Lời Bạt
hấm thoắt đã gần năm thế kỷ trôi qua,kể từ ngày gia đình cụ Nguyễn Hãng dời miền xuôi lên làng Dòng,xã xuân Lũng sinh cơ lập nghiệp,nói "lên" bởi Xuân lũng khi ấy còn là "miền biên viễn " xa xôi, cách trở rừng già,đồi núi,có tiếng hổ gầm,tiếng con trăn mắt võng quần quã bên cạnh bếp lửa phập phù của những cư dân chân ướt chân ráo nơi đất khách quê người. Không ai nghĩ rằng chỉ vài mươi năm sau,chính mảnh đất từng là cái nôi sinh thành những nhà khoa bảng nổi tiến như Bùi Ứng Đẩu,nguyễn Doãn Cung cùng hàng trăm Giám sinh,sinh đồ...Đã lại xuất hiện một nhà văn họ nguyễn -Nguyễn Hãng,tác giả hai bài phú Nôm:Tịch cư ninh thể; Đại Đồng phong cảnh và ba tập cổ tích văn học:Thiên nam vân lục liệt truyện (tân biên) bằng Hán văn.
Việc Nguyễn Hãng trở thành con rể quan Tả Lại tiến sĩ Nguyễn Doãn Cung,là anh rể bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc,là em rể Giám sinh Nguyễn Thừa Khôi,Nguyễn Thừa Bật chính là nhân tố tích cực thúc đẩy ông tiến thân trên con đường khoa cử và sáng tác văn học.Thực tế là ông đã đậu khoa thi hương năm Bính Tý 1516,đúng lúc nhà Lê suy thoái,lại thêm loại Trần Cao,bọn quyền thần Trịnh-Nguyễn mâu thuẫn chống phá lẫn nhau. Người đọc mọi thời vẫn nghe vọng lên từ phía sau những trang viết thấm nặng ưu tư và có cả nược mắt của ông là nỗi niềm khắc khoải của người cầm bút trước những biến đổi động trời: vương triều Lê mà ông tôn thờ đã bị mạc Đăng Dung tiếm ngôi! cú xốc quá sức về tinh thần này càng củng cố thêm về quan niệm trung quân,ái quốc trong con người nhà Nho tiết tháo Nguyễn Hãng. Chẳng phải ngẫu nhiên câu đối
"Ngụy thiện Quản Ninh tiên độ hải
Hán hưng nghiêm Tử độc hoàn sơn"
đặt tại " DẬT SĨ TỪ" đã sánh phẩm chất của ông ngang với Quản Ninh,Nghiêm Tử -những ẩn sĩ phương bắc thời xa lắm (1)!thiết nghĩ,bài học cuối đời của vị Dật sĩ long đong này xét ở góc độ nào đó vẫn còn nguyên ý nghĩa đối với ngày nay.
Năm trăm năm, kể cũng là thời gian quá dài so với một đời người.Biết bao đổi thay,thăng trầm đã nếm trải! chao ơi! mùa xuân,những mùa xuân vĩnh hằng vẫn đến reo vui trên cánh đồng Mả Nội ngoài xa kia...Dường như những giọt nước mắt mặn mòi của người xưa đã hóa muôn vàn cánh hoa chúc phúc trên mỗi buớc chân bâng khuâng của con cháu đang ngày một giàu đẹp hơn lên,nhà cửa đã khang trang và gương mặt mỗi người cũng sáng láng hơn lên thì phải!
Ngôi mộ Cụ Nguyễn Hãng đặt ở rừng sở, xóm Lũng Bô đã được xây lại năm 1988 trên một khuôn viên 30m2.Linh thiêng khôn kiệm lời. DẬT SĨ TỪ cũng đã được tái dựng năm 1993 (bị hư hỏng từ năm 1962). Trang nghiêm nhất mực.Nhiều câu chuyện về Nại Hiên Tiên sinh vẫn còn được lưu truyền đó đây ở Đại Đồng ( nay thuộc huyện Yên Bình,tỉnh Yên Bái), ở "Cố gia phong" Xuân Lũng,chủ yếu xoay quanh đạo lý "Lánh đục về trong" của một nhà Nho chính trực. Mới hay,cụ Tổ họ Nguyễn Mả Nội đã rất có lý khi chọn mảnh đất làng Dòng vừa" lắm ổi" vừa nhiều chữ này làm nơi tụ cư lâu dài cho con cháu.Tính đến nay,hậu duệ của cụ ở Xuân Lũng đã bước sang đời thứ 22và đây cũng là nơi có đông con cháu trong họ sinh sôi lập nghiệp nhất. Và chắc chắn cũng đã từ lâu rồi,họ Nguyễn Mả Nội đã được đánh giá là một trong bốn họ lớn với vị trí trong làng ( họ Trặng,họ Kiêng,họ Dích,và Mả Nội ); là bốn họ lớn giữ vai trò chủ yếu trong việc xây dựng Đình Cả của làng. Mặc dù theo điều tra đân số năm 1998,họ này mới chỉ có 152 hộ với 679 nhân khẩu (số liệu điều tra dân số nguyên ở Xuân Lũng cũ-còn con cháu lập nghiệp nơi khác chưa tính)! như vậy khái niệm "lớn" ở đây cần được nhìn nhận bằng thực chất,bằng sự trưởng thành về nhiều mặt của cả dòng họ. Con số 76 người tham gia vào các lực lượng vũ trang qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp,chống Mỹ và các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới,trong đó có 10 người con ưu tú đẫ vính viễn nằm lại trên khắp các chiến trường; 10 người là thương binh, 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng (Mẹ Nguyễn Thị Điền,Nguyễn Thị Lựu -cả hai Mẹ đều có hai con hy sinh) đã nói thay mọi lời bình luận. Bên cạnh đó,không thể không nhắc đến những thành tựu về đường học vấn. Đã đành,bằng cấp không phải là tất cả,nhưng con số 12 tấm bằng Cao đẳng,81 băng cử nhân,2 bằng Thaci sĩ,4 học vị Tiến sĩ...Và còn hàng trăm các văn bằng trung học,phổ thông...(Tính đến năm 2006); mà con cháu trong họ đã khổ công "dùi mài kinh sử" suôt mấy chục năm dưới chế độ mới!
Thời gian đã chứng giám tình cảm,tâm huyết của hậu thế. Rõ ràng,cụm từ "Cao sĩ lèo tèo" mà nhà Bác học Lê Quí Đôn đã sử dụng khi xếp Nguyễn Hãng đồng vị thế với Vũ Mộng Nguyên, Lý Tử Tấn...có ý nghĩa như một sự vinh danh nay không còn khớp với thực tế nữa! Con cháu đời nối đời đã có ý thức báo đáp Tổ tông bằng những việc làm cụ thể mang đầy tính nhân văn.
Cuốn sách đặc biệt này thay nén tâm nhang thơm thảo của con cháu gần xa thành kính dâng lên anh linh Tiên Tổ.
Thay mặt dòng họ chắp bút
NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG
Chú thích:
(1) Ghi theo trí nhớ của Cụ Nguyễn Thành,nhà Nho,người ở xóm Chùa.
-Thời Hán Linh Đế có ba học trò là:Hoa Hâm,Quản Ninh và Bỉnh Nguyến sống gắn bó với nhau đến nỗi người đời đã ví họ như một con rồng mà Hoa Hâm là đầu,,Quản Ninh là thân và Bỉnh Nguyên là đuôi. Một hôm,Quản Ninh và Hoa Hâm đang ngồi học trên một chiếc chiếu thì có ngựa xe của một vị đại quan đi qua. Vì mải đọc,Quản Ninh không để ý,nhưng Hoa Hâm thì ngồi đứng không yên,gấp sách chạy đi xem,ra chiều ngưỡng mộ kẻ giàu sang phú quí. Thấy vậy,Quản Ninh bèn cắt chiếc chiếu ra làm đôi,chia cho Hoa Hâm một nửa và nói:"Từ giờ,ta không là bạn của nhau nữa!". Điển cổ Trung Hoa mới có câu:"Quản Ninh cát tịch".
-Nghiêm Tử,tức Nghiêm Quang thời Đông Hán,chơi thân với Quang Vũ. Khi Quang Vũ lên ngôi,(Hán Quang Vũ) thì Nghiêm Quang đổi tên là Nghiêm Vũ (vì kỵ húy),không ra làm quan,về ở ẩn ở núi Phú Xuân,cày ruộng,câu cá cho đến cuối đời.
-Lý Tử Tấn,người xã Triều Lật,nay là xã Tân Minh,huyện Thường Tín,tỉnh Hà Tây,đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm Canh Thìn,niên hiệuThánh Nguyên I(1400),đời Hồ Quí Ly. Tác giả Chuyết Am thi tập,bị thất lạc. Chỉ còn 93 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục.
-Vũ Mộng Nguyên,người xã Viên Khê,nay là thôn Vĩnh Khê,xã Đông Anh,huyện Đông Sơn,tỉnh Thanh Hóa. Đệ nhị giáp (năm 21 tuổi),đời Hồ Quí Ly.Tác giả 36 bài thơ chữ Hán còn lại,được in trong Toàn lục thi tập.
HẾT
Người giới thiệu xin có đôi lời: cuốn sách "NGUYỄN HÃNG-TÁC PHẨM tới đây là hết phần chữ việt,sách còn phần cuối nguyên văn chữ Hán hiện chưa có máy quét để post lên cho bạn đọc tham khảo -khi có điều kiện chúng tôi sẽ giới thiệu tiếp.
của Nguyễn Hãng,xin vui lòng cung cấp cho chúng tôi để chúng tôi bổ xung,xin trân trọng cảm ơn.
-Trong bài khảo luận của ông Đặng hữu Phát có nói đến việc Nguyễn Hãng khi lên đại đồng,sau khi rời khỏi Vũ Văn Mật,Vũ Văn Uyên,không về quê nữa mà lánh đi ở ẩn tại Tuyên Quang và có lấy vợ. Nơi có Am nhỏ thờ Ông,dấu tích của Nguyễn Hãng thuộc huyện Yên Bình (Tuyên Quang).Nơi đó nằm dưới lòng hồ Thác Bà từ khi xây dựng thủy điện Thác Bà. Nếu như đúng vậy thì hậu duệ của Nguyễn Hãng đã phải rời đi định cư ở nơi khác. Vậy nếu có thì những ai là hậu duệ,khi đọc cuốn sách này xin liên hệ với chúng tôi.
Mọi liên hệ, xin vui lòng liên hệ qua hộp thư điện tử: h_toanthang@yahoo.com.vn
-Bài khảo luận của ông Đặng Hữu Phát,trong sách có tóm tắt,chúng tôi sẽ giới thiệu nguyên văn sau.
Chân thành cảm ơn!
Ngày 27/10/2008
Nguyễn Hãng - Tác Phẩm Nguyễn Hãng - Tác Phẩm - Nguyễn Văn Toại