Núi Thần epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần 7 - Sự Chai Lì Khủng Khiếp
ột lần nữa chúng ta được nghe giọng nói của ông cố vấn cung đình Behrens - xin hãy dỏng tai lên nghe! Có thể chúng ta nghe thấy nó lần này là lần cuối! Vì câu chuyện của chúng ta lúc nào đó cũng phải đến hồi kết thúc; nó đã kéo dài lâu quá rồi, hay nói rõ hơn, thời gian nội dung của câu chuyện đã phình ra không cách nào hãm nổi trong lúc thời gian âm nhạc của nó dần dần cạn kiệt, sợ rằng chúng ta sẽ không còn nhiều cơ hội nghe giọng nói rổn rảng với những ngôn từ lổn nhổn của Rhadamanthys nữa đâu. Ông ta bảo Hans Castorp:
“Castorp, mẹ kiếp, ông đang buồn chán. Ông để hàm trễ xuống, mặt dài ngoẵng ra, ngày nào tôi cũng thấy sự chán nản như được đóng dấu lên trên trán ông. Ông là một cậu nhóc được nuông chiều quá đáng, Castorp, ông được nhồi nhét cho quá nhiều sự kiện, và nếu mỗi ngày không xảy ra một chuyện giật gân hạng nhất là lập tức ông chua như dấm. Tôi nói đúng hay không nào?”
Hans Castorp im lặng. Đó là một dấu hiệu bất thường đến nỗi phải hiểu rằng quả thực có cái gì đen tối lắm đang hoành hành bên trong chàng.
“Tất nhiên là tôi nói đúng, lúc nào tôi chả đúng”, Behrens tự trả lời. “Trước khi ông phát tán chất độc chán chường ra khắp vương quốc của tôi, ông công dân bất mãn, ông nên biết rằng Chúa và loài người chưa hoàn toàn bỏ rơi ông. Cấp trên vẫn để mắt đến ông, vẫn theo sát số phận ông, ông bạn thân mến, và không ngừng lo lắng tìm cách giải khuây cho ông. Lão già Behrens còn đây! Thôi được rồi, không đùa nữa, ông bạn trẻ. Về trường hợp của ông tôi đã nảy ra một ý, có Chúa chứng giám, qua bao nhiêu đêm trằn trọc mất ngủ tôi mới nghĩ ra một giải pháp cho ca của ông. Có thể gọi đó là một sự giác ngộ - tôi thật sự đặt rất nhiều hy vọng vào sáng kiến này, mà kết quả đạt được sẽ là sự giải độc hoàn toàn và ngày trở về vinh quang của ông trong một thời gian ngắn không ngờ.”
“Ông tròn mắt kinh ngạc”, ông ta tiếp tục sau một quãng nghỉ gây ấn tượng, mặc dù Hans Castorp chẳng tròn mắt gì cả mà chỉ nhìn ông ta một cách ngái ngủ và khá thờ ơ, “vì không biết lão già Behrens định giở quẻ gì. Tôi định thế này. Ông có vấn đề, Castorp, điều đó trí tuệ rất đáng khen ngợi của ông không thể không nhận thấy. Vấn đề là ở chỗ, những biểu hiện nhiễm độc của ông lâu nay không ăn nhập gì với tình hình sức khỏe nền rõ ràng đã được cải thiện đáng kể - tôi đau đầu nhức óc vì điều đó không phải mới từ ngày hôm qua. Đây ta có tấm phim mới chụp của ông... để tôi soi tấm kính màu nhiệm ấy ra trước ánh sáng xem nào. Ông thấy không, ở đây kẻ hoài nghi và bi quan nhất, như Hoàng đế của chúng ta vẫn nói, cũng không thể phàn nàn gì được. Một vài ổ bệnh đã bị xóa sổ, vết đen ở đây đã thu nhỏ lại và sáng rõ hơn nhiều, một người thông thái như ông hẳn phải biết đó là dấu hiệu lành bệnh. Những điều hiện lên ở đây không thể giải thích được sự thiếu ổn định thân nhiệt của ông, con người ơi; và người thầy thuốc có lương tâm tự thấy cần phải đi tìm nguyên nhân khác.”
Cái gật đầu của Hans Castorp chỉ biểu hiện một chút quan tâm theo phép lịch sự.
“Giờ thì ông sẽ nghĩ, ô hô, bố già Behrens thú nhận lão đã điều trị sai. Nhưng thế thì ông bé cái lầm, và đánh giá sai cả tình hình lẫn lão Behrens. Việc điều trị cho tới giờ không sai, có chăng chỉ quá tập trung vào một mặt. Tôi mới nghĩ đến khả năng các triệu chứng của ông rất có thể không phải chỉ do vi trùng lao gây ra, cứ như kết quả điều trị thu được thì không thể đổ lỗi hết cho nó. Phải có một nguyên nhân khác. Theo tôi ông còn bị nhiễm khuẩn cầu.”
“Theo niềm tin tưởng tuyệt đối của tôi”, ông cố vấn cung đình lặp lại ở mức độ khẳng định hơn, sau khi nhận một cái gật đầu thờ ơ nữa từ phía Hans Castorp, “ông bị nhiễm khuẩn liên cầu - nhưng ông không nhất thiết phải thất kinh vì điều đó.”
(Hans Castorp chẳng tỏ vẻ gì là thất kinh. Nét mặt chàng chỉ biểu lộ sự ghi nhận mỉa mai, không biết đối với sự sáng suốt của ông cố vấn cung đình hay với cái hân hạnh mà giả thuyết của ông ta đem lại cho chàng.)
“Không việc gì phải cuống lên!” Ông ta đổi chiến thuật. “Khuẩn cầu thì ai cũng có. Mọi con lừa đều có thể nhiễm khuẩn liên cầu. Ông không cần phải tưởng tượng đó là cái gì ghê gớm lắm. Gần đây chúng ta đã biết rằng người ta có thể mang liên cầu khuẩn trong máu mà không thể hiện một triệu chứng viêm nhiễm đáng kể nào. Chúng tôi đứng trước một khám phá mới mà rất nhiều đồng nghiệp còn chưa biết, đó là vi trùng lao rất có thể xuất hiện trong máu mà không gây bệnh. Từ đó chỉ còn ba bước nữa là có thể đi đến chỗ kết luận lao đúng ra là một bệnh huyết học.”
Hans Castorp thấy điều đó cũng đáng chú ý.
“Nếu tôi bảo: liên cầu khuẩn”, Behrens lại bắt đầu, “thì ông đừng có nghĩ ngay đến những căn bệnh hiểm nghèo hay được nói đến. Liệu đội quân tí hon của tôi đã xâm nhập vào cơ thể ông chưa, kết quả xét nghiệm máu sẽ cung cấp bằng chứng cho chúng ta. Nhưng muốn biết chúng có đúng là nguyên nhân gây ra những cơn sốt của ông hay không - giả sử chúng có mặt trong máu ông thật - thì phải đợi kết quả điều trị bằng vắc xin liên cầu khuẩn, một biện pháp sắp tới chúng tôi sẽ áp dụng với ông. Đấy là kế hoạch của tôi, ông bạn thân mến, và như đã nói, tôi trông đợi một kết quả bất ngờ qua thử nghiệm này. Lao là một căn bệnh tồn tại dai dẳng từ lâu, nhưng ngày nay chúng ta đã có cách giải quyết nhanh gọn những bệnh truyền nhiễm loại này. Chỉ cần cơ thể ông phản ứng khi bị chích vắc xin là trong vòng sáu tuần ông sẽ khỏe hẳn. Ông thấy sao? Lão Behrens cừ đấy chứ, hả?”
“Đấy chỉ là một giả thuyết”, Hans Castorp đáp xuôi xị.
“Một giả thuyết có cơ sở! Một giả thuyết đầy hứa hẹn!” Ông cố vấn cung đình cãi. “Rồi ông sẽ thấy nó hiệu quả đến độ nào, khi chúng tôi bắt đầu chế được huyết thanh chứa khuẩn cầu! Chiều mai chúng tôi sẽ lấy máu ông, Castorp, ông sẽ được chích huyết ra trò, như ở chỗ mấy ông lang vườn. Thú vị lắm, nội thế thôi cũng đủ làm cho cả thể xác lẫn linh hồn nhẹ nhõm đi nhiều...”
Hans Castorp đồng ý tham gia trò chơi thú vị của ông cố vấn cung đình và ngoan ngoãn cảm ơn sự quan tâm người ta dành cho chàng. Chàng ngoẹo đầu xuống một bên vai nhìn theo Behrens ve vẩy hai mái chèo bỏ đi. Ông ta gặp riêng bệnh nhân đặc biệt này của ‘Sơn trang’ đúng vào giai đoạn khủng hoảng tinh thần tệ hại nhất của chàng; Rhadamanthys đã miêu tả khá chính xác vẻ mặt và tâm trạng người bệnh, và phương hướng điều trị mới ông ta đưa ra - rõ ràng ông ta làm việc ấy một cách có chủ đích, đó là điều không thể chối cãi - chỉ cốt để đẩy bệnh nhân này ra khỏi điểm chết mà chàng rơi vào từ ít lâu nay, như mọi biểu hiện tinh thần của chàng đều cho thấy, những biểu hiện rất giống với Joachim quá cố khi chàng nung nấu quyết tâm ra đi trái phép.
Còn hơn thế nữa. Hans Castorp có cảm tưởng không phải chỉ một mình chàng đạt tới điểm chết, mà cả thế giới trên này, “tất thảy” đều thế, hoặc nói đúng hơn, chàng cảm thấy khó lòng tách riêng trường hợp của mình ra khỏi tình trạng chung. Từ khi xảy ra cái kết cục khác thường của mối liên hệ giữa chàng và một nhân cách lớn, trước đó đã có nhiều diễn biến đa dạng dẫn tới kết cục ấy trên sân khấu ‘Sơn trang’, từ khi Clawdia Chauchat giã từ những kẻ trên này lần nữa, cuộc chia tay giữa cô ta và người còn lại trong cặp anh em kết nghĩa, bị bao phủ bởi bóng đen bi kịch của sự bất lực lớn lao, diễn ra trong niềm tôn kính tinh thần - từ lúc xảy ra bước ngoặt ấy đối với chàng trai trẻ của chúng ta có vẻ như thế giới và cuộc đời không còn đứng vững, như thể mọi thứ đang bị xáo trộn ghê gớm và có nguy cơ sắp đổ nhào, như thể quỷ dữ đang tỏ quyền uy của nó, một con quỷ xấu xa tàn bạo mặc dù đã ngấm ngầm thao túng lâu nay nhưng giờ đây mới vứt bỏ mọi sự che đậy và công khai quyền thống trị của nó, gây ra một nỗi khiếp sợ đầy bí ẩn và khiến người ta phải tính chuyện chạy trốn. Con quỷ ấy là sự chai lì cảm giác.
Độc giả sẽ kết tội người kể chuyện là quá cường điệu và lãng mạn hóa vấn đề khi kết hợp sự chai lì cảm giác với sức mạnh ma quỷ và gán cho nó một tác động bí ẩn nào đó. Nhưng chúng tôi không hề hư cấu, mà vẫn theo sát những trải nghiệm của nhân vật chính khiêm tốn của chúng ta, bằng một cách không được trình bày ở đây nó cung cấp cho chúng tôi những bằng chứng cho thấy, sự chai lì trong cảm xúc ở những hoàn cảnh nhất định có thể mang các đặc tính bí ẩn và gây nên cảm giác kinh hoàng đáng sợ. Hans Castorp nhìn quanh. Chàng thấy khắp nơi toàn những điều âm hiểm, ma quái, và biết mình nhìn thấy gì: cuộc đời không có thời gian, cuộc đời vô tư lự và không hy vọng, cuộc đời như một sự trì trệ trong hưởng thụ, cuộc đời chết.
Cuộc đời ấy cũng có những bận rộn của nó. Lúc nào cũng có đủ mọi loại hoạt động nội ngoại khóa diễn ra đồng thời, đôi khi một trong những việc làm vô bổ ấy trở thành mốt và lan tràn như dịch hạch lấn át tất cả những sinh hoạt khác. Ví dụ như niềm say mê nhiếp ảnh từng đóng một vai trò không nhỏ trong thế giới khép kín của “Sơn trang”: đã hai lần - vì ai lưu lại đủ lâu ở trên này có thể được chứng kiến sự trở lại của cái mốt hay bệnh dịch ấy - sự hâm mộ bộ môn nghệ thuật này trở thành một cơn cuồng tín kéo dài nhiều tuần nhiều tháng, đến nỗi cuối cùng không ai không nheo mắt méo miệng cúi đầu xuống cái máy chụp hình ôm khư khư trước bụng, luôn tay bấm đèn chớp sáng lòa, và vô số tấm ảnh được đưa ra chuyền quanh bàn trong những bữa ăn. Bỗng dưng người ta nổi tham vọng tự rửa lấy ảnh. Căn phòng tối ban quản trị dành cho họ dùng vào mục đích này không đủ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của bệnh nhân. Người ta căng màn đen che kín cửa sổ và cửa ra ban công, và trong ánh sáng đỏ quạch lờ mờ người ta loay hoay với các hóa chất đến nỗi chúng phát lửa và thiếu chút nữa thì tay sinh viên người Bulgaria ngồi ở bàn Nga thượng lưu bị cháy thành tro, kết quả là lãnh đạo viện ra lệnh cấm biến phòng riêng thành buồng tối. Chẳng bao lâu sau người ta thấy ảnh chụp bình thường quá nhàm, ảnh chụp có đèn và ảnh màu Lumière trở thành mốt. Người ta ngắm nhìn không chán những tấm hình, người trong ảnh nhìn người xem bằng cặp mắt đờ đẫn dưới ánh đèn magnesium lóe lên đột ngột, mặt mũi tái dại không khác gì xác chết còn mở mắt trừng trừng được dựng lên trong tư thế đứng thẳng. Hans Castorp có một tấm phim lồng trong khung giấy các tông, khi soi lên ngược sáng người ta thấy chàng đứng với gương mặt màu đồng thau và một bông hoa mao lương vàng chóe gài trong khuyết áo, bị kẹp giữa bà Stöhr và cô Levi màu ngà voi, người đầu tiên mặc một cái áo len màu xanh da trời còn người thứ hai trong trang phục đỏ như máu, sau lưng là thảm cỏ xanh lè.
Rồi còn cái thú sưu tầm tem thư, mặc dù lúc nào cũng lẻ tẻ có người chơi, nhưng đôi khi nó bùng lên trở thành nỗi ám ảnh chung cho tất cả. Ai cũng loay hoay cắt cắt dán dán, đầu cơ tích trữ, đổi chác tùm lum. Người ta đặt tạp chí người chơi tem, trao đổi thư từ với các cửa hàng chuyên nghiệp trong và ngoài nước, bắt liên lạc với hội người chơi tem và với các cá nhân say mê cái thú này, cả những người hoàn cảnh gia đình chỉ vừa đủ để tài trợ cho khóa điều dưỡng xa xỉ kéo dài nhiều tháng hay nhiều năm ở đây cũng sẵn sàng trả những khoản tiền đáng kinh ngạc để mua những con tem hiếm.
Cơn cuồng ấy kéo dài cho đến khi một mốt mới lên ngôi và người ta tích trữ cũng như tiêu thụ vô tội vạ các loại sôcôla có ở trên đời. Tất cả mọi người mồm miệng nhoe nhoét thứ đồ ngọt màu nâu ấy từ sáng đến tối, và nghệ thuật nấu ăn xuất sắc của nhà bếp “Sơn trang” vấp phải thái độ thờ ơ hoặc chê ỏng chê eo của những thực khách đã nhồi đầy bao tử bằng sôcôla Milka, sôcôla với kem hạnh nhân, sôcôla Naples và sôcôla lưỡi mèo đốm vàng đến nỗi không còn thiết ăn gì nữa.
Trò bịt mắt vẽ heo do lãnh đạo viện đầu têu vào một đêm hội hóa trang trong dĩ vãng và từ hồi đó đến giờ vẫn rất được quan tâm, đã phát triển thành một kiểu câu đố hình học luyện tính kiên nhẫn, có những giai đoạn thu hút toàn bộ năng lực tinh thần của tất cả bệnh nhân an dưỡng ở “Sơn trang”, thậm chí cả ý nghĩ và chút năng lượng cuối cùng của những ca moribundi. Nhiều tuần liền cả viện tràn ngập những hình vẽ rối tinh rối mù, không ít hơn tám hình tròn lớn nhỏ và một lô một lốc hình tam giác lồng vào nhau. Yêu cầu chung là phải vẽ lại những hình ấy trên giấy bằng một nét bút, nhưng mục tiêu cao nhất là vẽ trong tình trạng bị bịt mắt - điều mà rốt cục, nếu không tính đến một số sơ suất nhỏ về hình thức, chỉ có ông công tố viên Paravant, người dày công luyện tập nhất, là làm được.
Như chúng ta đã biết, từ ít lâu nay ông công tố viên đã hiến thân mình cho toán học. Chúng ta được biết điều đó từ chính miệng ông cố vấn cung đình[466] và biết cả động cơ của niềm say mê khoa học này, chúng ta đã được nghe Rhadamanthys ca ngợi tác dụng của toán học làm nguội lửa lòng và làm cùn những cái gai dục vọng. Cũng phải nói thêm rằng những cái gai sắc nhọn này là nguyên nhân khiến người ta gần đây phải đề ra những biện pháp ngăn ngừa nhất định, cụ thể là việc chặn lối đi ngoài ban công bằng những cánh cửa nhỏ ghép thêm lên bên trên các vách ngăn bằng kính mờ cao chưa tới mép lan can, ban đêm gã thợ tẩm quất đi một vòng khóa trái các cánh cửa ấy lại với một nụ cười đểu giả. Từ bấy trở đi các phòng ở lầu một phía trên hàng hiên bỗng đặc biệt được ưa chuộng, vì người ta có thể trèo qua lan can ra ngoài và đi trên mái hiên bằng kính từ khoang ban công này sang khoang khác. Nhưng nếu ai cũng noi gương ông công tố viên thì lãnh đạo viện đã chẳng cần áp dụng biện pháp phòng ngừa mới này làm gì. Paravant đã chiến thắng từ lâu sức cám dỗ nặng nề từ phía vị công nương Ai Cập, và cô ta cũng là người cuối cùng khơi dậy sự nổi loạn của bản năng tự nhiên trong con người ông ta. Từ ngày ấy, với lòng hăng hái gấp đôi, ông ta lao mình vào vòng tay vị nữ thần mắt sáng có sức mạnh chế ngự xác thịt được ông cố vấn cung đình ca ngợi hết lời, và cái vấn đề ngày đêm thu hút toàn bộ mối quan tâm của ông ta, được ông ta theo đuổi với một sự dai dẳng không mệt mỏi mà trước kia ông ta dùng để chống tội phạm - trước khi thời gian điều trị bệnh của ông ta cứ bị kéo dài ra mãi và có nguy cơ chuyển hẳn thành hưu trí - niềm say mê ấy không gì khác hơn là phép cầu phương[467].
Trong quá trình nghiên cứu vị công chức trật đường này đi đến chỗ tin tưởng tuyệt đối rằng các bằng chứng cho tới giờ khoa học đưa ra để chứng minh sự vô nghiệm của bài toán trên là không xác đáng; rằng một sự tiền định của số phận đã kéo ông ta, Paravant, ra khỏi cuộc đời dưới kia và ném lên trên này, vì ông ta là người được chọn để gánh vác sứ mệnh tìm một lời giải chính xác cho bài toán ấy, đưa siêu hình áp dụng vào đời thường. Đó là tình trạng của ông ta. Ông ta đo đo vẽ vẽ, tính toán cả lúc đứng lẫn lúc ngồi, bôi ra vô số trang giấy những hình vẽ, chữ cái, số má và ký hiệu, và gương mặt rám nắng của ông ta, gương mặt đúng ra là của một người đàn ông cương nghị, trở nên đờ đẫn và mang những biểu hiện của một người cuồng ảo tưởng. Các câu chuyện của ông ta chỉ xoay quanh một đề tài duy nhất, buồn tẻ kinh khủng, đó là số pi, số vô tỉ siêu việt mà thiên tài tính nhẩm chợ phiên Zacharias Dase[468] một ngày kia đã bỏ công tính đến số lẻ thứ hai trăm sau dấu phẩy - một việc làm hoàn toàn xa xỉ, vì dù cho có tính đến số lẻ thứ hai ngàn thì người ta cũng chẳng lại gần một kết quả chính xác hơn được chút nào. Tất cả mọi người lẩn tránh nhà bác học cuồng, vì hễ tóm được ai là ông ta bắt nghe một bài diễn văn bốc lửa nhằm thức tỉnh lương tâm con người trước nỗi nhục nhã của trí tuệ trong việc tìm hiểu sự phi lý vô vọng của mối quan hệ bí hiểm này. Việc nhân hoài nhân mãi số pi với đường kính hình tròn để tính chu vi, hay với bình phương bán kính để tính diện tích mà không đem lại kết quả mong đợi khiến ông công tố viên sinh ra hoài nghi tất cả, không biết loài người từ thời Archimedes[469] có phức tạp hóa vấn đề lên quá mức hay không, biết đâu lời giải của bài toán này trong thực tế lại đơn giản như trò chơi con trẻ. Tại sao người ta lại không nên hiệu chỉnh đường tròn để từ đó có thể uốn bất kỳ đoạn thẳng nào thành một đường tròn? Nhiều khi Paravant tưởng như mình đã gần nắm được đuôi một phát minh vĩ đại. Người ta thường thấy ông ta ngồi lại trong phòng ăn vắng ngắt vào những giờ khuya khoắt đèn đóm tù mù, thận trọng khoanh một khúc dây thành vòng tròn trên mặt bàn đã tháo khăn trải, rồi bất thình lình bằng một cử động đột ngột ông ta kéo tuột sợi dây ra thành đường thẳng; và sau đó lại ngồi lặng chống tay xuống bàn với tâm trạng nặng nề u uất. Thỉnh thoảng ông cố vấn cung đình hạ cố đưa ra một bàn tay nâng đỡ và động viên ông ta kiên trì theo đuổi sở thích hóc búa này. Người đau khổ cũng hơn một lần tìm đến Hans Castorp để trút bầu tâm sự, và nhận được ở chàng thái độ cảm thông thân thiện cũng như một sự quan tâm nhất định đối với bí mật của hình tròn. Ông ta minh họa vấn đề số pi với chàng trai trẻ bằng một hình vẽ tinh vi, thể hiện một đường tròn nằm giữa hai hình đa giác có vô số cạnh tí xíu, một bên trong và một bên ngoài, bám sát đường tròn với độ chính xác cao nhất khả năng con người có thể đảm bảo được. Phần còn lại, khúc đường cong trừu tượng chơi vơi giữa hai gọng kìm hữu hạn - cái đó, ông công tố viên nói giọng run run, là pi! Hans Castorp, mặc dù sẵn lòng nghe, tỏ ra không đến nỗi xúc động vì số pi như người đối thoại. Chàng gọi đó là trò ảo thuật, trò chơi ú tim với các con số, và khuyên ông Paravant chớ nên lấy đó làm điều, rồi chàng nói về vô số điểm uốn tạo nên vòng tròn, từ điểm đầu không tồn tại cho đến điểm cuối cũng không tồn tại nốt, về niềm vui thê thiết hay nỗi đau cuồng nhiệt không có phương hướng nhất định mà luôn đổi chiều theo vòng tròn khép kín của sự vĩnh hằng - chàng nói tất cả những điều đó với vẻ sùng tín và điềm tĩnh đến nỗi giúp ông công tố viên bình tâm được một lúc.
Bản chất lương thiện của Hans Castorp khiến chàng chiếm được lòng tin cậy của không chỉ một người trong cảnh ngộ ấy ở đây, những người bị một ý tưởng nào đó cầm tù, không sao thoát ra được khỏi sự ám ảnh của nó và khổ sở vì không tìm được sự đồng cảm ở đa số bệnh nhân khác. Ví dụ như một cựu nghệ nhân điêu khắc người Áo tỉnh lẻ, một người đàn ông luống tuổi với bộ ria bạc trắng, cái mũi diều hâu và cặp mắt xanh, trong lòng nung nấu một dạng dự án kinh tế tài chính và hăm hở giới thiệu với chàng những tính toán của ông ta, được soạn thảo bằng bút pháp cầu kỳ, ở những vị trí quyết định quẹt chân một nét bút lông màu nâu đen. Kế hoạch ấy như sau: mỗi người đặt báo nhận được hằng ngày 40 gram giấy báo, nếu gom lại và mỗi đầu tháng đem nộp vào một chỗ thì một năm được khoảng 14 000 gram, trong vòng hai chục năm sẽ lên tới không ít hơn 288 ký lô, và nếu tính mỗi ký lô hai chục xu thôi, thì lượng báo cũ ấy trị giá tới 57,60 mark Đức. Năm triệu người đặt báo, theo tính toán của ông ta trong hai chục năm sẽ cung cấp một lượng giấy cũ trị giá lên tới con số khổng lồ 288 triệu mark, trong đó cứ cho hai phần ba là để đặt thêm báo mới theo nguyên tắc mỡ nó rán nó, thì một phần ba còn lại, gần 100 triệu mark, vẫn còn dư ra và có thể chi cho các dự án nhân đạo như tài trợ cho các bệnh viện lao bình dân, hỗ trợ các tài năng gặp khó khăn, vân vân và vân vân. Kế hoạch ấy được soạn thảo kỹ lưỡng đến từng chi tiết, và trình bày cả bản vẽ cái thước đo chiều cao quy đổi ra tiền mà hãng thu mua có thể dùng để tính giá trị lượng giấy cũ gom về mỗi tháng, cũng như mẫu biên lai đục lỗ được cấp khi trả tiền. Một dự án được giải trình vững vàng về mọi mặt. Sự lãng phí hủy hoại giấy báo cũ, do những kẻ vô trách nhiệm vứt vào nước thải hay đem nhóm lửa, là sự phản bội những cánh rừng, là sự phá hoại nền kinh tế quốc dân. Giữ gìn tiết kiệm giấy là giữ gìn và tiết kiệm nguyên liệu, là bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên của nhân loại, những gì được dùng để tái sản xuất ra giấy chính là của cải vật chất, là tài sản của con người. Tính xa hơn nữa nếu giấy báo cũ được đưa vào chế tạo giấy gói và giấy các tông thì giá trị của nó còn có thể tăng lên đến bốn lần, đó là một chỉ số kinh tế quan trọng để nhà nước và các địa phương dựa trên cơ sở ấy đánh thuế cao hơn, và như thế người đọc báo với tư cách người đóng thuế sẽ được giảm bớt gánh nặng. Tóm lại đó là một kế hoạch hay không thể chê vào đâu được; nếu như nó vẫn tỏ ra vô nghĩa một cách đáng sợ, thậm chí ám ảnh điên khùng, thì đó là do thái độ nhiệt tình đến cuồng tín của tác giả, một nghệ sĩ bỏ nghề đi theo đuổi một ý đồ kinh tế và ra sức đấu tranh cho nó, mặc dù trong thâm tâm hẳn ông ta cũng không coi đó là chuyện nghiêm túc, vì nếu không thì tại sao ông ta chẳng hề có một mảy may cố gắng nào để biến nó thành hiện thực... Hans Castorp gật gù, đầu ngoẹo xuống một bên vai lắng nghe ông ta say sưa dùng những lời bốc lửa tuyên truyền cho sáng kiến của mình, nhưng trong lòng vẫn gợn lên cảm giác khinh thường và ghê tởm, điều đó làm giảm bớt đáng kể sự đồng tình của chàng với nhà phát minh trong công cuộc chống lại sự vô ý thức của thế giới.
Một vài cư dân “Sơn trang” bày đặt học quốc tế ngữ, và biết sơ sơ đủ để sử dụng thứ tiếng nhân tạo này trò chuyện riêng với nhau trong bữa ăn. Hans Castorp theo dõi với vẻ ác cảm ra mặt, mặc dù trong thâm tâm chàng cũng tự thú nhận rằng họ chưa phải là những kẻ tệ hại nhất. Cách đây chưa lâu có một nhóm người Anh vừa mới tới, họ du nhập vào một trò chơi tập thể trong đó người tham gia quay sang hỏi người bên cạnh: “Did you ever see the devil with a night-cap on?” Người được hỏi trả lời: “No, I’ve never seen the devil with a night-cap on”[470], rồi lại hỏi người tiếp theo, và cứ thế cho đến hết vòng. Kinh khủng. Nhưng chàng Hans Castorp tội nghiệp thấy trò bói bài patience còn kinh khủng hơn nữa, trò chơi giở bài một mình mà người ta có thể gặp ở khắp mọi nơi và vào bất cứ giờ nào. Vì niềm say mê loại hình giải trí này gần đây đã lan tràn như dịch hạch và biến an dưỡng đường này thành cái ổ cờ bạc tội lỗi theo đúng nghĩa đen của những từ này. Hans Castorp có lý do để mà ghê sợ, vì bản thân chàng một thời gian đã trở thành nạn nhân của cái dịch ấy - có thể nói là nạn nhân nặng nhất. Chàng đâm ra nghiện môn bói bài mười một nút: người chơi rải những quân bài thành ba hàng, mỗi hàng ba lá, nếu có một cặp hai lá bài cộng lại được mười một điểm hoặc ba lá hình đầu người thì được đặt bài mới lên trên, và cứ thế cho đến lúc người chơi gặp may thắng được ván bài. Không thể tưởng tượng được một trò chơi đơn giản như thế lại có thể làm người ta say mê như bị bỏ bùa. Hans Castorp, như bao nhiêu người khác ở đây, miệt mài thử vận may - chàng thử mà nét mặt cau có, hai hàng chân mày chụm lại, vì vô đạo đức có bao giờ đem lại niềm vui. Chàng đã sa ngã trước sự cám dỗ của con quỷ bài bạc, đã say mê sự tráo trở tuyệt vời của nó, đôi khi nó hào phóng cho người ta ngay từ đầu những cặp mười một hay liên tiếp lật được những quân J, Q, K, khiến trò chơi kết thúc cả trước khi hàng thứ ba được xếp đầy (một thắng lợi thoảng qua, chỉ có tác dụng kích thích người ta chơi ngay một ván mới), rồi nó lại khiến người ta lật tới lá thứ chín và lá cuối cùng mà không có một tí ti cơ hội ra bài mới, hoặc thành công tưởng như đã nắm chắc trong tay bỗng tan thành mây khói vì bị chặn đứng bất ngờ vào phút cuối. Chàng rải và lật những quân bài ở khắp mọi nơi mọi lúc, suốt ngày và cả ban đêm dưới ánh sao, sáng sớm khi còn mặc pyjama, cả lúc ngồi ăn và thậm chí cả trong mơ. Chàng thấy kinh sợ nhưng vẫn cứ chơi. Ông Settembrini bắt gặp chàng trong tình cảnh ấy trong một lần đến thăm - đến “quấy rối” chàng, như sứ mệnh của ông ta hồi nào tới giờ.
“Accidente”[471] Ông ta kêu lên. “Ông bói bài ư, ông kỹ sư?”
“Không hẳn là thế”, Hans Castorp đáp. “Tôi chỉ lật chơi thôi, để thử các khả năng ngẫu nhiên. Sự tráo trở như thời tiết của nó làm tôi tò mò, vừa mới đấy nó chiều chuộng người ta hết cỡ, thế mà ngay sau đó nó lại ương bướng không thể tưởng tượng được. Sáng nay lúc ngủ dậy tôi đã lật được ba lần liên tiếp, một lần cả hai hàng, đúng là kỷ lục. Ông có tin không, giờ thì tôi đã lật tới lần thứ ba mươi hai mà không lần nào được đến một nửa số bài?”
Ông Settembrini nhìn chàng bằng đôi mắt đen buồn bã, như đã bao lần trong những năm qua.
“Ông bận rộn quá nhỉ”, ông ta bảo. “Có vẻ như ở đây tôi sẽ không tìm thấy sự cảm thông, niềm an ủi cho tâm hồn đang bị giằng xé của tôi.”
“Giằng xé?” Hans Castorp hỏi lại, tay vẫn thoăn thoắt rải bài.
“Tình hình thế giới làm tôi bối rối”, ông thành viên hội Tam Điểm thở dài. “Liên minh Balkan sẽ thành hình, ông kỹ sư, tất cả các thông tin tôi nhận được đều chứng tỏ xu hướng ấy. Nước Nga đang cấp tốc chuẩn bị cho bước đi này, và liên minh của họ sẽ chĩa mũi nhọn vào nền quân chủ Áo-Hung, vì chừng nào nó còn tồn tại thì Nga không thể thực hiện được một điểm nào trong kế hoạch của mình. Ông hiểu nỗi lo ngại của tôi chưa. Tôi căm thù Vienna tận đáy lòng, điều đó ông đã biết. Nhưng tôi có nên ủng hộ nền chuyên chế Sarmatia bằng cả linh hồn không, khi nó âm mưu châm bó đuốc đốt cháy phần văn minh nhất của lục địa chúng ta? Mặt khác một mối liên hệ ngoại giao dù là tạm thời của đất nước tôi với Áo cũng bị coi là một điều ô nhục không thể chấp nhận được đối với tôi. Đó là một quyết định của lương tâm, tôi...”
“Bảy và bốn”, Hans Castorp nói. “Tám và ba. J, Q, K. Được rồi! Ông đem lại cho tôi may mắn, ông Settembrini.”
Ông người Ý im lặng. Hans Castorp cảm thấy đôi mắt đen của ông ta dồn xuống đầu mình tất cả sức nặng lý trí, đạo đức và cả nỗi buồn, nhưng chàng vẫn gan lì rải bài thêm một lúc nữa rồi mới chống tay lên má, lấy vẻ ngây thơ tàn nhẫn của đứa trẻ hư nhìn ông thầy đứng trước mặt mình.
“Đôi mắt ông”, ông thầy bảo, “tố cáo là ông biết rõ mình đang ở vào tình cảnh nào.”
“Placet experiri”, Hans Castorp còn đủ trâng tráo để trả lời như thế, và ông Settembrini bỏ đi. Người còn lại một mình thôi rải bài ngồi chống tay bên má một lúc lâu cạnh chiếc bàn kê giữa gian phòng màu trắng, lòng tràn ngập những ý nghĩ rối bời và nỗi khiếp sợ trước một thế giới ngả nghiêng chao đảo dưới sự thống trị bừa bãi vô luân của con quỷ và vị thần đầu khỉ nhăn nhở cười nham hiểm - con quỷ mang tên ‘sự chai lì khủng khiếp’.
Một cái tên mang trong mình sự kinh hoàng và tận thế, chỉ cốt gây ra cho người ta nỗi khiếp sợ ngấm ngầm. Hans Castorp ngồi đưa lòng bàn tay lên xoa trán và chỗ trái tim. Chàng sợ. Chàng có cảm tưởng “tất thảy” những cái này không thể có một kết cục tốt lành, rằng cuối cùng sẽ có một tai họa xảy ra, thiên nhiên nhẫn nại sẽ nổi trận lôi đình, gọi cuồng phong với sấm vang chớp giật về phá vỡ phép màu quét sạch sự lãnh đạm trên khắp thế gian, đưa cuộc sống vượt qua “điểm chết” và chấm dứt giai đoạn ù lì mê muội này bằng ngày tận thế. Chàng muốn chạy trốn, như đã nói - nhưng may sao cấp trên vẫn “để mắt” đến chàng, cấp trên chỉ nhìn mặt cũng biết tỏng bụng dạ chàng và lập tức tìm cách giải khuây cho chàng dưới hình thức một giả thuyết mới đầy hứa hẹn!
Cấp trên giải thích với Hans Castorp bằng giọng hội sinh viên rằng ông ta đã lần ra dấu vết những nguyên nhân gây ra sự bất ổn định của thân nhiệt chàng, những nguyên nhân theo nhận định khoa học của ông ta có thể loại trừ chẳng khó khăn gì, và viễn cảnh khỏi bệnh, tấm giấy thông hành hợp lệ để chàng ra viện và về với đồng bằng đã vẫy gọi ngay trước mắt. Trái tim chàng trai trẻ đập dồn dưới sự tấn công của cảm xúc từ mọi phía, trong khi chàng chìa tay cho người ta chích huyết. Mắt hấp háy, mặt hơi tái, chàng chăm chú nhìn dòng chất lỏng đỏ lừ màu ruby, nhựa sống của cơ thể chàng, chảy vào đầy dần cái ống thủy tinh trong suốt. Đích thân ông cố vấn cung đình, với sự phụ tá của bác sĩ Krokowski và một bà phước đến làm từ thiện, tiến hành ca phẫu thuật nhỏ nhưng có tầm quan trọng lớn lao này. Rồi một chuỗi ngày trôi qua, trong đầu Hans Castorp cứ trở đi trở lại câu hỏi không biết dòng máu lễ vật của chàng làm gì trong những ngày này, bên ngoài cơ thể chàng, dưới con mắt khoa học.
Mới đầu ông cố vấn cung đình bảo, tất nhiên khuẩn cầu không thể sinh sôi nảy nở ngay lập tức. Về sau ông ta bảo, rất tiếc vẫn không có con nào chịu sinh sôi nảy nở. Nhưng rồi một buổi sáng ông ta tới tìm Hans Castorp vào bữa điểm tâm, thời gian này chàng đang ngồi ở đầu bàn Nga thượng lưu, chỗ ngày xưa người anh em kết nghĩa của chàng vẫn ngồi, và ông ta lên giọng hồ hởi thông báo với chàng rằng, người ta đã tìm thấy sự có mặt của chuỗi khuẩn cầu ở một trong mấy ống nghiệm nuôi cấy. Bây giờ câu hỏi được đặt ra là, liệu những triệu chứng nhiễm độc của chàng là do những ổ lao nhỏ trước sau vẫn tồn tại, hay do đám liên cầu khuẩn với số lượng rất khiêm tốn trong cơ thể chàng. Ông ta, Behrens, còn phải ngâm cứu kỹ hơn vấn đề này. Vả lại việc nuôi cấy vẫn còn đang tiếp diễn. Ông ta dẫn chàng vào ‘Labor’ và chỉ cho xem một mẫu máu đặc sánh đỏ quạch, trong có những chấm xám nhỏ li ti. Đó là những khuẩn cầu. (Nhưng khuẩn cầu thì con lừa nào cũng có, cả vi trùng lao cũng vậy, và nếu nó không gây ra triệu chứng gì thì không cần phải để ý tới.)
Bên ngoài cơ thể chàng, dưới con mắt khoa học, dòng máu đỏ đông đặc của Hans Castorp vẫn không ngừng hoạt động. Rồi đến một sáng ngày kia, ông cố vấn cung đình thông báo với chàng bằng giọng xúc động thực sự: Không phải chỉ ở một mẫu nuôi cấy mà ở tất cả các mẫu khác đều đã có khuẩn cầu, mà với một số lượng đáng nể. Không biết có phải tất cả đều là liên cầu khuẩn không, nhưng có khả năng rất cao là các triệu chứng nhiễm độc đều từ chúng mà ra - dĩ nhiên người ta không thể biết được bao nhiêu phần trong đó là do tội lỗi của cái ổ lao rõ ràng vẫn tồn tại từ trước tới nay và chưa thể dẹp đi hẳn. Kết luận ông ta rút ra ở đây? Phải điều trị bằng liệu pháp vắc xin! Khả năng thành công? Đặc biệt cao - nhất là biện pháp trị liệu này hoàn toàn không chứa đựng một chút rủi ro nào, không thể gây hại gì cho chàng. Bởi vì huyết thanh được chế ra từ máu của chính Hans Castorp, nên khi tiêm vắc xin vào cơ thể chàng sẽ không bị thêm một thứ tác nhân gây bệnh nào mà trước đó chàng chưa có. Trường hợp xấu nhất là nó không mang lại tác dụng gì, kết quả bằng không - nhưng dù sao bệnh nhân cũng phải ở lại, thế thì làm sao gọi là khả năng xấu nhất được!
Không, Hans Castorp không muốn đi xa đến thế. Chàng chấp nhận để ông ta điều trị, mặc dù trong thâm tâm chàng thấy chữa bệnh kiểu này có cái gì hơi kinh dị và mất danh dự. Việc đưa vào cơ thể một phần của chính mình được chàng cảm nhận như một trò đùa không vui, thậm chí đáng ghê tởm, một việc làm loạn luân, tự mình kết hợp với mình, không thể đem lại kết quả gì, hoàn toàn vô hy vọng. Cái phần bảo thủ và căn bệnh tưởng trong chàng đánh giá tình hình như vậy, một sự đánh giá chỉ đúng hoàn toàn ở mỗi một điểm - bấy nhiêu cố gắng chẳng đem lại kết quả gì. Trò tra tấn ấy kéo dài nhiều tuần lễ. Đôi khi nó tỏ ra có hại - dĩ nhiên đó chỉ là một sự nhầm lẫn tức thời - và đôi khi nó tỏ ra có lợi - đó cũng lại là nhầm lẫn nốt. Kết quả thu được đúng bằng không, và bị người ta ỉm đi luôn. Vụ việc chìm xuồng hẳn, và Hans Castorp tiếp tục lật bài patience, mặt đối mặt với con quỷ chai lì, chẳng ngờ sự thống trị vô đạo của nó trên cảm xúc của chàng đang đứng trước một kết cục kinh khủng.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần