Vô Gia Đình epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 39: Bốp
ôi lại được đưa về nhà giam cũ. Tôi nghĩ mãi và cho rằng sở dĩ tôi chưa được tha là vì người ta còn đợi bắt được những người đã vào Nhà Thờ xem có phải tôi là đồng đảng không. Người ta đang lùng bắt phạm nhân, ông biện lý đã bảo thế. Mai đây tôi sẽ đau đớn và nhục nhã phải ngồi trên ghế tòa đại hình với những phạm nhân đó. Bao giờ đến ngày đó? Bao giờ tôi sẽ bị chuyển đi nhà lao Khu? Nhà lao ấy là nhà lao gì? Ở đâu? Có khổ hơn ở đây không?
Những chuyện đó cứ lẩn quẩn trong đầu tôi khiến thời giờ đi nhanh chóng hơn hôm trước. Tôi không nóng ruột nữa. Tôi biết rằng phải đợi. Tôi đứng lên, ngồi xuống, tôi đi đi lại lại. Tôi cố đợi.
Tối hôm ấy, khoảng 10 giờ, tôi nghe thấy tiếng kèn, giọng thổi đó là của Mã-Tư, người bạn tốt đó muốn tỏ cho tôi biết là anh nhớ tôi và săn sóc đến tôi. Tiếng kèn đó ở ngoài đường trước cửa sổ tôi. Mã-Tư đang ở ngoài tường, trên hè phố cách phòng giam của tôi độ vài mét. Hại thay! Mắt tôi không nhìn được thấu qua tường, nhưng nếu mắt không xuyên qua được đá thì âm thanh đã qua được tường. Ngoài tiếng kèn ra, tôi còn nghe thấy tiếng người đi lại và tiếng cười nói lao xao, biết rằng Mã-Tư và Bốp có lẽ đang diễn trò ở đó – tại sao họ lại chọn chỗ này để diễn. Có phải chỗ này tốt và dễ thu tiền không? Hay là họ định dùng chỗ này để báo tin tức gì cho tôi? Tôi chợt nghe thấy tiếng nói rõ ràng, tiếng anh Mã-Tư kêu to lên bằng tiếng Pháp “Sáng sớm mai nhé!” Rồi tiếp luôn tiếng kèn inh ỏi hơn trước.
Không cần phải suy nghĩ, tôi cũng hiểu ngay câu tiếng Pháp đó không phải là Mã-Tư nói với những khán giả người Anh mà để nói cho tôi nghe. Nhưng tôi không hiểu câu đó có ý gì? Tôi tự đặt hàng chục câu hỏi mà không sao tìm được câu trả lời đích đáng.
Duy có một điều rất rõ rệt là sáng mai tôi phải dậy thật sớm và chú ý. Từ bây giờ cho đến lúc đó tôi phải kiên tâm đợi.
Tôi nằm võng cố ngủ. Tôi nghe tiếng chuông đồng hồ đánh hết giờ ấy đến giờ khác, rồi bất giác đôi cánh của giấc ngủ nhẹ nhàng đưa bổng tôi đi. Khi tôi chợt tỉnh, đêm vẫn dài, những ngôi sao lấp lánh trên nền trời đen. Không một tiếng động. Có lẽ còn lâu mới sáng. Tôi sẽ ngồi xuống ghế, không dám đi lại sợ động, lính đi tuần sẽ chú ý. Tôi ngồi đợi. Chợt đồng hồ đánh bốn giờ. Còn sớm quá. Tuy nhiên tôi không dám ngủ lại. Giá tôi có muốn ngủ lại cũng không sao chợp mắt được vì lúc đó lòng tôi thấy lo lắng nôn nao.
Công việc duy nhất của tôi lúc đó là nằm đếm tiếng chuông đồng hồ. Nhưng lâu làm sao cái khoảng thời gian 15 phút đi từ giờ đến khắc, từ khắc đến nửa giờ, lắm khi lâu quá tưởng chừng như tôi lãng quên không đếm hay máy đồng hồ bị sai.
Tựa vào thành tôi nhìn qua cửa sổ: sao đã mờ, trời hơi trắng ra.
Bình minh sắp tới. Tiếng gà gáy xa xa. Tôi đứng dậy, đi bằng đầu ngón chân ra mở cửa sổ. Đó là một công việc thận trọng, tôi làm rất thong thả và nhẹ nhàng. Không để kêu cọt-kẹt. Mở được cửa sổ nhưng tôi nghĩ cũng chẳng ích gì vì những chấn song vẫn xít, những bức tường vẫn dầy. Có điên mới nghĩ việc thoát thân. Thế mà tôi vẫn hy vọng.
Trên trời sao nhạt dần. Khí lạnh ban mai làm tôi sởn người. Tuy nhiên tôi vẫn không rời cửa sổ. Tôi cứ đứng đó nghe, nhìn và không biết mình định nghe, nhìn cái gì. Một bức màn trắng đã tỏa trên trời và ở dưới đất mọi vật bắt đầu nổi rõ ảnh hình. Đó là buổi sớm mai mà Mã-Tư đã hẹn. Tôi nín hơi nghe ngóng, tôi chỉ nghe thấy những tiếng đập của trái tim tôi thôi.
Sau cùng tôi nghe hình như có tiếng cạo cạo vào tường, nhưng tôi không thấy tiếng chân bước, tôi nghe nhầm chăng. Nhưng tôi vẫn lắng tai, tiếng cạo vẫn tiếp tục, rồi thình lình tôi trông thấy một cái đầu đen đen nhô lên trên nóc tường. Mặc dầu lúc đó trời hãy còn tối, tôi biết ngay không phải là Mã-Tư, đó là đầu anh Bốp. Trông thấy tôi đứng sát vào chấn song, anh kêu rất sẽ:
- Suỵt!
Đồng thời, anh lấy tay vẫy tôi đứng xa cửa sổ ra. Tôi không hiểu gì, và nghe anh tôi đứng dịch ra. Lúc đó, tay kia anh cầm vật gì lóng lánh và dài trông như cái ống thủy tinh. Anh ngậm ống đó vào mồm. Tôi biết ngay đó là cái ống xì. Tôi nghe “phụt” một cái, đồng thời có một viên đạn trắng xuyên qua không khí và rơi vào chỗ chân tôi. Thoáng một cái, đầu anh Bốp biến mất sau bức tường và tôi không nghe thấy gì nữa.
Tôi vội nhặt viên đạn. Nó bằng giấy bao chung quanh một hòn chì. Hình như có những hàng chữ nhỏ vạch trên mảnh giấy đó. Nhưng lúc đó trời chưa rạng để đọc. Tôi đành đợi đến sáng rõ. Tôi cần thận đóng cửa sổ lại đến võng nằm và giữ chặt viên đạn giấy trong tay.
Đợi mãi, vừng đông từ từ rạng và rọi ánh hồng trên tường. Tôi giở giấy ra đọc:
Chiều mai, người ta sẽ chuyển anh đến nhà lao Khu. Anh sẽ đi xe hỏa hạng nhì với một Cảnh-binh. Anh ngồi gần cửa anh lên. Sau khi chạy được 45 phút (phải đếm kỹ) đến chỗ ráp mối của hai đường sắt, xe đi từ từ, anh ra cửa và nhẩy phắt xuống: duỗi thẳng hai tay, lao mình ra và có ý cho chân xuống trước. Tới đất rồi, leo qua bờ bên trái, xe chúng tôi đợi ở đó. Đừng sợ gì cả. Hai hôm sau chúng ta sẽ ở Pháp rồi. Can đảm và hy vọng đi! Nhớ nhẩy lao mình và xuống bằng chân”.
Trốn thoát! Tôi không phải ra tòa Đại Hình, tôi không phải nhìn cái cảnh đau lòng đã diễn ra. A! Anh Mã-Tư can đảm! Anh Bốp tử tế! Anh Bốp đã giúp Mã-Tư cứu tôi: “xe chúng tôi đợi ở đó”, một mình Mã-Tư không sao bày được mưu này. Tôi đọc lại giấy: “sau khi chạy được 45 phút, bờ bên trái, chân xuống trước”. Nhất định thế, tôi quyết nhảy ra, dù phải tự tử. Chết còn hơn bị coi là kẻ trộm. A! Tất cả những việc đó xếp đặt thật hay quá! “Hai hôm sau, chúng ta ở Pháp!”
Tuy nhiên trong cái mừng của tôi vẫn có một ý tưởng buồn rầu: còn Lãnh-Nhi? Nhưng ý tưởng đó bị đánh tan ngay. Mã-Tư không thể bỏ Lãnh-Nhi được. Anh đã tìm cách cho tôi vượt ngục, tất nhiên anh cũng có kế cứu Lãnh-Nhi. Tôi đọc đi đọc lại mẩu giấy hai ba lần nữa rồi tôi cho vào miệng nhai nát và nuốt đi. Bây giờ tôi chỉ còn việc ngủ cho yên. Tôi thực hành khéo quá, đến nỗi người cai ngục phải đánh thức tôi dậy để ăn bữa sáng.
Thời giờ đi quá nhanh. Vào khoảng quá trưa hôm sau, một người Cảnh-binh tôi không quen mặt vào phòng giam và bảo tôi đi. Tôi vững dạ thấy người Cảnh-binh này trạc năm mươi tuổi và trông không khe khắt lắm.
Mọi việc tôi đều theo lời Mã-Tư cả. Khi xe bắt đầu chạy, tôi ngồi lùi dần về cạnh cửa tôi vừa lên. Người Cảnh-binh ngồi trước mặt tôi. Trong toa này chỉ có hai chúng tôi thôi.
Người Cảnh-binh hỏi tôi:
- Em nói tiếng Anh được chứ?
- Ít thôi.
- Em hiểu khi người ta nói chứ?
- Hơi hiểu, khi người ta nói chậm.
- Em ơi! Ta muốn cho em một lời khuyên: Đừng quỷ quyệt với Tòa án! Cứ nói thực đi. Có thành thực thì mới thu phục được lòng yêu của mọi người. Không có gì khó chịu bằng có việc với những kẻ có lỗi hiển nhiên mà còn cãi. Còn những kẻ thú lỗi bao giờ cũng được người ta thương mến mà khoan dung cho, vì thế em nói thực cho ta biết vụ đó xẩy ra như thế nào, ta sẽ thưởng cho em mấy đồng. Em phải biết tiền bạc làm êm dịu phần nào cảnh khổ ở nhà lao.
Tôi định trả lời phắt rằng tôi không có tội gì phải thú cả. Nhưng muốn “thu phục lòng yêu” của người Cảnh-binh – theo từ ngữ của ông ta – tôi nín lặng, không nói gì.
Ông ta cứ tiếp:
- Em cứ nghĩ kỹ đi. Khi nào ở nhà lao, em nhận thấy lời khuyên của ta tốt, em sẽ nhờ người gọi ta, vì không nên thú tội với bất cứ ai, phải chọn mặt người nào thương mình, như ta chẳng hạn, em đã rõ ta sẵn lòng giúp đỡ em.
Tôi sẽ gật đầu.
- Cứ hỏi ông Đô-Phiên là tên tôi. Em nhớ lấy.
- Thưa ông, vâng.
Tôi đứng ở cạnh cửa lên xuống. Tôi xin phép ông ta nhìn qua cửa kính ra ngoài để xem phong cảnh những làng mạc xe đi qua. Vì ông muốn “thu phục lòng yêu của tôi”, ông trả lời cho tôi tha hồ xem. Ông chả sợ gì. Con tầu đang chạy hết tốc độ.
Một lúc lâu, gió đánh vào mặt lạnh quá, ông bỏ chỗ cửa vào ngồi ghế giữa trong toa. Còn tôi, không biết lạnh là gì. Tôi sẽ đưa tay trái vặn sẵn quả nắm ra, tay phải giữ thành cửa.
Lát sau, xe hỏa kéo còi và đi chậm lại. Đã đến lúc: tôi tung cửa, nhẩy mạnh xuống hết sức xa. Tôi lăn xuống hố. May hai tay tôi đã được vào bờ cỏ, nhưng vì rơi xuống mạnh quá, tôi nằm ngất đi.
Khi tôi hồi tỉnh, tôi tưởng tôi vẫn còn ở trên xe hỏa vì tôi thấy chỗ tôi nằm đang bị kéo nhanh và có tiếng bánh xe lăn. Lạ quá, tôi nằm trên một cái ổ cỏ, mặt tôi bị ướt và có vật gì âm ấm vuốt ve trên má, trên trán tôi.
Tôi mở bừng mắt ra. Một con chó, con chó vàng đang cúi xuống liếm vào tôi. Mắt tôi gặp mắt anh Mã-Tư đang quỳ bên cạnh tôi.
Anh rẽ con chó ra, vừa hôn tôi vừa nói:
- Anh thoát nạn rồi!
- Ta ở đâu thế này?
- Trong xe ngựa. Anh Bốp đang đánh xe.
Bốp quay lại hỏi:
- Thế nào, đã khá chưa?
- Tôi không biết, có lẽ khá.
Bốp kêu:
- Cử động tay, cử động chân xem.
Theo lời anh Bốp, tôi duỗi chân duỗi tay trên ổ cỏ. Mã-Tư xem xong, nói:
- Tốt lắm. Không bị gẫy gì cả.
- Việc xẩy ra thế nào?
- Anh nhẩy ở xe ra đúng như lời tôi dặn. Anh lăn vào cái hố. Vì ngã mạnh quá nên anh ngất đi. Đợi mãi không thấy anh bò lên. Tôi liền giữ ngựa cho anh Bốp trèo qua bờ cỏ sang ẳm anh về xe. Chúng tôi đã buồn và lo, tưởng anh chết, may sao anh hồi lại. Thực là sung sướng!
- Còn người Cảnh-binh.
- Ông ta cứ đi vì xe hỏa không dừng.
Đã biết qua những điều cốt yếu rồi; tôi nhìn chung quanh và thấy con chó vàng cứ nhìn tôi bằng đôi mắt hiền dịu như mắt Lãnh-Nhi. Nhưng không phải Lãnh-Nhi, vì Lãnh-Nhi lông trắng.
- Còn Lãnh-Nhi đâu?
Mã-Tư chưa kịp trả lời thì con chó vàng nhẩy vào liếm tay tôi và khóc.
Mã-Tư nói:
- Lãnh-Nhi đấy! Chúng tôi phải nhộm lông nó đi.
Tôi vuốt ve con chó và hôn vào đầu nó.
Tôi hỏi:
- Tại sao anh lại nhuộm đi thế?
- Đó là cả một câu chuyện. Tôi kể cho anh nghe…
Nhưng Bốp không để cho Mã-Tư kể. Bốp bảo Mã-Tư:
- Anh ra cầm cương ngựa cho tôi. Cầm cho chắc để tôi xếp đặt lại cho người ta khỏi nhận rõ xe ta khi qua các trạm gác.
Chiếc xe này có những cái gọng uốn cong để đỡ mui vải. Anh tháo những gọng đó xếp trong xe, gấp tư mui vải đắp cho tôi. Rồi anh bảo Mã-Tư cùng chui xuống mảnh vải đó. Chiếc xe có mui chở người bây giờ hóa thành chiếc xe không mui và chỉ có một người đánh xe. Nếu người ta có đuổi theo chúng tôi, trông thấy xe đó cũng không ngờ vực gì.
Tôi hỏi Mã-Tư nằm dài bên cạnh tôi:
- Chúng ta đi đâu bây giờ?
- Đi Lít-Hăm-Tông, là một cái bến nhỏ ở bờ biển. Ở đó Bốp có người anh là chủ một chiếc thuyền buồm vẫn chạy sang Pháp mua trứng và bơ ở tỉnh Ích- Nhi miền Noóc-Măng-Đi về bán. Nếu chúng ta trốn thoát, sẽ trốn thoát được, là ở anh Bốp cả. Anh ấy làm hết. Chứ tôi một đứa trẻ khốn nạn, thì làm gì được cho anh. Chính Bốp đã bầy mưu nhẩy xe hỏa, bắn thư cho anh. Chính Bốp đã mượn bạn anh xe ngựa tốt cho ta. Và chính Bốp sẽ kiếm tầu đưa chúng ta về Pháp, vì anh phải biết rằng nếu anh bước xuống một chiếc tàu biển là bị bắt ngay. Anh coi, có bạn thì sung sướng biết bao.
- Còn Lãnh-Nhi, ai có ý kiến đem đi?
- Tôi, nhưng chính anh Bốp có ý kiến nhuộm vàng lông nó đi để người ta khỏi nhận ra. Chúng tôi bắt nó ở trong tay viên Cảnh-binh Gia-Ry. Viên Cảnh-binh thông minh mà quan Tòa đã khen – lần này hết thông minh vì đã để người ta lấy mất Lãnh-Nhi mà không biết. Con Lãnh-Nhi đã nhận thấy tôi nên tôi đã sai khiến nó một cách dễ dàng. Vả lại Bốp biết mọi mánh khóe của những tên ăn trộm chó.
- Thế còn chân anh thế nào?
- Khỏi hay gần khỏi, tôi không có thì giờ nghĩ đến.
Những đường giao thông ở Anh không giống ở Pháp. Từ chỗ nọ đến chỗ kia lại có những trạm gác mà người ta phải trả tiền mới đi qua được. Khi chúng tôi tới gần một trạm đó, Bốp bảo chúng tôi im tiếng và không được cựa cạy. Những người đứng canh chỉ trông thấy xe ngựa do một người đánh đi, Bốp bông lơn với họ vài câu rồi cứ thẳng tiến.
Anh có tài làm trò hề nên hóa trang rất khéo. Anh đang đóng vai chủ trại. Giá có người rõ quen anh đứng nói chuyện với anh bây giờ cũng không nhận ra anh.
Xe chúng tôi đi rất nhanh, vì ngựa tốt mà Bốp lại là một tay đánh xe tuyệt giỏi. Tuy nhiên, chúng tôi phải dừng lại một lúc để cho ngựa thở và ăn. Chúng tôi không vào hàng quán nào. Chúng tôi nghỉ ở giữa rừng, tháo cương ra và đeo vào cổ nó một giỏ đầy thóc lấy ở trong xe.
Đêm xuống tối đen. Chúng tôi không sợ bị bắt nữa. Lúc đó tôi liền ngỏ cùng anh Bốp những lời cảm ơn chân thành của tôi, nhưng anh không để tôi nói hết những điều cảm xúc trong lòng tôi.
Anh bắt tay tôi và đáp:
- Anh đã giúp tôi. Hôm nay tôi giúp lại anh. Mỗi người một lần chứ. Vả lại anh là anh của Mã-Tư, đối với một người bạn tốt như Mã-Tư, không ai là người tiếc công cả.
Tôi hỏi anh sắp đến Lít-Hăm-Tông chưa, anh trả lời còn hơn hai dặm nữa mà phải đi nhanh mới được, bởi vì thuyền của người anh anh thứ bảy nào cũng đi Ích-Nhi. Mà nước triều kỳ này có lẽ lên sớm. Hôm nay là thứ sáu rồi. Chúng tôi lại lên xe, Mã-Tư và tôi lại nằm chỗ cũ dưới tấm vải dầy. Con ngựa được ăn và nghỉ ngơi, chạy như bay.
Mã-Tư hỏi tôi:
- Anh có sợ không?
- Có và không. Tôi rất lo bị bắt lại. Nhưng chắc chắn người ta không bắt được tôi. Trốn đi, có phải là nhận mình có lỗi không? Đó là điều mà tôi bứt rứt nhất. Biện bạch chỗ đó làm sao được?
- Chúng tôi đã nghĩ đến điều đó, nhưng Bốp bảo không nên để anh bị giải ra tòa Đại Hình. Đến chỗ đó thì buồn lắm mặc dầu người ta được tha bổng. Tôi không dám nói gì, vì ý tôi chỉ muốn đưa anh về Pháp, tôi sợ nói làm ngãng việc ra.
- Anh đã làm một việc hay. Dù xẩy ra đến thế nào, tôi cũng nhớ ơn hai anh.
- Không xẩy ra gì cả. Anh đừng sợ. Khi xe hỏa tới nơi, người Cảnh-binh kia sẽ làm tờ trình. Lúc đó người ta mới mở cuộc truy nã. Trong khoảng đó, ta có bao nhiêu là thì giờ để đi xa mà chúng ta lại chạy như phi. Hơn nữa họ biết đâu là ta đi Lít-Hăm-Tông để xuống thuyền.
Có thể tin được rằng người ta không biết hành tung của tôi, may ra tôi có thể xuống thuyền đi thoát được. Nhưng tôi không đồng ý với Mã-Tư là người Cảnh-binh phải mất nhiều thì giờ để theo tôi. Đó là một mối lo, là một điều chí nguy. Tuy nhiên, Bốp khéo điều khiển con ngựa hay nên chiếc xe cứ vùn vụt như bay trên con đường quang vắng. Thỉnh thoảng chúng tôi có gặp chiếc xe nào thì gặp, chứ không một xe nào vượt xe chúng tôi.
Những làng mạc chúng tôi đi qua đều yên lặng, thỉnh thoảng mới nhìn thấy một cái cửa sổ có ánh đèn khuya. Một vài con chó để ý đến “cuốc” xe nhanh của chúng tôi, nghếch mõm sủa theo. Chỗ nào phải leo qua dốc, khi vượt xong, Bốp lại cho ngựa nghỉ, chúng tôi xuống xe và áp tai xuống mặt đường để nghe. Nhưng Mã-Tư là người thính tai nhất cũng không nghe thấy tiếng động gì khả nghi. Chúng tôi lữ hành trong bóng tối và trong khoảng im lặng của ban đêm.
Bây giờ không phải là để nấp mà chúng tôi phải nằm trong mui vải, chính là để cho khỏi rét, vì đã lâu gió bắc thổi vào giá lạnh. Chúng tôi liếm môi thấy mặn. Chúng tôi gần đến biển rồi.
Không bao lâu, chúng tôi nhìn thấy một ánh sáng lúc lòe, lúc tắt cách khoảng rất đều: đó là hải đăng.
Chúng tôi đến nơi. Bốp cho xe đi chậm lại, rẽ vào một con đường tắt. Xong anh dừng lại, xuống xe, bảo chúng tôi ở lại giữ ngựa. Anh chạy xem thuyền đã rời bến chưa và chúng tôi đi nhờ thuyền này có trở ngại hoặc nguy hiểm gì không.
Tôi xin thú thực rằng thời gian anh Bốp đi, tôi thấy lâu, lâu quá. Chúng tôi không nói chuyện. Tiếng sóng vỗ vào đá rào rạt đều đều bên tai làm tăng nỗi buồn của chúng tôi. Mã-Tư run người, tôi cũng run run như anh.
Anh bảo tôi:
- Lạnh quá!
Có đúng thế không? Sự thực là mỗi khi một con bò hay một con cừu trong bãi đi ra, nghe tiếng sột soạt là chúng tôi lại run lên không rõ vì rét hay vì sợ.
Sau cùng, chúng tôi nghe thấy tiếng chân người bước trên lối anh Bốp vừa đi. Có lẽ anh đã trở ra. Số phận tôi sắp được định đoạt.
Bốp không ra một mình. Khi anh lại gần, chúng tôi thấy có người theo sau. Người đó to lớn, vận một cái va-rơ bằng vải sơn và đội một cái mũ len.
Bốp nói:
- Đây là anh tôi. Anh tôi bằng lòng nhận các anh xuống thuyền và đưa các anh đi. Bây giờ tôi từ biệt các anh. Để cho người ta biết tôi có mặt ở đây, không có lợi gì.
Tôi cảm ơn anh nhưng anh gạt đi, bắt tay tôi và nói:
- Anh đừng nói thế. Phải giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi người một lần chứ! Một ngày kia ta sẽ gặp nhau. Tôi rất sung sướng đã giúp Mã-Tư, bạn tôi.
Chúng tôi liền theo anh Bốp, đi qua mấy phố yên lặng trong tỉnh. Sau hai ba chỗ ngoẹo, chúng tôi đến bến. Gió biển thổi như hắt vào mặt chúng tôi.
Không nói gì, anh Bốp lấy tay trỏ cho chúng tôi một chiếc thuyền. Chúng tôi hiểu là thuyền của ông. Vài phút sau, chúng tôi đã xuống thuyền. Người ta cho chúng tôi vào một cái buồng con.
Ông nói:
- Hai giờ nữa thì nhổ neo. Các anh ở yên đây, đừng làm huyên náo.
Nói xong, ông khóa cửa buồng lại. Yên lặng Mã-Tư nhẩy vào trong cánh tay tôi và hôn tôi. Anh không run nữa.
Vô Gia Đình Vô Gia Đình - Hector Malot Vô Gia Đình