Nhím Thanh Lịch epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 3: Cuộc Thập Tự Chinh Chính Nghĩa
hế mà bạn tin là cô gái đang khát khao vinh quang trí tuệ lại quan tâm đến điều đó ư?
Không hề.
Vốn không có bất cứ suy nghĩ nhất quán nào về cái Đẹp hay số phận của những cái bàn, Colombe Josse miệt mài khám phá tư tưởng thần học của d'Ockham theo những kiểu cách ngữ nghĩa không đáng quan tâm. Điều đáng chú ý nhất là ý định chủ đạo của công việc này: biến những luận điểm triết học của d'Ockham thành hậu quả của quan niệm của ông ấy về hành động của Thượng đế, bằng các xếp những năm tháng lao động triết học vào hàng u bướu thứ phát của tư tưởng thần học của ông ấy. Một việc làm thật cao siêu, nó gây say xỉn như thứ rượu vang tồi và nhất là làm lộ rất rõ cơ chế vận hành của trường Đại học: nếu cô muốn có sự nghiệp, hãy lấy một bài viết ngoài lề và xa lạ (cuốn Tóm tắt về lôgic của Guillaume d'Ockham) vẫn còn ít được khám phá, nhục mạ ý nghĩa thực của nó bằng cách tìm kiếm trong đó một ý đồ mà chính tác giả cũng không nhận thấy được (vì ai cũng biết rằng điều không biết trong khái niệm lại mạnh mẽ hơn nhiều so với tất cả các ý đồ có ý thức), làm nó biến dạng đến mức giống với một luận điểm gốc (đó là sức mạnh tuyệt đối của Thượng đế, người đã tạo ra hình thức phân tích lôgic mà các thách thức triết học chưa biết đến), sau đó, hãy đốt tất cả các tranh thành của cô (chủ nghĩa vô thần, niềm tin vào Lý trí đổi lại với lý trí của niềm tin, tình yêu đối với sự minh triết và đủ thứ vớ vẩn khác mà phái xã hội ưa thích), hãy dành một năm trong cuộc đời cô cho trò chơi nho nhỏ đó, trò chơi không xứng đáng với một tập thể mà cô đánh thức lúc bảy giờ sáng và cử một người đưa thư đến nhà thầy giáo hướng dẫn nghiên cứu của cô.
Trí thông mình dùng để làm gì nếu không phải là để phục vụ? Tôi không nói đến sự phục vụ nô dịch giả tạo của các quan chức Nhà nước mà họ vẫn tự hào phô trương như đó là dấu hiệu về đức tình tốt đẹp của họ: đó là sự khiêm nhường bề ngoài, thực chất chỉ là hợm hĩnh và coi thường. Khoác mã giản dị một cách phô trương của kẻ nô bộc vĩ đại, từ lâu Etienne de Broglie đã làm cho tôi tin chắc rằng anh ta hãnh diện về đẳng cấp của mình. Ngược lại, các ưu đãi đem lại những nghĩa vụ thực sự. Thuộc về một nhóm hẹp của tầng lớp ưu tú, có nghĩa là phải phục vụ tương xứng với vinh quang và cuộc sống vật chất dễ dàng mà người ta có được nhờ thuộc về nhóm đó. Tôi là một sinh viên trường Sư phạm như Colombe Josse, với tương lại rộng mở ư? Tôi phải quan tâm đến sự tiến bộ của Nhân loại, đến việc giải quyết các vấn đề then chốt cho sự sống còn, đó là cuộc sống sung túc hay việc nâng cao giá trị của loại người, đến việc mang cái Đẹp đến với thế giới hay đến cuộc thập tự chinh chính nghĩa vì tính chân thực của triết học. Đó không phải một thiên chức, có thể lựa chọn, các lĩnh vực đều rất rộng. Người ta không thể đi vào triết học như bước vào một chủng viện, với một tín điều làm gươm và một con đường duy nhất làm số phận. Người ta nghiên cứu các tác phẩm của Platon, Épicure, Descartes, Spinoza, Kant, Hegel hay của cả Husserl ư? Nghiên cứu về mỹ học, chính trị, đạo đức, nhận thức luận, siêu hình học? Người ta cống hiến cuộc đời để giảng dạy, để tạo nên một tác phẩm, để tìm kiếm, hay cống hiến cho Văn hóa ư? Chẳng có gì khác nhau cả. Bởi vì trong lĩnh vực như thế này, chỉ có ý đồ là quan trọng: nâng cao tư duy, đóng góp vào một quan tâm chung hay tán đồng quan điểm dạy học kiểu kinh viện vốn không có đối tượng nào khác ngoài sự tồn tại lâu dài của chính nó và không có chức năng nào khác ngoài việc tự động sản sinh ra những tầng lớp ưu tú vô tác dụng - qua đó trường Đại học trở thành môn phái.
SUY NGHĨ SÂU SỐ 14
Hãy đến tiệm Angelina
Để biết
Tại sao ôtô bị đốt cháy
Hôm nay, một chuyện rất thú vị đã xảy ra! Tôi đến nhà bà Michel để nhờ bà ấy mang lên nhà một túi giấy tờ cho chị Colombe ngay khi người đưa thư mang nó tới chỗ bà ấy. Thực ra, đó là luận văn thạc sĩ của chị ấy về Guillaume d'Ockham, đây là bản viết đầu tiên mà thầy giáo hướng dẫn đọc và gửi lại cho chị ấy kèm theo lời phê. Có một điều rất buồn cười là chị Colombe bị bà Michel tống cổ vì đã bấm chuông vào lúc bảy giờ sáng để yêu cầu mang túi đồ lên. Bà Michel hẳn đã mắng chị ấy ghê lắm (phòng thường trực mở cửa lúc tám giờ) vì chị Colombe quay lên nhà với thái độ tức giận điên cuồng, miệng gào lên rằng bà gác cổng là một con chó đẻ già mà lại tưởng mình là ai cơ chứ? Bỗng dưng mẹ tôi có vẻ nhớ ra rằng, vâng, trên thực tế, ở một nước phát triển và văn minh, không phải vào bất kỳ giờ nào trong ngày người ta cũng được phép làm phiền người gác cổng, nhất là ban đêm (lẽ ra mẹ tôi phải nhắc đến điều này trước khi chị Colombe đi xuống), nhưng chị tôi vẫn không bình tĩnh lại được mà tiếp tục la hét om sòm rằng không phải vì chị ấy nhầm giờ mà con mụ chẳng là cái gì ấy có quyền đóng sập cửa ngay trước mặt chị. Mẹ tôi mặc kệ. Nếu chị Colombe là con tôi (Darwin tránh cho tôi điều đó), tôi sẽ cho chị ấy hai cái tát.
Mười phút sau, chị Colombe đi vào phòng tôi với nụ cười vô cùng ngọt ngào. Nhưng tôi không thể chịu đựng được. Tôi thích chị ấy mắng tôi hơn. "Paloma, rận con của chị, em có muốn giúp chị một việc quan trọng không?" chị ấy tỉ tê. "Không," tôi đáp. Chị Colombe hít một hơi thật sâu và nói rằng rất tiếc tôi không phải là nô lệ riêng của chị - nếu như thế, chị ấy sẽ quật cho tôi vài roi - sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều - con ranh này làm ta bực mình quá. "Em muốn thoả thuận," tôi nói thêm. "Em vẫn chưa biết chị muốn gì cơ mà," chị Colombe phản ứng lại với vẻ mặt hơi giễu cợt. "Chị muốn em đến gặp bà Michel," tôi nói. Chị Colombe há hốc mồm kinh ngạc. Chị ấy nghĩ là tôi đần độn, và cuối cùng đã tin điều đó là thật. "O.K. nếu chị không bật nhạc to ở phòng chị trong một tháng." "Một tuần," chị Colombe nói. "Thế thì em sẽ không đi đâu," tôi đáp. "O.K." chị Colombe nói, "em hãy đi gặp mụ già cặn bã đó và bảo mụ ấy mang cho chị cái túi của thầy Marian ngay khi người ta mang tới." Rồi chị đi ra và đóng sầm cửa lại.
Thế là tôi đến gặp bà Michel và bà ấy mời tôi uống trà.
Đầu tiên, tôi thử bà ấy. Tôi không nói gì nhiều. Bà ấy nhìn tôi rất kỳ lạ, cứ như lần đầu tiên nhìn tháy tôi. Bà ấy không nói gì về chị Colombe. Nếu là một người gác cổng thực sự, lẽ ra bà ấy phải nói câu gì đó kiểu như: "Ừ, chị của cháu ấy, dù sao nó cũng không được nghĩ là nó muốn gì cũng được." Thay vì câu đó, bà ấy mời tôi một chén trà và nói chuyện với tôi rất lịch sự, cứ như tôi là một con người thực sự.
Trong phòng thường trực, tivi đang mở. Nhưng bà ấy không xem tivi. Người ta đang chiếu phóng sự về những thanh niên đốt xe ôtô ở ngoại ô. Nhìn những hình ảnh đó, tôi tự hỏi: cái gì có thể xô đẩy một thanh niên đến chỗ đốt xe ôtô? Trong đầu anh ta nghĩ gì? Rồi tôi nghĩ thế này: còn tôi? Tại sao tôi muốn đốt căn hộ của nhà mình? Các nhà báo nói về nạn thất nghiệp và nghèo đói, còn tôi nói về tính ích kỷ và kiểu cách giả dối của gia đình tôi. Nhưng đó là những điều chẳng hay ho gì. Luôn luôn tồn tại nạn thất nghiệp, nghèo đói và những gia đình khốn khó. Thế nhưng không phải sáng nào người ta cũng đốt xe ôtô hay căn hộ. Tôi tự nhủ rằng, cuối cùng, tất cả những điều đó chỉ là lý do giả tạo. Tại sao người ta đốt ôtô? Tại sao tôi lại muốn đốt căn hộ?
Tôi không tìm được câu trả lời cho đến khi tôi đi mua sắm cùng dì Hélène, em của mẹ tôi, và cô em họ Sophie. Thực ra, chúng tôi đi mua quà tặng mẹ tôi nhân dịp sinh nhật sẽ được tổ chức vào Chủ nhật tới đây. Chúng tôi lấy cớ cùng đi đến bảo tàng Dapper, nhưng thực ra chúng tôi đến các cửa hiệu bán đồ trang trí nội thất ở quận 2 và quận 8. Mục đích là tìm một cái giá treo ô và mua món quà của riêng tôi.
Về chiếc giá treo ô, cuộc tìm kiếm tưởng như vô tận. Mất đến ba tiếng đông hồ, trong khi tôi thấy tất cả những cái gia mà chúng tôi đã xem đều giống hệt nhau, hoặc là hình trụ xấu xí, hoặc là những thứ hoa sát giá cổ. Tất cả đều có giá trên trời. Bạn có thấy phiền lòng tí nào không khi một cái giá treo ô có thể có giá 299 euro? Thế mà đó lại là số tiền mà dì Hélène đã trả cho một thứ kiêu kỳ làm bằng "da cũ" (theo con mắt của tôi: bị chà đạp bằng bàn chải sắt, đúng thế) với những mũi mày kiểu như trên yên ngựa, cứ như sống trong một trại ngựa giống. Còn tôi, tôi mua cho mẹ một chiếc hộp nhỏ để đựng thuốc ngủ bằng sơn mài màu đen trong một cửa hiệu châu Á. Ba mươi euro. Tôi đã thấy đắt lắm rồi, nhưng dì Hélène vẫn hỏi liệu tôi có muốn mua thêm cái gì khác không, vì cái hộp chưa đáng kể gì. Chồng của dì Hélène là bác sĩ tiêu hóa và tôi đảm bảo với các bạn rằng trong ngành y, bác sĩ tiêu hóa không nằm trong số những người nghèo nhất... Nhưng dù sao tôi vẫn yêu quý dì Hélène và chú Claude vì họ... vâng, tôi không biết nói thế nào... kiên định. Tôi thấy họ hài lòng với cuộc sống của mình, dù sao họ cũng không cố diễn để làm ra vẻ gì khác với thực chất của mình. Tôi không phải loại người ngây ngất sững sờ trước những người bị bệnh Down như mọi người trong gia đình tôi thường làm (ngay cả chị Colombe cũng vậy). Câu nói đã được thoả thuận là họ tàn tật, nhưng họ dễ mến lắm, dễ thương lắm, tình cảm lắm! Cá nhân tôi, tôi thấy khó chịu khi có mặt Sophie, nó chảy dãi, la hét, hờn dỗi, tính tình thất thường và chẳng hiểu gì cả. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không đánh giá cao dì Hélène và chú Claude. Chính họ nói rằng nuôi dạy con bé rất khó khăn, thật là kiếp đoạ đày khi có một đứa con gái bị bệnh Down, nhưng tôi thấy họ yêu nó và chăm sóc nó rất chu đáo. Điều này, cộng thêm tính kiên định của họ khiến tôi rất yêu quý họ. Khi nhìn mẹ tôi diễn vai một phụ nữ hiện đại sung sướng hay bà Jacinthe Rosen diễn vai một phụ nữ tư-sản-từ-trong-nôi, tôi thấy thật có thiện cảm với dì Hélène vì dì không diễn gì cả và hài lòng với những gì mình có.
Tóm lại, sau khi ngược xuôi tìm mua cái giá treo ô, chúng tôi đi ăn bánh ngọt và uống sôcôla ở tiệm trà Angelina trên phố Rivoli. Chắc các bạn sẽ nói rằng tôi đã đi quá xa chủ đề thanh niên ngoại ô đốt xe ôtô. Nhưng không hề! Điều mà tôi thấy ở tiệm Angelina đã giúp tôi hiểu được một số thứ khác. Ở ngay bàn bên cạnh chúng tôi có một đôi vợ chồng và một đứa bé. Đôi vợ chồng da trắng và một đứa trẻ châu Á, cậu bé ấy tên là Théo. Dì Hélène và họ có cảm tình với nhau và cùng nói chuyện một lát. Họ có cảm tình với nhau vì họ cùng có con không giống những đứa trẻ khác, dĩ nhiên rồi, chính vì thế họ nhận ra nhau và bắt chuyện với nhau. Chúng tôi được biết rằng Théo là con nuôi, cậu bé mới mười lăm tháng tuổi khi cặp vợ chồng này mang cậu về từ Thái Lan, bố mẹ và các anh chị của cậu đều đã chết trong trận sóng thần. Tôi nhìn xung quanh và tự nhủ: Théo sẽ làm thế nào đây? Chúng tôi đang ở tiệm Angelina: tất cả mọi người đều ăn mặc đẹp, cắn rất kiểu cách những chiếc bánh ngọt đắt khủng khiếp, và họ ở đây chỉ vì.. vâng chỉ vì ý nghĩa của địa điểm, chứng tỏ mình thuộc về một thế giới nào đó, với những tín ngưỡng, luật lệ, dự định, lịch sử, v.v... Những thứ đó chỉ mang tính tượng trưng thôi. Khi người ta uống trà ở tiệm Angelina, tức là người ta đang ở nước Pháp, trong một thế giới giàu sang, có thứ bậc, duy lý, theo tư tưởng của Descartes, văn minh. Thằng bé Théo sẽ làm thế nào đây? Nó đã trải qua những tháng đầu tiên của cuộc đời trong một làng chái ở Thái Lan, trong một thế giới phương Đông với những giá trị và cảm xúc riêng, nơi việc con người thuộc về đâu một cách tượng trưng có lẽ diễn ra trong hội làng, khi người dân làm lễ cúng thần Mưa, nơi lũ trẻ đắm mình trong những tín ngưỡng phép thuật, v.v... Và bây giờ nó đang ở nước Pháp, ở Paris, trong tiệm Angelina, không có thời gian chuyển tiếp mà ngập chìm ngay lập tức vào một nền văn hóa khác hẳn và ở một địa vị khác hoàn toàn: từ châu Á đến châu Âu, từ thế giới nghèo đến thế giới giàu.
Thế là bỗng nhiên, tôi tự nhủ: sau này, có lẽ Théo cũng có ý định đốt xe ôtô. Bởi vì đó là một hành động do tức giận và do tâm trạng không thoả mãn, và có lẽ nỗi tức giận lớn nhất và tâm trạng không thỏa mãn nhất, đó không phải là nạn thất nghiệp, đó không phải là nghèo đói, đó không phải là không có tương lại: đó là cảm giác không có văn hóa vì bị giằng co giữa các nền văn hóa, giữa những biểu trưng không tương thích với nhau. Sống như thế nào đây nếu không biết mình đang ở đâu? Nếu cần phải đồng thời tiếp nhận văn hóa của dân chài Thái Lan và của giới đại tư sản Paris? Của con cái những người nhập cư và của người dân của một dân tộc lâu đới bảo thủ? Thế là người ta đốt xe ôtô bởi vì khi không có văn hóa, người ta không còn là một động vật văn minh, mà là một con thú hoàng. Và một con thú hoàng sẽ đốt phá, giết người, cướp bóc.
Tôi biết là không sâu sắc lắm nhưng dù sao tôi cũng đã có một suy nghĩ sâu sau việc này khi tự hỏi: thế còn tôi? Vấn đề văn hóa của tôi là gì? Tôi bị giằng co giữa những tín ngưỡng không tương thích ở điểm nào? Tôi là một con thú hoang ở điểm nào?
Vậy là tôi được giác ngộ: tôi nhớ lại cách chăm sóc phù phép mà mẹ tôi dành cho đám cây xanh của mình, những cơn sợ hãi kỳ quặc của chị Colombe, nỗi buồn chán của bố vì bà nội ở nhà dưỡng lão và hàng loạt những sự việc khác tương tự như thế. Mẹ tôi cho rằng có thể tống khứ số phận bằng một nhát xịt, chị Colombe cho rằng có thể gạt nỗi sợ hãi sang một bên bằng cách rửa tay, còn bố tôi cho rằng mình là một người con tồi và sẽ bị trừng phạt vì đã bỏ rơi mẹ: tóm lại, họ có những tín ngưỡng phép thuật, những tín ngưỡng nguyên thuỷ nhưng ngược lại với dân chài Thái Lan, họ không thể chấp nhận chúng vì họ là những người Pháp-có-học-giàu-có-tư-duy-lôgic.
Còn tôi, có lẽ tôi là nạn nhân chính của mâu thuẫn này, bởi vì, vì một lý do chưa rõ, tôi cực kỳ nhạy cảm với tất cả những gì chói tai, cứ như tôi có một kiểu tai tuyệt đối kỵ những tiếng nhạc sai, những mâu thuẫn. Mâu thuẫn đó và tất cả những mâu thuẫn khác.... Bỗng nhiên, tôi không nhận ra mình trong bất cứ tín ngưỡng nào, trong bất cứ nền văn hóa nào trong số những nền văn hóa gia đình rời rạc đó.
Có lẽ tôi là triệu chứng của mâu thuẫn gia đình và mâu thuẫn phải biến mất thì gia đình mới tốt đẹp.
Nhím Thanh Lịch Nhím Thanh Lịch - Muriel Barbery Nhím Thanh Lịch