Chương 3
ây, đây! Đi lối này. Mời chị lên chơi.
Nghe tiếng Trinh nói, Trường đang ngồi đọc sách ngẩng đầu lên. Chàng thấy vợ đứng cúi mình xuống thang gác, đợi người nào ở dưới.
- Ai đó, em?
Trinh ngoảnh lại chưa kịp đáp. Một người thiếu phụ vừa bước lên đã cất tiếng vang vang:
- Gớm ở khuất khúc thế này thì ai tìm được. Tôi hỏi thăm mãi mới được đấy.
Trường nhận ra cô Tâm, con bác Cả ở An Lâm. Nàng ăn bận rất sang trọng, lối những người giầu có ở nhà quê; hai cổ tay đeo đầy những vòng xuyến bằng vàng, để ra ngoài tay áo, người ta hiểu rằng nàng đã mang hết của cải của mình ở trên người. Trường mỉm cười nhớ đến cô gái quê mùa đứng gạt thóc cho vay mà chàng được thoáng trông thấy ở gian nhà ngang khi vào thăm bác Cả. Trường nhớ lại vẻ hách dịch của cô và tiếng quát tháo the thé. Tuy vậy, chàng lấy giọng nói ngọt ngào:
- Mời chị ngồi chơi.
Tâm vén áo cẩn thận rồi mới ngồi xuống ghế. Nàng đưa mắt nhìn quanh khắp gian buồng, và nhìn Trinh hỏi:
- Cái nhà đẹp nhỉ. Thim thuê bao nhiêu?
- Năm đồng thôi, chị ạ. Ở phố này nhà cho thuê giá rẻ.
Tâm lại ngắm gian phòng một lượt nữa, rất ghê sợ.
- Kể năm đồng thì cũng không đắt. Nhưng ở chỗ này bẩn chết. Sao chú thím không thuê chỗ khác mà ở có được không?
Trinh đặt quả trầu mới têm lên mặt bàn, khẽ trả lời:
- Ấy, nhà tôi cũng đã định thuê chỗ rộng rãi hơn. Nhưng chưa tìm được nhà vừa ý. Ở Hà Nội tìm được căn nhà cao ráo khó lắm, chị ạ.
Trường biết vợ đã không nói sự thật. Chàng có định tìm nhà chỗ khác đâu, bởi cái lẽ rất đơn giản là chàng không tiền. Nhưng nói khác đi để làm gì? Trường nghĩ đến cái tính keo kiệt của Tâm tuy bây giờ nàng giầu có nhất vùng An Lâm, đến căn nhà gạch tối tăm mà nàng mới dựng. Một người như thế còn lên mặt chê chỗ của chàng? Trường mỉm cười nói mát:
- Có đâu được rộng rãi như căn nhà của chị mới làm.
Thấy nói đến nhà của mình, mắt Tâm sáng lên. Nàng không hiểu ý chế giễu của Trường, nở một nụ cười sung sướng, đáp:
- Cái nhà ấy tôi làm hết hai nghìn đấy. Lúc mới đầu tưởng không hết ngần ấy thế mà về sau hết nhiều thế. Nhà tôi cứ kỳ kèo tôi mãi về chỗ đó.
Cô nhìn Trinh, kiêu ngạo:
- Nhưng sau tôi nghĩ, mình có tiền thì nên làm cái nhà đẹp đẽ mà ở, chứ tội gì mà ở bẩn thỉu chui rúc. Phải không chú thím?
Hai vợ chồng Trường cùng đáp:
- Vâng.
Nhưng mỗi người một ý khác nhau. Nàng yên phận không ao ước sự giầu sang của Tâm, người mà trước kia ở An Lâm nàng đã phải nhiều lần vay mượn, còn Trường thì mỉm cười khinh cái tư cách của người có tiền mà không biết thưởng thức vẻ đẹp, và một ý ganh ghét ngấm ngầm đến bứt rứt lòng chàng.
Trường sực nhớ đến chồng Tâm, một anh học trò ngờ nghệch cùng học với chàng một lớp. Chàng nhớ đến vẻ ngây ngô của anh ta khi bị chúng bạn chế giễu và đùa nghịch. Vậy mà bây giờ, vì lấy Tâm và nhờ tiền của vợ, anh ta nghiễm nhiên trở nên một nhà kỹ nghệ và buôn bán to (Trường cũng không hiểu anh ta buôn bán gì) có danh vọng ở An Lâm. Trường lại nghĩ đến mình, hơi buồn rầu. Chàng tại sao không sang trọng và giầu có như hắn được? Tại sao?
- Anh Hiền không cùng lên với chị à?
- Có. Nhà tôi còn đến phủ thống sứ để... - Tâm ngập ngừng, nàng không nói rõ chồng phải ra đấy là gì. Nhưng thế là đủ rồi. Nàng cho sự ra phủ thống sứ là quan hệ và danh giá lắm. Sung sướng, Tâm được dịp khoe:
- Nhà tôi độ này bận lắm chú ạ, vì sắp xin ra làm nghị viên nên phải giao thiệp với nhiều người lắm. Trong nhà, khách khứa bận rộn suốt ngày, có mấy lúc được rỗi đâu. Hôm nọ có mấy quan tỉnh về chơi, mấy cái ô tô đỗ ở cửa. Thành thử hàng xóm ở đấy họ cứ thì thào nhau, bảo: “Quái, không biết nhà ông bà Hiền làm gì mà có quan to ra vào thế?”.
Tâm nói xong, cười một tiếng cười vô vị. Trinh cũng cười theo.
Vẻ mãn nguyện tự kiêu lộ ra khắp người Tâm. Trên khuôn mặt đầy đặn khiến Trường tưởng đến bác Cả ngồi ở cửa hàng, chàng nhận thấy như thoáng một ý thương hại cho cảnh hèn kém của mình. Trường nói đùa:
- Như chị, chị sắp được làm bà nghị. Còn gì danh giá bằng.
Có tiếng người lên gác. Tâm lắng tai nghe rồi mừng rỡ:
- Có lẽ nhà tôi đến đón tôi đấy.
Trường đứng dậy. Hiền ở dưới nhà đi lên tay cầm một cái cặp da lớn. Chàng tiến lại gần Trường niềm nở bắt tay:
- Đã lâu lắm không được gặp anh. Bây giờ ở đây à?
Rồi cũng như Tâm, Hiền đưa mắt nhìn quanh gian buồng. Trường cũng theo cái nhìn ấy. Tự nhiên chàng thấy ngượng nghịu cho căn phòng chật hẹp của mình, ngượng về những đồ đạc sơ sài và rẻ tiền. Chàng lúng túng kéo chiếc ghế chắc chắn nhất, khẽ mời:
- Anh ngồi chơi. - Trường yên lặng, tự thấy mình rụt rè trước người mà trước kia chàng coi thường.
Tâm nhìn chồng, có ý hỏi:
- Cậu ở phủ thống sứ về đấy chứ? Công việc đã xong cả chưa?
Hiền vỗ vào cái cặp da để trên đùi, cười một cách tự đắc:
- Xong cả rồi. Tôi làm việc gì cũng phải được mợ nghe chưa? - Ngừng một lát, Hiền nói vớt: “Với lại đối với tôi, ai cũng có lòng vị nể”.
Rồi đột nhiên hỏi Trường:
- Bây giờ chú làm gì?
- Tôi... tôi vẫn làm ở chỗ cũ.
- Ở nhà buôn ấy à? Sao chú không xin đi làm việc nhà nước có phải dễ chịu hơn không?
- Tôi cũng đã gửi đơn xin nhưng chưa có chỗ làm.
Tâm nói xen vào, có ý khoe họ hàng với chồng.
- Trước chú ấy đã học cao đẳng cơ đấy. Rồi sau mới bỏ.
Hiền đặt chén nước xuống bàn ra vẻ ái ngại:
- Có, tôi có biết. Thật đáng tiếc. Giá chú cứ học có phải bây giờ đã làm ông tham rồi không.
Quay lại phía vợ, chàng tiếp:
- Như ông tham Tấn hôm nọ đến chơi nhà ta ấy mà, mợ có nhớ không?
Rồi Hiền nhắc lại:
- Đáng tiếc thật. Bao nhiêu công phu học tập. Nhưng làm sao chú lại bỏ, tôi không hiểu?
Trường nghĩ ngợi không đáp. Tại sao chàng lại bỏ học dở dang? Tại sao? Một câu trả lời đến môi chàng, nhưng Trường dừng lại, không đi hết ý nghĩ của mình. Chàng nhớ lại ngày xin thôi học, khi xếp sách vở ở trong trường ra về, chàng có cảm tưởng từ đây sẽ đi vào một cuộc đời khác, cuộc đời chàng vẫn mơ ước bấy lâu. Lúc ấy, Trường chỉ thấy một sự cần thiết: chàng phải đi làm nuôi lấy gia đình nhỏ của mình. Chàng vui lòng rời bỏ cái mơ ước cũ, không hề nghĩ rằng sự đó một ngày kia có thể làm cho chàng phải ân hận.
Nhưng bây giờ một ý tiếc vẩn vơ và kín đáo bắt đầu nẩy nở trong lòng Trường. Chàng nghĩ đến cuộc sống hiện tại của mình, những cái thiếu thốn nhỏ nhặt hằng ngày. Trường tự thấy mình đem lòng thèm muốn cái địa vị giàu sang của người khác, cái địa vị mà chàng có thể đến một cách dễ dàng nếu không có những việc đã xẩy ra.
Mải đuổi theo ý nghĩ của mình, Trường không nghe thấy tiếng vợ chồng Tâm kiếu xin về...
Chàng đứng dậy tiễn xuống thang gác. Ra khỏi cửa, Hiền còn quay lại nói:
- Hôm nào mời chú thím về khánh thành nhà mới với chúng tôi nhé.
Thạch Lam Tuyển Tập Thạch Lam Tuyển Tập - Thạch Lam Thạch Lam Tuyển Tập