Nhím Thanh Lịch epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 16: Một Trái Tim Mới
ơn mưa mùa hạ đó, tôi vẫn nhớ.
Ngày này qua ngày khác, chúng tôi đi qua đời mình như người ta đi qua một hành lang.
Nghĩ đến món phổi cho mèo... cô có nhìn thấy cái xe trượt của cháu không, đây là lần thứ ba cháu bị mất cắp đấy... mưa to quá cứ tưởng là ban đêm... vừa kịp giờ buổi chiếu bắt đầu lúc một giờ... con có muốn bỏ mũ ra không... chén trà đắng.. buổi chiều vắng lặng... có lẽ chúng ta ốm vì quá... tất cả đám mây cần tưới đó... những kẻ ngây thơ làm nhiều điều trụy lạc... này tuyết rơi đấy... mấy bông hoa kia là hoa gì... con mèo tội nghiệp nó tè ra khắp nơi... trời mùa thu thật buồn... bây giờ ngày ngắn quá... tại sao thùng rác bốc mùi đến tận trong sân... ông biết đấy cái gì cũng có lúc của nó... không tôi không biết rõ về họ... đó là một gia đình giống như tất cả những gia đình khác ở đây... trông như cái bánh đậu đỏ azuki... con trai tôi nói rằng người Trung Quốc rất cố chấp... hai con mèo của ông ấy tên là gì... bà có thể làm ơn nhận giúp mấy túi đồ giặt là... tất cả những dịp lễ Noel những khúc hát đó những buổi mua sắm đó sao mà mệt đến thế... khi ăn hồ đào phải trải khan bàn... mũi ông ta chảy nước... vẫn chưa đến mười giờ mà trời đã nóng rồi... tôi thái nấm rất mỏng và chúng tôi ăn canh nấm... bà ấy vứt quần lót bẩn dưới gầm giường... phải dán lại giấy tường...
Và rồi, mưa mùa hạ...
Bạn có biết cơn mưa mùa hạ là gì không?
Trước hết là vẻ đẹp thanh khiết làm sập bầu trời mùa hè, nỗi sợ cung kính xâm chiếm trái tim, cảm thấy thật nhỏ bé giữa cái cao siêu, thật mỏng manh và căng đầy vì vẻ uy nghiêm của các sự vật, sững sờ, bị hớp hồn, hoan hỉ vì sự rộng lượng của thế giới.
Sau đó, đi qua một hành lang và bỗng nhiên bước vào một căn phòng sáng rực. Một tầm vóc khác, những niềm tin mới nảy sinh. Cơ thể không còn là cái vỏ nữa, trí óc ở trên mây, sức mạnh của nước là của mình, những ngày tháng hạnh phúc sắp bắt đầu, trong một cuộc sống mới.
Tiếp đó, giống như những giọt nước mắt, khi chúng có dạng tròn, nặng và tuôn ra liên tiếp, để lại phía sau một bãi biển dài không còn bất hòa, cơn mưa, mùa hè, xua đi đám bụi bặm đang đứng im, có tác dụng như một hơi thở bất tận đối với tâm hồn con người
Vì thế, một vài cơn mưa mùa hạ nằm sâu trong chúng ta như một trái tim mới đập cùng với nhịp của trái tim cũ.
18
Thao thức êm dịu
Sau hai giờ thao thức êm dịu, tôi nhẹ nhàng ngủ thiếp đi.
SUY NGHĨ SÂU SỐ 13
Có ai tin
Làm được mật
Mà không chung phận với ong?
Hàng ngày, tôi tự nhủ rằng chị tôi không thể chìm sâu hơn nữa trong cái ô nhục, nhưng mỗi ngày, tôi lại bị bất ngờ khi thấy chị ấy đang làm như thế.
Chiều nay, khi tôi đi học về, không có ai ở nhà cả. Tôi lấy một thanh socola hạt dẻ trong bếp rồi mang vào phòng khách ăn. Tôi ngồi thoải mái trên chiếc ghế dài, cắn socola và nghĩ về suy nghĩ sâu tiếp theo của mình. Trong ý tưởng của tôi, đó sẽ là một suy nghĩ sâu về socola hay đúng hơn về cách cắn socola, với một câu hỏi chính: có gì ngon trong socola? Chất làm nên kẹo hay kỹ thuật nghiền của răng?
Nhưng tôi thấy thú vị cũng vô ích vì chưa tính đến việc chị tôi về sớm hơn dự kiến và ngay lập tức làm đời tôi đen tối bằng câu chuyện về nước Ý. Từ khi đi Venise với bố mẹ anh Tibere (nghỉ ở khách sạn Danieli), chị Colombe chỉ nói về chuyện đó. Khốn khổ thay, hôm thứ Bảy, họ đến ăn tối ở nhà bạn của ông bà Grinpard, ông bạn này có một trang trại rộng lớn ở Toscane. Chỉ cần nói "Tôscâne" 1 chị Colombe đã ngây ngất, mẹ tôi cũng hùa theo. Tôi cho các bạn biết nhé, Toscane không phải là một vùng đất có lịch sử hàng nghìn năm. Nó tồn tại chỉ để cho những người như chị Colombe, mẹ tôi hay nhà Grinpard rung động về sự sở hữu. Họ cho rằng "Tôscâne" cũng ngang hàng với Văn hóa, Nghệ thuật và tất cả những gì có thể được Viết hoa.
Về vùng Tôscâne, tôi đã có quyền được nghe một đoạn bài hát về đàn lừa, dầu ô liu, ánh hoàng hôn, la dolce vita (cuộc sống tươi đẹp) và nhiều thứ linh tinh khác nữa. nhưng vì lần nào tôi cũng kín đáo lảng tránh nên chị Colombe không thể đem câu chuyện yêu thích của mình ra để thử nghiệm với tôi được. Chị ấy túm ngay lấy tôi khi thấy tôi ngồi trên ghế, do đó phá hỏng bữa thưởng thức của tôi và cả suy nghĩ sâu tiếp theo của tôi.
Ở trang trại của ông bạn bố mẹ anh Tibere có một số tổ ong, đủ để thu hoạch một tạ mật mỗi năm. Ông bà chủ trang trại thuê một người nuôi ong, người này làm tất cả mọi việc để họ có thể kinh doanh mật ong dán nhãn "trang trại Flibaggi". Đương nhiên, đây không phải vì tiền. Nhưng mật ong "trang trại Flibaggi" được coi là một trong những loại ngon nhất thế giới và điều này góp phần làm tăng uy tín cho ông bà chủ (họ đã có nguồn thu nhập khác rồi) bởi vì loại mật ong ấy được sử dụng trong các nhà hàng lớn, các đầu bếp nổi tiếng chế biến nó thành hẳn một món... Chị Colombe, anh Tibere và bố mẹ anh Tibere đã được nếm thử mật ong giống như người ta thường làm với rượu vang và chị Colombe cứ thao thao bất tuyệt về sự khác biệt giữa mật ong hoa bách lý hương và mật ong hoa hương thảo. Mặc kệ chị ấy ba hoa. Cho đến thời điểm này của câu chuyện, tôi vừa lơ đễnh nghe chị ấy nói vừa suy nghĩ tới chủ đề "cách cắn Socola" và tôi tự nhủ rằng nếu câu chuyện có thể kết thúc ở đây, tôi sẽ thoát khỏi tình cảnh này một cách nhẹ nhàng.
Nhưng đừng bao giờ hi vọng điều tương tự với chị Colombe. Đột nhiên chị ấy cau có và bắt đầu kể cho tôi về tập quán của loài ong. Hẳn là phải có cả một bài dài hoàn chỉnh và cái đầu óc con con bị rối loạn của chị Colombe đặc biệt ấn tượng với đoạn về tập quán hôn phối của ong chúa và ong đực. Ngược lại, cách tổ chức độc đáo của tổ ong không làm chị ấy chú ý lắm, trong khi đó tôi lại thấy rất thú vị, nhất là khi nghĩ rằng những con côn trùng này có một ngôn ngữ mã hóa làm cho các định nghĩa mà người ta có thể đưa ra về lời nói như đó là khả năng của riêng con người, trở nên mang tính tương đối. Nhưng điều này không hề khiến chị Colombe quan tâm, mặc dù chị ấy không học để lấy chứng chỉ nghề thợ kẽm, mà đang làm luận văn thạc sĩ về triết học. Thế nhưng chị ấy lại rất thích thú với đề tài tình dục của những con vật nhỏ bé.
Tôi nói vắn tắt với các bạn thế này: khi ong chúa đã sẵn sàng, nó bay đi giao phối, theo sau là cả đàn ong đực. Con ong đực đầu tiên đuổi kịp con ong chúa sẽ giao phối với ong chúa rồi chết, vì sau hành động đó, bộ phận sinh dục của nó vẫn kẹt chặt trong ong chúa. Ong đực bị mất bộ phận này, do đó nó chết. Con ong đực thứ hai đuổi kịp ong chúa phải dùng chân kéo bộ phận sinh dục của con trước ra mới giao phối được với ong chúa, và tất nhiên cũng chịu chung số phận với con đầu tiên, và cứ như vậy, mười hoặc mười lăm con ong đực làm đầy túi đựng tinh trùng của ong chúa và giúp ong chúa sản sinh được 200.000 trứng mỗi năm. Trong vòng bốn hoặc năm năm.
Đó là những gì chị Colombe đã kể cho tôi nghe, trong khi nhìn tôi với ánh mắt chua cay và thêm thắt vào câu chuyện những câu nhả nhớt kiểu như: "Ong chúa chỉ có quyền một lần thôi, thế mà nó lại dùng đến mười lăm!" Nếu tôi là anh Tibere, tôi sẽ không thích bạn gái của mình kể chuyện này với tất cả mọi người. Bởi vì, vâng, người ta không thể ngăn mình rút ra một bài tâm lý rẻ tiền: khi một cô gái trong trạng thái hưng phấn kể rằng cần có mười lăm con đực để làm thỏa mãn một con cái, và để cảm ơn, con cái thiến chúng và giết chúng, nhất định chuyện này đặt ra nhiều câu hỏi. Chị Colombe tin rằng câu chuyện này khiến chị trở thành cô-gái-tự-do-không-rụt-rè-nói-về-tình-dục-một-cách-tự-nhiên. Nhưng chị Colombe quên rằng chị kể chuyện này cho tôi chỉ nhằm gây sốc, và ngoài nội dung của câu chuyện không phải là không đáng quan tâm. Thứ nhất, đối với một người như tôi, vốn nghĩ rằng con người là một động vật, thì tình dục không phải là một chủ đề thiếu tế nhị, mà là một vấn đề khoa học. Tôi thấy rất thú vị. Thứ hai, tôi nhắc lại với tất cả mọi người rằng chị Colombe rửa tay ba lần mỗi ngày và hét tướng lên mỗi khi nghi ngờ trong nhà tắm có một sợi lông nào đó không nhìn thấy được (những sợi lông nhìn thấy được lại không có). Tôi không biết tại sao, nhưng tôi thấy điều này rất hợp lý với chuyện tình dục của ong chúa.
Nhưng thật điên rồ khi con người giải thích hiện tượng tự nhiên và cho rằng có thể tránh được nó. Chị Colombe kể câu chuyện theo cách đó, bởi vì chị ấy nghĩ chuyện này không liên quan đến mình. Chị ấy chế giễu trò vui sướng khốn khổ của ong đực, bời vì tin rằng mình không chung số phận với nó. Còn tôi, tôi chẳng thấy có gì gây sốc hay phóng đãng trong hành động bay giao phối của ong chúa và trong số phận của các ong đực vì tôi cảm thấy mình cực kì giống những con vật đó, mặc dù tôi có những tập quán khác. Sống, ăn uống, sinh con, thực hiện nhiệm vụ mà vì nó con người ta được sinh ra, rồi chết: điều này chẳng có ý nghĩa gì cả, đúng thế, nhưng mọi việc là như vậy. Thái độ ngạo mạn của con người khi nghĩ rằng họ có thể ép buộc thiên nhiên, không chịu chung số phận với những sinh vật bé nhỏ... và sự mù quáng của họ đối với tính chất tàn bạo hay bạo lực trong cách sống, yêu, sinh đẻ và gây chiến tranh với đồng loại của chính họ...
Tôi cho rằng chỉ cần làm một việc suy nhất: tìm ra nhiệm vụ mà vì nó chúng ta được sinh ra, rồi thực hiện nó tốt nhất trong khả năng của mình, bằng tất cả sức lực của mình, đừng làm phức tạp vấn đề và đừng nghĩ rằng có gì đó thần thánh trong bản chất động vật của chúng ta. Chỉ như thế chúng ta mối có cảm giác đang làm việc gì đó mang tính xây dựng ở thời điểm cái chết mang chúng ta đi. Tự do, quyết định, ý chí, tất cả đều là những điều hão huyền. Chúng ta cho rằng mình có thể làm được mật mà không chịu chung số phận với loài ong; nhưng chúng ta cũng chỉ là những con ong đáng thương được sinh ra để thực hiện nhiệm vụ của mình rồi phải chết.
Chú thích
1.Chiến đấu, chạy trốn hoặc chết đứng vì sợ
2.Có thể là tác giả muốn nói "pas de syntaxe" hàm ý nói năng không đúng cú pháp
3.Êmile Zola (1840- 1902): Nhà văn Pháp nổi tiếng, tích cực đấu tranh vì công lý
4.Cách viết "tôscâne" hàm ý nhại cách phát âm của người Ý
Nhím Thanh Lịch Nhím Thanh Lịch - Muriel Barbery Nhím Thanh Lịch