Núi Thần epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần 7 - Tiếng Sấm
ảy năm đã trôi qua kể từ khi Hans Castorp lên tới trên này - một con số không tròn trĩnh như những người hâm mộ số thập phân có lẽ sẽ thích hơn, nhưng theo cách của nó cũng là một con số đẹp, tiện lợi, một hình ảnh của thời gian vừa trực quan vừa bí ẩn, đem lại sự thỏa mãn cho tâm hồn hơn là một con số khô khan nào khác, ví dụ như nửa tá. Chàng đã lần lượt ngồi qua hết cả bảy cái bàn trong phòng ăn, mỗi bàn khoảng trên dưới một năm. Cuối cùng chàng rơi vào bàn Nga hạ lưu, ngồi chung với hai người Armenia, hai người Phần Lan, một người xứ Bukhara[522] và một người Kurd[523]. Chàng ngồi đó với bộ râu cằm nho nhỏ mà gần đây chàng để nuôi, một bộ râu vàng như rơm và không ra hình thù gì, được chúng tôi cho là bằng chứng của triết lý không coi trọng hình thức bề ngoài của chàng. Vâng, đúng thế, chúng tôi buộc phải đi xa hơn nữa để trình bày rằng, có một mối liên hệ giữa xu hướng bỏ bê bản thân của chàng với thái độ cũng theo xu hướng ấy của thế giới bên ngoài đối với chàng. Cấp trên đã thôi lo lắng tìm cách giải khuây cho chàng. Ngoài câu hỏi mỗi sáng rằng chàng ngủ có “ngon” không, một câu hỏi mang tính tu từ và được đặt ra một cách chung chung, chàng không nhận được sự quan tâm đặc biệt nào khác từ phía ông cố vấn cung đình; và cả Adriatica von Mylendonk (bà ta đã lại mang một cái lẹo chín mọng trên mắt vào thời điểm chúng tôi đang tường thuật ở đây) không phải ngày nào cũng hỏi han đến chàng. Nói một cách chính xác thì tần số xảy ra chuyện ấy dao động trong khoảng từ rất hãn hữu cho đến gần như không có. Họ không đả động đến chàng nữa - giống như cậu học trò được hưởng cái lợi thế đặc biệt sung sướng của tình trạng sắp ở lại lớp, chàng không còn bị hỏi bài, không còn bị ai quấy nhiễu, nói trắng ra là không còn được ai đếm xỉa đến - một hình thức rất bê bối của tự do, mặc dù ở đây chúng tôi phải thêm vào và tự hỏi rằng, không biết tự do đã bao giờ và có thể có một hình thức nào khác không. Nói tóm lại, đây là một ca mà lãnh đạo viện không cần tiếp tục để mắt canh chừng, vì đã rõ mười mươi trong ngực chàng chẳng có quyết định liều lĩnh và bướng bỉnh nào chín muồi nữa - một ca đã dứt điểm, một người đã từ lâu không còn biết đi đâu, hoàn toàn không có khả năng tính đến chuyện quay trở về đồng bằng... Việc chàng đang ngồi ở bàn Nga hạ lưu chẳng phải là một bằng chứng hùng hồn chứng tỏ sự yên trí của cấp trên trong cách đối xử với chàng đấy sao? Không phải là chúng tôi có ý chê bai gì bàn Nga hạ lưu! Ở đây không có bất kỳ sự ưu đãi hay kỳ thị rõ rệt nào đối với một trong bảy cái bàn. Các bàn được đối xử một cách dân chủ, có thể nói không ngoa như vậy, bàn nào cũng là bàn danh dự. Những bữa ăn quá sức thừa mứa cũng được đưa lên bàn này giống y như những bàn khác; tới kỳ luân chuyển Rhadamanthys cũng đến ngồi ở đầu bàn này, hai bàn tay khổng lồ chắp lại trước đĩa thức ăn; và những người ngồi ăn ở đó đều là thành viên đáng kính của nhân loại, dù rằng họ không hiểu tiếng Latinh và khi ăn không làm bộ làm tịch một cách quá đáng.
Thời gian trôi đi, không phải như trên những chiếc đồng hồ lớn treo ngoài nhà ga với cây kim dài như cái đòn năm phút mới nhảy một lần, mà giống như những chiếc đồng hồ cực nhỏ, ở đó ta gần như không thể nhận ra chuyển động của những cây kim, hay như ngọn cỏ, không cặp mắt nào nhìn thấy nó mọc, chẳng biết trong khoảnh khắc này nó có bí mật dài ra không, cho đến một ngày kia người ta phải ngỡ ngàng trước sự thay đổi của nó; thời gian là một đường thẳng, tập hợp của vô số điểm không kích thước (tới đây có lẽ ông Naphta bất hạnh đã quá cố sẽ đặt câu hỏi, làm sao một tập hợp điểm không có kích thước, dẫu rằng nhiều đến đâu chăng nữa, có thể làm thành một đường thẳng) - thời gian vậy là vẫn trôi đi một cách lén lút không ai nhìn thấy, bí mật và cần mẫn tạo ra những thay đổi. Ví dụ như cậu bé Teddy, một hôm - tất nhiên chẳng phải trong một ngày, mà là một ngày nào đó không xác định - không còn là một cậu bé nữa. Các bà các cô không còn có thể đặt cậu ngồi lên lòng mỗi khi cậu có dịp rời khỏi giường thay bộ pyjama bằng bộ đồ thể thao và xuống dưới nhà. Thời gian đã kín đáo sang trang, giờ đây cậu là người đặt các bà các cô lên lòng mỗi khi có dịp, và cả hai bên vẫn thấy thú vị như lúc trước, nếu không muốn nói là còn hơn. Cậu đã đến tuổi thanh xuân - chúng tôi không muốn nói rằng như một cái cây đến lúc nở hoa, nhưng ít nhất cái cây ấy cũng đã cao vọt lên - Hans Castorp không nhìn thấy nó lớn lên, nhưng một hôm chàng chợt nhận ra. Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng thời gian và sự tăng trưởng chiều cao không đem lại điều gì tốt đẹp cho cậu thanh niên Teddy. Cậu hưởng tuổi thanh xuân không được bao lâu - năm hai mươi mốt tuổi cậu từ giã cõi đời vì căn bệnh mà cơ thể cậu có hứng thú tiếp nhận, và phòng của cậu được người ta dọn dẹp tẩy uế. Chúng tôi không quá xúc động khi thuật lại chuyện này, vì thực ra không có gì khác biệt lắm giữa tình trạng mới của cậu và tình trạng từ trước tới nay.
Nhưng có những cái chết quan trọng hơn, xảy ra ở dưới đồng bằng, có tác động mạnh hơn đến nhân vật chính của chúng ta - hay nói đúng ra là trước kia có thể tác động mạnh hơn đến chàng. Chúng tôi muốn nói tới ông lãnh sự già Tienappel, ông trẻ đồng thời là cha đỡ đầu của Hans ở một thời xa vắng, người vừa mới qua đời. Ông ta đã cẩn thận tránh những môi trường áp suất khí quyển không phù hợp và đùn đẩy cậu James đi thay mình, khiến cậu mất mặt ở trên đó; nhưng có cẩn thận cách nào ông ta cũng không thể tránh mãi được chứng đột quỵ, và bức điện tín ngắn gọn với những lời lẽ nhẹ nhàng và tế nhị về sự ra đi của ông ta - nhẹ nhàng và tế nhị vì chiếu cố đến người đã mất hơn là đến người nhận tin - một ngày nọ đến tay Hans Castorp khi chàng đang nằm trên chiếc ghế tuyệt hảo của mình. Chàng mua giấy viền đen và viết một lá thư cho người cậu kiêm anh họ ở dưới đồng bằng, rằng chàng, đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, giờ đây tự thấy mình lại mồ côi thêm một lần nữa, và rằng chàng càng cảm thấy đau lòng hơn vì hoàn cảnh không cho phép chàng rời khỏi nơi điều trị để tiễn đưa ông trẻ chàng về chốn an nghỉ cuối cùng.
Nói rằng chàng tiếc thương thì có lẽ hơi quá, nhưng trong những ngày này ít nhất ánh mắt chàng cũng lộ vẻ đăm chiêu hơn thường lệ. Cái chết này, về mặt tình cảm trước đây cũng đã chẳng có ý nghĩa gì nhiều đối với chàng, sau bao năm xa mặt cách lòng càng tiệm cận về không, nhưng trong chàng như đứt phựt thêm một mối dây liên kết, một mối quan hệ với dưới kia, giải thoát hoàn toàn cho cái mà Hans Castorp gọi một cách rất có lý là tự do. Trong thực tế ở vào thời điểm muộn màng mà chúng tôi đang nói đến ở đây mọi mối dây liên hệ giữa chàng và đồng bằng gần như đã bị cắt đứt hết. Chàng không viết thư gửi đi nữa và cũng không ai viết thư cho chàng. Chàng không đặt Maria Mancini từ dưới đó nữa. Chàng đã tìm thấy ở trên này một hiệu xì gà hợp khẩu vị, và cũng chung thủy với nó như với người bạn gái cũ. Đó là một sản phẩm có thể giúp các nhà thám hiểm Bắc cực vượt qua những khó khăn cực nhọc nhất trong băng giá, với nó chàng có thể chịu đựng những giờ nằm nghỉ cứ như được nằm trên bãi biển: một loại xì gà làm từ lá thuốc già được chọn lọc đặc biệt, tên gọi ‘Rütlischwur’, hơi ngắn hơn Maria, màu xám lông chuột, có một dải màu lam quấn quanh thân, dễ hút và vị rất dịu, tàn trắng như tuyết để lâu không gãy vẫn giữ nguyên hình gân chiếc lá bọc ngoài, và cháy đều đến nỗi có thể thay thế một chiếc đồng hồ cát - tính chất này đôi khi cũng được người hút tận dụng, vì chàng không còn đeo cái đồng hồ quả quýt nữa. Một hôm nó rơi từ mặt bàn ngủ xuống đất và ngừng chạy. Chàng cứ để vậy chứ không tìm cách khôi phục lại chuyển động vòng tròn đo thời gian của nó, có lẽ cũng vì cái lý do đã khiến chàng không dùng lịch, dù là để bóc từng ngày hay để xem trước những kỳ lễ lạt sắp tới: vì lý do tên gọi “tự do”, để vinh danh cuộc dạo chơi trên bãi biển thời gian, sự ngưng đọng mãi mãi-và-vĩnh viễn của cái phép màu đóng kín mà chàng có hứng thú tiếp nhận đặc biệt cao và lấy đó làm cơ sở cho cuộc phiêu lưu tinh thần của chàng, trong đó diễn ra tất cả các quá trình giả kim thuật nâng cấp thứ chất liệu bình dị là chàng.
Chàng nằm đó, vào lúc mùa hè cao điểm, khoảng thời gian chàng đặt chân lên đến đây, và - mặc dù chàng không biết điều này - chu kỳ của một năm đang khép lại vòng quay thứ bảy.
Thình lình dội lên tiếng sấm...
Nhưng khiêm tốn và hổ thẹn ngăn cản chúng tôi, khiến chúng tôi không dám rườm lời về biến cố trọng đại ấy. Lời lẽ đao to búa lớn và sự khoe khoang hiểu biết hoàn toàn không đúng chỗ ở đây! Chúng tôi chỉ xin hạ giọng kể rằng, tiếng sấm vừa mới rền vang mà tất cả chúng ta ai cũng nghe thấy, tiếng nổ đinh tai nhức óc ấy chính là kết quả của sự tích tụ và pha trộn tình trạng chai lì và kích động lâu nay - một tiếng sấm lịch sử, khi nói đến người ta phải nín thở, vì nó làm lung lay tận gốc thế giới; nhưng đối với chúng tôi đó là tiếng sấm làm nổ tung ngọn núi thần[524], khiến nhân vật chính của chúng ta, một trong bảy thất miên tử[525], thình lình bị quăng ra trước cửa động. Chàng ngơ ngẩn ngồi dụi mắt trên bãi cỏ, như một người, dù đã được nhắc nhở nhiều lần, không chịu đọc báo.
Người bạn, người thầy gốc Địa Trung Hải của chàng vẫn luôn luôn quan tâm đến tên học trò cá biệt, đối tượng giáo dục của ông ta, và thường xuyên thông báo cho chàng những nét cơ bản của các biến cố dưới đồng bằng, nhưng đều bị chàng bỏ ngoài tai. Mặc dù trên tinh thần ‘cai trị’ chàng cũng có nghiền ngẫm điều này điều kia về cái bóng tư tưởng của sự vật, nhưng lại hoàn toàn không quan tâm đến bản thân sự vật, mà ngả theo xu hướng coi bóng là hình và trong hình chỉ nhìn thấy bóng - bởi vậy cũng không thể trách mắng chàng quá nặng, vì rốt cục mối quan hệ giữa hình và bóng chưa được giải thích một cách rõ ràng dứt điểm bao giờ.
Đã qua rồi cái thời ông Settembrini, sau khi thiết lập sự sáng tỏ thình lình, ngồi xuống bên cạnh Hans Castorp đang trong tư thế đo giường và dùng ảnh hưởng của người thầy hướng dẫn dìu dắt để chàng khỏi lầm đường lạc lối trong các vấn đề về cái chết và sự sống. Giờ đây Hans Castorp là người đến thăm và bầu bạn chốc lát với ông văn sĩ, hai tay kẹp giữa đầu gối chàng ngồi bên chiếc giường kê trong gian phòng ngủ nhỏ xíu hay trước cái đi văng, chỗ ngả lưng buổi trưa của ông ta trong gian gác áp mái biệt lập và ấm cúng, với những chiếc ghế bành mang hơi hướng hội kín Carbonari và chai nước trên bàn, lịch sự lắng nghe những phân tích của ông ta về tình hình thế giới. Thời gian này ông Lodovico ít khi đủ sức dậy đi lại. Kết cục kinh khủng của Naphta, hành động cực đoan của đối thủ hoài nghi sắc bén ấy đã giáng một đòn nặng nề xuống tâm hồn đa cảm của ông ta, từ đấy ông ta không thể gượng dậy được nữa, ông ta thường xuyên bị nhiều cơn suy nhược và ngày càng xuống sức. Đóng góp của ông ta vào việc soạn thảo tác phẩm luận về Bệnh lý học xã hội bị chững lại, tập sách tra cứu về tất cả các tác phẩm văn học nghệ thuật có đối tượng là nỗi đau khổ của con người không tiến triển thêm được một bước nào, và Hiệp hội của ông ta uổng công chờ đợi tập còn thiếu của bộ từ điển bách khoa toàn thư. Ông Settembrini buộc phải hạn chế đóng góp của mình cho Hiệp hội tiến bộ dưới hình thức lời nói, mà cũng chỉ thực hiện được nhờ những cuộc thăm hỏi của Hans Castorp, nếu không có chàng hẳn ông ta đã phải ngừng hoàn toàn hoạt động của mình.
Bằng giọng yếu ớt ông ta nói rất nhiều, rất hay và đầy tâm huyết về sự tự hoàn thiện bản thân của nhân loại trên con đường phát triển xã hội. Lời lẽ của ông ta nhẹ nhàng như bước chim câu, nhưng chỉ cần chuyển sang đề tài thống nhất các dân tộc được giải phóng để đi đến một hạnh phúc toàn cầu thì trong giọng nói ông ta bỗng vang lên - có lẽ bản thân ông ta hoàn toàn không cố ý và thậm chí không biết - những âm thanh như tiếng vỗ cánh của đại bàng. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là tinh thần chiến đấu trong văn học, là sự kết hợp của chính trị, tài sản thừa kế được của người ông, và tính nhân văn thừa kế của người cha trong con người ông ta, Lodovico - cũng giống như nhân đạo và chính trị đã hợp nhất lại thành lý tưởng cao quý của văn minh, hiền lành như chim câu và dũng mãnh như đại bàng, cái lý tưởng còn đang đợi đến thời của nó, đến buổi bình minh nhân loại, khi nguyên tắc quân chủ trì trệ bị đánh giập đầu và Liên minh thần thánh của các chính quyền dân chủ nhân dân được thiết lập... Tới đây cộm lên điều gì không ổn. Ông Settembrini là người nhân đạo, nhưng đồng thời và cũng chính bởi vậy, mặc dù không nói ra, ông ta vẫn ủng hộ chiến tranh. Trong cuộc đấu súng với ông Naphta cực đoan ông ta đã xử sự một cách rất con người, nhưng về tổng thể, khi nhân loại phấn chấn kết hợp chính trị với đấu tranh vũ trang để giành thắng lợi cho văn minh, để đặt mũi giáo nhân dân lên bàn thờ dân tộc, thì lập tức nảy sinh nghi vấn, liệu ông ta khi ấy, không còn tính cách cá nhân, có giữ được tay mình không nhúng máu - đúng thế, sự kích động nội tâm là thủ phạm làm cho yếu tố dũng mãnh đại bàng trong những tư duy cao đẹp của ông Settembrini ngày càng lấn tới và đẩy lùi sự hiền lành của chim câu.
Không hiếm khi quan hệ của ông ta với những biến đổi lớn trong cục diện chính trị thế giới lâm vào tình trạng mâu thuẫn, khiến ông ta xung đột với lương tâm. Mới hai năm hay một năm rưỡi trước đây, lúc chuyện trò ông ta ngỏ ý lo ngại về sự hợp tác ngoại giao giữa nước ông ta và nước Áo trong vấn đề Albania[526], mặc dù đó là sự câu kết để chống lại nửa châu Á phi Latinh, chống lại đòn roi và pháo đài Shlisselburg[527], nhưng ông ta vẫn lấy làm đau khổ vì phải bắt tay với kẻ thù không đội trời chung, với nguyên tắc trì trệ và ách thống trị áp đặt trên các dân tộc. Mùa thu năm ngoái quyết định của Pháp cho Nga vay một khoản tiền lớn để xây dựng mạng đường sắt ở Ba Lan cũng đánh thức những cảm giác trái ngược tương tự trong lòng ông ta. Bởi ông Settembrini là thành viên một đảng thân Pháp ở nước ông ta - điều đó không có gì là lạ, vì như ai cũng biết ông nội ông ta đã xếp những ngày cách mạng tháng bảy ở Pháp ngang hàng với sáu ngày sáng lập thế gian của Chúa - nên quan hệ hữu hảo giữa nền cộng hòa khai sáng và đám Scythia[528] phương Đông làm ông ta hổ thẹn, nó như một cục nghẹn mắc trong ngực ông ta, thế nhưng chỉ cần nghĩ tới ý nghĩa chiến lược của mạng lưới đường xe lửa sắp được xây dựng là ông ta lại hồi hộp tăng nhanh nhịp thở, tràn đầy hy vọng và phấn khởi. Rồi xảy ra vụ ám sát thái tử[529], điềm báo giông tố mà bất kỳ ai cũng phải nhận ra trừ chàng thất miên tử của chúng ta, dấu hiệu dĩ nhiên không thể lọt khỏi mắt những người am hiểu tình hình, và chúng tôi có đầy đủ lý do để xếp ông Settembrini vào trong số đó. Hans Castorp thấy ông ta, với tư cách cá nhân, tỏ ý rùng mình ghê tởm hành động thích khách ấy, nhưng đồng thời lồng ngực ông ta lại căng lên kiêu hãnh với ý nghĩ rằng đó là một hành động giải phóng dân tộc, một đòn giáng vào cái thành lũy mà ông ta hằng căm thù; mặt khác rất có thể đó lại là thành quả hoạt động bí mật của đám dân Moscow, nghĩ đến đây ngực ông ta thắt lại, nhưng điều đó không ngăn cản ông ta ba tuần sau phẫn nộ lên án yêu sách thái quá của triều đình Áo đối với Serbia, gọi đó là một sự nhục mạ toàn nhân loại và một tội ác dã man, mà những hậu quả ghê gớm của nó ông ta có thể nhìn thấy trước và nhiệt liệt hoan nghênh trong hơi thở gấp...
Tóm lại, những cảm xúc của ông Settembrini là một sự pha trộn phức tạp, cũng như cái thảm họa mà ông ta thấy trước đang lao đến với tốc độ phi nước đại, những điều ông ta đã cố gắng dùng những lời úp mở truyền đạt tới tên đệ tử, không nói huỵch toẹt ra tất cả bởi lòng thương hại và muốn nương nhẹ tình cảm dân tộc của hắn ta. Trong những ngày đầu tiên của cuộc tổng động viên, khi mới có lệnh tuyên chiến, ông ta bỗng có thói quen đưa cả hai tay về phía người khách đến thăm và nắm chặt tay chàng, cử chỉ này đi thẳng vào trái tim chàng ngốc, mặc dù không lên được tới đầu. “Bạn ơi!” Ông người Ý bảo. “Thuốc súng, máy in, tất cả những cái ấy là phát minh của các ông, đó là điều không thể chối cãi! Chỉ có điều nếu các ông tin rằng chúng tôi sẽ lên đường ra trận chống lại cuộc cách mạng... Caro[530]...”
Trong không khí chờ đợi ngột ngạt của những ngày này, khi thần kinh cả châu Âu căng như dây đàn, Hans Castorp không có thời giờ gặp ông Settembrini. Báo chí các loại dưới đồng bằng tuôn thẳng lên tận ban công phòng chàng, tràn ngập khắp viện, làm bầu không khí trong phòng ăn như nồng nặc mùi thuốc súng và len lỏi vào cả phòng những ca liệt giường hay hấp hối. Đó là giây phút chàng thất miên tử của chúng ta rơi xuống bãi cỏ, không biết chuyện gì xảy ra với mình, từ từ nhỏm dậy và đưa tay dụi mắt... Chúng tôi muốn hoàn tất bức tranh cho xứng đáng với những biến động tinh thần trong chàng. Chàng co chân, đứng lên, đưa mắt nhìn quanh. Chàng thấy mình không còn bị phù phép, thấy mình được giải thoát, được giải phóng - không phải bằng sức lực của bản thân, như chàng hổ thẹn tự thú nhận, mà nhờ vào sự vận hành của một sức mạnh bên ngoài, trong quá trình vận động của nó sự giải phóng bản thân chàng chỉ là một hiệu ứng phụ bên lề mà thôi. Nhưng dù cho số phận nhỏ nhoi của chàng có gần như chìm nghỉm trong bối cảnh chung, chẳng phải nó vẫn là một chút dấu vết cá nhân và do đó vẫn mang trong mình ý nghĩa thánh thiện và công bằng của cuộc sống? Rất có thể, nếu cuộc đời dang tay đón nhận đứa con hư một lần nữa, không phải một cách bình thường dễ dãi, mà nghiêm khắc và cứng rắn, như trong cảnh tai ương, món quà nó mang lại có thể không phải sự sống mà là ba phát súng danh dự cho chàng, kẻ tội lỗi. Và chàng buông mình quỳ xuống đầu gối, ngẩng mặt đưa cả hai tay lên trời, bầu trời nặng trĩu u ám nhưng không còn là vách đá kín mít trong hang động của ngọn núi tội lỗi nữa[531].
Ông Settembrini bắt gặp chàng trong tư thế ấy - tất nhiên đấy chỉ là nói một cách ví von, vì như chúng ta đã biết, nhân vật chính của chúng ta rất ngại để lộ những cử chỉ thể hiện tình cảm nhiều kịch tính như thế này. Trong đời thực ông văn sĩ gặp chàng đang sắp xếp hành lý - vì từ khi thình lình tỉnh giấc chàng đã bị cuốn vào cơn lốc xoáy do tiếng sấm kinh thiên động địa dưới đồng bằng gây ra, và nhập vào dòng người nô nức rời khỏi viện trái phép. “Cố hương” của họ giờ đây không khác gì một tổ kiến bị vỡ. Cả cái xã hội nhỏ bé trên này vắt chân lên cổ lao xuống núi, từ độ cao năm nghìn foot, để đâm đầu vào thảm họa dưới đồng bằng. Họ chen lấn nhau lên đoàn tàu bé hạt tiêu đã chật ních, bâu đầy các bậc cửa toa, đi tay không nếu cần, bỏ lại hành lý ngổn ngang chồng chất trên sân ga - cái ga nhỏ bỗng tấp nập những người là người, dường như bầu không khí trong trẻo trên cao của nó cũng bị nhiễm làn hơi ngột ngạt oi nồng dưới kia - và Hans lao theo họ. Trong đám đông nhốn nháo ấy ông Lodovico ôm lấy chàng lúc chia tay, thực sự chứ không phải ví von, ông ta vòng tay ôm và hôn lên cả hai má chàng theo kiểu người miền Nam (hay cũng có thể theo kiểu người Nga), làm kẻ ra đi trái phép mặc dù rất cảm động nhưng vẫn ngượng nghịu không để đâu cho hết. Và chàng gần như đánh mất nốt chút bình tĩnh cuối cùng, khi ông Settembrini phút chót còn gọi chàng bằng tên, là “Giovanni”, và vứt bỏ mọi lề thói xã giao của nền văn minh phương Tây chuyển sang xưng hô “anh em” với chàng!
“E così in giù”, ông ta bảo, “in giù finalmente! Addio, Giovanni mio![532] Tôi mong muốn thấy em ra đi khác cơ, nhưng cũng đành, thượng đế đã an bài theo cách này chứ không phải cách khác. Tôi hy vọng em được ra viện để trở về với công việc, nhưng giờ đây em sẽ sát cánh chiến đấu cùng đồng bào em. Lạy Chúa, đó là số phận dành cho em chứ không phải cho thiếu úy của chúng ta. Cuộc đời thật khó lường... Hãy chiến đấu dũng cảm ở bên đó, vì giống nòi của em! Trong giờ phút này không ai có thể làm được gì hơn thế. Và tha lỗi cho tôi, nếu tôi đem nốt chút sức tàn cổ vũ cho Tổ quốc tôi tham chiến, nhưng đứng về bên trí tuệ và quyền lợi thiêng liêng của dân tộc yêu cầu. Vĩnh biệt!”
Hans Castorp cố thò đầu ra phía ngoài, lẫn trong một chục cái đầu khác chen chúc kín khung cửa sổ. Chàng đưa tay vẫy. Ông Settembrini cũng vẫy lại bằng tay phải, đồng thời đưa đầu ngón đeo nhẫn bàn tay trái lên quệt nhẹ nơi khóe mắt.
Đây là đâu? Cái gì thế này? Giấc mơ đẩy chúng tôi trôi dạt đến tận chốn nào đây? Chập choạng tối, mưa gió và bùn lầy, những đám cháy hắt ánh đỏ rực lên nền trời xám xịt rền vang tiếng sấm, không gian sũng nước rách toang bởi những tiếng rít chói tai, tiếng hú man dại lao tới như bầy chó địa ngục, kết thúc đường đi của mình trong làn nước văng tung tóe, trong tiếng nổ đinh tai, trong ánh lửa bùng lên sáng lòa, trong tiếng kêu gào rên rỉ, tiếng kèn vang to như muốn bể, tiếng trống thúc dồn, thúc dồn... Kia là một cánh rừng, từ trong đó một đám đông không thể định nghĩa màu gì tràn ra, ngã xuống, chồm dậy, chạy tiếp. Họ chạy về hướng dãy đồi giăng giăng án ngữ trước những đám cháy đằng xa, than hồng thỉnh thoảng phừng lên ngọn lửa rừng rực. Xung quanh chúng tôi là cánh đồng mới cày nhấp nhô, nát nhừ, sũng nước. Một con đường cái nhầy nhụa bẩn thỉu phủ đầy cành cây gãy chạy dọc theo cánh rừng, từ đó tách ra một lối mòn không lót đá, bị băm vằm ngang dọc chằng chịt, lượn thành một vòng cung hướng về phía dãy đồi. Những gốc cây đứng âm thầm trong mưa lạnh, trần trụi, bị tước hết cành... Ở đây có một cái bảng chỉ đường - nhưng hỏi nó rất là vô ích, vì nếu nó chưa vỡ tơi tả như thế này thì trong bóng tối nhập nhoạng chúng tôi cũng không thể đọc được chữ viết trên đó. Đông hay Tây? Đó là đồng bằng, đó là chiến tranh. Và chúng tôi là những cái bóng nhút nhát bên vệ đường, hổ thẹn náu mình trong bóng tối an toàn, tuyệt đối không có ý định sa đà kể lể về những điều trọng đại đang diễn ra ở đây bằng lời lẽ đao to búa lớn, mà chủ yếu được dẫn dắt bởi tinh thần câu chuyện của một người lẫn trong đám đồng đội xám nhờ nhờ tuôn ra từ cánh rừng kia, vừa chạy vừa vấp ngã dúi dụi nhưng vẫn tiến lên trong tiếng trống, một người quen cũ của chúng tôi, người bạn đồng hành bấy nhiêu năm, con người bình dị tội lỗi mà giọng nói đã bao lần vang lên bên tai chúng tôi, để một lần nữa nhìn vào gương mặt chất phác ấy trước khi chàng hoàn toàn biến mất khỏi tầm mắt chúng tôi.
Chàng và đồng đội được điều động tới đây để tiếp viện và ra đòn dứt điểm cho trận đánh kéo dài đã mấy ngày, giành lại cứ điểm trên dãy đồi và những làng mạc bốc cháy vừa mới rơi vào tay kẻ thù hai hôm trước. Đó là một trung đoàn quân tình nguyện, gồm toàn những người lính trẻ măng, chủ yếu là sinh viên, chưa có bao nhiêu kinh nghiệm chiến trường. Họ nhận lệnh báo động trong đêm, lên tàu và được thả xuống một địa điểm vào buổi sáng, từ đó họ hành quân cho tới chiều tối dưới mưa trên những con đường không ra đường - đúng ra chẳng có đường, mọi con đường đã bị phong tỏa, họ lội qua đồng ruộng và đầm lầy suốt bảy tiếng đồng hồ, trong những tấm áo choàng ngấm bùn ướt nặng trình trịch, với toàn bộ quân trang trên lưng. Đó không phải là một cuộc dạo chơi, nếu không muốn bị tuột mất giày mỗi bước người ta lại phải cúi xuống dùng tay nắm cổ giày và vừa kéo vừa nhấc chân lên khỏi đám bùn nhão dính như keo. Để vượt qua một cánh đồng nhỏ họ mất đến hơn một giờ đồng hồ cực hình như thế. Nhưng cuối cùng họ đã đến được nơi phải đến, những người lính trẻ măng đầy nhiệt huyết có đủ ý chí để vượt qua khó khăn, mặc dù kiệt sức nhưng họ đã huy động nguồn sinh lực dự trữ từ nơi sâu thẳm nhất trong cơ thể để tiếp tục tiến lên, không dừng bước, không đòi hỏi giấc ngủ hay bữa ăn còn thiếu. Những gương mặt ướt đẫm nước mưa, lấm tấm bùn, khuất một phần dưới dải khăn che trán và vành mũ sắt xám hất cao, hừng hực như bốc lửa vì nỗ lực thể xác và tinh thần, và cả vì tổn thất họ phải chịu khi tiến qua khu rừng lầy lội. Bởi kẻ thù, biết trước bước tiến quân của họ, đã tập trung hỏa lực bắn chặn đường, những quả lựu đạn và trái phá cỡ lớn đã tung ra muôn ngàn mảnh nhỏ xuyên qua cây rừng giáng trúng đội ngũ của họ và giờ đây còn đang rú rít, nổ tung, bốc cháy, quất tới tấp như roi xuống cánh đồng mới cày trống trải.
Họ phải vượt qua chặng đường này, ba ngàn chàng trai trẻ bừng bừng nhiệt huyết, phải mang lưỡi lê đến chi viện cho cuộc tấn công trong những chiến hào trước và sau dãy đồi kia, để chiếm lại những ngôi làng đang bốc cháy và mở rộng phòng tuyến tới một ranh giới nhất định trên tấm bản đồ nằm trong túi chỉ huy của họ. Họ có tất cả ba ngàn, có thể còn được hai ngàn lúc tới dãy đồi và những làng mạc đằng xa, đó là ý nghĩa quân số của họ. Họ là một đơn vị đã được tính toán sao cho đủ số để nếu có tổn thất lớn cũng vẫn còn khả năng chiến đấu và chiến thắng, vẫn còn hàng ngàn giọng hòa vào tiếng reo “Hurra” lúc khải hoàn - không bị ảnh hưởng bởi những người ngã xuống hay rớt lại đằng sau. Có những người đã tụt lại dọc đường, không theo kịp đội ngũ vì còn quá trẻ và quá yếu sức để vượt qua những gian khổ của cuộc hành quân khốc liệt. Một người lính tái mét và lảo đảo, cắn chặt răng huy động tất cả sức lực và nghị lực để bước tiếp, nhưng cuối cùng vẫn tụt lại đằng sau. Anh ta còn lê lết bên cạnh đoàn quân một lúc nữa, bị hết phân đội này đến phân đội khác vượt qua, và rồi bị bỏ rơi hẳn, nằm lại giữa đường, không biết số phận ra sao. Rồi tới khu rừng đầy mảnh đạn. Nhưng khối người tràn lên phía trước vẫn còn rất lớn, ba ngàn người có thể chịu đựng một cuộc trích huyết như thế mà vẫn còn là một đội ngũ đông đảo. Họ đã tràn ngập bãi đất trống dưới mưa và làn roi đạn, con đường cái quan, lối mòn, cánh đồng đất cày lầy lội; chúng tôi, những cái bóng bên đường, bây giờ đã lẫn vào trong đám họ. Ra tới bìa rừng họ giương lưỡi lê bằng những động tác được tập luyện thành thục, trong tiếng kèn giục giã đầy thôi thúc, tiếng trống rền vang như sấm, họ dốc hết sức xông lên phía trước, với tiếng hô xung phong khản đặc và bước chân trĩu nặng như bị ghì chặt trong mơ, vì những cục đất ruộng cày bám chặt đế giày.
Mỗi khi nghe tiếng đạn réo họ nằm rạp cả xuống, để rồi sau đó lại chồm dậy và tiếp tục xông lên, cất tiếng kêu đắc thắng từ cổ họng trẻ trung như muốn bể, vì đạn không trúng mình. Họ trúng đạn, ngã xuống, tay đánh vào không khí, đạn vỡ ra trong trán, trong tim, trong ruột họ. Họ nằm sấp, mặt úp xuống bùn, thôi động đậy. Họ nằm ngửa, lưng kênh lên trên chiếc ba lô dã chiến, đầu dốc xuống bùn, tay bấu vào không khí. Nhưng khu rừng vẫn tiếp tục nhả ra những hàng người mới, họ lại nằm rạp xuống và chồm dậy, lớn tiếng hô xung phong hay nghiến răng im lặng lảo đảo tiến lên giữa những người vừa ngã xuống.
Ôi những người lính trẻ măng với chiếc ba lô và khẩu súng cắm lưỡi lê, với tấm áo choàng dài và đôi giày ủng bết bùn! Người ta có thể bằng con mắt nhân đạo-mỹ thuật nhìn ngắm họ và hình dung ra những hình ảnh khác hẳn. Người ta có thể nhìn thấy họ cưỡi trên lưng tuấn mã, chạy nhảy và bơi lội trong vịnh biển, sóng bước cùng người yêu trên bờ cát, ghé môi thì thầm bên vành tai mềm mại của vị hôn thê, hay tươi cười thân mật hướng dẫn cho nhau nghệ thuật bắn cung. Đáng lẽ thế thì họ lại nằm đây hứng làn lửa đạn. Họ sung sướng được có mặt ở đây, mặc dù trong lòng quặn thắt nỗi sợ vô bờ và nỗi nhớ nhà da diết, đó là một điều vừa đáng tự hào vừa đáng hổ thẹn, nhưng không thể là lý do đưa đẩy họ vào tình cảnh này.
Kia là người quen của chúng ta, Hans Castorp! Từ rất xa chúng tôi đã nhận ra chàng nhờ bộ râu chàng nuôi khi ngồi ở bàn Nga hạ lưu. Chàng cũng bốc lửa bên trong và ướt sũng bên ngoài, như tất cả những người khác. Chàng chạy với bước chân nặng trĩu bùn, khẩu súng cắm lưỡi lê vung vẩy trong tay. Kìa, chàng giẫm lên tay một người đồng đội vừa ngã xuống, mũi giày đinh của chàng nhấn bàn tay bất động xuống sâu dưới mặt đất lầy lội phủ đầy cành cây gãy. Đúng là chàng rồi. Và kìa, chàng đang hát[533]! Chàng hát một mình, như người trong cơn kích động mạnh đầu óc mụ mẫm không còn mảy may suy nghĩ, một cách vô ý thức chàng gom những hơi thở đứt quãng lẩm bẩm hát gần như không ra tiếng:
“Tôi khắc lên trên vỏ cây
Đôi lời yêu đương nồng cháy...”
Chàng gục ngã. Không, chàng nằm xuống tránh đạn, vì một con chó địa ngục lại hú lên, một phát đạn có sức công phá lớn đào một cái hố ghê tởm sâu toang hoác làm đất văng tung tóe. Chàng nằm úp mặt xuống bùn lạnh, hai chân xoạc ra, bàn chân xoay ngang, gót hướng xuống đất. Quả đạn, sản phẩm của một môn khoa học dã man, chứa đầy một chất chết người, lao chênh chếch như đích thân quỷ sứ xuống mặt ruộng phía trước cách chàng khoảng ba chục bước chân, nổ tung ở đó với một sức mạnh kinh hồn, tung lên một khối bùn cao như cái nhà trong đó trộn lẫn cả đất, lửa, sắt, chì, và các mảnh thân thể con người. Nơi ấy vừa có hai người lính nằm tránh đạn - hai người bạn, họ không muốn rời nhau trong lúc hiểm nguy, giờ đây họ hòa lẫn vào nhau và cùng biến mất.
Đáng hổ thẹn thay bóng tối an toàn của chúng tôi! Đi đi! Chúng tôi không kể nữa! Nhưng còn người bạn của chúng tôi, chàng có bị trúng đạn không? Trong một thoáng chàng đã tưởng thế. Một cục đất to văng tới đập vào ống chân chàng đau điếng, nhưng chẳng hề gì, có chăng chỉ nực cười.
Chàng lại nhổm dậy, khập khiễng lao đi với đôi chân bám đất nặng trĩu, lẩm nhẩm hát không ý thức:
“Tôi nghe tiếng cành rì rào
Như lời nhắn gọi bảo ban...”
Và như thế, trong cảnh hỗn độn, trong làn mưa tầm tã, trong bóng chiều chập choạng, chàng lạc mất hẳn khỏi tầm mắt chúng tôi.
Vĩnh biệt Hans Castorp, chàng trai bình dị, cậu học sinh cá biệt của cuộc đời! Câu chuyện của bạn đến đây là hết. Chúng tôi đã kể đến tận cùng, đó là một câu chuyện không thú vị cũng không buồn tẻ, mà là một câu chuyện đóng kín bằng con dấu niêm phong của thần Hermes. Chúng tôi kể lại vì bản thân câu chuyện chứ không phải vì bạn, con người bạn đơn giản lắm. Nhưng xét cho cùng đó là câu chuyện của bạn, vì nó xảy ra với bạn, trong bạn hẳn phải có điều gì đó đặc biệt. Hơn nữa chúng tôi không chối cãi những cảm tình sư phạm chúng tôi dành cho bạn suốt dọc chiều dài câu chuyện, có thể đó cũng chính là điều khiến chúng tôi đưa đầu ngón tay quệt nhẹ nơi khóe mắt khi nghĩ rằng trong tương lai sẽ không bao giờ gặp lại bạn hay nghe lại giọng nói của bạn nữa.
Vĩnh biệt - dù bạn sống sót hay nằm lại đây! Vì viễn cảnh của bạn đen tối lắm, cái vũ điệu kinh khủng mà bạn bị lôi cuốn vào sẽ còn kéo dài vài năm tội lỗi, và chúng tôi không dám đặt cược cao vào mạng sống của bạn. Thật lòng mà nói, chúng tôi không bận tâm lắm đến câu hỏi bỏ ngỏ này. Những cuộc phiêu lưu về thể xác và tinh thần trong quá trình nâng cao chất liệu bình dị của bạn sẽ khiến bạn sống mãi trong tinh thần, điều bạn khó lòng thực hiện nổi trong vật chất. Đã có những khoảnh khắc, bằng linh cảm và ‘cai trị’ bạn ươm lên từ cái chết và sự nổi loạn của xác thịt một giấc mơ tuyệt diệu về tình yêu. Chẳng biết từ cái lễ hội tử thần này của thế giới, từ cơn sốt dục vọng xấu xa đang cháy rực quanh bầu trời mưa gió chiều nay có khi nào tình yêu trỗi dậy được không?
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần