Đại Học Máu epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 45
ửa năm trời cả một cánh rừng đã biến thành ruộng trồng lúa. Mạ non đã cấy xong đến thửa cuối cùng. Bài học nhất nước nhì phân tam cần tứ giống được đem ra ứng dụng tối đa. Nông trường hiện chỉ còn một số đội của cả 4 trại chia vùng trách nhiệm. Đội 17 đã giã từ ruộng nương và trở lại với khu canh tác nằm ở hướng Bắc trại An Dưỡng. Việc khai quang khẩn đất đã nới rộng khu canh tác lên tới những ụ đất phòng thủ của phi trường Biên Hòa cách trại hơn hai cây số đường. Nơi đây, tù vừa khai quang vừa thu lượm những tàn tích của cuộc chiến vừa qua như súng, đạn, mìn, những quân dụng đủ loại đã hư hao sét rỉ dưới mấy mùa mưa nắng. Lao động nơi đây, không ai không mang nỗi ngậm ngùi của người xưa, của bà huyện Thanh Quan.
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương...
Quy hoạch hiện nay được khung đưa ra là cả vùng này sẽ được dùng làm nơi trồng khoai lang. Khai quang dọn dẹp tới đâu phải thi công lên luống ngay chỗ đó. Đất ở đây dù sao tương đối mềm hơn đất vòng đai trại An Dưỡng, do đó việc lên luống không đến nỗi quá cực khổ. Tuy nhiên, nếu không cực khổ vì những nhát cuốc thì lại nguy hiểm vì chyện mìn bẫy và những đầu đạn M.79 nằm phục trong những bụi cỏ rậm hay dưới những lô-cốt xụp đổ... Sự cảnh giác trước những nguy biến ấy khiến công tác khai quang lên luống tương đối tiến chậm. Nhưng ban quản giáo và bọn vệ binh không bao giờ chấp nhận sự chậm chạp này. Chúng lý luận rằng các chiến sỹ Cách mạng, để giải phóng được toàn miền Nam và quy được đất nước về cùng một mối, đã được xử dụng tối đa theo đúng cái "vũ khí luận" của đế quốc Mỹ. Ngày nay, để "đền ơn Cách mạng", các cải tạo viên chỉ lao động dưới một tình trạng hiểm nguy cỏn con thì không có lý gì được chùn bước... Sự thúc hối, sự chửi rủa lại một lần nữa làm nhiều tù cải tạo gãy chân, gãy tay hoặc bỏ mạng trong trại cải tạo mà thân nhân không bao giờ được biết.
Vĩnh cũng trầm luân giữa anh em. Anh đào, xới, khuân, vác, cuốc... như một kẻ đã mất dần mọi cảm giác. Dù thế nào Vĩnh cũng không muốn bị một thằng vệ binh oắt con lôi ra xỉ vả và bắt quỳ giữa trời giữa đất. Đôi khi đứng thẳng lưng nhìn tới những lô cốt, những bụi cỏ gai, những lớp concertina sét rỉ dính chằng chịt vào nhau mà bên dưới nó ẩn nấp không biết bao nhiêu ông tử thần khiến Vĩnh không khỏi không ngao ngán. Nhưng nếu ngoái lại sau lưng nhìn những luống đất có chiều cao 7 tấc, chiều rộng 2 thước và chiều dài hơn 20 thước nằm san sát nhau đến hút chân trời; Vĩnh đã chẳng thấy hài lòng mà lại còn ngao ngán hơn vì anh hình dung nó chẳng khác nào những dãy mồ tập thể đang ngày tháng chôn vùi cả thế hệ anh...
Bọn vệ binh và quản giáo bám sát từng luống đất để kiểm soát chất lượng. Chúng không để cho bất cứ tên tù nào qua mặt chúng trong việc lên luống lấy lệ được. Những luống đất này, theo đúng bài bản đã được lên lớp trên hội trường, sẽ được dùng để trồng một loại khoai lang đặc biệt do Ấn Độ chi viện, mỗi gốc có khả năng sản xuất trung bình từ 40 đến 50 cân khoai (!?).
Thỉnh thoảng, trong đám người cuốc đất lại có một anh ngừng tay, chống cuốc mắt nhìn quanh và khe khẽ cất tiếng ngâm.
Người ta đi cuốc lấy công,
Còn tôi đi cuốc chỉ mong ngày về...
Những lần giải lao năm phút sau mỗi giờ lao động dần dần bị cắt bỏ. Lúc này bọn quản giáo chỉ chấp thuận một lần nghỉ mười phút duy nhất để uống nước cho suốt buổi lao động 5 tiếng buổi sáng và 5 tiếng buổi chiều. Mười phút rồi cũng được câu dầm thành mười lăm hai mươi phút. Mười lăm hai mươi phút nằm bật ngửa trên mặt đất để thở cho kịp nhịp đời, để lắng nghe trái tim mình hành hạ chính mình bằng những nhịp đập uất hờn, để nghe khối óc mình cật vấn mình vì đâu mà ra nông nỗi này; rồi từ đó, mình chỉ còn biết đấm ngực mình mà tự trách chứ chẳng còn trách cứ được ai!
Sự tự trách ấy đã khiến bao người muốn thoát khỏi đây, muốn làm một công việc đền bồi tội lỗi với đất nước, với dân chúng bằng một hành động cụ thể cuối cùng: Chống lại bạo quyền dù có chết tan thây. Đó là lý do dễ hiểu Phạm Xuân Huy lúc nào cũng tính chuyện vượt ngục, chẳng để mò về nhà mà nhất định phải mò vào rừng. Vấn đề được đặt ra là có ai trong rừng không? Và nếu có, nhưng vì nguyên tắc bảo mật, liệu anh em có chấp nhận mình không? Vĩnh vẫn còn nhớ rõ ràng trong đầu sau đợt thăm tháng Mười, đã có rất nhiều nguồn tin đem vào trại đại ý rằng: Anh em ở ngoại quốc đã và đang kéo về. Nhưng họ cũng có một chính sách cụ thể để xử trí với những người đã nộp mạng chịu sự cải tạo của Cộng sản. Đại để tin đồn về chính sách ấy là tất cả những người đã trải qua một thời gian cải tạo của Cộng sản phải được tập trung lại để tẩy não lần nữa. Những người này sẽ chỉ là những công dân... cấp hai và không được tham dự vào những chức vụ then chốt trong chính quyền và quân đội... Nguồn tin ấy đã làm phẫn nộ không biết bao nhiêu tù cải tạo. Vĩnh không phải không tốn thì giờ để suy nghĩ về nguồn tin này. Anh không tin, không bao giờ tin chuyện này sẽ xảy ra được cả. Rồi khi bình tâm trở lại, Vĩnh tin rằng luận điệu này chỉ là luận điệu được bọn Cộng sản tung ra với mục đích ly gián giữa những chiến hữu quốc gia với nhau, giữa những tổ chức phục quốc (nếu có) từ hải ngoại kéo về và với những người hiện còn ở lại đất nước chịu cảnh tù đày...
Chuyện âm mưu vượt ngục còn được bọn tù bàn tán qua nhiều kỹ thuật độc đáo khác nữa. Chẳng hạn trong những câu chuyện kể cho nhau nghe, Minh chuột đã thầm thì rằng xưa kia những người Do Thái nằm trong trại tập trung của Đức, đã không thiếu người chế khinh khí cầu bay thoát sang Pháp sang Anh... Hắn cả quyết hắn có thể chế khinh khí cầu trong này. Hắn sẽ dùng Poncho làm túi chứa khí Métal lấy từ hầm cầu. Dây sẽ được chế bằng dây dù thu lượm quanh các vòng đai trại cải tạo. Độc đáo hơn, Minh tuyên bố cái giỏ khinh khí cầu sẽ phải là một cái giỏ tiện nghi nhất thế giới. Ngồi trên đó, tù cải tạo vẫn có thể luộc khoai ăn, vẫn có thể hút thuốc lào hoặc đánh cờ tướng... Dù sao đó chỉ là những câu chuyện giả tưởng, nói cho qua những giây phút nghỉ giải lao. Nhưng Nguyễn Văn Ý thiết thực hơn. Cuốc tới đâu, hoặc dọn dẹp "chiến trường hậu chiến" tới đâu, Ý luôn luôn lưu tâm thu lượm những miếng vỏ và ruột xe còn tốt. Anh đem về chế hàng ba bốn đôi đép râu và đêm đến móc sẵn trên đầu chỗ nằm. Có lần Ý tâm sự.
- Vượt ngục đôi chân là quan trọng nhất. Dép râu phải thật tốt thật bền mới chạy xa chạy nhanh được. Các ông cũng nên bắt chước tôi. Đêm đừng bỏ dép trên lối đi. Hãy thủ dép râu trên đầu chỗ nằm. Cứ tưởng tượng xem, đùng một cái, nửa đêm Chinook của anh em ta từ biển bay vào và đáp xuống đây, mình vùng ra khỏi mùng lại mất cha nó đôi dép. Chân không làm sao dẫm gai chạy ra những bãi đáp Chinook cho kịp!?
Hoặc giả.
- Ông Huy ơi! Ông đừng đi guốc nữa. Đi dép râu trở lại đi. Ông đi guốc riết quen chân, mai mốt dzọt bị dí là ông chết tươi đấy.
Giấc mộng vừa xa vời vừa thật gần gũi. Ai cũng có giấc mộng ấy trong tù cải tạo, nhưng biến được giấc mộng thành sự thật hay không lại là chuyện khác. Vĩnh hay ngồi nghe anh em bàn chuyện nhưng không biết góp ý ra sao. Tánh Vĩnh rất ít khi làm một việc gì mà chưa sắp sẵn. Vĩnh đang mong mỏi lần thăm thứ hai thật nhiều. Trong lá thư viết đưa riêng cho vợ lần thăm vừa rồi, anh đã dặn dò thật kỹ phải đem vào cho anh cái địa bàn còn dấu trong một ngăn kéo ở nhà...
Hôm nay cũng như mọi ngày. Giờ lao động buổi chiều đã chấm dứt vào lúc 5 giờ. Tập họp, điểm danh, báo cáo nhân số xong quản giáo cho về luôn mà không lên lớp rút ưu khuyết điểm tại chỗ sau buổi lao động như mọi ngày. Đội hình lại uể oải lê bước trở về trại. Đội 17 đi vượt qua những cánh đồng khoai sắn, rồi đi qua khu rau xanh. Khu rau xanh của trại 2 mới tươi tốt làm sao. Mùi phân mùi nước tiểu ngai ngái vẫn không ảnh hưởng chút nào tới khứu giác của bọn tù trước mùi thơm hăng hăng của những ngồng cải cao ngất, mùi hành lá, mùi ngò, mùi rau răm... Những quả bầu bí căng phồng, những vườn ớt sai trái đỏ au, những quả đậu bắp, những thửa ruộng trồng bắp với những quả bắp đầy chất sữa ngọt ngào trên bẹ... Tất cả những thứ này đều là sản phẩm được tù lấy công sức tạo ra, nhưng không bao giờ được rờ tới.
Quản giáo đội 17 hiện tại là một thằng oắt con có cấp bậc chuẩn úy. Thằng này gốc miền Trung tên là Thừa. Hắn không quá độc ác trong hành động, nhưng có những lối lên lớp cay đắng và độc hiểm vô cùng. Những lời nói của hắn thường làm bọn tù đau đầu như bị đóng đinh.
- Các anh là người lớn không phải con nít. Có ai dí súng bắt các anh vào đây học tập đâu! Các anh tự nguyện đấy chứ...
Hoặc giả.
- Anh kia, bây giờ anh trả lời tôi nếu giai đoạn này anh không chịu học tập thì anh sẽ làm cái gì? Chả lẽ anh trở lại con đường thảo khấu, con đường hiếp dâm cướp của để mà sinh sống chăng? Không đâu, lối sống thú vật cũ đã được quét sạch hoàn toàn và triệt để rồi. Chưa tốt nghiệp trường cải tạo, xã hội bên ngoài sẽ không bao giờ chấp nhận các anh, kể cả vợ con ở nhà nữa...
Hoặc ác độc hơn.
- Các anh phải ý thức cho rõ cái cao đẹp của xã hội ta. Xã hội này không chỉ giải phóng mọi bất công mà Mỹ ngụy đã đặt để trên đầu nhân dân, mà còn giải phóng cho chính đời sống tay sai nô lệ của các anh, giải phóng vợ con các anh khỏi những ổ điếm hôi thối của Mỹ ngụy...
Quản giáo Thừa chiều nay có vẻ no nê hơn mọi bữa. Khi trưa, hắn đã sai mấy tay tù của tổ 3 nhà 2 xách một cái sô ra mấy luống khoai gần phạm vi hiện trường của nhà 2 bới một sô. Bọn tù đã làm y lệnh. Thu hoạch khoai về, ai cũng hớn hở tưởng hôm nay quản giáo Thừa cao hứng, có nhã ý tặng cho cả nhà hai phần ba số khoai đem về bồi dưỡng. Ai dè hắn ra lệnh cho tù ra giếng kéo nước rửa khoai và vào nhà lô nổi lửa nấu khoai cho chúng. Nấu xong nồi khoai, mấy thằng tù bị đuổi ra ngoài. Quản giáo Thừa cũng bước ra nháy nhó mấy thằng vệ binh rồi chúng chui cả vào lều với nhau. Nửa tiếng sau đó chúng bước ra. Khi giờ lao động chấm dứt, tổ trực thu tất cả cuốc xẻng leng ki vào cất trong nhà lô thì ai cũng kinh ngạc. Sô khoai luộc đã được ăn hết nhẵn, hết cả vỏ! Một thằng quản giáo và hai thằng vệ binh ngồi buồn ăn hết hai phần ba sô khoai mà nếu đem cân ít nhất cũng phải non chục ký. Tại sao chúng lại có thể ăn nhiều khủng khiếp dường ấy? Đến ngay bọn tù, dù đói khổ rùng mình mà nếu bị bắt ngồi ăn một lượt hết 3 ký khoai thì cũng chào thua vô điều kiện. May lắm thì cỡ vô địch đô vật Vương Đắc Vọng hoặc trung úy Dù tử thủ Đỗ Duy Tích mới có thể làm nổi "công tác" này. Nhưng rõ ràng có trời có đất, 3 thằng Việt cộng đã tạo một kỷ lục mới ăn chơi chơi hết mười ký khoai.
Quản giáo Thừa khi đi ngang vườn ớt, cho cả đội dừng lại. Đội trưởng Uyên cho anh em làm y lệnh. Lúc nãy tập trung ai cũng khấp khởi mừng vì hôm nay quản giáo Thừa không lên lớp. Ai dè đi ngang vườn ớt, quản giáo Thừa lại bắt dừng lại và rõ ràng có triệu chứng lên lớp ngay chỗ này.
Cả đội kế đó được lệnh ngồi xuống bên lề đường. Quản giáo Thừa trao cho đội trưởng một cái bao cát và dặn dò vài điều nhỏ nhỏ. Đội trưởng Uyên dạ dạ vâng vâng rồi cầm bao đi luôn vào vườn ớt sai trái đỏ au.
Quản giáo Thừa quay lại với bọn tù và bắt đầu lên lớp.
- Chiều nay tranh thủ lên lớp các anh vài điều trước khi các anh về trại nghỉ ngơi. Hôm nay tôi biểu dương đại đa số các anh đã chấp hành đúng nội quy quy định trong lao động. Mặc dù có một vài cá nhân không đạt chỉ tiêu nhưng tôi cũng ghi nhận vì sức yếu. Tuy nhiên thành quả chung của cả nhà như thế là đáng biểu dương và phải phát huy hơn nữa. Các anh thấy không?
Nói tới đây tên quản giáo chỉ tay về những cánh đồng khoai mì và những thửa rau xanh tươi tốt dài như bất tận, tiếp. Người mù cũng phải thấy rằng câu thơ của đồng chí Tố Hữu là một chân lý:
Bàn tay ta làm nên tất cả,
Với sức người sỏi đá cũng thành cơm...
Mới ít tháng trước đây, vùng đất hoang dã này còn đầy dấu tích chiến tranh của Mỹ ngụy để lại. Các anh về đây học tập, đã tích cực và nghiêm túc chấp hành sụ chỉ đạo của Cách mạng nên đã biến được cả vùng đất này thành một nơi phồn vinh hoa màu, góp một phần lớn vào kế hoạch tự túc rau xanh và thực phẩm của cả trại ta. Cứ đà phát huy này, mấy chốc trại ta sẽ không còn là gánh nặng của nhân dân phải nuôi dưỡng ăn học nữa. các anh đang bắt đầu thắng lợi vòng đầu trong cuộc đấu tranh tự lập tự cường tự túc của xã hội ta. Thế nhưng như thế chưa đủ, chưa thể đủ được. Bên cạnh những cố gắng sản xuất, ta còn phải học hỏi cả đạo đức Cách mạng nữa. Ta phải thấm nhuần ý nghĩa câu "mình vì mọi người, mọi người vì mình". Bác Hồ đã dạy phải "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư". Chúng ta phải luôn lấy câu ấy làm mốc phấn đấu. Tôi ghi nhận đời sống nơi trại cải tạo chưa thể nói là đầy đủ, chẳng qua vì đất nước ta mới giải phóng, chính sách thực dân mới của đế quốc Mỹ đã để lại muôn vàn khó khăn cho công cuộc phát triển nền kinh tế hậu chiến. Ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn trước mắt. Nhưng khó khăn chỉ là tạm thời, thuận lợi vẫn là cơ bản. Biết rõ như vậy, các anh lại càng phải phấn đấu nhiều hơn trong rèn luyện nhân cách. Chẳng vì chút khó khăn trước mắt về đời sống kinh tế mà phạm tội ăn cắp quả bầu, ăn cắp quả bí, ăn cắp mớ rau của tập thể. Tôi không tin rằng một người sống trong tập thể sẽ sung sướng vì chiều nay mình đầy bụng trong khi những người khác chỉ lưng bụng. Các anh đừng tưởng là cán bộ chiến sỹ không đói. Cũng đôi khi đói chứ. Nhất là giai đoạn vượt Trường Sơn xuôi Nam chống Mỹ cứu nước. Chúng tôi hạt muối cắn làm đôi, hạt gạo cắn làm ba. Khổ như thế mà chỉ lo cho riêng mình no thôi thì làm sao đánh thắng được Mỹ ngụy.
Tên quản giáo lên lớp một hồi. Hắn ngừng nói nhìn về phía vườn ớt. Bọn tù sốt ruột vì chiều đang xuống nhanh. Ai cũng đói cũng mệt. Nhưng chẳng ai hiểu được vì đâu chiều nay tên quản giáo lại lên lớp dông dài quá. Thường ngày hắn chỉ tranh thủ dăm bảy phút nói qua loa vài ba nhận xét phê bình trong lao động, hôm nay chẳng hiểu hắn hứng gì mà giảng đến cả những vấn đề lớn như đạo đức Cách mạng giữa chốn vườn tược này. Bọn tù thả mắt nhìn về hướng trại. Chẳng ai quyến luyến gì chỗ đó nhưng còn chỗ nào khác? Khói từ những nhà bếp bốc lên trời chiều, ngồi đây mà ai cũng có thể biết được rõ rệt chuyện gì đang xảy diễn ra nơi các dãy trại tập trung đó. Chia cơm, chia canh, chia khoai, chia sắn...
Giọng Phạm Xuân Huy thầm thì sau lưng Vĩnh.
- Thằng Uyên nó thu hoạch nhiều ớt lắm ông ạ. Chắc chắn chiều nay tụi mình có lộc. Một bao cát ớt chia cho cả đội ăn mệt nghỉ!
Vĩnh liếc nhìn vào vườn ớt. Quả thực đội trưởng Trần Văn Uyên đang thu hoạch ớt, những quả ớt đỏ au, công khó mồ hôi nước mắt của tù trồng lên, đang lần lượt chui vào cái bao cát trên tay Uyên.
Hầu như có hai món mà không thằng tù nào không nghiện kể từ sau 30 tháng 4 năm 75. Món thứ nhất là thuốc lào, món thứ hai là ớt. Thuốc lào hút say làm quên được cuộc đời trong chốc lát. Ớt làm cay miệng giúp nuốt trôi những miếng cơm độn khoai mì nhạt nhẽo và nhất là tránh được bệnh sốt rét. Thế những trừ khi được gia đình thăm nuôi, còn nếu không, quả ớt sẽ là một giấc mơ của mọi người. Quản giáo Thừa nhìn vào vườn ớt và hỏi.
- Sao? Anh Uyên thu hoạch đầy bao chưa?
Giọng Uyên từ trong vườn nói lớn.
- Báo cáo anh sắp đầy rồi.
Tên quản giáo lại nói.
- Thôi, gần đầy là tốt rồi. Tranh thủ sơm sớm cho anh em về trại cơm nước nghỉ ngơi.
Trần Văn Uyên nghe nói, dùng sợi dây đính sẵn trên miệng bao cát buộc chặt lại và vác bao ớt trên vai như vác một con heo nhỏ. Anh bước ra khỏi vườn ớt. Bọn tù nhìn thấy vườn ớt đã bị vạt hẳn đi một khoảng màu đỏ lớn. Uyên tiến lại gần tên quản giáo đặt nhẹ bao ớt xuống đất.
- Báo cáo anh đã thu hoạch xong.
Tên quản giáo nhìn Uyên cười cười.
- Này hỏi thật nhá. Anh có thu hoạch riêng bỏ túi quả ớt nào không?
Đội trưởng Uyên có vẻ ngượng nghịu.
- Dạ đâu có thưa anh!
- Thế thì tốt. Nói đoạn hắn quay lại phía mọi người, tiếp. Thế là anh Uyên đã giữ được tinh thần liêm khiết chí công vô tư đấy. Làm được điều ấy là một phấn đấu lớn chứ chẳng phải nhỏ đâu. Anh về hàng đi.
Uyên bước về hàng. Quản giáo Thừa tiếp. Nhân danh quản giáo đội 17, tôi biểu dương anh Uyên. Hắn nhìn ra xa tuồng như lượng thử vầng kim ô đã chạm lớp kẽm gai nằm dày đặc trên những bờ thành đất hay chưa, rồi quay lại đám tù, hắn nói. Thôi, trước khi anh Uyên cho các anh em ra về, tôi cũng có đôi lời thế này. Hắn ngẫm nghĩ tí chút. Trong tương lai ngắn sắp tới, trại ta sẽ có một số đông được Cách mạng thả về. Chuyện này đáng lý tôi chưa được nói, nhưng lỡ nói rồi thì cũng phải nhắc nhở các anh một điều: Cách mạng luôn luôn trước sau như một. Và trại cải tạo có vào thì phải có ra. Vào cùng lượt nhưng ra thì dứt khoát không thể cùng lượt. Các anh đã học tập gần hai năm hẳn đã biết mục đích và yêu cầu của việc tập trung học tập cải tạo. Đây cũng ví như một trường học. Học thì phải có thi. Thi phải có người đỗ người trượt. Đỗ thì về còn trượt thì phải học tiếp cho đến khi nào đỗ thì thôi. Tôi mong trong đội ta, lần xét thả tới đây sẽ có một tỷ số cao nhất so với các đội khác. Hắn quay sang đội trưởng Uyên. Nhân danh khung, tôi biểu dương anh đã thu hoạch tốt lượng ớt này.
Bọn tù ngồi yên suốt lúc đến giờ với hy vọng tên quản giáo cao hứng cho thu hoạch ớt phát đều cho đội. Chả ai hiểu ý hắn biểu dương đội trưởng Uyên làm gì. Tên quản giáo lại quay sang bọn tù nói tiếp. Trước khi các anh trở về trại, tôi cũng nhắc nhở lần cuối. Việc sản xuất trong trại này là nghĩa vụ của mọi người. Thế nên sản phẩm được xử dụng như thế nào là quyền của tập thể quyết định. Nhiều đội khác đã có những anh vi phạm thu hoạch linh tinh và đã bị tập thể trừng trị. Đội ta chưa có hiện tượng ấy. Tôi biểu dương! Chúng ta tiếp tục phát huy sự liêm khiết và lương thiện. Tỷ như tôi, trong cương vị quản giáo, tôi có quyền hái ớt dùng khi cần chứ. Nhưng để công khai hóa, tôi đã nhờ anh Uyên thu hoạch ớt trước tập thể các anh chứng kiến. Đây là một điều các anh nên nhớ và phải noi theo.
Bọn tù ngẩn người nghe tên quản giáo vô tư hay trắng trợn (?) nói những lời lẽ giáo dục cực kỳ điểu cáng ấy. Rồi thì mọi người được lệnh đứng dậy và tuần tự hàng hai bước lê trên lối mòn trở về trại. Tên quản giáo lững thững đi theo với bao ớt vác trên vai. Nhưng khi đến gần cổng, chỗ phải bàn giao nhân số tù cho ban kiểm soát, không ai còn thấy bao ớt nằm trên vai tên quản giáo đâu nữa. Bước qua cổng trại rồi, Ý thầm thì với Vĩnh.
- Bây giờ tao đã hiểu thêm Cộng sản là gì.
-.....?
- Dân sản xuất chưa đủ, đạt chỉ tiêu chưa đủ, còn phải tự tay thu hoạch dâng cho cán bộ hưởng mới đủ.
- Chắc chúng lấy chia nhau.
- Chia cứt! Đây ra Biên Hòa bao xa? Bao ớt ấy cân bán ít nhất ra cũng vài chục. Và vài chục cũng là số tiền lương hai tháng của chúng nó rồi!
Đại Học Máu Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh Đại Học Máu