Người Bình Xuyên epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 53- 54 - Nghe Tư Thiên Bảy Viễn Thầu Đại Thế Giới
ăm Tài hăm hở kéo từ báo Paris-Match đến trình với Bảy Viễn:
- Kẻ thù không đội trời chung với thiếu tướng “theo ông theo bà” rồi!
Bảy Viễn ngắm nghía các bức ảnh trong tờ báo rồi kêu lên:
- Ai như Nguyễn Bình? Nó chớ ai! Thằng một mắt, lúc nào cũng mang kính râm – Báo này quảng cáo cho nó hả?
Năm Tài xáp lại gần Bảy Viễn vừa đọc mấy hàng chữ tít tiếng Pháp vừa giải thích:
- Đây là số đặc biệt về cái chết của Nguyễn Bình, theo tin tức lượm lặt của nhà báo Pháp. Theo báo này thì Nguyễn Bình bị một toán lính Miên phục kích ở biên giới Căm bốt-Lào bắn chết. Đến khi tra giấy tờ sắc-cốt mới biết là Nguyễn Bình, Ủy viên Quân sự Nam Bộ…
Bảy Viễn liếc qua các bức ảnh Nguyễn Bình đăng trên báo, lẩm bẩm như nói một mình:
- Vậy là hắn đã toại nguyện: chí trai da ngựa bọc thây!
Năm Tài nghe không rõ:
Thiếu tướng nghĩ gì về cái chết của Nguyễn Bình?
Bảy Viễn vẫn gật gù:
- Làm trai như thế là toại nguyện – và ngâm luôn:
“Làm trai chết ở chiến trường
Còn hơn chết ở trên giường thê nhi”
Năm Tài nịnh:
- Thiếu tướng có tâm hồn thi sĩ quá, đâu kém gì Tám Nghệ. Nhưng em muốn biết là thiếu tướng có vui mừng khi thấy kẻ thù của mình gục ngã?
Bảy Viễn lắc đầu:
- Không! Chỉ có đám tiểu nhân mới vui mừng trước nổi bất hạnh của kẻ khác.
Năm Tài nhột quá, rút lui êm.
Một lúc sau, Tư Thiên tới. Điệu bộ tên này cũng hăm hở như Năm Tài:
- Thiếu tướng hay tin gì chưa?
Bảy Viễn ném tờ báo Năm Tài để lại:
- Nguyễn Bình bị phục kích chứ gì?
Tư Thiên lắc đầu:
- Chuyện đó đâu ăn thua gì tới mình? Điều tôi muốn báo cho thiếu tướng biết sốt dẻo là tụi Ba Tàu đã gần mãn hạn thầu khai thác các sòng bạc Kim Chung và Đại Thế Giới…
Bảy Viễn tò mò:
- Rồi sao?
- Đây là dịp tốt cho mình hốt bạc chứ sao, thiếu tướng? Thiếu tướng biết không, sau khi đã đóng thuế cho mình và trám họng tất cả bọn thuế vụ, bọn an ninh chìm, nổi rồi, tụi chủ con no “bóc ké” tha hồ sắm xe Huê Kỳ, cưới vợ bé…
Nghe tới vợ bẹ, Bảy Viễn ánh lên một tia thích thú…
- Thầy Tư muốn tranh ăn với tụi Bà Tàu? Tiền đâu mà đến thầu? Nghe nói mỗi ngày phải đóng cho nhà nước 500.000 đồng.
Tư Thiên cười ra vẻ tự tin:
- Tiền không thành vấn đề. Tôi sẽ lo cho thiếu tướng.
- Vậy chớ cái gì mới thành vấn đề?
- Vấn đề là thiếu tướng có chịu lấy danh nghĩa Bình Xuyên đứng ra mở sòng bạc, hay đúng hơn là khai thác hai sòng bạc co sẵn ấy là Kim Chung và Đại Thế Giới không?
Bảy Viễn chợt nhớ lời Nguyễn Bình phê bình bộ đội Bình Xuyên không tự túc mà sống bằng tiền các sòng bạc đóng thuế. Y cau mày đăm chiêu. Tư Thiên sợ Bảy Viễn từ chối, vội nói:
- Các nước văn minh trên thế giới đều có sòng bạc qui mô. Pháp có thành phố Mô-na-cô, Mỹ có Las Vegas, Anh có Hồng Kông, Ma Cao đều là những nơi các triệu phú trên thế giới đổ xô đến sạt phạt. Sài Gòn là hòn ngọc Viễn Đông cũng phải có sòng bạc cho thiên hạ giải trí chớ.
Bảy Viễn cười:
- Giải trí hay tự vẫn?
Tư Thiên nhún vai:
- Thằng nào ngu thì thằng đó chịu, mình đâu phải chịu trách nhiệm về những vụ tự tử đó thiếu tướng? – Với giọng hân hoan, Tư Thiên trình bày tiếp – Tôi đã làm một vài con tính, tiền vô như nước, thây mà mê! Riêng cái Đại Thế Giới, ngoài các sòng tài xỉu, còn đủ thứ gian hàng: chơi ru-lếch (roulette), hốt me, bắn súng, ném lon, thảy vòng vịt. Ngoài ra còn các nhà hàng, quán nhậu, vũ trường, rạp hát cải lương. Chỉ mới tính sơ sơ thì mỗi ngày cũng lời tương đương với tiền thuế. Đó là chưa kể những món tiền linh tinh như cho thầu bãi giữ xe…
Bảy Viễn ngẫm nghĩ một lúc:
- Còn các trở ngại thì như thế nào, ngoài chuyện tiền bạc?
Tư Thiên nghiêm giọng:
- Thằng Lâm Giống quyết đấu thầu cho kỳ được. Nó cũng đã tăng cường đội bảo vệ gồm các tay du đãng từ Ma Cao qua. Trong số nay có cha con đại lực sĩ họ Trần thuộc môn phái Thiếu lâm. Ngày mới qua đây cha con họ Trần biểu diễn trong Đại Thế Giới gây tiếng vang trong giới võ lâm, như nội công cho đồng đội dùng búa tài xồi đập vỡ tảng đá xanh đặt trên ngực, như đề khí đi mấy cái siêu đất không bể cái nào…
Bảy Viễn cười:
- Chuyện trẻ con đó hù dọa được ai! Thời buổi này là tiểu liên, lựu đạn. Ban công tác thành của mình dư sức dẹp đám đó.
Tư Thiên gật lia lịa:
- Lâm Giống không ngại bất cứ nhóm du đãng nào. Nhưng hắn chỉ ngán có Bình Xuyên thôi. Cho nên nếu thiếu tướng “phựt đèn xanh”, tôi đến nói một tiếng với Lâm Giống là xong ngay.
Bảy Viễn suy nghĩ một lúc:
- Nếu mình chỉ là dân anh chị như trước kia thì không có vấn đề gì. Nhưng mình đã lỡ vô kháng chiến một thời gian bây giờ trở lại con đường cũ, thấy kỳ kỳ…
Tư Thiên nhún vai:
- Thiếu tướng không làm thì cũng có kẻ khác làm. Tiền vô tay Bình Xuyên có nghĩa hơn là vô tay bọn Ba Tàu… Hay là thế này… Đêm nay tôi mời thiếu tướng đi một vòng Đại Thế Giới để biết qua cách thức khai thác của Ba Tàu. Đến khi ta thầu được rồi thì ta sẽ nghĩ cách hòan chỉnh các sòng bạc…
Đêm ấy Bảy Viễn mặc “xi vin” đóng vai du khách thám hiểm thế giới ăn chơi lớn nhất Đông Dương mà các nhà báo Pháp thường viết điều tra phóng sưj về cái mà họ gọi là Grand Monde tức là Đại Thế Giới.
Với Bảy Viễn, các sòng bạc khống có gì mới lạ, nhưng điều hắn muốn biết rõ là lề lối tổ chức. Sau mấy năm ở khu nay trở về, y thấy rõ kỹ nghệ cờ bạc tiến bộ rất nhiều. Các chủ sòng tài xỉu đều là tay lão luyện trong nghề, ngoài việc trang trí sòng bạc, chúng còn dám bỏ tiền mướn các cô gái cực kỳ xinh đẹp, nổi danh là hoa khôi ở Hồng Kông, Ma Cao về chuyên lo việc “vùa tiền” và “chung tiền” cho các tay chơi. Dạo qua một sòng tài xỉu, bạn sẽ không thể nào bỏ đi ngay khi thấy người ngọc mặc áo “cheng-sam” sát nách, cổ cao, xẻ đùi, phô bày đôi cánh tay ngà và cặp đùi thon dài, tóc uốn theo kiểu “cuốn theo chiều gió”, nhoẻn đôi môi mọng đỏ kêu lên tiếng “hối a”. Đó là hiệu lệnh để các tay chơi quyết định dứt khoát đặt tiền xuống bàn để các chuyên viên “lắc bông vụ” ra tay thay Đấng Toàn Năng ban phát ân huệ cho kẻ này và gieo rắc xui xẻo cho kẻ khác. Người ngọc mặc áo cheng sam với đôi cánh tay ngà và giọng nói ngọt ngào như tiếng mỹ nhân ngư chính là con cu mồi đã rủ men những tay chơi háo sắc và cạm bẫy.
Bảy Viễn đi một vòng các sòng bạc rồi vào một quán giải khát lộ thiên. Các thiết kế quán này cũng hay hay. Bãi đất trống được chia thành các ô vuôn mỗi cạnh dài ba bốn thước, bốn bề đều có rào lưới cho dây leo xanh mát. Đưa bạn gái vào ăn uống giữa khung trời đầy trăng sao cũng rất thơ mộng. Tư Thiên nói nhỏ với chủ nhân, một lúc sau hai cô gái đẹp đến xin phép ngồi chung bàn “cho thiếu tướng có bạn”. Tư Thiên biết Bảy Viễn rất sành ăn chơi. Tản Đà đã từng viết sách về nghệ thuật ăn chơi như “Thức ăn ngon mà rượu không ngon, không ngon. Thức ăn ngon, rượu ngon mà chỗ ngồi không ngon, không ngon”. Với Bảy Viễn phải thêm: “thức ăn ngon, rượu ngon, chỗ ngồi ngon, mà thiếu người đẹp, không ngon”…
Trong khi ngồi giải trí, Tư Thiên hỏi Bảy Viễn:
- Thiếu tướng thấy sòng bạc tổ chức thế nào?
Bảy Viễn nêu các nhận xét về người ngọc mặc cheng sam. Tư Thiên cười:
- Tôi thích vô Đại Thế Giới. Không phải để cờ bạc như người ta mà để dòm ngó, quan sát. Rất nhiều chuyện buồn cười. Đến đây có đủ hạng người. Lao động có, công chức có, trí thức có, tư sản có, nhưng tất cả đều gặp nhau ở một điểm máu đỏ đen. Cung cách chơi cũng khác. Có tay cay cú ăn thua, nướng hết đồng bạc cuối cùng để cuốc bộ về nhà xa cả năm cây số. Có tay cờ bạc xem như “cần câu cơm”, mỗi đêm chỉ kiếm vài chục đồng “tiền chợ”… Cũng có tay chuyên vô đây để ‘bắt bò lạc”.
- Bắt bò lạc? Bằng cách nào? – Bảy Viễn tò mò hỏi.
- Chút nữa ta trở lại các song bạc. Tôi sẽ chỉ cho thiếu tướng những con bò lạc khá quen thuộc. Họ là những bà thông, bà ký, lén chồng vô đây đánh tài xỉu. Khi lỡ thua thì đứng xớ rớ buồn thiu, hy vọng có một người nào đó ra tay hào hiệp cho mượn một ít để gỡ gạc hoặc về đường…
Bảy Viễn cười khoái trá:
- Mình cũng có máu hào hiệp như vậy. Vậy thì từ nay mình sẽ vô đây đều đều, không phải để thử thời vận mà để bắt bò lạc, như thầy Tư vừa nói… À, khi nãy thầy Tư nói trí thức cũng mê tài xỉu, có nhiều không?
- Nhiều chứ, thiếu tướng! Tôi có một thằng em họ, đâu cử nhân toán ở Pháp về. Nó vô đây nghiên cứu cách chơi rồi về tính toán cả tuần. Sau đó nó bảo tôi: “Tối nay hai anh em mình thử thời vận. Tôi đã tìm được bửu bối móc túi mấy cha Ba Tàu. Đó là “calcul des probabilité” phép tính xác xuất. Theo nó thì một con số, chẳng hạn như số 12, có thể trở lại theo một chu kỳ nào đó. Ta cứ “nuôi” con số 12 đó. Mỗi lần thua thì ta tăng đôi tiền đặt. Cứ vậy làm hoài cho tới khi trúng thì vừa lấy lại vốn vừa có lời chút đỉnh.
Bảy Viễn cười:
- Tôi rât dốt về toán nên không đủ can đảm nghe trình bày chi tiết. Tôi chỉ muốn biết ông cử nhân toán đó thắng được các cha Ba Tàu chỉ biết lắc bàn toán không?
Tư Thiên cười:
- Thằng cử nhân tính toán hay lắm. Nhưng rốt cuộc thì thua mấy cha Ba Tàu ở chỗ tiền vốn của nó ít quá, không đủ “nuôi” con số 12 cho tới khi nó “tái xuất giang hồ”.
Bảy Viễn cười hì hì:
- Thế mới biết mấy tay khách trú này lợi hại! Cử nhân toán mà còn cháy túi thì nói gì dân lao động thất học!...
Giải khát xong, Tư Thiên đưa Bảy Viễn đi một vòng các sòng tài xỉu để Bảy Viễn điểm qua một số “bò lạc”. Bỗng Bảy Viễn thấy một thiếu phụ ăn mặc đúng thời trang đang rẽ đám đông tiến đến sòng tài xỉu. Bảy Viễn đứng ngây người nhìn. Chưa bao giờ y gặp một người đẹp hạp nhãn đến thế. Người roi roi, cao ráo, trang điểm đơn sơ nhưng rất có “gu”: áo dài cắt vừa vặn, màu nhạt trang nhã, đài các. Y bảo Tư Thiên:
- Chờ tôi mười lăm phút.
Bảy Viễn chen đám đông, đến đứng kế bên người đẹp, đúng vào lúc á xẩm Hồng Kông sửa soạn cất cao giọng mỹ nhân hô to “hối a”. Y đưa ngón tay lên xin một phút rồi móc tiền đặt ngay cạnh số tiền người đẹp vừa đặt, nói một câu xã giao với nàng:
- Cho tôi được chia cái may của bà…
Ván bài ấy, hai người cùng thua. Người đẹp nhìn á xẩm Hồng Kông dùng cái cào có cán dài cào số tiền của mình cùng số tiền của Bảy Viễn, gom thành đống có vẻ luyến tiếc.
Bảy Viễn móc nắm bạc khác cầm trên tay, hỏi người đẹp:
- Bà đặt số mấy? Ta có nên nuôi con số vừa rồi?
Thiếu phụ mở bóp lấy tiền:
- Ván đầu báo hiệu không hên rồi.
Bảy Viễn khuyến khích:
- Không sao! Tiền hung hậu kiết. Ta cùng thử thời vận trong ba ván. Hên xui sẽ thấy rõ. – Y cùng đặt một số với thiếu phụ và ván đó họ trúng.
Ván thứ ba họ đánh cả vốn lẫn lời và thắng luôn. Bảy Viễn nói:
- Ta đã đánh đủ ba ván. Nhờ cái hên của bà mà ta thắng to. Với số tiền bất ngờ này, tôi xin phép được đãi bà ngay bây giờ. Xin mời bà nhín chút thời gian vàng ngọc qua vũ trường kế bên…
Thiếu phụ ngước nhìn Bảy Viễn với vẻ ngạc nhiên pha chút thích thú:
- Nhưng tôi chưa được hân hạnh quen biết ông…
Bảy Viễn cười:
- Trước lạ sau quen! Nhưng tôi nghĩ cùng thử thời vận trong ba ván như thế thì kể như là quen rồi, phải không bà?
Là thay bàn tay định mạng! Bà vợ sau cùng của Bảy Viễn đã gặp hắn như thế đó trong sòng tài xỉu tại Đại Thế Giới. Tính bắt bò lạc mà thành vợ chồng. Bà này tên là Hà Thị Tám, đã có một đời chồng Ấn Kiều. Bà là nhân viên văn phòng hãng thuốc lá trong Chợ Lớn và khi về ở với “thiếu tướng” Lê Văn Viễn, bà dời về biệt thự ở đường Lý Thành Nguyên. Bà Tám được đám em út của Bảy Viễn gọi là bà Lý Thành Nguyên. Bà tới sau nhưng lại về trước, được Bảy Viễn lui tới thường.
Cùng sống trong cảnh giàu sang với “thiếu tướng” Lê Văn Viễn còn có bà Lê-ông Côm (Léon Combe) tứ bà Lúa, tại biệt thự tọa lạc trên con đường mang tên nói trên (nay là Sương Nguyệt Ánh); một bà nữa là bà Chợ Quán, tứ mà Hoảnh, tại một vi la ở khu vực Chợ Quán.
Các bà vợ lớn ở đồng quê như bà ở Cần Đước, mẹ của hai cô gái Tính và Định, như bà ở An Phú, mẹ của “thiếu tá” Lê Paul ít thấy lui tới Bảy Viễn. Điều này chứng minh thành ngữ “giàu đổi bạn, sang đổi vợ” không sai chút nào.
*****
Với lực lượng cảnh sát quốc gia Bảo Đại giao cho thống lĩnh, Bảy Viễn buộc Lâm Giống phải rút lui trong việc tranh thầu khai thác Đại Thế Giới và Kim Chung. Hai sòng bạc đem lại cho Bảy Viễn nguồn lợi vô tận. Tiền thuế cho chánh phủ mỗi ngày là 700.000 đồng. Trừ hết các chi phí hai sòng bạc đem lại cho Bảy Viễn một số tiền tương đương. Bảy Viễn gọi đây là tiền nuôi quân và từ đó không nhận tiền đài thọ của Phòng Nhì và quân đội Pháp nữa. Quân số Bình Xuyên năm 1953 lên đến 11.000, chưa kể khoảng 20.000 lính kiểng, lính ma, thanh niên trốn quân dịch và mật báo viên…
Trước vận đỏ ngồi không đếm bạc, Bảy Viễn không quên công Tư Thiên. Chính Tư Thiên đã gợi ý cho y về việc khai thác hai con bò vàng này. Thưởng Tư Thiên món gì cho xứng đáng? Cái chức giám đốc cảnh sát quốc gia là điều Tư Thiên ngắm nghé từ lâu. Ác thay, Tư Sang đã nhanh tay hơn. Nếu đưa Tư Thiên nắm Nha cảnh sát đô thành thì giao Tư Sang chức vụ gì đây?
Bảy Viễn còn đang suy tính thì một vụ ám sát táo bạo xảy ra tại quán cà phê ngã tư gần Đại Thế Giới. Nạn nhân không ai khác hơn là Tư Thiên và thủ phạm là một người ngồi trên xe “trắc xông” đen. Hắn xả một bằng tôm xông vào Tư Thiên khi tài xế rà sát vỉa hè, cá bàn Tư Thiên ngồi có vài ba thước.
Trong lễ mai táng, Tư Sang đọc diễn văn ca ngợi Tư Thiên là người bạn thân thiết với anh em Bình Xuyên và hứa sẽ truy tầm thủ phạm đã sử dụng chiếc trắc xông đen của Nha cánh sát Đô thành khi thanh toán “người bạn thân thiết” của Bình Xuyên.
Kỳ 54
TRUNG QUỐC CHUYỂN SANG VIỆN TRIỀU CHỐNG MỸ
HAI VĨNH TRỞ VỀ NAM MỞ BẾN LỘC AN
Hai Vĩnh nhận công tác mới: Sang Hải Nam mở cảng chuẩn bị nhận hàng Trung Quốc viện trợ. Cuộc hành trình thật gian khổ! Ngày lên đường, chiến dịch biên giới mở. Pháp còn đóng ở Cao Bằng, ta phải mở đường rừng xuyên qua Côn Minh, từ đó đi Nam Ninh, đi Quảng Đông, Quảng Châu Loan, bán đảo Lôi Châu, đáp thuyền ra Hải Nam. Đảo này mới giải phóng, dân chúng nghèo khổ, chậm tiến. Lực lượng của Hai Vĩnh lên đến 700 người. Đây là một con số rất lớn so với làng mạc nghèo nàn trên đảo. Vấn đề dân vận được Hai Vĩnh đặt lên hàng đầu. Đóng ở nhà nào, anh em dân công phải giúp việc nhà như gánh nước, bổ củi. Nhờ tác phong bộ đội Cụ Hồ mà Hai Vĩnh tạo được sợi dây tình cảm giữa địa phương và quan đội mở cảng.
Công việc tiến hành ồ ạt được mấy tháng thì có lệnh ngưng, Mỹ đã nhảy vào vòng chiến ở Triều Tiên, khắp Trung Quốc đang vận động phong trào Viện Triều Kháng Mỹ.
Thế là Hai Vĩnh rút quân. Tính từ ngày bước chân tới đảo đến ngày ra đi cũng tròn trèm một năm. Kỷ niệm đáng nhớ trong công tác mở cảng này là sự cố trên đường về nước. Chín mươi dân công cùng Hai Vĩnh đi chuyến tàu chót. Trước nhỉ nhổ neo, Hai Vĩnh cẩn thận, xin Quân khu Hải Nam cho lực lượng bảo vệ nhưng được trả lời là không cần, tình hình an toàn trăm phần trăm. Trên tàu chỉ có một trung đội võ trang, có giấy tờ hợp lệ. Hai Vĩnh mang theo số hàng viện trợ về nước.
Tàu ra tới giữa eo biển đúng mười hai giờ trưa, trời nắng chang chang mà có sương mù. Tàu gặp một cơn bão dữ dội từ tám giờ tối đến mười một giờ khuya. Thuyền trưởng bắt buộc phải cho tàu ghé vào bán đảo Lôi Châu để tránh bão. Sáng hôm sau, Hai Vĩnh xuống bến trình diện. Cùng đi với anh có phiên dịch Chương rất giỏi tiếng Quảng Đông. Nhưng nhà cầm quyền địa phương bắt Chương vì tánh tự kiêu của anh này. Hai Vĩnh nói thế nào cũng không xong, phải lên đặc khu nhờ can thiệp. Đặc khu phái quân tới khám tàu, buộc khui tất cả thùng trên tàu. Hai Vĩnh giải thích đây là hàng của nhà nước Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam. Anh trình giấy tờ nhưng đại úy biên phòng tiễu phỉ lắc đầu:
- Ta làm được thì địch cũng làm được!
Hai Vĩnh ôn tồn đề nghị viên đại úy điện về Bắc Hải là nơi tàu dự định tới và điện về Hải Nam là nơi tàu rời bến để các nơi ấy xác định rõ ràng…
Đại úy chịu nghe, nhưng trong những ngày chờ đợi các nơi ấy, tất cả nhân viên trên tàu bị quản thúc. Thì ra đại úy biên phòng tiễu phỉ nghi đây là tàu phỉ bị bão tấp vào bến. Theo hắn, đây là một đám phỉ nguy hiểm vì có đến một trung đội võ trang.
Hai Vĩnh và đoàn cán bộ bị kẹt lại Lôi Châu ba ngày. Ngày đầu được lính đưa cơm tới, nhưng hai ngày sau phải mò xuống bếp tự nấu lấy mà ăn. Đến ngày thứ ba thì thái độ của đại úy phòng tiễu phỉ thay đổi hẳn. Hắn đã được điện và đến xin Hai Vĩnh xí xóa cho thái độ không đẹp đối với khách quốc tế. Hắn càng lo lắng ra mặt khi Hai Vĩnh yêu cầu hắn cho một giấy chứng nhận đã giữ tàu của đoàn Việt Nam trong ba ngày. Hắn sợ Hai Vĩnh thưa lên cấp trên, nhưng Hai Vĩnh đã khéo léo nói cho hắn an tâm.
*****
Hai Vĩnh đi ra Bắc, cô Tư Xóm Cỏ rất lo. Đường đi muôn dặm sơn khê, băng rừng vượt suối, biết bao giờ tới? Rồi biết bao giờ về?... Đó là chưa kể đụng địch dọc đường. Càng nghĩ càng lo. Nhưng rồi công việc hàng ngày giúp cô bớt suy nghĩ vẩn vơ. Kể từ ngày bỏ thành ra Rừng Sác với Chi đội 7, gia đình ông Tám Mạnh sống tập trung theo kiểu đại gia đình xa xưa. Trong thời bình chuyện này đã hiếm, trong thời chiến lại càng hiếm hơn. Khi Tây đánh chiếm Cần Giuộc và Nhà Bè, ông Tám ra lệnh cho tất cả xuống ghe ra bưng. Gánh của ông đông nhất: mười ba người con cộng với mớ cháu nội, cháu ngoại. Cô Tư vừa lo cho chồng vừa lo cho cha và các em. Công việc không đơn giản vì trong các có em Bảy Hải và Tám Hà nhất định bám trụ tiếp tục hoạt động. Bảy Hải là công an còn Tám Hà công tác thành. Cả hai bắn súng lục rất tài, tiố ngày cứ len lỏi trong dân, tìm dịp ám sát bọn Việt gian theo Pháp đánh phá cơ sở cách mạng nội thành. Vụ bắn tên Hiền Sĩ của cô Lan Mê Linh, rồi chiến công diệt tên khâm sai đại thần Nguyễn Văn Sâm của đồng chí On như khuyến khích Bảy Hải và Tám Hà thi đua hoạt động.
Ngoài công tác trừ gian diệt tề, hai anh em còn có nhiệm vụ tiếp tế đồng, chì, gan, sắt, hóa chất để công binh xưởng Chi đội 7 sản xuất lựu đạn cho các ban công tác thành. Hàng đi, hàng về, Bảy Hải và Tám Hà lên xuống Rừng Sác như con thoi.
Hoạt động trong lòng địch cực kỳ nguy hiểm, sơ ý một chút là có thể sa lưới. Cô Tư rất lo cho hai em. Nhưng vài trò của Bảy Hải và Tám Hà rất cần thiết cho binh công xưởng nên ông Tám và cô Tư đành gác cái lo riêng để nghĩ đến việc chung.
Ngày Bảy Viễn đầu Tây và chiếm khu Chánh Hưng làm sào huyệt, đóng đồn lập bót dày đặc, rải chỉ điểm khắp nơi, lùng bắt cán bộ kháng chiến, cô Tư khuyên ông Tám rút Bảy Hải và Tám Hà về rừng. Ông Tám không đợi nhắc nhưng cả hai không rút. Bảy Hải viết thư gởi về nhấn mạnh “con phải ở lại để khử mấy thằng phản bội thanh danh Bình Xuyên”.
Số người bị bọn Thái Hoàng Minh và Tiểu Lý Quảng giết ngày càng nhiều. Cô Tư lại viết thư thúc hai em rút. Chỉ có Tám Hà nghe lời chị, còn Bảy Hải thì ở lại “quyết ăn thua đủ với chúng nó”.
Thế rồi điều cô Tư lo ngại đã thành sự thật. Tin Bảy Hải bị bắt bay về Rừng Sác làm mọi người bàng hoàng. Sau đó liên lạc thành của Chi đội 7 thuật rõ về cái chết anh hùng của người cán bộ công an Chánh Hưng Bảy Hải cho gia đình.
Kẻ giết Bảy Hải là Tiểu Lý Quảng… Quảng là tay du đãng vô danh thuộc nhóm Bảy Viễn. Hắn đã được Bảy Viễn tin dùng khi bỏ rừng chạy về thành trong lúc các chiến sĩ có ý thức cách mạng đều bỏ rơi tên phản bội. Để được tín nhiệm, hắn ra sức khuyến mã, vu người này là Việt Minh vu người kia là Cộng sản. trừ Mười Lực và Bảy Môn là hai chỉ huy được Bảy Viễn trọng dụng giao cả cấp tiểu đoàn, những người trong khu về sau như Năm Chảng, Tám Hoe, Thái Sư Tử v.v… đều bị tên Quảng dòm ngó, soi mói. Có lần hắn nghe mật báo Năm Chảng sinh hoạt Đảng tại chi bộ Bình Đăng, hắn quyết tâm theo dõi Năm Chảng và khi không thu thập được gì thêm thì giở trò hỏi chặn: “Có phải trong đó phái anh về đây không?”. Năm Chảng cười ngất: “Chuyện đó đã có cán bộ Phòng Nhì, anh lo làm chi cho mệt xác?”.
Bắt được Bảy Hải, Quảng mừng như bắt được vàng. Hắn ngọt ngào dụ dỗ, khuyên Bảy Hải theo Bảy Viễn, thế nào cũng được “đại tá” trọng dụng, vì “ông Bảy là bạn của cụ Tám”. Bảy Hải nạt ngang:
- Cha ta không là bạn của tên phản bội!
Quảng dọn cơm lên mời, Bảy Hải đá tung mâm cơm.
- Tao không ăn cơm của những thằng phản bội!
Quảng nhục quá rút dao găm ra đâm Bảy Hải. Trước khi chết Bảy Hải còn hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm”…
*****
Vừa từ Nam Hải trở về nước, Hai Vĩnh xin trở vào Nam. Khởi hành tháng 8/51, anh về tới miền Đông vào cuối năm 51. Anh mang thao ba túi tài liệu, toàn sách của Liên Xô và Trung Quốc. Anh về thật đúng lúc để dự hội nghị Miền ở căn cứ Dương Minh Châu trong tỉnh Tây Ninh. Sau đó anh được đề bạt tỉnh đội phó Bà Rịa. Tỉnh đội trưởng là anh Trần Thắng Minh, tham mưu trưởng là anh Lương Văn Nho
Sau ba năm xa quê, nay trở về Rừng Sác, Hai Vĩnh thấy lòng phơi phới như con chim tung cánh ngàn phương trở về khu rừng cũ.
Gặp lại vợ con, gia đình ông Tám, anh bồi hồi xúc động. Vui chưa được bao lâu, anh đón nhận tin buồn. Cô Tư kể cho anh nghe chuyện hy sinh của Bảy Hải… Trong đám em út, Bảy Hải là người Hai Vĩnh mến thương nhất. Biết ông Tám buồn vì mất đứa con quý nhất trong nhà, Hai Vĩnh tìm lời an ủi ông:
- Con người ai cũng phải chết. Bảy Hải chết rồi nhưng tinh thần bất khuất của Bảy Hải còn sống mãi trong lòng anh em Bình Xuyên và còn sống mãi trong lòng bà con Chánh Hưng mình. Xin cha bớt buồn kẻo suy giảm sức khỏe… Còn thằng Quảng thì chắc chắn có ngày sẽ trả nợ máu với nhân dân. Vay gì trả nấy là chuyện nhãn tiền.
******
Cuộc đời không chỉ là tin buồn mà còn rất nhiều tin vui. Ngày Hai Vĩnh trở về núi Nứa, Trung đoàn 397 làm lễ cưới tập thể có ba cặp tân lang và tân giai nhân. Một cặp được Hai Vĩnh đặc biệt chú ý. Cô dâu là y tá Đặng Thị Tư, vừa tròn đôi mươi, đẹp người đẹp nết, là “bông hoa biết nói của Trung đoàn”. Chú rể là thương binh Võ Văn Trí quê tận Ninh Bình, Trí là cán bộ tiểu đội đã xung phong đầu tiên trong trận đánh lô cốt Cần Giờ. Không may sức ép của quả F.T (phá tường một loại mìn được công binh xưởng của Bùi Cát Vũ chế tạo vào năm 49) làm anh mù cả đôi mắt. Từ chỗ chăm sóc đến yêu thường không xa mấy, chị Tư yêu anh Trí, một thanh niên bị thử thách ác liệt nhưng vẫn không mất tinh thần lạc quan cách mạng. Chị Tư quý anh Trí ở chỗ đó. Có nhiều người còn đủ hai mắt nhưng không sáng bằng chồng chị. Đám cưới tổ chức tại ấp Ba Giồng, chủ hôn bên trai là đồng chí Mười Thìn, Tư lệnh Trung đoàn 300 Dương Văn Dương, chủ hôn bên gái là Tám Tâm.
Những con người cao đẹp như chị Tư không ít trên hòn đảo đạo Trần. Các chiến sĩ Trung đoàn 397 đều xem má Chín ở Bà Trao như mẹ ruột. Nhà má Chín luôn luôn mở rộng cho bộ đội đến đóng, có cá ăn cá, có muối ăn muối, chan hòa, đắp đổi cho nhau. Không ai quên mối tình mẹ con – mẹ chiến sĩ và con bộ đội – giữa má Chín và chính trị viên tiểu đoàn Lý Trần Thức. Thức là người Hà Nam, chiến đấu gan lì đến ho lao, mỗi lần ho máu ra cả chén. Hai anh Phạm Đình Công và Hứa Văn Yến gửi anh Thức tại nhà má Chín để điều trị. Có lúc Thức hấp hối vì máu khô nghẹt trong mũi không thở được. Trong lúc mọi người lắc đầu tuyệt vọng, má Chín vẫn không chịu bỏ cuộc. “Còn nước còn tát”, má dùng miệng hút máu mủ nghẹt trong mũi Thức, một cố gắng tưởng như vô vọng nhưng lại hiệu nghiệm: nhờ đó mà Thức sống.
Hai Vĩnh hãnh diện đã sớm tìm thấy nơi cù lao nhỏ này một “địa linh nhân kiệt” để đưa Chi đội 7 đến lập căn cứ vào những ngày đầu kháng chiến.
******
Công tác đầu tiên của Hai Vĩnh khi lãnh chức tỉnh đội phó Bà Rịa là xây dựng căn cứ địa Xuyên Mộc. Sau trận bão lụt năm Thìn (1952) Xuyên Mộc cũng như tất cả khu rừng miền Đông đều bị tàn phá. Mùa màng thất bát, dân chúng đói khổ, không ít cán bộ và binh sĩ bỏ ngũ. Để đánh bồi thêm, địch nhảy dù xuống Xuyên Mộc, càn quét các cơ quan và lùa dân ra rùng tạm chiến.
Trước tình thế đó, Hai Vĩnh bắt tay vào việc gây dựng lại căn cứ bằng một trận đánh lớn, điều mà không ai nghĩ tới và cũng không ai mạnh dạn tán thành khi có người đề nghị. Hai Vĩnh chọn một trung đội cứng của bộ đội địa phương giận Long Đất, điều nghiên chiến trường, đánh hai trận táo bạo, thọc sâu, rút nhanh vào khu Sông Ray, tạo thanh thế đồng thời họp huyện ủy bàn biện pháp giữ dân ở lại xây dựng căn cứ. Thiếu gạo, phải móc cử rừng ăn lấy sức để trồng khoại mì. Vùng Xuyên Mộc có củ rừng gọi là Thiên Tuế - có nghĩa ngàn năm – nhưng ăn vô thì ngây ngất vì chất mủ độc. Phải gọt vỏ ngâm lâu ngày mới ăn không bị say.
Không để căn cứ Xuyên Mộc hồi sinh, địch lấn chiếm lộ 2 bao vây căn cứ. Huyện ủy Long Điền đóng trên đất Bà Tô bị địch chụp trong thời điểm này. Hai Vĩnh chủ trương “ăn miếng trả miếng”, đánh biệt kích, thọc sâu rút nhanh. Ta bắt được tên quan ba tình báo Phạc-đen (Fardel) chỉ huy quận Lòng Điền và Đất Đỏ suốt mười năm. Địch tung đám Côm-măng-đô đánh ráo riết vào chiến khu để giải thoát Phạc-đen nhưng không thành công.
Sau khi xây dựng căn cứ Xuyên Mộc xong, Hai Vĩnh lại được giao công tác xây dựng căn cứ Hàm Tân. Chiến dịch này bắt đầu từ chuyến đi ra Bắc của đồng chí Lê Duẩn. Đi ngang qua đây, ghé lại nghe báo cáo tình hình, nhận thấy đồng bào Hàm Tân đói khổ lại bị chia cắt với các khu miền Trung (vì đây là dải đất cuối cùng của miền Trung, nhưng trên thực tế lại gắn bó máu thịt với miền Nam), đồng chí Lê Duẩn chủ trương cắt Hàm Tân giao cho Bà Rịa. Hai Vĩnh được mời dự họp với tỉnh ủy Bình Thuận. Đề nghị được hội nghị thông qua. Hai Vĩnh bắt tay vào việc xây dựng căn cứ địa Xuyên Mộc-Hàm Tân. Anh vẫn theo phương pháp cũ: phối hợp nhuần nhuyễn quân sự với kinh tế, kết hợp dân vận với bình vận, lấy bộ đội và cơ quan dân chính làm đầu tàu… Tình hình có khó khăn nhưng Hai Vĩnh vẫn lạc quan: Nhìn ra miền Bắc ta đang đánh lớn, hết chiến dịch Tây Bắc đến chiến dịch Điện Biên. Địch cố đánh mạnh ở miền Nam Trung Bộ, nhưng đó chỉ là sự cố gắng tuyệt vọng… Mà cũng chỉ có thể cố gắng đến mùa hè năm 1954…
Người Bình Xuyên Người Bình Xuyên - Nguyên Hùng Người Bình Xuyên