Chương 52
hật ra, trở ngại lớn nhất trong trải nghiệm của tôi ở Ashram không phải là thiền. Điều đó khó khăn, dĩ nhiên, nhưng không khó chịu. Với tôi ở đây có cái gì đó thậm chí còn nặng nề hơn. Điều khó chịu đó là cái chúng tôi làm mỗi sáng sau khi thiền và trước giờ điểm tâm (lạy Chúa, mà những buổi sáng này đều dài) – một bài tụng gọi là Gurugita. Richard gọi nó là “Bài Hát”. Tôi gặp rắc rối dữ với Bài Hát. Tôi không thích nó chút nào, chưa từng, từ lần đầu tiên tôi nghe thấy người ta hát tại Ashram ở vùng phía Bắc bang New York. Tôi thích tất cả các bài kệ và tụng ca khác của truyền thống Yoga này, nhưng Gurugita tạo cái cảm giác dài, chán ngắt, rỗng tuếch và không thể chịu đựng được. Đó chỉ láy kiến của tôi, tất nhiên; những người khác nói họ yêu nó, dù tôi không thể hiểu được tại sao.
Gurugita dài 182 khổ thơ để đọc to lên (và đôi khi tôi cũng làm vậy), và mỗi khổ thơ là một đoạn tiếng Phạn không thể lĩnh hội được. Cùng với bài kệ mở đầu và phần đồng ca tổng kết, phải mất khoảng một tiếng rưỡi toàn bộ nghi thức mới hoàn tất. Nên nhớ là, việc ấy là trước buổi điểm tâm, và sau khi chúng tôi đã có một giờ tĩnh tọa và hai mươi phút tụng bài tụng ca đầu tiên của buổi sáng. Về cơ bản Gurugita là lý do ta phải dậy vào lúc 3 giờ sáng ở đây.
Toi không thích âm điệu, mà cũng không thích lời Bài Hát. Mỗi khi tôi nói với bất kỳ ai ở Ashram về điều này, họ đáp, “Ôi, nhưng nó mới thiêng liêng làm sao!” Đúng, và Sách Job[34] cũng thế, và tôi không định tụng niệm to bài này mỗi sáng trước giờ điểm tâm.
Gurugita có một nguồn gốc tâm linh ấn tượng; nó là trích đoạn từ một kinh Yoga cổ gọi là Skanda Purana mà phần nhiều đã thất lạc, chỉ phần ít được dịch ra từ tiếng Phạn. Như phần lớn kinh Yoga, bài tụng được viết ở dạng hỏi đáp, một dạng đối thoại gần như kiểu Socrate. Cuộc trò chuyện giữa nữ thần Parvati và thần Shiva toàn năng, bao trùm vạn vật. Parvati và Shiva là hiện thân thần thánh của sáng tạo (người nữ) và ý thức (người nam). Nữ thần là năng lực sản sinh vũ trụ; nam thần là sự minh triết vô hình tướng của vũ trụ. Shiva tưởng tượng ra bất kỳ điều gì, Parvati đều sản sinh nó. Nam thần nghĩ ra nó; nữ thần vật chất hóa nó. Vũ điệu của họ, hợp nhất của họ (Yoga của họ), vừa là nguyên nhân vừa là hóa hiện của vũ trụ.
Trong Gurugita, nữ thần hỏi nam thần những bí ẩn và mãn nguyện trần tục, và nam thần cho nữ thần biết. Cái bài tụng này, nó làm tôi phát cáu. Tôi đã mong cảm nhận của mình về Gurugita sẽ thay đổi trong thời gian mình ở Ashram. Tôi đã hy vọng rằng đặt nó vào bối cảnh Ấn Độ sẽ khiến mình biết cách yêu nó.
Thật ra thì, lại xảy ra điều ngược lại. Trong vài tuần ở đây, cảm nhận của tôi về Gurugita đã chuyển từ không thích bình thường sang kinh sợ hoàn toàn. Tôi đã bắt đầu bỏ qua bài tụng và làm những việc khác trong buổi sáng mà tôi nghĩ tốt hơn nhiều cho sự phát triển tâm linh của mình, như viết nhật ký, hay tắm vòi sen, hay gọi cho chị gái ở Pennsylvania xem mấy nhóc nhà chị ra sao.
Richard từ Texas luôn tấn công chuyện tôi bỏ qua bài tụng. “Tôi thấy cô vắng mặt trong Bài Hát sáng nay,” anh sẽ nói, và tôi sẽ nói, “Tôi liên lạc với Thượng Đế bằng những cách khác.” Và anh sẽ nói, “Cô định nói là bằng cách ngủ nướng à?”
Nhưng khi tôi cố gắng đến buổi tụng kinh, tất cả những gì nó làm là quấy đảo tôi. Tôi muốn nói, về mặt thể chất. Tôi không cảm thấy như đang hát mà đúng hơn là bị nó kéo lê đằng sau. Nó làm tôi vã mồ hôi. Chuyện này thật lạ vì tôi thường là một trong những người bị lạnh kinh niên trong đời, và ở vùng này của Ấn Độ vào tháng Giêng trời lạnh trước khi mặt trời lên. Những người khác quấn chặt mền và mũ len để giữ ấm khi ngồi tụng, còn trong lúc bài tụng ca cứ đều đều, tôi lột dần các lớp áo quần, sùi bọt mép như một con ngựa ở nông trại bị bắt làm việc quá mức. Sau bài Gurugita tôi ra khỏi đền thờ, mồ hôi vã như sương mù – như sương mù hôi hám, xanh lè và kinh khủng – trong không khí lạnh ngắt buổi sáng. Phản xạ cơ thể này còn nhẹ so với những làn sóng cảm xúc nóng bừng rung chuyển tôi khi tôi cố tụng bài tụng ca. Và tôi thậm chí không thể hát. Tôi chỉ có thể rền rĩ. Một cách phẫn uất.
Tôi đã đề cập là nó có 182 khổ thơ chưa?
Vậy nên vài ngày trước, sau một buổi tụng kinh đặc biệt khó chịu, tôi quyết định tìm lời khuyên từ vị thầy tôi mến chuộng ở quanh đây – vị thầy tu với một cái tên Phạn dài tuyệt vời mà dịch ra là “Ông Ấy Người Ngụ Trong Trái Tim Của Trời Người Ngụ Trong Trái Tim Của Riêng Ông Ấy.” Thầy tu này là người Mỹ, tuổi chừng sáu mươi, thông minh và có học thức. Ông đã từng là một giáo sư kịch nghệ cổ điển tại NYU, và ông vẫn có dáng đi khá bệ vệ đáng kính. Ông đã phát nguyện tu hành gần ba mươi năm trước. Tôi thích ông vì ông hài hước và nghiêm túc. Trong một khoảnh khắc tối tăm bối rối về David, tôi đã từng tâm sự nỗi đau của mình với thầy tu này. Ông lắng nghe một cách kính cẩn, cố tìm những lời khuyên giải cảm thông nhất, và rồi nói, “Còn giờ thì tôi sẽ hôn áo mình.” Ông nâng một góc áo cà sa và hôn thật mạnh. Cho rằng có lẽ đây là một tục lệ tôn giáo cực kỳ thần bí nào đó, tôi hỏi ông đang làm gì. Ông nói, “Tôi luôn làm như vậy mỗi khi ai đó đến xin tôi những lời khuyên về quan hệ. Tôi chỉ đang cảm tạ Thượng Đế vì tôi là một thầy tu và tôi không phải liên quan gì đến chuyện này nữa.”
Vậy nên tôi biết mình có thể tin tưởng ông để nói thẳng vấn đề của mình với Gurugita. Một buổi tối sau giờ ăn chúng tôi cùng đi dạo một lát trong vườn, tôi nói với ông tôi ghét bài tụng ca này đến chừng nào và hỏi ông có thể vui lòng miễn cho tôi không phải tụng nữa không. Ngay lập tức ông phá lên cười. Ông nói, “Cô không phải tụng nó nếu cô không muốn. Không bao giờ có ai quanh đây bắt cô làm điều cô không muốn làm.”
“Nhưng người ta nói đó là một thực hành tâm linh quan trọng.”
“Đúng vậy. Nhưng tôi sẽ không bảo là cô sẽ phải xuống địa ngục nếu không làm vậy. Điều duy nhất tôi sẽ nói cho cô biết là Sư phụ cô đã khẳng định về việc này rồi. Gurugita là một kinh văn thiết yếu của môn Yoga này, và có lẽ là thực hành quan trọng nhất ta có thể làm, sau thiền định. Nếu cô đang ở Ashram, bà mong đợi cô dậy để tụng nó mỗi sáng.”
“Không phải là tôi thiền gì chuyện dậy sớm mỗi sáng...”
“Vậy thì nó là cái gì?”
Tôi giải thích với vị thầy tu tại sao tôi dần dần khiếp sợ Gurugita, nó gây cảm giác tra tấn ra sao.
Ông nói, “Chà – nhìn cô kìa. Chỉ mới nói về nó thôi mà cô đã trở nên khó chịu hết cả rồi.”
Đúng thế. Tôi đã có thể cảm thấy mồ hôi lạnh, ẩm ướt dồn trong nách. Tôi hỏi, “Thay vì vậy tôi không thể dùng thời gian đó để làm những thực hành khác sao? Đôi khi tôi thấy nếu tới động thiền trong giờ Gurugita tôi có thể có được một rung cảm tốt để thiền.”
“À – Swamiji có lẽ sẽ rầy cô vì chuyện đó. Ông ấy có lẽ sẽ gọi cô là một tên trộm tụng kinh vì đã bất cần công sức khó nhọc của tất cả những người khác. Nghe này, Gurugita không phải là bài hát để hát cho vui. Nó có một chức năng khác. Nó là một kinh văn quyền năng, không thể tưởng tượng được. Nó là một thực hành thanh tẩy phi thường. Nó thiêu rụi tất cả những gì tạp nhạp trong ta, tất cả những cảm xúc tiêu cực. Và tôi nghĩ có lẽ nó có một hiệu quả tích cực đối với cô nếu như cô đang trải nghiệm những cảm xúc và phản ứng thể chất mạnh mẽ như thế khi tụng. Thứ này có thể đau đớn, nhưng nó cực kỳ lợi hại.”
“Làm thế nào ông duy trì động cơ để vẫn trụ lại được với nó?”
“Có lựa chọn khác sao? Bỏ đi mỗi cái gì trở nên thách thức sao? Để lãng phí cả đời ta, thảm thương và bất toàn sao?”
“Ông thực sự vừa nói là ‘lãng phí’?”
“Đúng. Đúng, tôi đã nói vậy.”
“Tôi nên làm gì?”
“Cô phải quyết định cho chính mình. Nhưng lời khuyên của tôi là – vì cô đã hỏi – cứ tiếp tục tụng Gurugita khi cô ở đây, nhất là vì cô đang có một phản ứng thái quá như vậy với nó. Nếu cái gì đó xung đột mạnh với cô như thế, cô có thể tin là nó đang có tác dụng với mình. Đây là điều Gurugita làm. Nó thiêu rụi bản ngã, biến ta thành chỉ còn tro bụi. Nó phải là mãnh liệt, Liz. Nó có một quyền năng vượt xa sức hiểu biết lý trí. Cô chỉ ở lại Ashram một tuần nữa, phải không? Và rồi cô được tự do đi đây đó và vui vẻ. Nên cứ tụng bài tụng cả này chỉ thêm bảy lần nữa thôi, rồi cô sẽ không bao giờ phải tụng nữa. hãy nhớ điều Sư phụ của chúng ta nói – hãy là một nhà khoa học của trải nghiệm tâm linh của chính ta. Cô ở đây không phải với tư cách một người đi du lịch hay một nhà báo; cô ở đây với tư cách một người tầm đạo. Vậy nên hãy khám phá nó.
“Vậy là ông không miễn cho tôi ư?”
“Cô có thể miễn cho mình bất cứ khi nào cô muốn, cô Liz. Đó là thỏa ước với thánh thần về một điều nho nhỏ mà chúng ta gọi là tự do ý trí.”
Ăn Cầu Nguyện Yêu Ăn Cầu Nguyện Yêu - Elizabeth Gilbert Ăn Cầu Nguyện Yêu