Người Bình Xuyên epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 57 - Bảy Viễn Vô Dinh Độc Lập Gặp Ngô Đình Diệm
háng 12/54 Bảy Viễn được thư thủ tướng Ngô Đình Diệm mời vào dinh Độc Lập (1) thảo luận về một số vấn đề quan trọng. Bảy Viễn họp bộ tham mưu lại bàn:
- Mình có nên gặp Ngô Đình Diệm hay không?
Năm Tài lắc đầu:
- Không nên! Diệm không giở trò ma giáo, nhưng Nhu sẽ cho bộ hạ bắt thiếu tướng.
Tư Sang tiếp theo:
- Tôi nghĩ chẳng có việc gì phải bàn với chúng nó. Chủ trưởng của Diệm là diệt giáo phái. Nhưng trước khi hạ thủ, chúng trổ tài mua chuộc. Chúng cố kéo phe này đánh phe kia để cho các giáo phái đánh nhau đến xứt tai gãy gọng rồi lúc đó chúng mới dễ dàng diệt gọn.
Hồ Hữu Tường khoanh tay mỉm cười. Bảy Viễn hỏi:
- Học giả nghĩ gì mà cười vậy?
- Tôi nghĩ là hai anh em họ Lại cũng có lý phần nào. Bản chất nhà Ngô là tráo trở. Chúng lại gặp Hoa Kỳ là bọn chuyên môn đốc xúi thiên hạ đánh nhau đê làm giàu. Nhưng tại sao ta lại không đến gặp chúng nó? Đánh nhau thì phải tìm hiểu địch thủ. Địch thủ đã khở dại mời mình đến sào huyệt thì ta phải chớp lấy mà quan sát tận mắt địch tình. Rồi còn chiến tranh cân não…một lời nói đúng lúc, đúng chỗ có thể làm địch hoang mang có lợi cho ta vô cùng.
Năm Tài khoát tay:
- Không thể được! Ông Tường là học giả, ông có thể vô đinh Độc Lập nghiên cứu rồi kẹt lại trong đó cũng chẳng sao. Nhưng thiếu tướng là đầu não của Bình Xuyên, là linh hồn của Liên minh các giáo phái, không thể liều lĩnh như vậy được!
Bảy Viễn cười:
- Tôi biết hai anh em Diệm-Nhu ma giáo, chúng dám bắt tôi chứ chẳng không. Nhưng còn mấy thằng cố ván Huê Kỳ của chúng nó chớ? Tướng Ô-Đa-nhen (O’Daniel) tiếp xúc ngày một với tướng Ê-ly. Lẽ nào chúng để anh em Diệm-Nhu bắt giữ Bảy Viễn trong dinh Độc Lập? Tôi phải đi! Không đi là hèn và dại. Tại sao lại bỏ qua một cơ hội bằng vàng là vô tận tổng hành dinh của nhà Ngô?
- Nếu thiếu tướng quyết định vô dinh Độc Lập thì ta phải báo trước cho tướng Ê-ly biết – Năm Tài chụp ngay điện thoại.
- Cố nhiên! Có Ê-ly đằng sau tôi thì nhà Ngô không dám giở trò gì với tôi đâu! – Bảy Viễn nhìn hết các “tướng tá”, hỏi – Trong trường hợp thằng Diệm yêu cầu chúng ta bỏ Pháp theo chúng thì sao? Ta có nên sát nhập với quân đội quốc gia của Diệm không?
Im lặng nặng nề vài giây. Mười Lực nhìn Bảy Môn hội ý chớp nhoáng rồi nói:
- Anh Bảy muốn nhâp thì nhập. Còn tụi tôi thì ra làm dân.
Bảy Môn cũng đồ thêm:
- Quân đội của Ngô Đình Diệm do Mỹ huấn luyện, còn tụi tôi đánh giặc rừng, làm sao nhập vào chúng được?...
Bảy Viễn cười:
- Hỏi ý kiến các anh chơi vậy thôi chứ tôi biết các anh có ưa gì thằng Diệm! Còn một vấn đề nữa: Nếu Diệm yêu cầu mình án binh bất động để nó tiêu diệt Cao Đài, Hòa Hảo thì sao?
Hồ Hữu Tường lại cười:
- Hỏi tức là trả lời. Chuyện bẻ đũa từng chiếc, lẽ nào những kẻ đầu hai thứ tóc lại không biết? Thiếu tướng đùa với chúng ta đó.
Cuộc họp nhất trí để Bảy Viễn vô dinh Độc Lập phó hội với anh em nhà Ngô với mục đích tìm hiểu địch tình và cố thuyết phục Diệm hào hoãn với các giáo phái được lúc nào hay lúc nấy. Nếu sau ba tiếng đồng hồ kể từ lúc Bảy Viễn vô dinh Độc Lập mà không thấy về thì Năm Tài phải báo động với tướng Ê-ly.
*****
Những nhận định của Bảy Viễn đều không sai. Khi vô dinh Độc Lập, Bảy Viễn thấy tay chân bộ hạ nhà Ngô nhìn mình đầy vẻ hầm hừ. Lúc Diệm tiếp chuyện với Bảy Viễn, Nhu đang họp cùng bộ tham mưu ở phòng bên cạnh.
Diệm lúc nào cũng mặc đồ lớn bằng “sạc kin” (Sharskin), nước da trắng xanh càng giống hệt công tử bột, trái ngước với Bảy Viễn là một kẻ phong trần, rắn rỏi trong bộ ka-ki quân phục mang cấp tướng hai sao.
Diệm mở đầu bằng cách tranh thủ tình cảm chống cộng của Bảy Viễn:
- Tháng 5 năm 1948, tôi có nghe thiếu tướng thoát chết về tay Việt Minh. Từ đó tôi rất có cảm tình với Bình Xuyên. Vụ về hợp tác với Pháp là điều vạn bất đẵc dĩ, vì chúng ta là những người quốc gia yêu nước. Chỉ tại Cộng sản độc quyền kháng chiến nên ta phải tìm con đường riêng mà tranh đấu. Gia đình tôi là nạn nhân của Cộng sản. Anh tôi là Ngô Đình Khôi bị chúng giết mùa thu năm 1945, còn tôi thì bị quản thúc nhiều phen…
Bảy Viễn khéo léo:
- Thủ tướng bận nhiều công việc, không lẽ mời tôi tới để nhắc lại chuyện cũ? Xin thủ tướng đi ngay vào đề.
Diệm hơi khó chịu vì không thích ai cắt lời.
- Phải nhắc chuyện cũ để thấy tôi và thiếu tướng cùng chung một kẻ thù là Cộng sản. Chúng ta nên đồng tâm nhất trí chống cộng. Hiệp định Giơ-neo đã cắt một nửa đất nước cho Cộng sản. Chúng ta phải giữ gìn miền Nam, đừng cho chúng thôn tính nốt. Hiện nay Việt Minh đã bí mật chôn dấu vũ khí, bố trí cán bộ lén lút ở lại hoạt động, phá hoại công cuộc kiến thiết của chúng ta. Muốn diệt cái họa Cộng sản, phải đoàn kết các giáo phái. Chúng tôi đã thuyết phục được một số tướng lĩnh Cáo Đài, Hòa Hảo. Họ chịu đưa quân về sát nhập Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Các vị tướng lãnh đó được phong trướng trong quân đội chính quy, ngoài ra còn được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi. Tôi đề nghị thiếu tướng hợp tác với chúng tôi.
Bảy Viễn chuẩn bị trước nên đáp ngay:
- Xin cảm ơn mỹ ý của thủ tướng. Tranh đấu cho độc lập tự do từ lâu đã trở thành khẩu hiệu của lực lượng Bình Xuyên chúng tôi. Trong thời gian kháng Pháp, chúng tôi đã lập một giang sơn riêng biệt. Việt Minh không vô được và Pháp cũng không vô được. Chúng tối có cách đánh riêng, thích ứng với thiên thời, địa lợi. Nay thủ tướng đề nghị tôi sát nhập với quân đội chính quy, tôi e là bộ đội Bình Xuyên sẽ không thể tác chiến hữu hiệu như trước. Do đó việc sát nhập chỉ có hại hơn có lợi. Chi bằng thủ tướng cứ làm y như Pháp trước đây, tức là chia vùng cho các giáo phái chống Việt Minh tiếp tay với quân đội trung ương.
Diệm không phải là một nhà ngoại giao nên mất bình tĩnh trước một đối phương có lập trường khác hẳn với mình. Cuộc gặp gỡ kết thúc hết sức nhanh chóng. Không đầy ba mươi phút, Bảy Viễn rời dinh Độc Lập.
Chú thích:
(1) Sau khi cướp chính quyền 25/8/1945, dinh Norodom gọi là dinh Độc Lập.
Người Bình Xuyên Người Bình Xuyên - Nguyên Hùng Người Bình Xuyên