Hồi Thứ Bốn Mươi Hai - Tống Đế Âu Lo Vì Thương Mẹ.
ôm sau Thiên Tử lâm trào phán giữa triều đình:
- Nay Trẫm giao án Quách Hòe cho Bao khanh tra xét.
Bao Công tâu:
- Việc ấy tôi không dám lãnh.
Thiên Tử nói:
- Nếu Bao khanh không nhận việc ấy thì Trẫm biết giao cho ai?
Bao Công tâu:
- Xin Bệ hạ giao việc ấy cho Bàng Quốc trượng tra xét ắt ra lẽ ngay gian.
Bàng Hồng nghe Bao Công tâu như vậy thì nghĩ thầm:
- Lạ thật? Hôm trước lão Bao Hắc tử nói ta không thể tra xét được, cớ gì hôm nay lại muốn giao cho ta, chắc là lão có mưu kế gì muốn hại ta chớ chẳng không.
Nghĩ như vậy nên quỳ tâu:
- Hôm trước Bao Công đã tâu giữa trào là việc ấy tôi không thể tra xét được, nay lại giao cho tôi nên tôi không dám lãnh. Xin Bệ hạ chọn người khác làm việc ấy.
Bao Công tâu:
- Nếu Bàng Quốc trượng không lãnh chỉ thì chắc trong triều không ai làm được việc này.
Thiên Tử nói:
- Hai khanh đều không chịu lãnh chỉ, chẳng lẽ việc này bỏ qua sao?
Bao Công tâu:
- Xin Bệ hạ cứ tra xét lại triều đình thì việc này mới minh bạch được.
Thiên Tử nghe tâu có ý buồn, nên phán:
- Bấy lâu cũng có nhiều vụ án rất khó mà Bao khanh tra xét rất minh bạch, nay có việc này là việc mẹ Trẫm mang lấy tai họa, lẽ thì Bao khanh phải hết lòng tra xét, để mẫu tử tương phùng cớ sao lại từ chối.
Bao Công tâu:
- Chẳng phải tôi muốn từ chối, ngặt vì ngày trước Bàng Quốc trượng nói tôi là người chủ cáo không lẽ tra xét nên tôi không dám lãnh chỉ. Vả lại nếu tôi lãnh chỉ mà tra án này thì tôi phải tra xét cho minh bạch, và cứ theo luật mà xử đoán. Lỡ khi Lưu Thái Hậu và Địch Thái Hậu có tội thì hai vị nương nương ấy là bậc mẫu nghi, không khỏi Bàng Quốc trượng gọi tôi là khi quân, phạm thượng. Vì vậy tôi không dám lãnh chỉ xin Bệ hạ xét lại.
Thiên Tử phán:
- Lời Bao khanh rất phải, song nội trào không ai đủ sức tra xét việc ấy, vậy khanh hãy cứ phép nước mà làm, hễ Thái Hậu có tội thì cũng cứ luật mà xét đoán, Bàng Quốc trượng có tội thì cũng nghị tội nữa.
Bao Công tâu:
- Nếu Bệ hạ phán như vậy, thì tôi mới dám lãnh chỉ.
Thiên Tử mừng rỡ truyền bãi chầu, các quan ai lui về dinh nấy. Duy có Bàng Hồng lòng giận Bao Công lắm, song cũng không dám nói tiếng chi.
Bấy giờ Lưu Thái Hậu hay tin ấy đem lòng lo sợ, biết Bao Công là người thiết diện vô tư, không dám đưa của hối lộ cho nên cứ nằm yên than thở mà thôi.
Còn Bao Công khi lui về dinh rồi thì khiến quân vào nhà lao dẫn Quách Hòe ra. Khi thấy mặt Quách Hòe, Bao Công nghĩ thầm:
"Bấy lâu nó dựa thế Lưu Thái Hậu nên không kiêng nể ai, nay sự việc đã có nhiều chứng cớ, dù có Lưu Thái Hậu cũng không dám khinh khi nữa rồi".
Lúc Quách Hòe còn đang trầm tư thì đã có bốn tên quân của Bao Công nhảy đến đạp Quách Hòe một đạp té nhào xuống đất, rồi thộp ngực dẫn đến trước pháp đường.
Quách Hòe nổi giận, mắng lớn:
- Bao Chuẩn? Ngươi làm quan đến bực ấy mà không kể phép tắc, lại ngang ngược như vậy. Ngươi không thấy quyền thế của ta bấy lâu sao? Từ Thiên Tử cho đến văn võ bá quan không ai dám khi dễ ta chút nào. Nay ngươi làm vậy thiệt là chẳng kiêng Thái Hậu và không kể gì đến Thánh Hoàng nữa.
Bao Công nạt lớn:
- Loài súc sanh! Ngươi đã toan mưu hại ấu chúa, đốt Bích Vân cung, làm cho mẹ một nơi, con một ngả. Ngươi tưởng việc ấy dấu mãi được sao. Nay ta đã phát hiện ra rồi thì không lẽ ngươi trốn đâu cho khỏi. Vậy ngươi phải mau mau khai thiệt ra, nếu còn dấu diếm thì không khỏi bị tra tấn.
Quách Hòe nói:
- Nếu nói như vậy thật là dại dột lắm. Vả chăng đời nay chẳng thiếu chi người gian trá, sao ngươi lại nghe lời một mụ ăn mày mà không suy xét, làm cho xáo trộn trong triều đình. Có phải là ngươi đem dạ bất nhân, vu oan giá họa cho người lành hay không?
Bao Công nói:
- Quách Hòe! Ngươi đừng già mồm, nếu ngươi nói việc ấy không có, tại sao Lưu Thái Hậu còn lo lót cho Vương Bỉnh để làm kế tra khảo thế cho ngươi vậy? Còn nếu ngươi người đàn bà ấy là mụ ăn mày không dính líu gì, tại sao biết bàn tay, bàn chân của Thánh Thượng có chữ SƠN HÀ XÃ TẮC. Ta cũng biết ngươi muốn liều mạng già để che dấu nhưng không thể dấu nổi đâu.
Nói rồi liền khiến quân đè Quách Hòe xuống mà khảo tra một cách nặng nề.
Quách Hòe vì có gan dạ và sức mạnh nên khảo tra mấy cũng không chịu khai.
Bao Công thấy tra khảo đến nước mà Quách Hòe vẫn không chịu khai thì nghĩ thầm:
- Thuở nay ta tra tấn cũng nhiều lắm, nhưng chưa thấy ai gan dạ như vậy.
Liền nói với Quách Hòe:
- Nếu bây giờ ngươi không chịu cung khai thì ngày sau thác xuống âm phủ ngươi cũng không thể dấu được. Vậy ngươi hãy khai phứt đi cho xong để tránh khỏi đau đớn.
Quách Hòe nói:
- Thà đến chừng chết xuống âm phủ thì ta cung khai còn bây giờ trước mặt ngươi ta không thèm khai gì hết.
Bao Công nghe nói nghĩ thầm:
- Như vậy là nó có ý khinh dễ và chống đối ta nên mới có thái độ như vậy. Thôi để ta lập kế khác mà tra khảo nó xem sao.
Nghĩ như vậy liền khiến quân dẫn Quách Hòe vào thiên lao mà giam lại.
Lúc ấy Quách Hòe bị tra khảo đau đớn lắm, nên trong mình mê man, ăn ngủ không được.
Bao Công lui vào hậu đường nghĩ thầm:
-" Quách Hòe đợi đến lúc chết xuống âm phủ mới chịu cung khai, vậy ta phải tương kế tựu kế mà tâu cùng Thánh Thượng hay, đặng xin thiết lập một cảnh âm phủ tại nơi Ngự Huê viên, chờ đến lúc nửa đêm bắt Quách Hòe đến đó mà tra khảo thì chắc nó phải chịu cung khai. Song việc này phải rất kín đáo, đừng cho ai biết thì mới nên việc".
Nghĩ rồi vào tâu với Thiên Tử, xong âm thầm trở về dinh.
Đêm ấy, vào lúc canh ba, Thiên Tử, Bao Công và mấy người nội thị đến thay đổi y phục, vẽ mặt, vẽ mày giả dạng y theo cảnh âm phủ. Thiên Tử ngồi giữa mà làm Diêm vương,
Bao Công làm Phán quan ngồi một bên để chép lời cung, còn quân sĩ thì đứng hầu hai bên giả làm quỷ sứ.
Đêm ấy, Quách Hòe nằm trong thiên lao, tinh thần mỏi mệt, nửa tỉnh, nửa mê, thì có bốn người hình dung cổ quái, tướng mạo dị kỳ, đầu trâu mặt ngựa dường như quỷ sứ dưới âm ty, đến bắt Quách Hòe trói lại, khiêng vào Ngự Huê viên.
Đến nơi, Quách Hòe nghe tiếng rên la thảm thiết, bèn mở mắt ra xem, thấy có một người dữ tợn đứng giữ cửa nạt lớn:
- Chỗ này là Quỷ môn quan, không ai được đến đây.
Bọn quỷ sứ khiêng Quách Hòe nói:
- Thằng này là Quách Hòe, ở trên dương gian có tội rất lớn, nên chúng tôi vâng lệnh Diêm vương bắt nó đến cho Diêm vương tra khảo.
Quỷ giữ cửa nói:
- Đã có lệnh Diêm vương thì khiêng nó vào.
Quách Hòe nghe hai đàng nói như vậy thì nghĩ rằng:
- Té ra hồn ta đã xuống Diêm la rồi, còn gì nữa đâu?
Các quỷ ấy khiêng đi một lúc nữa thì lại nghe tiếng than khóc om sòm, chiêng khua rổn rảng. Quách Hòe đinh ninh là mình đã chết xuống Âm phủ rồi, nên chỉ biết thở dài.
Đến chừng khiêng tới một chỗ điện các thì các quỷ bỏ Quách Hòe xuống đất mà nói:
- Đã tới Diêm la điện rồi, hãy quỳ xuống mà hầu tra.
Quách Hòe nhướn mắt lên xem thì thấy đèn đuốc leo lét trên ngai có một vị Diêm vương ngồi giữa, hai bên có ngưu đầu mã diện đứng hầu thì cả kinh không dám nhìn, cứ dập đầu mà xin tha tội.
Thiên Tử nạt lớn:
- Quách Hòe, khi ngươi ở dương thế đem lòng bạc ác làm việc khi quân như vậy, bây giờ xuống đây ngươi đã biết xét tội mình chưa?
Quách Hòe không biết nói lời nào, cứ lạy lục mà xin tha.
Thiên Tử nạt:.
- Vả Tống đế là chơn mạng Thiên Tử mà ngươi dám cả gan toan mưu hãm hại, lại phóng lửa đốt Bích Vân cung, chút nữa thì nghiệp Tống đã không còn. Tội lỗi của ngươi như vậy đó bây giờ ngươi đã chịu án hay chưa?
Nói rồi liền khiến quỷ sứ khiêng Quách Hòe bỏ vào vạt dầu.
Quỷ sứ tuân lệnh vừa muốn ra tay thì Quách Hòe la lớn:
- Xin Diêm vương dung tha, để tôi xin khai sự thật.
Tiếp đó, Quách Hòe khai:
- Khi tôi vâng lời Lưu Thái Hậu mà làm việc ấy thì cũng bởi tham cuộc giàu sang và cũng nhơn dịp Tiên đế ngự thân chinh nữa. Nguyên khi ấy Chánh hậu sanh đặng công chúa, còn Lý Thần Phi sanh đặng hoàng nam, cho nên nương nương đem lòng đố kỵ, e đến khi Tiên đế ban sư hồi trào thì Lý Thần Phi sanh đặng hoàng nam thì đem lòng yêu dấu chăng? Cho nên người nằng nặc quyết một, toan mưu mà cho đặng mẹ con Lý Thần Phi, Người mới khiến tôi liệu định cơ mưu mà lo việc ấy. Xin Diêm vương xét lại cho tôi nhờ. Vả tôi đã làm thân nô tì, lẽ nào lại không hết lòng hết sức mà làm cho vừa ý người sao. Lúc ấy cực chẳng đã tôi phải lập mưu mà khiến nương nương đến Bích Vân cung mà nói công chúa thiếu sữa, đặng có nhơn dịp ấy mời Lý Thần Phi đem Thái Tử đến Chiêu Dương cung, toan mưu giết mèo mà tráo. Khi Lý Thần Phi còn đang yến ẩm thì tôi đem mèo ấy qua Bích Vân cung, giao cho cung nữ mà nói: Thái tử đang an giấc, chẳng nên dở ra mà làm mất giấc ngủ. Vì vậy cung nữ vâng lời không dám dở ra xem. Đến chừng Lý Thần Phi trở về cung thì Lưu nương nương lại sai người thiêu hủy cung đình, đặng làm cho biệt tích. Khi ấy tôi với Lưu nương nương cũng ngỡ là Lý Thần Phi đã chết thiêu trong cung ấy rồi. Qua đến canh năm, Lưu nương nương lại sai cung nữ là Khấu Ngự Thừa bồng Thái tử ra Ngự Huê viên mà bỏ xuống Kim thủy trì. Không dè Khấu Ngự Thừa lại có lòng nhân ái, mách bảo cho Lý Thần Phi tẩu thoát, lại dấu Thái tử nơi nào không biết, rồi nhảy xuống Kim thủy trì mà liều mình. Lúc ấy cung nữ bị thiêu chết hơn một trăm người, cho nên Lưu nương nương ngỡ là Lý Thần Phi cũng chết trong đám lửa ấy rồi. Từ ấy đến nay đã gần hai mươi năm thì cũng biệt tăm biệt tích, cho nên Lưu nương nương không còn lo tới việc ấy nữa. Bây giờ thì tôi mới biết Tống Thiên Tử không phải là con Địch Thái Hậu, mà thiệt là con của Lý Thần Phi ngày trước mà Khấu Ngự Thừa đem giao lại cho Trần Lâm. Trần Lâm lại đem giao lại cho Địch Thái Hậu bảo dưỡng. Đến chừng Tiên đế ban sư hồi trào, hay được Lý Thần Phi và Thái tử đều bị chết thiêu nên đem lòng thương xót. Lúc ấy, Tiên đế đã sợ không người kế vị nên lập con của Địch Thái Hậu làm Đông cung Thái tử. Bây giờ lây việc ấy duy có một mình Địch Thái Hậu và Trần Lâm hiểu rõ cơ mưu của tôi mà thôi. Xin Diêm vương xét lại việc ấy; cực chẳng đã tôi mới phải làm.
Lúc ấy Bao Công ngồi làm Phán quan ghi hết các lời cung khai của Quách Hòe. Thiên Tử rơi lệ dầm dề nghĩ thầm:
- "Nếu vậy thì mẹ ta chịu lao khổ hơn mười tám năm trời, còn ta thì uy nghi sung sướng như vầy, thật cũng là bất hiếu lắm".
Nghĩ như vậy liền khiển quân đem Quách Hòe giam vào thiên lao, rồi nói với Bao Công:
- Trẫm cũng nhờ khanh nên mới minh bạch oan tình mẫu hậu, song trẫm nghĩ đến việc ấy thì lại càng hổ thẹn lắm, Vì trẫm làm đến Thiên Tử mà mẫu hậu bị cực khổ như vậy..
Bao Công tâu:
- Lý Thái hậu bị gian lao khổ cực là do Lưu Thái Hậu đem lòng ganh ty, vả Quách Hòe sắp đặt gian mưu. Còn Bệ hạ lúc ấy thì còn thơ ấu, biết đâu dược chuyện đó. Bây giờ Quách Hòe đã cung khai như vậy rồi, xin Bệ hạ hỏi lại Trần Lâm, cớ gì đã dấu được Thái tử, mà khi Tiên đế hồi trào lại không tấu trình cho Tiên đế biết.
Thiên Tử nói:
- Lời ấy rất vừa ý trẫm.
Bèn khiến nội thị đem y phục mà thay đổi, rồi trở về cung mà yến ẩm với Bao Công.
Khi quân sĩ đem Quách Hòe về đến thiên lao thì Quách Hòe nghĩ thầm:
- Thế là mình đã mắc mưu Bao Công rồi.
Nhưng khi biết được thì đã muộn, chỉ còn buồn bã mất ăn, mất ngủ đến nỗi xanh xao không khác gì người đau nặng.
Lúc này Thiên Tử sai nội thị đến Nam Thanh cung đòi Trần Lâm vào triều kiến.
Nguyên Trần Lâm từ ngày cứu được Thái tử thì Địch Thái Hậu cho chức an nhàn không sai khiến đến nữa. Lúc ấy Trần Lâm đã 92 tuổi, đầu bạc như bông mà khí lực còn mạnh lắm. Khi Thánh chỉ tuyên triệu thì Trần Lâm cũng không biết có việc gì, nên vội vã đến nơi.
Thiên Tử thấy Trần Lâm liền hỏi:
- Lúc trước Khấu Ngự Thừa giao Thái tử cho ngươi, đến lúc Tiên Đế hồi trào tại sao ngươi không tâu lại? Bây giờ Thái tử ở đâu? Người phải thực thà mà khai ngay đi.
Trần Lâm nghe Thiên Tử hỏi vậy thì thất kinh nghĩ thầm:
- Lạ thật! Sao Thiên Tử biết được việc này mà tra hỏi. Bây giờ biết liệu làm sao? Nếu cứ sự thật khai ngay thì ta với Địch Thái Hậu cũng không khỏi tội yểm án.
Bao Công thấy Trần Lâm đang suy nghĩ thì hiểu ý nên nói:
- Việc ly miêu hoán chúa, thiêu hủy Bích Vân cung thì Quách Hòe đã chịu án rồi, cho nên Thánh Thượng triệu công công đến mà đối chứng, chớ công công là người vô tội, có hề chi mà sợ.
Trần Lâm nghe Bao Công nói như vậy thì an lòng tâu:
- Nguyên năm ấy tôi vâng lệnh Bác Hiền Vương vào ngự huê viên mà hái hoa. Đến nơi thì thấy Khấu Ngự Thừa bồng Thái tử ngồi gần Kim thủy trì mà khóc, tôi mới gạn hỏi sự tình biết được Lưu Thái Hậu đem lòng đố kỵ, muốn hại Thái tử và Lý Thần Phi. Khi ấy tôi mới giấu Thái tử vào giỏ: hoa đem về Nam Thanh cung mà thuật lại cho Bác Hiền vương nghe. Lúc ấy Bác Hiền Vương nửa mừng nửa sợ bèn khiến Địch Thái Hậu cứ việc bảo dưỡng, đặng chờ Tiên đế hồi trào thì sẽ tâu trình. Té ra Tiên đế chưa kịp ban sư thì Bác Hiền vương đã tạ thế rồi. Vì vậy nên Địch Thái Hậu sợ oai quyền của Lưu Thái Hậu không dám cáo thú chuyện đó.
Thiên Tử hỏi:
- Vậy chớ Địch Thái Hậu đã bảo dưỡng Thái tử ấy bấy lâu bây giờ Thái tử ấy ở đâu?
Trần Lâm tâu:
- Thái tử là Bệ hạ đó.
Thiên Tử nói:
- Nếu vậy trẫm đây không phải là con của Địch Thái Hậu sao?
Trần Lâm tâu:
- Không phải! Bệ hạ thật là con của Lý nương nương.
Thiên Tử nói:.
- Khanh thiệt là trung nghĩa, đáng khen lắm. Rồi đó trẫm sẽ phong thưởng để đền ơn.
Nói rồi khiến người đưa Trần Lâm trở về Nam Thanh cung.
Hôm sau, Thiên Tử truyền cho nội thị và các quan nhứt phẩm đều phải tùy giá qua Trần Châu mà nghênh tiếp Thái Hậu.
Còn Trần Lâm về đến Nam Thanh cung thì thuật hết việc cho Địch Thái Hậu nghe. Địch Thái Hậu mừng cho Lý Thần Phi còn ở dương thế mà mẹ được gặp con.
Chừng ấy Lộ Huê vương mới biết Thái tử không phải anh ruột mình.
Bấy giờ Lưu Thái Hậu hay công chuyện xảy ra như vậy nên lo lắng không yên, xảy có nội giám vào tâu:
- Nương nương đã mang khốn rồi. Nay tôi đã thám thính rõ ràng Thiên Tử tra được án ly miêu hoán chúa vì Quách công công và Trần công công đều khai cặn kẽ. Bây giờ Thiên Tử đã truyền dọn xa giá ra Trần Châu mà nghênh tiếp Lý Thái Hậu
Lưu Thái Hậu nghe báo than:
- Không biết vì cớ gì mà Bao Chuẩn oán thù với ta như vậy cứ mong lòng tra cho ra án đặng mà hãm hại Quách Hòe. Bây giờ phần ta là đích mẫu, thì không lẽ Vương nhi đành lòng làm tội, song e Quách Hòe không khỏi bị tội lăng trì. Tuy ta khỏi bị tội mặc lòng, song mặt mũi nào dám ngó Lý Thần Phi nữa. Thôi, chẳng thà liều thác phứt cho rồi, chớ sống đây thì càng hổ thẹn lắm.
Nghĩ như vậy bèn đóng cửa cung tự vận.
Lời bàn.
Mỗi người có một cuộc đời, trong thời gian hình thành cuộc đời ấy chứa chất không biết bao nhiêu kỷ niệm đau buồn sướng khổ. Ai cũng muốn vươn lên để tranh đoạt hưởng thụ, vì vậy tạo ra những hận thù, bất công, độc ác. Cuối cùng cũng đến chỗ hủy diệt theo luật thiên nhiên mà thôi. Cái giá trị nhất trong cuộc sống là không để cho mình phải ân hận trước lúc tạ thế.
Lưu Thái Hậu chỉ vì ganh ty một lúc mà có những hành động phi nhân, dù cho sống trong cao sang, quyền quý đến đâu mà trước lúc lâm chung bị hối hận, đau khổ, thấy mình không xứng đáng làm người thì điều đó không bằng sống bình thường mà đến lúc tạ thế vẫn thấy tâm hồn mình vui vẻ không làm điều gì tội lỗi trong cuộc sống.
Lời xưa có nói: Đánh giá một con người, một cuộc sống chỉ chờ lúc họ tắt tở mới biết được cuộc đời và giá trị con người ấy ra sao. Kẻ có tâm niệm làm người thì trong lúc sống mỗi hành động phải kiểm điểm, cân nhắc trước khi hành động, không nên làm bừa vì tham vọng để rồi hối hận khi sắp rời cõi sống.
Vạn Huê Lầu Diễn Nghĩa Vạn Huê Lầu Diễn Nghĩa - Khuyết Danh