Chương 5
ung đâu? Con cầm cho mẹ quyển lịch ra đây. - Bà phán ngồi trên sập, đeo đôi kính lên mắt và thong thả giở từng tờ quyển lịch Tầu. Dung đứng tựa vào chiếc ghế bên cạnh, cúi xuống hỏi:
- Mẹ xem lịch để chọn ngày tốt ngày xấu à?
Bà phán dừng tay nhìn con dâu và chép miệng trả lời:
- Ngày tốt ngày xấu mà làm gì. Mẹ xem năm nay có phải là năm sao hạn của mẹ không, mà lắm sự vất vả thế.
Bà khẽ thở dài, rồi cúi xuống xem lịch. Dung cũng lặng yên. Nàng hiểu bà phán muốn nói gì. Sự vất vả mà bà than phiền đó không phải là sự vất vả về công việc làm ăn. Đã lâu nay, từ khi lên ở Hà Nội, mẹ Trường đã thôi không buôn bán nữa. Thỉnh thoảng bà có cầm họ cầm hàng cùng với bà Hai và mấy người quen thuộc khác, nhưng công việc ấy vẫn trôi chảy. Chỉ từ ngày Trường nhất định lấy Trinh và từ chối cô Hảo là nhiều sự không vừa lòng đã xảy đến cho bà. Vì không có bà Hai bảo đảm giúp đỡ, nên sự cầm trở nên khó khăn, những mối lợi không những không thu vào được lại thêm mắc nợ nữa. Đồng tiền chi tiêu trong nhà trở nên hiếm và khó kiếm. Cả gia đình phải trông vào số lương hàng tháng của Xuân, nhưng Xuân vẫn chơi bời như trước, tiền đem về, tháng có tháng không.
Nghĩ đến Xuân, Dung lại khổ sở. Hai vợ chồng đối với nhau cũng lãnh đạm, hờ hững như trước, tuy không cãi cọ nữa. Xuân vẫn làm như không biết có nàng bên cạnh. Hai người chỉ nói với nhau những điều cần nói và không can hệ về việc nhà cửa hay đứa con. Lòng Dung thắt lại khi nghĩ kỹ đến tình cảm ấy: nàng hiểu rằng sự thờ ơ đó có hại cho nàng hơn một sự giận hờn nhau, Xuân thờ ơ lãnh đạm với nàng tức là không còn một chút tình yêu mến gì đối với nàng nữa. Nàng muốn chồng để ý đến nàng hơn, dù là để ý bằng sự giận ghét cũng được. Nhiều khi Dung cố ý làm Xuân khó chịu, tưởng chàng phải sôi nổi vì mình. Nhưng Xuân vẫn dửng dưng như không; Dung hiểu rằng tình yêu đối với mình đã chết hẳn trong lòng chàng rồi.
Nàng rùng mình khi nghĩ đến những chốn mà Xuân vẫn thường lui tới chơi bời, nghĩ đến hình ảnh những người con gái đáng ghê sợ mà chồng nàng ôm ấp. Dung tuy không như các người vợ khác đi dò xét và ngăn cấm chồng, nhưng nàng cũng biết mang máng rằng Xuân mê một cô ả đào và định sắp lấy. Nàng không hiểu rõ về những hạng đàn bà ấy; Dung cho rằng cái sức mạnh quyến rũ của họ là nhờ những phép bùa yêu bí mật, không có cách gì trị nổi. Nàng không hiểu rằng sức mạnh của họ chính là ở cái nền nếp, cái đoan chính như của nàng, không có cái ý vị chua cay, đột ngột của những vẻ lẳng lơ đĩ thõa. Chính cái nền nếp và cái đoan chính ấy đã khiến Xuân chán ngán và xa nàng.
Ít lâu nay trong gia đình lại thêm nhiều sự buồn rầu nữa. Dung thấy những cuộc cãi cọ gắt gỏng thường xảy ra luôn giữa Xuân và mẹ, vì vấn đề tiền nong. Không khí trong nhà trở nên lạnh lẽo và buồn tẻ, khiến nàng có cảm giác như lúc nào cũng đứng ở đầu cơn gió làm tiêu tán hết cả những cái đầm ấm của lòng.
Bà phán thấy Dung yên lặng không nói, bà để quyển lịch xuống sập, ngửng lên nhìn. Thấy vẻ mặt đăm chiêu và như ngơ ngác, bà vô tình hỏi:
- Con nghĩ gì mà ngây người ra thế?
Nghe tiếng mẹ, Dung giật mình. Nàng vội lấy lại vẻ mặt tự nhiên, chối:
- Con ấy ư? Không, con có nghĩ gì đâu.
Rồi nàng cúi cuống, sẽ mỉm cười. Nhưng cái cớ đau thương của Dung cũng vừa mới thoáng qua trong trí bà phán như một cơn chớp loáng. Bà ngượng nghịu về câu hỏi ban nẫy, quay mặt nhìn đi chỗ khác. Hai mẹ con cùng yên lặng, buồn rầu.
- Hôm nay bao nhiêu tây rồi con nhỉ?
Dung nhìn lên quyển lịch treo trên tường, đáp:
- Thưa mẹ, ba mươi mốt.
Bà phán lẩm bầm trong miệng: “Đã hết tháng rồi”. Và trông đồng hồ bà tiếp:
- Đã hơn năm giờ mà cậu ấy chưa về. Hôm nay lĩnh lương đấy, con nhỉ?
- Thưa mẹ, vâng.
Dung chợt nghĩ đến ngày lĩnh lương; chắc thế nào Xuân cũng đi chơi với chúng bạn như mọi đầu tháng khác. Nàng nhìn mẹ chồng, rồi dịu dàng:
- Chắc nhà con lại đi chơi đến tối mới về.
Bà phán thở dài, chép miệng:
- Nhà hết cả tiền rồi. Chẳng còn một xu nào cả. Để chốc nữa cậu ấy về tôi hỏi lấy tiền tiêu mới được.
Dung cúi xuống không nói gì. Nàng nghĩ lát nữa Xuân về lại gắt gỏng với mẹ như những lần khác. Dung lo sợ và thấy nao nao trong lòng. Nàng vuốt tóc như để xua đuổi những hình ảnh không vui, nói sang chuyện khác:
- Đằng chú thím Trường hình như dạo này cũng túng. Vừa hôm nọ, thím ấy có đến hỏi vay con. - Nàng nói thêm: “Nhưng con làm gì có mà cho vay”.
Bà phán cười:
- Vợ chồng nó thì kêu túng cả đời. Đi làm được ba chục bạc lương thì sao đủ.
Hai mẹ con bỗng dừng lại. Ngoài cửa có tiếng xe đỗ xuống hè, Dung quay nhìn ra ngoài, nói:
- Nhà con đã về.
Xuân đẩy cửa bước vào. Chàng không nhìn mẹ và vợ, lẳng lặng đi thẳng đến bên tủ, treo mũ trên mắc. Cử chỉ của chàng có vẻ uể oải và mệt nhọc, Dung muốn săn đón và hỏi han chồng như mọi bận Xuân về khi hai người mới lấy, nhưng đã lâu rồi chàng quên mất thói quen ấy. Nàng ngượng nghịu đứng lên, chỉ đưa mắt nhìn theo chồng.
Bà phán với lấy âu đồng đựng trầu, rút cây vỏ ra cắt một cách chăm chỉ. Một lát bà mới nhìn Xuân ngọt ngào hỏi:
- Sao hôm nay con về sớm thế?
Xuân đang ngồi giở tờ báo trên bàn, cũng không buồn ngửng đầu lên nhìn mẹ. Chàng lơ đãng trả lời:
- Có gì sớm đâu. Cũng như mọi hôm.
Dung nói chen vào:
- Hôm nay đồng hồ nhanh hơn nửa giờ.
Nghe tiếng vợ, Xuân hơi cau mày. Chàng nhấc tờ báo lên gần mắt, chú ý đọc, nhưng chàng không biết mình đọc gì. Tiếng nói của Dung làm chàng tự nhiên khó chịu. Chàng không hiểu rõ sự khó chịu ấy nguyên cớ tại đâu. Sự thực từ xưa tới nay Xuân vẫn không yêu Dung. Nhưng chàng thấy rằng có lẽ chàng sẽ không lãnh đạm với nàng và sẽ có tình thương nếu Dung không yên lặng chịu đau khổ một cách âm thầm. Chàng muốn Dung kêu gào, hay tỏ ý không bằng lòng của mình một cách rõ rệt hơn nữa. Chàng ưa thế hơn là sự yên lặng an phận, lòng oán trách thầm kín của Dung làm cho chàng khó chịu vì chàng thấy rõ cái lỗi của mình.
Muốn tránh hai vợ chồng khỏi cãi nhau, bà phán thong thả bảo Dung:
- Con vào bảo nó dọn cơm đi. À, mà Lan đi đâu?
- Con cũng không biết. Hình như cô ấy lại thu họ đằng bà Hiên thì phải.
Bà phán ngạc nhiên:
- Vẫn chưa thu được cơ à?
- Vâng, bà ta cứ hẹn lần mãi, năm lần bảy lượt rồi.
Khi Dung vào khuất sau cánh cửa, bà cụ chép miệng phàn nàn, có ý để Xuân nghe thấy:
- Lại bà ấy chưa đóng nữa. Lấy tiền đâu mà tiêu bây giờ...
Xuân vẫn điềm nhiên xem báo như không nghe thấy gì. Chàng biết rằng mẹ không bằng lòng mình, vì số tiền chàng đưa về mỗi tháng ít đi. Chàng cũng muốn đưa nhiều hơn để làm vui lòng mẹ, nhưng công nợ và những món chàng phải tiêu đã chiếm hết nửa số lương của chàng. Mà những món tiền ấy chàng không dám nói ra. Chàng bứt rứt nghĩ đến những lúc phải đi vay mượn khó khăn, đến những lúc phải dối trá để tìm cớ cho số tiền chàng đã tiêu. Một ý nghĩ ích kỷ xen lấn vào tư tưởng của Xuân; cái bổn phận phải nuôi cả một gia đình đối với chàng trở nên nặng nề và bất công quá. Xuân thầm ao ước đời sung sướng của những bạn chàng, không phải giúp đỡ ai, chỉ săn sóc đến có một thân mình.
Bà phán nhìn con ngập ngừng khẽ hỏi:
- Anh... anh đã lĩnh lương chưa?
Xuân bỏ tờ báo, nhìn mẹ đáp:
- Lĩnh rồi ạ. Vừa mới chiều nay.
Bà phán yên lặng, cúi xuống têm trầu, bà đợi Xuân đứng dậy lấy tiền đưa cho bà. Nhưng Xuân còn mải theo ý nghĩ của mình, không để ý đến sự chờ đợi của mẹ.
Bữa cơm chiều lặng lẽ và buồn tẻ. Mỗi người đều băn khoăn về những tâm sự riêng. Lan đi thu họ đã về, cố hết sức nói vui vẻ và kể những chuyện đâu đâu để mọi người cười. Nhưng nụ cười thỉnh thoảng nở trên miệng Dung và bà phán là những nụ cười ngượng nghịu và mất đi ngay.
Dung đưa mắt nhìn chồng, thấy Xuân thỉnh thoảng lại ngừng đũa; một hình ảnh gì khó chịu như đang hiện ở trước mặt chàng.
Thạch Lam Tuyển Tập Thạch Lam Tuyển Tập - Thạch Lam Thạch Lam Tuyển Tập