Chương 9
ã mấy hôm nay tâm trí Trường hỗn độn vì nhiều ý nghĩ. Nhưng không phải chàng băn khoăn về những thèm muốn giầu sang ẩn nấp trong lòng chàng nữa. Trường băn khoăn vì cảm thấy mình đã nhỏ nhen và vô lý quá trong khi đối với vợ. Cuộc cãi nhau hôm trước làm cho chàng hối hận, và Trường thấy cảm động ứa nước mắt mỗi khi nghĩ đến.
Chàng nhớ dáng điệu của Trinh, vẻ tinh nghịch trong mắt khi nàng nằm trên giường đợi chàng về. Đáng thương! Trinh đã tưởng làm vui lòng chàng với đôi chiếu mới mua, nàng đã đem trải cẩn thận trên chiếc giường hai người nằm. Trong cái cử chỉ trẻ thơ ấy, Trường nhận thấy bao nhiêu âu yếm đối với chàng; lòng chàng nao nao khi nghĩ đến điều mong ước giản dị và chân thật của Trinh, ước mong một gia đình đầm ấm trong sư thanh bần. Nàng đã quen với cái nghèo đi rồi và không thấy khó chịu vì đấy nữa. Nàng vẫn là cô gái chất phác ở An Lâm, với cái ái tình trong sạch. Chính Trường đã đem nỗi băn khoăn của chàng đến làm lay động lòng yêu của vợ, bình tĩnh như mặt nước hồ sâu. Trường thấy bao nhiêu lỗi đều về phần mình cả. Nhưng chàng mới nhận biết như thế.
Chàng không muốn tự suy xét mình hơn nữa, không muốn nghĩ lâu về tâm trạng của chàng.
Trường tìm cách quên đi, và tránh không về nhà để khỏi nhắc lại những hành vi nhỏ nhen ấy. Luôn mấy hôm nay, Trường đi chơi bời với các chúng bạn, song những cuộc vui chơi ấy chỉ để lại trong tâm hồn chàng một dư vị chua chát thêm.
Hôm nay ở sở ra, Trường đi lẫn vào đám người cùng đi làm về như chàng. Trời đã gần tối, buổi chiều lạnh và ẩm ướt bao phủ trên thành phố. Không biết bao nhiêu buổi chiều đã buồn bã như buổi chiều này, mà chàng cũng đi làm về, lòng chán nản và bực tức.
Trường nhìn vào một cửa hàng xem đồng hồ. Đã hơn bảy giờ rồi, chắc bây giờ Trinh đang mong đợi chàng ở nhà. Trường nghĩ đến đứa con ốm, đến nỗi lo sợ của vợ. Bây giờ chàng chỉ thấy thương. Trường rảo bước đi mau, muốn về ngay tới nhà để an ủi vợ, săn sóc Mai. Chàng nóng muốn san sẻ ngay lòng yêu mến mà chàng bỗng thấy tràn ngập trong người.
Nhưng đến khi rẽ vào ngõ, chàng đi chậm lại. Bước chân trở nên lưỡng lự và không quả quyết. Trường tưởng trông thấy đôi mắt đầy oán trách của Trinh, và đứa con ốm yếu. Tự nhiên Trường không muốn trở về nhà nữa. Chàng tự mình thấy xấu hổ cho mình.
Trường quay ra phía bờ sông. Con đường dải dưới ánh đèn trông buồn rầu vắng lặng. Qua bên kia đê, quãng không tối đen như mực, thăm thẳm và rộng rãi. Nhưng Trường thấy hơi gió thoáng lại lạnh như đã qua chỗ khoảng rộng trên mặt sông. Và trong lòng chàng, chàng cảm thấy trên cái đêm tối của những ham muốn nhỏ nhen thoảng qua từ chỗ sâu xa tận tâm hồn đưa lại, một tình cảm mát mẻ và yêu đương, như hương thơm của những ngày tươi sáng đã lâu khi hai người mới biết nhau.
Trường cứ theo phố bờ sông rẽ sang vườn hoa Hàng Đậu. Chàng sực nhớ đến Quang, một người bạn cũ, đã dặn chàng đến chơi ở phố này. Quang cùng học với chàng ngày ở An Lâm. Nhà cũng nghèo như nhà chàng. Quang với Trường là hai anh em bạn thân nhất trong lớp. Nhưng từ khi Trường lên Hà Nội chàng không được gặp nữa. Mãi tới tối chủ nhật trước, Trường đương đi vơ vẩn ở giữa phố, có người đến vỗ vai:
- Trường đấy à?
Chàng quay lại, thấy trước mặt mình một người thấp bé, ăn mặc sang trọng mà chàng ngờ ngợ quen. Chàng chưa kịp hỏi, người kia đã nói:
- Quang đây mà. Quên tôi rồi à?
Lúc bấy giờ Trường mới nhận ra người bạn cũ. Chàng yên lặng ngạc nhiên nhìn Quang từ đầu đến chân. Người bạn bây giờ đã thay đổi: không phải Quang gầy gò và ăn mặc lôi thôi ngày trước. Trường chỉ thấy một người sang trọng, vẻ mặt mãn nguyện và kiêu ngạo.
- Bây giờ anh làm gì? Mà đi lang thang thế?
Bỗng nhiên, Trường sinh ghét. Điềm đạm lại, chàng trả lời:
- Vẫn làm như thường, còn anh?
Một cái cười rộng rãi làm toét miệng. Quang đáp:
- Tôi hiện làm chủ một hãng buôn lớn ở đây.
Trường không trả lời. Chàng tự thấy ngượng nghịu, không biết nói gì thêm. Hai người đứng nhìn nhau một phút.
Rồi Quang giơ tay bắt tay Trường, lay mạnh và nói:
- Thôi, anh đi. Độ này tôi bận lắm. - Trường quay đi, Quang mới nói với: “Hôm nào anh lại chơi, nhà tôi ở số 50 Hàng Đậu”.
Lúc ấy, Trường không để ý đến. Chàng không thấy chút cảm tình gì đối với Quang cả. Nhưng bay giờ, Trường bỗng nhiên có ý muốn đến thăm người bạn cũ, chàng ngẩng lên tìm số nhà.
Chàng vừa gõ cửa, vừa nhớ lại hình dáng Quang trong buổi gặp gỡ. Cánh cửa mở ra, thân hình to béo của Quang che lấp làn ánh sáng.
- Ai đấy? À... anh Trường. Mời anh vào chơi.
Trương bước vào. Ánh đèn rực rỡ làm chàng chói mắt. Trong nhà bày biện rất sang: sập gụ, tủ chè và một bộ ghế mặt đá kiểu Tầu. Trên tường treo la liệt những câu đối, bức thêu và các tranh ảnh, còn ở dưới không có một chỗ hở nào là không bày cái lọ cổ hay cái đôn sứ. Trường sắp bước, Quang đã giơ tay vội ngăn.
- Ấy, anh đi phía này. Chỗ ấy khéo chạm phải cái đôn.
Rồi Quang nhe răng cười, giảng giải:
- Hôm nọ thằng người nhà tội vô ý đi lối ấy làm rơi vỡ mất cái chóe cổ. Cái chóe đời nhà Minh anh ạ, có người trả tôi trăm bạc tôi không bán.
Trường cũng cười để lấy lòng bạn, nói:
- Sao nhà anh lắm đồ cổ thế?
Quang sung sướng, đôi mắt hơi híp lại:
- Phải không, anh? Những đồ này toàn là thứ có giá trị cả, tôi mất nhiều công tìm kiếm mãi mới được. Đây, anh xem đôi lọ này, tôi mới mua lại của một quan châu trên mạn ngược đấy.
Quang cầm tay Trường dắt lại trước đôi lọ sứ rồi bắt đầu vào một sự cắt nghĩa dài về cái khéo léo của người Tầu, về nước men và nét vẽ trên những đồ sứ cổ. Trường nghe thấy rặt những câu sáo cả, mà Quang có lệ học được của những người đã bán thứ ấy cho anh. Vì Trường biết chắc rằng Quang không hiểu một chút gì về mỹ thuật.
Chàng lặng yên nghe Quang nói, trong trí bỗng hiện ra hình ảnh Quang ngày trước, khi anh ta còn là một người học trò nghèo nàn. Trường không nhận thấy người bạn cũ trong con người to béo đang nói bên cạnh chàng nữa.
Ý chừng biết mình bắt khách đứng ngắm cái lọ sứ cũng đã lâu, Quang mời Trường ngồi xuống ghế:
- Anh ngồi chơi. - Rồi cất tiếng dõng dạc gọi thằng nhỏ pha nước.
Trường vội bảo:
- Anh đừng cho uống nước nữa. Tôi không khát.
- Ấy, phải uống chứ. Chè Tầu đấy thôi mà.
Rồi Quang xoa tay ngồi xuống ghế trước mặt Trường.
- À, thế nào... À quên, bây giờ anh làm gì?
Có lẽ là một thói quen của Quang, vì Trường đã nghe thấy hỏi câu này rồi. Một lần nữa chàng trả lời:
- Tôi vẫn đi làm như thường.
Câu trả lời không rõ rệt. Quang cũng chẳng để ý đến lắm, cúi xuống sửa soạn bộ ấm tách trên bàn, còn Trường ngước mắt nhìn lên cái hoành phi treo sát trần nhà. Chàng tự hỏi không biết mình đến đây để làm gì.
Như chợt nhớ ra, Quang nhìn Trường hỏi:
- Hình như trước anh học ở cao đẳng kia mà. Sao lại bỏ?
Trường khoát tay một cách vơ vẩn, Quang tiếp:
- Anh thật dại. Cứ học rồi ra làm quan biện có hơn không. Đấy con ông chánh Vị ấy mà, anh còn nhớ không? Bây giờ đã lên tham tá hạng nhất rồi đấy. Hôm nọ tôi mới gặp đi với ông huyện ở An Lâm.
Tiếng An Lâm nhắc Trường nhớ lại những buổi đi học cùng với Quang ở trường làng, cái trường nhỏ nhắn nấp dưới gốc bàng, nhớ lại ông giáo đầu tóc bạc và hiền từ, những vẻ mặt anh em bạn cũ, phần nhiều là những người quê mùa giản dị, hiện bây giờ vẫn sống một cuộc đời thường ở thôn quê. Chàng cảm động hỏi Quang:
- Anh còn nhớ trường học ở An Lâm không nhỉ? Những anh em bạn cũ không biết có ai ở trên này không?
Quang so vai đáp:
- Anh nhắc đến cái trường ấy làm gì. Trường thì giột và thấp. Tôi ngày sau có con thì nhất định cho học trường tỉnh. Với lại để nó chung đụng với đám con người nhà quê ấy chúng nó sinh đần ra. Có phải không anh?
- Có lẽ.
Trường hững hờ đáp lại, mơ màng. Chàng nghĩ Quang trước kia cũng là một đứa trẻ học trò nhà quê đần độn, mẹ Quang là một người hàng sáo đảm đang buôn bán nuôi con. Trường thấy rằng nếu bây giờ chàng nhắc đến cái nghề của bà cụ khi xưa, chắc Quang sẽ lấy làm xấu hổ.
Chàng hỏi:
- Bây giờ bà cụ cũng ở trên này?
- Vâng, tôi đón mẹ tôi lên trên này ở với tôi cho tiện. Mẹ tôi cứ không muốn lên; bà cụ người cổ ở đâu quen đó, không chịu đi đâu sất cả. Tôi phải nói khẩn khoản mãi mẹ tôi mới chịu. Chết cái ở dưới ấy họ hàng với người quen thuộc, họ hay đi lại nhờ vả lôi thôi lắm, tôi không thích. Thế mà có khi họ còn lên tận trên này nhờ tôi việc kia, việc nọ, thật phiền quá.
Trường không đáp, Quang hỏi thêm:
- Ấy, vừa mới hôm nọ ông giáo cũng lên đây. Anh còn nhớ không?
- Ông giáo dạy chúng ta trước chứ gì?
- Chính thế. Ông đến khẩn khoản xin vay mượn ít tiền. Từ độ ông về hưu kể cũng túng. Nhưng tôi lấy đâu ra mà cho vay mãi được.
Nhìn chàng, Quang cười, tiếp:
- Ông ta có kể tình nghĩa thầy trò cũ, và mẹ tôi cũng bảo cho ông ấy vay, nhưng đã được cho vay hai lần rồi chứ có phải không đâu. Tình nghĩa thì cũng phải có hạn. Mình tử tế quá lại không biết cho đâu.
Trường đưa mắt nhìn qua những đồ vật sang trọng và quý giá bày ở trong phòng, tưởng tượng cái dáng điệu khẩn khoản của ông giáo già nua. Chàng sực nhớ rằng trước kia ông giáo vẫn thương Quang là con nhà nghèo và thỉnh thoảng vẫn chu cấp cho giấy bút và sách vở. Trường chắc khi ông giáo đi rồi, bà mẹ Quang tất bị con rầy rà.
Chàng nhìn mặt Quang lúc bấy giờ thấy béo quá, đầy lòng kiêu căng và ích kỷ. Hai con mắt híp, với má phình, cái cổ ngắn biểu hiện những ham muốn vật dục được thỏa mãn. Trường thoáng nghĩ đến Quang ngày xưa, hồi còn ở An Lâm, một người trẻ tuổi cũng những tính tình tốt đẹp như chàng.
Trường đứng dậy cầm lấy mũ rồi lãnh đạm bắt tay chủ nhân.
- Thôi, xin phép anh tôi về.
Quang niềm nở giữ lại:
- Ấy, anh ở chơi uống nước đã. Anh em mấy khi gặp nhau, chưa chi anh đã vội về.
Trường nghĩ những câu thân mật ấy có lẽ cũng là một thói quen của Quang, chứ không phải là những tình cảm thật thà. Trường thấy mình không có cái gì có thể khiến cho Quang thân thiết được. Chàng trả lời lấy lệ:
- Để khi khác, lo gì. Hôm nay tôi mắc bận.
Quang tiễn chàng ra cửa.
Chàng bước xuống hè, đi không ngoảnh lại. Trong căn phòng ấm cúng ra, chàng cảm thấy lạnh thêm. Và phố xá giờ này đã vắng vẻ để Trường một mình với những ý nghĩ của chàng. Trường không xua đuổi được hình ảnh con người ú mập và mãn nguyện, kiêu ngạo vì tiền của, vì mánh khóe nhẫn tâm của mình. Sự thay đổi của người bạn cũ khiến Trường buồn rầu và khinh bỉ lòng người. Anh học trò ngây thơ ngày trước bây giờ xấu hổ vì cái nghề hèn mọn của mẹ, hãnh diện vì đã thí vài đồng cho thầy học cũ. Tiếc thương chua chát và chán nản bỗng đượm vị trong lòng Trường. Chàng nghĩ rằng những người như Quang chỉ có một cái quý nhất là sự nghèo nàn; của quý ấy, bây giờ Quang đã đánh mất rồi. Anh ta đã trở nên giầu...
Trường khép tà áo và se lòng lại trước gió đông trên đường vắng. Mưa bụi ra rơi xuống phơi phới như sương mù. Trường sẽ vào một cái ngõ con, ngập mình trong bóng tối như trong một cái gì mênh mông và dày đặc.
Thạch Lam Tuyển Tập Thạch Lam Tuyển Tập - Thạch Lam Thạch Lam Tuyển Tập