Ngày Đầu Tiên epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Bắc Kinh
húng tôi đến nơi vào đầu giờ chiều trong tình trạng kiệt sức, phần vì chuyến bay dài phần vì chênh lệch múi giờ. Các thủ tục hải quan diễn ra không gặp trở ngại gì đáng kể, một đợt kiểm tra qua loa thường gặp, các nhân viên sân bay ở đây cũng nhã nhặn dễ chịu hơn ở nơi xuất phát. Thông qua môi giới của hãng lữ hành, tôi đã đặt trước một chiếc xe hai cầu sản xuất tại Trung Quốc. Hợp đồng đã được lập sẵn với tên chúng tôi tại quầy thuê đặt tại sảnh sân bay và một chiếc xe mới toanh đang đợi chúng tôi ngoài bãi đậu.
May thay, chiếc xe thuê này lại được gắn thiết bị định vị; vì tìm đường hay định hướng ở Trung Quốc không phải chuyện dễ dàng, người phương Tây không thể đọc được tên các đại lộ. Tôi nhập địa chỉ khách sạn nơi đã đặt phòng trước, và tôi chỉ còn phải đi theo mũi tên nhỏ xíu sẽ dẫn tôi về phía trung tâm thành phố.
Đường xá đông nghẹt xe cộ. Vòng ngoài Tử Cấm thành đột nhiên xuất hiện phía bên tay phải chúng tôi. Xa chút nữa bên tay trái hiện lên sừng sững đài tưởng niệm Người chỉ đường cho dân tộc, xa hơn nữa, quảng trường Thiên An Môn gợi lên những ký ức đau thương. Chúng tôi vừa đi qua mái vòm của Nhà hát Trung ương có kiến trúc hiện đại nổi bật trên khung cảnh đô thị.
- Anh mệt à? Keira hỏi.
- Không mệt lắm.
- Hay là chúng ta lái thẳng tới Tây An?
Tôi hiểu nỗi sốt ruột của cô ấy, nhưng từ đây tới đích còn cả nghìn cây số, một đêm nghỉ lại Bắc Kinh sẽ khiến chúng tôi khỏe khoắn hơn.
Không thể đến gần Tử Cấm thành như thế rồi lại không vào tham quan bên trọng. Chúng tôi ghé qua khách sạn trong chốc lát để thay quần áo. Từ phòng khách sạn, tôi nghe thấy tiếng nước chảy trong phòng tắm, nơi Keira đang tắm và tiếng nước chảy róc rách này khiến tôi chợt cảm thấy hạnh phúc, xóa đi những lo toan đã suýt buộc tôi từ chối bước vào chuyến phiêu lưu này cùng cô ấy.
- Anh có đó không? Cô ấy hỏi vọng ra từ phía bên kia.
- Anh đây, có chuyện gì vậy?
- Chẳng có chuyện gì đâu...
Tôi đã sợ chúng tôi sẽ lạc trong mớ bòng bong những đường phố giống nhau như đúc. Taxi tả chúng tôi xuống công viên Cảnh Sơn.
Tôi chưa từng nhìn thấy một vườn hồng nào diễm lệ đến thế. Phía trước chúng tôi là cây cầu bằng đá bắc qua một hồ nước nhỏ. Như hàng trăm du khách tham quan mỗi ngày, chúng tôi băng qua cây cầu đó, như hàng trăm du khách khác, chúng tôi dạo bước trên những lối đi của công viên. Keira khoác tay tôi.
- Ở đây em thấy hạnh phúc, cô ấy nói.
Giá như có thể khiến thời gian ngưng đọng, tôi sẽ khiến thời gian ngưng đọng chính tại giây phút này. Giá như có thể quay trở về quá khứ, tôi cũng sẽ quay lại chính nơi đây, trước một nhành hồng trắng, trên một lối đi của công viên Cảnh Sơn.
Chúng tôi vào thành qua cửa phía Bắc. Tôi cần phải viết kín cả trăm trang giấy mới có thể tả hết vẻ đẹp bày ra trước mắt chúng tôi lúc đó; những thành quách cổ kính, nơi biết bao triều đại kế tục nhau, khu vườn thượng uyển nơi xưa kia các cung tần mỹ nữ dạo chơi, Vạn Xuân đình, những mái điện màu đỏ nhấp nhô trên đó dường như có vài con rồng bằng vàng đang vùng vẫy, những con hạc bằng đồng in trên nền trời, ngưng đọng trong sự trường tồn vĩnh cửu, những bậc thang bằng đá hoa cương được đẽo tạc như đăng ten. Ngồi trên băng ghế gần một gốc cây đại thụ, cặp vợ chồng già người Trung Quốc bật cười ha hả, vì lẽ gì chúng tôi không biết; chúng tôi không hiểu lời nào trong câu chuyện của họ, càng không hiểu điều gì khiến họ cười sảng khoái đến vậy, chỉ có ánh mắt họ nhìn nhau cho phép đoán biết mối đồng cảm đang gắn kết hai người với nhau.
Tôi muốn tin rằng ngày nay vẫn vậy, họ vẫn quay lại giữa Tử Cấm thành, ngồi trên băng ghế đá và cùng nhau vui đùa.
Lần này thì cơn mệt mỏi đã giành phần thắng. Keira không thể đứng vững nữa và tôi cũng chẳng khá hơn. Chúng tôi quay về khách sạn.
° ° °
Chúng tôi không biết đã thiếp đi bao nhiêu tiếng đồng hồ. Kết thúc bữa sáng vội vàng rồi chúng tôi rời Bắc Kinh. Một chặng đường dài đang chờ phía trước và tôi không nghĩ đi một mạch là có thể tới nơi nội trong ngày.
Thôn quê nối tiếp thành thị, đồng bằng như trải dài bất tận và dãy núi thấp thoáng phía chân trời dường như không bao giờ gần lại. Ba trăm cây số đã ở phía sau, thỉnh thoảng chúng tôi lại xuyên qua vài thành phố công nghiệp bị đẩy ra những nơi đồng không mông quạnh, chúng giúp xóa đi nét đơn điệu của địa hình. Chúng tôi dừng chân lại Thạch Gia Trang để đổ đầy bình xăng. Tại trạm phục vụ xe, Keira quyết định mua một chiếc sandwich, có phần lấy cảm hứng từ món hot dog, ngoại trừ việc không thể xác định loại xúc xích kẹp bên trong. Tôi từ chối nếm thử, Keira nuốt vài miếng với vẻ khoái trá tôi ngờ là hơi cường điệu. Năm mươi cây số tiếp theo, mặt nữ hành khách của tôi biến sắc, tôi phanh gấp xe lại bên vệ đường. Người cúi gập, Keira lao vội đến đằng sau một bờ dốc; mười phút sau cô ấy leo lên xe và cấm tôi được bình luận bất cứ điều gì.
Để chống chọi cơn buồn nôn - mà tôi đã hứa sẽ không hé lời nào về nguyên do - cô ấy cầm lái. Khi tới Dương Tuyền, chúng tôi đang ở kilômét 400, Keira nhận ra trên đỉnh đồi có một thôn làng nhỏ xây bằng đá mà cô ấy cho là bị bỏ hoang. Cô ấy xin tôi hãy rời khỏi đường cái và lái xe theo con đường đất dẫn lên đó. Tôi đã đi đủ đường nhựa và vừa đúng lúc để bốn bánh xe gắn động cơ của chiếc xe chúng tôi đang lái dùng được vào việc gì đó.
Một con đường đầy ổ gà dẫn chúng tôi tới lối vào của thôn. Keira có lý, không còn ai sinh sống ở đây, phần lớn nhà cửa đều đổ nát, ngay cả khi một vài căn vẫn giữ được phần mái. Bầu không khí tang tóc của nơi này không mời người ta đến thăm, nhưng Keira đã luồn lách xuyên qua những đường hẻm cũ kỹ, và tôi không còn lựa chọn nào khác là đi theo cô ấy vào khu làng ma. Giữa nơi xưa kia là quảng trường chính có một máng nước dành cho gia súc và một căn nhà bằng gỗ, dường như đã chống chọi kiên cường hơn trước sự tấn công của thời gian. Keira ngồi xuống bậc tam cấp.
- Cái gì thế? Tôi hỏi.
- Một ngôi đền thờ Khổng Tử cổ xưa. Trong xã hội Trung Quốc xưa kia có rất đông môn đồ của Khổng Tử, đạo lý của Người đã dẫn dắt nhiều thế hệ.
- Ta vào chứ? Tôi đề nghị.
Keira đứng dậy và tiến tới cửa ra vào. Cô ấy chỉ cần đẩy nhẹ là cánh cửa mở ra.
- Ta vào thôi! Cô ấy đáp.
Bên trong trống trơn, một vài viên đá nằm giữa đám cỏ dại dưới mặt đất.
- Đã xảy ra chuyện gì để tới nỗi ngôi làng không còn người ở thế nhỉ?
- Nguồn nước cạn kiệt hoặc một bệnh dịch nào đó đã khiến dân làng chết hàng loạt, em cũng không rõ nữa. Nơi này hẳn phải có ít nhất là nghìn năm tuổi, thật tiếc khi bỏ lại nó trong tình trạng thế này.
Keira chú ý đến một vuông đất nhỏ ở cuối đền thờ. Cô ấy quỳ gối và bắt đầu dùng tay bới từng tí một. Tay phải cô ấy cẩn trọng nhấc những viên cuội lên, tay trái gạt chúng sang bên. Giá như tôi có thể đọc thuộc lòng tất cả các lời dạy của Khổng Tử theo trình tự thời gian, chắc cô ấy cũng chả buồn quan tâm.
- Anh có thể biết em đang làm gì không?
- Có lẽ vài phút nữa anh sẽ biết.
Và bỗng nhiên, giữa khoảnh đất cô ấy đang lật xới hiện ra đường cong của một chiếc cốc bằng đồng. Keira đổi vị trí, ngồi xếp hàng, cô ấy mất gần một tiếng để gỡ bỏ lớp bùn khô bám quanh. Thế rồi, như có phép màu, cô ấy nhấc chiếc cốc lên đưa cho tôi.
- Đây, cô ấy vui vẻ nói.
Tôi sửng sốt, không chỉ vì vẻ đẹp lồ lộ của đồ vật vẫn còn lấm đất, mà còn vì sự thần diệu đã đưa được nó ra khỏi lãng quên.
- Em làm thế nào vậy, sao em biết nó nằm ở đó?
- Em có năng khiếu đặc biệt để tỉm anh những cây kim lẫn trong bó rơm mà, cô ấy vừa nói vừa đứng dậy, ngay ả khi bó rơm nằm ở Trung Quốc cũng vậy thôi, chuyện này hẳn sẽ giúp anh yên tâm chứ, phải không nào?
Tôi phải van nài hồi lâu cô ấy mới chịu tiết lộ bí quyết riêng. Tại nơi Keira vừa đào bới, cỏ mọc thấp hơn, rêu mọc thưa thớt, và ít xanh hơn những nơi khác.
- Ta thường gặp hiện tượng này khi một vật được chôn xuống đất, cô ấy tiết lộ.
Keira phủi bụi chiếc cốc.
- Nó khá cổ đấy, cô ấy nói rồi nhẹ nhàng đặt chiếc cốc lên một phiến đá.
- Em để nó lại đây sao?
- Nó không thuộc về chúng ta, đó là lịch sử của người dân làng này được viết tên ở đây. Ai đó sẽ tìm ra nó và sẽ làm điều gì tốt đẹp với nó, đi thôi, chúng ta có những đống rơm khác phải lục tìm!
Đến Linh Phần, cảnh vật thay đổi; Linh Phần là một trong mười thành phố ô nhiễm nhất thế giới và bầu trời bỗng chuyển sang màu hổ phách, bầu trời tối sầm bởi một đám mây ghê rợn và độc hại. Tôi nhớ lại những đêm trời sáng trong trên cao nguyên Atacama, lẽ nào hai nơi này đều thuộc về cùng một hành tinh? Cơn điên nào đã xâm chiếm loài người để họ phá hủy môi trường sống của mình đến mức này? Bầu khí quyển của Atacama hay của Linh Phần sẽ thắng thế trong tương lai? Chúng tôi đóng cửa kính xe lại, Keira cứ năm phút lại ho một lần và con đường phía trước hiện ra mờ mịt vì mắt tôi đang cay buốt.
- Mùi ghê quá, Keira phàn nàn, lại ho rũ rượi thêm một tràng.
Cô ấy quay xuống ghế sau, lục tìm trong túi một bộ đồ bằng vải bông để chúng tôi dùng tạm làm khẩu trang. Cô ấy thốt kêu một tiếng nhỏ.
- Gì thế? Tôi hỏi.
- Không có gì, em bị vật gì đó trong lớp lót túi đâm phải. Chắc là một cây kim hay khuy móc gì đó.
- Em bị chảy máu à?
- Một chút thôi, cô ấy vẫn loay hoay lục trong túi.
Tôi đang lái xe và tầm nhìn quá hạn chế nên tôi buộc phải giữ cả hai tay trên vô lăng.
- Nhìn trong hộc đựng găng xem, có một túi y tế đấy, em sẽ tìm thấy bông băng.
Keira mở hộc, lấy ra một túi sơ cứu và một cây kéo nhỏ.
- Em bị thương thật à?
- Không, em không sao mà, nhưng em muốn biết thứ quái quỷ gì đâm vào em. Em đã mua cái túi này khá đắt mà!
Giờ thì cô ấy lại mải miết tập thể dục với việc lục lọi trong hành lý riêng.
- Anh có thể biết em đang làm gì được không? Tôi hỏi sau khi nhận được một cú thúc đầu gối vào mạng sườn.
- Em rạch.
- Em rạch cái gì cơ?
- Cái lớp lót rác rưởi này, anh đừng hỏi nữa và lo lái xe đi.
Tôi nghe thấy Keira lẩm bẩm:
- Nhưng thứ này là cái quái gì vậy?
Cô ấy phải khoa chân múa tay tứ tung mới ngồi lại được vào chỗ cũ. Khi ổn định chỗ ngồi rồi, cô ấy giơ lên một cái ghim cài nhỏ bằng kim loại với vẻ đắc thắng.
- Đây là một cây kim ra trò đấy, cô ấy hỏi.
Vật này giống với một cây ghim cài áo thông thường đến ngỡ ngàng, một dạng cây thông, chỉ trừ có điều vật này màu xám xỉn và không chạm khắc gì cả.
Keira đưa lại gần để quan sát và tôi thấy mặt cô ấy tái nhợt.
- Có chuyện gì thế?
- Không có gì, cô ấy đáp, trong khi vẻ mặt cô ấy cho thấy điều ngược lại. Hẳn đây là một dụng cụ may bị quên trong lớp lót túi.
Keira ra hiệu cho tôi yên lặng, rồi đỗ xe lại bên vệ đường ngay khi có thể.
Chúng tôi đang rời xa vùng ngoại ô Linh Phần. Đường đi bắt đầu càng lúc càng thêm gập ghềnh khi xe leo dốc núi. Ở độ cao ba trăm mét, chúng tôi bỏ lại đằng sau tầng không khí ô nhiễm, và bỗng nhiên, như thể vừa xuyên qua một đám mây, chúng tôi nhìn thấy một một thứ gì đó như là bầu trời trong xanh.
Khi vừa qua chỗ ngoặt, một bãi đỗ nhỏ hiện ra cho phép tôi dừng xe. Keira bỏ lại cây ghim trên bảng điều khiển rồi xuống khỏi xe và ra hiệu cho tôi đi theo.
- Em có vẻ lạ lắm, tôi bảo khi đuổi kịp cô ấy.
- Lạ quá, túi em bị gài thiết bị nghe trộm khốn kiếp ấy.
- Gì cơ?
- Đó không phải là một cây kim đan, em biết mình nói gì chứ, đó là một chiếc micro.
Tôi không có kinh nghiệm gì nhiều trong lĩnh vực gián điệp và khó khăn lắm tôi mới tin được điều cô ấy nói.
- Chúng ta sẽ quay vào xe, anh cứ nhìn kỹ hơn sẽ thấy.
Tôi đã làm vậy. Và Keira có lý, đó đúng là một thiết bị thu nhỏ xíu. Chúng tôi lại ra khỏi xe để nói chuyện mà không bị ai rình mò nghe trộm.
- Anh có ý tưởng gì về nguyên do họ gài thiết bị nghe trộm vào túi em không? Keira hỏi.
- Nhà chức trách Trung Quốc muốn có thông tin liên quan đến người ngoại quốc đi lại trên lãnh thổ của họ, có lẽ đó là một thủ tục thông thường đối với tất cả các du khách chăng? tôi gợi ý.
- Phải có tới hai chục triệu du khách đến Trung Quốc mỗi năm, anh nghĩ họ thích thú với việc bỏ chừng ấy thiết bị nghe trộm vào hành lý của du khách sao?
- Anh không rõ nữa, có lẽ tùy trường hợp cụ thể họ mới tiến hành.
- Hoặc là không sao! Nếu sự thể là như vậy, chúng ta đâu phải là những người đầu tiên phát hiện ra, báo chí phương Tây sẽ làm to chuyện với cách xử sự này.
- Có lẽ cách làm này chỉ vừa được áp dụng?
Tôi nói thế để cô ấy yên tâm, nhưng trong thâm tâm, tôi thấy tình huống này vừa lạ lùng vừa phiền phức. Tôi cố nhớ lại những đoạn hội thoại chúng tôi vừa trao đổi trên xe và không thể nhớ ra bất cứ điều gì có thể đẩy chúng tôi vào tình thế rắc rối, có lẽ ngoại trừ lời nhận xét của Keira về nạn rác rưởi và mùi hôi thối bao trùm các thành phố công nghiệp chúng tôi gặp trên đường đi, và vài lời nhận xét về thứ đồ ăn đáng ngờ cô ấy ăn phải hồi trưa.
- Giờ thì tìm thấy vật này rồi, chúng ta sẽ bỏ nó lại đây và lặng lẽ lên đường thôi, tôi đề nghị.
- Không, cứ mang nó theo, chỉ cần nói ngược lại điều chúng ta nghĩ trong đầu, không nói thật về hướng chúng ta đi và như thế, chính chúng ta mới nắm quyền thao túng những kẻ đang do thám chúng ta.
- Còn sự thân mật của chúng ta?
- Adrian, giờ không phải lúc xử sự theo kiểu Anh, tối nay chúng ta sẽ lục luôn cả túi của anh, nếu họ gắn thiết bị vào túi của em thì chẳng có lý nào họ lại bỏ qua anh.
Tôi bước vội về phía xe, dốc tuột đám hành lý ít ỏi của mình ra cốp xe, sau đó tôi quẳng túi của mình ra xa, chắc chắn nó sẽ mang lại may mắn cho người qua đường đầu tiên gặp. Rồi tôi ngồi vào đằng sau vô lăng và quẳng thiết bị qua cửa xe.
- Nếu anh muốn nói với em là anh thích bộ ngực của em, anh không chắc một nhà chức trách dâm đãng nào đó của Cục Tình báo Trung Quốc có thể tưởng tượng ra những gì đâu!
Tôi khởi động lại xe trước khi Keira kịp có phản ứng gì.
- Anh định nói với em là anh thích ngực em?
- Dĩ nhiên!
Năm mươi cây số tiếp theo trôi qua trong im lặng tuyệt đối.
- Và nếu một ngày nào đó họ phải cắt lấy của em một hoặc cả hai bên ngực thì sao?
- Vậy thì anh sẽ mơ tưởng đến cái rốn của em, anh có nói là chỉ thích ngực em đâu nhỉ!
Năm mươi cây số tiếp theo câu nói đó lại chìm trong thinh lặng không khác gì lúc trước.
- Anh có thể cho em một danh sách những thứ anh thích ở em được không? Keira lên tiếng.
- Được, nhưng không phải bây giờ.
- Bao giờ?
- Đến lúc thích hợp.
- Lúc thích hợp là bao giờ?
- Lúc anh sẽ đưa cho em danh sách những thứ anh thích ở em!
Đêm bắt đầu buông xuống và tôi cảm thấy cơn mệt mỏi xâm chiếm. Thiết bị dẫn đường thông báo chỉ còn hơn một trăm năm mươi cây số nữa là đến Tây An. Hai mí mắt tôi nặng trĩu và tôi khó khăn lắm mới giữ được hai mắt mở. Keira cũng không khá hơn, cô ấy đang tựa đầu vào cửa kính ngủ say sưa. Qua một khúc ngoặt, xe hơi lạng đi chệch hướng. Chỉ cần một giây bất cẩn là mạng sống của cô ấy gặp nguy hiểm, tôi quan tâm đến nữ hành khách của mình đủ để không chấp nhận một sự mạo hiểm nào. Dù chúng tôi có đang tìm kiếm gì đi chăng nữa, thứ đó cũng có thể đợi thêm một đêm nữa. Tôi đỗ xe lại bên rìa một con đường nhỏ cắt ngang đường chúng tôi đi, tắt động cơ và thiếp đi nhanh chóng.
Ngày Đầu Tiên Ngày Đầu Tiên - Marc Levy Ngày Đầu Tiên