T
rong số các quan bên phủ Chúa thì lũ quan thị là lũ được Chúa tin dùng nhất. Gọi là quan, nhưng bọn này xuất thân chẳng phải là có văn tài hay vũ công mà chỉ ở chỗ là tự ý xin thiến dương vật đi để vào cung hầu Chúa, canh chừng giờ ăn giấc ngủ của Chúa và các bà phi tần… Bọn họ là thế, hoặc là những tên lại đực lại cái do các địa phương tuyển chọn tiến cử vào, có thể nói hầu hết đều là những tên nịnh bợ và nham nhở dơ dáy. Bởi thế, đối với Trạng-Quỳnh, bọn họ là lũ quan đáng khinh và đáng ghét hơn hết, Vì thế, có lần vào ngày gần tết nguyên đán, một tên quan thị có quyền thế biện lễ quà bánh xin Trạng-Quỳnh mấy chữ đại tự để đem về treo cho ra vẻ tết, đồng thời cũng để góp mặt chữ nghĩa với thiên hạ cho có. Quỳnh liền viết cho hai chữa « Thiện đức ». Tên quan thị hỏi nghĩa, Quỳnh giải thích: « Thiện là lành, là tốt, đức là cái đức của con người. Thiện đức có nghĩa là đức tốt đức lành, hai chữ này là của đức Khổng Tử trong sách Trung-dung đấy ».
Tên quan thị lấy làm đắc ý, đem về thuê thợ khắc vào gỗ sơn son thếp vàng làm bức hoành phi treo giữa gian nhà khách. Một thời gian sau, có người hiểu được thâm ý của Quỳnh đến mách cho lão hay, lão mới té ngửa người ra là bị Quỳnh xỏ như hò tam tứ đại tổ tiên ra chửi mà không hay biết gì, vì « Thiện đức » quả có nghĩa đẹp như trên, nhưng nếu đem đọc lái thì nó là « đực thiến » mà đực thiến thì đúng là lão quan thị này.