Núi Thần epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần 7 - Tràn Đầy Âm Điệu Du Dương
rang bị mới nào của ‘Sơn trang’ đã giải thoát cho người bạn lâu năm của chúng ta khỏi sức mê hoặc của bộ bài và đẩy chàng vào vòng tay một hứng thú khác, có vẻ quý phái hơn, mặc dù về căn bản cũng không kém phần kỳ quái? Đó là điều chúng tôi đang dự định trình bày, và vì bản thân cũng hoàn toàn bị chinh phục bởi món đồ ấy nên chúng tôi càng nóng lòng muốn kể ngay lập tức hầu quý vị.
Đó là một đồ vật bổ sung cho những dụng cụ giải trí ở phòng sinh hoạt chung, được mua về theo sáng kiến của ban quản trị luôn tận tụy tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân, chi phí chúng tôi không muốn nêu ra ở đây, chỉ xin nói rằng đó là một quyết định hào phóng của lãnh đạo cái viện an dưỡng rất đáng đề cử này. Lại một món đồ chơi lý thú như cái hộp phóng ảnh, cái ống kính vạn hoa và ống chiếu phim? Phải - và không phải. Vì thứ nhất, đồ vật một tối người ta phát hiện ra trong phòng dương cầm - mà khi nhìn thấy người thì kinh ngạc đưa tay lên quá đầu, người thì say mê chắp tay trong lòng lom khom đứng ngắm - không phải là một dụng cụ quang học mà là một dụng cụ phát ra âm thanh, những món đồ giải trí rẻ tiền nói trên hoàn toàn không thể so sánh với nó về đẳng cấp và giá trị. Đó không phải là một món đồ chơi trẻ con đơn giản mà sau ba tuần người ta đã chán ngấy và không thèm đụng tới. Đó là một chiếc sừng sung túc chứa đầy sáng tạo nghệ thuật với mọi cung bậc vui buồn. Đó là một cái máy phát nhạc. Một cái máy quay đĩa.
Chúng tôi thực lòng lo ngại rằng cái từ này có thể bị hiểu sai theo ý nghĩa cũ đã lạc hậu, và khiến người ta liên tưởng đến đồ vật cổ lỗ sĩ tiền thân của nó mà chúng tôi còn nhớ rõ, một hình ảnh hoàn toàn không xứng đáng với những cố gắng không mệt mỏi trong lĩnh vực kỹ thuật âm nhạc nhằm đạt tới sự hoàn thiện cao nhất để phục vụ con người. Quý vị thân mến, đấy không phải là cái hộp quay tay xấu xí, với đĩa quay và tay cầm ở mặt trên, kèm theo một cái loa như cái kèn trumpet thô kệch bằng đồng thau, trước kia thường gặp nằm chình ình trong các quán trọ và tra tấn tai khách bằng những âm thanh lè nhè nhão nhoét. Cái hộp nhỏ sơn đen thanh lịch ở đây, chiều sâu hơi nhỉnh hơn chiều rộng một chút, nối vào ổ điện trên tường bằng một sợi cáp mềm, đứng biệt lập trên một cái bàn dành riêng cho nó, không có một điểm nào chung với cái máy hát thô sơ từ thuở hồng hoang kia. Giở cái nắp thuôn thuôn duyên dáng lên, người ta thấy mặt trong của nó tự động được giữ ở tư thế chênh chếch nhờ một thanh chống bằng đồng thau chỏi lên từ đáy, nằm gọn trong lòng máy phẳng và nông là cái đĩa quay bọc vải xanh vành mạ kền với cái trục cũng mạ kền nổi lên ở giữa để gài đĩa hát bằng cao su cứng[472]. Ngoài ra người ta còn nhận thấy phía trước đĩa quay bên phải là một thiết bị có mặt số như cái đồng hồ dùng để quy định tốc độ, bên trái một cái cần tắt mở bộ phận quay; phía sau bên trái thò lên cánh tay di động có khuỷu của đầu đọc, khớp nối cũng mạ kền sáng loáng, cuối cánh tay có một bộ phận dẹp bắt ốc để giữ cây kim. Nếu mở cả hai cánh cửa ở mặt trước cái hộp và nhìn vào bên trong người ta sẽ thấy một dãy thanh gỗ dẹp cũng sơn đen đứng song song như bức mành mành - tất cả chỉ có thế.
“Đời mới nhất đấy”, ông cố vấn cung đình cùng vào phòng với họ giờ mới lên tiếng. “Thành tựu tiên tiến nhất của kỹ thuật hiện đại, quý vị thân mến, tinh vi tột đỉnh, chất lượng 1 A, trong thể loại này không có cái gì qua mặt được nó.” Ông ta nói giọng cương lên nghe rất tức cười, như một người bán hàng rong thiếu kinh nghiệm vụng về quảng cáo món hàng. “Đó không thể gọi là máy móc kỹ thuật”, ông ta tiếp tục, vừa nói vừa lấy từ một trong những cái hộp thiếc nhiều màu để trên bàn ra một cây kim và vặn vào cái cần, “đó là một nhạc cụ, một Stradivari hay Guarneri[473], với độ dao động và cộng hưởng được tính toán ở mức độ chính xác nhất! Nhãn hiệu ‘Polyhymnia’, như quý vị có thể thấy nhờ sự tiết lộ của dòng chữ khắc trong nắp hộp. Made in Germany, quý vị phải biết là như thế! Trong lĩnh vực này chúng tôi vượt xa tất cả mọi người. Đó là âm nhạc thực sự dưới hình thức cơ học hiện đại! Đó là linh hồn Đức cập nhật! Và đây là lựa chọn của quý vị!” Ông ta kết thúc bài quảng cáo và chỉ vào cái tủ nhỏ trên tường xếp đầy những tập album gáy dày cộp san sát dựa vào nhau. “Tôi giao phó báu vật này cho quý vị, mong rằng trong tay quý vị nó sẽ được giữ gìn cẩn thận. Chúng ta có nên thưởng thức thử vài bài không nhỉ?”
Các bệnh nhân đồng thanh trả lời rằng nên lắm, và Behrens rút từ trên giá ra một cái hộp màu nhiệm giam giữ âm thanh, lật những trang dày cộp, mỗi trang là một cái túi bằng bìa các tông có lỗ tròn khoét ở một mặt để người ta có thể đọc được tên đĩa nhạc chứa trong lòng nó, chọn lấy một cái đĩa và đặt vào máy. Rồi ông ta gạt cái cần cho dòng điện chạy vào bộ phận quay đĩa, đợi hai giây cho nó lên đủ tốc độ rồi thận trọng đặt cái đầu nhọn của cây kim thép xuống mép đĩa. Lập tức vang lên tiếng cạo lẹt xẹt nhè nhẹ. Ông ta hạ cái nắp đóng lại, và cùng lúc ấy từ hai cánh cửa mở toang, giữa những khe hở của tấm mành mành, không, từ trong lòng cả cái hộp, phát ra một giai điệu rộn ràng vui nhộn, những nốt dạo đầu trong một bản ouverture của Offenbach[474].
Người ta lắng tai nghe, hé môi cười. Người ta gần như không dám tin vào các giác quan của mình trước những âm thanh được tái tạo trung thực và thuần khiết đến thế của tiếng tiêu và sáo gỗ. Một cây vĩ cầm đơn độc thánh thót lên tiếng. Người ta nghe tiếng cung vĩ, tiếng gẩy cần đàn, tiếng lướt ngọt ngào từ vị trí này sang vị trí khác. Người ta nhận ra giai điệu một bản valse của khúc aria Ôi, tôi đã mất nàng. Dàn nhạc dìu dặt bắt vào, và đẩy khoái cảm của người nghe lên tột đỉnh khi khúc dạo đầu được lặp lại với sự hòa tấu của cả dàn, phong phú và sôi động tuyệt vời. Tất nhiên vẫn không thể giống hệt như khi có một dàn nhạc sống biểu diễn trong phòng. Âm hưởng nói chung không sai lệch, nhưng không đủ nổi và như bị thu nhỏ về tổng thể, nếu không sợ quá khập khiễng khi so sánh thính giác và thị giác thì cảm giác của người nghe gần giống như khi xem một bức tranh bằng cái ống nhòm quay ngược đầu: bức tranh như bị đẩy ra xa và thu nhỏ lại, nhưng vẫn giữ nguyên độ chính xác về chi tiết và màu sắc. Bản nhạc, bao gồm nhiều khúc liên tiếp nối với nhau, được tái tạo với đầy đủ sắc thái hài hước vô tư của kịch bản và kết thúc trong sự buông thả hoàn toàn với nhịp hai-bốn dồn dập của điệu nhảy cancan phóng túng, người nghe bất giác hình dung ra những chiếc mũ ống được tung lên trời, những vạt váy tốc cao để lộ đầu gối và sự bốc đồng tưởng không bao giờ dứt. Rồi bộ phận quay tự động ngắt. Bản nhạc hết. Người ta vỗ tay rần rần.
Người ta đòi nghe thêm và được chiều ý: từ cái hộp nhỏ tuôn ra giọng hát, một giọng đàn ông mượt mà nhưng đầy sức mạnh, có dàn nhạc giao hưởng đi theo phụ họa. Đó là một ca sĩ giọng nam trung lừng danh người Ý, tiếng hát tuyệt vời của ông ta vút lên với tất cả sự phong phú và sức truyền cảm tự nhiên, giờ đây không hề có sự thu nhỏ và lùi xa trong chất lượng âm thanh, nếu bước sang một trong mấy gian phòng kế bên và không nhìn thấy cái máy hát thì người ta có thể tưởng rằng ca sĩ bằng xương bằng thịt đang đứng ở đây, tập nốt nhạc cầm trên tay, say sưa hát. Ông ta thể hiện một bản aria phức tạp trong một vở opera[475] bằng tiếng mẹ đẻ của mình - “eh, il barbiere. Di qualità, di qualità! Figaro qua, Figaro là, Figaro, Figaro, Figaro!“[476] Khán giả cười muốn chết vì lối hát kể giọng kim của ông ta, vì sự tương phản giữa giọng hát đầy sức mạnh và cái lưỡi linh hoạt nhường ấy. Người am hiểu nín thở theo dõi đầy ngưỡng mộ nghệ thuật chuyển tông, cách lấy hơi điêu luyện của ông ta. Đúng là một nghệ sĩ kỳ tài, một bậc thầy da capo[477]: người nghe hình dung ra cảnh ông ta tiến lên phía trước trong ánh đèn sân khấu, dang rộng hai tay ở đoạn ngân dài trước âm chủ cuối bản nhạc, và khán giả bị lôi cuốn theo cảm xúc ào lên vỗ tay vang dội, không đợi ông ta kết thúc hẳn. Thật mê ly.
Và còn nữa. Sau đó là tiếng tù và, chín chắn và cẩn trọng, thể hiện nhiều biến tấu khác nhau của một bài dân ca. Một giọng nữ cao trong vắt, với sự tỉnh táo và chính xác tuyệt đỉnh, nhả ra từng nốt luyến láy của một bản aria trong vở La Traviata[478]. Một linh hồn vĩ cầm nổi tiếng thế giới chơi một bản tình ca của Rubinstein[479], tiếng đàn vang lên như sau một tấm mạng, với những nốt dương cầm phụ họa giòn tan như tiếng đàn spinet[480]. Từ cái hộp kỳ diệu tuôn ra đủ mọi loại âm thanh của tất cả các loại nhạc cụ trên đời: tiếng chuông thánh thót, tiếng thụ cầm réo rắt, tiếng kèn rộn vang và tiếng trống thúc giục. Cuối cùng tới nhạc nhảy. Thậm chí có cả một vài đĩa nhạc của những điệu nhảy mới du nhập vào châu Âu như điệu tango, đậm hương sắc lạ lùng của những quán rượu hải cảng, so với nó điệu valse Vienna bỗng trở nên già nua và cổ lỗ sĩ không thể tưởng. Hai cặp lướt ra trên thảm trình diễn những bước đi phức tạp của điệu nhảy hiện đại. Behrens đã rút lui sau khi cảnh cáo rằng mỗi cây kim đọc chỉ được sử dụng một lần và mấy cái đĩa hát phải được “cưng như trứng mỏng”. Hans Castorp thế chỗ ông ta điều khiển máy.
Tại sao lại là chàng chứ không phải ai khác? Đó gần như là một sự đương nhiên. Vẻ lạnh lùng cương quyết Hans Castorp bước lên đối đầu với những kẻ xúm quanh cái máy đòi thay kim đổi đĩa và tắt mở dòng điện cho máy chạy sau khi ông cố vấn cung đình bỏ đi. “Để tôi!” Chàng nói cộc lốc và gạt nhẹ bọn họ sang bên. Không ai cự nự gì, vì trước tiên, thái độ tự tin như thể đã quen với việc này từ đời nảo đời nào rồi của chàng không cho phép ai phản đối, và sau nữa, họ chỉ tò mò táy máy một tí chứ thật lòng chẳng ai muốn nhọc mình ngồi điều khiển nguồn vui lâu dài; đợi người khác phục vụ, không vướng bận trách nhiệm gì, chỉ việc thưởng thức đến lúc nào chán thì thôi sướng hơn nhiều chứ.
Hans Castorp không thế. Trong lúc ông cố vấn cung đình giới thiệu món đồ chơi mới chàng đứng im phăng phắc sau lưng mọi người, không cười không nói, không cả vỗ tay tán thưởng, và hồi hộp theo dõi tất cả, thỉnh thoảng theo thói quen đưa hai ngón tay lên xoa xoa chân mày. Chàng đổi chỗ đứng nhiều lần trong khán giả, có lúc rút lui hẳn vào phòng đọc báo để từ đó lắng nghe, rồi lại trở về đứng sát cạnh Behrens. Nét mặt kín như bưng, hai tay chắp sau lưng, mắt không rời cái hộp, chàng quan sát cách sử dụng đơn giản của nó. Trong đầu chàng bật lên tiếng chuông báo động: ‘Chú ý! Chú ý! Một phát minh thế kỷ! Đúng là dành cho mình!’ Linh cảm về một đam mê mới, một sự màu nhiệm như sức mạnh tình yêu trào dâng trong chàng. Chàng trai trẻ dưới đồng bằng phải lòng cô gái ngay từ cái nhìn đầu tiên, khi bị mũi tên có ngạnh của thần ái tình xuyên thủng trái tim hẳn cũng có tâm trạng tương tự như thế. Ghen tuông lập tức đẩy Hans Castorp ra giành quyền sở hữu. Tài sản chung trong tay tất cả? Sự tò mò lười biếng không có quyền và cũng chẳng có sức sở hữu vật này. “Để tôi!” Chàng nói qua kẽ răng, và họ lảng ra ngay. Họ còn mải nhảy nhót một hồi nữa theo mấy bản nhạc lả lơi chàng cho chạy, đòi nghe thêm một bài hát, một bản song ca barcarole trong vở opera Chuyện kể của Hoffmann[481] đủ ngọt ngào lọt tai họ, và khi chàng tắt máy đóng nắp lại thì họ lục tục bỏ đi, vẫn xôn xao bàn tán về món đồ chơi mới, người lên ban công nằm nghỉ, kẻ về giường. Chàng chỉ đợi có thế. Họ kéo đi bỏ lại mọi thứ nằm ngổn ngang như bãi chiến trường, những cái hộp đựng kim và những tập album mở tung, đĩa hát vung vãi trên bàn trên ghế. Đó là thói quen của họ. Hans Castorp làm bộ đi theo, nhưng tới chân cầu thang chàng bí mật tách ra và quay trở lại phòng giải trí, đóng hết các cửa rồi ngồi lì trong đó đến nửa đêm, chăm chú và bận rộn.
Chàng mày mò làm quen với món đồ mới sắm và tìm hiểu nội dung kho báu âm nhạc kèm theo, những bộ album nhạc nặng trịch, mà không sợ bị ai quấy rầy. Có cả thảy mười hai bộ với hai kích thước khác nhau, mỗi bộ mười hai đĩa; đa số những cái đĩa mỏng màu đen có những đường rãnh tròn sin sít ghi trên cả hai mặt, không phải chỉ vì bản nhạc dài một mặt ghi không hết mà rất nhiều đĩa ghi tới hai bản nhạc khác nhau, khiến cho lúc đầu rất khó định hướng trong khu rừng âm nhạc tuyệt vời ấy và khám phá hết kho báu phong phú của nó. Chàng cho chạy thử khoảng hai tá đĩa, sợ phá vỡ sự yên tĩnh ban đêm và làm phiền những bệnh nhân khác chàng đặc biệt chọn những đầu đọc loại nhẹ để giảm cường độ âm thanh. Bấy nhiêu vẫn chưa đến một phần tám số lượng đĩa nằm mời mọc người nghe, nhưng tối nay thế là đủ, chàng phải tạm hài lòng với việc lướt qua tất cả các tiêu đề và chỉ thỉnh thoảng thử lựa ra một đĩa để cho những đường rãnh câm nín của nó lên tiếng qua cái hộp màu nhiệm. Nhìn bằng mắt những cái đĩa cao su cứng ấy chỉ khác nhau ở cái nhãn màu dán chính giữa, ngoài ra chúng gần như giống hệt. Cái nào cũng như cái nào, bề mặt phủ kín một phần hoặc toàn bộ bằng những đường tròn đồng tâm nằm sát bên nhau cho tới gần giữa, nhưng chính những đường rãnh mảnh như sợi tóc ấy lại chứa trong lòng nó những âm thanh kỳ diệu nhất, những cảm hứng tuyệt vời nhất từ khắp mọi miền của nghệ thuật âm nhạc, được tái tạo lại một cách chọn lọc nhất.
Có một loạt ouverture và các trích đoạn trong thế giới nhạc giao hưởng kiêu sa, được thể hiện bởi những dàn nhạc có tiếng và nhạc trưởng đều là những tên tuổi lớn. Rồi đến một loạt bài hát do thành viên các nhà hát opera nổi danh trình bày trong tiếng dương cầm - cả những sáng tác mang dấu ấn cá nhân và tính nghệ thuật cao lẫn những bản nhạc dân gian bình dị, và cả những tác phẩm nằm giữa hai thể loại này, tức vẫn là những sáng tác cá nhân, nhưng thấm nhuần ý nghĩa và tư tưởng đại chúng, được sáng tạo và cảm thụ một cách chân thật và hồn nhiên - những tác phẩm có thể gọi là những bài dân ca nhân tạo, tất nhiên với điều kiện chữ “nhân tạo” ở đây không được hiểu theo nghĩa tiêu cực làm giảm giá trị tinh thần của bản nhạc. Trong số đó có một bài hát Hans Castorp đã biết từ thời thơ ấu, nhưng giờ đây nghe lại chàng bỗng nảy sinh một thứ tình cảm quyến luyến lạ lùng và đầy ẩn ý mà chúng tôi sẽ đề cập đến ở đoạn sau. Và còn gì nữa, hay nói đúng hơn, còn gì chưa được nhắc đến ở đây? Nhạc opera có đại diện ở mọi thể loại. Một đội tuyển quốc tế gồm toàn các ca sĩ lừng danh cả nam lẫn nữ đem giọng hát trời cho được đào luyện kỹ càng của mình cùng với sự phụ họa của dàn nhạc giao hưởng trình bày các tác phẩm đơn ca, song ca, nhạc kịch thuộc mọi lĩnh vực và thời đại âm nhạc và kịch nghệ: bầu trời âm nhạc phương Nam hào phóng và vô tư, thế giới dân ca Đức tinh quái và quyến rũ, và trường phái opera Pháp vừa hoành tráng vừa hài hước. Hết rồi ư? Ôi không. Bên cạnh đó còn có dòng nhạc thính phòng, những khúc tứ tấu và tam tấu, độc tấu của các nhạc cụ violon, cello, sáo; các bản nhạc kết hợp lời ca với giai điệu violon hay sáo gỗ, có cả những tiết mục thuần túy dương cầm, đấy là chưa kể đến những tiểu phẩm hài, những khúc vè ứng tác mang đậm dấu ấn đặc sắc của các dàn nhạc đệm nhỏ mà khi nghe nhất thiết cần đến một cây kim đọc mạnh phát tiếng thật lớn mới đã.
Hans Castorp xem xét, sắp xếp, lựa chọn, tự tay chia các đĩa nhạc ra thành từng nhóm theo nhạc cụ chủ đạo, linh hồn của bản nhạc. Đầu nóng rực, tinh thần kích động mãi khuya chàng mới về phòng đi ngủ, như sau bữa tiệc rượu đầu tiên với người anh em kết nghĩa vương giả Pieter Peeperkorn đã quá cố, và chiêm bao ít nhất về hai cho đến bảy cái hộp màu nhiệm chứa đầy âm nhạc. Trong mơ chàng thấy cái đĩa quay tít quanh trục, không tiếng động và nhanh đến nỗi loang loáng trước mắt. Nó không chỉ quay tròn quanh cái trục mà còn lệch sang bên trong một cử động dập dềnh lên xuống rất kỳ khôi, khiến cho cánh tay với cái đầu đọc chạm vào mặt trên của nó cũng nâng lên hạ xuống như vỗ cánh - cử động khá phù hợp với độ rung và luyến láy của nhạc cụ cũng như tiếng người hát; nhưng đó vẫn là một điều bí ẩn khó lý giải, cả trong mơ lẫn khi thức, vì làm thế nào một cây kim cày theo một đường rãnh còn mỏng hơn sợi tóc trên một thùng hòa âm tương đối nhỏ và chỉ với sự trợ giúp của màng dao động trong hộp loa lại có thể tái tạo những âm thanh phong phú của cả một dàn nhạc và đem những âm điệu du dương làm tràn đầy đôi tai tinh thần của người đang say ngủ.
Sáng hôm sau chàng đã có mặt từ rất sớm dưới phòng giải trí, trước bữa điểm tâm, và chọn chỗ ngồi thoải mái trong một chiếc ghế bành, hai tay chắp lại, chàng để cho một giọng nam trung tuyệt vời cất lên bay bổng trong tiếng thụ cầm: “Blick´ ich umher in diesem edlen Kreise...”[482] Tiếng đàn thụ cầm vọng ra từ cái hộp gỗ hết sức tự nhiên, không có chút gì là giả tạo và không hề bị giảm sút về chất lượng, dập dìu quấn quít hòa theo giọng ca sĩ lúc lên cao vời vợi lúc xuống thấp nhẹ như hơi thở - thật đáng kinh ngạc. Và trên thế gian không có gì êm ái hơn đoạn hát đối từ một vở opera hiện đại của Ý mà Hans Castorp chọn nghe sau đó: một giọng nam cao nổi tiếng thế giới xuất hiện nhiều lần trong các album và một giọng nữ cao mỏng manh trong như pha lê thể hiện những rung động giản dị mà thắm thiết, khởi đầu cho một mối tình - chàng hát: “Da mi il braccio, mia piccina”[483] và lời đáp ngọt ngào, thẹn thùng ngắn ngủi của nàng...
Hans Castorp giật mình vì tiếng cánh cửa bật mở sau lưng chàng. Ông cố vấn cung đình ló đầu vào. Trong chiếc áo choàng bệnh viện, ống nghe thò ra khỏi túi ngực, ông ta đứng đó nhìn chàng mấy giây, bàn tay to tướng đặt lên tay nắm cửa, và gật đầu với người đang bận thưởng nhạc. Người này đáp lại cũng bằng một cái gật đầu qua vai, gương mặt với gò má xanh như chàm đổ và hàng ria mép bên cụp bên xòe của ông viện trưởng biến mất, cánh cửa được khép lại sau lưng ông ta, và Hans Castorp quay trở về với đôi uyên ương vô hình cùng khúc hát du dương của họ.
Suốt ngày hôm đó, sau bữa trưa và bữa tối những thử nghiệm âm nhạc của chàng có thêm một lượng khán giả không cố định - nếu ta không coi chàng cũng chỉ là thính giả mà là người trình diễn âm nhạc. Bản thân chàng cũng nghĩ thế, và tập thể bệnh nhân ở viện lẳng lặng chấp nhận điều đó ngay từ đầu, khi chàng quả quyết tự đề cử làm người quản lý và canh giữ món tài sản chung kia. Những người này có mất gì đâu; họ vẫn có được niềm vui hời hợt khi thần tượng của họ cất giọng nam cao trời phú say sưa trong ánh hào quang đem tài năng nghệ thuật phục vụ thế gian - mặc dù họ luôn lớn tiếng nói về cảm xúc của mình nhưng trong họ làm gì có tình yêu đích thực, thế nên họ bằng lòng ngay lập tức giao trách nhiệm phục vụ cho kẻ tình nguyện còn mình chỉ việc hưởng thụ. Hans Castorp là người mang lại trật tự cho kho báu đĩa hát kia, chàng viết nội dung từng tập album lên mặt trong tấm bìa để có thể tìm ra ngay một đĩa theo nguyện vọng khán giả, và chàng cũng là người điều khiển máy: chẳng bao lâu sau người ta đã thấy chàng làm việc này một cách thành thạo với bàn tay khéo léo và những cử động nhẹ nhàng dứt khoát. Những người khác làm gì? Họ chỉ có thể làm hỏng đĩa vì sử dụng kim cùn, hay vứt đĩa lung tung trên bàn trên ghế sau khi nghe, biến cái máy hát thành trò tiêu khiển bằng cách mở một bản nhạc nổi tiếng ở tốc độ một trăm mười hay vặn về số không, khiến cho những âm thanh nó nhả ra chỉ là một chùm líu ríu chói tai hoặc tiếng rên rỉ trầm trầm nhão nhoẹt... Họ đã thử hết tất cả những trò ấy. Họ bệnh tật thật đấy, nhưng điều đó không ngăn cản họ phá phách. Thế nên sau một thời gian ngắn Hans Castorp giữ luôn chìa khóa cái tủ nhỏ đựng đĩa nhạc và đầu đọc, và ai muốn nghe nhạc bắt buộc phải gọi chàng.
Đêm đêm, sau giờ giao lưu giải trí, khi đám đông nhộn nhạo đã giải tán, là thời gian đẹp nhất của chàng. Chàng thường ở lại trong phòng, hoặc lén quay trở xuống đó và ngồi nghe nhạc cho đến khuya lắc khuya lơ. Chàng không cần phải sợ quấy rối sự yên tĩnh ban đêm ở viện như dạo đầu, vì dần dần chàng đã nhận ra thứ âm nhạc ma này truyền tải không được bao xa: những dao động ở gần nguồn tạo ra âm thanh mạnh mẽ đáng kinh ngạc bao nhiêu thì ra xa nó yếu đi và trở nên giả tạo cũng nhanh bấy nhiêu, như tất cả những gì chỉ là bóng ma, không có thực chất. Hans Castorp trải qua nhiều đêm trong bốn bức tường ở đó, một mình khám phá điều kỳ diệu của cái hộp tối tân, khám phá khả năng phong phú của cái quan tài đỏm dáng bằng gỗ vĩ cầm ấy. Chàng ngồi lặng hàng giờ trong chiếc ghế bành trước hai cánh cửa mở rộng của cái đền thờ nhỏ màu đen, tay chắp lại, đầu ngoẹo xuống một bên vai, miệng hơi hé mở, đắm mình trong những âm điệu du dương.
Các nam nữ ca sĩ giọng hát vang lên ở đây chàng không nhìn thấy mặt, tấm thân trần tục của họ ở đâu tận bên Mỹ, Milan, Vienna hay Saint Petersburg - họ cứ việc ở lại đó, vì chàng đã có trong tay cái tinh hoa quý giá nhất, giọng hát của họ; chàng thậm chí còn hoan nghênh sự vắng mặt của họ và coi đó như là một sự thanh lọc hoặc trừu tượng hóa, nó giúp chàng loại trừ yếu tố chủ quan của mối quen biết cá nhân, vả chăng những gì có trong tay vẫn đủ để chàng đánh giá con người họ, nhất là những ca sĩ Đức, đồng bào của chàng. Qua cách phát âm, nghe giọng địa phương chàng có thể phân biệt xuất xứ của họ, cá tính trong giọng hát cũng tiết lộ ít nhiều về tầm vóc tâm hồn mỗi cá nhân, và bằng vào khả năng nắm bắt hay bỏ lỡ cơ hội thể hiện tinh thần bản nhạc cũng có thể đánh giá sơ bộ về trí thông minh của họ. Hans Castorp rất bực mình nếu bản nhạc thiếu hụt về trí tuệ. Chàng cũng cảm thấy đau khổ, thậm chí hổ thẹn cắn chặt môi mỗi khi bài ca bị một lỗi kỹ thuật làm mất đi sự hoàn thiện, chàng nhấp nhổm như ngồi trên than hồng nếu trong một đĩa nhạc được nghe nhiều có chỗ giọng hát thiếu kiểm soát trở nên quá cứng hoặc chói tai, điều rất dễ xảy ra với giọng nữ. Nhưng chàng chấp nhận hết, vì có tình yêu nào không phải chịu đau khổ. Đôi khi chàng cúi mình trên món đồ kỳ diệu phập phồng quay tít trong hơi thở, như cúi xuống một bó hoa tử đinh hương, vùi đầu vào đám mây âm thanh ngào ngạt. Hoặc cũng có khi chàng đứng trước cái hộp mở toang, nhấm nháp niềm hạnh phúc vô biên của người nhạc trưởng đưa tay ra hiệu cho một cây kèn trumpet lên tiếng đúng lúc. Và chàng cũng có những bản nhạc ưa thích trong kho báu của mình, một vài tiết mục có lời và không lời mà chàng nghe không biết chán. Chúng tôi xin được kể ra đây hầu quý vị.
Trước tiên phải kể đến một nhóm đĩa ghi lại cảnh cuối của một vở opera hoành tráng tràn đầy sáng tạo nghệ thuật, do một nhạc sĩ thiên tài đồng bào của ông Settembrini, một bậc thầy về nhạc kịch phương Nam, sáng tác theo đơn đặt hàng của một vị vương Đông phương cho một sự kiện trọng đại ở nửa cuối thế kỷ trước, lễ khánh thành một công trình có tầm vóc lớn lao đối với nhân loại, phục vụ sự giao lưu giữa các dân tộc trên thế giới[484]. Hans Castorp đã nghe nói nhiều về cốt truyện, chàng biết những nét sơ lược số phận chàng Radames, nàng Amneris và nàng Aida, đủ để hiểu ý nghĩa những lời hát tiếng Ý phát ra từ cái hộp màu nhiệm - một giọng nam cao không gì so sánh nổi, một giọng nữ trầm vương giả với nét khao khát tuyệt diệu và một giọng nữ cao trong như bạc. Chàng không hiểu hết từng lời, nhưng cũng nắm được lõm bõm nội dung nhờ kiến thức sẵn có về những tình huống xảy ra trong câu chuyện cộng thêm mối thiện cảm tự nhiên của chàng đối với những tình huống ấy, một mối đồng cảm ngày càng lớn sau mỗi lần chàng nghe lại bốn hoặc năm đĩa nhạc kia, cuối cùng đã trở thành một niềm say mê thực sự.
Mở đầu là cuộc đối thoại giữa Radames và Amneris: nàng công chúa cho dẫn người bị trói tới trước mặt mình, chàng, người nàng đem lòng yêu và không mong gì hơn là cứu mạng để cùng chung sống, nhưng chàng đã vì người con gái nô lệ từ một xứ man rợ mà vứt bỏ tất cả, Tổ quốc cũng như danh dự - trong khi chàng vẫn khăng khăng khẳng định rằng mình “trong sâu thẳm trái tim vẫn tròn danh dự”. Sự vẹn tròn trong tim ấy chẳng giúp gì nhiều được cho chàng, bởi tình ngay lý gian, chàng phải chịu những lời buộc tội nặng nề của tòa án tôn giáo, một nơi hoàn toàn xa lạ với tình yêu và chắc chắn sẽ thẳng tay trừng trị nếu phút chót chàng không nghĩ lại mà từ bỏ người nữ nô lệ, về sống trong vòng tay giọng nữ trầm khao khát kia, người chỉ cần nghe giọng hát cũng đủ thấy xứng đáng được hưởng hạnh phúc bên chàng. Amneris cố hết sức thuyết phục giọng nam cao mượt mà uyển chuyển nhưng mù quáng và không còn thiết tha với cuộc sống, chỉ một mực nhắc đi nhắc lại có mấy câu “Tôi không thể” và “Vô ích!” Nàng tuyệt vọng cầu xin chàng công khai chối bỏ cô gái nô lệ kia để cứu lấy mạng sống của chính mình. “Tôi không thể!” - “Hãy nghĩ lại một lần nữa, từ bỏ cô ta đi!” - “Vô ích!” Sự mù quáng trong quyết tâm chịu chết và sự đau đớn vì tình yêu hòa quyện vào nhau thành một khúc song ca nồng nàn thống thiết, đẹp tuyệt vời, nhưng không một tia hy vọng. Rồi chỉ còn tiếng kêu đau đớn tuyệt vọng của Amneris đệm vào những khúc đối đáp ghê rợn theo nghi lễ của tòa án tôn giáo âm u vọng lên từ bên dưới, chàng Radames bất hạnh hoàn toàn không lên tiếng nữa.
“Radames, Radames”, vị giáo sĩ trưởng cất giọng hách dịch và khắc nghiệt vạch trần tội lỗi của kẻ phản bội.
“Tự biện hộ đi!” Dàn đồng ca các giáo sĩ yêu cầu.
Vị giáo sĩ trưởng lưu ý mọi người rằng chàng im lặng không biện hộ, và tất cả đồng thanh tuyên bố chàng có tội.
“Radames, Radames!” Vị giáo sĩ trưởng lại hát. “Ngươi đã trốn khỏi trại trước trận đánh.”
“Tự biện hộ đi!” Tiếng dàn đồng ca. “Xem kìa, y làm thinh”, người chủ tọa phiên tòa đã có định kiến từ đầu đắc thắng thông báo lần thứ hai, và cả lần này tất cả các quan tòa lại đồng thanh buộc tội: “Phản bội!”
“Radames, Radames!” Giọng luận tội không khoan nhượng vang lên lần thứ ba. “Ngươi đã nuốt lời thề với Tổ quốc, với nhà vua và để mất danh dự.” - “Tự biện hộ đi!” Một lần nữa dàn đồng ca lại rống lên. Và: “Phản bội!” Đám giáo sĩ đưa ra kết luận tối hậu chết người, sau khi biết chắc Radames không chịu hé răng. Thế là cái điều không thể tránh khỏi phải xảy ra, dàn đồng ca giọng đều tăm tắp tuyên án kẻ có tội: số phận chàng đã được định đoạt, chàng phải chết cái chết dành cho kẻ đào ngũ và sẽ bị chôn sống dưới chân đền thờ nữ thần Isis.
Sự phẫn uất của Amneris trước bản án tàn nhẫn của đám giáo sĩ người nghe phải tự hình dung bằng trí tưởng tượng của mình, vì tới đây là hết đĩa nhạc. Hans Castorp đổi đĩa chỉ bằng mấy động tác thành thục lẹ làng không tiếng động, mắt nhìn xuống. Và khi chàng về chỗ ngồi nghe tiếp thì vở kịch đã tới cảnh kết: khúc song ca cuối cùng của Radames và Aida, cất lên từ dưới đáy ngôi mộ chung của họ, trong khi phía trên đám giáo sĩ tàn bạo giả nhân giả nghĩa làm lễ tế thần, tay xòe ra, miệng lâm râm tụng niệm... “Tu - in questa tomba?”[485] Giọng hát mê hồn của Radames thảng thốt vang lên, ngọt ngào mà đầy dũng mãnh, vừa kinh hoàng vừa mừng rỡ... Phải, nàng đã tìm đến với chàng, nàng, người chàng yêu dấu, vì người ấy mà chàng không màng cả danh dự lẫn cuộc sống, nàng đã đến đợi chàng ở đây, để bị giam giữ cùng chàng, để được chết bên chàng, và khúc hát của hai người, chốc chốc lại bị ngắt quãng bởi tiếng tụng kinh phía trên vọng xuống, những điều họ trao đổi với nhau hay hòa hợp cùng nhau - khúc hát ấy thấm vào tận đáy sâu tâm hồn người nghe cô đơn trong đêm vắng, cả vì tình huống tuyệt vọng lẫn nghệ thuật thể hiện tuyệt vời của họ. Họ hát về bầu trời, nhưng chính bản thân họ đang bay bổng trên trời, và lời ca của họ là tiếng hát thiên thần. Nét giai điệu của bài ca kết hợp giọng Radames và giọng Aida, lúc đơn lẻ, lúc đồng thanh, quấn quít vào nhau, bình dị mà có hồn, đi từ âm chủ đến âm át, vượt xa khỏi âm chính, lên nửa nốt trước quãng tám rồi quay trở về nốt thứ năm - người nghe cảm tưởng như đây là giai điệu đẹp nhất, say đắm nhất đôi tai chàng được biết từ trước tới nay. Nhưng có lẽ chàng đã không ái mộ bản nhạc đến thế, nếu nội dung câu chuyện không dọn đường cho tâm trí chàng đón nhận vẻ đẹp ngọt ngào say đắm của lời ca. Đẹp làm sao, vì Aida đã tìm đến với tử tù Radames, để vĩnh viễn chia sẻ số phận bị chôn vùi cùng chàng! Kẻ bị kết án phản đối, không phải là không có lý, sự hy sinh một cuộc đời tươi trẻ nhường ấy, nhưng tiếng kêu kinh hoàng đầy âu yếm của chàng “No, no! Troppo sei bella!”[486] cũng là niềm hân hoan tột đỉnh khi cuối cùng được hội ngộ với nàng, người chàng tưởng sẽ không bao giờ còn gặp lại. Hans Castorp chẳng cần nhiều trí tưởng tượng lắm cũng có thể hình dung ra niềm hạnh phúc, sự biết ơn của Radames lúc này. Nhưng điều cuối cùng chàng cảm nhận, hiểu thấu và tận hưởng trong khi ngồi khoanh tay trước bụng nhìn vào bức mành mành nhỏ màu đen, từ các kẽ hở của nó nở rộ những gì tinh túy nhất trong cuộc sống, đó là thắng lợi của lý tưởng âm nhạc, nghệ thuật, của tâm hồn con người, là cái đẹp cao quý không thể bác bỏ mà nó ban cho hiện thực hung tàn. Hãy thử hình dung ra trước mắt thực tế trần trụi ở cảnh này! Hai con người bị chôn sống, buồng phổi ngập tràn thán khí dưới mồ, cùng nhau - hoặc kinh khủng hơn, người nọ sau người kia - bị cơn đói hành hạ cho đến chết, rồi sau đó quá trình phân hủy sẽ làm công việc không thể tả bằng lời của nó, cho đến khi chỉ còn lại hai bộ xương nằm dưới mái vòm hầm mộ này, hai vật vô tri vô giác mà đối với chúng nằm đây một mình hay có đôi cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Đó là khía cạnh thực tế khách quan, chỉ đúng cho riêng mình nó chứ hoàn toàn không được trái tim lý tưởng đếm xỉa tới và bị tinh thần và vẻ đẹp của âm nhạc đắc thẳng đẩy lui vào bóng tối. Đối với tâm hồn bay bổng của Radames và Aida cái thực tế trần trụi sắp xảy ra ấy không hề tồn tại. Giọng họ đồng thanh vút lên trên đầu quãng tám, đầy mãn nguyện, vững tin vòm trời sẽ mở ra tỏa ánh sáng vĩnh hằng lên niềm ao ước của họ. Sức mạnh an ủi của cảnh tượng cứu rỗi này như liều thuốc xoa dịu tâm hồn đau đớn của người nghe và là một nguyên nhân không nhỏ khiến bản nhạc trở thành một trong những tiết mục yêu thích nhất của chàng.
Để bình tâm lại sau những thăng trầm về tình cảm của bản nhạc vừa rồi chàng thường chọn khúc nhạc thứ hai, ngắn thôi, nhưng cô đọng rất nhiều phép màu - một bản nhạc có nội dung hiền hòa hơn bản thứ nhất, một bản nhạc đồng quê, nhưng là cảnh đồng quê được sắp đặt tinh vi, được phác họa và tạo hình theo nguyên tắc dè dặt đan xen của nghệ thuật hiện đại. Đó là một bản giao hưởng không lời[487], một khúc dạo đầu xuất xứ từ Pháp, được chơi bởi một dàn nhạc tương đối nhỏ so với quan niệm đương đại, nhưng không thiếu kỹ thuật âm thanh tối tân nào và được dàn dựng rất thông minh để dẫn dắt người nghe thả hồn vào cõi mộng.
Và đây là giấc mơ của Hans Castorp: Chàng nằm thảnh thơi trên một thảm cỏ xanh rờn dệt đầy hoa cúc sao rực rỡ muôn màu trong nắng, đầu gối lên một mô đất nhỏ, một chân hơi co, chân kia vắt lên trên - và cặp chân vắt chữ ngũ của chàng là một cặp chân dê. Những ngón tay chàng hờ hững bấm trên một ống sáo gỗ, thổi cho một mình mình nghe, vì chàng tuyệt đối cô đơn trên bãi cỏ. Chàng nâng lên sát môi nhạc cụ của mình - đó là một cây kèn clarinet hay một ống tiêu - và dụ cho nó nhả ra những âm thanh trong vắt thanh bình, nốt này nối đuôi nốt kia, dìu dặt khoan thai, làm thành một chuỗi hoàn hảo bay lên vòm trời xanh thẳm, bên dưới lác đác những cây bạch dương hay cây tần bì đứng đơn độc, ngọn cây nhẹ rung trong gió, tán lá mịn màng bóng nhẫy dưới ánh mặt trời. Nhưng tiếng tiêu thanh bình vô tư lự của chàng chẳng phải là tiếng động duy nhất trong cô độc. Côn trùng rỉ rả trong không khí ấm nồng trên ngọn cỏ, bản thân những tia nắng, làn gió, ngọn cây khẽ lay, vòm lá ánh lên lấp loáng - cả mùa hạ nhẹ nhàng xao động xung quanh như một hòa âm khiến cho tiếng tiêu mộc mạc của chàng luôn thay đổi và mang một nét hài hòa đáng ngạc nhiên. Dàn nhạc đệm cũng có lúc lắng xuống hay ngừng bặt, nhưng Hans chân dê vẫn tiếp tục thổi và bằng tiếng tiêu hồn nhiên đơn điệu của mình chàng dụ dỗ những sắc màu kỳ diệu và chọn lọc nhất của thế giới âm thanh - và sau một quãng nghỉ bản giao hưởng thiên nhiên lại ngọt ngào dâng cao, có sự tham gia ngày càng nhiều các nhạc cụ mới, dồn dập nối đuôi nhau cho đến khi hòa chung thành một âm điệu du dương chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng niềm khoái cảm viên mãn nó mang lại thì chứa trong mình cả cõi vĩnh hằng. Vị thần chân dê trẻ tuổi rất hạnh phúc trên thảm cỏ mùa hạ của mình. Ở đây không có “tự biện hộ đi”, không cần trách nhiệm, không ai bị lôi ra trước tòa án tôn giáo vì y bỏ quên danh dự và rời nhiệm sở. Ở đây ngự trị đích thân sự quên lãng, trạng thái tĩnh lặng đầy sung sướng, sự hồn nhiên vô tội không có thời gian. Đó là sự buông thả với lương tâm trong sạch, là lời ca tụng thái độ khước từ cuộc sống hành động của xã hội phương Tây, và sự an ủi tinh thần toát lên từ đó khiến người thưởng nhạc đêm khuya đánh giá đĩa nhạc này cao hơn nhiều đĩa khác.
Còn một đĩa thứ ba[488]... Đúng ra đó lại là nhiều đĩa hợp thành một bộ, ba hay bốn đĩa nối tiếp nhau, vì riêng bản aria giọng nam cao trong đó đã chiếm trọn phân nửa số rãnh trên một mặt đĩa. Lại một bản nhạc Pháp, trích từ một vở opera rất quen thuộc đối với Hans Castorp, chàng đã được nghe và xem vở này nhiều lần trong nhà hát và thậm chí một lần - trong một cuộc đối thoại mang tính quyết định - còn mượn nội dung của nó để bóng gió ám chỉ một điều... Đó là một cảnh trong màn hai của vở nhạc kịch, tại một quán rượu Tây Ban Nha tồi tàn trang trí bằng những tấm khăn căng quanh tường theo kiểu phương Đông, một gian hầm rộng rãi nhưng xập xệ. Người ta nghe thấy giọng nói ấm áp của Carmen, hơi khàn nhưng mộc mạc và rất có duyên, nàng ngỏ ý muốn biểu diễn một vũ khúc phục vụ chàng hạ sĩ, và tiếng gõ phách nổi lên giòn tan. Nhưng cùng lúc ấy vẳng tới từ xa tiếng kèn trumpet lặp lại vài lần hiệu lệnh thu quân làm chàng lính trẻ nhổm phắt dậy. “Khoan! Gượm đã!” Chàng kêu lên và dỏng tai nghe ngóng như một con chiến mã. “Tại sao?” Carmen hỏi và muốn biết chuyện gì xảy ra. “Nàng không nghe thấy à?” Chàng kêu lên, kinh ngạc vì nàng không biết hiệu lệnh này. Đó là tiếng kèn thu quân, báo giờ trở về doanh trại. “Đã tới lúc ta phải trở về”, chàng hát. Nhưng cô gái Di gan không hiểu, hay đúng hơn là không muốn hiểu. Càng tốt, cô ta bảo, nửa ngu ngốc nửa hỗn xược, đã vậy thì cô ta không cần phải gõ phách và có thể nhảy theo tiếng nhạc trời cho này: la la la la! - Chàng cuống cả lên. Chàng nuốt xuống nỗi thất vọng để cố gắng giải thích cho nàng tình thế của chàng, rằng không có tình yêu nào trên thế gian được phép đặt lên trên hiệu lệnh này. Sao nàng lại có thể không hiểu một điều cơ bản và hiển nhiên đến thế! “Ta phải đi, phải về doanh trại, theo lệnh tập hợp!” Chàng kêu lên, hoang mang vì sự thiếu hiểu biết của nàng, nó làm trái tim vốn đã trĩu nặng của chàng như bị đè thêm một gánh nặng gấp đôi. Nhưng hãy nghe xem Carmen nói gì! Nàng nổi giận đùng đùng, nàng tỏ ra phẫn uất đến tận đáy sâu linh hồn, giọng nàng đúng là giọng một kẻ đang yêu bị xúc phạm và phản bội - hay là nàng làm ra vẻ như vậy. “Về doanh trại? Tập hợp?” Thế còn trái tim nàng? Trái tim trung hậu nhạy cảm của nàng, trong phút xiêu lòng - đúng thế, nàng thú nhận rằng mình đã xiêu lòng - sẵn sàng mua vui cho chàng bằng điệu vũ bài ca? “Tò tí te!” Nàng nhạo báng khum tay trên miệng nhại tiếng kèn thu quân. “Tò tí te!” Điều đó vượt quá sức chịu đựng của chàng. Chàng ngốc nhảy dựng lên và muốn bỏ đi ngay lập tức. Được lắm, cứ đi đi! Này là mũ, là gươm, là áo choàng của chàng! Đi đi, đi nhanh lên, chạy về doanh trại của chàng đi! - Chàng xuống giọng cầu xin lòng trắc ẩn của nàng. Nhưng nàng vẫn tiếp tục nhạo báng chàng bằng những lời sắc hơn dao, làm bộ nhái theo cử chỉ bồn chồn của chàng, khi nghe tiếng kèn hiệu triệu là lập tức đánh mất nốt chút trí khôn ít ỏi. Tò tí te, về tập hợp! Lạy trời, chàng về muộn mất thôi! Đi đi nào, đi theo tiếng kèn gọi về tập hợp, ba chân bốn cẳng chạy như điên, đúng vào lúc nàng, Carmen, muốn nhảy một điệu vũ phục vụ chàng! Đấy, tình yêu chàng dành cho nàng là như thế đấy!
Đau đớn quá! Nàng không hiểu. Người đàn bà, cô gái Di gan không hiểu và không muốn hiểu. Nàng không muốn, vì đã rõ mười mươi: trong cơn giận dữ, trong những lời nhạo báng của nàng có cái gì đó vượt lên trên tình huống này và cá nhân nàng. Đó là một sự hằn học, một mối thù thâm căn cố đế chống lại cái nguyên tắc thể hiện qua tiếng kèn hiệu Pháp - hay tiếng tù và Tây Ban Nha - gọi chàng lính trẻ đang yêu, mà chiến thắng nó là tham vọng cao nhất từ thuở khai thiên lập địa, là bản năng đàn bà, lớn hơn mọi mong muốn cá nhân của nàng. Để đạt được điều đó nàng có một vũ khí rất đơn giản: nàng bảo rằng, nếu chàng đi tức là chàng không yêu nàng; và đó chính là điều chàng José trong cái hộp màu nhiệm không thể chịu đựng nổi. Chàng van xin nàng cho mình được phân trần. Nàng không muốn nghe. Chàng bắt nàng phải nghe - khoảnh khắc nghiêm trọng căng như dây đàn. Dàn nhạc nhả ra những âm thanh đe dọa, một giai điệu đen tối khốc liệt mà Hans Castorp biết sẽ rền vang khắp nhà hát, đạt đến cao trào của vở kịch, và đó cũng là đoạn dẫn nhập sang khúc aria của chàng lính trẻ ghi trên một đĩa khác mà bây giờ đã đến lúc thay vào.
“Ẩn sâu trong trái tim này” - José cất lên tiếng hát đẹp tuyệt trần. Hans Castorp cũng hay lựa riêng bài này để nghe, không theo thứ tự các đĩa nhạc của bản opera, và lần nào nó cũng mang lại cho chàng những rung động sâu sắc nhất. Về mặt nội dung bài aria này không có gì đặc biệt, nhưng cách thể hiện tha thiết và truyền cảm vô cùng. Chàng lính trẻ hát về bông hoa Carmen ném cho chàng trong lần gặp gỡ đầu tiên, bông hoa chàng đã giữ gìn như báu vật quý nhất đời mình khi phải ngồi trong ngục tối vì tình yêu đối với nàng. Chàng nghẹn ngào thú nhận rằng có lúc chàng đã cay đắng nguyền rủa số phận xui khiến mắt chàng nhìn thấy Carmen. Nhưng liền ngay đó lòng chàng lại ngập tràn hối hận và chàng quỳ xuống xin Chúa rủ lòng thương cho mình được gặp lại nàng. “Kìa trông” - cái từ “kìa” ngân lên cao vút, cùng một cung bậc như nốt nhạc trước đó chàng đã mở đầu với câu “Ôi, cô gái yêu quý”, và toàn thể nhạc cụ của dàn nhạc đệm tấu lên những âm thanh màu nhiệm, vẽ ra tất cả nỗi đau đớn, khát khao, trìu mến và niềm tuyệt vọng ngọt ngào của chàng lính trẻ - kìa trông nàng đứng trước mặt chàng, với sắc đẹp lộng lẫy tai ương, và chàng bất giác cảm nhận rõ ràng một điều, đó là chàng đã “phải lòng” nàng (“phải lòng” được hát bằng một nốt hoa mỹ nhấn ở âm đầu), chàng đã vĩnh viễn trở thành nô lệ của nàng. “Ôi, nàng là nguồn vui, là hạnh phúc của ta!” Chàng tuyệt vọng láy đi láy lại và dàn nhạc phụ họa theo bằng một giai điệu nức nở, bắt đầu từ một âm chủ nâng lên hai nốt rồi từ đó da diết chuyển về quãng năm. “Trái tim ta thuộc về nàng”, chàng cất giọng thề bồi một cách dư thừa, mặc dù hết sức dịu dàng âu yếm, và trong lúc ấy dàn nhạc từ âm chủ vượt lên đến nốt thứ sáu để chàng bắt vào: “Và mãi mãi muôn đời ta thuộc về nàng!” Chàng xuống giọng sâu hẳn mười nốt, bàng hoàng thú nhận: “Carmen, ta đã yêu em!” Và để câu hát lắng xuống trong một đoạn ngân dài biến đổi hài hòa, giãn ra đau đớn trước khi tiếng “em” trở về âm đầu để kết thúc trong hợp âm chủ.
“Ôi!” Hans Castorp thở ra một hơi dài buồn bã và biết ơn rồi đặt nốt cái đĩa cuối cùng vào máy, đoạn đám buôn lậu chúc mừng chàng lính trẻ José, vì cuộc đụng độ với viên sĩ quan chỉ huy đã cắt đứt đường về đơn vị của chàng, chàng chỉ còn cách đào ngũ như trước đây Carmen đã yêu cầu và chàng đã kinh hoàng từ chối.
“Ô, hãy theo chúng ta vào miền núi đá hoang dại, nhưng nơi đó thổi làn gió trong lành...”
Họ đồng thanh hát - người ta có thể hiểu rõ từng lời.
“Thế gian rộng mở - không còn gánh lo âu; Tổ quốc vô cùng không biên giới!
Chỉ có ý chí mạnh hơn tất cả
Tiến lên, hạnh phúc tuyệt vời
Tự do mỉm cười! Tự do đang mỉm cười cùng ta!”
“Ôi”, chàng thở dài lần nữa, rồi chuyển sang đĩa nhạc thứ tư, một bản nhạc rất nhiều tình thương mến và những điều tốt đẹp.
Đó lại là một bản nhạc Pháp, nhưng điều này không phải là lỗi của chúng tôi, cũng như chúng tôi không chịu trách nhiệm về tính cách quân sự nổi bật trong đó. Đây là một tiết mục xen giữa hai màn, một bài đơn ca, Lời cầu nguyện trong vở opera Faust[489] của Gounod[490]. Một người xuất hiện, một người chinh phục được cảm tình nồng ấm nhất của nhân vật chính của chúng ta, tên chàng là Valentin, nhưng trong thâm tâm Hans Castorp thầm gọi chàng bằng một cái tên khác, một cái tên thân thiết và buồn hơn nhiều, người mang tên ấy chàng thấy rất giống người đang cất tiếng hát, mặc dù dĩ nhiên người trong cái hộp có giọng hát hay hơn hẳn. Đó là một giọng nam trung ấm áp đầy sức mạnh, và bài ca của chàng gồm có ba phần: đoạn đầu và đoạn cuối giống nhau ở tính chất mộ đạo, chúng gần như mang phong cách thánh ca Tin Lành; đoạn giữa đầy khí thế và tinh thần chiến đấu, thậm chí liều lĩnh, nhưng vẫn rất sùng kính; và tư tưởng chủ đạo từ đầu đến cuối là kỷ luật quân sự theo kiểu Pháp. Người vô hình hát:
“Giờ đây tôi sắp rời xa
Quê hương yêu dấu hiền hòa...”
Trong tình cảnh ấy chàng gửi lời cầu nguyện lên thượng đế cai quản bầu trời, gửi gắm người em gái yêu dấu vào bàn tay che chở của Chúa trong lúc chàng vắng mặt. Chàng lên đường tòng quân, bài hát chuyển sang nhịp nhanh, dồn dập, sống động. Quẳng hết buồn lo, chàng, người hát vô hình, chỉ còn một mong muốn là ra chiến trường, đến nơi trận đánh ác liệt nhất, nơi nhiều hiểm nguy đe dọa nhất, chàng muốn xông lên mặt đối mặt với quân thù, táo bạo, ngoan đạo và xả thân theo kiểu Pháp. Nhưng nếu như Chúa gọi chàng về trời, chàng hát, thì xin Người ngự trị trên cao ban phúc xuống và che chở cho “em”. “Em” ở đây có nghĩa là cô em gái của người hát; mặc dù vậy Hans Castorp vẫn xúc động tận đáy lòng, và cảm xúc của chàng không hề giảm sút cho đến khi người lính can trường trong cái hộp kết thúc bài hát trong những nốt hợp âm thánh ca trầm hùng:
“Ôi Thượng đế trên cao, hãy nghe lời cầu nguyện của tôi Che chở cho em Margarethe bé bỏng lẻ loi!”
Đĩa nhạc chấm dứt ở đây. Chúng tôi cho rằng nên có mấy lời giới thiệu bản nhạc này, vì Hans Castorp rất quyến luyến nó, thêm vào đó còn có một lý do khác nữa, vì nó sẽ đóng một vai trò nhất định trong một tình huống hết sức lạ lùng mà chúng tôi sẽ nhắc đến ở phần sau. Giờ thì chúng tôi xin chuyển sang đĩa nhạc thứ năm đồng thời là đĩa cuối cùng trong những tiết mục ưa thích của Hans Castorp - lần này không phải nhạc Pháp mà là một bản nhạc mẫu mực của Đức, cũng không phải nhạc opera, mà là một bài ca, một trong những bài hát thuộc về kho tàng văn hóa dân gian đồng thời cũng là một tác phẩm nghệ thuật bậc thầy, và chính nhờ vào kết hợp ấy mà bản nhạc có một dấu ấn tinh thần đặc biệt vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Nhưng tại sao phải vòng vo lâu thế? Đó chính là tác phẩm Cây đoạn của Schubert, không gì khác hơn bài dân ca quen thuộc Bên giếng nước trước cổng thành[491].
Bài hát được trình bày với tiếng đàn dương cầm phụ họa, bởi một giọng nam cao tinh tế và rất truyền cảm. Ca sĩ đã thành công trong việc diễn đạt tác phẩm tưởng như đơn giản nhưng đích thực là một kiệt tác này một cách rất thông minh, đầy cảm xúc nghệ thuật và nắn nót trong ca từ. Chúng ta ai cũng biết rằng bài ca tuyệt diệu ấy có sự khác biệt đáng kể giữa lối hát dân gian hồn nhiên ngây thơ và cách thể hiện chuyên nghiệp với kỹ thuật thanh nhạc trau chuốt. Trong dân gian bản nhạc được đơn giản hóa và được hát từ đầu đến cuối tất cả các đoạn chỉ theo một giai điệu chính không thay đổi, trong khi ở nguyên bản nghệ thuật sang đến đoạn thứ hai trong ba đoạn thơ mỗi đoạn tám dòng giai điệu chuyển thành gam thứ, sau đó tạo ra hiệu ứng đẹp tuyệt vời khi quay trở về gam trưởng ở dòng thứ năm, rồi đẩy kịch tính lên đến cao trào ở đoạn “gió lạnh” tiếp theo và hình ảnh giải thoát của chiếc mũ bị cuốn bay khỏi đầu, cuối cùng trở lại nhịp điệu cũ ở bốn vần thơ cuối đoạn ba và lặp lại một lần nữa để kết thúc bài hát. Đúng ra có ba bước ngoặt chính trong giai điệu bài hát, trong cách biến tấu ở nửa cuối mỗi đoạn, và lần thứ ba là ở điệp khúc khi lặp lại nửa sau khổ thơ cuối “Một vài giờ đã trôi qua”. Sự biến đổi màu nhiệm này, mà chúng tôi không thể dùng lời diễn tả gần hơn, nằm ở những đoạn câu “Đôi lời yêu đương nồng cháy”, “Như lời nhắn gọi bảo ban”, “Tôi đã xa rời chốn nọ” lần nào cũng được ca sĩ thể hiện hết sức thành công với giọng hát trong vắt ấm áp, với kỹ thuật lấy hơi thông minh như một tiếng nức nở ôn hòa trước vẻ đẹp của cảm xúc, khiến người nghe thấy trái tim mình như bị một sức mạnh nào bóp nghẹt, nhất là vì ca sĩ biết cách tăng cường hiệu quả bằng những nốt cao giọng kim da diết ở các dòng “Tôi luôn tìm về nơi ấy”, “Ở đây bạn được bình an”. Nhưng khi lặp lại câu thơ cuối, câu “Bạn sẽ bình an nơi đó!”, tiếng “sẽ” lần đầu ca sĩ cất cao giọng khát khao bằng sức mạnh cả lồng ngực, chỉ đến lần thứ hai ông ta mới chuyển giọng kim thanh như tiếng sáo.
Đó là bài hát và cách thể hiện nó. Chúng tôi có thể tự hào là đã thành công trong việc giúp độc giả có một sự cảm thông tương đối với niềm say mê Hans Castorp dành cho những bản nhạc trước, bốn tiết mục chọn lọc đầu tiên trong các buổi hòa nhạc đêm khuya của chàng. Nhưng giải thích làm sao để quý vị hiểu bản nhạc cuối, bài hát cũ xì về ‘cây đoạn’ có ý nghĩa như thế nào đối với chàng, đó quả là một việc làm không đơn giản đòi hỏi sự thận trọng tối cao về ngôn từ, nếu không muốn lợi bất cập hại.
Chúng tôi muốn thử giải thích thế này: một đối tượng tinh thần, tức là một đối tượng có ý nghĩa, chỉ “có ý nghĩa” một khi nó vượt lên trên chính mình để trở thành đại diện tiêu biểu của một hoạt động tinh thần chung, của cả một thế giới quan điểm và tình cảm được phản ảnh không nhiều thì ít trong nó, và bằng vào cách ấy người ta có thể đo lường mức độ “có ý nghĩa” của nó. Và tình yêu dành cho một đối tượng như thế bản thân nó cũng “có ý nghĩa”. Tình yêu ấy tiết lộ đôi điều về chủ nhân của nó và thể hiện tính chất mối quan hệ của người này với khái niệm chung kia, một thế giới được biểu tượng hóa trong đối tượng yêu mến của người ấy và được yêu mến cùng với đối tượng kia, có ý thức hay là vô ý thức mặc lòng.
Liệu có thể tin rằng nhân vật chính không có gì đặc biệt của chúng ta sau bấy nhiêu năm nâng cao trình độ theo nguyên tắc sư phạm-đóng kín đã có một đời sống tinh thần đủ sâu để ý thức được sự “có ý nghĩa” của tình yêu của chàng và đối tượng của nó? Chúng tôi tin rằng chàng biết điều đó. Bài hát ấy đối với chàng đáng quý, đối với chàng là cả một thế giới, một thế giới mà chàng hẳn cũng yêu quý, nếu không chàng đã chẳng say mê biểu tượng của nó đến thế. Chúng tôi biết mình nói gì khi bổ sung thêm - có lẽ hơi tối nghĩa - rằng, số phận chàng có thể đã rẽ theo đường khác, nếu tinh thần chàng không sẵn sàng tiếp thu ở mức độ cao như vậy những kích thích thuộc lĩnh vực tình cảm, thuộc về tinh thần nói chung, được bài hát thể hiện một cách vừa sâu sắc vừa bí ẩn như vậy. Nhưng bản thân số phận chàng cũng mang theo những sự nâng cấp, những cuộc phiêu lưu, những nhận thức, làm nổi lên những vấn đề “cai trị”, khiến chàng có thái độ phê bình một cách bản năng cái thế giới kia và biểu tượng rất xứng đáng của nó, đối tượng tình yêu của chàng; những điều đó làm cho tình yêu của chàng trưởng thành lên và đồng thời đẩy chàng vào chỗ đặt vấn đề nghi vấn tất cả ba thứ ấy.
Chỉ người nào hoàn toàn không hiểu gì về tình yêu mới sợ rằng nghi vấn làm tổn hại tình yêu. Ngược lại là đằng khác, nó làm tăng hương vị tình yêu. Chính nó mang đến cho tình yêu những gai nhọn đam mê, khiến cho người ta có thể bảo rằng đam mê chính là tình yêu ngờ vực. Nhưng vậy thì lương tâm và trách nhiệm “cai trị” của Hans Castorp ngờ vực điều gì ở sự chính đáng trong tình yêu của chàng đối với bài hát tuyệt diệu kia và thế giới được nó đại diện? Ẩn đằng sau bài hát ấy là thế giới nào, mà linh cảm của chàng tin rằng đó là thế giới của tình yêu cấm kỵ?
Đó là cái chết.
Nhưng thế thì điên rồ quá! Một bài hát tuyệt vời như thế! Một kiệt tác, sinh ra từ chiều sâu thâm trầm và thần thánh của tâm hồn dân tộc; tài sản quý giá nhất, mẫu mực của tình cảm chân thành, hiện thân của tất cả những gì nên thơ trong cuộc sống! Thật là một sự vu khống độc ác!
Được rồi, phải lắm, đúng là giọng chính nhân quân tử. Nhưng nói gì thì nói, cái chết vẫn ẩn hiện đằng sau tác phẩm tuyệt mỹ này. Bài hát có một mối quan hệ với cái chết, người ta có thể yêu mến nó, nhưng không thể không tìm cách lý giải yếu tố cấm đoán của tình yêu ấy bằng linh cảm và hoạt động ‘cai trị’ của mình. Có thể từ đầu, về bản chất nó không cảm tình với cái chết, mà mang đậm tính dân gian và gần gũi với cuộc sống; nhưng mối thiện cảm tinh thần hướng về nó là mối thiện cảm với cái chết - tính mộ đạo, vẻ đẹp đằm thắm của đoạn đầu dĩ nhiên không nên và không thể chối cãi; nhưng trong những đoạn tiếp theo đầy rẫy sản phẩm của bóng đêm.
Chàng nói cái gì vậy! Lẽ ra chàng không nên để cho mình bị nhồi sọ như thế. Sản phẩm của bóng đêm. Những tư tưởng tối tăm. Những tư tưởng đao phủ thù địch với nhân loại, khoác áo chùng Tây Ban Nha đen ngòm với cái cổ hồ bột xếp cao như cái đĩa và với dục vọng thay vì tình yêu - như là sản phẩm của lòng mộ đạo ngoan ngoãn.
Thật lòng mà nói ông văn sĩ Settembrini không phải là người chàng tin tưởng tuyệt đối và nhất nhất nghe theo, nhưng giờ đây chàng nhớ đến bài học[492] mà ngày xưa, lâu lắm rồi, từ đầu con đường nâng cao học vấn của chàng, vị tôn sư khai sáng đã trút xuống đầu chàng, chê trách sự “cảm thông” tinh thần đối với những thời kỳ nhất định, và chàng cho rằng có lẽ cũng nên thận trọng áp dụng những lời giáo huấn ấy vào trường hợp này và đối tượng say mê của mình. Ông Settembrini gọi sự cảm thông ấy là “bệnh hoạn” - bản thân quan điểm, tinh thần thời đại thu hút sự cảm thông nọ có thể là “bệnh hoạn” dưới con mắt sư phạm của ông ta. Nhưng rồi sao nữa! Bài ca yêu dấu gợi nhớ quê hương của Hans Castorp, thế giới tinh thần trong đó nó ngụp lặn, và lòng yêu mến dành cho thế giới ấy mà là “bệnh hoạn”? Không đời nào! Đó là những tình cảm ấm áp và lành mạnh nhất thế gian. Có điều nó là một trái cây chín mọng ngọt ngào trong khoảnh khắc hoặc không lâu sau đó, nhưng đã mang trong mình mầm mống thối rữa và hủy hoại; nếu được thưởng thức đúng lúc nó sẽ là nguồn hưng phấn tuyệt vời của tâm hồn, nhưng chỉ giây lát sau nó đã có thể phát tán bệnh tật và chết chóc cho con người. Đó là hoa trái của sự sống, sinh ra từ cái chết và mang trong mình cái chết. Đó là một phép màu của linh hồn, có lẽ là điều màu nhiệm nhất đối mặt với sắc đẹp vô lương tâm và đồng thời được nó ban phước lành, nhưng luôn phải chịu cái nhìn nghi ngại không phải không có cơ sở trong con mắt đầy tinh thần trách nhiệm ‘cai trị’ và tình yêu cuộc sống, tình yêu dành cho thân thể, và là đối tượng của nỗ lực chiến thắng bản thân theo phán xét tối hậu của tòa án lương tâm.
Đúng thế, chiến thắng bản thân, đó có lẽ là điều cốt yếu phải vượt qua của tình yêu này - cái phép màu của linh hồn với những hậu quả đen tối! Những ý nghĩ hoặc nửa ý nghĩ nửa linh cảm sôi sục trào dâng trong Hans Castorp những lúc chàng ngồi cô đơn trong đêm trước cái quan tài âm nhạc đỏm dáng của mình - chúng cuồn cuộn dâng lên cao hơn cả trí tuệ chàng, đó là những ý nghĩ được nâng cấp theo nguyên tắc giả kim thuật. Ôi, sức mạnh của cái phép màu linh hồn ấy mới ghê gớm làm sao! Tất cả chúng ta đều là con của nó, và chúng ta có thể tạo dựng lên những kỳ quan trên trái đất, để phục vụ nó. Người ta không cần phải là thiên tài, chỉ cần có tài năng như tác giả bài hát Cây đoạn, để có thể trong vai trò người nghệ sĩ, pháp sư của linh hồn, nâng bài hát lên tầm vóc khổng lồ và chinh phục toàn thế giới. Người ta có thể tạo dựng những vương quốc trên mặt đất, những vương quốc trần gian, rất đỗi trần gian, rất mộc mạc và chuộng tiến bộ và chẳng hề mắc bệnh nhớ quê hương - ở đó bài hát bị giáng cấp xuống thành âm nhạc đóng hộp trong một cái máy quay đĩa chạy bằng dòng điện. Nhưng đứa con xuất sắc nhất của phép màu linh hồn là đứa con tiêu tan cả cuộc đời trong nỗ lực chiến thắng bản thân, và chết đi trên môi đọng tiếng gọi mới của tình yêu còn chưa thốt nên lời. Thật vinh dự được chết cho nó, bài hát nhiệm màu kia! Nhưng ai chết cho nó thực ra lại không được vinh danh vì sự hy sinh cho nó, mà trở thành anh hùng vì đã chết cho cái mới, cho tiếng gọi mới của tình yêu và tương lai trong trái tim mình...
Đó là tất cả những đĩa hát Hans Castorp yêu thích nhất.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần