Chương 11: Ao Đổi Sắc
ỗ Thịnh Nghĩa bị Tạc quỷ hào dày vò đến không còn hồn người, chỉ muốn chết càng nhanh càng nhẹ thân. Nhưng những tiếng gào rú kinh dị như đục tai móc óc đã khiến ông mất hết khả năng hành động. Chút lý trí cuối cùng đang thôi thúc ông dốc hết sức tàn để mở ngăn hòm, trong đó có một thứ sẽ giúp ông giải thoát khỏi cơn thống khổ.
Tiếng gió rít càng thêm cuồng dại. Lỗ Thịnh Nghĩa nằm bẹp dí trên mặt đất, cảm thấy chút ý thức cuối cùng sắp tiêu biến nốt. Ông biết nếu ý thức bị tước đoạt, ông sẽ vĩnh viễn không tỉnh lại được nữa.
Cuối cùng Lỗ Thịnh Nghĩa cũng đã lần được đến lẫy ngầm, nhưng ông không còn đủ sức để ấn xuống. Ông đành phải dùng sức nặng của cả cơ thể để lôi ngón tay về phía sau, rồi ấn xuống.
Một ngón tay không thể giữ nổi cơ thể ông, chiếc hòm gỗ trên mặt đất cũng không thể giữ nổi. Lỗ Thịnh Nghĩa ngã đánh huỵch xuống đất, hòm gỗ cũng đổ theo, nhưng may sao, ngăn kéo cũng đã được mở ra.
Lỗ Thịnh Nghĩa nằm sóng soài trên đất, cố gắng đưa mắt liếc về phía chiếc hòm. Và ông đã tuyệt vọng đến tận cùng khi phát hiện trong ngăn kéo vừa được mở ra không hề có thứ ông cần. Vì khi ông dùng cả cơ thể để giật ngón tay, ngón tay đã chệch khỏi vị trí dự định, nên đã mở nhầm phải một ngăn kéo khác đựng những vật dụng, công cụ thường dùng trong thao tác Định cơ, như dây sáp, bột rắc, thước dây,… Toàn là những thứ không thể giết người cũng chẳng thể cứu người, văng tung tóe ra khỏi ngăn kéo mở toang.
Lỗ Thịnh Nghĩa chìm trong vô vọng và bất lực, ông vận nốt chút sức lực cuối cùng để đặt cánh tay lên cái đống lộn xộn vô tích sự kia. Ông biết thời khắc cuối cùng của mình đã điểm, vì những sự đau đớn giày vò trên cơ thể đã không còn kịch liệt như trước.
Những ngón tay ông co rút, vò nắm một cách vô thức trên đống đồ đạc lổn nhổn, đã lật tung mép một tờ giấy mỏng. Đó là một gói giấy lớn đã được gấp kỹ bốn mép nhưng chưa dán kín, bên trong đựng bột rắc sử dụng trong thao tác bố vi (khoanh vòng) của công phu Định cơ.
Một góc của túi giấy đã lật lên, bột rắc lập tức bị luồng gió cực mạnh thổi thốc đi, xuôi về phía trước bay mù mịt trong khắp con đường.
Thứ bột này còn gọi là “bột sặc”. Nói có tác dụng gì? Trước khi Định cơ phải tiến hành thao tác “bố vi”, tức là dùng bột rắc thành vệt bao quanh phạm vi của khu vực cần được định cơ, sau đó cho bột vào túi the mỏng, trong phạm vi đã được bao quanh, cứ năm bước lại đánh dấu một hình hoa mai năm cánh. Đợi qua chín ngày chín đêm, tiếp tục dùng gương, dây sáp để xác định điểm móng, rồi dùng thước dây để phân chia khoảng cách.
Trong “Nam du thú lục”(1) viết vào cuối đời Minh có nói: “Vùng núi Ba Thục ẩm thấp nhiều độc, kiến mối côn trùng rất nhiều, hàng tuần đều phải rắc bột sặc để diệt trừ”.
Trong phần tàn khuyết còn sót lại cảu cuốn sách cổ “Dị khai vật”(2) cũng viết: “Có người thợ ở Nam Sơn lấy cay, tê, lửa, mê, mòn nghiền nhỏ thành bột, gọi là bột sặc. Dùng để rắc trong nhà trừ độc tà”.
Bột sặc, dùng bột ớt, bột cỏ vô thiệt Quảng Tây, bột tiêu thạch Phúc Kiến, bột hoa mạn đà la Vân Nam, bột giấm già Sơn Tây điều chế mà thành. Ớt Quảng Tây vị cay xé họng, cỏ vô thiệt liếm vào tê như mất lưỡi. Còn lửa, tức thiêu thạch, hay còn gọi là diêm tiêu, chính là thuốc nổ. Hoa mạn đà la là thành phần chủ yếu của thuốc gây mê. Bột giấm không những chua gắt, mà còn có tính ăn mòn nhẹ. Bột sặc được điều chế từ những vật chất có tính kích thích cực mạnh trên đây, khi dùng để khoanh vòng bao bọc và phủ kín diện tích bên trong, thì trong phạm vi đó, tất cả các loài côn trùng rắn chuột chim chóc từ sâu dưới dưới đất năm thước đến cao lên trên một trượng đều phải bỏ chạy tháo thân. Như vậy, vừa có thể đảm bảo cho ngôi nhà có được một môi trường phong thủy sạch sẽ thanh tịnh, khi thi công lại không sát hại tới sinh linh, tích đức cho con cháu đời sau.
Bột sặc chốc lát đã bay mù mịt trong hang tối. Luồng gió điên cuồng chốc lát đưa bột bay tới mọi ngóc ngách trong lòng hang, tất nhiên cũng cuốn nó xộc thẳng vào gian mật thất kín đáo đang không ngừng thổi gió vào trong đường hầm, một nơi chỉ có gió lùa mà không nghe thấy âm thanh.
Lúc này, không chỉ có một mình Lỗ Thịnh Nghĩa chịu cực hình, mà kẻ đang ẩn trong mật thất cũng phải khổ sở không kém. Thứ bột cực sốc này có thể khiến lũ côn trùng ẩn sâu dưới lòng đất cả năm thước cũng phải tháo chạy, huống chi là con người đang phơi mình chịu trận.
Gió vẫn thổi điên cuồng trong con đường xoáy ốc, có vẻ càng dữ dội hơn, nhưng đã không còn tiếp tục xoay vòng như trước nữa. Khảm diện vốn phong kín giờ đây đã xuất hiện chỗ khuyết, tựa như con đê chắn lũ vừa bị vỡ mất một mảng. Cơn gió dữ dội cuốn theo bột sặc, cuốn theo cả những tiếng ma gào quỷ rống kinh tâm động phách ồ ạt tuôn ra ngoài qua lỗ khuyết.
Dần dần, những âm thanh ma quái rối loạn trong lòng hang đã biến thành một âm thanh duy nhất, đó là tiếng gió tuôn ào ào qua lỗ hổng, nghe như tiếng vải bông toạc rách. Lỗ hổng càng lúc càng mở rộng, tiếng gió cũng theo đó mà nhỏ dần.
Lỗ Thịnh Nghĩa vẫn nằm sóng soài trên mặt đất, nhất thời chưa thể hồi phục. Tay chân ông mềm nhũn như sợi bún, hai tai ù ù như sấm rền, đầu óc một đám bùng nhùng như cháo đặc.
Nhưng ông lập tức nhận ra đây chính là cơ hội, ông nhất định phải đứng dậy, mau chóng tìm cách thoát ra khỏi hang, không được đợi đến lúc đối phương hồi phục trở vào, tiếp tục tháo nút mở khảm.
Đứng dậy không có gì khó. Một nam tử hán bao phen bôn ba hiểm địa, ra sống vào chết như Lỗ Thịnh Nghĩa, cho dù có chết vẫn có thể đứng vững. Nhưng thoát ra khỏi nơi đây lại là chuyện khác. Trong hang vẫn một màu tối đen như mực, cho thấy cửa hang vẫn còn bịt kín. Nếu như luồng gió chưa ngừng thổi, vẫn có thể lần theo hướng gió đến gian mật thất, tìm ra chỗ khuyết của khảm diện để thoát thân. Nhưng giờ đây gió đã ngừng bặt. Cho dù không có gió, nhưng dòng khí trong hang kín khi đến chỗ khuyết của khảm diện chắc chắn sẽ thay đổi, có thể nương theo đó để tìm ra chỗ khuyết. Nhưng với khả năng của ông, chắc hẳn không thể cảm nhận được sự thay đổi rất mực tinh vi đó.
Lỗ Thịnh Nghĩa cố gắng định thần, đưa tay áo quệt lớp mồ hôi trên trán. Lúc này ông mới phát hiện trong tay mình đang cầm một thứ, hẳn là ông đã vô tình túm được khi gắng gượng đứng lên, nãy giờ vẫn vô thức giữ ở trong tay mà chưa vứt đi. Vừa nhìn thấy nó, hai mắt Lỗ Thịnh Nghĩa thoắt sáng bừng, vì thứ này đem lại cho ông hy vọng thoát khỏi khảm diện, tìm lại cơ hội sống.
Lúc này, trước mặt Lỗ Ân chỉ còn sót lại hai gã Ngô vũ phu, nhưng tình cảnh lại trở nên nguy hiểm hơn gấp bội: tay phải của ông không thể cử động được nữa, hai chân lại đang lún sâu trong bùn nhão nhất thời chưa thể nhấc lên. Nhưng ông lại phải đối mặt với hai mũi giáp công đến từ hai phía trước sau. Một đao khách tay không tấc sắt, một mục tiêu không thể di chuyển, một gã “dưa vỡ” bị khảm diện khóa chặt, cái chết đã quá hiển nhiên!
Từ trên thềm đá lao thẳng đến một “tảng đá” đầm đìa máu chảy, Lỗ Ân không có cách nào phân biệt được các bộ vị trên cơ thể gã. Thanh đao bị cướp đi lúc nãy cũng không thấy đâu nữa. Còn nhân khảm đang vọt lên từ mặt nước tập kích đến sau lưng, ông không nhìn thấy, cũng chẳng kịp quay đầu lại nhìn.
Không thể di chuyển, Lỗ Ân chỉ còn nước thuận thế ngã người về phía trước, đồng thời dùng miện cắn lấy một đầu của dải da cá. Khi ngã xuống được nửa chừng, ông đã kịp dùng miệng và tay trái thắt một nút thắt “khóa xà” trên dải da cá, đây là nút thắt thường được sử dụng nhất trong công phu Cố lương, còn được gọi là nút thắt thợ mộc. Kiểu nút thắt này có thể rút chặt, nhưng buông tay là lập tức bung ra, cực kỳ linh hoạt.
Tảng đá đẫm máu lao thẳng về phía Lỗ Ân, nhưng không ngờ Lỗ Ân lại chúi người về phía hạ bộ của gã. Gã nhất thời không hiểu nổi đây là chiêu thức quái dị gì, được sử dụng với ý đồ gì? Sau khi trúng một đao của Lỗ Ân tại hành lang, gã đã có phần dè chừng, nên lần này không dám khinh suất nữa. Nhưng đà lao tới đang gấp, gã không thể né sang hai bên, lại không thể lùi lại. Vì vậy gã đành phải nhảy lên cao, định vọt qua đầu Lỗ Ân.
Trên người nhân khảm mang theo các lớp hóa trang hình đá tảng, sàn nhà, đường mòn… khá nặng nề, lại cộng thêm vết thương ở đùi khiến gã hành động có phần chật vật, cũng không thể bật lên quá cao. Vì vậy, để né tránh Lỗ Ân, khi nhảy lên gã đã cố gắng dang rộng hai chân để gia tăng khoảng cách.
Chớp sáng xanh biếc vụt lên từ mặt nước cũng không thật cao, vì nếu quá cao tốc độ sẽ chậm lại, lực tấn công sẽ yếu đi. Hơn nữa ngọn đoản mâu đang cắm trên vai Lỗ Ân cũng ảnh hưởng đén góc độ tấn công của thanh loan đao.
Nhưng Lỗ Ân lại đột nhiên ngã người về phía trước, khiến gã hết sức bất ngờ. Để đánh trúng Lỗ Ân, gã lập tức đâm hết cỡ cánh tay cầm đao về phía trước.
Và kết thúc! Mọi thứ diễn ra chỉ trong nháy mắt. Bắt đầu bằng một tiếng rú thảm thiết, và kết thúc cũng bằng chính tiếng rú đó.
Tất cả đều giống hệt như những gì Lỗ Ân dự liệu, may mắn là đã không hề sai lệch một ly. Kết cục này hai gã nhân khảm nằm mơ cũng không thể ngờ tới. Bọn chúng sẽ về chầu Diêm Vương trong khi không biết bản thân đã sơ hở chỗ nào.
Chiêu thức mà Lỗ Ân vừa sử dụng chính là một hiểm chiêu đoạt mệnh thoát hiểm dùng trong giao đấu trực diện, nhưng vì thủ pháp hạ lưu, nên thường bị các cao thủ võ lâm rất mực khinh thường, song áp dụng trong hỗn chiến lại rất hiệu quả. Không những Lỗ Ân biết sử dụng chiêu này, mà ông còn cải tiến sáng tạo thêm, khiến nó trở nên hiểm hóc và thực dụng hơn nhiều.
Hai gã nhân khảm kia cũng chưa phải cao thủ võ lâm thực sự, chiêu thức tấn công có phần non nớt, rõ ràng còn thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Có lẽ điều này có liên quan tới việc bọn chúng học Ngô vũ phu và bố cục của khảm diện Tam tài khí hợp. Bọn nhân khảm này chỉ là những sát thủ cố định tại một chỗ, chỉ biết ôm cây đợi thỏ trong môi trường định sẵn, nên tuy là ba con người sống, nhưng chẳng khác gì so với những cung tên mâu kích cài trong khảm diện chết. Mặc dù bọn nhân khảm này cũng luyện võ công giống như những sát thủ chuyên chiến đấu bên ngoài, thậm chí một số sát thủ giữ nhà trình độ võ công còn cao cường hơn cả bọn được phái ra ngoài hành sự, nhưng nếu xét về mặt kinh nghiệm chiến đấu, lại là một trời một vực. Nói không ngoa, không chừng bọn sát thủ giữ nhà này suốt bao năm nay còn chưa đả thương nổi một người.
Một cao thủ giang hồ lão luyện đối mặt với hai nhân khảm non nớt thiếu kinh nghiệm, đây chính là ưu thế của Lỗ Ân.
Những người có dính dáng đến đao thương quyền cước, từ vị tướng quân đầy mình giáp trụ, đến kẻ mãi võ bán thuốc, điều quan trọng nhất là phải để cho các khớp xương được chuyển động linh hoạt tối đa, đặc biệt là phần hạ bộ. Nếu vị trí này cũng khoác giáp bảo vệ, thì đừng nói đến động võ giao chiến, chỉ di chuyển thôi đã bất tiện khó khăn. Kẻ hóa trang thành tảng đá cũng vậy, mặc dù trên người tầng tầng lớp lớp trang phục nặng nề, nhưng bên dưới vẫn phải mặc một chiếc quần rộng đũng.
Bởi vậy, gã vừa dang chân nhảy qua, nút thắt thợ mộc trên tay Lỗ Ân lập tức thắt ngay vào âm nang của gã, sau đó dùng miệng và tay trái thít chặt hai đầu. Nỗi đau đớn khủng khiếp nhất của đàn ông không gì khác là khi bị tấn công vào hạ bộ, “tảng đá” lập tức rống lên thảm thiết. Tiếng kêu rống đau đớn của gã khiến nhân khảm vừa vọt lên từ dưới nước giật mình kinh sợ, đờ ra một thoáng, hậu quả tất yếu là do dự, sơ hở, không biết phải làm gì.
Nhân khảm vọt lên từ mặt nước đã do dự, nên tất yếu cũng sẽ sơ hở. Bởi vì khi lao xuống, tầm nhìn của gã đã nằm trên một đường thẳng với ngọn đoản mâu đang cắm trên vai Lỗ Ân, bởi vậy trong mắt gã, ngọn mâu chỉ là một chấm tròn. Khi Lỗ Ân ngã sấp về phía trước, cán mâu liền tì lên mặt đất. Khi đó, mặt đất, đầu vai của Lỗ Ân và hạ bộ của nhân khảm tảng đá đã tạo thành ba điểm tì.
Khoảnh khắc do dự của nhân khảm kia đã khiến gã mất đi cơ hội biến chiêu, thanh loan đao trên tay cứ theo đà chém thẳng xuông người nhân khảm tảng đá đang khựng lại bất động. Khi phát hiện ra chấm tròn trước mặt chính là một mũi mâu đồng đen nhọn hoắt, gã đã không kịp né tránh. Ngọn mâu xuyên thẳng vào hàm dưới, lòi ra từ phía sau đầu, khóa chặt cổ họng của gã, chặn đứng tiếng rú đang muốn vọt ra, cũng chặn ngang số mạng của gã.
Nhân khảm trong hình dạng tảng đá cũng không kịp kêu thêm tiếng thứ hai. Thanh loan đao sắc lạnh như nước đã rạch thẳng một đường dài từ mặt, qua ngực, xuống bụng. Từ vết rạch trên mặt đá, máu tuôn xối xả, ruột gan xổ tung.
Lỗ Ân thả lỏng dải da cá trên tay, lực kéo cực mạnh khi nãy đã khiến các móc khóa mỏ ưng bằng đồng rạch đứt má và khóe miệng ông, khiến cả khuôn mặt máu tươi bê bết. Tảng đá đổ nhào về phía trước, tì lên nhân khảm dưới nước ở phía sau, tạo thành một hình chữ “nhân” cân đối. Lỗ Ân rút cán mâu khỏi cơ thể, để lại trên vai một lỗ tròn đẫm máu. Ông lại chống cán mâu lên mặt đất, làm điểm tựa cho hai nhân khảm, rồi lách mình qua hai xác chết nát tươm, bò ra phía ngoài.
Lỗ Ân mồ hôi lút mặt, toàn thân đẫm máu. Trận quyết đâu vừa qua tuy kinh tâm động phách, nhưng trước sau chỉ sử dụng đúng hai chiêu, nên cũng không tiêu hao bao nhiêu thể lực. Có đến phân nửa số mồ hôi là do căng thẳng và đau đớn. Còn máu trên cơ thể, có một phần máu của ông, và đa phần là của ba kẻ kia.
Ông đưa tay trái nhặt lấy thanh đao trong vũng máu bên cạnh nhân khảm tảng đá, sau đó chống mũi đao xuống đất, từ từ đứng lên. Nhưng ông còn chưa kịp đứng thẳng, cánh cửa sổ trên tầng gác của căn lâu nhỏ bỗng rung lên một cái, một luồng sáng đỏ chói phóng vút ra.
Luồng sáng lao đến cực nhanh, nhưng Lỗ Ân đã có đề phòng từ trước. Ông vẫn cảnh giác đối phương nhân lúc mình chưa kịp hồi phục sẽ tiếp tục tung đòn tập kích, nên đã dễ dàng tránh được. Luồng sáng đỏ lao trúng hai thi thể ở phía sau, chỉ nghe “bịch” một tiếng, hai các xác đã văng xuống ao, nổi lềnh bềnh trên mặt nước rồi bốc cháy. Ngọn lửa tuy không dữ dội, nhưng lóe ra ánh sáng đỏ đến chói mắt. Mặt ao xanh biếc, vạt cỏ úa vàng, thềm đá xanh mờ, bỗng chốc đều nhuốm màu đỏ rực.
Vừa né được luồng sáng đỏ, Lỗ Ân bỗng trở nên nhanh nhẹn bất ngờ, lập tức lao vụt đi như một con báo. Ông định chạy theo đường cũ trở lại hành lang. Ở trong khảm diện, con đường chính là con đường sống chết ngang cơ, còn đường phụ là con đường chết chắc. Lúc nãy ông đã bị nhân khảm dụ ra khỏi đường chính, rơi vào khảm diện tam trùng sát. Nếu không muốn tiếp tục bị tập kích bởi những khảm diện tương tự, ông cần phải quay lại lập tức.
Chú thích
(1) Một cuốn sách nhỏ, ghi chép về phong thổ, địa mạo tập quán, đặc sản ở các vùng Tứ Xuyên, Quảng Tây, Vân Nam hiện nay. Về tác giả cuốn sách, hiện có rất nhiều giả thiết, có người cho rằng là Từ Hà Khách, có người cho là Lục Thần Nhai, còn có người cho rằng đó là tác phẩm của Bùi Tuyết Phong, an phủ sứ của Xuyên Quận đương thời.
(2) Một cuốn sách ghi chép về những thứ kỳ lạ hiếm có trong thiên hạ, không biết ra đời vào triều nào, tác giả là ai. Vào giữa triều Thanh, cuốn sách được xưởng in Kinh Lâm chỉnh lý và in ấn dưới dạng văn bạch thoại, đổi tên là “Kỳ dị vật thành lục”. Những ghi chép trong đó có bao nhiêu phần là sự thực, vẫn chưa được kiểm chứng.
Lời Nguyền Lỗ Ban Lời Nguyền Lỗ Ban - Viên Thái Cực Lời Nguyền Lỗ Ban