Tin Tức Về Người Cha
au khi Ô-lép lắp được chiếc ra-đi-ô, chúng tôi không còn phải sống cách biệt với thế giới bên ngoài như trên ốc đảo nữa. Sự thật, chúng tôi vẫn phải sống trong tình trạng nô lệ. Chúng tôi sống như những người nông nô, bởi vì muốn từ thành phố này sang thành phố khác phải có giấy phép. Giờ đây muốn làm việc gì cũng phải được phép hoặc có giấy tờ. Thế nhưng chính quyền của bọn na-di không cho phép mở rộng việc thông tin tin tức, còn nghe tin tức Mát-xcơ-va thì tất nhiên là bị cấm. Nhưng tin tức từ Mát-xcơ-va bay đến làm cho chúng tôi hy vọng và tin tưởng. Những tin tức đó không bị trận tuyến ngăn cách, không sợ đạn bom. Muốn nghe những tin tức ấy, chúng tôi không cần phải xin phép bọn Đức. Chúng tôi coi thường sự cấm đoán vì trong lòng chúng tôi tự thấy không phải là nô lệ và không bao giờ trở thành nô lệ.
Chiếc máy thu thanh của Ô-lép thu được tin tức về cuộc phản công của Hồng quân, về các cuộc chiến đấu thắng lợi trên toàn mặt trận rộng lớn, về cuộc rút chạy loạn xạ của bọn Đức và về những tổn thất to lớn của chúng. Chúng tôi nghe tin tức và ngày càng sáng tỏ bánh xe lịch sử đang phóng sang phía nào. Kết quả của sự phát triển lịch sử hoàn toàn không phải là sức mạnh và sự hùng hậu của nước Đức phát xít, mà ngược lại – lại là sự đổ vỡ của một nhà nước phát xít. Bọn na-di không tránh khỏi thất bại và bị tiêu diệt – điều này tôi và Ô-lép hoàn toàn tin tưởng.
Đài Mát-xcơ-va đang kể về các chiến công anh hùng của nhiều binh lính và sĩ quan quân đoàn E-xtô-ni-a. Tôi và Ô-lép say sưa nghe.
Một trong những người anh hùng đó là thiếu úy An-be Ca-re-xte. Ông đã cùng nhiều người, trong nhiều giờ chống trả cuộc tấn công của bọn lính xe tăng Đức và không lùi một bước. Khi bọn Đức ném lựu đạn về phía công sự của ông, ông đã đón lấy từ trên không và ném trả lại. Đó quả là một chiến công anh dũng thực sự vì không thể biết được lúc nào lựu đạn nổ. Ông đã đón bắt và ném trả lại cả năm quả lựu đạn như vậy! Và quả nào cũng gây chết chóc cho bọn Đức. Nhưng quả thứ sáu đã nổ trong tay ông. Ca-ri-xte bị thương nặng. Nhưng ông đã từ chối không rời trận địa và nói rằng: “Tôi sẽ chiến đấu đến cùng!”.
Hôm nay tôi và Ô-lép lại ngồi bên máy thu thanh và hồi hộp lắng nghe, tuy rằng lần này không nói về các chiến công anh hùng. Trên đài thông báo về các tặng thưởng mà chính phủ Xô-viết dành cho các chiến sĩ E-xtô-ni-a dũng cảm và kiên cường.
Tặng huy chương Cờ đỏ cho…
Tặng huân chương Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hạng nhất cho…
Tặng huân chương Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hạng hai cho…
Tặng huân chương Sao đỏ cho…
Hàng trăm binh lính và sĩ quan quân đoàn E-xtô-ni-a được tặng huân chương, huy chương…
Chiếc máy thu thanh của Ô-lép đưa tin những con người dũng cảm được tặng huy chương “Dũng cảm”, còn chúng tôi chăm chú nghe.
Hạ sĩ A-a-rên Ê-đu-a Ca-rơ-lô-vích…
Chiến sĩ Hồng quân A-ru-lô-ô En-đen I-u-u-li-u-xô-vích.
Toàn những tên mới. Người lạ, nhưng họ thì lại quen.
Chiến sĩ Hồng quân Ca-a-đích Ca-rơ-lơ E-đu-a-đô-vích…
Chiến sĩ Hồng quân Ôt-xman Ô-xca An-đơ-rê-ê-vích…
Chiến sĩ Hồng quân Pác-mơ Gốt-phơ-rít Ca-rơ-lô-vích…
Chiến sĩ Hồng quân Pi-khơ-lát Ai-nơ Nhi-gu-lô-vích.
Bao nhiêu là tên người…
Nhưng tôi không còn nghe tiếp một ai nữa.
Phát thanh viên đọc lại “Pi-khơ-lát Ai-nơ Nhi-gu-lô-vích”…
- Không có lẽ có hai người tên là Pi-khơ-lát Ai-nơ Nhi-gu-lô-vích! Đó là tên bố tớ!
- Ừ, - Ô-lép nói. - bố cậu là một người dũng cảm.
Nhưng đối với tôi bây giờ điều quan trọng nhất lại là việc bố tôi còn sống. Tôi thậm chí không để ý thấy Ô-lép tắt ra-đi-ô đi lúc nào.
- Tớ đi về đây. - tôi nói.
- Đi đâu?
- Về với mẹ tớ.
Ngày hôm ấy ở ngoài phố trời đã ấm lại, băng tan, nước nhỏ giọt từ mái hiên xuống. Tôi đi đến nhà kính nơi mẹ tôi làm việc. Trên hè phố những con chim sẻ đang nhảy. Chúng nhảy, và bố tôi còn sống.
Tôi không nhận thấy tôi đang bước nhanh chân và cuối cùng thì chạy. Đến đầu phố tôi va vào hai bà to béo, nhưng thậm chí cũng không xin lỗi.
Tôi chạy, I-u-lô Ai-nô-vích Pi-khơ-lát đã chạy dọc theo các phố xá thành phố quê hương. Cậu bé rất vội vã, bởi vì bố của cậu còn sống và cần phải nhanh chóng báo cho mẹ cậu biết tin.
Tôi đến văn phòng thở hổn hển xin gặp mẹ tôi…
- Cháu đi đến nhà kính ấy, - mọi người trả lời tôi ngắn gọn.
Ở đây mọi người đều biết tôi là I-u-lô Ai-nô-vích Pi-khơ-lát.
Mẹ tôi đang quanh quẩn bên các chậu hoa. Bà mặc chiếc áo khoác ngoài thường dùng trong khi làm việc.
- Mẹ ơi! - tôi kêu lên.
Mẹ tôi đột ngột đánh rơi chậu hoa và sợ hãi ngoảnh lại. Nhưng khi trông thấy tôi, mẹ tôi mỉm cười.
- Mẹ ơi! - tôi nói. - Bố con còn sống.
Và ngay lúc ấy mẹ tôi ôm lấy tôi; ôm thật chặt bằng đôi tay dính đầy đất. Ở gia đình chúng tôi không chấp nhận ôm, nhưng bây giờ mẹ tôi đã ôm tôi.
- Nào con nói đi. - cuối cùng mẹ tôi bảo.
Tin tức không có gì nhiều. Huy chương “Dũng cảm”. Chỉ có vậy thôi. Nhưng điều đó dù sao cũng là rất nhiều.
- Không thể có hai cái tên Pi-khơ-lát Ai-nơ Nhi-gu-lô-vích được. - tôi nói. – Đó chắc chắn là bố con rồi.
- Nhất định rồi con ạ. Mẹ tin là bố con sẽ trở về, - mẹ nói. - Ôi, mẹ lao vào con, làm bẩn cả áo con…
Mẹ tôi phủi phủi vai áo cho tôi.
- Bây giờ con đi học đi, không có lại muộn.
- Mẹ ơi, nhà ta còn bột không?
- Còn, nhưng ít thôi.
- Con gà Cư-ca đẻ ba trứng đấy. Chiều nay mẹ làm bánh nhé.
- Ừ, - mẹ tôi nói. - không cần nhiều trứng lắm đâu.
- Dù sao mẹ cũng cứ dùng cả đi. Nhân ngày hôm nay mà. Thật cứ như là ngày sinh nhật ấy.
- Được rồi, - mẹ tôi đáp. - Sẽ đúng như vậy.
Tôi đi về.
Không khí đã có vẻ mùa xuân. Mặt trời sưởi ấm theo kiểu mùa xuân. Những con chim sẻ cũng ríu rít như mùa xuân. Chim sẻ ríu rít như mùa xuân và bố của tôi còn sống.
Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối - Eno Raud Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối