mươi kilômet và cách một thị trấn lớn chỉ mười hai kilômét, nhưng chúng tôi sống như ở thời Trung cổ, không tiện nghi, không hy vọng, vẫn tin chắc rằng mình sẽ luôn là dân quê. Chắc là đến nay, ở một vùng nông thôn xa xôi nào đó, vẫn có một vài cụ già lạc hậu không biết đến cuộc sống hiện đại, nhưng chúng tôi là một gia đình còn trẻ và trong độ tuổi lao động, vậy mà khi chị Lisette miêu tả những con phố thành thị sáng rực trong dịp Noel, chúng tôi mới phát hiện ra rằng tồn tại một thế giới mà chúng tôi thậm chí chưa bao giờ nghĩ là có.
Chị Lisette lại ra đi. Trong vài ngày tiếp theo, cứ như theo một cỗ máy trì trệ, chúng tôi tiếp tục bàn tán một chút. Một vài buổi tối, trong khi ăn, bố tôi bình luận về những câu truyện của con gái mình. "Những câu truyện ấy khó tin quá, ôi chao buồn cười quá." Rồi yên lặng và những tiếng la mắng lại đổ lên đầu chúng tôi như bệnh dịch hạch đổ lên những kẻ bất hạnh.
Khi nghĩ tới chuyện đó... Cơn mưa này, những người đã mất... Chị Lisette mang tên của hai người đã chết; tôi chỉ mang tên của một người, đó là bà ngoại tôi, bà mất ít lâu trước khi tôi được sinh ra. Các anh tôi mang tên của những người anh họ đã hi sinh trong chiến tranh, còn mẹ tôi mang tên một người chị họ mẹ đã mất trong khi sinh nở mà mẹ chưa từng gặp mặt. Chúng tôi đang sống không chuyện trò trong vũ trụ của người chết, thì chị Lisette trở về từ thành phố vào một buổi tối tháng Mười một.
Tôi còn nhớ cơn mưa đó...tiếng nước đập xuống mái nhà, những con đường đầy nước, biển bùn đến tận cửa nhà, bầu trời đen kịt gió, cảm giác khó chịu ghê gớm vì sự ẩm ướt không biết bao giờ mới kết thúc đè nặng lên chúng tôi như cuộc sống của chính chúng tôi: không ý thức không phản kháng. Chúng tôi đang ngồi sát bên nhau cạnh bếp lửa thì mẹ tôi bỗng đột ngột đứng lên, làm tất cả bị xô nghiêng; quá bất ngờ, chúng tôi nhìn bà đi về phía cửa, và do bị một xung năng bí ẩn nào đó thôi thúc, bà mở tung cửa.
Cơn mưa ấy, ôi, cơn mưa ấy...Trong khuôn cửa, một người đứng bất động, tóc dính chặt vào mặt, váy áo ướt súng, giày ngập bùn, mắt nhìn đăm đăm, đó là chị Lisette. Làm thế nào mẹ tôi lại biết được? Làm thế nào mà người đàn bà, vì không muốn đối xử tệ với chúng tôi, chưa bao giờ để lộ tình yêu đối với các con, cho dù bằng cử chỉ hay lời nói, làm thế nào mà người đàn bà thôi kệch đã sinh con ra đời bằng cái giống như khi đất thay cho gà ăn, làm thế nào mà người đà bà mù chữ ngu dốt đến mức thậm chí chưa bao giờ gọi chúng tôi bằng cái tên mà bà đã đặt cho và tôi không biết bà có luôn nhớ không, lại không còn cử động được nữa, không nói được nữa và chỉ nhìn chăm chăm vào cánh cửa dưới trời mưa như trút mà không nghĩ đến chuyện gõ cửa, đang đứng chờ ai đó mở cửa cho và đưa vào nơi ấm áp?
Liệu đó có phải là tình mẫu tử, trực giác trong tai họa, tia sáng đồng cảm vẫn còn tồn tại ngay cả khi con người chỉ còn sống như con vật? Đó chính là điều Lucien đã nói với tôi: một người mẹ yêu thương con luôn luôn biết khi nào chúng gặp khó khăn. Về phần tôi, tôi không ngả về cách diễn giải này. Tôi không oán hận người mẹ cũng giống nhiều người mẹ khác ấy. Đói nghèo là một chiếc lưỡi hái: nó gặt trong chúng tôi tất cả những gì chúng tôi có khả năng và đem lại cho người khác, để lại chúng tôi trống rỗng, sạch, sạch trơn tình cảm, để có thể chịu đựng được tất cả sự đen tối của hiện tại. Nhưng tôi cũng không có niềm tin quá tươi đẹp; không hề có tình mẫu tử trong trực giác đó của mẹ tôi, mà chỉ là những hành động xuất phát từ sự tin chắc vào bất hạnh. Đó là một dạng ý thức bẩm sinh mà cội rễ đã ăn sâu vào nơi sâu thẳm nhất của trái tim, khiến người ta nhớ rằng với những người cùng khổ như chúng tôi, sẽ đến một buổi tối mưa to, một đứa con gái bị ô nhục sẽ trở về chết ở nhà.
Chị Lisette sống thêm khoảng thời gian đủ để sinh ra một đứa trẻ. Đúng như người ta mong đợi: đứa trẻ mất ba giờ sau khi được sinh ra. Bố mẹ tôi coi thảm cảnh này là chuyện rất tự nhiên, vì thế họ chẳng động lòng hơn - cũng không kém - như khi mất một con dê. Nhưng từ thảm cảnh này, tôi nghiệm thấy hai điều chắc chắn: kẻ mạnh thì sống, kẻ yếu thì chết, trong những hoàn cảnh sung sướng và đau khổ tỉ lệ với vị thế thứ bậc của mình, và mình và bần cùng, chắc chắn tôi sẽ phải chịu hình phạt tương tự nếu tôi hy vọng kiếm lợi từ trí óc, bất chấp giai cấp của mình. Cuối cùng, vì tôi cũng không thể là thực chất của bản thân, tôi thấy mình phải đeo con đường bí mật: tôi phải im lặng về bản chất của mình và không bao giờ xen vào thế giới khác.
Từ im lặng, tôi trở thành sống trong bí mật.
Rồi đột nhiên tôi nhận ra rằng mình đang ngồi trong bếp của chính mình một nơi ẩn náu vô hình và tôi đã học được cách không bao giờ xen vào thế giới đó, rằng mình đang khóc, nước mắt giàn giụa, trong khi một bé gái có cái nhìn vô cùng ấm áp đang cầm tay tôi, vuốt nhẹ các đốt ngón tay và tôi cũng nhận ra rằng tôi đã nói hết, kể hết mọi chuyện: chị Lisette, mẹ tôi, cơn mưa, sắc đẹp bị xúc phạm và cuối cùng là bàn tay sắt của số phận đã đem lại cho những đứa trẻ chết ngay khi mới được sinh ra những người mẹ chết vì muốn được tái sinh. Tôi khóc, những dòng nước mắt nóng bỏng lăn dài, tôi ngượng ngùng nhưng không hiểu sao rất sung sướng vì ánh mắt buồn bã và nặng nề của Paloma đã biến thành cái giếng ấm áp, nơi tôi hâm nóng những tiếng thổn thức của mình.
- Trời ơi, - tôi nói và lấy lại một chút bình tĩnh - trời ơi Paloma cô thật ngớ ngẩn quá!
- Cô Michel, - con bé đáp, - cô biết đấy, cô đã đem lại cho cháu hy vọng.
- Hy vọng ư? - tôi hỏi và sụt sịt mũi vì xúc động.
- Vâng, - con bé nói, - dường như số phận cũng có thể thay đổi được.
Và chúng tôi cứ nắm tay nhau như vậy mà không nói gì trong mấy phút liền. Tôi đã trở thành bạn của một tâm sự hồn đẹp mới hai tuổi mà tôi cảm thấy rất biết ơn, sự khác biệt về tuổi tác, thân phận và hoàn cảnh không thể làm hoen ố cảm xúc của tôi. Khi Solange Josse đến chỗ tôi để đón con gái, cả hai cô cháu tôi nhìn nhau với sự đồng cảm của những người bạn không thể tách rời, chúng tôi nói lời chào tạm biệt và tin chắc sẽ nhanh chóng gặp lại nhau. Đóng cửa lại, tôi ngồi xuống chiếc ghế bành trước tivi, đặt tay lên ngực và bất giác nói thật to: có lẽ như thế chính là sống.
SUY NGHĨ SÂU SỐ 15
Nếu bạn muốn chữa trị cho mình
Hãy chữa cho
Những người khác
Và cười hay khóc
Trước đổi thay kỳ diệu này của số phận
Các bạn có biết gì không? Tôi tự hỏi liệu mình có bỏ lỡ gì không. Hơi giống như ai đó hay giao du với kẻ xấu và phát hiện ra con đường khác sau khi được gặp được một người tốt. Những kẻ xấu mà tôi thường giao du là mẹ tôi, chị Colombe, bố tôi và cả nhóm bạn bè của họ. Nhưng hôm nay, tôi đã nghe chấn thương tinh thần của bà ấy: bà ấy chạy trốn ông Kakuro vì bị sang chấn tâm lý sau cái chết của bà Lisette, chị gái của bà ấy, vì bị con trai một gia đình giàu có quyến rũ rồi bỏ rơi. Từ đó, không thân thiết với người giàu để không phải chết như thế là cách sống của bà ấy.
Khi nghe bà Michel kể chuyện, tôi tự hỏi: điều gì gây đau đớn nhất? Người chị gái chết vì bị bỏ rơi hay những tác động thưởng trực của sự kiện này: nỗi sợ phải chết nếu không chịu giữ nguyên vị trí xã hội của mình? Cái chết của người chị gái bà Michel có thể vượt qua được cảnh trừng phạt chính mình không?
Và nhất là tôi lại cảm thấy một điều khác, một cảm giác lạ mà khi viết ra nó, tôi xúc động sâu sắc đến nỗi phải buông bút hai phút để khóc. Đây là điều mà tôi cảm thấy: khi nghe bà Michel kể và nhìn bà ấy khóc, nhất là khi cảm thấy bà ấy nhẹ nhõm thế nào khi nói ra được chuyện đó với tôi, tôi đã hiểu vấn đề: tôi hiểu rằng tôi đau khổ vì không thể làm những gì tốt đẹp cho những người xung quanh. Tôi hiểu rằng tôi ghét bố tôi, mẹ tôi và nhất là chị Colombe vì tôi không thể có ích gì cho họ, bởi vì tôi không thể làm gì giúp họ. Họ bị ốm nặng còn tôi lại quá yếu. Tôi thấy rõ triệu của họ, nhưng tôi không đủ khả năng chữa bệnh cho họ, và bỗng nhiên điều đó làm tôi cũng phát ốm giống như họ, nhưng tôi lại không nhận ra. Thế mà khi cầm tay bà Michel, tôi cảm thấy rằng tôi cũng bị ốm. Dù sao đi nữa, điều chắc chắn là tôi không thể chữa trị bằng cách trừng phạt những người mà tôi không thể chữa khỏi bệnh. Có lẽ tôi cần nghĩ lại về chuyện đốt nhà và tự tử. Vả lại, tôi phải thừa nhận: tôi không còn muốn chết đến thế nữa, tôi muốn gặp lại bà Michel, ông Karuko, cả Yoko, đứa cháu gái vô cùng nghịch ngợm của ông ấy nữa, và nhờ họ giúp đỡ. Ôi tất nhiên rồi, tôi sẽ không đến và nói: please, help me 1, tôi là một cô bé muốn tự tử. Nhưng tôi mong muốn để cho người khác làm điều tốt với mình: dù sao tôi cũng chỉ là một cô bé rất bất hạnh, và ngay cả khi tôi quá thông minh, điều đó cũng không làm thay đổi gì trên thực tế, đúng không? Một cô bé bất hạnh mà vào thời điểm tồi tệ nhất, có may mắn gặp được những người tốt. Liệu về mặt đạo đức, tôi có quyền bỏ qua dịp này không?
Ôi, tôi chẳng biết làm gì cả. Chung quy lại, câu chuyện này là một thảm kịch. Còn nhiều người có dũng khí, hãy vui lên! Tôi đã từng muốn nói với mình như thế, nhưng cuối cùng, thật đáng buồn! Họ chết dưới mưa! Tôi không còn biết nghĩ gì nữa. Trong một khoảnh khắc, tôi tưởng đã tìm thấy thiên đường của mình; tôi tưởng đã hiểu rằng, để chữa trị cho những người khác, những người "có thể chữa trị được" khác, những người có thể được cứu sống, thay vì buồn rầu vì không thể cứu những người khac. Thế thì sao, tôi phải trở thành thầy thuốc ư? Hay nhà văn? Cũng tương tự nhau, đúng không?
Và rồi để có một bà Michel, còn có biết bao nhiêu chị Colombe bao nhiêu anh chàng đáng buồn như anh Tibère?
Chú thích
1.Pierre de Rosard (1524 - 1585): một nhà thơ Pháp thời Phục Hưng, ông được coi là ông tổ của thơ trữ tình Pháp
Nhím Thanh Lịch Nhím Thanh Lịch - Muriel Barbery Nhím Thanh Lịch