Ngoài Hiên
ng đã dựng nó thật vững chãi, ngôi nhà vuông lớn có nhiều vòm tường. Đủ rộng để chứa tất cả dân chài Xóm Cồn cùng gia đình họ trong những đêm bão tố đến trú, đủ để tiếp lũ trẻ con tới đây đọc những tờ họa báo được mang từ Paris về cho chúng. Yersin đợi. Ông biết rõ là mình sẽ chết, nhưng mãi mà cái chết chưa chịu tới. Ông đã sống suốt từ Đế chế thứ hai tới Thế chiến thứ hai. Một đời người là đơn vị đo lường của Lịch sử. Người Nhật vẫn chưa đến được Nha Trang. Đây chính là cuộc chạy đua giữa cái chết và người Nhật. Giờ đây ông đã trở thành một nhân vật cùa Gracq (Julien Gracq (1910-2007): nhà văn nổi tiếng người Pháp, các tác phẩm của ông chủ yếu lấy đề tài Thế chiến thứ Hai, ý mà tác giả nói ở đây rút từ câu chuyện của Bờ biển Syrtes, miêu tả sự chờ đợi chiến tranh ở ven bờ biển). Ông dõi nhìn ra biển, có thể kẻ thù sẽ xuất hiện từ hướng ấy.
Bên châu Âu chiến tranh vẫn tiếp tục, còn ở đây cuộc chiến Thái Bình Dương đã nổ ra. Người Mỹ tùy cơ ứng biến. Họ chi tiền ủng hộ Việt Minh của Hồ Chí Minh, lúc đó đang chiến đấu ở Bắc Kỳ chống lại quân Nhật chiếm đóng. Mọi thứ đều có thời điểm của nó. Rồi sẽ lo đối phó với người Pháp sau. Trong chiến khu, người Việt theo phái Stalin xử người Việt theo phái Trotsky. Nhóm Nha Trang nằm ngoài những thứ đó. Tối đến, sau khi đã dọn dẹp và lau chùi bàn thí nghiệm, Jacotot và Bernard tới gặp ông thầy già của mình ngoài hàng hiên.
Đôi khi cùng với họ còn có nhà văn trẻ tuổi Cung Giũ Nguyên. Nhà văn ấy sẽ qua đời ở tuổi chẵn một trăm năm vào thế kỷ tiếp theo. Ông sẽ biết đến ba cuộc chiến tranh Đông Dương, chống Pháp, chống Mỹ rồi Khmer Đỏ. Ông sẽ sống lâu đến mức được chứng kiến sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản cộng sản, điều mà Hồ Chí Minh chùa từng tưởng tượng đến. Trong những cuộc trò chuyện buổi tối, họ nói tiếng Pháp. Yersin nói một thứ tiếng Việt thực dụng, hiệu quả, không tinh tế mấy. Nguyễn Phước Quỳnh, trước khi trở thành nhà báo, thuộc vào số những đứa con ngư dân từng chơi bời chạy nhảy trong ngôi nhà lớn nhiều vòm tường. Ồng nhớ rằng “một trong những đặc điểm trong cách nói tiếng Việt của Yersin là ông thường sử dụng từ người ta cho cả ba ngôi số ít lẫn ba ngôi số nhiều, và dùng cho cả người lẫn con vật”.
Họ đang ở trước biển, giữa hoa lá và lồng chim. Con vẹt và tiếng sóng. Jacotot và Bernard ghi chép, mỗi người sẽ viết riêng một cuốn về cuộc đời Yersin. Mẹ ông và chị ông đã qua đời từ lâu. Nhà Cây Sung của Fanny đã bị bán, cũng như ngôi nhà gỗ của Émilie, chết mà không con cái. Có thể bên châu Âu không còn lại dấu vết nào của ông. Vả chăng cũng có thể không còn lại dấu vết nào của châu Âu. Năm ấy, người ta vẫn còn tự hỏi phe nào sẽ chế tạo được vũ khí hạt nhân trước. Oppenheimer bên phe Mỹ hay Heisenberg bên phe Đức. Có lẽ chỉ châu Á là thoát. Khi ấy, làm sao mà hình dung nổi là Mollaret, một người thuộc cánh Pasteur, sẽ có ngày phát hiện toàn bộ chỗ thư từ được bảo quản rất cẩn thận ấy, rồi gửi chúng về kho lưu trữ của Viện Pasteur?
Yersin tin rằng tất cả những bức thư ông gửi cho Fanny và những bức thư cho Émilie, những lá thư tạo lại câu chuyện đích thực về cuộc đời ông, đã biến mất từ lâu. Thế nên ông trả lời những câu hỏi của Jacotot và Bernard. Ông đã phát hiện trực khuẩn và chiến thắng dịch hạch như thế nào. Rời Thụy Sĩ sang Đức, rời Viện Pasteur vào làm cho Hãng Đường biển, rời y học qua dân tộc học, rời dân tộc học qua nông nghiệp và nghề trồng cây. Ở Đông Dương ông đã làm thế nào để trở thành một nhà phiêu lưu về vi trùng học, nhà thám hiểm và người vẽ bản đồ. Chuyện ông đã bỏ hai năm đi khắp vùng đất người của người Xê Đăng. Hai nhà khoa học hỏi ông rất kỹ về những ý tưởng điên rồ và các sáng chế của ông, làm vườn và chăn nuôi, cơ học và vật lý, điện và thiên văn học, lái máy bay và nhiếp ảnh. Làm sao mà ông lại trở thành vua cao su và vua canhkina. Bằng cách nào ông đi bộ được từ Nha Trang đến Mê Kông và Phnôm Pênh, để rốt cuộc sống suốt 50 năm tại ngôi làng bên bờ Biển Đông này. Hai nhà khoa học ghi chép đầy vào những quyển sổ của mình. Họ nhìn thấy cặp mắt xanh của Yersin, cặp mắt từng nhìn thấy cặp mắt xanh của Pasteur.
Bóng ma của tương lai ngắm nghía ông già đang ngồi kia trên chiếc ghế bập bênh của mình, từ lúc bình minh mới ửng hồng cho đến buổi tối màu đồng. Trong niềm hạnh phúc cổ xưa của tháng ngày. Yersin biết rõ mình sẽ không còn lên căn nhà gỗ ở Hòn Bà, cũng sẽ không tới trang trại ở Suối Giao. Ông hình dung bước chân chậm rãi của những đàn thú trên nền cỏ. Sự tăng trưởng còn chậm hơn nữa của rau, hoa và trái cây. Ông, kẻ biết con người là gì bên trong cái túi da đựng họ, ông đang ngồi đó trước biển và chân trời, và ông ý thức được rằng các tế bào cùa mình đang biến mất, hoặc ngày càng tự sinh sản chậm hơn, với ngày càng nhiều nhầm lẫn hay tiếng ồn trong thông điệp bằng ADN mà lúc đó người ta còn chưa biết đến. Nhưng kể từ Pasteur ta biết rằng chẳng có gì sinh ra từ hư vô và rằng mọi thứ đang sống đều phải chết. Ông hít lấy mùi hương buổi tối hội hè (“Mùi hương buổi tối hội hè” (nguyên tác “L’odeur du soir fêté”) là một câu trong bài thơ nổi tiếng của Rimbaud, Mùa địa ngục), để mặc gió mơn man trên mái đầu để trần.
Yersin không phải một nhân vật của Plutarque (Plutarque: nhà văn, triết gia Hy Lạp, tác giả bộ sách Những cuộc đời song hành đối chiếu các nhân vật Hy Lạp và La Mã). Ông chưa từng bao giờ muốn quẫy đạp trong Lịch sử. Khác với những Cuộc Đời được Plutarque đặt song chiếu với nhau, đời những kẻ phản bội và đời những người anh hùng, cuộc đời Yersin chẳng hề là một tấm gương đề tránh xa hay để noi theo, chẳng có bài học đạo đức nào cần tuân thủ: một người tìm cách đơn độc chèo lái con thuyền của mình và chèo lái tương đối ổn thỏa. Đằng sau ông, mặt biển xóa mất dấu vết của ông. Tối tối, ông được đỡ để tới phòng làm việc. Ông học lại tiếng Hy Lạp và tiếng La Tinh.
Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả - Patrick Deville Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả