Trên Đường epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
[4]
ã vào tháng Năm. Làm sao một buổi chiều tầm thường ở Colorado, với những trang trại, kênh mương và những thung lũng rợp bóng cây - những nơi bọn nhóc vẫn nhảy xuống tắm ùm ùm - lại có thể sinh ra một con bọ như cái con đã đốt Stan Shephard cơ chứ? Hắn đang tì tay trên cái cửa xe đã vỡ hết kính, hớn hở vừa lái xe vừa huyên thuyên thì một con bọ sà đến châm vào cánh tay hắn một phát thật đau, khiến hắn phải rú lên như còi. Con bọ sinh ra từ một buổi chiều nước Mỹ. Hắn vội rụt tay vào, đập chết con vật khốn nạn và rút được cái nọc ra nhưng chỉ trong mấy phút cánh tay hắn đã sưng tấy lên, đau muốn chết. Dean và tôi chả biết phải làm gì để giúp hắn cả. Chỉ còn biết chờ xem chỗ sưng có xẹp đi không. Thế đó, chúng tôi đang chạy trên mảnh đất phương Nam xa lạ, chưa đi quá ba dặm khỏi thành phố quê hương, cái thành phố cũ kỹ tội nghiệp gắn liền với thời thơ ấu ấy, thì đã có một con bọ lạ hoắc khốn kiếp chui ra từ sự thối rữa bí ẩn nào đó tới gieo nỗi sợ vào lòng chúng tôi. “Con quái gì thế?”
“Tôi chưa từng nghe nói đến chuyện quanh đây có một loài bọ lại làm sưng tấy tay lên thế kia.”
“Khốn thật!” Chuyện này khiến chuyến đi có vẻ không lành và ảm đạm. Nhưng chúng tôi vẫn đi. Đến bệnh viện đầu tiên, chúng tôi đậu lại để Stan tiêm một mũi penicillin. Chúng tôi qua Castle Rock, đến tối mịt thì tới Colorado Springs. Cái bóng mênh mông của núi Pike’s Peak trùm xuống bên phải chúng tôi. Xe chạy ra đường cao tốc Pueblo. “Tôi từng vẫy xe đi nhờ trên con đường này hàng ngàn, hàng ngàn lần rồi,” Dean nói. “Một đêm, tôi đã nấp ở chỗ kia, chính xác là ở phía sau cái bờ rào thép gai kia, và bỗng thấy sợ mà không có lý do nào hết.”
Bọn tôi quyết định mỗi thằng phải kể một chuyện, bắt đầu từ Stan. “Chúng ta phải đi một thôi đường dài,” Dean mào đầu, “cho nên cứ kể thoải mái, nhớ gì kể nấy, càng chi tiết càng hay. Cứ từ từ, cứ từ từ,” Dean quay sang Stan lúc này đã bắt đầu kể, “ông cũng cần phải thư giãn nữa.” Stan đắm mình vào câu chuyện của chính mình trong khi chúng tôi lao qua bóng tối. Đầu tiên hắn kể chuyện từng sống ở Pháp, nhưng càng lúc càng khó kể nên hắn đành quay hẳn về dĩ vãng, bắt đầu thời thơ ấu của hắn ở Denver. Hắn và Dean ôn lại những dịp cả hai gặp nhau cùng đạp xe đạp. “Tôi cam đoan là ông đã quên rồi - cái gara nhà Arapahoe ấy? Nhớ lại chưa? Tôi ném bóng vào ông ở góc phố, ông đấm một phát thật mạnh và thế là quả bóng lăn xuống cống. Thời còn học tiểu học ấy, nhớ chưa?” Stan run lên, hắn muốn kể hết cho Dean nghe, giờ đây Dean là trọng tài, là tiền bối, là quan tòa, là thính giả, là kẻ đồng lõa. “ừ, ừ, cứ kể tiếp đi.” Xe chạy qua Walsenburg; rồi qua Trinidad, nơi rất có thể Chad King đang đứng ở một chỗ nào đó cách xa con đường, trước một đống lửa trại, có thể cùng đi với một số nhà nhân chủng học, và cũng như ngày xưa, hắn cũng đang kể lại đời mình mà không hình dung nổi cũng đúng vào lúc đó, bọn tôi đang chạy trên con đường lớn, thẳng đến Mexico và cũng đang kể chuyện của chính mình. Ôi đêm buồn nước Mỹ! Rồi xe đến bang New Mexico, chạy dọc theo dãy núi đá vòng cung ở Raton và dừng lại trước một quán ăn, nhảy bổ vào mua mấy chiếc hamburger ngấu nghiến, rồi gói mấy chiếc nữa vào khăn ăn để chừng nào sang tới bên kia biên giới mới mang ra chén. “Bang Texas đang mở ra trước mắt ta theo chiều dọc, Sal ạ,” Dean nói. “Trước đây, ta mới chỉ đi theo chiều ngang của nó. Cũng dài như thế. Vài phút nữa ta sẽ đến Texas và có đi liên tục thì ngày mai, vào giờ này, vẫn chưa hết đất của nó đâu. Nghĩ thử xem.”
Xe tiếp tục chạy. Giữa cánh đồng mênh mông trong đêm, Dalhart, thành phố đầu tiên của Texas mở ra, năm 1947 tôi đã từng qua đây. Nó nằm đó, ánh lên trên nền trái đất, cách tôi năm mươi dặm. Dưới ánh trăng, vùng đất hiện lên chỉ toàn cây mesquite và hoang mạc. Mặt trăng đang ở phía chân trời. Nó lớn dần lên, trở thành một quầng đỏ khổng lồ, dịu dần rồi cứ thế lăn qua vòm trời, cho đến khi sao mai hiện rõ và sương đêm bay vào cửa sổ. Xe vẫn chạy đều. Tiếp theo Dalhart - một thị trấn nghèo vắng lặng của người da trắng - chúng tôi đến Amarillo giữa gió ban mai lồng lộng lúc trời vừa sáng. Trước kia nơi này hoang vắng đầy cỏ mọc, mấy năm gần đây vẫn còn đầy nhà tạm, vậy mà giờ đã mọc lên những trạm xăng và hộp đêm kiểu mới thiết kế hoành tráng, tràn ngập máy đánh bạc và những bài hát tồi tệ. Dọc đường suốt từ Amarillo đến Childress, Dean và tôi nhồi nhét vào đầu Stan đủ thứ sách mình đã đọc qua - hắn yêu cầu thế bởi muốn học thêm. Đến Childress dưới mặt trời nóng bỏng, chúng tôi rẽ vào đường phụ, băng qua hoang mạc mênh mông đến Paducah, Guthrie, và Abilene. Lúc này Dean cần ngủ, Stan và tôi ngồi lên ghế trên lái xe. Cái xe cũ nóng rồ lên, xóc nẩy tưng tưng, vật lộn tiến lên phía trước. Những cơn gió vĩ đại mang theo cát bụi từ khoảng không lấp lánh táp vào chúng tôi. Stan vừa cho xe chạy thẳng vừa kể chuyện về Monte Carlo, Cagnes-sur-Mer và những chốn buồn thảm gần Menton với những con người khuôn mặt dãi dầu đi lang thang giữa những bức tường trắng xóa.
Texas thật không thể lẫn vào đâu được: xe gầm rú, chậm chạp tiến vào Abilene và tất cả đều thức dậy để nhìn ngắm nó. “Cứ tưởng tượng sống ở cái thị trấn cách xa các thành phố cả ngàn dặm này xem. Ôi, kìa, ở gần con đường sắt ấy, thị trấn Abilene cũ kỹ kìa, họ đưa bò đến, bắn chết lấy da làm giày, rồi nốc rượu đến đỏ mắt. Nhìn kìa!” Dean gào lên, đầu thò ra ngoài cửa xe, miệng méo đi kiểu W. C. Fields. Hắn chẳng quan tâm đến Texas hay bất cứ chỗ nào. Dân Texas mặt đỏ gay cũng chẳng bận tâm đến hắn, họ chỉ cắm đầu rảo bước trên những vỉa hè nóng bỏng. Xe dừng lại ở phía Nam thị trấn để kiếm cái nhét bụng. Màn đêm dường như đã cách xa cả triệu dặm khi chúng tôi tiếp tục lên đường tới Coleman và Brady - trái tim của Texas, vùng hoang mạc chỉ toàn cây bụi, lác đác vài ngôi nhà gần một thung lũng hẹp khô hạn, với một con đường vòng dài năm mươi dặm bụi mù và cái nóng bất tận. “Mexico cổ lỗ còn xa đây lắm,” Dean ngái ngủ nói với lên từ băng sau, “nên cứ chạy liên tục đi, các chàng trai, sáng ra ta đã có thể đang hôn các senorita* rồi, bởi vì con Ford này còn chạy tốt lắm nếu ta biết cách nói chuyện với nó và cầm cương cho chắc - ngoại trừ cái đuôi xe sắp rơi ra. Nhưng từ giờ đến lúc tới nơi thì vẫn còn ngon, yên tâm.” Rồi hắn ngủ thiếp đi.
Tôi cầm tay lái và cho xe chạy đến Fredericksburg, và ở đây một lần nữa tôi lại cắt ngang qua con đường trên tấm bản đồ cũ, nơi Marylou và tôi từng cầm tay nhau trong một buổi sáng đầy tuyết năm 1949. Giờ này Marylou đang ở đâu? “Thôi đi!” Dean nói trong cơn mê, chắc hắn đang mơ xem biểu diễn jazz ở Frisco, hoặc mambo ở Mexico sắp tới. Stan lảm nhảm luôn mồm; đêm qua Dean đã lên dây cót cho gã và giờ thì gã không có ý định ngừng lại nữa. Gã kể chuyện sang nước Anh, cứ vẫy xe đi nhờ trên các con đường Ăng lê, từ London đến Liverpool, tóc dài, quần áo rách nát, gặp những tay lái xe Ăng lê kỳ lạ đồng ý chở gã đi trong đêm châu Âu cô tịch. Mắt chúng tôi đều đỏ lên vì những trận gió mistral xứ Texas ào ào không ngớt. Chúng tôi rất nóng ruột, nhưng đều biết là mình sẽ đến đó, cho dù có chậm. Cái xe gồng mình bốn mươi dặm một giờ, rung lên bần bật. Từ Fredericksburg, xe xuôi theo những con đường xuống dốc thoai thoải của vùng cao nguyên bát ngát miền Tây. Bướm đêm bắt đầu lao vào cửa kính xe. “Giờ ta xuống đến vùng sa mạc nóng bỏng rồi, các chiến hữu, với chuột sa mạc và cây tequila. Và đây là lần đầu tiên tôi đi xa đến thế ở Texas,” Dean khoái chí kể. “Giời đất ạ! Chính tại đây ông già mình từng đi nghỉ đông đấy, ông già cáo lắm.”
Đến chân một ngọn đồi cao năm dặm, chúng tôi bỗng cảm nhận được cái nóng đích thực của vùng nhiệt đới. Ngay trước mặt cả bọn là ánh đèn nhấp nháy của San Antonio cũ kỹ. Đến đây bạn sẽ có cảm giác như tất cả vùng này đều từng là đất của Mexico vậy. Nhà cửa dọc đường khác, trạm xăng tồi tàn hơn, đèn đường ít hơn. Dean hào hứng tranh lấy tay lái để chạy vào San Antonio. Chúng tôi tiến vào vùng đất hoang sơ của những căn nhà gỗ Mexico ọp ẹp kiểu phương Nam không có tầng hầm, chỉ có những chiếc ghế bập bênh cũ kỹ trên hiên. Xe dừng lại trước một trạm xăng ầm ĩ để tra thêm dầu mỡ. Nhiều người Mexico đứng dưới bóng điện nóng nực, côn trùng bu đen, cúi xuống hòm đồ uống, lôi bia ra và vứt tiền trả người bán hàng. Nhiều gia đình cả nhà la cà ở đó cũng đang uống bia bằng cách ấy. Cả vùng xung quanh chỉ toàn nhà cửa lụp xụp, cây cối ủ rũ, sực nức hương quế dại. Bọn con gái vị thành niên ào đến cùng bạn trai. “Cha chả!” Dean kêu lên. “Phải! Manana!” Âm nhạc nổi lên tứ phía, thuộc đủ mọi thể loại. Stan và tôi cũng đã làm vài chai bia, bắt đầu tây tây. Gần đi khỏi nước Mỹ rồi mà vẫn cứ là còn nằm ở giữa lòng nó, giữa nơi điên rồ nhất. Từng đoàn xe phóng qua, nhanh hết tốc độ. San Antonio là đây, a ha!
“Giờ thì nghe tôi nói đây, ta sẽ nán lại San Antonio vài tiếng, tìm một cái nhà thương để chữa tay cho Stan. Tranh thủ, Sal và tôi sẽ đi lượn phố xem có gì hay ho... Cứ nhìn nhà cửa bên kia đường mà xem, ta có thể thấy hết phòng khách, thấy cả mấy em kháu khỉnh đang nằm dài đọc tạp chí Tình yêu đích thực, ôi chà! Nào, ta đi!”
Chúng tôi lái xe tha thẩn một lúc rồi hỏi thăm đến một nhà thương gần nhất. Chỗ này gần trung tâm, mọi thứ xem ra có vẻ sang trọng hơn, Mỹ hơn, với nhiều nhà cao tầng hơn, nhiều đèn nê ông và hiệu thuốc hơn, nhưng xe cộ không giấy phép từ đâu vẫn xông vào ầm ầm như thể chẳng có luật lệ giao thông gì hết. Xe chạy đến cửa một bệnh viện, tôi đưa Stan vào gặp bác sĩ, còn Dean ở lại xe để thay đồ. Hơn nửa sảnh tràn ngập những phụ nữ Mexico nghèo, người chửa vượt mặt, người thì ốm, người thì mang theo con ốm. Thật khủng khiếp. Tôi chợt nhớ đến Terry tội nghiệp, không hiểu giờ này nàng đang làm gì. Stan phải đợi cả tiếng đồng hồ mới có bác sĩ đến và khám cái cánh tay sưng vù của hắn. Có hẳn tên riêng cho chứng nhiễm trùng của Stan, nhưng chẳng thằng nào trong số chúng tôi cố phát âm từ đó làm gì. Ông ta tiêm cho gã một mũi penicillin.
Trong khi đó, Dean và tôi đi lượn phố phường San Antonio đặc chất Mexico. Không khí thơm tho và dịu dàng - dịu dàng nhất tôi từng thấy - vừa u tối lại vừa bí ẩn, và rất kích thích. Đột nhiên bóng dáng các cô gái choàng khăn vuông trắng thấp thoáng hiện ra trong bóng đêm ồn ào. Dean cứ rẽ lối mà đi, không nói câu nào. “Ôi, thế này quá tuyệt vời, đến nỗi làm gì bây giờ cũng không xứng!” hắn thì thầm. “Ta hãy chỉ nhẹ lướt theo và ngắm mọi thứ thôi. Nhìn xem! Nhìn kìa! Một quán bi-a San Antonio!” Chúng tôi bước vào. Một toán chừng mười hai thằng đang chơi bi-a ở ba bàn, tất cả đều là dân Mexico. Chúng tôi chỉ uống Coca-Cola, đút mấy đồng nickel vào máy hát tự động, bật đĩa của Wynonie Blues Harris, Lionel Hampton và Lucky Millinder rồi nhảy theo. Đồng thời Dean dặn tôi phải quan sát.
“Hãy khám phá, ngay lúc này, những gì ngoài khóe mắt ông, ngay khi chúng ta đang nghe Wynonie thổi kèn ca ngại cái bánh pútđinh của người yêu, khi chúng ta đang ngửi mùi không khí dịu dàng như ông nói - hãy để ý thằng nhóc kia, thằng thọt đang chọc bi ở bàn một ấy, chủ đề của mọi chuyện cười trong quán, ông thấy không, cả đời nó luôn là chủ đề chuyện cười. Những thằng khác có vẻ nhẫn tâm nhưng chúng yêu quý nó.”
Thằng nhóc thọt như kiểu một sinh vật nhỏ mà tạo hóa đã lỡ tay tạo hình hỏng. Nó có một gương mặt đẹp, nhưng to, quá to, trên đó có đôi mắt nâu tổ chảng lúc nào cũng như lấp loáng nước. “Ông thấy không, Sal, đó là một Tom Snark người Mexico ở San Antonio, thế giới này nhỏ thật. Thấy không, chúng lấy gậy bi-a quất vào mông nó kìa. Ha-ha-ha! Nghe chúng cười kìa. Nó muốn thắng ván đấy, nó cược nửa đô rồi. Xem đi! Xem đi!” Chúng tôi quan sát thiên thần bé nhỏ trẻ tuổi đó ngắm một đường bi. Nó trượt. Bọn kia ồ lên. “Ôi giời,” Dean nói, “giờ xem tiếp nào.” Chúng túm lấy gáy thằng nhóc, quăng nó qua lại cho vui. Thằng nhóc kêu ré lên. Rồi nó hiên ngang đi ra ngoài, khuất vào đêm, không hẳn là không thoáng liếc lại phía sau một cách dịu dàng, rụt rè. “Tôi muốn biết con mèo nhỏ đó, muốn biết nó nghĩ gì và có những loại gái nào... ôi, không khí này làm tôi say!” Chúng tôi lững thững bước ra, vượt qua vài tòa nhà tối thẫm, bí ẩn. Vô số ngôi nhà ẩn mình sau những khu vườn xanh biếc, rậm như rừng. Chúng tôi nhìn thấy bóng các cô gái trong phòng khách, các cô gái trên hiên ngoài, các cô gái núp trong bụi rậm với bạn trai. “Tôi không hề biết là cái xứ San Antonio này lại hay ho đến thế! Thử hỏi Mexico sẽ còn thế nào chứ? Đi thôi, đi thôi!” Xe phóng nhanh trở lại nhà thương. Stan đang đợi, gã nói là thấy dễ chịu hơn nhiều rồi. Bọn tôi bèn khoác vai gã và kể lại mọi chuyện đã làm.
Bây giờ còn phải vượt qua thêm một trăm năm mươi dặm cuối cùng để đến được cái biên giới kỳ diệu ấy. Chúng tôi nhảy lên xe và nổ máy. Tôi mệt đến nỗi cứ gục xuống mà ngủ một mạch đến tận Laredo, chỉ thức dậy khi xe đậu lại trước cửa một tiệm ăn vào lúc hai giờ sáng. “Ôi,” Dean thở dài, tận cùng Texas, tận cùng nước Mỹ, và ta chẳng còn biết gì nữa?” Trời nóng kinh khủng: bọn tôi đổ hàng xô mồ hôi. Không có một chút sương đêm, không có một ngọn gió, không có gì ngoài triệu triệu con ngài bu đen quanh các bóng điện và mùi nồng nặc của dòng sông gần đó bốc lên trong đêm nồng nực - dòng Rio Grande, bắt nguồn từ những thung lũng mát mẻ trên dãy Rocky, tạo nên những thung lũng mênh mông, hòa trộn cái nóng của nó vào bùn của dòng Mississppi trong Vịnh Mexico vĩ đại.
Laredo sáng hôm ấy thật gớm ghiếc. Đủ hạng tài xế taxi cùng đám vô lại vùng biên quấy đảo khu vực này để kiếm cơ hội. Nhưng chẳng có mấy; muộn quá rồi. Đó là đáy nước Mỹ, nơi mọi thứ cặn bã nặng ký lắng đọng, nơi những kẻ lạc đường phải tìm đến một nơi cụ thể nào đó, bất cứ đâu, miễn là không ai nhận ra họ. Mùi buôn lậu phảng phất trong không khí đặc quánh như xi rô. Đám cớm toàn các gã mặt đỏ gay, nhăn nhó, đầm đìa mồ hôi, chẳng có vẻ gì oai vệ. Tiếp viên quán trông bẩn thỉu đến buồn nôn. Nhưng chỉ ngay bên ngoài những thứ này thôi, ta có thể cảm nhận được sự hiện diện vĩ đại của đất Mexico và gần như ngửi thấy hàng tỉ chiếc bánh ngô đang rán nghi ngút khói trong đêm. Chúng tôi không biết Mexico thực sự sẽ thế nào. Chúng tôi lại ở ngang mực nước biển lần nữa, và khi ăn thử một món ở đó, chúng tôi không sao nuốt nổi. Dù sao tôi cũng lấy khăn ăn gói nó lại để dành đi đường. Chúng tôi thấy bồn chồn và buồn. Nhưng mọi chuyện thay đổi khi xe băng qua cây cầu bí ẩn bắc qua sông, chính thức chạy vào đất Mexico, dù đây chẳng là cái gì ngoài một con đường dành cho xe con đi vào để hải quan kiểm tra. Ngay bên kia đường là đất Mexico. Chúng tôi nhìn một cách kinh ngạc. Và trước sự kinh ngạc đó, trông nó giống y như Mexico. Lúc đó là ba giờ sáng. Hàng tá người đội mũ rơm, quần trắng đang lang thang qua, vật vờ tựa vào mặt trước những cửa hàng xiêu vẹo.
“Nhìn-bọn-kia-kìa!” Dean thì thầm. “Ố ồ,” hắn thở nhẹ, “đợi đã, đợi đã.” Mấy sĩ quan người Mexico bước ra, cười, yêu cầu chúng tôi cho kiểm tra hành lý. Thế là dỡ đồ ra. Cả bọn không rời mắt ra khỏi vùng đất bên kia đường, nóng ruột muốn xông vào đấy và lạc trong những con phố Tây Ban Nha bí ẩn đó. Đây chỉ mới là Nuevo Laredo thôi nhưng với chúng tôi trông nó hệt như Lhasa linh thiêng. “Này, mấy gã này trực suốt đêm đấy.” Dean nói. Chúng tôi vội vàng xuất trình giấy tờ. Người ta khuyên không nên uống nước từ vòi khi đã qua biên giới. Các sĩ quan người Mexico nhìn hành lý chúng tôi qua loa. Họ không có vẻ gì giống quan chức cả. Họ lười biếng và nhẹ nhàng. Dean cứ nhìn chằm chằm vào họ. Hắn quay sang tôi, “Thấy ở đất nước này cớm là thế nào chưa? Tôi không tin được đấy.” Hắn dụi mắt. “Tôi đang nằm mơ rồi.” Rồi đến lúc phải đổi tiền. Từng chồng tiền peso to tướng bày trên mặt bàn, cứ một đô la Mỹ đổi được tám đồng peso hoặc đại loại như vậy. Chúng tôi đổi gần hết số tiền mang theo rồi nhét vào túi từng cuộn tiền lớn. Khoái thật.
Trên Đường Trên Đường - Jack Kerouac Trên Đường