Núi Thần epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Lübeck, Một Phong Cách Sống Tinh Thần
ã gần một trăm năm trôi qua kể từ ngày Núi thần ra mắt bạn đọc lần đầu. Nhưng dù cho bối cảnh lịch sử đổi thay, phương tiện khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bậc, về mặt tâm linh tuổi trẻ thời nay vẫn không khác một trăm năm trước là bao, vẫn băn khoăn tìm tòi lối đi trong cuộc sống. Tôi phải làm gì để khỏi uổng phí thời gian có mặt trên thế gian này? Ý nghĩa của cuộc đời ở đâu? Văn học nghệ thuật không trả lời câu hỏi ấy cho các bạn. Bàn về Núi thần với nhà cách mạng Áo Ernst Fischer, tác giả Thomas Mann đã bày tỏ quan điểm của mình rằng “một nghệ sĩ không bắt buộc phải hiểu biết thật nhiều hoặc giải đáp được mọi thắc mắc, người nghệ sĩ không gánh trách nhiệm của người thầy, người lãnh tụ”. Người nghệ sĩ chỉ có thể dùng nghệ thuật để giãi bày tâm sự và kinh nghiệm sống của bản thân. Mong các bạn trẻ không ngừng học hỏi để tự vạch ra con đường có ý nghĩa cho cuộc đời mình.
Sau đây là một trích đoạn trong bài nói chuyện Lübeck, một phong cách sống tinh thần của Thomas Mann, đọc ngày 5 tháng 6 năm 1926 nhân dịp kỷ niệm 700 năm thành lập thương cảng Lübeck, thành phố quê hương ông.
“... Thưa các quý bà quý ông, xin quý vị cho phép tôi được trình bày đôi lời về một cuốn sách khác gắn liền với chủ đề này, tôi muốn nói đến Núi thần, cuốn sách mới ra của tôi, để giúp tôi thâu tóm tư duy hình thành đoạn kết cho bài nói chuyện nho nhỏ này.
Người hùng của câu chuyện, nếu có thể gọi nhân vật chính như vậy, anh thanh niên Hans Castorp, người đã bị sự màu nhiệm của ngọn núi hớp hồn và trong bối cảnh chật hẹp ấy đã diễn ra một câu chuyện dài khủng khiếp, là một chàng trai trẻ thật thà chất phác, và điều này cũng luôn được nhấn mạnh khi phác họa cá tính anh ta. Nhưng dù có mộc mạc đến thế nào, trong con người anh ta vẫn tiềm ẩn một phẩm chất mà tôi muốn gọi là: cái chất thành phố thương cảng - vì lần này để đỡ nhàm tôi cho anh ta xuất thân từ Hamburg - đó là phẩm chất đặc trưng trong cá tính người dân một thành phố được hưởng ưu đãi của sự tự do thông thương, theo tôi không còn thể hiện ra qua hành động ngang tàng trên biển, không tung hoành như cha ông anh ta thuở trước, mà đã khác đi, trầm lặng và trí tuệ hơn, đã trở thành khát vọng phiêu lưu tinh thần và tư tưởng, đưa chàng trai bình dị lên tầm vóc vũ trụ siêu hình và biến anh ta thành nhân vật chính trong một câu chuyện kỳ dị và đầy mai mỉa, lặp lại một cách hài hước dưới hình thức mới số phận của bác cả Wilhelm trong tiểu thuyết triết lý cùng tên của Goethe, sản phẩm của thời đại mà người thị dân tiểu tư sản đóng vai trò chính trong xã hội Đức. Có một lần, trong một tình huống hiểm nghèo, chàng lãng tử ngây thơ thậm chí dám đương đầu với sức mạnh nguyên sơ ghê gớm nhất, với thiên nhiên, tôi nhắc đến điều này vì chính trong hoàn cảnh ấy thể hiện đặc biệt rõ tư tưởng của anh ta - của anh ta và của tác giả. Không có gì tiêu biểu cho nhân sinh quan của chúng ta hơn là mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên, nói đúng hơn, vì bản thân con người cũng là một phần của thiên nhiên, là mối quan hệ của chúng ta với phần thiên nhiên không kể loài người. Cũng phải thừa nhận rằng chương này chứa đựng nhiều miêu tả về phong cảnh, với mùi đất đai, cánh đồng và nội cỏ và khu rừng, những điều rất ít khi xuất hiện trong các tác phẩm của người đồng hương của quý vị: trong đó chủ yếu là những gì diễn ra giữa con người và những gì thuộc về con người, tất cả sự quan tâm chú ý đều tập trung vào đối tượng ấy, mọi ánh mắt dồn cả vào đó khiến cho phong cảnh bị lu mờ đi. Nhưng nếu có lần phong cảnh được nổi lên, được miêu tả kỹ lưỡng, thì nó sẽ hiển hiện dưới hình thức nguyên sơ và ấn tượng nhất, như biển cả mênh mông không bờ bến và như núi non hùng vĩ phủ đầy tuyết trắng - như chàng trai Hans Castorp xuất thân dưới biển và trải qua câu chuyện này trên núi - tóm lại là dưới dạng mà bên cạnh cảm giác bàng hoàng kính cẩn nó gợi ra nơi người trần mắt thịt luôn luôn hàm chứa một sự thiếu cân xứng, điều đó dẫn đến độ sâu của trải nghiệm chứ không dẫn đến sự gắn bó, không trở nên thân thuộc, vì thân thiết là điều tuyệt đối bị loại trừ ở đây. Biển cả không phải là phong cảnh, đó là sự trải nghiệm tính vĩnh hằng, hư vô và cái chết, một giấc mơ siêu hình; và với bầu không khí loãng nhẹ vùng băng hà vĩnh cửu cũng thế. Biển cả và núi non không giống như làng mạc, đó là những gì nguyên thủy theo cái nghĩa tối hậu và phóng khoáng nhất, những điều kỳ diệu không thuộc về con người, và có vẻ như người nghệ sĩ, con người thành thị văn minh, lịch lãm, trưởng giả ấy, khi nghĩ tới thiên nhiên thường bỏ qua phong cảnh làng mạc mà hướng ngay tới cái nguyên thủy sơ khai, vì chỉ có cái ấy theo quan niệm về thiên nhiên của con người mới đủ sức thể hiện và bộc lộ rõ ràng cảm xúc của họ với thiên nhiên như phải thế: đó là nỗi khiếp sợ, là xa lạ, là cuộc phiêu lưu dữ dội ngoài khả năng chịu đựng của anh ta. Quý vị cứ nhìn chàng Hans Castorp nhỏ nhoi, xem anh ta mặc quần ống túm nhún nhảy trên đôi ván trượt tuyết sang trọng lao vào cái yên tĩnh hoang sơ, nguy hiểm và đầy đe dọa, thậm chí không cần tỏ ra thù địch, chỉ thản nhiên một cách cao ngạo vô hạn độ! Anh ta tiếp nhận điều đó, như vẫn ngây thơ tiếp nhận mọi vấn đề tư tưởng mà số phận đẩy anh ta trôi dạt vào, nhưng điều gì nảy sinh trong trái tim chàng trai trẻ này? Không phải thứ “giác quan tự nhiên” làm cho ta có cảm giác thân thuộc. Không, đó là kinh sợ, là kính phục, một nỗi ngại ngùng thần bí, một sự khủng khiếp hữu hình-siêu hình - và còn hơn thế nữa: đó là sự mỉa mai, trào phúng trước sự dại khờ không bờ bến, một cái nhún vai nhạo báng những sức mạnh khổng lồ có thể mù quáng giáng xuống nghiền nát thể xác anh ta, trong khi tư tưởng anh ta vẫn ngoan cường đưa cái sức mạnh nhỏ nhoi của con người ra mà chống chọi. Ai kể về tất cả những điều đó, thưa các quý bà quý ông, là người kể về phong cách sống thị dân tiểu tư sản - theo một nghĩa chung - và kể về lối sống tinh thần Lübeck vậy.
Tôi viết tiểu thuyết Núi thần cũng không khác gì viết về Gia đình Buddenbrook. Cũng như hồi đó, những thai nghén ban đầu của tôi rất khiêm nhường. Tôi dự kiến một cốt truyện lố bịch, trong đó sức mê hoặc của cái chết, chủ đề chính trong câu chuyện ở Venice, được cường điệu đến mức hài hước: tức là một đối cực hài của Chết ở Venice. Nhưng rồi cuốn sách cứ dày cộp lên dưới ngòi bút của tôi, phải chia ra thành hai tập giống như Gia đình Buddenbrook trước kia; trong thời gian chiến tranh nó tạm ngủ đông, sau đó bừng tỉnh và tiếp tục tuôn trào, có khả năng tiếp nhận như một miếng bọt xốp hút nước, chắt lọc và lắng đọng từ tất cả những sự kiện của thời đại nó và trên thực tế đã trở thành đối trọng văn học của Gia đình Buddenbrook, là sự lặp lại của cuốn sách này ở một cung bậc khác của cuộc sống, nơi tác giả có sự cộng hưởng với cả dân tộc mình. Nhưng đối trọng và lặp lại ở mức độ nào? Ở mức độ trong cuốn sách lố bịch và đôi khi thực sự kinh khủng, thực sự đáng ngại này, cuốn sách để cho một tâm hồn trẻ trung bị lôi cuốn tới gần vực sâu tư tưởng và đạo đức, lại chính là một cuốn sách rất dân tộc, phản ảnh cuộc sống thị dân, nói một cách hình tượng: đó là phong cách sống Lübeck. Không phải vì nhân vật chính là một đứa con của thành phố cảng - điều này được nói công khai ngay từ đầu như tôi đã nhắc tới ở trên. Không, nhưng vậy thì tư tưởng nào đã đến với cậu “học sinh cá biệt của trường đời”, người bị đặt giữa những biện pháp sư phạm cực đoan và bị đẩy vào những thử thách chết người, trong cơn mơ băng giá đã bừng lên ánh sáng giác ngộ và đã sung sướng lĩnh hội điều đó bằng cả tâm hồn mình, như là chân lý của cuộc đời và của nhân loại? Đó là tư tưởng trung dung. Đó là một tư tưởng Đức. Đó là tư tưởng Đức, vì chẳng phải nước Đức đại diện cho cái trung dung, trung hòa và trung gian giữa các luồng tư tưởng, chẳng phải người Đức là con người mực thước với phong cách sống riêng đó hay sao? Chính thế, ai nói đến chất Đức là nói đến tính trung dung, và nói đến trung dung là nói đến tầng lớp trung lưu, và người ta nói đến điều đó, tôi muốn đề xuất và khẳng định điều này, cũng là nói đến một điều bất hủ như nói về dân tộc Đức...”
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần