P3 - Chương 6 -
ung lái chiếc Nash mui trần dọc theo đường Nguyễn Trãi, chiếc xe mới tinh của bác sĩ Sự, nói là quà đám cưới Dung. Dung nhận xe mà trằn trọc với nó: Đám cưới ư?...
Khi Luân hỏi về chiếc xe, Dung không nhắc tới ý nghĩa đó. Không phải Dung mà Luân, chính Luân là người phá vỡ sự yên lặng. Luân có thể mang tất cả ra ánh sáng không? Bao giờ thì cái phải tới sẽ tới. Luân quí Dung, cái đó rõ quá rồi. Một năm rưỡi cộng tác, Luân bao giờ cũng chu đáo với Dung - và Dung đã có thề quả quyết cô là cô gái duy nhất được Luân giành tất cả cảm tình. Khi học trên Đà Lạt, không chiều nào Luân không gọi dây nói về hỏi han Dung, bận mấy cũng để ra vài phút. Lục và Thạch, những người tiếp cận, đinh ninh Luân và Dung chỉ còn định ngày cưới. Tổng giám đốc mới Phạm Xuân Chiểu, vốn ít lời, ngay vừa nhậm chức, câu đầu tiên là mong sớm được chia vui với Dung.
Tuy nhiên, trong Luân vẫn chưa có sự ổn định giữa một cô Dung em gái - và là đồng chí, cộng tác viên, với một cô Dung gắn bó trọn đời. Đó là theo xét đoán bằng cảm giác của Dung, bởi Dung chưa có một chút kinh nghiệm về lĩnh vực này. Hai người gặp nhau hằng ngày, trao đổi công việc - và cả hai rất bận, cho nên Dung chỉ thoáng suy nghĩ vào những lúc không có Luân bên cạnh.
Liên lạc của họ với A.07 nối lại vài tuần nay. Các báo cáo do Dung và Luân chuyển qua một trạm lưu động nào đó mà Dung không được quyền biết, đến cả điện đài bây giờ đặt ở vừng rừng Tây Ninh. A.07 thỉnh thoảng gửi cho họ một dòng động viên, ngoài ra là các yêu cầu, hoặc xác minh, hoặc sưu tra tình hình, hoặc nhận định của Luân về những sự kiện quan trọng. Nói chung, A.07 chỉ thị họ sử dụng điện đài thật thưa, không định kì, không theo qui luật. Có lần, Dung được một điện riêng: “CR hỏi thăm sức khoẻ Mimosa tại ông cụ. Cẩn thận hơn, tuy ông cụ đối phó tốt.”
CR tức là “Centre de Recherche”, ký hiệu chỉ trung tâm tình báo Sài Gòn. Như vậy chúng cho điệp viên ở Hà Nội điều tra về Dung qua bố của cô. Lý do có lẽ liên quan đến điện đài ở Blao. May là nửa năm nay, điện đài ngưng hoạt động ở hướng đó.
Đọc điện, Dung nhớ cha điếng người. Tội nghiệp, tuổi cha đã cao, có ai giúp đỡ không? Vì công tác của Dung, chú Thuận chắc ít đến - hoặc có đến cũng kín đáo. Dung mong tin tức của cha, gần đây, ông cụ nhắn tin trên đài, giọng còn rất khỏe. Ông cụ gửi cả bưu thiếp cho vợ chồng bác sĩ Sự - tất nhiên là gửi cho Dung. Dung bồi hồi đọc nét chữ của cha, dù sao, cũng đã yếu đi nhiều. Vợ bác sĩ Sự cũng gửi cho ông bức thiếp, báo tin Dung. Ông cụ chắc đỡ lo.
Xe Dung nối đuôi dòng xe sáng sáng vẫn nghẹt con đường một chiều Nguyễn Trãi, trước khi giáp với đại lộ Cộng Hòa. Ngang Lycée Franco Chinoise, Dung chợt nhận thấy điều khác thường: mỗi ống cống xi măng xếp đứng của ngành giao thông đặt ven đường - mang một chữ viết bằng sơn xanh. Ghép các chữ ấy lại ra hai khẩu hiệu với hai dấu than cẩn thận: Đả đảo Ngô Đình Diệm! Hồ Chí Minh muôn năm!
Một cơn lạnh chạy dài theo xương sống Dung. Khẩu hiệu của anh em mình! Dòng xe như chậm lại, mọi người cố kéo dài thời gian qua hàng ống cống. Khẩu hiệu nhất định viết đêm qua. Các đồng chí hẳn phải canh gác vất vả để viết được chừng ấy chữ - Dung nhẩm tính: 32 chữ và hai dấu than. Hai người viết nhanh mấy cũng phải mất 15 phút. Chữ to, bề cao tới 40 phân, bề ngang 20, nét khá sắc, chữ Đ mở đầu viết kiểu và toàn bộ chữ đầu các từ Hồ Chí Minh đều viết hoa. Công trình của dũng cảm và theo Dung, của nghệ thuật. Tuy chỉ 32 chữ nhưng là một thứ tuyên cáo về sức mạnh của phong trào cách mạng thành phố. Không có tổ chức vững vàng, quyết không thể làm nổi việc này cách Nha Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia không đến 50 mét.
Trong công vụ, Dung thường đọc báo các nơi nói về Việt Cộng rải truyền đơn, lưu hành báo, dán khẩu hiệu, phần lớn ở nông thôn. Còn đây là Sài Gòn.
Từ ngày 20- 7, Dung cảm giác phong trào cách mạng chuyển mình. Nha Tổng giám đốc ngày một nhận được nhiều hơn các loại tài liệu của Việt Cộng - danh nghĩa chưa thống nhất, khi thì “Những người kháng chiến cũ”, khi thì “Ủy ban đấu tranh bảo vệ hiệp nghị Genève”, khi thì “Lực lượng nhân dân miền Nam” in bằng giấy sáp. Dung biết, Nha Tổng giám đốc nhìn những tờ giấy thô sơ ấy với tất cả sự lo lắng, kinh hãi. Bởi đây không phải là các giáo phái, không phải chỉ lời nói suông. Chẳng có gì khó hiểu: những người kháng chiến cũ cảnh cáo sự phản bội của chính quyền Ngô Đình Diệm. Hai năm đã qua từ khi kí hiệp nghị Genève, không có tổng tuyển cử và hiệp thương, và quan hệ bình thường giữa hai miền cũng không có nốt. Vào đúng ngày 20- 7, Sài Gòn báo cho Ngô Đình Diệm biết và sự phản bội sẽ bị trừng phạt: trong vòng 2 giờ, thành phố vắng tanh - bãi chợ, bãi công, bãi khóa và mọi người ở trong nhà. Hôm đó, Luân còn học ở Đà Lạt, Dung đành nâng ly nước cam chào những công dân của thảnh phố, quả xứng đáng là thành đồng Tổ Quốc.
Mấy chiếc Jeep màu ô liu, biển số “VN” đầy cảnh sát dã chiến, quần áo rằn ri, đỗ lại. Chúng thổi còi inh ỏi, xua người đi tản khỏi khu vực đã bị phong tỏa bằng kẽm gai. Chẳng biết chúng bôi xóa hay dời các ống cống. Cách nào thì cách, thành phố sẽ sôi nổi với tin này. Dung cười rặng rỡ, lái xe vào cổng nhà... Chắn cổng nhấc lên, Dung vẫy tay chào viên sĩ quan trực...
*
... Dung vào văn phòng. Chỗ làm việc của cô chỉ cách phòng tổng giám đốc có một hành lang hẹp. Phòng tổng giám đốc hôm nay vắng lặng, cửa đóng im lìm.
Người thư ký già đứng lên chào Dung và trao cho cô một xấp công văn.
- Đại tá bảo giao cho cô các giấy tờ này và dặn cô theo ghi chú trong đó mà thực hiện. Đại tá bận, không đến Tổng nha.
Nhân viên phòng Bí thư của tổng giám đốc lần lượt vào, mỗi người làm việc của mình. Máy chữ khua lách cách.
Dung lật qua xấp công văn. Phần lớn là báo cáo của các nha, sở trực thuộc. Tình hình các nơi không có gì đặc biệt. Cuối xấp công văn, Dung vừa liếc tờ giấy đánh máy, đã phải cố giữ bình tĩnh.
“Báo cáo của một trinh sát kỹ thuật về một điện đài lạ - Tiếp các báo cáo trước phương vị của điện đài được xác lập giữa tam giác Núi Cậu- Bến Củi- Dầu Tiếng. Giờ phát thay đổi: lần thứ nhất (mà trinh sát kỹ thuật phát hiện) là ngày 28- 10, vào 9 giờ sáng, kéo dài 27 phút; lần thứ hai vào 4 giờ 12 phút chiều 4- 11, buổi phát kéo dài 8 phút; lần thứ ba 11 giờ sáng 9- 11, kéo dài 43 phút; lần thứ tư, 0 giờ rạng ngày 30- 12, kéo dài 25 phút... Ăng ten vẫn định hướng nam. Dự đoán: có một đài nhận ở Đồng Tháp Mười (có thể đặt vùng Giồng Dinh hoặc Ba Thu, đất Cam Bốt). Khả năng nhiều nhất là đài liên lạc của Việt Cộng hoặc của tàn dư giáo phái. Đề nghị: cho một máy bay túc trực mang theo máy móc trinh sát kỹ thuật, khi nghi đài lạ phát thì cất cánh kết hợp với trinh sát mặt đất để xác định thật chính xác phương vị của đài”.
Tổng Giám Đốc ghi dưới báo cáo: “Cô Dung, sao gửi Sở nghiên cứu chính trị, đồng gởi Bộ Tổng tham mưu đề nghị cung cấp một phi cơ thám thính, phần thiết bị, do trinh sát tổng nha phụ trách”.
Nhân viên mải miết làm việc nên không thấy mặt Dung đổi sắc “Phải tin ngay cho anh ấy!”. Dung đọc lại lần thứ hai báo cáo. “Tiếp các báo cáo trước...”. Vậy là đã có nhiều báo cáo. Tại sao tổng giám đốc không cho Dung đọc những báo cáo đó?
Cô lật trở lại các báo cáo khác, song tâm trí không rời tờ giấy đánh máy kia.
Điện thoại reo.
- Alô! Vâng, Tổng nha đây... Thưa, đại tá chưa đến văn phòng... Có lẽ hôm nay đại tá không đến. Xin cho biết ai ở đầu dây? Dạ. chào trung tá. Xin trung tá gọi số nhà riêng của đại tá. Không có chi!.
Dung vừa gác máy chưa đến hai phút, điện thoại lại reo:
- Alô! Vâng, tôi nghe đây... Đại tá không có ở nhà riêng? Tôi không rõ... Gấp lắm sao? Tôi sẽ cố gắng... Hay là Trung tá gọi Sở Nghiên cứu Chính trị. Đã gọi rồi mà không có đại tá ở đó? Được, tôi sẽ hỏi và trả lời. Xin lỗi, tôi sẽ trả lời ở số máy bao nhiêu? Dạ, xin đợi tôi ghi. - Dung cầm bút - Vâng, tôi nghe tổng đài 23017, xin số 416...
Dung chuyển máy, gọi Nha cảnh sát Nam Việt.
- Alô! Tôi ở phòng bí thư của đại tá Phạm Xuân Chiểu. Xin cho biết đại tá có ở đó không? Không có? Cám ơn...
Dung nghe thêm một chút, bực dọc cắt máy, lầm bầm:
- Lúc nào cũng cợt nhả!
Dung toan quay số của Nha an ninh quân đội thì điện thoại lại reo.
- Tôi nghe đây... Cái gì? - Dung sẵng giọng - Xin lỗi tôi? Tôi chỉ mong ông đừng khiếm nhã, là tốt. Phải, tôi là Thùy Dung... Tôi hứa là không nói với ai về những lời cợt nhã của ông... Tôi bận lắm, xin phép ông... Sao? Gọi sân bay Biên Hòa, đại tá vừa ghé chỗ ông? Sân bay quân sự Biên Hòa số điện thoại bao nhiêu? Ông không biết? Cám ơn ông... Được, tôi xin hứa!
Dung gác máy, lật danh bạ điện thoại. Số tổng đài sân bay Biên Hòa là 23017. Ủa?
Chuông reo.
- Alô! Thế à... Đại tá đã tới? Không có chi!
Đó là viên trung tá số điện thoại 416 thuộc tổng đài 23017, bây giờ thì Dung biết ở sân bay Biên Hòa.
Các cú điện thoại tới tấp, báo cáo về điện đài lạ, khẩu hiệu ở đường Nguyễn Trãi,... xáo trộn Dung suốt buổi sáng. Thật ra, nó xáo trộn Dung suốt ngày và đêm hôm đó, cả ngày hôm sau, Luân bận việc, ở lì trong dinh Độc Lập, chỉ gọi điện chúc Dung ngủ ngon.
*
Nhà hát lớn rực rỡ cờ, biểu ngữ. Ảnh Ngô Đình Diệm khăn be, áo dài nhiểu in chữ “Thọ” to tướng, treo ngay tiền sảnh, mỉm cười thỏa mản. Dưới ảnh, một băng vắt ngang “Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc (6-1 -- 15-1-1957)
Dưới thềm nhà hát, người ta đặt một chiếc lư đồng to hơn người thật, hương trầm nghi ngút.
Hai đại tự “Tổ Quốc” - chữ Hán viết thấu bằng mựa Tàu đen chiếm gần hết “phông” sân khấu trên nền vàng sọc đỏ. Bàn đoàn Chủ tịch, kê sau một cây trúc thẳng với hàng chữ - cũng là chữ Hán - “Tiết trực tâm hư”.
Đây là một đại hội long trọng nhất mà chính phủ bỏ nhiều tiền cảu và công sức, quyết tạo cho được tiếng vang, đáp lại cái gọi là ngược đãi văn nghệ sĩ ở miền Bắc của Cộng sản qua vụ án “Nhân dân giai phẩm”. Hiện diện đủ hết các đoàn ngoại giao, phái đoàn Thái Bình Dương tự do của cố đạo Raymond De Jaegher, phái đoàn văn hóa Trung Hoa Dân quốc, Đại Hàn, Phi Luật Tân. Trong nước, ngoài các nhà hoạt động văn hóa, hầu hết nhân sĩ tiếng tăm đều được mời.
Tổng thống đọc một thông điệp. Sau thông điệp là bản thuyết trình của cố vấn Ngô Đình Nhu - hai văn kiện quan trọng của đại hội.
Nhu nói suốt hai giờ liền. Chủ đề xoay quanh triết thuyết “Cần lao nhân vị”. Lần đầu tiên, những khái niệm quốc gia, duy linh, tự do, nhân bản, đồng tiến xã hội được Nhu lý giải có hệ thống từ góc độ lý luận chính trị trong bối cảnh cuộc đấu tranh ý thức hệ của thế giới hiện đại và vị trí hiện hữu của Việt Nam Cộng hòa trong thế giới ấy.
Luân đã bỏ qua mấy ngày viết bản thuyết trình theo yêu cầu của Nhu. Công việc không đơn giản một chút nào. Phải xếp đặt sao cho vấn đề mạch lạc, hợp lí, gieo ấn tượng mạnh đối với người nghe như một phát hiện độc đáo đủ sức làm nền cho đường lối đối nội và đối ngoại của Việt Nam Cộng hòa. Nó lại phải khớp với thông điệp của tổng thống - do Bộ Thông tin thảo và Diệm trực tiếp sửa. Tất nhiên nó không thể mang hơi thở của tín đồ đạo Thiên chúa. Song đồng thời cần tạo cho được cảm giác là nó tổng hòa các loại triết học tâm linh, không để phiền lòng những nhà Phật học, Khổng học,... Trên tất cả - đối với Luân - tính chất phản động của nó phải được dư luận xã hội dễ dàng nhận trong khi giới cầm quyền lại thích thú kể cả CIA và đài BBC bẻm mép.
Anh viết đi viết lại mấy lượt. Quả trò ngụy biện cũng đòi lắm công phu. Không thể đưa Nhu vào tròng theo lối thông thường. Nếu Luân thiếu tự kiềm chế, đẩy lập luận đến chỗ phi lí thì Nhu là người trước tiên xóa tên anh.
Luân trình bày với Nhu những chỗ mâu thuẫn - có thể bị bắt bẻ. Anh đưa ra nhiều phương án lập luận để Nhu chọn.
- Điểm gây cấn nhất là ta lí giải thế nào về sự chuyển hóa của chủ nghĩa dân tộc. Ta thiếu tính hợp lí ở chiều sâu - khó lòng thuyết phục người nghe rằng chủ nghĩa quốc gia của dân tộc ta là cách mạng. Trong trường hợp này, nói thật với anh, tôi đặt hi vọng vào tài hùng biện của anh hơn là logique học của tôi. - Luân nói thẳng với Nhu.
- Có lẽ phải vậy. - Nhu tán thành - Ngay chế độ cộng hòa của chúng ta vẫn còn dùng luật của chế độ thuộc địa Pháp trước khi! Anh có nhớ khi tòa án quân sự xử tịch thu tài sản của Lê Văn Viễn, căn cứ vào cái gì không? Decret du 2 Septembre 1939 pris en application de la loi du 11 Juillet 1938 surl organisation del Etat en temps de guerre! (1)
Luân biết rằng anh đã thắng một nước cờ. Trước đây, Nhu - rất cực đoan - yêu cầu các cơ quan phải làm luật mới thay cho luật cũ ở Pháp. Tỷ như không được dựa theo nghị định của toàn quyền Beau tận năm 1904 để tổ chức cơ quan thuế vụ của các tỉnh. Nhưng, chính Diệm không ủng hộ sáng kiến của Nhu “vì còn nhiều việc quan trọng hơn” nên đâu lại vào đấy. Bây giờ, Nhu bằng lòng dùng tài hùng biện để che lấp những lỗ hổng to tướng trong chủ thuyết của anh ta.
Bản thuyết trình được Nhu hỉ hả chấp nhận. Hai người uống đến mấy consommation Martell để duyệt lần chót bản đánh máy trước khi cho in cấp tốc.
Diệm không chịu đưa cho Nhu xem bản thông điệp ông sẽ đọc. Chính Diệm đích thân sửa soạn. Ông bảo:
- Chú lo bản thuyết trình của chú. Tôi còn sửa vài chỗ.
Thông điệp của tổng thống - dài 8 trang đánh máy, đọc mươi phút. Nó chia làm hai phần. Phần đầu là những nguyên lý. Đại khái tổng thống nhấn mạnh đến đạo đức phương Đông - tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Chẳng qua, những nguyên lý đóng vai trò bàn nhún để tổng thống xoáy vào điều mà tổng thống hằng mơ ước: định nghĩa nền dân chủ. Ông nói: Dân chủ là làm cho dân, dân cần người lãnh đạo; người lãnh đạo phải biết làm cho dân đừng “chơi chữ”: dân chủ là dân là chủ, một lầm lẫn nguy hiểm. Dân chủ là “giáo dân, dưỡng dân, ái dân”. Mạnh Tử đã nói rõ quan niệm này.
Nhiều nước trên thế giới thực hiện quan niệm này như Salazar ở Bồ Đào Nha (2), Péron ở Á Căn Đình (3), Ayub Khan ở Đại Hồi (4).
Phần thứ hai, nói trắng ra, là sự rầy quở. Tổng thống phê phán từ cái cà vạt thắt lệch đến mấy bà mệnh phụ xuất ngoại ăn mặc “quê mùa”, sự dạy dỗ con cái và nạn điếm lậu. Ông đặc biệt khiển trách thói vô lễ: gặp tổng thống, nhiều người dân không dở nón, - vì các chức việc không biết dạy dân!
Thông điệp của tổng thống đặt số công dân vụ có mặt vào thế có thể mất chức. Chẳng biết vỗ tay chỗ nào, cuối cùng rồi vẫn vỗ tay và mọi người đứng lên tiễn tổng thống ra về! Tổng thống rời bục mà mặt hầm hầm.
Nhu phải hùng biện gấp đôi: lấp lỗ hổng trong chủ thuyết Cần lao và lấp lỗ hổng do tổng thống vừa chọc thủng tại hội trường, vôi vữa tung toé ràng ràng ra đấy.
Giờ giải lao, hành lang nhà hát rộn rịp. Âu phục và khăn be, áo the. Dù âu phục hay khăn be, mọi người đều uống bia và hút thuốc lá loại đắt tiền - các cô chiêu đãi viên thanh lịch mời họ. Một số không ít các cô gái mặc jupe - trốn biệt lúc tổng thống có mặt - nhởn nhơ đi lại. Các nghệ sĩ sẽ trình bày các tiết mục văn nghệ xen kẽ trong đại hội.
Luân lững thững bước xuống tam cấp. Fanfani đón Luân, cô đi với một người châu Á nhưng không phải Việt Nam.
- Thiếu tá làm quen với ông Tráng Liệt đi!
Té ra ông là dòng dõi của Kỳ ngoại hầu Cường Đề.
Luân bắt tay Tráng Liệt.
- Thiếu tá Nguyễn Thành Luân! - Fanfani giới thiệu Luân. Tráng Liệt gật đầu, nhưng rõ ràng ông chưa biết Luân là ai.
- Thiếu tá làm việc trong Tham mưu biệt bộ phủ Tổng thống. - Fanfani nói thêm.
Câu nói thêm có hiệu lực trông thấy. Tráng Liệt bắt tay Luân lần thứ hai.
- Hân hạnh!
- Ông vừa về nước? - Luân hỏi.
- Vâng!
Ý chừng Tráng Liệt muốn nói cái gì đó, song luống cuống mãi. Luân hiểu ông ta không nói được tiếng Việt.
- Ông Tráng Liệt về nước nhận hài cốt Kỳ ngoại hầu. Đã nhận xong trên tòa thánh Tây Ninh. Sắp tới, có lễ truy điệu Kỳ ngoại hầu tại Tòa đô chính. - Fanfani đỡ lời.
Luân bắt tay Tráng Liệt.
- Chúc mừng ông... Xin phép ông...
Anh bước tiếp xuống tam cấp.
Fanfani theo Luân.
- Ông kĩ sư có đọc bài báo của tôi về vụ nổ lựu đạn ở rạp Nguyễn Văn Hảo không?
Luân có đọc - các chi tiết không hoàn toàn đúng như sự việc xảy ra vì Fanfani không có mặt tại chỗ, song nhận xét của cô thì đáng chú ý: cô nhấn mạnh đến nội dung vở tuồng mà theo cô “chủ nghĩa chống Cộng kiểu châu Á cùng một lúc mang ba đặc trưng: dập tắt nguyện vọng hòa bình, dập tắt bằng lựu đạn và dập tắt ngay trên sân khấu”. Cô nhắc đến “những quân nhân”, tác giả của “cuộc thảm sát” và “thủ phạm bị trừng phạt ngay tức khắc do một kẻ vô danh nào đó”.
Thấy Luân mỉm cười, Fanfani nhún vai:
- Có thể ông chưa hài lòng vì tôi chưa chỉ đích danh an ninh quân đội người di cư. Ông hiểu cho, sở kiểm duyệt yêu cầu tôi bỏ mấy chữ đó, bằng không bài báo sẽ vô sọt rác!
- Không! Tôi hài lòng. Cô là một nhà báo có tài...
Fanfani cười khúc khích:
- Ông còn có tài hơn: ông biết cách chinh phục người khác.
Rồi, Fanfani đột nhiên chuyển câu chuyện, khi hai người đi sóng dôi quanh nhà hát.
- Ông cũng thích các vấn đề văn hóa?
- Tất nhiên!
- Người ta đồn Việt Minh terre à terre (4), nhất là quân nhân...
Luân đứng lại, ngó Fanfani:
- Cô không nghĩ rằng cuộc chiến đấu của chúng tôi xét tới cùng, là vì văn hóa?
Fanfani nhíu mày, Luân nói luôn:
- Chúng tôi chiến đấu để bảo vệ sự tồn tại Việt Nam. Chẳng lẽ đó không phải với mục đích văn hóa?
Fanfani liếng thoắng:
- Bảo vệ những khăn xếp và phương ngôn: tu thân, tề gia?
- Có nhiều thứ văn hóa. Vừa rồi, cô giới thiệu ông Tráng Liệt với tôi. Ông ấy cũng là một thứ văn hóa.
- Sự phục cổ?
- Tôi muốn nói một thứ sinh hoạt tinh thần kì lạ: Nắm xương của ông Cường Đề vẫn bị mang ra quảng cáo. Còn tổng thống, cô nên hiểu ông ấy vẫn có cách suy nghĩ độc lập mà chắc người Mỹ không hoàn toàn hoan nghênh. Ông ấy nhắc Salazar, Ayub Khan, Péron nhưng lặng im về Linlcon... Đề tài hấp dẫn của cô đấy!
- Ông kỹ sư! - Fanfani thảng thốt - Ông là người, xin lỗi, tôi không biết diễn tả thế nào bằng tiếng Việt: Présence d esprit. Rất présence d esprit (5)!
Luân lắc đầu:
- Tôi không lanh trí đâu!
Fanfani rối rít:
- Lanh trí, phải, lanh trí!
- Tôi không lanh trí, tôi nói như tôi nghĩ. Văn hóa không nên là... Financial Affairs! (6)
Fanfani xịu mặt.
- Ông định kiến quá sâu về tôi. Đâu phải lúc nào trước giờ tôi cũng toàn là affairs financières (7). Tỷ như... - Fanfani ngập ngừng mấy giây - Tỷ như với ông!
Luân tin là Fanfani nói thật. Anh khoác vai cô, tiếp tục bước. Anh cảm được một cái rùng mình nhè nhẹ của cô nhà báo Mỹ khi anh đặt tay dịu dàng lên đôi vai trần của cô.
Từ trên thềm, đại sứ Mỹ Frederic Rheinardt như tìm kiếm ai đó. Ly Kai giống một kẻ tàng hình, đột ngột chận đường Luân và Fanfani.
- Chào ông kĩ sư! Thật may, ông đại sứ Hoa Kì muốn gặp ông. Ông ấy nhờ tôi tìm...
Fanfani nheo mắt.:
- Ông Ly Kai cũng có mặt ở một đại hội văn hóa?
Ly Kai tự ái rõ:
- Theo cô, hình như tôi chỉ biết tổ chức các sòng bạc thôi?
Gã nói câu đó bằng tiếng Anh, phát âm tuyệt hảo. Fanfani cười nhẹ, cô trả lời bằng tiếng Việt:
- Thì đây cũng là một thứ sòng bạc!
Fanfani và Ly Kai trố mắt khi Luân, giọng vui, nói một câu bằng tiếng Quảng Đông:
- Dách hì xỉu hẩy phim hẩy cô tài hẩy phim chúng (8)
Ly Kai gãi má. Có vẻ gã tự trách chưa phải đã hiểu những gì cần hiểu về tay kĩ sư mà Dương Tái Hưng đặc biệt quan tâm này. Vào đúng lúc đó, Rheinardt đến. Ông ta bắt tay Luân thật chặt sau khi hôn tay Fanfani.
- Tôi xin phép được nói chuyện riêng với thiếu tá. Cám ơn ông Ly Kai. Xin lỗi cô Fanfani. - Rheinardt nói tiếng Việt trôi chảy song âm sắc chưa thuần, rất khó nghe.
Ly Kai lẩn mất liền sau đó. Fanfani đặt tay lên ngựa, nghiêng đầu:
- Tôi xin nhường thiếu tá cho đại sứ. Và tôi chỉ nhường cho đại sứ mà thôi!
Rheinardt cười to, đôi mắt gốc người Đức tựa mắt mèo long lanh:
- Cô nhà báo không đủ nhạy để phát xét tình hình rồi! Thiếu tá từ lâu đã là tù binh của một cô gái mà người ta đồn đãi là tuyệt đẹp và bắn súng rất giỏi. Tôi và cô không ai có quyền với thiếu tá. - Rheinardt nói câu đó bằng tiếng Anh...
- Ông đại sứ đã nghe về cô gái, còn tôi, tôi đã gặp. Ông đại sứ nói đúng một nửa: cô gái lộng lẫy. Còn một nữa kia, tôi chưa có điều kiện xác minh... - Fanfani cũng cười to.
Cô chìa tay cho Luân.
- Bà thiếu tá có ghen không?
Fanfani hỏi dí dỏm nhưng mắt cô lại tối. Rheinardt đỡ lời giúp Luân:
- Tôi sẽ hỏi bà thiếu tá giúp cô. Tôi hỏi: bà thiếu tá sẽ như thế nào khi một cô gái đẹp như cô Fanfani sóng đôi với thiếu tá?
Rheinardt trông theo Fanfani:
- Những nhà báo: họ có thể ghi trong hồi kí cả những mối quan hệ tuyệt đối riêng tư!
Luân mỉm cười trước câu nói giống lời cảnh cáo của Rheinardt.
- Để cho tiện, tôi xin phép được trao đổi với thiếu tá bằng một trong hai thứ tiếng - Pháp hoặc Anh. Tôi mong thiếu tá hiểu vì tôi sử dụng tiếng Việt chưa thạo chứ không phải coi thường tiếng nói giàu âm điệu, đủ khả năng diễn đạt đó. - Rheinardt thủ thỉ y như với người tri kỷ.
Luân cười hóm hỉnh:
- English spoken! (9)
- Quả như tôi nghĩ. Thiếu tá là người hiểu rộng! - Rheinardt ngã người về phía Luân - Do đó, bài thuyết trình xuất sắc của ông cố vấn Ngô Đình Nhu chính từ những đêm thức trắng của thiếu tá. Bài thuyết trình tân kì đã xua cái bóng già nua của bản thông điệp...
Đối thủ của anh chính là tình báo Mỹ, như anh Hai nhắc. Màn mở đầu đây... Luân nghĩ bụng.
- Cám ơn ngài Đại sứ!
- Người có tài - tôi xin mượn một câu dí dỏm phương Đông như con thần long, chợt xuất hiện cái đầu, chợt xuất hiện cái đuôi. Thiếu tá là con thần long. Tướng Collins đã nhiều lần nói với tôi những lời tốt đẹp về thiếu tá...
- Lại phải cám ơn ngài đại sứ lần nữa...
- Từ lâu, tôi rất muốn làm quen với thiếu tá. Không, tôi đã nói thiếu chuẩn xác: từ lâu tôi rất muốn đánh bạn với thiếu tá.
- Ngài đại sứ cho tôi niềm vui lớn và đột ngột.
Rheinardt thở dài:
- Ngoại giao là nghề tôi chọn lầm. Tuy vậy, lạy Chúa, tôi vẫn đủ minh mẫn để tự tách làm hai. Cái áo đại sứ dù sao tôi vẫn chưa trút được khi chưa có lệnh của tổng thống nước tôi. Thiếu tá cứ xem tôi khi tiếp chuyện với thiếu tá như không mặc cái áo cực khổ đó và thẳng thắng mà nhận, chiếc áo không chỉ cực khổ, nó lố bịch nữa!
Rheinardt chìa tay:
- Thế nào?
Luân bắt tay Rheinardt - vồn vã vừa phải:
- Thiếu tá thích chơi gì? Golf, tennis, bơi, canoe, trượt ván trên nước? Tôi không hỏi môn bắn súng vì với thiếu tá, bắn súng hết còn là thể thao.
- Tôi chơi tàm tạm tennis...
- Cái mà thiếu tá gọi là tàm tạm đó có thể đưa thiếu tá sang Canberra, trong giải Davis... (10)
Chuông phòng họp reo.
- Ta thỏa thuận như thế này, chiều thứ bảy, câu lạc bộ bơi lội bờ sông... Được chứ?
Luân nhẩm tính - thật ra chẳng có gì phải nhẩm tính.
- Được!
- Bà Rheinardt sẽ có mặt và do đó, tôi hy vọng cô Thùy Dung cùng đi với Thiếu tá...
- Thank you! (11)
Hai người vào phòng họp bằng hai cửa khác nhau.
Phần cuối của buổi sáng khai mạc đại hội văn hóa dành cho những văn nhân, có tên tuổi phát biểu ý kiến. Sở nghiên cứu chính trị nhận xét từng người phát biểu như sau:
Phạm Việt Tuyền, chủ bút báo Tự Do: Quá hăng hái nên lạc đề.
Võ Huyền Đắc, Trần Tuấn Khải, Đông Hồ: Rất chung, không rõ lập trường.
Đinh Hùng: quan điểm chống Cộng nổi bật nhưng quá kiêu và nói về cá nhân mình hơi nhiều. Cử tọa xì xào.
Vũ Hoàng Chương:
- Xưa tôi làm “thơ say” nay tôi làm “thơ tỉnh”. Tại đại hội này tôi xin đọc một bài thơ...
(Có tiếng nói từ hàng quan khách: Thi vương dù say hay tỉnh vẫn: “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”.)
Tôi làm bài này để cảm tác thời cuộc nhân có việc trưng cầu dân ý suy tôn Ngô chí sĩ...
(Nhà thờ đằng hắng lấy giọng)
Lá phiếu trưng cầu, một hiển linh.
Đốt lò hương gửi mộng bình sinh
Từ nay trăm họ câu hoan lạc
Đàn khúc đầm Dao, rượu chén Quỳnh
Có một ngày ta trở lại Cố Đô
Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ
Trên tầng chí sĩ ban tay vẫy
Đại định Thăng Long, một bóng cờ...
Vỗ tay…
Fanfani dạm hỏi người bên cạnh các từ “đầm Dao”, “chén Quỳnh” và le lưỡi khi cô dịch câu “Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ”. Ngô Đình Nhu cau mày. Rheinardt nửa như cười nửa như mím môi. Nguyễn Thành Luân lặng lẽ. Số khác, trong đó có Đông Hồ, Trần Tuấn Khải,... thở dài.
Chú thích
(1) Sắc lệnh của tổng thống Pháp ban hành để thực hiện luật của Quốc hội Pháp về tổ chức Nhà nước trong thời chiến.
(2) António de Oliveira Salazar (1889-1970), nhà độc tài, thủ tướng Bồ Đào Nha 1932-1968
(2) Juan Péron (1895–1974), nhà độc tài, tổng thống Argentina 1946-1955.
(3) Ayub Khan Muhammad (1907-1974), nhà độc tài, tổng thống Pakistan (1958-1969)
(4) cục súc, thô tục
(5) cá tính linh mẫn, lanh trí
(6) Vấn đề tài chính. Luân chơi chữ với tên tờ báo mà Fanfani làm phóng viên
(7) Vấn đề tài chính – tiếng Pháp
(8) Một trò lường gạt nhỏ trong trò lường gạt lớn
(9) Nói tiếng Anh! Luân chơi chữ, vì dòng chữ này thường đặt ở những khách sạn hoặc cửa hàng có thể sử dụng được tiếng Anh.
(10) một giải tenis quốc tế nổi tiếng, tổ chức tại thủ đô nước Úc.
(11) Cảm ơn!
Ván Bài Lật Ngửa Ván Bài Lật Ngửa - Nguyễn Trương Thiên Lý Ván Bài Lật Ngửa