Núi Thần epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần 7 - Vô Cùng Ám Muội
ác cuộc thuyết trình của Edhin Krokowski trong những năm qua đã rẽ sang một bước ngoặt không ai ngờ. Các nghiên cứu của ông ta trong lĩnh vực mổ xẻ linh hồn và phân tích giấc mơ vẫn mang đậm tính cách hầm ngầm nếu không muốn nói là hầm mộ; nhưng gần đây, qua giai đoạn chuyển tiếp nhẹ nhàng gần như không ai nhận thấy ông ta đã hướng hoạt động chuyên môn của mình vào con đường ma thuật, và những buổi thuyết trình mười bốn ngày một lần trong phòng ăn lớn, tiết mục ăn khách nhất của ‘Sơn trang’, niềm tự hào của tờ quảng cáo, vẫn diễn ra sau chiếc bàn nhỏ trải khăn tươm tất, với diễn giả mặc lễ phục và đi dép xăng đan, bằng giọng ngoại quốc ề à trước một cử tọa chăm chú ngồi bất động - những bài nói ấy không còn bàn về tình yêu trá hình và chuyển biến có ý thức từ bệnh tật ngược trở lại cảm xúc; giờ đây đối tượng của chúng là những hiện tượng lạ lùng khó hiểu trong lĩnh vực thôi miên và thụy du, là thần giao cách cảm, là giấc mơ hiện thực và năng lực tiên tri, những phép lạ của chứng hysteria, lĩnh vực mở rộng của chân trời triết học, và người nghe bỗng bị đặt trước những vấn đề hóc búa như mối quan hệ giữa vật chất và tâm lý, thậm chí thấy mình phải đối đầu với đích thân câu hỏi về bí mật của sự sống, mà để tiếp cận nó có vẻ như con đường ám muội và bệnh tật lại có nhiều triển vọng hơn con đường sức khỏe...
Chúng tôi kể tất cả những điều này vì cảm thấy mình có trách nhiệm vạch trần sự hồ đồ của những kẻ tung tin rằng bác sĩ Krokowski chỉ chuyển hướng sang lĩnh vực tâm linh để cứu vãn loạt bài nói chuyện chuyên đề đơn điệu chết người của ông ta, tóm lại để thu hút cảm tình của người nghe chứ không phải vì lý do khoa học. Đó là luận điệu của những kẻ ưa chê bai biếm nhẽ nhan nhản khắp nơi. Đúng là trong những buổi thuyết trình ngày thứ hai các ông nhanh nhảu dọn tai nghe hơn bao giờ hết, và cô Levi ngồi lặng càng giống một hình nhân bằng sáp với cơ cấu điều khiển cử động giấu trong ngực. Nhưng những tác động này cũng chính đáng như quá trình phát triển tư duy của nhà chuyên môn, ông ta có quyền viện dẫn không chỉ sự liên tục mà cả tính thiết yếu của nó. Đối tượng nghiên cứu hồi nào tới giờ của ông ta vẫn là lĩnh vực rộng lớn còn nằm trong bóng tối, thế giới linh hồn của con người, cái được gọi là tiềm thức, mặc dù lẽ ra nên gọi nó là siêu thức thì hơn, vì đôi khi ở đó nổi lên một điều vượt xa khả năng nhận thức của mỗi cá nhân và khiến người ta đâm ra nghi ngại, biết đâu chẳng tồn tại những mối liên hệ và ràng buộc bí mật giữa miền tối tăm sâu thẳm nhất của mỗi linh hồn với một linh hồn chung có kiến thức bao trùm tất cả. Tiềm thức, tên gọi đầy đủ là ‘ý thức tiềm ẩn’, rất nhanh chóng chứng tỏ sự bí ẩn của mình theo nghĩa hẹp của cái từ này và trở thành nguồn sản sinh vô số các hiện tượng không thể lý giải được mà người ta bỏ chung cả vào cái rọ ấy. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Ai nhìn thấy nguyên nhân các triệu chứng bệnh lý của cơ thể trong đời sống tinh thần có ý thức với những cảm xúc cao độ bị cấm đoán và đè nén, người đó sẽ nhận ra sức sáng tạo của tâm lý trong lòng vật chất - một sức mạnh mà người ta buộc phải nhìn nhận như là nguồn thứ cấp của các hiện tượng thần bí kia. Là người duy tâm trong bệnh lý, nếu không muốn nói là một người duy tâm mắc bệnh, anh ta sẽ thấy mình ở điểm khởi đầu của dòng tư tưởng tự động theo con đường ngắn nhất đổ về vấn đề cốt lõi của sự tồn tại, đó là câu hỏi về mối quan hệ giữa tinh thần và vật chất. Một người duy vật, con đẻ của triết học trực quan thô thiển, sẽ không bao giờ chấp nhận lời giải thích nào khác ngoài lập luận linh hồn chỉ là sản phẩm lân tinh hóa của vật chất. Trong khi ấy người duy tâm, áp dụng nguyên tắc sáng tạo của bệnh tật, nhanh chóng thiên về quyết định trả lời câu hỏi tiên quyết ấy theo hướng hoàn toàn ngược lại. Có thể bảo rằng đây là một vấn đề không nhỏ hơn đề tài tranh luận xưa như trái đất đã làm tốn biết bao giấy mực: cái gì có trước, con gà hay quả trứng - câu hỏi luẩn quẩn đặc biệt rắc rối vì một thực tế hiển nhiên là không có quả trứng nào không do gà đẻ ra và cũng không có con gà nào không chui ra từ trứng.
Vậy là những vấn đề này được bác sĩ Krokowski mổ xẻ trong các bài thuyết trình gần đây của ông ta. Ông ta đi đến đó bằng con đường hữu cơ, hợp lệ và hợp logic, chúng tôi không tiếc lời nhấn mạnh điều này, và chỉ muốn bổ sung một cách dư thừa rằng ông ta đã khơi dậy đề tài này từ lâu trước khi Ellen Brand xuất hiện trên sân khấu ‘Sơn trang’ và đẩy diễn biến sự việc vào một giai đoạn kinh nghiệm-thử nghiệm đặc biệt.
Ellen Brand là ai? Chúng tôi suýt nữa quên mất là độc giả chưa được biết điều này, trong khi dĩ nhiên cái tên ấy đã rất quen thuộc đối với chúng tôi. Cô ta là ai ư? Thoạt nhìn chẳng có gì đặc biệt, một người bình thường như mọi người. Một cô gái dễ thương mười chín tuổi, thường được gọi một cách thân mật là Elly, tóc vàng nhạt, người Đan Mạch nhưng không phải dân Copenhagen mà đến từ Odense trên đảo Fünen, nơi cha cô ta có một cơ sở sản xuất bơ. Bản thân cô ta đã có kinh nghiệm vài năm đi làm, với tư cách nhân viên một chi nhánh tỉnh lẻ của một ngân hàng thủ đô cô ta đã ngồi trên ghế quay mỏi tay viết lách giữa đống sổ sách dày cộp - và dần dần tăng thân nhiệt. Trường hợp của cô không có gì nghiêm trọng, đúng ra chỉ là một ca có tính chất nghi vấn, mặc dù Elly có tạng người yếu ớt - cô bé rất mảnh mai và rõ ràng bị thiếu máu, nhưng bù lại đặc biệt dễ mến, đến nỗi người ta chỉ muốn đưa tay xoa mái đầu tóc vàng hoe của cô như ông cố vấn cung đình vẫn thường làm mỗi khi hạ cố hỏi han cô trong phòng ăn. Cô bé như tỏa ra làn gió Bắc Âu tươi mát, một bầu không khí trong suốt, ngây thơ và trinh trắng bao bọc lấy cô, đáng yêu như cái nhìn thánh thiện đầy tin cậy từ đôi mắt xanh lơ và giọng nói nhỏ nhẹ thanh thanh, cô nói tiếng Đức chưa được sõi với những lỗi phát âm nho nhỏ, chẳng hạn “iu” thay vì “yêu”. Gương mặt cô không có nét gì đặc biệt. Cái cằm quá ngắn. Cô được xếp vào ngồi cùng bàn với ả Kleefeld, và được ả này lên mặt chị hai dang tay che chở.
Với cô tiểu thư Brand, với Elly, cô gái Đan Mạch nhỏ nhắn tỉnh lẻ đi xe đạp và ngồi văn phòng nhà băng, đã xảy ra những sự kiện lạ thường mà từ cái nhìn thứ nhất và thứ hai vào con người trong sáng như pha lê của cô người ta có nằm mơ cũng không thể ngờ được, những hiện tượng bắt đầu bộc lộ ngay sau khi cô ta đến đây được vài tuần, và việc khám phá bản chất kỳ lạ của chúng được xếp lên thành nhiệm vụ hàng đầu của bác sĩ Krokowski.
Những trò chơi tập thể trong một tối giao lưu đã cung cấp các dấu hiệu đáng kinh ngạc đầu tiên thu hút ngay lập tức sự chú ý của vị chuyên gia tâm lý. Người ta bày ra nhiều trò đố vui, giả dụ đi tìm một đồ vật được giấu trong phòng với sự trợ giúp của tiếng đàn dương cầm: tiếng đàn mạnh lên nếu người đi tìm tiến lại gần chỗ giấu và yếu dần đi nếu người ấy đi ra xa; rồi sau đó người ta chơi trò bắt một người ra đứng đợi trước cửa phòng trong lúc những người khác bàn soạn nhiệm vụ người ấy phải làm, bao gồm việc thực hiện đúng thứ tự những hành động nhất định, ví dụ trao đổi nhẫn của hai người do họ ngầm chỉ định, mời một người ra nhảy bằng cách cúi chào ba lần trước mặt người ấy, lấy một cuốn sách đánh dấu trong thư viện đem đến cho người này người kia, vân vân và vân vân. Có điều đáng lưu ý là những trò chơi loại này hoàn toàn không được phổ biến từ trước ở “Sơn trang”. Ai là người đầu têu ra chúng thì về sau không thể xác minh được. Tất nhiên đấy không phải là Elly. Nhưng người ta chỉ bắt đầu chơi những trò này sau khi cô bé đến đây.
Những người tham gia chơi tối hôm ấy gần như đều là những gương mặt quen biết cũ của chúng ta, cả Hans Castorp cũng nằm trong số đó. Họ ra sức chứng tỏ khả năng không nhiều thì ít của mình, cũng có người tỏ ra hoàn toàn không có khiếu. Riêng Elly Brand nổi trội lên một cách khác thường, vượt xa tất cả mọi người, đến mức trở thành không ổn. Người ta vỗ tay rầm rộ và cười tán thưởng khi cô dễ dàng tìm thấy những đồ vật họ đem giấu; nhưng đến khi cô thực hiện đúng một trăm phần trăm các hành vi phức tạp họ quy định thì tiếng reo cười dần dần nhường chỗ cho sự im lặng bối rối. Cô ta thực hiện tất cả mọi điều họ nghĩ ra trong lúc cô vắng mặt, ngay khi vừa bước chân vào phòng, với nụ cười hiền lành, không hề lưỡng lự, không cần sự trợ giúp của âm nhạc. Cô ta lấy trong phòng ăn ra một ống muối nhỏ, rắc lên đầu ông công tố viên Paravant, rồi cầm tay ông này dẫn đến chỗ cây đàn dương cầm, dùng đầu ngón tay trỏ của ông ta gõ xuống phím đàn mấy nốt đầu bài hát Một con chim bay tới. Rồi cô ta dắt ông công tố viên về lại chỗ cũ, nhún gối chào, kéo một chiếc ghế đẩu nhỏ lại gần và cuối cùng ngồi xuống dưới chân ông ta - đúng y như những gì trước đó người ta nát óc nghĩ ra để đố cô.
Chắc cô ta nghe thấy hết phải không!
Cô bé đỏ mặt. Nhẹ người vì cho rằng đã giải thích được điều khó hiểu, cho rằng cô ta hổ thẹn vì bị đoán trúng tim đen, họ đồng thanh lên tiếng quở trách; và cô bé vội vã phân trần: Không, không phải thế, xin đừng nghĩ oan cho cô ta như thế! Cô ta không nghe thấy gì hết lúc đứng bên ngoài, cô ta không nghe lén ngoài cửa, một ngàn lần không!
Không nghe lén ngoài cửa, thế là thế nào?
“Ôi không, không phải thế ạ!” Cô ta nghe thấy sau khi đã bước vào phòng, nghe thấy trong này, mặc dù cô ta không cố ý.
Không cố ý là thế nào? Nghe thấy trong phòng này là sao?
Có ai đó nói thầm vào tai cô, cô ta đáp. Cô ta nghe thấy tiếng thì thầm bảo mình phải làm gì, nói nhỏ thôi nhưng rất rõ ràng.
Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một lời thú tội. Elly cảm thấy mình có lỗi theo một nghĩa nhất định, cảm thấy mình đã đánh lừa mọi người. Lẽ ra cô ta phải nói trước rằng mình không phù hợp với trò chơi này, rằng mình được sự trợ giúp của tiếng thì thầm bí mật. Giác quan của người bình thường làm sao mà thắng nổi cuộc thi với một đấu thủ được trang bị những lợi thế siêu nhiên. Nói theo ngôn ngữ thể thao thì Elly phải bị tước quyền thi đấu sau lời thú tội của cô, có điều không ai nghĩ đến chuyện đùa cợt nữa mà chỉ cảm thấy lạnh sống lưng. Nhiều người đồng thanh lên tiếng đòi bác sĩ Krokowski, người ta chạy đi kiếm ông ta, và ông ta đến ngay: vạm vỡ với nụ cười cương nghị, lập tức làm chủ tình hình, bằng thái độ xởi lởi quen thuộc như khuyến khích lòng tin cậy. Người ta tranh nhau kể lại với ông ta, ở đây vừa xảy ra sự bất thường khủng khiếp, một siêu linh vừa xuất hiện, có một cô gái nghe thấy tiếng nói vô hình! - Từ từ, có chuyện gì nào? Bình tĩnh lại đi các bạn! Rồi các bạn sẽ thấy, đây là lãnh địa của ông ta - một bãi cát trôi, một đầm lầy có thể nhấn chìm tất cả mọi người, nhưng với ông ta thì không thành vấn đề, ông ta sẽ vững bước trên đó như đi trên đất bằng vậy. Ông ta hỏi han, và lắng nghe những lời tường thuật. À, thì ra là thế! “Vậy ra cô có khả năng ấy, cô gái bé bỏng?” Và ông ta đặt tay lên đầu cô bé, như người nào cũng muốn làm. Ở đây có nhiều điều lý thú đáng quan tâm, nhưng không có gì đáng sợ hết. Ông ta đưa cặp mắt nâu lạ lùng nhìn xoáy sâu vào tận đáy đôi mắt xanh của Elly, trong khi bàn tay nhẹ nhàng vuốt từ đỉnh đầu xuống vai và cánh tay cô bé. Cô đáp lại cái nhìn của ông ta, ngoan ngoãn như một con cừu non, ánh mắt dần dần trĩu nặng và đầu từ từ gục xuống ngực. Khi mắt cô bắt đầu đờ ra thất thần thì ông ta phẩy nhẹ tay một cái trước gương mặt bé nhỏ, tuyên bố mọi việc đều ổn thỏa và đuổi tất cả mọi người về nằm nghỉ chỉ trừ Elly Brand, vì ông ta muốn “chuyện trò” thêm một lát với cô ta.
Chuyện trò! Người ta có thể hình dung đó là chuyện gì. Nhưng ai cũng cảm thấy hơi gờn gợn khi nghe cái từ này, một từ ưa thích của người “đồng đội” niềm nở Krokowski. Người nào cũng thấy như có một làn hơi lạnh luồn vào tận ruột gan mình, Hans Castorp cũng không phải là ngoại lệ. Chàng leo lên chiếc ghế nằm tuyệt hảo của mình, vào một giờ hơi muộn hơn thường lệ, và nhớ lại cảm giác xâm chiếm người mình khi chứng kiến khả năng bất thường và lời thú tội ngượng ngùng của Elly, khi ấy mặt đất như tròng trành chao đảo dưới chân chàng, một nỗi sợ hãi rất thể chất cuộn lên khiến chàng chóng mặt như say sóng. Chàng chưa bao giờ trải qua một trận động đất, nhưng chàng tự nhủ rằng tâm trạng người ta lúc ấy chắc phải gắn liền với cảm giác hoảng sợ đặc biệt như lúc này đây - nếu không tính đến sự tò mò mà năng khiếu đáng ngại của Elly Brand khêu lên trong chàng: một nỗi tò mò mang trong mình cảm giác tuyệt vọng đến tột độ, vì ý thức được sự bất lực của trí tuệ trong một lĩnh vực xa lạ, nơi tính hiếu kỳ đặt những bước đi mò mẫm và luôn luôn bị dằn vặt bởi nỗi hồ nghi, liệu cuộc thám hiểm này có quá vô bổ hay thậm chí tội lỗi không - nhưng điều đó chẳng ngăn cản nó thôi thúc chàng tiếp tục dấn thân vào sâu hơn nữa, nếu không nó đã chẳng phải là tò mò. Hans Castorp, cũng như bất kỳ người nào khác, trong đời thể nào cũng đã có lúc được nghe kể những câu chuyện khó tin về các hiện tượng bí hiểm trong thiên nhiên hoặc siêu nhiên - như câu chuyện về bà cô già[493] có cái nhìn tiên tri mà hồi nhỏ mỗi khi nghe kể chàng rất sợ. Nhưng chàng chưa bao giờ cọ xát với cái thế giới siêu nhiên ấy, mà sự tồn tại của nó được chàng sẵn lòng công nhận trên lý thuyết; chàng chưa bao giờ có kinh nghiệm thực tế về nó, và cảm giác ghê sợ của chàng trước những kinh nghiệm ấy, sự phản kháng của xúc cảm, của mỹ cảm, của lòng tự hào nhân bản - nếu chúng tôi được phép dùng những từ ngữ đao to búa lớn như vậy cho nhân vật chính bình dị của chúng ta - cũng lớn không thua gì sự tò mò đang quẫy đạp trong ngực chàng. Chàng cảm thấy trước, cảm thấy rõ rệt và chắc chắn rằng, những kinh nghiệm này, dù theo hướng nào đi chăng nữa, sẽ không thể mang lại điều gì khả quan hơn sự lố bịch, mờ ám, và hạ thấp nhân phẩm con người. Thế nhưng chàng vẫn nóng lòng muốn trải qua những kinh nghiệm ấy. Chàng hiểu rằng “vô bổ hay tội lỗi” bản thân chúng cũng đã tệ hại lắm rồi, nhưng vẫn không thấm vào đâu với thực tế đen tối, trong đó sự vô vọng về tinh thần chỉ là một cách diễn đạt cái vô đạo đức của điều cấm kỵ. Nhưng phương châm placet experiri[494], được gieo rắc bởi ông thầy chắc chắn sẽ cực lực phản đối những thử nghiệm loại này, đã mọc rễ ăn sâu vào đầu óc Hans Castorp, ý thức đạo đức của chàng đã nhập vào làm một với lòng ham hiểu biết, hay từ trước tới nay vẫn thế: đó là lòng hiếu kỳ không giới hạn của người lữ khách trên con đường nâng cao học vấn, một sự hiếu kỳ có lẽ đã mon men lại gần cái lĩnh vực bây giờ mới nổi lên rõ rệt ở đây từ khi nó được nếm mùi bí ẩn của nhân cách, và nét cá tính quân sự của chàng thể hiện ra ở sự gan lì, không né tránh những điều cấm kỵ một khi nó xuất hiện. Và như thế Hans Castorp quyết định bám trụ lại đến cùng, không bỏ lỡ cơ hội tham gia các cuộc phiêu lưu tiếp theo trong trường hợp Ellen Brand.
Bác sĩ Krokowski đã tuyệt đối cấm mọi thí nghiệm nghiệp dư với năng khiếu bí ẩn của tiểu thư Brand. Ông ta trưng dụng hoàn toàn cô bé vào mục đích khoa học, tiến hành những buổi trị liệu tâm lý đặc biệt với cô ta trong gian hầm phân tâm của mình, nghe nói ông ta thôi miên cô bé, để đánh thức và luyện tập những tiềm năng còn say ngủ trong cô ta và để nghiên cứu đời sống tâm lý cô ta trong tiền kiếp. Hermine Kleefeld, người ra tay bảo bọc Elly, cũng thử làm tất cả những trò này và thu được một vài kết quả với điều kiện phải giữ bí mật tuyệt đối, những điều sau đó cô ta phổ biến khắp ‘Sơn trang’ đến tận phòng người gác cổng, cũng dưới điều kiện ấy. Ví dụ như cô ta được biết, cái người - hay vật gì - thì thầm vào tai cô gái nhỏ trong lúc chơi trò đoán mò có tên là Holger - cậu Holger, một linh hồn còn trẻ đã qua đời, lơ lửng trong không trung, như một người thân cận hay một dạng thần hộ mệnh của cô bé Elly. - Vậy ra cậu Holger đã tiết lộ cho cô bé biết về ống muối và ngón tay trỏ của ông Paravant? - Đúng thế. Hồn ghé cặp môi vô hình vào sát vành tai cô bé đến nỗi cô thấy nhột đến mắc cười, và nói thầm cho cô biết. - Thế thì tiện quá, hồi còn đi học chắc cô ta chẳng cần học bài, chỉ việc đợi cậu Holger nhắc cho câu trả lời. - Tới đây Elly im lặng. Sau đó cô ta bảo, có lẽ Holger không được phép làm thế. Cậu ấy không được can thiệp vào những điều quan trọng như vậy, hơn nữa cô nghĩ rằng có thể bản thân cậu ta cũng chẳng biết cách trả lời những bài học ở trường.
Ngoài ra Ellen còn kể, từ khi còn nhỏ cô đã gặp ma hiển hiện nhiều lần, cả hữu hình lẫn vô hình, mặc dù với những khoảng cách khá thưa. - Ma hiển hiện vô hình là thế nào? - Đơn cử thế này. Hồi sáu tuổi có lần cô bé ngồi một mình trong phòng khách ngôi nhà của cha mẹ cô, bên cái bàn tròn, đang may vá thêu thùa gì đó. Bấy giờ là buổi chiều, trời còn sáng, và nằm trên thảm cạnh cô còn có con chó của cha cô tên là Freia. Trên bàn trải một tấm khăn Thổ Nhĩ Kỳ sặc sỡ, loại khăn vuông các bà già hay quàng, nằm vắt chéo, các góc hơi thòng xuống khỏi mép bàn. Đột nhiên Ellen nhìn thấy một góc vén lên chầm chậm cuộn về phía cô: không một tiếng động, cẩn thận và đều đặn, nó tự cuộn gần phân nửa về phía giữa bàn, phần xếp lại đã khá dài; trong lúc ấy Freia chồm dậy gầm gừ, lông lá dựng ngược, chống chân trước dồn sức nặng cả người lên hai chân sau, rồi vừa tru lên ăng ẳng nó vừa chạy sang phòng bên chui tọt vào gầm ghế sô pha, và cả một năm sau không có cách gì bắt được nó đặt chân vào phòng khách.
Có phải Holger cuộn cái khăn lại không, cô Kleefeld hỏi. - Cô Brand không biết. - Vậy chứ cô ta nghĩ gì lúc xảy ra sự cố ấy? - Nhưng lúc ấy trong đầu cô ta tuyệt nhiên không có một ý nghĩ nào, dù là nhỏ nhất, và sau đó cô cũng không nghĩ ngợi gì thêm nữa. - Cô ta có kể cho cha mẹ nghe chuyện này không. - Không. Lạ lắm. Mặc dù lúc ấy không thể nghĩ ngợi gì nhưng Elly vẫn có cảm giác phải giữ kín chuyện này và những chuyện tương tự, cô ta thẹn thùng chôn chặt những bí mật ấy trong lòng, không dám hé răng với ai. - Mang điều bí mật ấy trong lòng có nặng nề lắm không. - Không, không nặng nề gì cả. Chuyện một tấm khăn tự cuộn lại thì có gì là nặng nề. Nhưng trong những tình huống khác có lúc cô ta cảm thấy thực sự nặng nề. Ví dụ như chuyện sau:
Trước đây một năm, cũng ở nhà cha mẹ cô ở Odense, một buổi sáng cô dậy từ sớm tinh mơ như thói quen thường ngày, ra khỏi phòng mình ở tầng trệt và định đi qua hành lang lên cầu thang để pha sẵn cà phê trong phòng ăn trước khi cha mẹ cô thức giấc. Cô đã đi gần đến khoảng chiếu nghỉ ở chỗ ngoặt của cầu thang thì thình lình nhìn thấy một người đứng trên đấy, sát mép bậc thang - đó là chị Sophie của cô, người chị lớn được gả chồng sang bên Mỹ. Đúng là chị ấy, như bằng xương bằng thịt. Chị ấy mặc một chiếc váy trắng và kỳ lạ làm sao, đội một vòng hoa kết bằng hoa súng và lau sậy trên đầu, hai tay chắp lại đặt lên một bên vai, chị ấy gật đầu với cô. “Ơ kìa, chị Sophie, chị đấy à?” Ellen đứng như chôn chân tại chỗ và cất tiếng hỏi, nửa vui sướng nửa sợ hãi. Sophie gật đầu thêm lần nữa rồi biến mất. Chị ấy dần dần trở nên trong suốt, chẳng mấy chốc chỉ còn là một làn không khí ấm mờ mờ lay động, rồi không còn gì nữa, để lại lối đi trống trơn cho Ellen. Nhưng sau đó họ nhận được tin chị Sophie đã qua đời vì bệnh tim ở New Jersey, đúng vào giờ ấy ngày hôm ấy.
Chà, Hans Castorp bảo khi nghe cô ả Kleefeld kể lại chuyện này, trong ấy chừng như cũng có một chút ý nghĩa nào đó, cũng đáng nghe đấy chứ. Ma hiện hình chỗ này, người chết chỗ kia - rốt cuộc phải có một mối liên quan nhất định. Và chàng nhận lời tham dự một buổi lên đồng tập thể, một buổi cầu cơ bằng ly thủy tinh với Ellen Brand, mà họ quyết định lén lút tổ chức bất kể lệnh cấm đầy ghen tuông của bác sĩ Krokowski, để thỏa mãn tính tò mò.
Chỉ vài người đáng tin cậy được triệu tập cho buổi cầu hồn bí mật, sân khấu là phòng riêng của Hermine Kleefeld: ngoài chủ nhà, Hans Castorp và cô bé Brand ra chỉ có thêm các bà Stöhr và Levi cũng như ông Albin, ông Wenzel người Tiệp và tiến sĩ Ting-Fu. Buổi tối, khi đồng hồ vừa gõ mười tiếng họ lén lút đến điểm hẹn và vừa thì thầm bàn tán vừa ngắm nghía sự chuẩn bị chu đáo của Hermine, gồm có một cái bàn tròn không trải khăn, kích thước vừa phải kê giữa phòng, trên đặt một cái ly rượu bằng thủy tinh úp ngược chân chổng lên trời, ở vòng ngoài xung quanh mép bàn xếp cách quãng đều đặn những cái thẻ nhỏ bằng xương, công dụng ngày thường là chíp đặt cửa khi chơi bài, nhưng hôm nay được viết lên bằng bút mực hai mươi lăm con chữ của bảng chữ cái. Trước tiên chủ nhà mời mọi người uống một tuần trà, được tất cả hưởng ứng nhiệt tình, vì các bà Stöhr và Levi, bất chấp sự vô hại của trò trẻ con này, than rằng mình bị lạnh cóng tứ chi và tim đập lồng lộn. Sau khi được sưởi ấm từ bên trong người ta lục tục ngồi xuống bên bàn, và trong ánh đèn đỏ quạch - vì chủ nhà, để tạo không khí, đã tắt hết đèn trên trần chỉ để lại ngọn đèn ngủ bọc chao đỏ - mỗi người đặt hờ một ngón bàn tay phải lên chân cái ly. Đấy là thể thức theo quy định. Rồi người ta nôn nóng đợi khoảnh khắc cái ly bắt đầu chuyển động.
Chuyện đó lẽ ra rất dễ. Vì mặt bàn nhẵn thín, miệng cái ly được mài trơn tru, và lực đẩy từ những ngón tay run run dù có đặt nhẹ đến mức nào cũng không thể đều được, chỗ thì chủ yếu ấn từ trên xuống, chỗ lại hướng sang ngang, về lâu về dài dư sức tạo sự chênh lệch đủ để đẩy cái ly rời khỏi vị trí giữa bàn. Ở khu vực ngoại vi của vùng chuyển động nó sẽ chạm vào vài chữ cái trong vòng, và nếu những chữ ấy ghép lại được thành những từ có một chút ý nghĩa nào đó thì kết quả sẽ là một hiện tượng tâm lý phức tạp và ô hợp, một sản phẩm pha trộn từ các yếu tố có ý thức, nửa ý thức cho đến hoàn toàn vô thức, được lái theo nguyện vọng âm thầm của mỗi cá nhân - họ có thể thú nhận hay chối cãi điều đó mặc lòng - và sự ưng thuận ngấm ngầm của các tầng sâu tăm tối linh hồn chung của họ, một sự phối hợp ngầm dẫn đến những kết quả tưởng như lạc lõng, nhưng vẫn có sự tham dự không nhiều thì ít của phần đen tối trong mỗi cá nhân, mà nhiều nhất hẳn là của cô nhỏ Elly dễ thương. Điều này cả bọn ai cũng biết, và Hans Castorp, theo kiểu thật thà của chàng, nói toạc móng heo ra trong khi họ ngồi đợi với ngón tay run rẩy. Cả chuyện các bà thấy chân tay lạnh cóng và tim đập thình thịch cũng như các ông làm bộ vui vẻ gượng gạo đều có nguyên do ở chỗ họ biết rằng họ tụ tập lại đây trong đêm thanh vắng để tham gia một trò chơi lén lút, đưa bản thể của họ ra thí nghiệm, một thí nghiệm đáng sợ, tò mò xâm nhập vào những miền xa lạ của chính mình, và dài cổ ngóng đợi những hiện tượng chỉ là ảo ảnh hoặc bán hiện thực được gọi là ma thuật. Việc họ dùng cái ly thủy tinh chỉ là một hình thức cũ rích để hợp thức hóa vấn đề, để giải thích việc linh hồn của người đã chết có thể trò chuyện với họ. Ông Albin tình nguyện đại diện cho cả nhóm trao đổi với cõi âm, vì trước đây ông ta đã một vài lần tham gia những buổi cầu hồn kiểu này rồi.
Hai chục phút trôi qua, cũng có thể lâu hơn. Các đề tài trao đổi thầm thì giữa họ cạn dần, sự căng thẳng ban đầu đã giảm sút đáng kể. Người ta phải lấy bàn tay trái đỡ cùi tay phải. Ông Wenzel người Tiệp đã sém ngủ gật. Ellen Brand để ngón tay nhỏ nhắn chạm hờ vào cái ly, đưa cặp mắt mở to với ánh mắt trẻ thơ trong veo lơ đãng nhìn ra xa, hướng về phía quầng sáng đỏ quạch của ngọn đèn ngủ.
Thình lình cái ly nghiêng đi, gõ nhẹ một cái xuống bàn và chạy vèo vèo dưới tay những người ngồi quanh. Họ phải khó khăn lắm mới giữ được ngón tay mình trên đó. Nó chạy ra tận mép bàn, quanh quẩn một quãng ngoài đó rồi quay lại theo một đường thẳng về gần giữa bàn. Ở đây nó gõ thêm cái nữa rồi đứng yên.
Tất cả giật thót mình, nửa mừng nửa sợ. Bà Stöhr cất giọng nức nở đòi bỏ cuộc, nhưng bị mọi người mắng rằng lẽ ra bà phải lượng sức mình từ trước khi quyết định, còn bây giờ thì không đổi ý được nữa, xin bà làm ơn ngồi yên cho. Mọi việc có vẻ đã trôi chảy. Họ thỏa thuận để trả lời có hay không cái ly không cần đánh vần cả chữ mà chỉ cần gõ một hoặc hai lần xuống bàn là đủ.
“Có hồn nào ở đây?” Ông Albin chững chạc lên tiếng, mặt mũi nghiêm trang, mắt nhìn chòng chọc vào khoảng trống trên đầu mọi người... Sau khi chần chừ giây lát cái ly nghiêng đi và gõ một tiếng có.
“Hồn tên là gì?” Ông Albin xẵng giọng hỏi, bổ sung trọng lượng cho câu hỏi của mình bằng một cái lắc đầu.
Cái ly rục rịch. Nó quả quyết chạy dích dắc từ chỗ này sang chỗ khác, giữa chừng luôn luôn chạy lui một chút về phía giữa bàn; nó chỉ vào chữ h, chữ o, chữ l, sau đó nó có vẻ kiệt sức và loanh quanh một lúc không phương hướng, nhưng rồi nó gượng lại được và tìm thấy chữ g, chữ e và chữ r. Biết ngay mà! Đích thân Holger, cậu Holger, linh hồn sẵn sàng tiết lộ những trò đùa như cái ống muối rắc lên đầu ông công tố viên, nhưng đương nhiên không nhúng tay vào các câu hỏi ở trường. Cậu ta đang có mặt ở đó, bồng bềnh trong không khí, lượn lờ trên đầu cái nhóm nhỏ túm tụm quanh bàn. Làm gì với cậu ta bây giờ? Cả nhóm ngẩn người ra. Người ta hạ giọng thì thào và đưa tay che miệng, bàn bạc xem nên hỏi cậu ta cái gì. Ông Albin quyết định hỏi về địa vị và nghề nghiệp của Holger khi còn sống. Ông ta cất tiếng, cũng như lúc nãy, bằng giọng hỏi cung nghiêm khắc với hàng chân mày chau lại.
Cái ly im lặng một lát. Rồi nó lắc lư và hơi vấp váp chạy tới chữ d, lùi lại rồi chỉ vào chữ i. Gì thế nhỉ? Sự căng thẳng lên đến mức tột độ. Tiến sĩ Ting-Fu cười khúc khích ngỏ ý e rằng Holger ngày xưa là kẻ cắp[495]. Bà Stöhr cười rú lên. Cái ly không vì thế mà bối rối, nó tiếp tục chập chững chạy đến chữ c, chữ h, chạm vào chữ t và rồi, rõ ràng nhầm lẫn bỏ quên mất một chữ, nó chạy đến dừng lại ở chữ r. Nó vừa đánh vần chữ “Dichtr”[496].
Trời đất, vậy ra Holger từng là một nhà thơ? Cái ly nghiêng mình gõ một câu trả lời khẳng định dư thừa, có vẻ rất tự hào. - “Một nhà thơ trữ tình?” Cô ả Kleefeld hỏi, phát âm chữ tr như ch, Hans Castorp thầm nhận xét... Holger có vẻ không thích đi sâu vào một thể loại nào. Cậu ta không đáp, mà đánh vần lại một lần nữa câu trả lời trước, nhanh hơn, chắc chắn và rõ ràng hơn, bổ sung thêm chữ e bị bỏ sót trong lần đầu.
Tốt lắm, một nhà thơ. Sự bối rối của họ càng tăng - một sự bối rối đặc biệt, đúng ra chỉ liên quan đến những cảm xúc sâu kín không kiểm soát trong nội tâm họ, nhưng thông qua hình thức thể hiện bán trực quan giả tạo này bỗng thành ra hướng ngoại và nhuốm màu sắc khách quan. Holger cảm thấy thế nào trong trạng thái hiện nay, cậu có hài lòng không, người ta muốn biết. Cái ly mơ màng đưa ra câu trả lời “thanh thản”. À ra thế, “thanh thản”. Chà, người ta chắc tự mình không thể đoán ra cái từ ấy, nhưng được cái ly đánh vần cho biết thì họ cảm thấy nó cũng phù hợp và rất hay. Vậy chứ Holger ở trong trạng thái thanh thản này đã bao lâu rồi? - Câu trả lời lần này cũng lại là một điều không ai ngờ tới, và vẫn được thổ lộ một cách mơ màng. Cái ly viết: “Khoảnh khắc vụt trôi.” - Hay thật! Cũng có thể bảo là “trôi vụt trong khoảnh khắc”, đó là một cách chơi chữ của các thi nhân bên kia thế giới, Hans Castorp thấy câu trả lời rất tuyệt. Khoảnh khắc vụt trôi là khái niệm thời gian của Holger, tất nhiên rồi, cậu ta không thể trả lời câu hỏi ấy chính xác được, rất có thể cậu ta đã quên mất các khái niệm và thước đo thời gian của trần ai. - Họ còn muốn biết gì nữa về cậu ta? - Cô Levi thú nhận mình rất tò mò muốn biết hình thức bề ngoài của Holger, hay nói đúng hơn là hình thức thuở nào của cậu ta. Cậu ta có đẹp trai không? - Cái này cô ta đi mà hỏi lấy, ông Albin bực dọc bảo, ông ta thấy những câu hỏi loại này dưới tầm nhân cách mình. Thế là cô ta rụt rè lên tiếng hỏi có phải “anh” Holger ngày xưa có mái tóc đẹp màu vàng hay không.
“Tóc đẹp lượn sóng màu nâu nâu”, cái ly đáp, tỉ mỉ đánh vần đủ hai lần từ “nâu”. Tiếng cười rộn lên quanh bàn. Các bà xôn xao tỏ lòng ngưỡng mộ và ném những cái hôn gió lên trần nhà. Tiến sĩ Ting-Fu cười khúc khích nhận xét, Mister Holger có vẻ thích khoe khoang quá.
Thế là cái ly nổi giận đùng đùng. Nó lồng lộn chạy như điên quanh bàn, không có mục tiêu, ra đến sát mép ngoài, tức tối nghiêng bên này ngả bên kia, đổ kềnh và lăn xuống lòng bà Stöhr, bà này sợ tái mặt giơ cả hai tay lên trời mắt trợn ngược. Người ta vội vàng xin lỗi và nâng niu đặt cái ly vào chỗ cũ giữa bàn. Người ta mắng mỏ ông người Tàu. Sao ông có thể to gan đến thế! Ông đã thấy đùa giỡn hồ đồ kiểu ấy dẫn đến hậu quả như thế nào chưa! Nếu bây giờ Holger tự ái bỏ đi và không nói thêm một lời nào nữa thì sao? Người ta lựa lời ngọt ngào nịnh cái ly. Không biết cậu có hứng làm thơ không nhỉ. Trước kia cậu là nhà thơ mà, khi cậu còn chưa bồng bềnh trong khoảnh khắc vụt trôi. Ôi, tất cả bọn họ nóng lòng mong được thưởng thức tài thơ phú của cậu biết chừng nào! Họ sẽ sung sướng lắm...
Và kìa, cái ly gõ ‘có’. Trong cách trả lời của nó lộ ra vẻ hiền từ tha thứ. Và hồn cậu Holger bắt đầu làm thơ, cậu nhả ngọc phun châu dài dằng dặc, dây cà ra dây muống, không cần nghĩ ngợi, có trời mới biết bao lâu - tưởng như không bao giờ có thể hãm cậu lại được nữa! Đó là một bài thơ rất đáng ngạc nhiên, được cậu trình bày âm thầm và những người ngồi quanh bàn đọc to lên đầy ngưỡng mộ, một sáng tác ma thuật, vô bờ bến như biển cả, đối tượng sáng tác của nó. Rong biển đọng thành đống dài dọc theo bờ cát hẹp, vịnh nước thoai thoải ôm chân hòn đảo, bờ biển chập chùng những đụn cát cao. Ôi, màu xanh chết chóc của không gian xa vời tan biến vào cõi vĩnh hằng, dưới những dải sương mù trắng như sữa và những ráng mây màu huyết dụ mặt trời mùa hạ ngập ngừng chậm bước hoàng hôn! Không lời nào tả nổi giây phút những con sóng bạc lấp lánh chuyển sang bảy sắc cầu vồng, dịu dàng như ánh ngọc trai, đậm nhạt tím mờ như nguyệt thạch, bao trùm tất cả... Ôi, huyền bí làm sao, sự ra đời của nó, phép màu lặng lẽ chết đi. Biển cả chìm vào giấc ngủ. Nhưng những dấu vết dịu dàng của cuộc chia tay với mặt trời vẫn còn vương vấn trên cao và ngoài xa. Đêm đã khuya mà trời không tối, một làn ánh sáng chập chờn bao phủ rừng thông đồi cát, những hạt cát dưới chân bắt sáng ngời lên như tuyết trắng. Cánh rừng bàng bạc như cảnh mùa đông lặng lẽ thâm trầm, chỉ bị tiếng vỗ cánh nặng nề của một con cú ăn đêm phá vỡ. Hãy đến đây giờ này! Bước đi êm ả biết bao, đêm tối tinh khiết dịu dàng biết bao! Và dưới kia chậm rãi trầm hùng hơi thở của đại dương, xen lẫn tiếng thì thầm trong mơ. Bạn có khát khao thấy lại cảnh này? Hãy cất bước đến bên sườn đồi băng hà cát trắng và trèo lên đỉnh cao mềm mại của nó, để những hạt cát tuồn vào mát lạnh trong giày. Mé đồi dốc đứng bên kia lúp xúp những bụi cây chạy xuống bãi biển lô nhô đá, và ngoài khơi nơi chân trời xa tít vẫn còn vương dấu vết ngày tàn... Hãy ngồi xuống đây trên đỉnh đồi đầy cát! Lạnh lẽo chết chóc làm sao, mịn màng như lụa và dày êm như bột! Nó từ từ lọt xuống khỏi nắm tay của bạn, chảy thành dòng mỏng tang không sắc không màu, chất thành ngọn nhỏ dưới đất. Bạn có nhận ra dòng chảy mịn màng này không? Đó là dòng chảy không tiếng động qua khe hẹp trong lòng chiếc đồng hồ cát, cái dụng cụ mỏng manh nghiêm khắc trang trí căn nhà lão ẩn cư[497]. Một cuốn sách mở ngỏ, một cái đầu lâu, và trên giá, trong cái khung mảnh dẻ là cặp bình thông nhau thon thon chứa một ít cát, lấy từ cõi vĩnh hằng, tới đây thay mặt thời gian thể hiện bản chất bí hiểm và thiêng liêng đáng sợ của nó...
Đó là bài thơ “chữ tình” ứng tác của hồn cậu Holger, theo dòng tư tưởng bất thường, lan man từ biển quê hương đến ngôi nhà một kẻ ẩn cư và những đồ nghề của lão. Và còn nhiều điều khác nữa, cả nhân bản lẫn thần thánh, được thể hiện bằng những ngôn từ vừa mơ mộng vừa táo bạo, khiến cho cái nhóm nhỏ quanh bàn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, trong khi cái ly cứ miệt mài đánh vần, người ta chưa kịp tìm thấy thời gian để tán thưởng thì nó đã dích dắc chỉ tiếp, không phải hàng trăm mà hàng ngàn chữ, mãi chẳng chịu ngừng. Sau một tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn thế vẫn chưa có dấu hiệu gì là thi hứng của cậu sắp cạn, ngược lại cậu vẫn ngợi ca không mệt mỏi nỗi đau sinh hạ của người mẹ và nụ hôn đầu tiên của những kẻ đang yêu, vương miện khổ hình của Đấng Cứu Thế và lòng nhân từ của Đức Chúa Cha, sa đà vào huyền thoại, lạc lối ra nước ngoài, nhầm lẫn về thời gian và không gian, thậm chí một lần còn nhắc đến
Nhưng chiếc đồng hồ cát và lưỡi hái cũng được coi là đồ nghề của thần chết. những người Chaldeans cổ đại và mười hai cung hoàng đạo, và chắc hẳn cậu Holger sẽ còn làm thơ suốt đêm nếu cuối cùng những người cầu hồn không nhấc ngón tay ra khỏi cái ly và hết lời cảm ơn cậu về bài thơ tuyệt tác không ngờ họ vừa được thưởng thức, chỉ tiếc rằng không ai kịp chép lại để lưu dấu tích muôn thuở, khiến tác phẩm này không tránh khỏi rơi vào quên lãng, đúng thế, thậm chí lúc này họ cũng đã quên gần hết, vì bản chất cao siêu khó nắm bắt của nó cũng phù du như những giấc mơ. Lần sau nhất định họ phải đặt ra một người làm thư ký, để xem trên giấy trắng mực đen và đọc lên một cách mạch lạc giá trị của nó còn cao đến độ nào. Tuy nhiên lúc này, trước khi Holger quay trở về với sự thanh thản trong khoảnh khắc vụt trôi của cậu, họ sẽ rất biết ơn nếu cậu vui lòng trả lời một vài câu hỏi nữa - thực ra họ cũng chưa biết muốn hỏi điều gì, nhưng chẳng hay cậu có thể hào hiệp chiều ý họ không?
Câu trả lời là “có”. Nhưng một vấn đề lại nảy sinh: họ phát hiện ra mình không biết hỏi cái gì. Thật cứ y như câu chuyện cổ, khi bà tiên cho một điều ước thì người ta đâm ra lúng túng và rơi vào nguy cơ vô ý đánh mất cơ hội quý giá của mình. Có bao nhiêu điều đáng biết về cuộc sống, về tương lai, họ không biết lựa chọn thế nào cho phải. Vì mãi không ai quyết định được nên cuối cùng Hans Castorp lên tiếng hỏi, một ngón tay đặt trên cái ly, nắm tay bên kia chống lên má, chàng muốn biết thời gian lưu trú của mình ở trên này, ban đầu dự định chỉ có ba tuần, sẽ kéo dài bao lâu.
Thôi được, nếu không ai nghĩ ra cái gì hay hơn thì cứ để hồn ma dốc vốn hiểu biết đầy tràn của nó ra trả lời câu hỏi này xem sao. Sau giây lát lưỡng lự cái ly bắt đầu rục rịch chạy. Nó chỉ ra một kết quả rất kỳ cục, có vẻ như không ăn nhập vào đâu, và chẳng ai hiểu nó muốn nói gì. Nó chạy qua các chữ cái ghép lại thành chữ “tổng”, rồi “số”, rồi cái gì đó về phòng của Hans Castorp; câu trả lời có thể là “tổng số phòng” chàng. Tổng số phòng chàng có? Nhưng hồi nào tới giờ chàng có mỗi một phòng, phòng số 34! Thế là thế nào? Mọi người còn đang ngồi lắc đầu bàn bạc không biết câu trả lời có thể là gì, thì thình lình có tiếng một cú đấm vang dội đập vào cánh cửa.
Tất cả đờ người ra. Họ bị phát hiện rồi ư? Bác sĩ Krokowski đang đứng ngoài cửa, sắp ra tay dẹp buổi cầu hồn chui? Người ta luống cuống nhìn quanh, người ta tìm đường thoát qua cửa hậu. Bấy giờ lại vang lên tiếng đập thứ hai vào chính giữa mặt bàn, cũng vang dội như cú đấm đầu tiên và đồng thời như để tiết lộ với họ rằng cả cú đấm thứ nhất cũng xảy ra trong phòng này chứ không phải từ bên ngoài.
Chắc lại một trò đùa dai của ông Albin chứ gì! - Ông ta thề danh dự không phải mình gây ra những tiếng động ấy, và không cần ông ta phải thề thốt tất cả đều biết khá chắc rằng không ai trong bọn là người có lỗi. Vậy đó là Holger? Họ nhìn Elly, đồng thời thấy lạ vì sự im lặng của cô. Cô bé ngồi dựa vào lưng ghế, cổ tay thõng xuống, mấy đầu ngón tay đặt trên cạnh bàn, đầu ngoẹo sang một bên vai, chân mày rướn cao, cái miệng nhỏ nhắn chúm lại càng nhỏ, mép hơi xệ xuống, thoáng một nét cười vừa như tinh quái vừa như vô tội, và hướng đôi mắt xanh thơ ngây không hồn lên khoảng trống chênh chếch trên trần nhà. Người ta gọi tên cô, cô không tỏ dấu hiệu gì là nghe thấy. Đúng lúc ấy ngọn đèn ngủ tắt phụt.
Tắt phụt? Bà Stöhr sợ đến phát cuồng hét ầm lên, rằng bà ta nghe tiếng bấm công tắc. Ngọn đèn không tự tắt phụt, có một bàn tay tắt nó đi, một bàn tay mà người thận trọng lắm cũng phải gọi là bàn tay “lạ”. Đó là tay Holger? Cậu Holger từ trước tới giờ vẫn tỏ ra hiền lành tự chủ và rất “nhà thơ”, nay đến lúc giở trò quậy phá chăng. Ai dám chắc rằng một bàn tay đấm lên bàn lên cửa và tinh quái tắt đèn lại không xiết cổ một người trong bọn họ? Trong bóng tối như hũ nút họ nháo nhác hỏi tìm diêm, tìm một ngọn đèn lồng. Cô Levi rú lên the thé, rằng có người giật tóc mai cô ta. Bà Stöhr sợ đến quên cả xấu hổ, cất tiếng bô bô cầu Chúa. “Lạy Chúa, xin xá tội cho con một lần này!” Bà ta nức nở xin được hưởng lượng khoan hồng và không bị trừng trị cái tội vừa thử mon men nhìn trộm vào địa ngục. Tiến sĩ Ting-Fu là người duy nhất còn đủ trí khôn để nảy ra ý bật ngọn đèn trên trần, đem lại sự sáng tỏ cho cả gian phòng. Trong lúc người ta xôn xao xác nhận đúng là ngọn đèn ngủ không bị cháy bóng mà bị tắt hẳn hoi, và chỉ cần dùng bàn tay con người lặp lại động tác lén lút của bàn tay lạ, bấm một cái vào công tắc là nó lại sáng lên ngay, thì Hans Castorp có một phát hiện riêng, âm thầm và đầy kinh ngạc, mà chàng muốn coi là dấu hiệu quan tâm đặc biệt dành cho một mình chàng, của sức mạnh đen tối vừa tự thể hiện một cách hết sức trẻ con ở đây. Trên đùi chàng có một vật nhỏ, món “quà lưu niệm” dạo nào đã làm cậu James của chàng giật mình khi nhìn thấy trên mặt tủ trong phòng người cháu: tấm phim dương bản, chân dung nội tạng của Clawdia Chauchat, mà chắc chắn không phải do chàng, Hans Castorp, đưa vào trong gian phòng này.
Chàng lẳng lặng cất nó vào túi, không hé răng kể với ai. Những người khác còn đang bận rộn với Ellen Brand, cô này vẫn ngồi nguyên chỗ cũ trong tư thế miêu tả ở trên, với ánh mắt trống rỗng và nụ cười quái gở. Ông Albin thổi vào mắt cô ta và bắt chước động tác phẩy tay của bác sĩ Krokowski trước gương mặt bất động của cô, thế là cô tươi tỉnh ngay và - không rõ tại sao - nhỏ mấy giọt nước mắt. Người ta vuốt ve, vỗ về cô, hôn lên trán cô và bảo cô về phòng đi ngủ. Cô Levi tình nguyện ngủ lại trong phòng bà Stöhr, vì người đàn bà thảm hại ấy sợ đến nỗi không dám vào giường ngủ một mình. Hans Castorp, với vật được bàn tay ma đưa đến nằm trong túi ngực, nhận lời cùng cánh đàn ông kết thúc buổi tối đầy sự cố bằng một ly cognac ở phòng ông Albin, vì theo nhận xét của chàng, những kinh nghiệm loại này mặc dù không ảnh hưởng tới trái tim hay khối óc, nhưng có một tác động nhất định lên thần kinh bao tử, mà là một tác động lâu dài, giống như người say sóng sau khi đã lên bờ nhiều tiếng đồng hồ vẫn còn cảm thấy mặt đất chao đảo dưới chân.
Tính tò mò của chàng tạm thời được thỏa mãn. Bài thơ của Holger cũng không tệ lắm, nhưng nỗi tuyệt vọng trống hoác trong nội tâm và sự lố bịch của tất cả chuyện này đè nặng lên chàng, khiến chàng quyết định dừng lại ở đây và không cời thêm lửa địa ngục cho nó bắn tàn lên nữa. Ông Settembrini, như chúng ta có thể đoán được, hết sức ủng hộ Hans Castorp trong quyết định này khi nghe chàng tường thuật lại kinh nghiệm của mình. “Thật tình”, ông ta phẫn nộ kêu lên, “chỉ còn thiếu nước ấy nữa thôi! Ôi, khốn khổ, thật là khốn khổ!” Và ông ta không ngần ngại gọi cô bé Elly là một kẻ lừa đảo tinh vi.
Đệ tử của ông không tán thành mà cũng chẳng phản đối. Chàng nhún vai bảo rằng, có vẻ như người ta không thể giải thích được rõ ràng và đầy đủ thế nào là hiện thực, thế thì về lừa đảo cũng vậy. Có thể giữa chúng không có một đường ranh giới rõ ràng. Có thể tồn tại những đoạn chuyển tiếp giữa hai cái ấy, những mức độ hiện thực nhất định trong lòng thế giới tự nhiên không thành kiến và không thiên vị, nó lẩn tránh một quyết định đối với chàng có vẻ như quá nặng về đạo đức. Không biết ông Settembrini nghĩ thế nào về khái niệm “ảo thuật”, một sự pha trộn giữa mơ mộng và hiện thực, đối với thiên nhiên có lẽ ít xa lạ hơn là trong những suy nghĩ hủ bại thường ngày của chúng ta. Bí mật của cuộc sống là cái thùng không đáy, theo đúng nghĩa đen của từ này, và có gì là lạ, nếu đôi khi phép lạ trỗi lên từ đấy - và chàng còn diễn giải một thôi một hồi nữa, theo lối tư duy dài dòng đầy cảm tính và thiếu logic của mình.
Ông Settembrini lên lớp cho chàng một bài đến nơi đến chốn, kết quả là tạm thời thức tỉnh được lương tâm chàng, khiến chàng gần như phải đưa ra lời hứa không bao giờ tham gia vào những trò bỉ ổi như thế nữa. “Ông kỹ sư”, ông ta nghiêm khắc bảo, “ông phải tôn trọng cái phần người trong ông! Ông hãy tin tưởng vào những tư duy trong sáng và nhân bản, và tránh xa những trò nhồi sọ đáng ghê tởm, vũng bùn nhầy nhụa của tư tưởng mờ ám kia! Phép lạ? Bí mật của cuộc sống? Caro mio[498]! Ở đâu đạo đức và lòng can đảm bị suy đồi, mất khả năng quyết định và phân biệt giữa lừa đảo và hiện thực, ở đó sự sống cũng chấm dứt, không còn phán quyết, không còn giá trị, không còn sáng tạo. Và quá trình hoại tử do sự hồ nghi đạo đức bắt đầu sự phân hủy đáng sợ của nó!” Con người là tiêu chuẩn của vạn vật, ông ta còn nói. Con người có quyền tùy theo nhận thức mà cân nhắc giữa cái thiện và cái ác, sự thật và dối trá, quyền ấy không thể mua bán đổi chác, và hãy liệu hồn kẻ nào dám làm lung lay niềm tin của con người vào cái quyền đầy sáng tạo ấy của mình! Bấy giờ đối với y bị đeo một thớt cối xay vào cổ rồi dìm xuống giếng sâu còn hơn.
Hans Castorp gật đầu, và quả thực thời gian sau đó chàng tránh xa những trò nhảm nhí ấy. Chàng nghe nói bác sĩ Krokowski tổ chức những buổi điều trị phân tâm trong hầm tối với Ellen Brand và cho phép một số thành viên chọn lọc của ‘Sơn trang’ tham dự. Chàng dửng dưng từ chối không tham gia với họ - nhưng tất nhiên không từ chối nghe điều này điều kia về kết quả các cuộc thử nghiệm ấy từ miệng những người tham dự và từ chính bác sĩ Krokowski. Chàng được biết trong các cuộc gặp gỡ ấy sự biểu lộ sức mạnh một cách hung hăng và thiếu kiểm soát giống như đã xảy ra trong phòng cô ả Kleefeld - những cú đập bàn đập tường, tắt mở đèn và cả các hành động khác - được người đồng đội Krokowski, sau khi trổ tài đặt cô bé Elly vào trạng thái bị thôi miên, gợi ra và huấn luyện một cách có hệ thống nhưng vẫn đảm bảo ở mức tối đa thực chất của chúng. Họ phát hiện ra âm nhạc có tác dụng hỗ trợ tốt cho các thí nghiệm loại này, và thế là trong những buổi tối họ luyện tập ma thuật chiếc máy quay đĩa bị trưng dụng. Nhưng ông Wenzel người Tiệp, người lãnh trách nhiệm điều khiển máy trong những dịp này, là một người có chút kiến thức về âm nhạc và chắc chắn sẽ không đối xử tệ hay làm hỏng máy, nên Hans Castorp có thể tạm yên tâm giao phó nó cho ông ta. Chàng cũng lựa ra từ kho nhạc của mình một album nho nhỏ dành riêng cho mục đích này, gồm toàn những bản nhạc nhẹ nhàng, nhạc nhảy, những khúc dạo đầu êm ái và vài thứ vớ vẩn khác; và vì đôi tai Elly không có những đòi hỏi cao siêu nên bộ album ấy hoàn toàn đáp ứng được mục đích của nó.
Thế là trong những âm điệu du dương chọn lọc, như Hans Castorp được nghe kể lại, một chiếc khăn tay nằm dưới sàn nhà đã tự động nhấc lên cao, hay đúng hơn là được một “bàn tay” nấp bên dưới nâng lên, cái giỏ giấy vụn của ông bác sĩ bay lơ lửng đến tận trần nhà, quả lắc một chiếc đồng hồ treo tường bị “một người vô hình” giữ lại rồi sau đó lại đẩy cho chạy tiếp, một cái chuông nhỏ trên bàn được “cầm lên” và lắc cho kêu, và còn nhiều hiện tượng bí ẩn vô nghĩa nữa. Nhà chuyên môn lãnh đạo cuộc thí nghiệm hí hửng gán cho những kết quả thí nghiệm của mình một cái tên khoa học bằng tiếng Hy Lạp cổ rất kêu. Đó là, ông bác sĩ quảng cáo trong các buổi thuyết trình và các cuộc gặp gỡ cá nhân, “telekinesis”[499], hiện tượng di chuyển đồ vật từ xa bằng sức mạnh ý chí; ông ta xếp nó vào lĩnh vực các hiện tượng được khoa học đặt cho cái tên là vật chất hóa, và xác định đó cũng là mục tiêu nghiên cứu tìm hiểu của ông ta trong các cuộc thí nghiệm với Ellen Brand.
Bài thuyết trình của ông ta đề cập đến sự quy chiếu tâm sinh lý của tiềm thức phức hợp lên yếu tố khách quan, về những quá trình biến đổi bắt nguồn từ trạng thái nhập đồng hay bị thôi miên, ở mức độ nào đó được coi là sự khách quan hóa những ấn tượng trong mơ và tiềm ẩn năng lực giao cảm, một khả năng tinh thần dưới những điều kiện nhất định có thể thu hút vật chất về mình và tạo ra từ đó một sự hiện hữu ngắn ngủi. Vật chất này tỏa ra từ người có khả năng giao cảm và tạm thời hình thành bên ngoài cơ thể người ấy một cơ quan sinh học hữu cơ ngoại biên, đoạn cuối một chi, một bàn tay chẳng hạn, để thực hiện những hành động nhỏ nhặt đáng kinh ngạc kia, nhân chứng là những người có mặt trong phòng thí nghiệm của bác sĩ Krokowski. Trong một số trường hợp chúng có thể trở nên hữu hình hoặc sờ nắn được, hoặc in lại hình dáng của chúng trong sáp hay thạch cao. Trong những hoàn cảnh nhất định thậm chí chúng tự thể hiện mình chẳng cần đến các chất này. Đôi khi một cái đầu, một gương mặt hay một dáng hình đầy đủ của con người hiện lên trước mắt những người thí nghiệm, để có những sự tiếp xúc dù rằng còn hạn chế với họ... Tới đây học thuyết của bác sĩ Krokowski bắt đầu trở nên lươn lẹo, nước đôi, và mang những đặc tính ỡm ờ như các bài thuyết trình dạo trước của ông ta về “tình yêu”. Vì giờ đây đối tượng nghiên cứu của ông ta không còn là những hiện tượng khoa học rõ ràng minh bạch, phản ảnh một cách khách quan tố chất chủ quan của người có khả năng giao cảm, với sự cộng tác thụ động của người này; giờ đây gia nhập vào trò chơi, bất luận thế nào, chí ít là nửa nọ nửa kia, có sự can thiệp của những thế lực bên ngoài hoặc bên kia thế giới. Đó là - có thể, chứ không được công khai thừa nhận - những đối tượng không thuộc về thế giới người sống, những linh hồn tranh thủ cơ hội thuận lợi và bí hiểm trong chốc lát để trở về dạng vật chất và tự biểu hiện trước những người gọi nó - nói tóm lại, đó là việc gọi hồn người chết.
Đúng thế, đó là mục tiêu mà người đồng đội Krokowski nhắm tới trong những buổi lên đồng với đám người thân tín của ông ta. Vạm vỡ thấp lùn, với nụ cười cương nghị khuyến khích lòng tin cậy và sự cởi mở, ông ta nhằm vào những đối tượng ấy, thông thạo như ở nhà trong vũng lầy mờ ám và phi nhân bản, một thủ lĩnh tài ba đối với cả những kẻ dè dặt và hoài nghi nhất trong lĩnh vực này. Cứ theo những điều Hans Castorp được nghe kể thì có vẻ vận may đang mỉm cười với ông ta, nhờ vào khả năng đặc biệt của Ellen Brand mà ông ta dày công bồi dưỡng và luyện tập. Đã đôi lần có sự đụng chạm giữa một vài người tham dự và bàn tay được vật chất hóa. Ông công tố viên Paravant lãnh một cái bạt tai nảy đom đóm mắt từ cõi siêu nhiên và vui vẻ tiếp nhận với tinh thần khoa học, thậm chí còn hăng hái đưa nốt má bên kia ra - mặc dù đường đường chính chính là một người quân tử, một luật gia và cựu thành viên Hội sinh viên lẽ ra ông ta có đầy đủ lý do để phản ứng khác hẳn, nếu cú đánh đến từ thế giới bên này chứ không phải thế giới bên kia. A. K. Ferge, con người nhẫn nại và bình dị, xa lạ với tất cả những gì cao siêu, một tối bỗng nắm trong tay một bàn tay ma và có thể bằng xúc giác kiểm nghiệm sự hiện thực và toàn vẹn của nó. Nhưng sau đó nó đã thoát khỏi cái bắt tay nồng nhiệt đến mức trân trọng của ông ta bằng cách nào không rõ. Phải mất một thời gian dài, khoảng hai tháng rưỡi, với các cuộc thí nghiệm hai lần một tuần, mới đến lúc một bàn tay từ bên kia thế giới hiện hình cho họ thấy, bàn tay của một người đàn ông còn trẻ theo nhận xét của họ, trong ánh sáng đỏ lừ của ngọn đèn nhỏ bọc giấy đỏ nó ngọ nguậy mấy ngón tay bò qua mặt bàn trước mắt tất cả mọi người và để lại dấu vết trong một cái tô bằng đất nung đựng đầy bột. Nhưng chỉ tám ngày sau đó xảy ra sự kiện một nhóm cộng tác viên của bác sĩ Krokowski gồm ông Albin, bà Stöhr, cặp vợ chồng Magnus đã gần nửa đêm còn hồ hởi phấn khởi và vui mừng đến phát sốt ào vào ban công phòng Hans Castorp và tranh nhau tường thuật với người nằm trong đêm tối lạnh cắt da rằng cậu Holger của cô bé Elly đã xuất đầu lộ diện, rằng họ đã nhìn thấy cái đầu cậu ta lấp ló sau vai người bị thôi miên, cậu ta đúng là có những lọn “tóc đẹp lượn sóng màu nâu nâu”, và còn mỉm một nụ cười u uẩn dịu dàng không thể tả trước khi biến mất!
Hans Castorp thấy có điều gì không khớp giữa nỗi buồn u uẩn dịu dàng của Holger và những hành vi khác của cậu ta, những trò quậy phá trẻ con thiếu trí tưởng tượng, thậm chí bạo lực, ví dụ như cái bạt tai chẳng dịu dàng chút nào mà ông công tố viên lãnh đủ từ tay cậu ta. Rõ ràng ở đây có sự thiếu đồng bộ nghiêm trọng về nhân cách. Có lẽ họ gặp phải một cá tính mâu thuẫn như lão gù trong bài hát dân gian, độc ác một cách đầy đau khổ và cần lòng thương hại. Nhưng những kẻ ái mộ Holger chừng như không đếm xỉa đến điều đó. Họ chỉ muốn thuyết phục Hans Castorp nhập bọn với họ. Chàng nhất định phải dự buổi lên đồng lần sau, họ bảo, vì tình hình bây giờ đang rất khả quan. Trong lúc nhập đồng Elly đã hứa lần sau sẽ gọi về bất kỳ hồn nào họ muốn.
Bất kỳ hồn nào họ muốn? Mặc dầu vậy Hans Castorp vẫn từ chối. Nhưng khả năng có thể gặp lại bất kỳ người nào đã khuất ám ảnh đầu óc chàng đến nỗi ba ngày sau chàng đi đến quyết định ngược lại. Đúng ra không phải cả ba ngày, mà chỉ vài phút trong ba ngày ấy đã đưa chàng đến quyết định này. Đó là lúc chàng ngồi một mình trong đêm vắng ở phòng âm nhạc và lại đặt vào máy cái đĩa hát của nhân vật Valentin mà chàng rất có cảm tình - quyết định đổi ý của chàng diễn ra nhanh chóng trong lúc chàng ngồi trên chiếc ghế bành lắng nghe lời cầu nguyện của người lính can đảm trước giờ dấn thân ra chiến trường danh dự. Chàng ta hát:
“Và nếu như Chúa gọi tôi về trời cao,
Từ trên ấy tôi sẽ dõi theo che chở cho em
Ôi Margarethe!”
Ngực chàng thắt lại như mỗi lần nghe bài hát ấy, chỉ có điều lần này nỗi xúc động của chàng tăng lên gấp bội vì một khả năng nhất định, và kết thành một mong muốn khát khao. Chàng tự nhủ: “Vô bổ và tội lỗi hay không cũng kệ, đó có thể là một kinh nghiệm lạ lùng, một cuộc phiêu lưu hấp dẫn. Và nếu như có bị lôi kéo vào chuyện này thì chắc anh ấy cũng chẳng giận đâu, mình biết tính anh ấy mà.” Và chàng nhớ lại câu trả lời tự do và rộng lượng “Xin cứ tự nhiên” của người anh, vang lên trong bóng tối đen kịt của gian phòng chiếu điện ngày nào, khi chàng xin phép có cái nhìn e rằng hơi khiếm nhã vào bên trong con người anh ấy.
Sáng hôm sau chàng thông báo sẽ tham dự buổi lên đồng tổ chức vào tối ngày hôm đó, và khoảng nửa giờ sau bữa tối chàng nhập bọn với những người khác, đám khách quen của màn trình diễn quái gở này, vừa vô tư chuyện trò lốp bốp vừa kéo nhau xuống tầng hầm. Những người cùng chàng tụ tập ở gian hầm của bác sĩ Krokowski đều là những bệnh nhân có thâm niên cao đã mọc rễ ra ở trên này, hoặc những người được họ tin cậy kết nạp thêm như tiến sĩ Ting-Fu và ông Wenzel người Tiệp: đó là các ông Ferge và Wehsal, ông công tố viên, các cô Levi và Kleefeld, dĩ nhiên cả những người đã lên ban công phòng chàng thông báo sự xuất hiện của Holger và nhân vật trung gian làm môi giới tiếp xúc giữa họ với cậu ta, Elly Brand.
Cô gái nhỏ Bắc Âu đã có mặt ở đó trong sự bảo hộ của ông bác sĩ, khi Hans Castorp bước qua cánh cửa được trang trí bằng tấm danh thiếp vào phòng. Cô ta đứng đón khách cạnh Krokowski, chỗ nấc thang thụt xuống làm gian phòng của ông bác sĩ trợ lý thấp hơn sàn tầng hầm một bước, và cùng ông ta niềm nở chào hỏi khách, ông này vẫn trong chiếc áo choàng đen, trang phục làm việc của ông ta, một tay choàng lên vai cô bé đầy vẻ cha chú. Thủ tục chào hỏi diễn ra vui vẻ tự nhiên ở cả mọi phía. Dường như người ta cố ý tạo ra bầu không khí thoát khỏi mọi nghi lễ trang trọng và gượng ép. Người ta cười nói xôn xao, trao đổi những cú thúc cùi chỏ thân mật vào mạng sườn nhau và bằng mọi cách thể hiện tâm trạng vô tư lự của mình. Những chiếc răng vàng của bác sĩ Krokowski nhe ra thường trực trong bộ râu, cương nghị và khuyến khích lòng tin cậy, trong khi ông ta chào hỏi từng người: “Trào ông! Trào bà!” Nụ cười của ông ta càng rộng mở khi đón tiếp Hans Castorp, chàng lẳng lặng bước vào với nét mặt đầy do dự. “Can đảm lên, ông bạn!” Cái gật đầu hăm hở của chủ nhà như muốn nói, trong lúc tay ông ta bóp chặt tay chàng trai trẻ. “Chẳng việc gì phải ngại ngùng. Ở đây không có cả đạo đức thật lẫn đạo đức giả, chỉ có niềm vui không định kiến của người làm công tác nghiên cứu khoa học!” Nhưng những lời khuyến khích bằng nét mặt ấy chẳng giúp người nhận nó thoải mái hơn được chút nào. Chúng tôi vừa thuật lại rằng lúc đi đến quyết định này chàng nhớ tới kinh nghiệm trong phòng chiếu điện; chỉ e rằng liên hệ ấy hoàn toàn không đủ để diễn tả tâm trạng chàng lúc này. Giờ đây chàng thấy sống lại cảm giác căng thẳng hồi hộp không thể quên, vừa tò mò ghê tởm vừa kính cẩn, tất cả trộn lẫn vào nhau và cuộn lên trong bao tử chàng như nhiều năm trước, khi chàng, trong trạng thái đã hơi quá chén, lần đầu tiên cùng bạn bè vào thăm một nhà thổ ở khu Sankt Pauli.
Vì tất cả đã có mặt đông đủ nên bác sĩ Krokowski chỉ định hai nữ trợ lý để khám xét người cô đồng, hôm nay là bà Magnus và cô Levi màu ngà voi, và cùng họ rút lui sang gian phòng kế bên, trong khi Hans Castorp và chín người kia ngồi lại trong phòng làm việc của ông bác sĩ đợi kết quả thủ tục kiểm tra nhiêu khê này, được thực hiện theo nguyên tắc làm việc khoa học trước mỗi cuộc lên đồng mặc dù chẳng bao giờ phát hiện được điều gì nghi vấn. Quang cảnh trong phòng đã quá quen thuộc với chàng từ dạo chàng còn hay đến đây, sau lưng Joachim, để gặp gỡ nhà phân tâm học. Phía sau bên trái cạnh cửa sổ là bàn làm việc với ghế ngồi có tay dựa và ghế bành dành cho khách, giá để tài liệu kê hai bên cánh cửa hông, phía sau bên phải kê một chiếc đi văng bọc vải dầu ngăn cách với góc làm việc bởi một tấm bình phong nhiều mảnh, cái tủ kính đựng dụng cụ khám bệnh của ông bác sĩ cũng đứng trong góc ấy, đối diện với nó là bức tượng bán thân Hippocrates[500], một bức tranh chạm đồng theo tác phẩm Giải phẫu học của Rembrandt[501] treo trên cái lò sưởi đốt ga dựa vào bức tường ở mé bên phải. Đó là một phòng khám bệnh thông thường như vô số phòng khám khác, nếu không kể một số thay đổi tạm thời để phục vụ mục đích đặc biệt buổi tối nay. Chiếc bàn tròn gỗ hồng mọi khi được kê giữa phòng trên tấm thảm đỏ phủ gần kín sàn, dưới ngọn đèn chùm pha lê thắp bằng điện, thường có một nhóm ghế bành vây quanh, giờ đây bị đẩy về góc trước bên trái, nơi đặt bức tượng bán thân bằng thạch cao, và xéo xéo trước cái lò sưởi đang cháy tỏa hơi nóng khắp phòng có một chiếc bàn nhỏ phủ khăn, trên đặt một ngọn đèn nhỏ chao đỏ, ngay bên trên nó, thòng xuống từ trần nhà là một cái bóng điện cũng chao đỏ, đã thế còn được bọc thêm bên ngoài bằng vải the đen. Bên trên và bên cạnh bàn đặt một vài dụng cụ thí nghiệm khét tiếng: hai cái chuông nhỏ với cấu trúc khác nhau, một cái cầm lên tay lắc và một cái ấn xuống mới lên tiếng, ngoài ra còn đĩa bột, cái giỏ giấy vụn. Khoảng một tá ghế dựa ghế bành nhiều kiểu xếp thành hình bán nguyệt vây quanh bàn, một đầu gần chân cái đi văng, đầu kia gần giữa phòng, ngay dưới ngọn đèn chùm treo trên trần. Cái máy quay đĩa được đặt ở đây, gần chỗ chiếc ghế cuối cùng và ở vào khoảng giữa lối đi ra cửa. Tập album những bản nhạc dễ lọt tai nằm trên một chiếc ghế đẩu cạnh đó. Gian phòng được sắp đặt như vậy. Ngọn đèn đỏ vẫn chưa được thắp lên. Bóng đèn trên trần tỏa ánh sáng trắng như ban ngày. Khung cửa sổ phía sau đầu hẹp của cái bàn viết được kéo màn sẫm màu che kín mít, phía trước còn có thêm một tấm rèm đăng ten màu kem rủ xuống.
Sau khoảng chục phút ông bác sĩ cùng ba người phụ nữ từ gian phòng nhỏ đi ra. Cách phục trang của cô bé Elly có sự thay đổi: cô ta không mặc áo váy cũ của mình nữa mà mặc một tấm áo dài thượt từ trên xuống dưới như váy ngủ bằng nhiễu trắng, ngang lưng cột lại bằng một sợi dây bện, hai cánh tay thon thả để trần. Bộ ngực thiếu nữ của cô nổi lên mềm mại và tự do dưới lần vải, có vẻ bên dưới tấm áo này cô không mặc gì nhiều.
Cô được mọi người chào đón nồng nhiệt. “Xin chào, Elly! Coi kìa, cô bé nhìn mới đáng yêu làm sao! Đúng là một nàng tiên! Tuyệt lắm, thiên thần nhỏ bé!” Cô mỉm cười đáp lại những lời khen ngợi, biết rằng cách phục sức này làm mình trở nên hấp dẫn hơn. “Kết quả kiểm tra âm tính”, bác sĩ Krokowski tuyên bố. “Vào việc thôi, các đồng đội!” Ông ta hạ lệnh bằng cái giọng ngoại quốc khó ưa. Hans Castorp, rất chướng tai vì cách xưng hô này, đang định theo gương những người khác - đám này vẫn vừa cười nói ồn ào vừa thân mật vỗ vai nhau và tùy tiện ngồi xuống ghế - thì ông bác sĩ trực tiếp quay sang nói với chàng:
“Ông bạn” (kẻ thù thì đúng hơn), “ông là khách hay chí ít cũng là thành viên mới của chúng tôi, vậy nên tôi muốn dành cho ông một vinh dự đặc biệt tối hôm nay. Tôi giao phó cho ông trách nhiệm giám sát cô đồng. Thủ tục thế này.” Và ông ta mời chàng đi theo mình về cuối dãy ghế hình bán nguyệt, chỗ gần chiếc đi văng và tấm bình phong, nơi Elly đã ngồi vào một chiếc ghế mây bình thường, mặt hướng về phía cửa ra với cái ngưỡng cửa cao hơn sàn nhà một bậc chứ không hướng về giữa phòng. Ông ta ngồi xuống một chiếc ghế gần sát và đối diện với ghế cô ta, nắm lấy hai bàn tay cô bé đồng thời kẹp chặt đầu gối cô ta giữa hai đầu gối mình. “Ông hãy làm đúng như tôi!” Ông ta ra lệnh và nhường cho Hans Castorp thế vào chỗ mình. “Rồi ông sẽ thấy, giữ thế này chặt lắm. Để chắc ăn hơn chúng tôi cử thêm một người phụ tá cho ông. Tiểu thư Kleefeld, chẳng hay cô có vui lòng giúp chúng tôi một tay?”
Và người nhận được câu hỏi trịnh trọng đến mức kỳ khôi của ông ta lon ton bước tới nhập bọn với họ, dùng cả hai tay nắm chặt đôi cổ tay mảnh dẻ của Elly.
Trong tư thế ấy Hans Castorp không có cách nào khác hơn là nhìn thẳng vào mặt cô gái trẻ với cái năng khiếu trời cho kia, người đang bị chàng kẹp chặt cả tay lẫn chân, gương mặt gần sát mặt chàng. Mắt họ gặp nhau một thoáng, rồi Elly lảng đi và cụp mắt nhìn xuống với vẻ hổ thẹn hoàn toàn có thể hiểu được trong tình cảnh này. Cô ngượng ngùng mỉm cười, đầu nghiêng nghiêng, môi hơi chúm lại như mới đây trong buổi cầu cơ bằng cái ly thủy tinh. Nhưng cử chỉ làm duyên âm thầm ấy còn làm nổi lên trong lòng Hans Castorp một ký ức khác, xa xôi hơn. Chàng chợt nhớ ra, Karen Karstedt cũng đã cười như thế, lúc cô ta cùng chàng và Joachim đứng trước mảnh đất trống chưa đào huyệt trong nghĩa trang ‘Làng’...
Ai nấy đã yên vị trong dãy ghế hình bán nguyệt. Có mười ba người cả thảy, không kể ông Wenzel người Tiệp, ông này tình nguyện tách riêng ra để rảnh tay phục vụ ‘Polyhymnia’ và thường ngồi ngay cạnh cái máy quay đĩa được chuẩn bị sẵn sàng, trên một cái ghế đẩu sau lưng những người ngồi ở đầu dãy ghế phía giữa phòng. Ông ta còn mang theo cả cây đàn ghi ta của mình nữa. Bác sĩ Krokowski ngồi xuống một đầu, nơi hàng ghế kê khum khum kết thúc, ngay dưới ngọn đèn chùm pha lê, sau khi bằng một động tác bật hai ngọn đèn bọc chao đỏ lên và bằng động tác thứ hai tắt bóng điện trên trần đi. Bóng tối đỏ lừ lập tức bao phủ gian phòng, loại trừ những góc xa khỏi tầm mắt. Đúng ra chỉ có mặt bàn và một khoảng không gian nhỏ lân cận là được chiếu sáng lờ mờ trong ánh đèn đỏ quạch. Mấy phút đầu thậm chí người ta còn không nhìn rõ người ngồi bên cạnh mình. Sau đó thị giác mới dần dần làm quen với bóng tối và học cách tận dụng chút ánh sáng ít ỏi, được ngọn lửa nhỏ bập bùng trong lò sưởi tăng cường thêm chút đỉnh.
Ông bác sĩ có vài lời nói về biện pháp chiếu sáng trong phòng, xin lỗi sự thiếu thốn vì lý do khoa học của nó. Họ chớ nghĩ rằng đó là một biện pháp tạo bầu không khí bí ẩn hay thậm chí lừa bịp. Dù có thiện chí đến mức nào chăng nữa cũng không thể tăng thêm cường độ ánh sáng được. Rất tiếc bản chất của năng lực chưa xác định, đối tượng nghiên cứu của họ, là như thế; nó không phát triển trong ánh sáng trắng, không thể hiện được hiệu lực của mình trong điều kiện ấy. Đó là một thực tế mà trước mắt người ta buộc phải chấp nhận. Hans Castorp thấy chẳng có gì đáng phàn nàn. Bóng tối lúc này rất hợp ý chàng; nó làm cho tình huống đỡ quái gở đi một chút. Và để biện bạch chàng nhớ lại quang cảnh phòng chiếu điện ngày nào, nơi muốn ‘thấy’ người ta phải rửa cặp mắt quen nhìn ánh sáng ngày bằng bóng tối[502].
Cô đồng, bác sĩ Krokowski tiếp tục, lời giảng giải lần này rõ ràng dành riêng cho Hans Castorp, không cần bị ông ta thôi miên nữa. Như người giám sát sẽ thấy, cô ta có thể tự xuất thần, và khi ấy linh hồn hộ mệnh của cô, anh bạn Holger quen thuộc, sẽ thông qua cô mà trao đổi với họ, và người ta phải đề đạt nguyện vọng của mình với cậu Holger chứ không phải với cô ta. Hơn nữa nên biết rằng quan niệm phải tập trung ý chí và dùng sức mạnh tinh thần để chế ngự hiện tượng diễn ra ở đây là một sai lầm lớn có thể dẫn đến thất bại. Ngược lại người ta chỉ cần tập trung tư tưởng ở mức độ vừa phải trong lúc vẫn chuyện trò bình thường. Và nhiệm vụ của Hans Castorp là làm sao không để mất sự kiểm soát tứ chi cô đồng, thế là đủ.
“Hãy nối lại thành một chuỗi!” Bác sĩ Krokowski kết thúc lời nói đầu, và người ta vừa cười vừa làm theo, mặc dù trong bóng tối không dễ gì tìm thấy bàn tay của người ngồi bên. Tiến sĩ Ting-Fu, người ngồi cạnh Hermine Kleefeld, đặt bàn tay phải lên vai cô ta và đưa tay trái cho ông Wehsal, người kế tiếp. Ngồi cạnh ông bác sĩ là ông và bà Magnus, tiếp theo là A. K. Ferge, và nếu Hans Castorp không lầm thì bàn tay phải ông này đang nắm tay cô Levi màu ngà voi - và cứ thế. “Âm nhạc!” Bác sĩ Krokowski ra lệnh; và ông người Tiệp ngồi sau lưng ông ta cho máy chạy và đặt kim lên đĩa. “Trò chuyện!” Krokowski lại ra lệnh, trong lúc những nhịp đầu tiên một bản ouverture[503] của Millöcker[504] vang lên, và người ta ngoan ngoãn rục rịch mở đầu câu chuyện, một câu chuyện nói mà cũng như không: chỗ này nói về lượng tuyết của mùa đông năm nay, chỗ kia về thứ tự thực đơn bữa ăn tối, chỗ nọ về một ca mới nhập viện và một kẻ vừa xuống núi chẳng biết có phép hay vô phép - nửa chìm lấp trong tiếng nhạc, đứt quãng rồi lại bắt đầu, gượng gạo và nhân tạo. Vài phút trôi qua như thế.
Đĩa nhạc chưa hết thì Elly đột nhiên co rúm lại. Một cơn rùng mình chạy khắp người cô, cô thở dài, nửa người trên rũ xuống ngả về phía trước đến nỗi trán cô gần chạm vào trán Hans Castorp, đồng thời hai cánh tay cô bắt đầu đưa tới đưa lui trong một cử động lạ lùng, kéo theo cả tay hai người giám sát.
“Xuất thần!” Ả Kleefeld thông báo giọng sành sỏi. Âm nhạc ngừng bặt. Câu chuyện giả tạo tắt ngấm. Trong sự im lặng bất thường người ta nghe giọng nam trung lè nhè của ông bác sĩ đặt câu hỏi: “Holger có ở đây không?”
Elly lại rùng mình. Cô vặn vẹo người trên ghế. Rồi Hans Castorp cảm thấy tay mình bị cả hai bàn tay cô nắm mạnh và nhanh một cái.
“Cô ấy nắm tay tôi”, chàng thông báo.
“Cậu ấy”, ông bác sĩ sửa lại. “Cậu ấy bắt tay ông. Vậy là cậu ấy có mặt ở đây. - Trào cậu, Holger”, ông ta quay sang hồn ma, giọng vuốt ve ân cần. “Chúng tôi đều rất vui được gặp lại cậu, anh bạn! Cậu còn nhớ không, lần trước cậu đã hứa là sẽ đưa về hồn một người thân của chúng tôi, một người anh hay người chị, do chúng tôi tự chọn, và làm người ấy hiện hình để những người trần mắt thịt chúng tôi có thể thấy được. Hôm nay cậu đã muốn thực hiện lời hứa ấy chưa, và cậu thấy mình có đủ sức để làm việc ấy không?”
Elly lại rùng mình. Cô thở dài và ngần ngừ chưa trả lời ngay. Cô chầm chậm đưa tay lên trán, những người giữ tay cô cũng phải đưa theo, và để tay lại đó một lúc. Rồi cô thì thào sát tai Hans Castorp một tiếng nóng hổi: “Có!”
Câu trả lời hổn hển rót thẳng vào tai gây ra nơi chàng trai trẻ của chúng ta một phản xạ của biểu bì mà trong dân gian người ta vẫn gọi là “nổi da gà”, về bản chất của nó có lần chàng đã được nghe ông cố vấn cung đình giảng giải. Chúng tôi gọi đó là phản xạ nổi da gà, để phân biệt rõ ràng giữa tính chất vật lý và tâm lý của hiện tượng này, vì ở đây khó có thể gọi là kinh dị. Nhân vật chính của chúng ta chỉ có mỗi một ý nghĩ: “Chà, cô nàng bạo quá!” Nhưng đồng thời tâm can chàng rung động bởi một nỗi bồi hồi, thậm chí bàng hoàng, một cảm giác vừa xúc động lại vừa bối rối, sinh ra từ tình huống dễ hiểu lầm của họ, khi một cô gái trẻ măng tay đặt trong tay chàng thỏ thẻ vào tai chàng một tiếng “có”.
“Cậu ấy nói có”, chàng báo cáo, ngấm ngầm xấu hổ.
“Tốt lắm, Holger!” Bác sĩ Krokowski bảo. “Chúng tôi muốn cậu thực hiện lời hứa ấy. Tất cả chúng tôi đều tin rằng cậu sẽ làm được. Tên của người thân đã khuất mà cậu phải mời về chúng tôi sẽ báo cho cậu biết ngay bây giờ. Các đồng đội”, ông ta quay sang đám lâu la, “ai có nguyện vọng thì lên tiếng đi! Anh bạn Holger nên cho chúng ta gặp lại ai bây giờ?”
Im lặng. Người nào cũng chờ người khác lên tiếng. Tất nhiên trong mấy ngày vừa qua mỗi người đều đã âm thầm tự đặt ra câu hỏi này và có những định hướng riêng. Nhưng sự trở về của người đã chết, hay nói đúng hơn, khả năng thực hiện nguyện vọng đưa họ trở về bao giờ cũng là một vấn đề cực kỳ khó xử thuộc phạm trù đạo đức. Nói toạc móng heo ra thì nguyện vọng ấy không hề tồn tại; nó chỉ là một sự hiểu lầm, một điều bất khả thi, cũng như bản thân quá trình sẽ xảy ra nếu thiên nhiên có lần vô hiệu hóa các định luật của mình để cho cái không thể trở thành có thể. Và cái mà chúng ta gọi là nỗi tiếc thương người đã chết có lẽ không phải là sự đau đớn vì không thể nào đưa họ trở về cuộc sống, mà là vì chúng ta không hề mong muốn điều đó.
Tất cả bọn họ đều mơ hồ cảm thấy như vậy, và mặc dù ở đây không phải là chuyện nghiêm túc đưa một người chết thực sự quay về cuộc sống, mà chỉ là một sự dàn dựng đa cảm và đầy kịch tính, trong đó người ta cũng chỉ được hứa hẹn sẽ nhìn thấy người đã chết, tóm lại không có gì là bất kính với cuộc sống, nhưng người ta vẫn sợ phải đối mặt với người đã khuất mà mình tưởng nhớ, và không ai muốn sử dụng điều ước của mình mà chỉ muốn đẩy sang cho người bên cạnh. Cả Hans Castorp, mặc dù như nghe văng vẳng câu trả lời hiền hậu và rộng lượng “Xin cứ tự nhiên!” vọng ra từ bóng tối, cũng ngồi im thin thít và đến phút cuối cùng vẫn sẵn sàng nhường quyền đề nghị cho người khác. Nhưng rồi sự chờ đợi quá dài đối với chàng, nên cuối cùng chàng quay đầu về phía người chủ tọa và lên tiếng, giọng khản đặc: “Tôi muốn được nhìn thấy người anh họ đã chết của tôi, Joachim Ziemßen.”
Đó là một sự giải thoát cho tất cả. Trong số những người ngồi đây chỉ có tiến sĩ Ting-Fu, ông Wenzel người Tiệp[505] và bản thân cô đồng là không biết mặt người được gọi hồn. Những kẻ còn lại, Ferge, Wehsal, ông Albin, ông công tố viên, ông và bà Magnus, mụ Stöhr, ả Levi, ả Kleefeld đều khoái chí trước sự lựa chọn này và rộ lên tán thưởng, đến cả bác sĩ Krokowski cũng hài lòng gật đầu, mặc dù quan hệ của ông ta với Joachim lúc sinh thời không mấy mặn mà, nguyên do là bởi thái độ thiếu thiện chí của người bệnh đối với phân tâm học.
“Hay lắm”, ông bác sĩ bảo. “Cậu nghe thấy chứ, Holger? Khi còn sống người được nêu tên không hề quen biết cậu. Liệu cậu có thể nhận ra người ấy trong thế giới bên kia và có sẵn lòng đưa người ấy về đây ra mắt chúng tôi không?”
Căng thẳng cực độ. Người xuất thần ẹo qua ẹo lại, thở dài sườn sượt và rùng mình liên tiếp. Có vẻ như cô đang tìm kiếm và vật lộn: người cô rũ xuống lúc bên này lúc bên kia và miệng lẩm bẩm những điều không thể hiểu nổi khi thì vào tai Hans Castorp, khi vào tai ả Kleefeld. Cuối cùng Hans Castorp nhận được từ hai bàn tay cô cái siết tay có nghĩa là “có”. Chàng thông báo điều này, và...
“Tốt lắm!” Bác sĩ Krokowski kêu lên. “Vào việc đi, Holger! Âm nhạc!” Ông ta yêu cầu. “Trò chuyện!” Và ông ta lặp lại lời cảnh cáo, không nên ép mình tập trung tư tưởng hay cố sức hình dung ra người được gọi, mà chỉ cần một sự tập trung vừa phải, nhẹ nhàng không bó buộc.
Tiếp theo là những giờ đồng hồ lạ lùng nhất mà nhân vật chính của chúng ta trải qua từ trước tới nay, và mặc dù chúng tôi không biết rõ số phận chàng về sau sẽ ra sao, mặc dù ở một thời điểm nhất định của câu chuyện chàng sẽ lạc ra khỏi tầm mắt của chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn muốn tin rằng đây đã và sẽ là những giờ khắc lạ lùng nhất trong cuộc đời chàng.
Đó là mấy giờ đồng hồ, chính xác là hơn hai tiếng, kể cả một lúc gián đoạn trong quá trình thực hiện ‘công việc’ của Holger hay nói đúng hơn là của cô gái trẻ Elly - một công việc kéo dài đến mức kinh hoàng, khiến tất cả cuối cùng gần như mất hết hy vọng vào kết quả và hoàn toàn vì lý do trắc ẩn đã nhiều lần muốn rút ngắn sự tra tấn nặng nề đến mức tàn nhẫn mà họ cảm thấy vượt quá sức vóc mảnh mai của người phải gánh chịu. Đàn ông chúng ta, nếu không lảng tránh trách nhiệm của mình, ai đã trải qua một tình huống nhất định trong đời hẳn cũng biết cái cảm giác thương xót đến không thể chịu nổi này, một niềm thương cảm mà, nực cười làm sao, không ai chia sẻ và rõ ràng là không đúng chỗ, bóp nghẹt trái tim ta và đẩy vọt ra khỏi ngực ta tiếng kêu “Đủ rồi, thôi đi!” trong khi ‘nó’ vẫn chưa thấy đủ và không muốn thôi và bằng cách này hay cách khác vẫn phải diễn ra cho đến cùng. Chắc quý độc giả đã hiểu, chúng tôi đang nói về cảm giác của người chồng và người cha khi chứng kiến cơn đau vượt cạn của người mẹ, vì sự vật vã của Elly có những nét đặc trưng giống đến mức không thể nhầm lẫn với sự kiện kia, khiến không ai là không nhận ra, kể cả một người chưa hề có kinh nghiệm thực tế như chàng trẻ tuổi Hans Castorp. Vì cũng không muốn lảng tránh trách nhiệm với cuộc đời nên chàng đã làm quen với sự kiện đầy bí ẩn của cuộc sống ấy dưới hình thức này. Dưới hình thức nào kia chứ! Và với mục đích gì! Trong hoàn cảnh như thế nào! Chỉ có thể gọi đó là xì căng đan, là một vụ tai tiếng khủng khiếp, cảnh tượng nhại lại đầy đủ và chi tiết sự kiện kia với gian phòng chìm trong ánh sáng đỏ lừ, cô gái trẻ mặc chiếc áo ngủ mềm mại không tay trong vai người đàn bà ở cữ, trong khi ấy chiếc máy quay đĩa không ngừng nhả ra những âm thanh dễ dãi, đám người ngồi thành hình bán nguyệt không ngừng rặn ra những câu chuyện theo yêu cầu và những lời khích lệ dành cho người vật lộn: “Nào, Holger! Can đảm lên! Sắp được rồi! Đừng bỏ cuộc, Holger, cố lên, thế nào cậu cũng làm được!” Đấy là còn chưa kể đến thân phận và hoàn cảnh ‘người chồng’ - nếu ở đây có thể coi Hans Castorp, tác giả của cái nguyện vọng tai hại ấy, là người chồng - đầu gối kẹp chặt chân ‘người mẹ’ trẻ, hai tay nắm chặt tay cô, bàn tay ướt đẫm mồ hôi như tay cô bé Leila dạo nọ, khiến chàng chốc chốc cứ phải nắm lại cho chắc để nó khỏi tuột mất.
Bởi cái lò sưởi ga đằng sau lưng họ không ngừng tỏa hơi ấm.
Huyền bí và linh thiêng? Không, quang cảnh diễn ra trong bóng tối đỏ quạch mà mắt người đã quen đến độ có thể nhìn thấy gần hết cả gian phòng phải tả là ồn ào và thô tục mới đúng. Âm nhạc, tiếng kêu, tiếng gọi làm người ta nhớ tới những biện pháp cổ vũ tinh thần của đội quân cứu thế, đó là liên tưởng của bất kỳ người nào, như Hans Castorp, chưa bao giờ dự một buổi lễ tế thần của đám người cuồng tín vui nhộn này. Huyền hoặc, bí ẩn, đối với những người cảm tình có thể là sùng tín, nhưng khung cảnh này không hề mang cái nghĩa ma quái, mà chỉ có tính chất tự nhiên, hữu cơ như cuộc sống - nhờ mối quan hệ gần gũi và thầm kín như chúng tôi đã nói ở trên. Những cơn vật vã của Elly đến thành từng đợt như cơn đau chuyển dạ, giữa chừng là những quãng nghỉ trong đó cô bé lả người nằm vật xuống một bên ghế thiêm thiếp, một trạng thái khó tiếp cận mà bác sĩ Krokowski gọi là “thôi miên sâu”. Rồi cô ta lại chồm dậy, rên rỉ, quằn quại, xô đẩy, giằng co với những người giám sát, thì thào những lời nóng bỏng vô nghĩa vào tai họ, vật người sang ngang như muốn tống cái gì đó ra khỏi cơ thể, nghiến răng ken két và thậm chí một lần còn cắn tay áo Hans Castorp.
Cứ thế khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Rồi người chủ tọa cuộc lên đồng quyết định cho nghỉ giải lao một lúc, vì lợi ích tất cả các bên tham dự. Ông Wenzel người Tiệp, lúc sau này để thay đổi không khí đã cho cái máy quay đĩa nghỉ ngơi và thể hiện khá điêu luyện vài bản nhạc trên cây ghi ta của mình, giờ đặt cây đàn qua một bên. Người ta thở phào buông tay nhau ra. Bác sĩ Krokowski bước tới chỗ công tắc trên tường để bật ngọn đèn trên trần. Ánh sáng trắng bừng lên chói lòa, những cặp mắt quen nhìn trong bóng đêm nheo tít lại. Elly thiêm thiếp gục đầu về phía trước, mặt cúi sát đầu gối. Người ta thấy cô bé bận rộn làm một cử chỉ lạ lùng, có vẻ như đã quen thuộc với những người khác, chỉ riêng Hans Castorp kinh ngạc quan sát: suốt vài phút đồng hồ cô bé di chuyển bàn tay phía ngang hông, đưa ra phía ngoài rồi làm như vốc hay cào cái gì đó về phía mình, như thể cô đang vun vén hay góp nhặt cái gì đó vô hình. Rồi cô tỉnh dậy sau vài cái rùng mình, cặp mắt ngái ngủ hấp háy nheo lại trong ánh sáng chói chang, và mỉm cười.
Cô mỉm cười - duyên dáng và hơi khép nép. Lòng trắc ẩn dành cho nỗi cực nhọc của cô có vẻ hoàn toàn dư thừa. Nhìn cô không có vẻ gì là kiệt sức hay mệt mỏi. Cũng có thể cô chẳng nhớ những gì vừa xảy ra. Cô ngồi trong chiếc ghế bành tiếp khách của ông bác sĩ bên cạnh chiếc bàn viết kê gần cửa sổ, ở khoảng giữa nó và tấm bình phong che quanh cái đi văng; cô hơi xoay chiếc ghế đi một chút để có thể đặt một cánh tay dựa lên mặt bàn và quay nhìn về phía giữa phòng. Cô ngồi lặng im như thế, thỉnh thoảng nhận được những ánh mắt thông cảm, những cái gật đầu khích lệ của mọi người, nhưng không nói một lời nào trong suốt thời gian giải lao kéo dài mười lăm phút.
Đó là những phút giải lao thực sự - thoải mái và mãn nguyện với lượng công việc đã được thực hiện. Nắp hộp thuốc lá của các ông mở ra lách cách, người ta khoan khoái hút thuốc và đứng túm tụm thành từng nhóm trao đổi về tính chất buổi lên đồng. Không ai nghi ngờ triển vọng của buổi tối nay, còn lâu họ mới tính đến chuyện thất bại. Có đủ dấu hiệu thích hợp bác bỏ những nghi ngờ không đúng chỗ ấy. Những kẻ ngồi gần ông bác sĩ ở đầu kia dãy ghế đồng tình tường thuật rằng họ nhiều lần cảm thấy rất rõ rệt một làn gió mát thoảng qua, từ thân thể cô đồng thổi về một hướng nhất định - theo họ đó là hiện tượng thường xảy ra trong giai đoạn chuẩn bị hiện hồn. Những người khác quả quyết đã thấy nhiều đốm sáng trắng hiện lên và di chuyển theo nhiều hướng khác nhau trước tấm bình phong. Tóm lại, không bỏ cuộc! Không được yếu lòng! Holger đã hứa, và họ không được phép nghi ngờ việc cậu sẽ thực hiện bằng được lời hứa của mình.
Bác sĩ Krokowski ra hiệu tiếp tục. Đích thân ông ta tháp tùng Elly trở về chiếc ghế tra tấn của cô, vừa đi vừa vuốt tóc cô bé, trong khi những người khác lục tục ngồi vào chỗ cũ. Tất cả lại diễn ra như lúc đầu; Hans Castorp xin được giải thoát khỏi vai trò người giám sát chính nhưng bị chủ tọa cuộc lên đồng từ chối thẳng thừng. Đối với ông ta, Krokowski bảo, việc người đề đạt nguyện vọng trực tiếp giám sát cô đồng rất quan trọng, để đảm bảo tính khách quan và loại trừ mọi khả năng lừa đảo. Vậy là Hans Castorp lại ngồi vào tư thế lạ lùng của chàng đối diện với Elly. Ánh sáng phụt tắt nhường chỗ cho bóng tối đỏ quạch. Âm nhạc lại nổi lên. Sau vài phút lại diễn ra cái giật mình đột ngột, cử động kéo cưa của Elly, và lần này Hans Castorp là người lên tiếng thông báo sự “xuất thần”. Cuộc sinh nở tai tiếng tiếp tục.
Nó diễn ra mới nặng nề khủng khiếp làm sao! Có vẻ như nó không muốn diễn ra - mà diễn ra thế nào được? Thật điên rồ! Ở đâu ra thai nghén để mà sinh hạ? Sinh ra cái gì bây giờ? “Cứu tôi với”, cô gái nhỏ rên rỉ, trong khi những cơn đau trở dạ có nguy cơ chuyển thành co giật, một biến chứng nguy hiểm mà các nhà chuyên môn gọi là sản giật. Chốc chốc cô ta lại cất tiếng gọi ông bác sĩ, xin ông ta đặt tay lên mình cô. Ông ta cũng làm và kèm theo vô số lời an ủi cương nghị. Tác dụng của từ trường, nếu thật sự bàn tay ông ta tỏa ra một từ trường nào đó, có tác dụng tăng cường sức lực giúp cô ta tiếp tục cuộc vật lộn.
Và tiếng đồng hồ thứ hai trôi qua, thay phiên trong tiếng đàn ghi ta bập bùng và những âm điệu nhí nhảnh của album nhạc nhẹ được chiếc máy quay đĩa ném vào không gian mờ mờ tối, cường độ ánh sáng thay đổi lại bắt những đôi mắt quen ánh ngày vất vả thích nghi. Giữa chừng xảy ra một sự cố - mà Hans Castorp là thủ phạm. Chàng rụt rè đưa ra một đề nghị, bày tỏ một nguyện vọng, một ý nghĩ thực ra chàng đã có từ lâu, từ lúc bắt đầu, và đáng ra nên nói sớm hơn mới phải. Elly vừa rơi trở lại trạng thái “thôi miên sâu”, gương mặt úp vào hai bàn tay nắm tay chàng, và ông Wenzel đứng lên dợm thay đĩa hát hay đổi mặt đĩa, thì nhân vật chính của chúng ta đi đến một quyết định và lên tiếng bảo rằng, chàng có một đề nghị - thực ra rất không đáng kể, nhưng biết đâu nó có thể giúp được gì chăng. Chàng có... tức là, trong đám đĩa hát của viện có một bản nhạc trích trong vở Margarethe của Gounod, đó là bài Lời cầu nguyện của Valentin, giọng nam trung có dàn nhạc giao hưởng đệm, rất cảm động. Chàng, người nói, cho rằng họ nên thử một lần với đĩa nhạc này.
“Tại sao?” Ông bác sĩ hỏi xuyên qua bóng tối đỏ ngầu...
“Chỉ là cảm giác của tôi thôi. Đây là vấn đề tâm trạng”, chàng trai trẻ đáp. Tinh thần của bài hát chàng nói tới rất lạ lùng và đặc biệt. Nên thử một lần. Không loại trừ khả năng tác động của nó có thể rút ngắn quá trình đang diễn ra ở đây.
“Đĩa hát ấy có ở đây không?” Ông bác sĩ hỏi.
Không, nó không có ở đây. Nhưng Hans Castorp có thể đi lấy...
“Sao ông nghĩ đơn giản thế!” Krokowski gạt phắt đi. Cái gì? Hans Castorp tưởng rằng chàng có thể tự tiện đi ra đi vào lấy vật gì đó rồi lại tiếp tục công việc bỏ dở như không có gì xảy ra hay sao? Thấy ngay là chàng chẳng có kinh nghiệm gì cả. Không, không thể làm thế được. Công lao nãy giờ sẽ đổ xuống sông xuống biển hết, họ sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Tính chính xác khoa học của vấn đề không cho phép họ thậm chí nghĩ đến việc rời khỏi phòng rồi quay trở lại. Cửa phòng đã bị khóa rồi. Chìa khóa nằm trong túi ông ta, bác sĩ chủ trì cuộc nghiên cứu này. Tóm lại, nếu cái đĩa ấy có sẵn ở đây thì còn có thể... Ông ta chưa dứt lời thì ông người Tiệp từ chỗ cái máy quay đĩa đã lên tiếng xen ngang: “Cái đĩa ấy đây này.”
“Hả?” Hans Castorp hỏi...
Đúng thế, nó ở đây. Margarethe, Lời cầu nguyện của Valentin. Xin mời. Nó tình cờ lọt vào album nhạc nhẹ chứ không nằm trong album số II, tập album màu xanh chứa những bản aria, như đáng ra phải thế. Nhờ một sự ngẫu nhiên, cẩu thả, mất trật tự nhưng cũng rất may mắn nó lại có mặt ở đây, giữa đám bản nhạc nhí nhố này, và chỉ cần đặt vào máy.
Hans Castorp nói gì về chuyện ấy? Chàng chẳng nói gì. Ông bác sĩ là người bảo: “Càng tốt”, và nhiều người lên tiếng phụ họa theo. Chiếc kim bắt đầu cạo xè xè, cái nắp được đậy xuống. Và một giọng nam ấm áp cất lên như hát thánh ca: “Giờ đây tôi sắp rời xa...”
Không ai nói gì. Người ta lắng nghe. Elly, ngay khi âm nhạc nổi lên, lại tiếp tục công việc của mình. Cô ta chồm dậy, run lẩy bẩy, rên rỉ, kéo cưa, và lại đưa hai bàn tay ướt đẫm lên trán. Đĩa hát cứ quay. Đã tới đoạn giữa, đoạn nói về chiến đấu và hiểm nguy, bài hát đổi sang nhịp quân hành, dũng mãnh, kính Chúa và rất Pháp. Đoạn ấy trôi qua và đến đoạn kết, tất cả dàn nhạc bắt vào điệp khúc, giọng hát vút lên: “Ôi thượng đế trên cao, hãy nghe lời cầu nguyện của tôi...”
Hans Castorp rất vất vả với Elly. Cô ta ưỡn người lên, khò khè hít vào qua cuống họng thít chặt, rồi thở ra một hơi rất dài, gục xuống và nằm im. Chàng lo lắng cúi xuống người cô thì nghe giọng mụ Stöhr the thé, ngắt quãng:
“Ziem...ßen...!”
Chàng không ngẩng lên. Miệng chàng đắng nghét. Chàng nghe thấy một giọng nói khác, trầm trầm và lạnh lùng, bảo:
“Tôi thấy ông ta từ lâu rồi.”
Đĩa nhạc chạy hết, hợp âm sau cùng lắng xuống trong tiếng kèn. Nhưng không ai tắt máy. Trong im lặng cây kim tiếp tục cạo rèn rẹt vào khoảng trống giữa cái đĩa. Bấy giờ Hans Castorp mới từ từ ngẩng đầu lên, và cặp mắt chàng không cần tìm kiếm vẫn đi đúng hướng.
Trong phòng đã nhiều hơn lúc trước một người. Tách riêng ra khỏi nhóm của họ, ở một góc xa, nơi những tia sáng đỏ lừ mất hút vào bóng tối khiến mắt người gần như không thể thâm nhập tới được, giữa cạnh dài của cái bàn viết và tấm bình phong, trên chiếc ghế bành tiếp khách của ông bác sĩ quay về phía giữa phòng, nơi Elly ngồi trong lúc giải lao, giờ đây là Joachim. Đó là Joachim của những ngày cuối, với cặp má hõm sâu và bộ râu chiến trận, trong đó nổi lên đôi môi đầy đặn và kiêu hãnh. Chàng ngồi dựa vào lưng ghế, vắt chân chữ ngũ. Trên gương mặt gầy guộc của chàng, mặc dù khuất dưới bóng chiếc mũ đội đầu, người ta có thể nhận ra những dấu ấn khổ đau và cả nét nghiêm trang, tinh thần kỷ luật, những đường nét đem lại cho gương mặt chàng một vẻ đẹp rất đàn ông. Hai vết nhăn song song hằn trên trán chàng giữa cặp chân mày, bên dưới là đôi mắt trũng sâu trong hốc mắt, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến cái nhìn dịu dàng từ đôi mắt to đen đẹp một cách hiền từ của chàng, đôi mắt lặng lẽ và âu yếm hướng về phía Hans Castorp, chỉ nhìn chàng mà thôi. Nỗi khổ tâm một thời của chàng, đôi tai vểnh, cũng vẫn có thể nhận ra dưới cái mũ đội đầu, một thứ mũ lạ lùng không ai đoán ra được là cái gì[506]. Anh Joachim của chàng không mặc đồ dân sự, hình như thanh kiếm của chàng để dựa vào đôi chân vắt lên nhau, tay chàng đặt trên đốc kiếm, và người ta cho rằng có thể phân biệt được cái gì như bao súng lục đeo ở thắt lưng chàng. Nhưng đó cũng không phải bộ quân phục đỏm dáng của chàng. Trên đó không có tua ngù kim tuyến hay màu sắc gì, nó có cổ cao như áo đồng phục ngắn và túi bên, đâu đó sâu dưới ngực đính một cây thánh giá. Đôi bàn chân Joachim có vẻ lớn quá khổ, hai ống chân gầy guộc, chừng như chúng được quấn xà cạp hay mang ghệt, nhưng có vẻ thể thao hơn là nhà binh. Và còn cái thứ chàng đội trên đầu nữa chứ! Trông chẳng khác gì Joachim chụp đại một cái nồi quân dụng lên đầu và dùng dây buộc chặt dưới cằm. Tất cả trang phục của chàng toát lên một vẻ cổ xưa, vừa nông dân nhưng đồng thời lại rất chiến trận, kỳ lạ làm sao.
Hans Castorp cảm thấy hơi thở của Ellen Brand phả vào tay mình. Bên cạnh chàng nghe thấy tiếng thở của ả Kleefeld, nhanh, dồn dập. Không còn tiếng động nào khác trong phòng, ngoài tiếng cạo sàn sạt của cây kim vào cái đĩa tiếp tục quay mà không ai nghĩ đến chuyện tắt. Chàng không nhìn ngang nhìn ngửa sang đồng bọn, không muốn nhìn muốn biết họ làm gì. Mắt ngước trên đôi bàn tay, đầu gần như gục trên gối, chàng cúi mình nhìn trân trân qua bóng tối đỏ ngầu về phía người khách ngồi trong chiếc ghế bành. Có một lúc bao tử chàng quặn lên như muốn lộn trái ra ngoài. Cổ họng chàng thít lại, và bốn hay năm tiếng nấc nghẹn ngào từ sâu thẳm cuộn lên. “Tha lỗi cho em!” Chàng nuốt tiếng thì thầm vào trong ngực, nước mắt trào ra ràn rụa khiến chàng không còn nhìn thấy gì nữa.
Chàng nghe tiếng thì thào nho nhỏ: “Hỏi chuyện ông ta đi!” - Chàng nghe giọng nam trung của bác sĩ Krokowski trang trọng và vui vẻ gọi tên mình, nghe tiếng ông ta nhắc lại mệnh lệnh trên. Đáng lẽ tuân lệnh thì chàng rút tay ra từ phía dưới khuôn mặt Elly và đứng lên.
Bác sĩ Krokowski lại gọi tên chàng, lần này bằng giọng cảnh cáo nghiêm khắc. Nhưng Hans Castorp đã sải vài bước đến bên bậc cửa và bằng một động tác dứt khoát bật ngọn đèn sáng trắng trên trần.
Ả Brand bị sốc đột ngột, co rúm người lại run lẩy bẩy trong tay ả Kleefeld. Chiếc ghế bành nọ trống trơn.
Hans Castorp đi thẳng đến đứng sừng sững trước mặt Krokowski cũng đã bật dậy, bỏ ngoài tai mọi lời phản đối của ông ta. Chàng muốn nói, nhưng không lời nào thoát được lên môi. Chàng chìa tay hất đầu ra lệnh. Khi nhận cây chìa khóa từ tay ông bác sĩ chàng hằm hằm gật đầu vài cái vẻ đe dọa, mắt nhìn thẳng vào mặt ông ta, rồi quay lưng và bước ra khỏi phòng.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần