Lời Bạt
uyệt đối hiện đại!”
Đọc Yersin: dịch hạch & thổ tả của Patrick Deville
ĐOÀN CẦM THI
“Viết về một cuộc đời cũng giống như vừa kéo violon vừa nhìn bản nhạc”.
—Patrick Deville
1. Nhiều cuộc đời trong một cuộc đời
Alexandre Yersin (1863-1943), người Pháp gốc Thụy Sĩ, là một nhà khoa học lỗi lạc, đam mê và giản dị. Ông là người đầu tiên xác định được dịch hạch là do trực khuẩn ở chuột gây ra tại Hồng Kông, 1894. Cũng chính ông sau đó sẽ phát minh ra vắcxin chống lại căn bệnh kinh hoàng đã từng tàn sát nhân loại này: tên ông đã được dùng để chỉ trực khuẩn dịch hạch, Yersinia Pestis. Riêng với Việt Nam, ông là người thành lập ra chi nhánh viện Pasteur Nha Trang, khai sinh trường Đại học Y Hà Nội, khám phá ra Đà Lạt khi nó chỉ là một cao nguyên hoang sơ, vạch ra con đường bộ đi từ Trung Kỳ sang Campuchia (Trước đó, song Mê Kông là con đường duy nhất để đi từ biển Đông sang Phnom Penh). Ông từng đưa vào Việt Nam nhiều loại cây quý như cao su, canhkina. Ông nghiên cứu vi khuẩn học, thủy văn khí tượng, dân tộc học, nhiếp ảnh, thực vật học, dựng chuồng trại nuôi bò, cừu, gà,… trong một đồn điền rộng 20.000 hecta tại Nha Trang. Điều đặc biệt, mỗi khi quan tâm đến một ngành khoa học nào, Yersin bao giờ cũng nghiên cứu hết mình và luôn đạt đến mức cao nhất, ví dụ khi quay sang quan sát thiên văn, bài của ông đã được đăng tải trong Tập san thiên văn học của nhà toán học lừng lẫy Henri Poincaré, người “báo trước” thuyết tương đối.
Tuy được chính quyền thuộc địa nâng niu, ông gắn bó với thiên nhiên và sống hơn 50 năm cuối đời tại Nha Trang, nơi những người dân gọi ông là “ông Năm” hay “bác sĩ Năm”. Yersin chạy trốn vinh quang nhưng không bao giờ chạy trốn thời đại của mình. Những năm bình minh của thế kỷ 20, ông là người lái những chiếc ôtô đầu tiên trên đường phố Hà Nội: hai chiếc Serpollet, chiếc đầu 5 mã lực do ông chuyển từ Nha Trang ra, sẽ nhanh chóng được thay thế bằng một chiếc 6 mã lực, đời mới, có thể chạy 100 cây số giờ, do ông đặt mua tại Paris. Suốt 5 thập kỷ sống tại Việt Nam, ông không ngừng nhập về đây những máy móc tân tiến nhất cùa châu Âu. Ở tuổi bảy mươi, ông dùng thủy phi cơ để di chuyển giữa Paris và Sài Gòn, có ý định xây sân bay ở Nha Trang. “Cả đời mình, Yersin sẽ chọn những gì mới mẻ và tuyệt đối hiện đại” (Cụm từ này – “ll faut être absolument moderne”, có nghĩa là “Phải tuyệt đối hiện đại” -, xuất phát từ Rimbaud, được Patrick Deville dùng như sợi chỉ đỏ xuyên qua suốt tác phẩm), Patrick Deville viết.
Lựa chọn của Alexandre Yersin, vì vậy, thể hiện thái độ của người trí thức trước lịch sử. Qua tài năng và nhân cách của ông, Patrick Deville mô tả một thế hệ nhân sĩ Pháp trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, từ những năm 1860 - được coi là hoàng kim của đế chế Pháp - đến Thế chiến thứ hai - khi đế chế đó bắt đầu lụn bại. Một thế hệ, trước công cuộc đồng hóa và thuộc địa hóa của nhà cầm quyền, lại nuôi dưỡng những khát vọng khoa học nghệ thuật, với hoài bão thay đổi thế giới bằng trái tim và trí tuệ.
Nếu quả đúng là chỉ trong cuộc đời mình Alexandre Yersin đã thực hiện được một khối lượng không gian và công trình khổng lồ, ngang với nhiều cuộc đời cộng lại, thì Patrick Deville cũng cho ông song hành với những cuộc đời khác để làm nổi bật một thế hệ, rộng hơn nữa, một thời đại. Tiểu thuyết, ngoài chương “những cuộc đời song chiếu”, còn có những chương mang tên: “Albert (Tức nhà khoa học Albert Calmette, người phát hiện ra độc tố bạch hầu và vắcxin phòng bệnh lao) & Alexandre”, “Arthur (Tức nhà thơ Arthur Rimbaud) & Alexandre”, “Alexandre & Louis (Tức bác sĩ Louis – Ferdinand Destouches, nhà văn Celine tương lai – tác giả của tuyệt tác Hành trình đến tận cùng đêm tối)“. Nhưng những tứ văn bay bổng nhất có lẽ dành cho sự giao thoa giữa hai số phận nhiều tương đồng là Yersin và Rimbaud. Hai chàng trai, hai đứa trẻ mồ côi cha (Patrick Deville thường nhấn mạnh chi tiết này khi phân tích nhân cách của Yersin và một số “đứa trẻ mồ côi cha” khác, cùng thời với ông như Roux (nhà khoa học), Haffkine (nhà khoa học) hay Rimbaud (nhà thơ), Doumer (nhà chính trị). Theo ông, hoàn cảnh mồ côi cha là nguyên nhân chính biến họ thành những kẻ liều lĩnh, phiêu lưu, ham chinh phục), một nhà khoa học và một nhà thơ, nhưng cùng niềm ham muốn điên cuồng được ra đi. “Yêu những bình minh ngập nắng và nghề đi biển, thực vật học và nhiếp ảnh (…) Cả hai người, ở những chỗ xa lắc, cứ năm phút lại có một ý tưởng mới”, Patrick Deville viết.
Tuy không bao giờ thấy mặt nhau và có lẽ cũng chưa bao giờ biết đến sự tồn tại của nhau, nhưng theo Patrick Deville họ gặp nhau trong một câu của nhà văn Ý Sciascia: “Ai cũng biết khoa học, cũng như thơ ca, chỉ ở cách bệnh điên một bước chân.” Họ gần nhau đến mức câu của Yersin “Đời mà không đi thì còn gì là đời nữa” có thể làm ta tưởng đó là Rimbaud viết, hoặc ngược lại câu “Phải tuyệt đối hiện đại” hoàn toàn có thể gán cho Yersin. Cả hai thiên tài trẻ tuổi sẽ từ bỏ cuộc sống êm đềm điền viên - Yersin rời Viện Pasteur Paris danh tiếng đang lên còn Rimbaud vứt lại nhóm Thi Sơn đang trưởng giả hóa – để thám hiểm những miền đất mới. Và họ đã sống những thời khắc mạnh mẽ nhất, dù cho cuộc đời quá ngắn (Rimbaud chết vì ngã ngựa tại châu Phi khi ba bảy tuổi) hay thật dài (Yersin sống từ Đế chế thứ hai đến tận Thế chiến thứ hai).
Người đọc hẳn tự hỏi vì sao Patrick Deville đã chọn hai câu thơ của Laforgue - “À! vâng, trở thành huyền thoại / Ở ngưỡng những thế kỷ bịp bợm!” làm đề từ cho tiểu thuyết của mình. Như một lời chiêm nghiệm - của Yersin và Rimbaud - về những phù du của hậu thế? Như một dự đoán về sự lãng quên?
2. “Tiểu thuyết chính là hình thức!” (Xem Alain Nicolas, “Patrick Deville: ‘Ce qui fait le roman, c’est la forme’”, L’Humanite, 27/10/2011)
Tác phẩm của Patrick Deville đã phác họa một Alexandre Yersin như thế. Tuy nhiên, phải nói ngay rằng đây không phải là cuốn sách đầu tiên về nhà khoa học thiên tài ẩn dật (Đã có nhiều cuốn sách và bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của Alexandre Yersin. Ví dụ: Noël Bernard, Yersin: pionnier, savant, explorateur, La Colombe, 1955; Christian Colombani, “Saint Yersin de Nha-Trang”, Le Monde du 28 décembre 1991; Emile C. Bonard, “La peste et Alexandre Yersin (1863-1943)”, Revue Médicale de la Suisse romande, 1994, p. 389-391; Alexandre Yersin, “La peste bubonique à Hong Kong”, Revue Médicale de la Suisse romande, 1994, p. 393-395; Bernardino Fantini, “Un jeune pastorien chez Koch: Yersin, 1888”, Revue Médicale de la Suisse romande, 1994, p. 429-437; Jacqueline Brossolet, “Autour des lettres d'Alexandre Yersin à sa famille”, Revue Médicale de la Suisse romande, 1994, p. 445-450; Henri H. Mollaret et Jacqueline Brossolet, Alexandre Yersin ou le vaiqueur de la peste, Fayard, 1985; Elisabeth Du Closel, Docteur Nam, éditions Albin Michel, 1996). Nhưng chỉ lần này, với Patrick Deville, chân dung của ông mới được độc giả và giới phê bình Pháp đón nhận thật sự nồng nhiệt (Tác phẩm đã lọt vào chung khảo giải Goncourt và nhận giải Femina năm 2012, hai giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp. Ngoài ra, nó còn nhận giải “Giải của Các giải văn học” (Le Prix des Prix littéraires) và “Giải tiểu thuyết” của tập đoàn Fnac (Prix du roman Fnac)). Điều gì đã làm nên thành công này?
Nếu giống như các tác giả trước đó, Patrick Deville xây dựng tác phẩm dựa trên các sự kiện và tư liệu hoàn toàn có thật, đặc biệt qua thư từ trao đổi giữa Yersin với mẹ, chị gái và đồng nghiệp, thì ông có lẽ là nhà văn duy nhất đã lần theo chân nhân vật của mình gần như trên khắp thế giới. Chính những chuyến thực địa này tạo ra chất tươi mới cho tác phẩm của Patrick Deville. Nếu chưa đặt chân tới Hà Nội, tác giả hẳn khó có được những cảm xúc rất riêng về “thành phố xanh um và mờ sương” này: “Một thành phố như Proust tả, cùng nỗi nhớ nhung Cabourg và Deauville vẫn hiện diện đâu đây”.
Nhưng có lẽ tính độc đáo nằm trong chính hình thức của nó. Nói rộng ra, là kết cấu, nhịp điệu, văn phong, cách kể chuyện, mà tác giả đã đem lại cho câu chuyện về cuộc đời Yersin.
Không dưới một lần, Patrick Deville vứt bỏ các nhãn mác mà người ta hay gán cho tác phẩm của ông: tiểu sử, du hành, phiêu lưu, lịch sử. Tuy phi hư cấu, nó trước hết là một tiểu thuyết, ông khẳng định (Xem Emmanuel Hecht, “Patrick Deville, aventurier dans l’âme, remporte le Prix du roman Fnac”, L’Express, 29/8/2012, Nicolas Blondeau, “Mon livre est un roman sans fiction”, Le Progrès, 05/11/2012). Nói cách khác, sáng tạo nghệ thuật là ý đồ lớn nhất của tác giả. Patrick Deville thường ví công việc của mình như thao tác của một nhạc sĩ: nếu nguyên tắc chung là tôn trọng cái đã có, thì nhà văn và nhạc sĩ lại tuyệt đối tự do trong việc diễn giải. Giống như cùng một bản nhạc violon của Lizst, nhưng mỗi nhạc sĩ thể hiện một cách khác nhau. Nó có thể tầm thường hay tuyệt vời, điều đó tùy thuộc vào tài năng của người trình diễn.
Đảo lộn trật tự thời gian và không gian chính là nét nổi bật đầu tiên trong phong cách Patrick Deville. Dù tiểu thuyết chỉ kể sự thật, nó không bắt đầu với ngày nhân vật chào đời, cùng gia thất và tuổi thơ như trong các tiểu sử thường gặp. Chương đầu: “Chuyến bay cuối cùng” - tháng Năm năm 1940 khi Yersin rời “bầu trời giông bão” của nước Pháp quay lại Sài Gòn. Chương kết: “Biển” - năm 1944 khi ông ngồi trước hiên nhà tại Nha Trang ngắm thủy triều lên để từ từ “biến thành chất liệu của những giấc mộng” như trong thế giới của Shakespeare. Trời và biển được Patrick Deville chọn là hai yếu tố chính, tượng trưng cho bản thể phiêu lưu và cô đơn của Yersin.
Trong suốt tác phẩm, người đọc liên tục bất ngờ trước cách xử lý thời gian và không gian tuyệt đối tự do của tác giả. Hai sự kiện khác nhau như việc Yersin thử nghiệm trồng cây canhkina ở Hòn Bà và Cách mạng tháng Mười bùng nổ ở Nga được Patrick Deville xếp liền nhau, không một lời giải thích. Ngòi bút của ông linh hoạt, phóng túng, và độc giả dễ dàng lạc lối trong tiểu thuyết, ví dụ như trong đoạn văn này: “Hai mươi bảy tuổi (…) Yersin tản bộ trong cảng Marseille (…) cánh cửa mở ra thế giới rộng lớn. Mười lăm năm trước, chính nơi đây Conrad đã bắt đầu sự nghiệp thủy thủ của mình. Mười năm trước dó, Rimbaud từng lên tàu sang Biển Đỏ và xứ Ả Rập. Brazza cũng lại lên đường sang Congo mấy tháng trước đó (…) Yersin xuống tàu Oxus sang Viễn Đông”. Cũng dễ hiểu vì sao để tái tạo vận tốc như lốc cuốn của nhân vật, Patrick Deville chọn thời hiện tại mặc dù phần lớn các sự kiện đều thuộc về quá khứ.
Dẫu không giấu niềm ngưỡng mộ trước con người đa tài đó, Patrick Deville không bao giờ quên vai trò nhà văn cùa mình và Yersin trước hết là một nhân vật. Sau khi tả Yersin thập tử nhất sinh vì một mũi giáo trên vùng người Xê Đăng, ông viết một cách hóm hỉnh: “Nhiều sự nghiệp các nhà thám hiểm bỏ người viết tiểu sử họ bơ vơ như vậy sau vài trang (…) Yersin hồi lại dấn. Người viết tiểu sử anh thở phào”. Tác giả cũng từ chối cho nhân vật được biết trước tương lai. Khi thuật lại chuyện Yersin thả neo tại Nha Trang, nơi chàng trai sẽ sống những năm dài còn lại của đời mình, Patrick Deville bình luận: “Nhưng anh còn chưa biết điều đó”. Cụm từ “chưa biết” thường được dùng để chỉ trạng thái của Yersin, như để nhấn mạnh rằng “người hùng” của tác phẩm cũng chỉ là người trần mắt thịt như bao kẻ khác, và Patrick Deville khước từ việc phong thánh. Mặt khác, như một nhà văn đích thực, ông không phanh phui nhân vật của mình, tôn trọng phần bóng tối trong anh ta, để cho đến cuối cùng, Yersin vẫn là một ẩn số. Ở tuổi tám mươi, Yersin học lại tiếng La Tinh và tiếng Hy Lạp. Điều gì đã làm cho ông, kẻ suốt đời coi văn chương nghệ thuật là một “thứ phù phiếm”, lại đem lòng yêu mến Virgile, Horace, Cicéron và Platon? Patrick Deville từ chối giải đáp câu hỏi này, ông viết: “Đêm đến, trong ngôi nhà vuông, đôi mắt mỏi mệt đeo kính, Yersin giở những trang sách tiếng Hy Lạp và tiếng La Tinh. Đây là bí mật cuối cùng và bí ẩn cuối cùng”.
Để kể về cuộc đời khổ hạnh của Yersin, Patrick Deville đã chọn một bút pháp chính xác, lịch lãm, nhưng đậm đặc chất thơ. Nhịp câu trong tiểu thuyết khi thì dồn dập như ta đã thấy, lúc lại trầm buồn lướt trên những tứ thơ của các thi sĩ cùng thời. Đoạn văn sau với 8 từ cuối vay mượn của Baudelaire: “Đó là chuyến đi chậm xuôi theo Ấn Độ Dương, đường xích dạo, con tàu trượt trên vàng ròng và làn nắng óng”. Đặc biệt, tiểu thuyết không bao giờ thiếu chất hài, ngay cả ở những đoạn cần nghiêm trang nhất, như phút hấp hối của Yersin: “Những tia sáng nhảy nhót trên biển hoặc sau mí mắt ông. Ông vừa nảy ra một ý mới. Ngày mai ông sẽ ăn tôm hoặc xơi rễ bồ công anh (Nguyên văn “Manger les pissenlits par la racine” (ăn rễ bồ công anh), tiếng lóng, có nghĩa là “chết”). Ông tự hỏi chẳng biết mình đã nghĩ đến việc trồng thử nghiệm bồ công anh ở Hòn Bà hay chưa”.
Tác giả có thể viết về một chủ đề khó như ngói với những hình ảnh ngộ nghĩnh, những so sánh bất ngờ. Đây là cách Patrick Deville tả bồ câu, một loài chim có thể nói là tầm thường nhất ở châu Âu: “Bồ câu hơi giống như là chuột trên trời, một loài chuột đã được gắn thêm cánh rồi sơn xám. Loài có cánh nhưng lại rất thường xuyên ở dưới đất, đi lại chệch choạc, lảo đảo trên mấy cái chân bị cụt, như người bị hủi không có nạng. Dẫu vậy, giữa hai loài này, một khác biệt đáng kể: chim, khác hẳn với con vật gặm nhấm kia, được miễn dịch tự nhiên trước bệnh dịch hạch”.
Còn đây là đoạn Patrick Deville viết thật hóm hỉnh về gà, thứ gia cầm bình thường chẳng nhà văn nào thèm ngó đến: “Pasteur là người đầu tiên, bằng cách nhét khắp nơi nhiệt kế vào lỗ huyệt và lỗ đít chim, nhận ra rằng nhiệt độ thân thể cao của một số loài chim ngăn các loại virus phát triển. Người ta tiêm mầm bệnh than cừu vào một con gà: nó chẳng hề quái gì, còn cười nữa. Nó thấy buồn buồn. Người ta nhúng nó vào một bồn nước lạnh: con gà liền bớt ngạo nghễ và lăn ra chết vì bệnh than”.
Tình yêu, chủ đề thường được độc giả ngóng chờ nhiều nhất và vì vậy được khai thác mùi mẫn nhất trong văn chương, được viết như thế này: “Yersin đã dành vô khối thời gian ở phòng thí nghiệm để ghép đôi những con đực lên cơn động dục và những con cái hứng tình, gí mũi chuột đực vào âm hộ chuột cái để đẩy nhanh tốc độ cuộc thí nghiệm, và chưa bao giờ ông nhìn ra được ở trong đống vi khuẩn của mình một vi khuẩn tình yêu nào”.
Có thể nói, với Patrick Deville, lời thách đố nằm ngay từ cái tựa buồn như chấu cắn mà ông cố tình chọn cho tác phẩm của mình. Đương nhiên, nó gợi đến hai nhan đề nổi tiếng của văn học thế giới: Dịch hạch và Tình yêu thời thổ tả. Nếu Camus được nói đến trực tiếp trong tác phẩm, thì Patrick Deville quả quyết: chính Yersin đã khám phá ra chuột là nguyên nhân của dịch hạch, và Camus phải nợ ông điều đó khi viết cuốn tiểu thuyết của mình. Còn Marquez, tuy không nhắc đến, nhưng tên sách cùa Patrick Deville giống như một nháy mắt gửi đến nhà văn Colombia: không tình yêu, thời thổ tả vẫn còn hấp dẫn!
Biến câu chuyện về cuộc đời nghiêm nghị, gần như khổ hạnh, của Yersin thành một trong những tác phẩm hay nhất của văn học Pháp những năm gần đây, Patrick Deville đã chứng tỏ bản lĩnh của một nhà văn lớn.
3. Bóng ma của tương lai
Xuyên qua suốt tác phẩm, một nhân vật tồn tại dưới cái tên: “bóng ma của tương lai”. Một cái tên hiếu kỳ, vì “bóng ma” thường gắn với dĩ vãng. Nếu tất cả - từ nhân vật, ngày tháng, sự kiện - đều có thật trong tiểu thuyết, thì “bóng ma của tương lai” hẳn là hư cấu duy nhất. Nhân vật này được kể ở ngôi thứ ba - “hắn”. Anh ta có nghề nghiệp cụ thể: “Một điều tra viên, chuyên nghề viết lách, cầm cuốn sổ tay bìa bọc da chuột chũi”, đặc biệt anh ta có khả năng “đi xuyên qua tường, xuyên qua thời gian”, thường “đọc trộm qua vai Yersin” để chép lại cho chúng ta những trang viết của ông, hay kể cho chúng ta những cảm xúc của ông.
Lần đầu tiên, khi anh ta xuất hiện, là ở Berlin: “một bóng ma của tương lai trên đường dò lại dấu vết Yersin” tại nhà trọ nơi chàng sinh viên “mặc sức buồn chán”. Anh ta sẽ đi theo Yersin như hình với bóng tới Sài Gòn, Đà Lạt, Hà Nội,… Ở Paris, anh ta chép vào quyển sổ của mình mấy câu của nhà thơ Robert Desnos “rồi cho Yersin xem”. Anh ta có mặt ở Nha Trang trong những ngày cuối cùng của Yersin, khẳng định ông đang hưởng niềm “hạnh phúc cổ xưa của tháng ngày”.
Không nghi ngờ gì nữa, “bóng ma của tương lai” chính là “bản sao” của tác giả. Một lần nữa Patrick Deville bất ngờ với chúng ta, vì ông đã hóa thân trong tác phẩm, nhưng lại ở ngôi thứ ba, để tạo khoảng cách không những với nhân vật mà chính với bản thân mình. “Bóng ma của tương lai” vì vậy có thể lâm vào những hoàn cảnh khá hài hước: đóng vai một nhà báo theo chân Yersin đến khách sạn Lang Bian Palace ở Đà Lạt những năm 1930 nhưng anh ta lại quên tắt điện thoại di động với một lý do rất dớ dẩn là “vì quá tự tin hay vì uống quá chén”!
Nhưng điều bất ngờ nhất là Patrick Deville đã cho chương 42 mang tên “Bóng ma của tương lai” với một nội dung đặc biệt: nước Việt Nam năm 2012. Ở đây, đột ngột rời quá khứ, tác giả phác thảo một Việt Nam qua vị trí mới trên bản đồ chính trị thế giới: “Vào thời của Yersin, Nha Trang thật xa xôi. Bởi nó xa châu Âu. Ngày nay nó đã trở thành trung tâm thế giới. Ven bờ Thái Bình Dương, nơi đã kế tục Đại Tây Dương, Đại Tây Dương thì từng kế tục Địa Trung Hải. Mêhicô nằm đối diện bên kia biển. Acapulco. Chính châu Âu mới trở nên quá xa xôi. Bên kia của thế giới, ở phần bị che khuất của trái đất”. Một Việt Nam hừng hực sức sống: “Ở góc phố Yersin giao với phố Pasteur, vào tháng Hai năm 2012 này, công nhân đang làm việc ngày đêm ở công trường xây dựng Nha Trang Palace…”.
Chính sự lựa chọn này làm nên một phần thành công của tác phẩm. Viết về một nhân vật của quá khứ, nó không nhuốm màu hoài cổ. Hướng về tương lai, Patrick Deville lại một lần nữa khẳng định tinh thần Yersin, một tinh thần hiện đại, tuyệt đối hiện đại.
Đ.C.T
Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả - Patrick Deville Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả