Chương 50 - Uss Towers (Ddg-103) Vịnh Bengal Thứ Ba, 2 Tháng 12, 23:56 Giờ Địa Phương
hiếc Towers lướt đi trong đêm như một chiếc bóng, lớp sơn hướng quang ngụy trang của nó dường như gói cái dáng thon dài đầy góc cạnh của chiếc tàu vào một màu sắc còn đậm hơn cả đêm khuya nữa. Cách đó hơn 400 km về phía tây, phía bên kia biên đội tàu sân bay của Trung quốc, chiếc khu trục cùng lớp Donald Gerrard cũng đang lao nhanh. Cả hai chiếc chiến hạm đều chạy trong trạng thái ‘tối thui và im lìm’, mọi cảm biến tích cực và trang bị bức xạ đều bị tắt, hướng đi và tốc độ của chúng đã được tính toán để tạo ra diện tích mặt cắt ngang nhỏ nhất cho ra-đa địch.
Ngay cả ánh trăng cũng được lưu ý đến. Theo như niên giám hải quân, lúc mặt trăng chính thức lặn vẫn còn cách lúc này 5 phút nữa, tuy nhiên phân nửa mặt trăng đã khuất xuống dưới chân trời phía tây. Vào lúc 1 phút sau nửa đêm, toàn bộ mặt trăng sẽ bị địa cầu che khuất. Dưới ánh sao còn lại, lớp sơn ngụy trang trên cả hai chiến hạm sẽ khiến chúng rất khó bị phát hiện bằng mắt, cho dù là mắt người hay cảm biến quang học.
Một hệ thống ngăn chặn tia hồng ngoại có khả năng thích ứng tự động làm cho độ nóng do cả hai chiến hạm lưu lại, chỉ xê xích nửa độ so với nhiệt độ không khí chung quanh mà thôi. Và ký hiệu âm thanh của chiến hạm cũng bị cắt giảm bởi những mô-đun giảm thanh tích cực thuộc thế hệ thứ bảy, cộng với động cơ tàu đã được cách ly âm thanh.
Mặc dù có những lời đồn thổi trong mạng internet, bấy nhiêu kỹ thuật quỷ dị ấy cũng không khiến cho hai chiến hạm Mỹ này trở thành vô hình. Nếu quả thật có một kỹ thuật nào có thể làm 9.800 tấn thép hoàn toàn biến mất, thì các kỹ sư của nền công nghệ quốc phòng Mỹ vẫn chưa mò ra. Cho dù ở vào trạng thái hoàn toàn tàng hình, hai chiếc USS Towers và USS Donald Gerrard cũng không phải không thể bị phát hiện. Chúng chỉ khó thể bị phát hiện hơn thôi.
Sự khác biết giữa hai tình trạng ấy, ‘không thể’ và ‘khó thể’ bị phát hiện, vẫn đang nặng nề trong tâm trí của Trung Tá Silva trong khi nàng đứng cạnh Đại Tá Bowie trong phòng hành quân CIC và quan sát màn ảnh chiến thuật Aegis. Dưới tình huống nào khác, sự khác biệt trên lý thuyết giữa hai tình trạng ‘không thể’ và ‘khó thể’ phát hiện có lẽ đã trở thành một tiêu đề tranh cải kỹ thuật rất hấp dẫn. Nhưng mà trong tình huống hiện tại, cái khác biệt nhỏ xíu trên lý thuyết ấy có thể là khác biệt giữa sống hay chết.
Trên màn ảnh, hai phù hiệu màu xanh lơ tượng trưng cho hai chiếc Towers và Gerrard đang lướt vào những vùng màu đỏ dùng để miêu tả vùng được bao phủ bởi ra-đa của các chiến hạm Trung quốc gần nhất. Các vùng này có ám hiệu bằng màu dựa theo xác suất bị phát hiện: màu đỏ nhạt để chỉ xác suất thấp, màu đỏ đậm hơn để chỉ xác suất cao hơn. Ở ngoài rìa của vùng ra-đa địch bao phủ, màu đỏ nhạt đến độ gần như màu hồng. Gần đến chiếc tàu sân bay Trung quốc, màu đỏ đậm dần thành màu đỏ máu.
Hai chiến hạm Mỹ ở phương hướng gần như đối diện nhau, chiếc Towers chạy về hướng tây còn chiếc Gerrard tiến về hướng đông, cả hai đều chậm rãi tiến về đội chiến hạm Trung quốc nằm ở giữa. Đến một điểm nào đó, hai chiếc khu trục hạm Mỹ sẽ vượt qua một lằn ranh mơ hồ nào đó, nơi mà các góc cạnh có thể đẩy tạt đi bức xạ vi ba và các tấm lát trên vỏ tàu có thể hấp thu bức xạ ra-đa sẽ không còn khả năng che giấu chúng khỏi các cảm biến của địch nữa. Mục đích của họ là bắt đầu cuộc tấn công trước khi họ vượt qua lằn ranh vô hình đó.
Nếu mọi thứ đều diễn ra theo kế hoạch đã định sẵn, quân Trung quốc sẽ không hề hoài nghi gì sự hiện diện của hai chiếc chiến hạm Mỹ cho đến khi họ phát hiện ra những quả phi đạn đang lao đến mình. Mà đến lúc đó, thì đã quá muộn rồi.
Mắt của Silva vẫn dán vào màn ảnh. Bên cạnh phù hiệu của chiếc Towers là một ô chữ sáng rực chứa xác suất bị phát hiện do máy vi tính tính ra; dãy số này gồm hai phần được chia bởi một gạch chéo: 62,0/7,8. Nhóm số đầu, được trình bày để người quan sát có thể so sánh dễ dàng, là thông số diện tích mặt cắt ngang của một chiếc khu trục hạm lớp Arleigh Burke tiêu chuẩn. Nhóm số sau là thông số ký hiệu ra-đa đã được giảm thiểu của một chiếc tàu thuộc Nhóm III Arleigh Burke đã được cải tiến.
Dựa theo cường độ tín hiệu hai chiến hạm nhận được ở vị trí hiện tại, máy vi tính của hệ thống ‘chỉ huy và quyết định’ Aegis dự đoán 62% khả năng một chiếc khu trục Arleigh Burke chưa được cải tiến sẽ bị ra-đa Trung quốc phát hiện, và 7,8% khả năng các cảm biến Trung quốc đó có thể phát hiện chiếc Towers.
Trong khi Silva đang quan sát, số liệu đổi thành 68,2/9,1, khi chiếc USS Towers nhích đến gần hơn vòng đai phòng thủ của chiếc tàu sân bay Trung quốc.
Trên quan điểm trí thức, Silva nhìn nhận là 9 phần trăm không phải là xác suất cao, nhất là khi so sánh với gần 70 phần trăm mà một chiếc tàu ít có tính năng tành hình hơn đã phải chịu vào lúc này. Nhưng mà cho dù có được các kỹ thuật tiên tiến nhất, thì vẫn có gần một phần mười khả năng một gã chuyên viên ra-đa Trung quốc sẽ nhìn sâu vào đám hình phản xạ hỗn loạn trên khung ảnh của gã và nhận ra một vết mờ nhạt nhỏ xíu tượng trưng cho chiếc USS Towers.
Silva kéo tầm mắt ra khỏi ô số liệu xác suất bị phát hiện và quan sát tình hình chiến thuật tổng thể. Chiếc tàu sân bay địch được bao bọc bởi bốn chiếc tàu chiến mặt nước: một cặp khu trục nhỏ đa năng Type 054A (lớp Jiangkai II) ở phía tây bắc và tây nam, và một cặp khu trục phòng không Type 51C (lớp Luzhou) ở phía đông bắc và đông nam. Như vậy là cả hai chiếc khu trục Trung quốc đều ở phía đông của biên đội, gần chiếc Towers nhất, có lẽ để phòng vệ chống lại biên đội Midway đang triệt thoái.
Phù hiệu của các chiến hạm Trung quốc được bao quanh bởi một vòng tròn được vẻ bằng đường chấm, tượng trưng cho khu vực được tính toán là ‘không thể xác định’. Các chiến hạm địch được ước tính là nằm đâu đó trong vùng ‘không thể xác định’ ấy, nhưng vị trí chính xác thì không rõ.
Vì các ăng-ten ra-đa của chính chúng đã bị tắt đi, hai chiếc Towers và Gerrard phải dựa vào dữ liệu được cung cấp bởi thiết bị chiến tranh điện tử AN/SLQ-32(V)3. Thiết bị SLQ-32 (được nhân viên sử dụng đọc là Slick-32, người dịch: ‘slick’ nghĩa là trơn tru hay lanh lẹ) có khả năng phát hiện, nhận diện và truy lùng hầu như tất cả mọi loại ra-đa truy lùng, nhắm bắn hay định vị. Nhưng cho dù có khả năng thích ứng cao và tính toán mạnh, Slick-32 vẫn chỉ là một cảm biến tiêu cực. Nó có thể xác định phương hướng của ra-đa địch, nhưng nó không có khả năng tính toán thiết bị bức xạ của địch cách bao xa. Thông số phương hướng này cũng đủ để nhắm phi đạn Harpoon (43) rồi, nhưng thiếu số liệu về tầm xa tối cần thiết cho hầu hết các hệ thống vũ khí khác.
Nếu hai chiếc Towers và Gerrard không phải hoạt động trong tình trạng hạn chế bức xạ tuyệt đối, chúng có thể trao đổi phương hướng qua mạng thông tin chiến thuật, thiết lập và duy trì vị trí ra-đa địch và xác định vị trí chiến hạm Trung quốc một cách chuẩn xác và liên tục. Thay vì vậy, họ bị buộc phải dùng số liệu do một chiếc máy bay không người lái Night Eagle III đang bay trinh sát vòng vòng bên trên biên đội địch ở cao độ 6,000 m, lâu lâu chuyển xuống cho họ.
Được cấu tạo bằng nguyên liệu hỗn hợp có khả năng để bức xạ xuyên suốt qua mà không phản chiếu lại, máy bay này nhỏ, nhẹ và có tính năng tàng hình khá cao. Cứ khoảng mỗi 15 phút, nó lại chiếu một tia laser đèn lưỡng cực cực tím lên trời, mang theo một khối số liệu bằng kỹ thuật số đến một trong số 11 chiếc vệ tinh thông tin liên lạc SATCOM trong quỹ đạo. Vệ tinh này lập tức mã hóa dữ liệu từ máy bay không người lái ấy và lại chuyển nó trở về mặt đất trong một tín hiệu UHF đã mã hóa. Lúc ấy, tín hiệu này được hai chiếc khu trục hạm Mỹ tiếp nhận và giải mã.
Qua những lần cập nhật định kỳ ấy, vùng không thể xác định quanh mỗi chiến hạm Trung quốc càng lúc càng thu nhỏ lại thành một điểm và hai chiếc Towers và Gerrard biết chính xác vị trí của mỗi chiếc địch hạm. Tuy nhiên với mỗi phút trôi qua và chiến hạm Trung quốc dịch chuyển trong đội hình của chúng, trang bị Slick-32 chỉ có thể theo dõi phương hướng của chúng thôi. Ước tính về tầm xa sẽ càng lúc càng trở nên không đáng tin cậy và vòng tròn tượng trưng vùng ‘không thể xác định’ lại mở rộng ra.
Chiếc Night Hawk III có khả năng duy trì liên lạc liên tục với các vệ tinh, liên tục cập nhật vị trí của địch hạm, nhưng lập trình của nó là cố gắng tránh bị phát hiện. Có ít nhất là ba phi tuần tiêm kích J-15 đang bay vòng vòng trong khu vực này để bảo vệ cho chiếc tàu sân bay Trung quốc. Phương thức liên lạc của chiếc Night Hawk III rất kín đáo, nhưng không phải hoàn toàn vô hình.
Một lần nữa, chung quy cũng chỉ là sự khác biệt giữa ‘không thể’ và ‘khó thể’ phát hiện mà thôi. Sự thành công hay thất bại của nhiệm vụ này, cái sống hay cái chết, đều tùy thuộc vào việc duy trì chiếc máy bay không người lái này và hai chiếc chiến hạm Mỹ bên dưới mức có thể bị phát hiện.
Bất cứ một chiếc nào trong số các máy bay tiêm kích Trung quốc ấy đều có khả năng may mắn bắt được một tia phản chiếu từ chiếc Towers hay Gerrard vào bất cứ lúc nào. Một trong số các viên phi công có khả năng tình cờ liếc mắt lên trên (hay xuống dưới) vừa đúng một góc độ nào đó và thoáng thấy một cái dáng đen thui kỳ dị giữa các làn sóng hay một cái bóng đen nhỏ có cánh in trên bầu trời đêm.
Silva biết rằng nàng không nên có những suy tư như thế, nhưng mà đây là cái khoảng thời gian mà nàng rất ghét. Cái khoảng thời gian chờ đợi. Chính là cái khoảng khắc yên lặng trước khi bão tố trong truyền thuyết ấy mà. Cái khoảng thời gian dài vô tận khi không có hành động nào, khi mà mỗi giây đều như kéo dài ra thành một lưỡi dao sắt bén như dao cạo, mà người ta không có gì để làm ngoại trừ việc suy tư về đủ thứ chuyện sai lầm có thể xảy ra.
Trên màn hình chiến thuật, phù hiệu của hai chiếc Towers và Gerrard đã ở thật sâu vào khu vực càng lúc càng đỏ đậm của vùng được bao phủ bởi ra-đa Trung quốc rồi. Khung số cho thấy xác suất bị phát hiện đã là 88,1/17,6. Đã có đến gần một phần năm khả năng bọn họ bị phát hiện rồi, mà các con số này vẫn còn tiếp tục tăng lên cao thêm.
Nếu chia đôi phần tốt nhất và tệ hại nhất của khu vực ‘không thể xác định’, các chiếc khu trục Trung quốc đang cách xa họ chỉ hơn 70 km. Chúng đã lọt vào tầm của phi đạn Harpoon từ lâu rồi, nhưng từ buổi thuyết trình trước khi tiến hành nhiệm vụ, Silva đã biết rằng Đại Tá Bowie dự tính tiến gần thêm 5 km nữa trước khi bắt đầu cuộc tập kích.
Như hầu hết các tàu chiến mặt nước của Mỹ, chiếc Towers chỉ mang theo có tám quả phi đạn đối hạm Harpoon thôi. Chiếc USS Donald Gerrard cũng chỉ có tám quả. Như vậy, họ chỉ có thể dành bốn quả cho mỗi mục tiêu, nhưng mà chiến hạm Trung quốc nghe đâu được trang bị các hệ thống chống phi đạn rất tốt.
Bowie muốn tiến đến gần đủ để tiếp tục xạ kích bằng trọng pháo, trong trường hợp số lượng Harpoon ít ỏi không đủ bảo đảm đánh gục kẻ địch.
Chỉ cần trước đây một năm thôi, một cuộc xạ kích bằng pháo từ tầm xa 60 km đã là một điều không thể thực thi. Để đánh các mục tiêu trên mặt nước, tầm xạ kích hữu hiệu của một viên đạn pháo tiêu chuẩn 127 mm của Hải quân chỉ chưa đến 20 hải lý (36 km), chưa được phân nửa tầm xa mà kế hoạch của Bowie đòi hỏi. Nhưng đó là trước khi sự xuất hiện của Vulcano.
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, đã có nhiều cố gắng để triển khai đạn pháo có rocket hỗ trợ để đạt được tầm xa hơn, nhưng không dự án nào của Mỹ thành công cả. Hai dự án hứa hẹn nhất, Ballistic Trajectory Extended Range Munition (BTERM) và Extended Guided Munition (ERGM), đều bị hủy bỏ vì vượt quá ngân sách và những trở ngại kỹ thuật dai dẳng.
Hải quân Hoa Kỳ cuối cùng đành đi đường vòng để tránh các vấn đề này bằng cách mua đạn từ hãng OTO-Melara của Ý. Nền công nghệ quốc phòng Ý đã thành công trong khi các tập đoàn công nghệ quân sự của Mỹ đều thất bại. Các quả đạn 127 mm Vulcano của hãng OTO-Melara hoàn toàn phù hợp với pháo 127 mm trên chiến hạm Mỹ và tầm bắn tối đa của chúng là 75 km.
Các pháo thủ trên hai chiếc Towers và Gerrard đều đã được huấn luyện sử dụng đạn Vulcano và họ đã trải qua một số lần huấn luyện đáng nể, qua phương pháp mô phỏng trên máy vi tính, để chuẩn bị sử dụng loại đạn mới này. Tuy nhiên máy huấn luyện mô phỏng chính xác nhất cũng có giới hạn thực tế và những cuộc tập dượt bằng đạn thật chỉ xảy ra được 5-6 lần mà thôi.
Xét đến các sự kiện ấy và biết rằng Hải quân Hoa Kỳ chưa từng sử dụng đạn Vulcano trong thực chiến lần nào, Bowie đã quyết định nhích tới gần mục tiêu thêm một chút nữa, trước khi bắt đầu cuộc tập kích.
Silva hoàn toàn đồng ý với lối suy nghĩ của viên hạm trưởng này. Hoàn toàn hợp lý khi mà hắn không dựa dẫm vào các đánh giá trên sách vở về khả năng của món vũ khí mới này. Tốt nhất là thêm vào một mức an toàn trong trường hợp sách vở viết sai.
Nhưng mà số xác suất bị phát hiện vẫn tiếp tục tăng lên. Trong khi Silva quan sát, nó đã đổi thành 91,6/22,9 rồi. Trong vài phút nữa, khả năng bị phát hiện sẽ đạt đến 30 phần trăm. Quá cao để người ta cảm thấy thoải mái rồi.
Silva nhìn quanh và chạm vào ánh mắt của Bowie. Hắn hơi nhướng một bên lông mày lên, nói. “Có lẽ đây là cảm giác của một hạm trưởng tàu ngầm nhỉ.”
Hắn quay sang màn ảnh chiến thuật. “Cố gắng lẻn vào vòng đai cảm biến của quân địch mà không bị phát hiện. Hiểu rằng chỉ có sự im lặng và may mắn mới có thể giữ được tính mạng của mình.”
Trung tá Silva gật đầu, nhưng không nói gì cả. Mắt nàng lướt qua lại giữa số liệu ước lượng khoảng cách với mục tiêu và xác suất bị phát hiện. Hai dãy số, một con số giảm dần còn con số kia thì tăng dần. Im lặng và may mắn. Im lặng… May mắn. Im lặng…
Một loạt âm thanh tín hiệu UHF đã mã hóa vang lên từ máy truyền tin SATCOM, mang theo số liệu vị trí mới nhất từ chiếc Night Hawk III. Trên màn ảnh Aegis, khu vực ‘không thể xác định’ của các chiến hạm Trung quốc lập tức thu nhỏ lại thành những điểm tách rời.
Đại tá Bowie nhìn vào vị trí của các mục tiêu, ước tính góc độ và khoảng cách đối chiếu với kế hoạch trong đầu. Hắn gật đầu, tằng hắng và nói lớn. “Chúng ta tiến hành nào.”
Và đột nhiên, thời điểm đã đến.
Chú Thích:
(43) Harpoon RGM-84 là phi đạn hành trình đối hạm được Hoa Kỳ triển khai từ 1977. Phi đạn này được cải tiến và nâng cấp nhiều lần và hiện được rất nhiều quốc gia sử dụng. Có nhiều phiên bản cho tiêm kích, tàu mặt nước, tàu ngầm và trên bộ. Khác với các loại phi đạn hành trình đối hạm thường gặp vào thập kỷ 1970-1980 chỉ có thể bay sát mặt nước thẳng đến mục tiêu và liên tục tìm tòi mục tiêu, Harpoon có thể được gài lập trình để bay theo tuyến đường rắc rối (bay vòng) tạo mê hoặc cho địch thủ, bay sát mặt nước mà chỉ sử dụng ra-đa để đo và điều chỉnh cao độ nên khó bị phát hiện. Sau đó, khi tiếp cận mục tiêu, Harpoon mới bật ra-đa tìm mục tiêu. Khi phát hiện mục tiêu, nó lao vọt lên không, rồi đâm xuống từ trên cao. Vì lộ trình biến đổi bất ngờ, địch khó đánh chặn hơn. Vì tuyến đường phức tạp, ta có thể bắn nhiều phi đạn tấn công vào mục tiêu từ phương hướng khác nhau tạo khó khăn và mê hoặc cho chiến hạm địch. Vì lao xuống từ trên cao, Harpoon có thể được thiết kế nhỏ hơn, mang đầu đạn nhẹ hơn, nhưng vẫn xuyên thủng được sàn tàu (mỏng hơn vỏ tàu) và gây thiệt hại nặng (nổ sâu bên trong mục tiêu). Dòng phi đạn này rất thành công và được Liên Xô mô phỏng (xem Kh-35U).
Lưỡi Kiếm Của Thần Shiva Lưỡi Kiếm Của Thần Shiva - Jeff Edwards Lưỡi Kiếm Của Thần Shiva