Núi Thần epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phụ Lục
ôi điều về bài thơ Cây Đoạn
Phỏng theo Blogger Inge Pressmar, Câu đố nghệ thuật
Bài thơ Cây đoạn do Wilhelm Müller sáng tác trước đây khoảng hai trăm năm, đã được phổ nhạc và trở nên quen thuộc với tất cả chúng ta, nhưng không đơn giản như thoạt nhìn có thể lầm tưởng. Thơ ca có cách thể hiện riêng bằng hình ảnh và ẩn dụ, trong đó hàm chứa những ý tứ khác hẳn hoặc sâu xa hơn nghĩa đen của ngôn từ.
Cây đoạn có những ẩn dụ như thế, xuất hiện ngay từ hai dòng đầu tiên của bài thơ: “Bên giếng nước trước cổng thành / Có một cây đoạn rờn xanh”. Tất cả ba vật xuất hiện trong hai câu thơ này đều mang trong mình ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc.
1. Cái giếng
Giếng nước được đào sâu xuống lòng đất, là nơi nước ngầm không ngừng tuôn chảy. Giếng nước từ xưa tới nay vẫn là một hình ảnh tiềm tàng uẩn khúc, là nguồn nuôi dưỡng sự sống nhưng đồng thời cũng có thể lấy đi sự sống - của những sinh vật rơi xuống giếng. Cái giếng có thể hiểu như một cánh cổng dẫn xuống thế giới âm phủ, nước của nó là nước cửu tuyền.
2. Trước cổng thành
Tường thành là hàng rào con người dựng lên để bảo vệ bản thân và xã hội văn minh. Trong bài thơ cái giếng được tả nằm trước cổng thành, tức là ở ngoài bức tường văn minh, thuộc về thiên nhiên hoang dã, một nơi nguy hiểm đối với con người.
3. Cây đoạn
Cây đoạn là một hình ảnh gần gụi với người Đức, như cây đa với người Việt. Dưới gốc đoạn cổ thụ người ta hội họp vui chơi và bàn việc làng việc nước. Cây đoạn trong bài thơ này là chứng nhân thầm kín của cuộc sống cộng đồng, rất thân thiết với những người dân trong thành ngày ngày ra giếng lấy nước, nhưng cũng nhuốm vẻ âm u của cái giếng, vì bản thân nó xanh tươi nhờ hút nước ngầm dưới giếng.
Với ba hình ảnh ẩn dụ ấy, bài thơ đã mở ra một không gian gần gũi và nên thơ cho những diễn biến tiếp theo. Người đọc ghi nhớ ngay lập tức: cạnh giếng nước bên ngoài thành có một cây đoạn. Đó là một hình ảnh kết hợp cô đọng, một bức tranh chấm phá đầy ấn tượng. Sáu câu thơ tiếp theo chỉ là sự diễn giải thêm cho hình ảnh ấy bằng giọng trần thuật giản dị: chàng thanh niên đa cảm mơ những giấc ngọt ngào dưới bóng cây, khắc tên người yêu dấu lên vỏ cây, tìm được sự an ủi nơi đây cả khi vui lẫn khi buồn.
Bắt đầu vào khổ thứ ba, âm điệu sâu lắng đầy ẩn ý bỗng rung lên như tiếng chuông báo động, không gian của bài thơ trở nên đầy đe dọa. Bóng mát lúc đầu chuyển thành đêm đen. Lữ khách giờ đây phải ra đi, thay vì nằm nghỉ dưới gốc cây. Chúng ta không biết tại sao chàng phải ra đi, đúng vào ngày hôm ấy và giữa lúc đêm khuya. Chàng đi “qua đó”, và bộc bạch nỗi sợ của mình trong hai câu có lẽ là cảm động nhất của bài thơ: “Chìm trong bóng tối mù sương / Tôi nhắm mắt không nhìn nó”. Vì sao chàng phải nhắm mắt khi đi qua cây đoạn? Vì sao chàng phải tránh đối mặt với hình ảnh của nó, hình ảnh thân thiết mà trước đây chàng luôn luôn tìm về? Tác giả hé ra hai điều:
Thứ nhất: Thời thế đã đổi thay. Lữ khách không còn nằm dưới bóng rợp của mùa hè ấm áp, mà bị bao bọc trong màn đêm lạnh lẽo.
Thứ hai: Cây đoạn cất lên tiếng gọi, tỏa ra một lực hấp dẫn vô hình thu hút lữ khách về bên mình - “Bạn ơi hãy đến đây nào”.
Chàng trai trong bài thơ phải huy động tất cả sức lực của mình để chống lại sự quyến rũ ấy. Gió lạnh thốc vào mặt chàng và cuốn bay cái mũ trên đầu chàng - cái mũ cũng là một hình ảnh ẩn dụ của sự che chở, ở trong gia đình và trong cộng đồng con người có mái nhà và bức tường thành che thân, đi ra ngoài họ có cái mũ che đầu. Và lữ khách tường trình rằng mình đã chiến thắng bản thân, đã cưỡng lại được lời rủ rê của cây đoạn: “Tôi không ngoảnh lại nấn ná”. Chàng không nhìn lại đằng sau, dù chỉ để tìm chiếc mũ bị cuốn bay. Chàng không tìm kiếm sự che chở, mà tiếp tục dấn bước, đương đầu với gió bão cuộc đời.
Ẩn ý sâu kín nhất của bài thơ, lời giải của câu đố nằm trong lời hứa hẹn của cây đoạn: “Ở đây bạn được bình an”. Bình an ở đây là dừng bước, thoát khỏi những gian nan của cuộc đời, sự quyến rũ của nó là trạng thái buông xuôi, là sự yên nghỉ cuối cùng.
Nhưng lữ khách đã chiến thắng sự quyến rũ ấy để tiếp tục dấn bước. “Một vài giờ” sau đó, khi đã cách khá xa nơi ấy, đã vượt qua thử thách để từ chàng trai mơ mộng trở thành người đàn ông trưởng thành, chàng vẫn cảm thấy sức hút của thế giới bên kia trong lời hứa hẹn của cây đoạn: “Bạn sẽ bình an nơi đó!” Đó sẽ là sự bình an vĩnh viễn sau khi con người hoàn thành trách nhiệm của mình với cuộc sống. Cái chết như một sự cám dỗ, như một phần thưởng. Đó là bức tranh ẩn giấu sau cái vẻ bề ngoài bình dị của bài thơ Cây đoạn.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần