Linh Sơn epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 42
ột ngày rất quang đãng, trời không mây, ánh sáng trong veo và bầu trời sâu thẳm khiến mi thấy nghẹn ngào. Dưới kia, ngôi làng tịch mịch với những nếp nhà sàn tựa vào vách đá như những đõ ong treo vào sườn núi. Đó là một cảnh mộng, mi lòng vòng quanh đi quẩn lại dưới chân núi, không tìm thấy lối đi vào. Mi tận mắt thấy đã gần với ngôi làng nhưng thật ra mi lại đang ở xa nó. Trở đi trở lại mãi làm mi mất thời giờ cuối cùng chỉ đành bỏ cuộc. Mi thuận chân men theo một đường núi cho tới khi ngôi làng mất dạng sau núi. Mi dẫu gì vẫn cứ cảm thấy nối tiếc. Mi không biết con đường dưới chân mi đây nó dẫn tới đâu, tuy mi chẳng có cái đích nào rõ rệt.
Mi đi thẳng lên đằng trước trên đường núi ngoằn ngoèo. Trong đời, mi vốn không bao giờ có đích rõ rệt, các mục tiêu mi đặt ra cho mi không ngừng biến đổi cùng với điều kiện và thời gian, rút cục lại mi chẳng có tôn chỉ nào hết. Nếu nghĩ kỹ thì cái đích tối hậu của đời ngừơi ta là không quan trọng, nó như một đõ ong. Bỏ thì thương mà vương thì tội, gây nên cảnh hỗn loạn cùng cực, tốt hơn cả là bỏ nó lại ở nơi nó đang ở rồi quan sát nó chứ đừng mó vào nó. Nghĩ như thế mi thấy chân bước nhẹ nhõm nhiều, mi đi đâu, cái đó ít quan trọng, miễn là có phong cảnh đẹp để ngắm.
Đường mòn men giữa một rừng dương mai nhưng chưa phải mùa ra quả. Khi quả dương mai chín, mi sẽ ở đâu, không thể nào biết. Mai có chờ người không? Hay người chờ mai? Đấy, một vấn đề siêu hình có thể dẫn đến vô cùng vô tận lời giải. Các lời giải có thể đã được đưa ra hết rồi. Nhưng cây dương mai vẫn chẳng bao giờ thay đổi và con người mãi vẫn cứ giống cái ta xưa. Cũng có thể nói rằng dương mai năm nay không giống dương mai năm sau, người hôm nay không giống người hôm qua. Vấn đề là biết ngừơi hôm nay hay người hôm qua, kẻ nào thật? Hãy để cho các nhà siêu hình học nói siêu hình học, mi hãy nom đến con đường của mi.
Mi không ngừng leo dốc, người đẫm mồ hôi rồi thình lình mi đổ ra đầu làng. Nhìn thấy bóng râm của ngôi làng, mi liền có một cảm giác tươi mát ở trong lòng.
Chưa bao giờ mi nghĩ rằng dưới chân nhà sàn, các tấm đá lát dài sẽ lại có người ngồi đấy hết. Mi chỉ có thể lách lấy một lối đi nhờ len lỏi qua những chân cùng cẳng. Chẳng ai nhìn mi, họ đang cúi xuống lầm rầm một bài khấn niệm, tất cả đều có vẻ rất đau khổ. Các bậc đá lát uốn lượn dọc dẫy phố. Mỗi bên dẫy phố, các nhà gỗ nghiêng vẹo, dựa lẫn vào nhau nhưng không thể đỗ - trừ phi gặp phải động đất hay lở núi, tất cả sẽ sập nhào.
Các cụ già ngồi kia, họ cũng dựa vào nhau giống hệt các ngôi nhà. Chỉ cần xô một người là tất cả cùng ngã như các con bài đô-mi-nô. Mi không dám chạm khẽ vào họ, sợ gây nên tai họa.
Mi rất chú ý đặt chân vào giữa chân cẳng họ. Bít tất vải bọc các bàn chân gầy guộc giống như những ngón chân gà. Giữa tiếng than trách của họ vang lên những tiếng nghiến lục khục, không thể biết chúng do các ngôi nhà phát ra hay do các khớp xương của họ. Tuổi cao đày đọa họ vào cảnh run lẩy bẩy, trong khi họ ngả nghiêng tụng niệm, đầu họ không ngừng lắc lư.
Suốt dọc phố ngoằn ngoèo, vô tận đều là đàn ông, họ mặc những bộ áo quần xam xám bằng vải bông cũ đã sờn và vá như nhau, tất cả đều ngồi trên tấm đá lát đường. Ở bao lơn các ngôi nhà cao đang phơi chân, vải trải giường, màn làm bằng gai thô. Một vẻ trang trong sâu lắng toát ra từ các cụ già đang chìm đắm trong đau đớn này.
Trong tiếng tụng niệm của các cụ một âm thanh chói tai trở đi trở lại, nó xuyên vào mi như các móng mèo, nó nắm giữ mi, lôi cuốn mi, buộc mi phải đi lên đằng trước. Không thể nói nó đến từ đâu nhưng khi mi nhìn thấy những xâu tiền giấy treo ở trước cửa một ngôi nhà và khói hương lọt qua những tấm rèm rủ thì mi hiểu rằng người ta đang khóc thương một ngừơi chết. Mi tiến lên một cách khó khăn. Người ngày một chen nhau sít hơn, mi không thể đặt cả chân mi nữa. Mi sợ giẫm gẫy xương của họ. Mi phải hết sức chú ý để chọn một chỗ trống trong mớ chân cẳng chằng chịt ấy, mi nín thở đi lên từng bước một.
Không ai ngẩn đầu lên nhìn mi. Trên đầu, họ đội khăn hay một khăn tay vải. Mi không phân biệt được nét mặt họ. Lúc này họ đang cùng nhau hát một bài; chăm chú nghe mi nắm được lời.
Các ngươi đã đến tất cả,
Trong một ngày chạy những sáu lần
Mỗi một lần chạy hàng sáu dặm,
Các ngươi rắc gạo dưới âm,
Có việc cần các người đến cáng đáng.
Cái giọng the thé lĩnh xướng là của một bà cụ ngồi ở thềm cửa bằng đá, ngay bên mi. Bà khác với ngừơi khác: đầu vai đều choàng kín vải đen, bà đập bàn tay run run lên đầu gối, đung đưa người từ đằng trước ra đằng sau theo lời hát. Bà để bên cạnh một bát nước lã, một đoạn tre đầy cơm cùng một đống tiền hình vuông bằng giấy dầy, có chọc thủng những hàng lỗ nho nhỏ. Bà nhúng ngón tay vào bát nước rồi bóc một tờ tiền giấy tung vào trong không trung.
Không biết bao giờ các người đến,
Không biết bao giờ các ngừơi đi,
Tất cả các người đi đến đâu trời cuối đất,
Ở đèo phía đông đằng kia,
Tu Tan a Tu Tan à 1!
Để giết một người, nó không cần đến nửa hạt cơm,
Để cứu một mạng, nó không cần đến nửa xu,
Những ai khổ nạn đều được cứu,
Nào mời các người họp nhau vào!
Mi muốn đi vòng qua người bà cụ nhưng mi sợ va vào bà thì bà sẽ ngã mất, chắc chắn là thế rồi. Mi toan co cẳng bước qua bà ta nhưng bà ta bắt đầu the thé réo lên:
Tu Tan a! Tu Tan ô!
Chân bé như đôi đũa,
Đầu to như cái lồng vịt,
Nó đến thì việc xong nhanh
Nó đến thì ta nhờ vả được
Cầu cho nó đến nhanh
Bảo nó đừng có chậm!
Bà vẫn gào réo, từ từ đứng lên, vẫy vẫy tay về phía mi, các móng tay bà như những móng gà con chĩa vào mắt mi. Mi không hiểu sức mạnh nào đẩy mi gạt tay bà ta ra, giật mảnh vải đen phủ lên đầu bà. Hiện ra một bộ mặt bé tạo, khô quắt, hai hố mắt vô thần lõm sâu trong sọ, hai môi mở ra cho thấy một chiếc răng, như phô ra một nụ cười mà lại không phải là cười. Bà tiếp tục vừa réo vừa nhảy:
Rắn đỏ ngũ hoa bò ở khắp nơi,
Hổ báo đi ra,
Cửa núi ầm ầm mở,
Tất cả qua cái cổng đá ấy đến,
Đâu đâu chúng cũng hò đồng thanh,
Tất cả đều tiếng kêu như thế.
Nhanh nhanh lên, hãy cứu con người
lâm cảnh khốn
Mi muốn gỡ mi ra khỏi bà cụ nhưng các ông già khô như củi từ từ đứng dậy, vây lấy mi và tiếp tục kêu lên bằng cái giọng run rẩy:
Tu Tan a! Tu Tan ô!
Mau mau mở cửa khấn vái tứ phương,
Giờ dần đang mời giờ mão đến,
Cầu đến Bố Sấm và Mẹ Sét
Nào, được ngựa cùng cưỡi
Được tiền cùng tiêu.
Đám đông nhào vào mi gào thét, âm thanh nghẹn trong họng mi: Mi chỉ còn cách đẩy họ ra, họ lần lượt ngả lăn ra đất, nhẹ như giấy, không tiếng động rồi tất cả bốn bề hóa ra im lặng, một im lặng thăm thẳm. Lúc ấy, mi hiểu ra ngay ra rằng cái người năm trên ván sàn sau bức rèm chính là mi. Mi không cam chết như thế, mi muốn trở về với nhân gian.
--------------------------------
1 Tu Tan là tên một ma quỷ của người Mèo.
Linh Sơn Linh Sơn - Cao Hành Kiện Linh Sơn