Lời Giới Thiệu
.E. SILLANPÄÄ và NGƯỜI TRONG ĐÊM HÈ
bản giao hưởng, bài ca cuộc sống và tình yêu dành cho mùa hạ trắng phương Bắc
17h50 ngày 10 tháng Mười một năm 1939, nhà văn 51 tuổi người Phần Lan nhận được một bức điện từ Viện Hàn lâm Thụy Điển, thông báo ông sẽ là chủ nhân của giải Nobel Văn học 1939. Mặc dù từ năm 1930 ông đã luôn là ứng cử viên chính thức của Phần Lan cho giải thưởng này và tên ông vẫn luôn nằm trong danh sách đề cử, nhưng năm rồi lại năm, Nobel Văn học vẫn được trao cho nhà văn của các quốc gia khác. Vì thế, bức điện làm nhà văn rất mừng và xúc động. Ngay sau khi nhận được tin, ông đã tự tay viết vào bức điện trả lời Viện Hàn lâm Thụy Điển: “Tôi thực sự xúc động! Xin thay mặt cho đất nước tôi và chính bản thân mình cảm ơn niềm vinh quang này. Tôi vui mừng tiếp nhận giải thưởng.”
Nhà văn đó chính là Frans Emil Sillanpää (1888 - 1964), cho đến nay là nhà văn duy nhất của Phần Lan được nhận giải Nobel Văn học. Trao giải thưởng cho ông, Viện Hàn lâm Thụy Điển đánh giá cao “sự am hiểu tường tận, sâu sắc người nông dân Phần Lan của nhà văn. Bằng những thủ pháp nghệ thuật đáng ngưỡng mộ, ông đã miêu tả rất tài tình cuộc sống, số phận của họ như một bộ phận không thể tách rời của thiên nhiên.”
Sự nghiệp văn học của Sillanpää bao gồm bảy tiểu thuyết: Cuộc sống và mặt trời (Elämä ja aurinko, 1916), Sự nghèo khó thánh thiện (Hurskas kurjuus, 1919), Hiltu và Ragnar (Hiltu ja Ragnar, 1923), Thiếu nữ chết trẻ hay Silja (Nuorena nukkunut, 1931), Con đường người đàn ông đã đi (Miehen tie, 1932), Người trong đêm hè (Ihmiset suviyössä, 1934), Tháng tám (Elokuu, 1941) và mười tuyển tập truyện ngắn cùng các thể loại văn học khác.
Nhà văn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại Hämeenkyrö, phía trung nam Phần Lan. Để con trai có thể lên thành phố học rồi tốt nghiệp trung học, rồi lên thủ đô theo học ngành y tại Đại học Helsinki là một cố gắng vượt bậc của cả gia đình và dòng họ. Nhưng người sinh viên nghèo này không thực sự quan tâm đến y học, mà lại chú tâm đến sự giao thoa giữa nghệ thuật và triết học, khoa học, về hình thái học và về nền văn học đương đại thế giới. Bên cạnh những bài báo, sách về khoa học tự nhiên, chàng sinh viên trẻ đọc ngốn ngấu những tác phẩm của các nhà văn Phần Lan và Bắc Âu, của những nhà văn Nga. Qua những người bạn học, anh làm quen với giới văn sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng của Phần Lan cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và được tắm mình trong dòng chảy của các trào lưu văn hóa, văn học thời đó.
Năm năm học (1908 - 1913) trôi qua, Sillanpää trở về quê nhà không bằng cấp, không tiền bạc, không cả dự định tiếp tục học lên, nhưng lại ý thức được rất rõ con đường mình sẽ đi trong tương lai. Cuộc sống của “gã bác sĩ lười nhác” lúc đó thật khốn khó, nhưng trong gian phòng đơn sơ nghèo nàn của cha mẹ, các tác phẩm đầu tiên lần lượt ra đời.
Tiểu thuyết đầu tay Cuộc sống và mặt trời như ngọn sao băng xuất hiện trên bầu trời văn học Phần Lan vào mùa thu năm 1916. Mùa hè và tình yêu, bức tranh thiên nhiên tràn đầy màu sắc rực rỡ của tác phẩm như ngọn gió mát ùa vào xã hội Phần Lan đang chuẩn bị chuyển mình tiến đến một giai đoạn mới. Nhà văn trẻ đã xác định được chỗ đứng của mình trong đời sống văn học Phần Lan. Theo thời gian, với các tuyển tập truyện ngắn và tiểu thuyết của mình, ông càng khẳng định vị thế là nhà cách tân quan trọng nhất của văn xuôi Phần Lan trong nửa đầu thế kỷ XX. Điểm đổi mới quan trọng mà ông đưa vào là vai trò “hướng đạo”, dẫn dắt, giải thích, miêu tả, nhận xét của người dẫn chuyện. Cách miêu tả thiên nhiên đậm trữ tình đã đưa lại cho phong cách này một dấu ấn vô cùng riêng biệt.
Sau những tác phẩm đầu tay có tiếng vang, những năm 20 là thập niên tương đối yên ắng của nhà văn, có lẽ cũng là thời gian ông dồn sức cho các tác phẩm chính, để đời. Đó là ba tiểu thuyết: Thiếu nữ chết trẻ (1931), Con đường người đàn ông đã đi (1932) và Người trong đêm hè (1934).
Ngay từ khi mới ra mắt, Thiếu nữ chết trẻ đã trở thành hiện tượng trong năm của văn học Bắc Âu. Tiểu thuyết khiến độc giả Bắc Âu nói riêng và cả châu Âu nói chung vừa thích thú, vừa kinh ngạc. Dưới góc độ miêu tả sự lụi tàn của một dòng họ, Thiếu nữ chết trẻ được so sánh với tiểu thuyết Gia đình Buddenbrook (1901), một trong những tác phẩm chính đem lại giải Nobel Văn học năm 1929 cho nhà văn Đức Thomas Mann. Còn tác phẩm Con đường người đàn ông đã đi lại càng khẳng định vị trí của Sillanpää là người khắc họa rõ nét hình tượng người nông dân Phần Lan, qua sự phát triển tính cách và trưởng thành của nhân vật chính, một chủ điền trang trẻ.
Tác phẩm thứ ba của Sillanpää trong thập niên 30, Người trong đêm hè là một tiểu thuyết ngắn, hay theo cách gọi tên khác của tác giả là “chuỗi thơ mang tính tự sự” với bốn mươi tám văn khúc dài ngắn khác nhau, có lúc là văn tả cảnh, có lúc là một đoạn đối thoại, có lúc đầy kịch tích, khi lại thật nên thơ… đã gói trọn cả đời người trong bức tranh ngôn từ và giai điệu được lồng ghép rất khéo của mình. Mùa hè, tháng Bảy - vùng nông thôn Phần Lan - mặt hồ xanh thẳm tĩnh lặng, đây đó một đôi con thuyền cùng những chiếc bè thả gỗ im lìm trong đêm cuối tuần. Mùa hạ trắng đang chuyển dần sang sắc màu sầm sẫm của mùa thu hoạch cỏ. Nhưng trong khung cảnh thanh bình ấy có bao sự kiện đã xảy ra. Những con người khác nhau, với những số phận thật riêng biệt, gặp nhau, đi qua cuộc đời nhau, niềm vui và nỗi đau hòa quyện cùng nhau. Con người và thiên nhiên như hòa thành một.
Nhân vật chính của Người trong đêm hè có lẽ là Helka, cô thiếu nữ có họ với nhà điền trang Teliranta, vì số đoạn văn kể về cô và tình cảm của cô chiếm nhiều nhất trong tiểu thuyết. Mối tình của cô với người bạn nhảy, chàng sinh viên Arvid giàu có, hào hoa đã đến độ chín vào đêm hè thứ hai, khi hai người cùng đón ngày mới sau phút hợp hoan. Tiểu thuyết kết thúc bằng câu: “Họ ra đi - trên con đường ngập tràn ánh mặt trời của buổi sáng mùa hè.”
Bên cạnh câu chuyện của Helka, số phận, tính cách của hai người phụ nữ khác - hai người vợ trong các gia đình làm thuê Hilja và Santra cũng được khắc họa rất rõ nét chỉ trong hai ngày, hai đêm trắng của phương Bắc. Hilja vượt cạn với sự giúp đỡ của bà chủ trẻ của trang trại Teliranta, trong khi chồng chị - anh nông dân ngù ngờ, vụng về Jalmari hoài công đi gọi tìm bác sĩ trong đêm. Còn Santra cũng hoài công chờ chồng trở về cùng đi sauna cuối tuần, với một linh cảm mơ hồ rằng chồng không bao giờ quay lại - đúng vào đêm người chồng Jukka lãnh đạm của chị này bị đâm chết… Nhà văn dành nhiều trang viết miêu tả chuyến phiêu lưu của hai người chồng - mỗi người theo cách riêng và mục đích riêng của mình và với hai kết cục cũng thật khác nhau - trong đêm Chủ nhật cuối tuần. Hôn nhân của hai người phụ nữ này cũng được miêu tả sâu hơn, rõ hơn so với cuộc sống vợ chồng của ba đôi còn lại: vợ chồng ông bà chủ trang trại Teliranta, vợ chồng người họa sĩ và vợ chồng lão Manu già.
Đêm hè Phần Lan huyền ảo như không có đêm. Vậy mà khung cảnh thanh bình ấy đã bị một kẻ phá vỡ, bằng một nhát dao đâm lút tim người khác. Salonen, người còn có một cái tên nhạo báng: “Nokia”, chàng thợ thả gỗ trẻ tuổi, người có ánh mắt “thật kỳ quặc, gần như là sự dịu ngọt rất phụ nữ”, chính là người quấy rối! Có thể nói, kẻ phá đám này là nhân vật cô đơn nhất trong tác phẩm. Mồ côi, nhập vào đoàn thợ thả gỗ vì nghĩ đó là cuộc sống thật lãng mạn, đầy chất thơ, nhưng rồi thực tế cuộc sống đã làm chàng trai vỡ mộng. Chàng ta yêu cái đẹp, nhưng chỉ thấy xung quanh mình toàn thứ xấu xí. “Các người thì biết gì về nỗi đau của thằng bé này? Khi chàng trai trẻ bị một nỗi khát khao kỳ lạ ngày đêm hun đốt. Nỗi khát khao mà chính anh cũng chẳng biết nguyên do. Hãy nhìn đi, hỡi cô thiếu nữ! Cô có người cô yêu, người cô muốn ôm lúc nào cũng được. Nhưng còn tôi, tôi có ai? Ngay cả mẹ cũng không, mẹ ơi, mẹ ơi…” Tiếng kêu gào gọi mẹ của anh ta như xoáy vào tim, làm người hầu gái, cũng mồ côi mẹ, phải rơi nước mắt. Có lẽ Sillanpää là nhà văn đầu tiên ở Phần Lan đã bóng gió nhắc đến hiện tượng đồng tính - “nỗi khát khao kỳ lạ” trong xã hội Phần Lan qua nhân vật Salonen. Đây là một tư tưởng dũng cảm, nếu ta biết vào những năm 30 của thế kỷ trước, quan hệ tình dục cùng giới tính bị cấm đoán và lên án.
Nhân vật cô đơn thứ hai trong tác phẩm là bà chủ già của trang trại Teliranta, bà ngoại của Helka. Suy nghĩ, tình cảm của bà cũng được ngòi bút nhà văn ưu ái dành cho nhiều đoạn. Tính tiếp nối của dòng họ, của cuộc sống được thể hiện rõ nhất khi bà cụ nhớ về quãng đời mình đã sống, khi lo lắng nghĩ về tương lai các cô thiếu nữ cháu bà, khi tiếc nuối cho tuổi trẻ đã qua…
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trong Người trong đêm hè, thiên nhiên mới là nhân vật trung tâm xuyên suốt tiểu thuyết, ánh sáng và âm thanh, mặt trời và đêm trắng, cánh đồng lúa, rừng cây, mặt hồ nước, trang viên… một vùng quê với đủ mọi thăng, trầm và cuộc sống của những người dân đủ mọi tầng lớp trong ánh sáng mờ ảo đêm hè hiện lên thật hoàn hảo dưới ngòi bút của Sillanpää. Đây là tác phẩm văn xuôi mang tính trữ tình đậm nét nhất, giàu tính nhạc nhất của nhà văn. Hãy nghe bản giao hưởng bình minh của thiên nhiên: “Mùa hè phương Bắc gần như không có đêm, chỉ có ánh sáng mờ ảo nhập nhoạng ngập ngừng, chầm chậm trôi qua. Nhưng trong chạng vạng vẫn ngời lên tia sáng không ngôn từ nào có thể tả nổi. Đó chính là lời thì thầm của sáng hè đang đến gần. Khi giai điệu hoàng hôn lắng lại thành nốt mềm xanh tim tím màu hoa violet, mê say dịu dàng ngân dài ngay trong quãng ngắt ngắn ngủi, là lúc violon chính bừng tỉnh và bắt vào giai điệu cao nghiêng nghiêng, để cho violonxen nhanh chóng hòa nhịp. Ta cảm nhận được từ trong sâu thẳm tâm hồn bức tranh giai điệu đó.”
Ta ở đây, trong “chuỗi thơ mang tính tự sự” của hai đêm hè phương Bắc này, chính là người kể chuyện, hay cũng là hai “triết gia”: người họa sĩ tuổi trung niên và lão nấu nhựa thông Manu, những người thức trắng đêm, từ những điểm quan sát khác nhau, ghé mắt nhìn, cảm nhận những gì xảy ra xung quanh mình, xảy ra trong thiên nhiên. Họ quan sát và ngẫm nghĩ, rút ra cho mình và cho bạn những triết lý cuộc sống đơn sơ mà sâu sắc. Như Manu già an ủi người bạn đồng hành trong đêm: “Trên thế gian này ai cũng có lúc nghĩ họ đau khổ nhất trần gian - khi không nghĩ đến người khác, mà chỉ chăm chăm nghĩ về mình.”
Những tiểu thuyết lớn của Sillanpää sau khi được xuất bản ở Phần Lan đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, sớm nhất phải kể đến bản dịch tiếng Thụy Điển. Chỉ một năm sau khi ra đời, tiểu thuyết Người trong đêm hè đã được dịch và xuất bản ở Thụy Điển năm 1935 và hai năm tiếp theo được dịch và xuất bản ở Estonia (1936), Đan Mạch (1937), Na Uy (1937), Latvia (1937) và Anh (1966). Cho đến nay tiểu thuyết này đã được dịch ra 17 thứ tiếng khác nhau trên thế giới.
Cùng với Thiếu nữ chết trẻ và Con đường người đàn ông đã đi, Người trong đêm hè đã góp phần đưa giải thưởng cao quý của văn học thế giới về cho Frans Emil Sillanpää và về cho đất nước Phần Lan.
Helsinki, ngày 27 tháng Một năm 2016
Người dịch
Người Trong Đêm Hè Người Trong Đêm Hè - Frans Eemil Sillanpää Người Trong Đêm Hè