Ngục Thánh epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Quyển 2 - Chương 6: Khách Không Mời
ó là một buổi chiều hoàng hôn. Thảm cỏ nhuộm vàng nắng, in bóng từng đôi nam nữ. Những mối tình chớm nở tỏa hương theo gió thổi tới một ô cửa sổ, luồn qua song sắt rồi dừng lại trước mái tóc đỏ.
Lòng người lạnh.
Những đôi nam nữ tựa vai nhau, thủ thỉ cho nhau nghe những lời nồng ấm. Ánh tà dương như mật ngọt chảy trên một ô cửa sổ, thấm đượm song sắt rồi dừng lại trước mái tóc đỏ.
Người cô quạnh.
Mái tóc đỏ phất phơ sau song sắt. Ô cửa sổ nhỏ hẹp. Mái tóc đỏ ở đó, trong bóng tối. Không rõ mặt, không rõ người, không rõ cả ánh mắt. Tâm hồn đã hoen rỉ. Trái tim đã rữa nát. Mái tóc đỏ thấy mình không giống người. Hắn tự thấy mình chỉ là một màu đỏ.
-Cậu vẫn là con người!
Giọng nói bông đùa pha chút châm chọc. Tóc đỏ quay sang, nhận ra đó là một thành viên Thổ Hành. Gã chìa tay ra nhưng tóc đỏ làm ngơ. Gã cười:
-Cậu không thích tôi? Vậy chúng ta bắt tay nhau sau!
Gã bước tới bên Vô Phong, đoạn ghé đầu hỏi nhỏ:
-Cậu thấy gì, Phong?
Tóc đỏ chẳng buồn đáp. Người kia cười, sau tự trả lời:
-Tình yêu, đúng không?
Tóc đỏ im lặng. Bóng tối im lặng. Người kia tiếp lời:
-Nghe đội trưởng nói cậu mới hai mươi tuổi.
-Tuổi tác liên quan gì?
Người nọ vỗ tay:
-Tưởng im lặng mãi chứ? Chịu mở miệng rồi hả? Đó, khi cậu nói được, cậu vẫn là con người!
Tóc đỏ lại quay về ô cửa sổ. Người kia đi quanh hắn, bước chân khiêu vũ cùng bóng tối:
-Trong đầu gã trai hai mươi tuổi chỉ có hai chữ: tình yêu. Chẳng có gì khiến họ quan tâm hơn nó. Những gã trai trẻ luôn phát điên về những chủ đề liên quan tới phụ nữ. Đúng không?
Gã nhún nhảy lắc lư theo một điệu nhạc. Đôi tay gã rờ rẫm song sắt như muốn bứt chúng ra:
-Chuyện bình thường. Không cần giấu giếm! Những gã trai bằng tuổi cậu đều vậy cả. Phần vì nhu cầu sinh lý. Phần vì…
Người đó bỏ lửng câu nói. Mái tóc đỏ bị thu hút, hơi ngọ ngoạy đôi chút rồi hỏi:
-Vì cái gì?
Gã đứng chắn cửa sổ, mặt đối mặt với mái tóc đỏ:
-Trái tim. Trái tim chia thành hai cánh cửa. Một bên là thiên đường, một bên là địa ngục. Tình yêu là thứ mở cả hai cánh cửa đó.
Gã ngó nghiêng mái tóc đỏ đoạn trêu chọc:
-Có ghen tỵ với những con người ngoài kia không? Họ có tình yêu. Cậu không có. Cậu vẫn chỉ là tóc đỏ.
Tóc đỏ lặng lẽ bỏ đi. Người kia bỗng nói với:
-Cậu yêu ai chưa?
*
* *
Vô Phong giật mình tỉnh giấc, đầu đau như búa bổ, khắp người đau nhức như vừa trải qua trận kịch chiến. Hắn nhớ mình đã chạy vào nhà vệ sinh, nôn ọe hàng tá thứ nhão nhoẹt xuống bồn cầu, những gì xảy ra tiếp theo thì hắn không rõ. Chợt có tiếng ngáy pho pho vang lên, tên tóc đỏ chợt thấy Hỏa Nghi nằm chình ình một đống ngay bên cạnh, người nồng nặc mùi rượu. Vậy chỗ khỉ nào đây? Tên tóc đỏ nheo mắt nhìn ngó xung quanh. Đầu óc còn lảng vảng hơi men nên mất một lúc lâu hắn mới nhận ra mình đang nằm trên gác xép ở nhà Bất Vọng. Dù sao ông già ống khói chưa hẹp hòi đến mức để hai thằng thanh niên say bí tỉ ngủ ngoài quán nhậu.
Đầu bớt đau, Vô Phong ngẫm lại giấc mơ ban nãy. Kỳ thực hắn chẳng nhớ gì nhiều ngoài những khối màu đen đỏ lộn xộn. Tuy nhiên Vô Phong dám chắc điệu khiêu vũ kỳ lạ của kẻ lạ mặt trong giấc mơ rất quen thuộc. Nó giống Tiếu – gã vũ công điên khùng mà hắn từng giáp mặt ở Vinh Môn quốc. Chẳng lẽ đó thật sự là Tiếu? Mái tóc đỏ kia là hắn hay ai khác? Tại sao lại có cuộc đối thoại kỳ lạ đó? Hàng trăm câu hỏi dồn đến và hắn chỉ biết đưa tay rờ rẫm đỉnh đầu như tìm kiếm câu trả lời. Mỗi khi những mẩu ký ức vụn vặn xuất hiện, hắn lại muốn thọc tay qua da đầu rồi lôi con nhện ra khỏi bộ não.
Dưới nhà vọng âm thanh rền rĩ sặc mùi kim loại. Vô Phong dỏng tai nghe ngóng đoạn bước xuống cầu thang, hắn thấy Thanh Nhi đang bận rộn với đống máy móc phức tạp. Cô gái đeo kính bảo hộ, tay đeo găng sờn rách đặt một thanh kim loại đỏ lửa vào giữa hai bản thép của một cỗ máy. Động cơ máy rì rì chạy, hai bản thép liên tục ép chặt, các ống xả xì hơi lạnh làm nhiệt độ giảm nhanh chóng, thanh kim loại bị tán mỏng và chuyển màu xám. Thanh Nhi gõ nhẹ lên nó thì phát ra tiếng ngân như chuông đồng. Vô Phong từng xem Hỏa Nghi chế tạo kiếm nên biết rõ để tạo ra thứ hợp kim như thế cần sự kiên trì phi thường lẫn tài năng hơn người. Nhưng có vẻ Thanh Nhi không hài lòng. Cô gái quẳng thanh kim loại vào sọt rác, gương mặt lộ rõ sự chán nản. Bỗng trông thấy tên tóc đỏ, cô nàng cười:
-Mới dậy hả?
Vô Phong nhăn răng cười. Hắn bước tới ngắm nghía cỗ máy rồi hỏi cô gái:
-Cô… là thợ rèn kiếm “tân kỳ”, phải không?
Thanh Nhi gật đầu xác nhận. Thế giới của thợ rèn kiếm hiện nay chia thành hai hướng “truyền thống” và “tân kỳ”. Nhánh truyền thống vẫn trung thành với chiếc búa nặng nề, số này rất ít vì hầu hết đã chuyển sang nhánh tân kỳ. Thợ rèn tân kỳ chủ yếu dựa vào máy móc, quy trình sản xuất được đơn giản hóa tối đa nên năng suất cao gấp nhiều lần kiểu rèn truyền thống. Đại đa số mẫu kiếm trong cuốn Thiên kiếm tịch – bách khoa toàn thư về kiếm thuộc về phái tân kỳ. Do đó đẳng cấp thợ rèn quyết định ở khả năng thiết kế bộ thu – phát nội lực(*) và cách thức pha chế nguyên liệu cấu thành lưỡi kiếm. Nếu thay đổi tỉ lệ sẽ cho ra hai thanh kiếm khác biệt dù chung nguồn nguyên liệu.
Vô Phong kiểm tra thanh kim loại vừa bị vứt bỏ. Bề mặt rất nhẵn, lưỡi bén khôn tả mà lại cực kỳ nhẹ; hắn gõ thanh kim loại, âm thanh thánh thót như tiếng nhạc quyến rũ ve vãn màng nhĩ. Vứt bỏ nó thực quá phí phạm! – Tên tóc đỏ ngắm nghía và không ngừng xuýt xoa:
-Sẽ là một thanh kiếm tuyệt hảo! Sao cô vứt bỏ nó?
-Vì không đúng loại âm thanh tôi cần. – Thanh Nhi trả lời – Nó phải có tiếng giống chim hót mới đúng. Âm thanh rất quan trọng, độ ngân của kim loại sẽ cho biết nó phù hợp loại bí kỹ nào.
-Bí kỹ là cái gì? – Vô Phong nheo mắt.
-Là cách thức sử dụng nội lực thay đổi thế giới vật chất. Anh sử dụng kiếm mà không biết vấn đề này à?
-Sao cô biết tôi dùng kiếm?
-Bàn tay của anh. – Thanh Nhi chỉ trỏ.
Vô Phong ngó xuống mới để ý bàn tay mình đầy vết chai cứng – sản phẩm từ những ngày khổ luyện bộ kiếm thuật Thiết. Hắn thầm khen cô gái quan sát nhanh nhạy rồi nhăn răng cười lần hai:
-Tôi chưa học cái đó. Mà ai dạy cô đúc kiếm vậy?
-Cha đẻ tôi.
Dứt lời, Thanh Nhi bước vào phòng thờ, chắp tay cúi đầu trước di ảnh. Vô Phong chỉ đứng từ xa chứ không dám bén mảng vì sợ Oán Hồn Dạ Hỏa xuất hiện. Hành lễ xong, Thanh Nhi đem đĩa bánh kẹo hoa quả ra mời tên tóc đỏ nhưng hắn từ chối. Cô gái phì cười:
-Hương cháy hết rồi, anh có thể ăn thoải mái!
Vô Phong tần ngần dù cái bụng rỗng đang biểu tình nhiệt liệt. Hắn quyết định chờ đợi ai đó làm chuột bạch ăn trước, nếu không vấn đề thì hắn “khợp” sau. Thanh Nhi cũng chẳng ép, nàng bước ra ngoài cửa, tay cầm một xấp giấy nhiều màu. Tính tò mò trỗi dậy, Vô Phong liền đi theo để xem cô gái định làm gì với tập giấy đó.
Bầu trời chuyển màu tím thẫm từ lâu, thành phố Cửu Long bắt đầu sáng đèn, về đêm lại càng thêm lung lệ. Nhưng màn đêm ở quận 4 chẳng khác nào vết mực loang làm hỏng một bức tranh vốn đã xấu xí. Không gian vẩn đục, chút nắng tàn leo lắt trên hành lang vắng lặng. Người dân đi nghỉ dành sức làm việc ca tối, đám gái điếm cũng tranh thủ vạ vật ngay tại hành lang. Thanh Nhi châm mồi lửa, chậm rãi đốt từng mảnh giấy màu vàng tô vẽ hình Vạn Thế và mảnh giấy đỏ vẽ nữ thần tiên tri; lẫn trong số đó là những tập tiền giả. Cô gái nheo mắt vì hơi nóng phả mặt, miệng liên tục lầm rầm cầu khẩn. Lửa bốc cao, tro tàn bay bay tô vẽ nguệch ngoạc vào khung cảnh ảm đạm. Vô Phong sinh hiếu kỳ liền hỏi:
-Cô đốt cái gì thế?
-“Vàng mã” – đồ dành cho người chết. Hôm nay là ngày giỗ của cha mẹ tôi, họ chết cùng ngày. Họ sẽ đem lòng thành của chúng tôi tới nữ thần tiên tri. Nhờ thế, chúng tôi được phù hộ.
Vô Phong lập tức hiểu ngay mớ tiền giả kia là “lòng thành”. Tên tóc đỏ ém miệng cười vì chợt nhớ vị nữ thần ngủ quanh năm suốt tháng, mỗi lần bật dậy chỉ thều thào vài câu sấm truyền sau lại ngủ tiếp. Dù không biết nữ thần quảng đại tới đâu nhưng hắn dám chắc nàng ta chẳng biết tiền bạc là gì chứ đừng nói lòng thành từ thế gian. Linh hồn ở Tụ Hồn Hải còn vất vưởng chờ đợi siêu thoát, lấy đâu thời gian bận tâm thứ vàng mã khỉ gió kia? Vô Phong nghĩ Thánh Vực nên tổ chức đưa dân xứ này đến đất thánh vài chuyến để bớt làm mấy chuyện vô nghĩa. Tuy nhiên tập tục tín ngưỡng là chủ đề nhạy cảm, tên tóc đỏ không dám đả động mà chỉ hỏi:
-Làm thế này, cha mẹ cô sẽ sớm siêu thoát phải không?
Thanh Nhi gật đầu:
-Đúng, và họ sẽ phù hộ cho tôi và cha nuôi.
Tên tóc đỏ ngây mặt trước câu trả lời ấy. Siêu thoát đồng nghĩa linh hồn trở thành một phần của tự nhiên, cớ sao còn phù hộ người sống? Hắn thắc mắc thì Thanh Nhi trả lời:
-Cha mẹ tôi sẽ chuyển sang thế giới khác, một cuộc sống mới. Sống ở đâu cũng cần tiền cả.
-Giả sử là thế, vậy họ đâu biết chúng ta sống ra sao mà phù hộ?
-Có, họ biết. Họ tồn tại quanh đây, ngay cạnh chúng ta.
Vô Phong dáo dác nhìn quanh nhưng chẳng nhìn ra mối liên hệ nào giữa cuộc sống thực tại với thế giới vô hình kia. Có lẽ nó quá sâu xa và Vô Phong không đủ khả năng thấu triệt, bất quá hắn lờ mờ cảm nhận được sự tồn tại của người chết ám ảnh dân chúng xứ sở này ra sao. Dù gì quan niệm sống mỗi nơi mỗi khác, tên tóc đỏ thôi bàn luận chuyện hồn ma bóng quế mà đổi chủ đề:
-Tôi muốn hỏi vài chuyện hơi riêng tư, cô không phiền chứ?
-Còn phải xem anh hỏi gì mới được. – Thanh Nhi nói.
-Cha đẻ của cô là thợ đúc kiếm, tại sao lại tính chuyện kinh doanh?
Tuy đã chuẩn bị tâm lý song Thanh Nhi vẫn cảm thấy khó chịu. Nhiều năm qua nàng không hề nhắc tới cha đẻ trước mặt người khác, kể cả Bất Vọng. Cô gái trông thấy hình ảnh quá khứ đang hiển hiện cùng ánh lửa nhập nhòa tro tàn. Nói thì buồn, không nói càng thêm buồn, rốt cục Thanh Nhi cũng kể chuyện:
-Ông ấy muốn tạo dựng một cửa hàng riêng chuyên bán kiếm. Xa hơn nữa, ông ấy dự định thành lập một tập đoàn gồm nhiều thợ rèn xuất sắc, sau đó cung cấp cho kiếm sĩ và kiếm thuật sư trong nước.
Trước đây kiếm sĩ và kiếm thuật sư chỉ có thể mua vũ khí từ những công xưởng quân sự do chính phủ quản lý, mọi hoạt động giao dịch đều bị kiểm soát. Thời đại đổi thay, các chiến binh ảnh hưởng tới xã hội ngày càng sâu sắc và được thừa nhận là một nghề nghiệp, kiếm trở thành mặt hàng buôn bán hoặc trao đổi. Nhiều thợ rèn tách khỏi công xưởng rồi mở cửa tiệm riêng, hàng trăm tập đoàn sản xuất kiếm ra đời. Giới chiến binh ưa chuộng sản phẩm từ tư nhân hơn vì thợ rèn được thỏa sức sáng tạo, thử nghiệm vật liệu trong khi điều này bị hạn chế ở công xưởng. Tuy nhiên ở Xích Quỷ, khối tư nhân hoàn toàn bị cấm. Thanh Nhi là một thợ rèn “chui”, nếu bị phát hiện, cô gái sẽ phải lãnh án mười năm tù.
-Kiếm đem lại lợi nhuận rất lớn… – Thanh Nhi kể tiếp – Chi phí đặt hàng rèn kiếm khá đắt, chưa kể bảo dưỡng định kỳ hoặc nâng cấp. Vài nhóm người trong chính quyền không muốn chia sẻ lợi ích, họ ra luật ngăn cấm thợ rèn hành nghề tự do.
-Và kế hoạch của cha cô thất bại? – Vô Phong hỏi.
-Không hẳn. Đặc khu Cửu Long có vài luật lệ riêng không liên quan tới Xích Quỷ. Cha tôi đã bỏ rất nhiều tiền để sở hữu giấy phép kinh doanh. Cuối cùng ông cũng mở cửa tiệm đầu tiên, nhưng… không kiếm sĩ hay kiếm thuật sư nào mua cả. Cửa tiệm phá sản sau một năm.
Vô Phong thực không tin nổi vào tai mình. Kỹ thuật đúc kiếm xuất sắc của Thanh Nhi vốn do người cha truyền dạy, thế nên không thể có chuyện ông ta là thợ rèn lởm khởm. Tất nhiên vẫn có chuyện trò vượt thầy, nhưng nguyên nhân trên thật khó chấp nhận. Trông vẻ mặt ngơ ngác của hắn, Thanh Nhi cười:
-Là thật đấy! Không một ai mua cả.
-Tại sao?
-Tất cả kiếm sĩ và kiếm thuật sư Xích Quỷ đều sử dụng kiếm nhập từ nước ngoài như Phi Thiên, Băng Hóa, Diệp quốc. Họ không tin cha tôi có thể tạo ra một thanh kiếm ngang tầm với thợ rèn ngoại quốc. Ông đã giới thiệu đến rất nhiều kiếm sĩ song họ đều từ chối sử dụng. Thật ra thì có vài kiếm sĩ, kiếm thuật sư nước ngoài đặt hàng. Cha tôi đã chế tạo những thanh kiếm kỳ lạ, vài mẫu không thể gọi là “kiếm”. Đáng tiếc là lợi nhuận không thể bù đắp chi phí bỏ ra.
-Nhưng cha cô thực sự giỏi! Người nước ngoài quan tâm đấy như, sao người trong nước không dùng?
Thanh Nhi lắc đầu:
-Giả sử cha tôi mang quốc tịch khác, hẳn sẽ rất nhiều người đặt hàng. Vấn đề ở chỗ ông là người Xích Quỷ, người Xích Quỷ không tin người Xích Quỷ, vậy đó!
-Đáng lẽ cha cô nên gửi sản phẩm đến hội đồng xét duyệt quốc tế, biết đâu sẽ có mẫu được lưu danh trong Thiên kiếm tịch?
Giới thợ rèn luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Thiên kiếm tịch. Cuốn bách khoa là con đường ngắn nhất giúp một thợ rèn trở nên nổi tiếng. Tuy hội đồng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe nhưng với thợ rèn tài năng, muốn có tên trong cuốn bách khoa không phải chuyện quá khó. Phiền nỗi số phận không hề ưu ái cha đẻ Thanh Nhi. Cô gái lắc đầu cười nhạt thếch:
-Cha tôi không thể gửi thẳng đến hội đồng xét duyệt mà phải thông qua một ủy ban trong nước. Ủy ban yêu cầu cung cấp công thức song ông không chịu. Kết quả là họ gạt mẫu kiếm của ông ra khỏi danh sách. Nực cười là những mẫu họ chọn chưa bao giờ qua được vòng sơ khảo của hội đồng quốc tế.
Giọng điệu của Thanh Nhi năm phần chua chát năm phần mỉa mai. Rõ ràng cô gái đã bất mãn quá lâu, có điều nàng chỉ biết cam chịu chấp nhận thực tế. Thanh Nhi tiếp lời:
-Giấc mơ là trò lố bịch khi nó không thỏa mãn người khác. Cha tôi thiếu tất cả mọi thứ để hoàn thành giấc mơ. Tôi ước chi ông ấy sinh ra ở nơi khác, không phải mảnh đất này.
Vàng mã cháy hết, tro đen nổi những đường gân đỏ cháy nóng như cạn kiệt hơi thở. Vài mảnh tàn tích bay khỏi hành lang, gắng bay lên cao nhưng lại rơi xuống tầng đáy chung cư. Vô Phong nhận ra đôi mắt Thanh Nhi còn đầy nhiệt tâm kế thừa sự nghiệp của người cha. Đáng tiếc rằng lòng nhiệt tâm ấy đang tắt dần. Vô Phong tự nhiên nhớ lại chuyện về thằng nhóc Oa Lạc. Ít nhất thằng bé được sống nó muốn, nhưng Thanh Nhi thì không.
Thanh Nhi thu dọn đống tro rồi khoác áo đi làm, cô gái nói Vô Phong cứ tự nhiên như ở nhà. Bất quá căn hộ trống trơn và chẳng có gì thú vị, tên tóc đỏ đành ra ngoài hành lang, ngồi vắt vẻo trên lan can ngắm nhìn quang cảnh ủ dột. Nhìn đám gái điếm tựa vai nhau say ngủ, bọn bảo kê cởi trần úp báo lên mặt ngáy pho pho, hắn tự hỏi liệu đám cặn bã xã hội đó có mơ ước? Hay đã chết trong quận 4 – một nơi không có gió, chỉ một màu âm u, tường tróc sơn vây bốn bề ngăn không cho bất cứ thứ gì thoát ra ngoài? Có thứ gì đấy như bàn tay bóp chặt cổ, bóp đến khi những giấc mơ nhỏ nhoi vỡ vụn và phủ màu bi thảm lên bức tranh điêu tàn mục nát.
Tên tóc đỏ gãi đầu, bàn tay bất giác chạm vào chiếc dây buộc tóc. Hắn chợt nhớ lại cảnh công chúa đứng gần mình, tay vòng ra phía sau cột lại mái tóc đỏ. Ngay từ ngày đầu gặp Lục Châu, Vô Phong đã xác định mục tiêu sống và giấc mơ của mình. Nhưng từ cái đêm trong hang ở đất Thiên Phạn, hắn bỗng hiểu khi giấc mơ sụp đổ, sự thối rữa bắt đầu tàn phá tâm hồn. Thanh Nhi là ví dụ rõ ràng nhất. Giấc mơ là đồ bỏ khi nó không thỏa mãn người khác, giống thanh kim loại không đạt tiếng vang chuẩn như chim hót, giống cha Thanh Nhi – thất bại chỉ vì định kiến.
Ngay lúc này đây, Lục Châu đang làm gì? Liệu công chúa có dành chút thời gian nghĩ đến cái gã đang ngồi trên lan can, tay chống cằm tơ tưởng đến nàng? Tâm trạng Vô Phong mông lung, lúc bay trên cao, lúc là đà dưới nơi sâu tít. Phiền nỗi nhìn bản mặt gã tóc đỏ bây giờ, tất cả đều nghĩ tên này đương âm mưu chuyện xấu xa. Và một giọng nói cất lên nhằm thể hiện nỗi bức xúc với bản mặt khó ưa đó:
-Nghĩ nhiều thế? Lại “tông túa” à?
-Phải. – Vô Phong mơ màng – Là công chúa… nhưng sao cô biết, cô chưa từng gặp…
Mới đầu hắn nghĩ người nói là Thanh Nhi nhưng không phải. Trước mặt hắn là một cô gái, váy đỏ tươi xúng xính áo đen, tóc vàng cột một lọn dài vắt bên vai vui đùa cùng gương mặt ranh mãnh. Những ký ức hãi hùng về một con yêu tinh luôn hành hạ hắn khốn khổ khốn nạn bỗng chốc ùa về, tên tóc đỏ lắp bắp:
-Thú dữ… à nhầm… Tiểu… Tiểu Hồ, sao cô ở đây?
Tiểu Hồ đứng đó, tay chống nạnh, hàm răng trắng bóc kẻ một đường hiểm ác:
-Thì sao? Đồ cà tẩm!
(*) chú giải: bộ thu và bộ phát trong kiếm, đã từng đề cập ở phần 1. Dưới đây là trích đoạn:
Hỏa Nghi mở máy chiếu ba chiều, bản thiết kế thanh kiếm cùng hình ảnh mô phỏng hiện lên giữa không trung. Sau một hồi nghe giải thích, Vô Phong đã mở mang kiến thức rất nhiều. Kiếm không còn như tên gọi mà là một tổ hợp máy móc cực kỳ tinh vi. Một thanh kiếm có hai bộ phận chính: bộ chuyển hóa nội lực và bộ phát nội lực, gọi nôm na là “bộ thu” và “bộ phát”. Bộ thu là cán kiếm nơi bàn tay tiếp xúc, còn bộ phát chính là cấu tạo lưỡi kiếm.
Bộ phát nội lực muôn hình muôn vẻ, “thiết giáp hạm” và “cáo lửa” là ví dụ điển hình. Dưới kính hiển vi, bề mặt lưỡi đao “thiết giáp hạm” có rất nhiều lỗ nhỏ li ti nối với các vi mạch điện tử, nội lực theo vi mạch chạy qua các lỗ nhỏ và làm lạnh không khí tạo nên lớp băng bao phủ lưỡi đao. Đó là cơ chế hoạt động của Băng niệm. “Thiết giám hạm” thời cổ không có chi tiết này nhưng Hỏa Nghi đã cải tiến nó. Trong khi đó “cáo lửa” lại khác, bề mặt lưỡi kiếm gồm một rãnh chính chạy thẳng dọc và các rãnh phụ kế bên; nhờ thế nội lực di chuyển rất nhanh và có thể tạo Hỏa niệm ngay tức thì. Việc chế tạo lưỡi kiếm đòi hỏi tay nghề rất cao cùng kiến thức phong phú về nguyên liệu chế tác.
Ngục Thánh Ngục Thánh - Get Backer