Linh Sơn epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 43
ời làng Mèo, ta đi trên một đường núi vắng, từ rạng sáng tới chiều. Không một cam nhông kéo moóc chở đầy gỗ hay tre, không một xe khách đường dài nào dừng lại khi ta ra hiệu.
Mặt trời chiếu thẳng vào mặt ta, gió lạnh nổi lên trong lũng nhỏ. Trên đường cái ngoằn ngòeo, không làng mạc, không kẻ đi đường, ta bị nỗi buồn cầm giữa. Ta có đến được huyện lỵ trước chiều tối không? Nếu không có xe nào muốn cho ta đáp, không biết ta sẽ qua đêm ở đâu. Thình lình ta nhớ ra có một máy ảnh trong xắc đeo lưng. Tại sao ta không thử làm cho ta thành nhà báo nhỉ?
Ta nghe thấy một chiếc xe lại gần. Ta đàng hoàng ra đứng hẳn ở giữa đường để chắn lại, giơ chiếc máy ảnh lên. Một chiếc cam nhông phủ bạt gập ghềnh đi tới. Nó lao vào và chỉ đến phút cuối cùng mới rầm rĩ phanh dừng lại.
- Con nhà con mẹ nào mà lại cản đường thế này hả? Muốn chết hả? Người tài xế quát, thò đầu ra khỏi ca bin.
Đó là một người Hán, ít ra ta hiểu được anh ta nói gì.
Ta vội vọt đến cửa xe:
- Tôi xin lỗi, tôi là nhà báo, tôi đến điều tra ở một làng Mèo, rất vội, tôi phải gửi một bức điện ở huyện lỵ trước lúc trời tối.
Loại người mặt rộng, má vuông và mồm ta này nói chung dễ thuyết phục. Anh nhìn ta soi mói từ đầu đến chân rồi cau mày:
- Xe tôi chở lợn, không chở người, nó không lên huyện lỵ.
Đúng thế, ta nghe thấy tiếng lợn kêu ở bên trong.
Ta cười thật rộng:
- Anh không đưa tôi đến lò sát sinh là tốt rồi.
Vẻ khó chịu, anh ta mở cửa. Ta nhảy vào ca bin, rối rít cảm ơn.
Anh từ chối điếu thuốc ta mời. Xe chạy một đoạn, chẳng ai nói gì. Bây giờ đã ngồi yên chỗ, ta chẳng cần giải thích. Thỉnh thoảng anh tài liếc chiếc máy ảnh ta cố ý đeo vào cổ. Ta biết trong con mắt ngừơi dân vùng này, Bắc Kinh tức là trung ương, một nhà báo đến từ trung ương thì dứt khoát phải là "oai", nhưng sao không có cán bộ huyện đi cùng và không có xe jeep nào đi đón. Giải thích điều này như thế nào? Khó xóa tan được những nghi ngờ của anh tài.
Chắc anh ta nghĩ ta là một thằng bịp. Ta nghe nói có bọn ấy thật. Mang máy ảnh không phim, làm bộ làm điệu, chúng đến vùng núi chụp ảnh cho nông dân, khẳng định rằng bảng giá của chúng hạ. Chúng giở trò như vậy một thời gian rồi ra thành phố tiêu món tiền chúng đã bịp được. Nghĩ anh tài coi ta là loại bịp như thế, ta thấy vui vui. Thỉnh thoảng ta cũng phải tự cho mình đổi chút khoan khoái kẻo không chuyến đi dài sẽ thật sự là quá gian nan. Thình lình anh tài liếc ta, lạnh lùng hỏi:
- Rút cục anh đi đâu?
- Tôi về huyện lỵ.
- Huyện lỵ nào?
Vì đã đi trong xe của vua Mèo, ta không nhớ tên các huyện lỵ đã qua. Ta không thể trả lời được.
- Đằng nào thì tôi cũng đến trung tâm đón tiếp của ủy ban huyện gần nhất mà! Ta nói.
- Thế thì xuống đây.
Trước mặt ta, một ngã tư cũng vắng tanh, không một bóng người. Ta không biết liệu anh ta muốn dọa ta hay anh ta cũng có óc hài hước.
Chiếc cam nhông chậm lại rồi dừng.
- Tôi thì quay lại, anh ta nói thêm.
- Nhưng anh đi đến đâu?
- Đến công ty thu mua lợn sống.
Anh cúi xuống để mở cửa cho ta. Đó là một sự mới xuống. Dĩ nhiên không phải là hài vui, ta chỉ có thể nhảy ra khỏi ca bin và hỏi:
- Ta ra khỏi khu tự trị Mèo chưa?
- Ra lâu rồi, anh chỉ cách thành phố có khoảng chục cây số thôi, anh sẽ đến thành phố trước đêm tối đấy, anh ta trả lời lạnh lùng.
Cửa sập lại, đám bụi và chiếc cam nhông khuất vào đằng xa.
Ta nhủ thầm nếu ta là đàn bà con gái đi một mình, anh tài có lẽ sẽ chẳng lạnh như thế. Ta biết trên loại đường núi này, các tài xế xe tải đã lạm dụng đàn bà con gái thân chiếc mà đàn bà thân chiếc thì chẳng thể cứ nhẹ dạ lên xe chở hàng đường dài này được. Người ta luôn phải cảnh giác nhau.
Mặt trời đã khuất, sương chiều kéo lê trên vòm trời vẩy tê tê. Trước mặt ta, một dải dố dài xam xám. Chân ta ê ẩm, lưng đầy mồ hôi, ta không rình ngó xe cộ nữa, ta chỉ ao ước được nghỉ ở đỉnh dốc trước khi lại lên đường ban đêm.
Không bao giờ ta lại nghĩ gặp một người cùng cảnh ở đấy. Hắn cùng đến đỉnh dốc một lúc. Tóc rối bù, râu ria không cạo đã nhiều ngày, hắn cũng mang một cái xắc. Ta mang xắc ở trên vai, còn hắn cầm tay. Hắn mặc quần lao động xám nhạt, loại quần thợ mỏ, thợ nề vẫn mặc. Ta, quần gin, từ nhiều tháng nay chưa giặt.
Từ cái liếc đầu tiên, ta hiểu ngay rằng cuộc gặp gỡ này báo trước điều không hay. Hắn xét nét ta từ đầu đến chân rồi chuyển sang nhìn cái xắc của ta. Ta có cảm tưởng đối diện với một con sói. Cái khác duy nhất là con sói coi kẻ nó gặp là con mồi còn con người thì quan tâm đến của cải của con mồi. Ta không thể không nhìn hắn chằm chặp. Ta cũng chú mục vào xắc của hắn. Hắn có vũ khí bên trong không? Nếu ta đi qua, hắn có tấn công ta từ đằng sau không? Ta dừng lại. Xắc của ta không nhẹ, nhất là với cái máy ảnh vung lên thì cũng khá nặng để làm được vũ khí. Ta cho nó tụt khỏi vai xuống tay rồi ta ngồi xuống đống ta-luy vệ đường. Ta tranh thủ thở lại đều đặn và sẵn sàng đối đầu với hắn. Hắn cũng lấy lại hơi và ngồi xuống một hòn đá, bên kia đường. Chưa tới mười bước ngăn cách.
Rõ ràng hắn khỏe hơn ta. Nếu đánh nhau ta không bằng hắn nhưng ta biết trong xắc có một dao thợ điện khi du lịch ta thường mang theo, nó hữu ích và lại làm được vũ khí cho ta phòng thân. Hình như hắn không có cái tương xứng... Có một con dao nhỏ hơn chắc chắn hắn ta không thắng. Ta lại còn giải pháp quay đầu chạy, nhưng như thế có lẽ sẽ lại càng dụ dỗ hắn ngờ ta có tiền của thật và ta hèn yếu do đó kích hắn tiến công ta. Qua cái nhìn của hắn, ta biết đường ở đằng sau ta cũng vắng tanh như đường ở đằng sau hắn. Ta phải cho hắn biết là ta đang canh chừng và ta không sợ.
Ta châm một điếu thuốc rồi làm bộ nghỉ ngơi. Hắn cũng lấy thuốc ra từ túi sau quần. Cả hai tránh nhìn thẳng vào nhau, nhưng dò nhau bằng đuôi con mắt.
Nếu hắn không chắc chắn ta mang một cái gì quý báu trong ngừơi thì sẽ không có đánh chác. Trong xắc của ta, chỉ có một máy ghi âm xách tay cũ kỹ gần như không nghe được mà lẽ ra ta đã quẳng đi từ lâu nếu như ta có tiền mua một cái khác. Thực tế đồ vật giá trị ta có chỉ là chiếc máy ảnh Nhật với các chức năng khá toàn diện này, nhưng cũng chẳng bỏ phải liều mạng vì nó. Ta cũng có một trăm nguyên tiền lẻ gì đó. Lại càng chẳng bõ đổ máu vì cái khoản ít ỏi đến như thế. Ta thở khói vào đôi giầy xam xám của ta. Bây giờ ta ngồi, áo sơ mi dệt chui cổ đầy mồ hôi dán vào lưng, ta lạnh toát lưng và nghe thấy gió gào trên đỉnh cao.
Hắn bĩu môi khinh khỉnh, để lộ răng nanh. Có lẽ ta cũng có biểu lộ tương tự thế. Có lẽ ta cũng phô răng ra, chắc với bộ mặt cũng kẻ cướp như hắn. Nếu ta mở miệng, ta sẽ thốt ra cũng những lời tục tằn như hắn, ta có thể trở thành hung tợn, cầm dao đâm hắn rồi chuồn đi ngay lập tức. Hắn có cùng trang thái tâm lý như ta không, mặc dù cái vẻ dửng dưng hắn đang có lúc này, cả hai tay đang kẹp chặt lấy đầu mẩu thuốc lá, cũng sẵn sàng tự vệ?
Hắn không thể phát hiện ra rằng vật duy nhất đáng giá trên người ta là đôi giầy. Ta đã mua chúng dùng cho chuyến đi xa này nhưng mưa, bùn và nước sông đã làm cho chúng biến dạng. Chúng bẩn, đen khó mà nhận ra chúng là sản phẩm để du lịch từng treo cao giá là mốt mới. Ta rít một hơi thuốc dài rồi di điếu thuốc xuống đất. Lập tức hắn cũng búng cái đầu mẩu đi, như để trả lời ta. Khinh miệt ở phía hắn, nhưng cũng cả là tự vệ.
Chúng ta cùng đứng lên, không tìm cách né tránh nhau. Cả hai tiến ra giữa đường và đi ngược chiều nhau, vai chạm vai nhau. Rút cuộc không phải sói, đúng hơn là hai con chó hoang đang lảng ra xa nhau khi đã đánh hơi nhau.
Trước mặt ta, dốc xuống dựng đứng. Ta chạy hết tốc độ cho tới tận bãi đất phẳng. Khi ta quay lại, dải đường xam xám leo lên đỉnh núi hoang vắng hình như lại càng cô quạnh hơn trong cảnh hoàng hôn.
Linh Sơn Linh Sơn - Cao Hành Kiện Linh Sơn