Núi Thần epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần 6 - Cuộc Tấn Công Bị Đẩy Lui
ánh răng quay. Chiếc kim nhích đi trên mặt đồng hồ.
Hoa lan núi và hoa Aquilegia đã tàn, cẩm chướng dại cũng cùng chung số phận ấy. Trong cỏ ướt lại thấp thoáng những bông hoa khổ sâm như ngôi sao xanh da trời, hoa tỏi độc cánh màu tím nhạt, và trên đỉnh cây rừng lớp lá kim lại loang lổ sắc hung hung đỏ. Thu phân đã bị bỏ lại sau lưng, ngày lễ vong linh sờ sờ trước mắt, và những kẻ quen phóng tay áo xô đốt nhà tang giấy với thời gian đã có thể thấy kỳ vọng[289] đầu tiên, sau đó là ngày đông chí và lễ Giáng sinh. Nhưng hiện tại vẫn là chuỗi ngày tháng mười nắng vàng rười rượi, giống như khoảng thời gian năm trước, khi hai anh em được mời vào xem tranh sơn dầu của ông cố vấn cung đình.
Từ lúc Joachim đi Hans Castorp không còn ngồi ở bàn bà Stöhr nữa, nơi ông tiến sĩ Blumenkohl âm thầm chết một cái chết không kèn không trống và cô Marusia vùi những trận cười vô cớ trong chiếc khăn tay tẩm nước hoa cam. Bây giờ ngồi ở đó là những bệnh nhân mới lạ hoắc. Người bạn của chúng ta, hai tháng rưỡi dấn sâu vào năm thứ hai ở trên này, đã được ban quản trị phân cho một chỗ ngồi khác ở cái bàn bên cạnh đứng chéo góc với bàn cũ, đối diện cánh cửa bên trái mở ra hàng hiên ở khoảng giữa bàn cũ của chàng và bàn Nga thượng lưu, nói ngắn gọn là bây giờ chàng ngồi ở bàn Settembrini. Đúng thế, giờ đây Hans Castorp ngồi trên chiếc ghế bỏ trống của Settembrini ở cuối bàn, đối diện với chỗ dành riêng cho ông cố vấn cung đình và vị bác sĩ trợ lý của ông ta tại đầu mỗi chiếc trong cả bảy dãy bàn.
Phía trên đầu bàn, bên trái vị trí chủ tọa của các vị lương y, ngự trên một đống gối là ông thợ nhiếp ảnh nghiệp dư gù lưng người Mexico với nét mặt ngơ ngác như người điếc, hậu quả của sự cô đơn do bất đồng ngôn ngữ. Ngồi cạnh ông ta là cô gái già người Siebenbürgen, và đúng như lời than phiền của ông Settembrini dạo trước, cô ta suốt ngày tra tấn bàn dân thiên hạ bằng những chuyện không đâu về ông anh rể của mình, mặc dù chẳng ai quen biết hay muốn biết gì về ông ta. Vào những giờ nhất định trong ngày người ta thấy cô ta đứng trước lan can ban công phòng mình, cây gậy có tay nắm bạc chạm trổ mà cô ta vẫn chống mỗi khi đi dạo đưa ngang sau gáy, ưỡn bộ ngực phẳng như lòng đĩa thực hành bài tập thở sâu. Ngồi đối diện với cô ta bên bàn ăn là một người Tiệp được gọi là ông Wenzel, vì không ai phát âm nổi họ của ông ta. Hồi còn ở đây thỉnh thoảng ông Settembrini cũng bỏ công uốn ba tấc lưỡi thử đọc tất cả các phụ âm làm nên cái họ trúc trắc ấy - dĩ nhiên không phải vì lòng tử tế, mà ông văn sĩ muốn trình diễn một cách đầy ấn tượng sự bất lực của một cái lưỡi Latinh trước bấy nhiêu phụ âm lổn nhổn, chủ yếu là để mua vui. Mặc dù béo mượt như con chồn bạc má và được trang bị một sự ngon miệng đáng nể cả đối với những kẻ ở trên này, suốt bốn năm nay người đàn ông Bohemia ấy không ngừng tuyên bố là mình sắp chết. Trong những tối giao lưu đôi khi ông ta cao hứng vớ cây đàn mandolin thắt ruy băng khảy lên vài giai điệu quê nhà và mơ màng kể về trang trại trồng củ cải đường của mình, nơi chiêu tập toàn là các cô gái đẹp. Không xa chỗ Hans Castorp mấy, ngồi đối diện nhau ở hai bên bàn là ông và bà Magnus, hai vợ chồng chủ hãng bia ở Halle. Quanh hai người này bao phủ một bầu không khí đượm màu bi đát, vì cả hai không giữ được trong cơ thể những sản phẩm trao đổi chất tối quan trọng đối với sự sống - ông Magnus bị đái tháo đường, còn bà Magnus mắc chứng thoát đạm. Có vẻ như họ, hay chí ít là bà Magnus xanh rớt, đã từ bỏ mọi tia hy vọng dù là nhỏ nhất; sự cằn cỗi tinh thần phả ra từ con người bà ta như làn hơi mốc meo ẩm thấp dưới cống ngầm, bà ta là hình ảnh minh họa có phần còn ấn tượng hơn cả bà Stöhr vô học về sự kết hợp giữa bệnh tật và ngu dốt, nguyên nhân gây ra sự bức xúc ở Hans Castorp mà vì nó chàng từng bị ông Settembrini lên lớp. Ông Magnus có các giác quan hiếu động hơn và cũng nhanh nhảu mồm mép hơn vợ, mặc dù khiếu ăn nói của ông ta bộc lộ ra theo cái lối bị ông Settembrini gọi là sự khiêu khích lòng nhẫn nại và tính nhân văn. Thêm vào đó ông ta còn nóng tính như lửa, cho nên những cuộc đụng độ thường xuyên với ông Wenzel về quan điểm chính trị và trăm thứ bà rằn khác là điều không thể tránh khỏi. Ông chủ hãng bia ghét cay ghét đắng những tư tưởng quốc gia chủ nghĩa của người đàn ông Bohemia, đã thế ông kia còn đổ thêm dầu vào lửa bằng những lời chỉ trích công khai đồ uống có chất cồn và lên giọng đạo đức phê phán nghề ủ bia, hậu quả là ông Magnus mặt đỏ phừng phừng gầm lên bảo vệ tác dụng chữa bệnh không thể chối cãi được của loại chất lỏng lên men mà việc phổ biến nó can hệ trực tiếp đến quyền lợi sát sườn của ông ta. Trước kia gặp những lúc như thế ông Settembrini thường đứng ra dàn hòa bằng những lời lẽ nhẹ nhàng dí dỏm; giờ đây Hans Castorp, mặc dù ngồi thế chỗ ông văn sĩ bên bàn ăn, tự thấy mình chưa đủ khéo léo và cũng không có cái uy tín cần thiết để làm việc này nên cứ thây kệ cho những cuộc cãi vã ấy muốn tới đâu thì tới.
Chàng chỉ giao thiệp riêng với hai người ngồi cùng bàn: người thứ nhất là Anton Karlovitsch Ferge người Petersburg ngồi ngay bên trái chàng, con người nhẫn nại và hiền hậu với những câu chuyện tuôn ra từ dưới bộ ria mép hung hung đỏ rậm như rừng, kể về các hãng xưởng sản xuất ủng cao su và những miền đất xa xôi bên trên vòng cực, về mùa đông Bắc cực dài vô tận, và thỉnh thoảng chàng còn cao hứng hộ tống ông ta một cữ đi dạo trong ngày. Còn người kia, người thứ ba luôn tìm cách nhập bọn với họ mỗi khi có thể, ngồi ở tuốt đầu bàn đối diện ông Mexico gù lưng, là người đàn ông Mannheim với mái tóc lơ thơ và hàm răng sún, tên gọi Ferdinand Wehsal, nghề nghiệp thương gia, chính là người vẫn dán cặp mắt tối tăm đầy dục vọng lên tấm thân mềm mại của Madame Chauchat, và từ đêm hội hóa trang không ngừng lân la tìm cách kết thân với Hans Castorp.
Gã âm thầm lấy lòng chàng một cách dai dẳng và nhẫn nhục, thái độ tôn thờ khúm núm đến nỗi người được cung phụng cảm thấy rùng mình ghê tởm vì hiểu rõ ý nghĩa lắt léo của sự tôn sùng ấy, nhưng cũng không thể nhẫn tâm từ chối. Một cách điềm tĩnh, vì chàng biết rằng chỉ cần một cái nhíu mày cũng đủ khiến con người nhút nhát khốn khổ kia rụt lại thu mình vào vỏ ốc, chàng kiên nhẫn chịu đựng những cử chỉ xun xoe của Wehsal, để mặc gã tận dụng mọi cơ hội cúi chào và đón ý mình, thậm chí còn cho phép gã cầm giùm áo khoác trong những lần đi dạo chung - gã cẩn thận vắt chiếc áo chàng lên cánh tay với vẻ thận trọng đầy kính cẩn - và sau rốt chịu đựng cả những cuộc trò chuyện ảm đạm của gã người Mannheim. Wehsal ưa tung ra những câu hỏi đại loại như, có vô nghĩa và vô lý quá không nếu cứ muốn ngỏ lời yêu với một phụ nữ mình say mê nhưng bản thân người ấy lại chẳng thèm biết đến sự tồn tại của mình - nói cách khác là có nên bày tỏ một tình yêu vô vọng không, chẳng hay ý kiến các quý ông thế nào. Về phần mình, gã coi đó là sự sung sướng tột cùng, một niềm hạnh phúc vô biên. Tất nhiên hành vi tự thú ấy có thể gợi lên sự khinh thường ở đối tượng được tôn thờ và ẩn giấu mối nguy cơ tự hạ nhục bản thân, nhưng mặt khác nó đem lại một khoảnh khắc gần gụi với người thương mến, đầy tin cậy, kéo người ấy vào trong vòng tình cảm say đắm của mình, và khi giây phút ấy qua đi thì sự mất mát vĩnh viễn sau đó không hề quá đắt nếu đem so sánh với hạnh phúc ngọt ngào tuyệt vọng của khoảnh khắc kia; vì khi thổ lộ vô hình trung ta đã cưỡng bức đối tượng về mặt tinh thần, và sự chống cự của đối phương càng mạnh thì cảm giác thống khoái của ta lại càng cao. Tới đây một thoáng tối sầm trên gương mặt Hans Castorp như gáo nước lạnh dập tắt cơn hăng hái của Wehsal, mặc dù phản ứng của chàng phải hiểu là cử chỉ tôn trọng ông Ferge, con người hiền hậu vẫn thường tự nhận mình hoàn toàn xa lạ với tất cả những gì được coi là phức tạp và cao siêu, chứ không phải nhân vật chính của chúng ta muốn tỏ ra đạo mạo. Bởi chúng tôi lúc nào cũng cố gắng miêu tả chàng không tốt hơn hay xấu hơn con người thực của chàng, nên phải thật tình thưa cùng quý vị về một buổi tối nói chuyện tay đôi giữa hai người, gã Wehsal tội nghiệp dùng những lời bạc thếch khẩn khoản cầu xin chàng vì Chúa hãy tiết lộ kinh nghiệm trải qua trong đêm hội hóa trang, và với thái độ điềm tĩnh nghiêm trang Hans Castorp đã đáp ứng nguyện vọng của gã, chỉ xin độc giả chớ nghĩ rằng câu chuyện tâm tình giữa họ có chút gì nhơ nhuốc hay phóng đãng. Tuy nhiên vẫn có những lý do cả về phía chúng tôi và về phía chàng để không nên đi sâu thêm vào chi tiết, và ở đây chỉ xin nói thêm rằng, từ hôm ấy trở đi Wehsal ôm chiếc áo khoác của Hans Castorp với một sự khúm núm gấp đôi.
Đó là những nhân vật ngồi ở bàn ăn mới cùng với Hans Castorp. Chiếc ghế bên phải chàng để trống, chỉ được sử dụng ít ngày cho một vị khán giả bàng quan như chàng dạo nọ, một người khách lên thăm thân nhân, một sứ giả của đồng bằng như người ta hay gọi - nói trắng ra là cậu James Tienappel của Hans.
Đó là một cảm giác mang mang khó tả, khi một vị đại diện và sứ giả của quê nhà bỗng ngồi chễm chệ ngay cạnh mình, tỏa ra hơi thở của cuộc đời cũ, của nơi “trần thế” sâu thăm thẳm dưới kia, vẫn còn tươi rói dưới lần vải của bộ Âu phục Anh ông ta mặc trên người. Nhưng đó là điều không thể tránh khỏi. Đã từ lâu Hans Castorp thầm chuẩn bị cho một cuộc tấn công như thế từ phía đồng bằng, thậm chí nhân vật giờ đây liều mình xông lên núi cũng không ngoài dự đoán của chàng - thực ra chẳng cần giỏi giang gì cũng đoán trúng được, vì dĩ nhiên không thể tính đến Peter, người quanh năm đi biển, còn ông trẻ Tienappel vẫn thường bảo rằng mười ngựa cũng không kéo nổi ông lên vùng cao này, nơi áp suất khí quyển khiến ông có đầy đủ lý do để mà lo sợ cho ngọc thể của mình. Không, chỉ có James là người thích hợp để thay mặt gia đình lên dò xét tình hình đứa con lưu lạc; chàng đã ngấm ngầm đợi chuyến viếng thăm của người cậu từ sớm hơn nữa kia. Từ lúc Joachim trở về một mình và trung thực báo cáo với đại gia đình về tình hình trên núi thì một cuộc đột nhập lên đây là điều không thể tránh khỏi và không thể trì hoãn. Và như thế khoảng mười bốn ngày sau khi Joachim xuống núi Hans Castorp đã không mảy may kinh ngạc khi nhận từ tay lão gác cổng một bức điện tín - chưa mở ra đọc chàng đã đoán được nội dung của nó - báo tin James Tienappel sắp đến. Cậu chàng có công chuyện làm ăn bên Thụy Sĩ và quyết định nhân dịp này ghé thăm chàng. Ngày kia ông ta lên tới nơi.
“Tốt thôi”, Hans Castorp thầm tự nhủ. “Được lắm”, chàng nghĩ bụng. Thậm chí chàng còn lẩm bẩm cái gì như là “Xin mời!” Và thầm bảo với người sắp tới: “Cậu chẳng biết quái gì đâu!” Nói tóm lại, chàng nhận cái tin ấy một cách rất bình tĩnh, tự mình đi thông báo với ông cố vấn cung đình Behrens và ban quản trị, đặt sẵn một phòng - gian phòng của Joachim vẫn còn trống - và hai ngày sau, vào khoảng thời gian trước kia chính chàng đã tới nơi, tức là gần tám giờ, trời đã tối hẳn, chàng lại leo lên cỗ xe ngựa ghế ngồi cứng ngắc ít hôm trước vừa đi tiễn chân Joachim, lọc cọc ra ga “Làng” đón vị sứ giả dưới đồng bằng lên thăm thú tình hình.
Mặt đỏ như gạch non, đầu không mũ không nón, mình phong phanh bộ Âu phục không áo khoác ngoài, chàng đứng trên sân ga đón đoàn tàu bé hạt tiêu dừng bánh, ngay dưới cửa sổ toa người cậu ngồi, và lên tiếng giục ông ta xuống tàu vì đã tới nơi. Lãnh sự Tienappel - đúng ra là phó lãnh sự, nhưng ông ta đã gánh vác hoàn toàn trách nhiệm của chức vụ danh dự này một cách rất đáng khen ngợi để đỡ đần cho người cha - bước ra cửa toa, run lập cập trong chiếc áo choàng ấm mùa đông, vì buổi tối tháng mười đã khá lạnh, có thể nói là buốt giá, rất có thể lúc gần sáng nước đã đóng băng. Ông ta xuống tàu với tâm trạng phấn chấn bất ngờ, vừa chào hỏi người cháu họ bằng những lời lẽ rất văn minh tuy có hơi khách sáo của người miền tây bắc Đức, vừa tỏ ý hài lòng về hình thức có vẻ hoàn toàn khỏe mạnh của cậu ta. Được lão già khập khiễng cất cho mọi nỗi lo về hành lý ông ta lót tót theo Hans Castorp leo lên ngồi trên băng ghế cao cứng ngắc của cỗ xe mui trần đậu ngoài ga. Họ lướt đi dưới bầu trời dày đặc sao, Hans Castorp ngửa cổ đưa ngón tay trỏ khua khua lên không trung giới thiệu phong cảnh trên đó với người cậu đồng thời cũng như một người anh đỡ đầu trong thời thơ ấu của chàng, dùng cả lời lẽ lẫn cử chỉ miêu tả các chòm sao lấp lánh, gọi tên từng vì tinh tú - trong khi khách, quan tâm đến người đồng hành cùng ngồi trên xe hơn là vũ trụ xa xôi ngoài kia, bụng bảo dạ rằng, dĩ nhiên người ta có thể bắt đầu câu chuyện bằng cách nói về sao trời mà không nhất thiết bị coi là không bình thường, nhưng ở đây và vào lúc này thiếu gì đề tài thiết thực hơn. Từ khi nào chàng hiểu biết sâu rộng như thế về bầu trời, ông ta hỏi Hans Castorp; và chàng đáp rằng, đó là những kiến thức chàng thu thập được trong các đêm nằm nghỉ ngoài ban công cả bốn mùa xuân hạ thu đông. - Cái gì? Ban đêm cũng nằm ngoài ban công? - Ôi, đúng thế. Và ông lãnh sự cũng sẽ nằm ngoài ấy, trong thời gian ông ta ở trên này. Không thể tránh được đâu.
“Lẽ dĩ nhiên, đương nhiên là thế”, James Tienappel vội vã tán thành, giọng đã hơi có vẻ rụt rè. Người cháu và em đỡ đầu tiếp tục nói, giọng điềm đạm đều đều. Chàng ngồi đó không mũ, không áo khoác trong đêm mùa thu lạnh lẽo dưới bầu trời trong trẻo. “Cháu không lạnh à?” James hỏi; vì bản thân ông ta vẫn còn run dưới tấm áo khoác dày cồm cộp, và câu hỏi của ông ta líu ríu nghe không rõ vì hai hàm răng chỉ chực đập vào nhau. “Ở trên này không ai thấy lạnh”, Hans Castorp trả lời bình tĩnh và ngắn gọn.
Ông lãnh sự không đừng được cứ phải liếc mắt sang ngang nhìn trộm chàng. Hans Castorp không hỏi thăm ai ở quê hương. Chàng dửng dưng đón nhận những lời nhắn gửi của người thân mà James chuyển tới cho chàng, cả lời chào của Joachim, và được biết anh chàng đã gia nhập trung đoàn của mình, mặt mũi sáng trưng như có đèn thắp bên trong, vừa sung sướng vừa tự hào; chàng cảm ơn mà không đả động thêm một câu nào về tình hình chốn quê nhà. Lòng bồn chồn một nỗi bất an không rõ bắt nguồn từ thái độ của người cháu hay ẩn náu trong chính bản thân ông, trong tâm trạng hồi hộp của người đi xa, James háo hức nhìn khắp chung quanh mà chẳng ghi nhận được mấy tí phong cảnh vùng sơn cước, hít vào một hơi đầy lồng ngực rồi vừa thở ra vừa tấm tắc khen ngợi bầu không khí tuyệt hảo trên cao. Dĩ nhiên, người ngồi bên cạnh ông đáp, không phải vô cớ mà không khí ở đây nổi tiếng khắp thế giới. Nó có những đặc tính hiếm thấy. Mặc dù nó thúc đẩy quá trình trao đổi chất làm tiêu hao năng lượng nhưng cơ thể vẫn tích thêm đạm. Mặc dù nó có khả năng chữa lành những căn bệnh ẩn nấp trong mỗi người nhưng thoạt đầu nó lại tạo điều kiện thuận lợi cho các căn bệnh ấy phát ra, bằng cách tăng cường hoạt động trao đổi chất trong cơ thể, có thể nói không ngoa rằng nó khuyến khích cho bệnh tật tưng bừng phát triển... Chẳng biết ông có nghe nhầm không - bệnh tật mà lại tưng bừng? - Chính thế. Không lẽ ông chưa bao giờ để ý thấy sự phát bệnh có cái gì đó rất nhộn nhịp, giống như một hình thức mở hội trong cơ thể? - “Lẽ dĩ nhiên, đương nhiên là thế”, người cậu hấp tấp tán thành, gặp khá nhiều khó khăn với cái hàm dưới không kiểm soát được cứ đập lụp cụp vào hàm trên, và tuyên bố thêm rằng mình có thể ở lại tám ngày, đúng ra là một tuần, tức là bảy ngày, nhưng cũng có thể chỉ sáu ngày thôi. Và như đã nói, bằng vào hình thức đã có vẻ hoàn toàn khỏe mạnh của Hans Castorp, chắc chắn nhờ khóa điều dưỡng kéo dài vượt tất cả các dự tính ban đầu, ông ta cho rằng đến lúc ấy người cháu có thể theo mình về nhà luôn một thể.
“Chà, sự thể đâu có đơn giản thế”, Hans Castorp bảo. Cậu James nói y chang giọng điệu người ở dưới kia. Cứ đợi đấy, vài bữa nữa làm quen và hội nhập vào nếp sinh hoạt ở trên này rồi cậu sẽ thấy khác ngay. Quan trọng là phải điều trị dứt điểm cho lành hẳn bệnh, yếu tố dứt điểm có tính chất quyết định ở đây, và trong lần khám mới rồi Behrens lại vừa tuyên án chàng thêm nửa năm nữa. Nghe tới đó người cậu lên giọng cha chú gọi chàng là “anh bạn trẻ” và tỏ ý nghi ngờ sự minh mẫn của chàng. “Cháu điên à?” Ông ta hỏi. Kỳ nghỉ của chàng đã kéo dài không dưới năm quý, và bây giờ còn định thêm nửa năm nữa! Nhân danh Chúa, con người làm gì có nhiều thời gian như thế để mà phung phí! - Hans Castorp ngửa mặt gửi tiếng cười điềm đạm cộc lốc lên các vì sao. Thời gian ấy ư! Muốn nói về thời gian, thời gian của người đời, thì sợ rằng cậu James còn phải sửa đổi rất nhiều những quan niệm mang theo từ dưới đồng bằng rồi mới có thể lên tiếng bàn cãi được với những người ở đây. - Ông ta sẽ vì quyền lợi của Hans mà có vài lời với ông cố vấn cung đình, Tienappel hứa hẹn. - “Tùy cậu”, Hans Castorp bảo. “Rồi cậu sẽ thích ông ấy cho mà xem. Đó là một người tính tình khá đặc biệt, vừa tiếu lâm vừa trầm uất.” Rồi chàng chỉ lên ánh đèn lập lòe trên an dưỡng đường Schalzalp và làm như tình cờ kể về những xác chết người ta phải thả trôi xuống núi theo đường xe trượt bobsleigh.
Hai cậu cháu ngồi ăn bữa tối trong khách sạn của ‘Sơn trang’, sau khi Hans Castorp dẫn khách về phòng của Joachim để ông ta có cơ hội rửa ráy chút đỉnh cho tỉnh táo. Căn phòng đã được tẩy trùng bằng H2CO, Hans Castorp bảo, một cách kỹ lưỡng như thể người từng ở đó không phải chỉ ra đi trái phép mà là một hình thức ra đi khác, không phải xuống núi mà là khuất núi. Người cậu hỏi thế nghĩa là thế nào, và người cháu đáp: “Chỉ là một cách chơi chữ ở đây thôi!” Chàng bảo: “Theo quan niệm ở trên này Joachim bị coi là đào ngũ - đào ngũ để nhập ngũ, cả chuyện ấy cũng có đấy. Nhưng thôi, ta đi chứ cậu, kẻo hết mất đồ ăn nóng!” Thế rồi họ ngồi đối diện nhau trong gian phòng rộng ấm cúng, bên cái bàn cao. Cô người lùn lẹ làng phục vụ họ, và James gọi một chai Burgunder, chai rượu được đưa lên trong một cái giỏ. Họ cụng ly và khoan khoái thưởng thức dòng chất lỏng tỏa hơi ấm râm ran khắp lục phủ ngũ tạng. Người ít tuổi hơn thao thao bất tuyệt kể về nhịp sống trên này tùy theo biến động bốn mùa, về một vài nhân vật đặc biệt trong phòng ăn, về liệu pháp pneumothorax, để minh họa cho cách chữa bệnh này chàng kể về ông Ferge hiều hậu và sa đà vào các chi tiết của cơn sốc phế mạc ông này vừa kinh qua, không quên nhắc đến trận hôn mê ba màu và mùi diêm sinh nồng nặc, những ảo giác đóng vai trò đáng kể trong cơn sốc, và cả tiếng cười rùng rợn tuôn ra từ chính miệng ông ta. Chàng trả tiền bữa ăn. James ăn uống nhiệt tình theo thói quen thường ngày, cộng thêm sự ngon miệng do đường xa mang lại. Tuy nhiên thỉnh thoảng ông ta quên cả việc nạp dinh dưỡng, ngồi ngẩn người nghe, miệng ngậm đầy thức ăn, dao nĩa gác hờ hững trên đĩa, mắt trố ra nhìn chằm chặp Hans Castorp, hoàn toàn không ý thức được sự khiếm nhã của mình; mà nếu như Hans Castorp có tỏ ý khó chịu thì sợ rằng ông ta cũng chẳng nhận ra. Hai bên thái dương lưa thưa mớ tóc mai vàng hoe của ông lãnh sự Tienappel mạch máu nổi vồng lên phập phồng.
Chủ đề quê nhà không được nhắc đến ở đây, không một lời hỏi thăm về cá nhân hay gia đình, về thành phố quê hương, về tình hình kinh doanh của ông cậu, hay về hãng Tunder & Wilms, xưởng đóng tàu, chế tạo máy và đúc nồi hơi, nơi người ta vẫn ngóng đợi chàng kỹ sư trẻ tới thực tập, dĩ nhiên phải hiểu rằng họ còn trăm công ngàn việc khác, nên thực lòng mà nói chẳng chắc họ còn đợi nữa. Suốt thời gian đi đường và cả sau đó James Tienappel đã thử đề cập đến những vấn đề này, nhưng chúng rơi rụng hết và nằm chết cứng dưới đất - bị đập vào bức tường trầm tĩnh, cương quyết và thờ ơ một cách không hề giả tạo của Hans Castorp, một dạng vỏ bọc hay phép màu phủ kín người chàng, gợi nhớ tới thái độ chai lì trước hơi lạnh của buổi tối mùa thu và câu trả lời “Ở trên này không ai thấy lạnh” của chàng, và có lẽ đó chính là lý do khiến người cậu thỉnh thoảng phải nhìn chàng không chớp mắt. Họ nói về bà y tá trưởng và các bác sĩ, cả về những buổi nói chuyện chuyên đề của bác sĩ Krokowski - vừa hay, nếu James ở lại tám ngày thì sẽ được dự một buổi thuyết trình của ông ấy. Ai bảo cháu là cậu muốn đi nghe ông ta thuyết trình? Chẳng ai bảo. Chàng nghĩ thế, và bằng thái độ điềm tĩnh quả quyết của mình chàng biến điều đó thành chuyện đương nhiên, khiến người kia chỉ cần nghĩ đến chuyện không tham dự buổi thuyết trình cũng đủ cảm thấy khó xử và phải vội đem câu cửa miệng “lẽ dĩ nhiên, đương nhiên là thế” để lấp liếm đi như thể mình vừa dự định làm điều gì không phải. Đó cũng chính là sức mạnh vô hình tác động lên ông Tienappel, bắt ông ta ngừng ăn trố mắt quan sát người cháu họ - thậm chí miệng còn hé mở, vì đường hô hấp thông thường tự nhiên tắc tị, mặc dù ông lãnh sự nhớ là mình không bị ngạt mũi. Ông lắng nghe người cháu nói về bệnh tật, đối tượng quan tâm chính của tất cả những người ở trên này, về hứng thú tiếp nhận vi trùng của họ, về bản thân Hans Castorp, một ca khiêm tốn nhưng dai dẳng, về những kích thích của lũ vi trùng lên khí quản và các phế nang, làm thành các ổ lao và sản sinh ra chất độc khiến cơ thể ngất ngây choáng váng, về sự hủy diệt của tế bào và quá trình xơ hóa của mô, và câu hỏi quan trọng nhất ở đây là, liệu sự xơ cứng và đóng sẹo của các tế bào mô chặn đứng sự phát triển của khối u và làm lành bệnh, hay từ đó lại hình thành các ổ bệnh mới di căn, tạo ra các lỗ thủng ngày càng lớn phá hủy cơ quan hô hấp của vật chủ. Ông ta nghe chàng nói về quá trình tiến triển như ngựa phi nước đại của căn bệnh này, có thể dẫn đến tử vong trong vòng mấy tháng, thậm chí mấy tuần, nghe chàng nói về liệu pháp tràn khí phổi mà ông cố vấn cung đình là một chuyên gia điều trị hàng đầu, về phẫu thuật cắt phổi, một can thiệp nhiều rủi ro có lẽ ngày mai hay ngày kia sẽ phải áp dụng cho một bệnh nhân nặng mới tới đây, một cô gái Scotland trước kia hẳn rất hấp dẫn, nay bị chứng nám phổi hoành hành bên trong cơ thể như một trận dịch hạch đen và suốt ngày phải ngửi dung dịch phenol để khỏi mất trí vì quá ghê tởm chính bản thân mình - và thình lình ông lãnh sự phì cười, một cử chỉ lỗ mãng ông ta không bao giờ ngờ tới ở mình và cảm thấy hổ thẹn đến mức chỉ muốn độn thổ ngay lập tức. Ông ta cười sằng sặc, nhưng ngay khi nhận ra sự vô ý của mình thì thất kinh ngừng bặt, giả bộ húng hắng ho và tìm mọi cách che giấu sự lúng túng - ông ta chỉ cảm thấy hơi yên dạ, một nỗi yên tâm chứa đựng trong mình sự bất an mới, khi lén nhìn sang người ngồi đối diện, và mặc dù không thể nào không nhìn thấy hành vi bất lịch sự của người cậu nhưng Hans Castorp vẫn thản nhiên như chẳng có chuyện gì xảy ra, hay nói đúng hơn chàng chẳng thèm quan tâm đến điều đó, không phải vì tế nhị hay tôn trọng hay lịch sự gì, mà như thể chàng chìm đắm trong một trạng thái thờ ơ không rung động đến mức tuyệt đối, như thể chàng bị chụp trong một cái lồng kín đầy nhẫn nại đến mức đáng sợ, như thể chàng đã từ lâu quên mất phản ứng ngạc nhiên trước những cử chỉ lạ lùng như vậy. Chẳng biết vì những liên tưởng bất ngờ nào đó hay chỉ vì muốn khỏa lấp trận cười vô cớ của mình và gán cho nó một ý nghĩa có vẻ logic, bỗng ông lãnh sự đổi giọng tiếu lâm thân tình như kiểu chuyện trò giữa cánh đàn ông với nhau và, hai bên thái dương phập phồng mạch máu, ông ta say sưa kể cho người cháu nghe về một nàng “kỹ nữ”, một cô ca sĩ phòng trà người Balkan rất chịu chơi đang làm mưa làm gió ở khu Sankt Pauli[290] và sử dụng rất hiệu quả sắc đẹp quyến rũ của mình làm phái mày râu ở thành phố cộng hòa quê hương họ thất điên bát đảo. Lưỡi ông ta líu lại, nhưng cả người kể lẫn người nghe đều không lấy thế làm điều, vì cái vỏ bọc nhẫn nại và bình thản của người tiếp chuyện ông rõ ràng không suy suyển cả trước hiện tượng này. Tuy nhiên, sự mệt mỏi tích tụ suốt chặng đường dài dần dần cũng thắng thế, khiến ông ta miễn cưỡng đồng ý về phòng lúc gần mười giờ rưỡi và thậm chí trong thâm tâm còn hơi bất mãn khi bắt buộc phải dừng bước chào hỏi ông bác sĩ Krokowski - nhân vật vừa được nhắc đến rất nhiều trong cuộc trao đổi vừa rồi đang bằng xương bằng thịt ngồi đọc báo bên cửa một gian phòng giải trí. Người cháu giới thiệu cậu mình với ông bác sĩ trợ lý, và đáp lại nụ cười rộng mở đầy cương nghị của ông này người được giới thiệu chẳng biết nói gì hơn câu cửa miệng “lẽ dĩ nhiên, đương nhiên là thế” của mình. Ông ta thở phào nhẹ nhõm khi người cháu tuyên bố sẽ sang đón cậu xuống ăn sáng lúc tám giờ rồi rời gian phòng được khử trùng kỹ lưỡng của Joachim theo lối ban công về lại phòng mình, thế là ông ta rốt cục có thể châm một điếu thuốc lá cuối ngày và ngả lưng nằm xuống chiếc giường của kẻ đào ngũ. Thiếu chút nữa ông ta gây ra hỏa hoạn vì hai lần gà gật ngủ thiếp đi với điếu thuốc lập lòe trên môi.
James Tienappel, mà Hans Castorp lúc thì gọi là “cậu James” lúc chỉ gọi là “James”, là một người đàn ông chân dài trạc tứ tuần, mặc com lê dạ Anh và áo sơ mi trắng muốt, với mái tóc vàng hoe đã hơi có dấu hiệu hói, cặp mắt xanh gần nhau, hàng ria mép tỉa ngắn cứng như cuống rạ và hai bàn tay được chăm sóc kỹ càng. Từ một vài năm nay ông ta đã lập gia đình và trở thành người chồng, người cha nhưng vẫn thấy không cần thiết phải dọn ra khỏi tòa biệt thự rộng rãi của ông lãnh sự già ở đường Harvestehuder Weg. Phu nhân của James là một phụ nữ xuất thân trong cùng một giai cấp xã hội với ông ta, cũng văn minh và tinh tế, với lối nói nhỏ nhẹ, nhanh nhẹn và lịch thiệp đến mức khách sáo như ông ta. Ở nhà, James là một thương gia đầy năng lực, rất thận trọng và trong những lúc ga lăng nhất vẫn không mất đi sự tỉnh táo, nhưng trong những chuyến đi tới các vùng phong tục tập quán lạ, nhất là đi xuống miền Nam, ông ta lại có xu hướng trở nên tử tế một cách thái quá, sẵn sàng chiều ý người khác đến mức tự hạ thấp bản thân, nhưng đó hoàn toàn không phải là biểu hiện coi thường văn hóa của địa phương mình mà ngược lại, nó cho thấy một thiện chí và ý chí cương quyết trong việc điều chỉnh các nhu cầu quý phái của bản thân để không bị lạc lõng cả trong một môi trường văn hóa xa lạ. “Tất nhiên, lẽ dĩ nhiên, đương nhiên là thế!” là những câu cửa miệng của ông ta, để tỏ ra mình cũng biết nhập gia tùy tục và không ai có thể nghĩ rằng ông là người giàu nhưng dốt. Được cử lên đây với một sứ mạng nhất định, ông có trách nhiệm phát huy năng lực hành động của mình để “giải thoát” cho người bà con trẻ tuổi bị cầm tù ở nơi này, theo cách nghĩ của ông ta, và đưa chàng quay trở về trong vòng tay gia đình, dĩ nhiên ông ta thừa biết mình đang dấn thân vào nơi hiểm địa - ngay từ cái nhìn đầu tiên ông ta đã có linh cảm chẳng lành, rằng cái thế giới khép kín trên này với những tiêu chuẩn đạo đức riêng của nó, nơi chỉ coi ông ta như một phần tử lạ, cũng tự tin và tự hào không thua kém ông ta một chút nào, thậm chí còn hơn, khiến cho năng lực hành động của ông bỗng trở nên xung đột với các giá trị của nền giáo dục ông được hưởng, và đó là một cuộc xung đột nội tâm nặng nề, vì sức ép trong bầu không khí thấm đẫm tinh thần tự tôn của chủ nhà không phải là nhỏ.
Điều này Hans Castorp đã lường tới từ trước, khi chàng thản nhiên thầm trả lời bức điện của ông lãnh sự bằng một câu ‘Xin mời!’ gọn lỏn; nhưng chúng ta không nên nghĩ rằng chàng cố ý lợi dụng ấn tượng áp đảo của môi trường để gây sức ép với người cậu. Bởi đã từ lâu chàng trở thành một phần tử của môi trường ấy, nên không phải chàng sử dụng sức mạnh của nó để chống lại sự tấn công từ bên ngoài, mà ngược lại chính nó sử dụng chàng, và cuộc chiến không cân sức cứ thế diễn ra một cách tự nhiên và giản dị, từ khoảnh khắc đầu tiên khi người cậu bắt đầu cảm thấy những dấu hiệu thất bại mơ hồ qua thái độ cư xử của người cháu, cho đến kết cục cuối cùng, cái kết cục tất yếu mà Hans Castorp theo dõi với một nụ cười buồn.
Ngay buổi sáng đầu tiên, sau bữa điểm tâm với thủ tục giới thiệu chủ khách một vòng quanh bàn, Tienappel đã được diện kiến ông cố vấn cung đình Behrens, khi nhân vật cao lênh khênh nhiều màu sắc ấy lướt như bơi chải vào phòng ăn, có ông trợ lý đen thui và trắng nhợt theo sát gót, làm một vòng tuần tiễu sớm và ném ra bốn xung quanh câu hỏi lấy lệ: “Ngủ ngon không?” Bên cạnh lời khen ngợi cơn ngẫu hứng lúc trà dư tửu hậu đưa ông lên đây bầu bạn một chút với người cháu họ cô đơn, ông lãnh sự còn được nghe từ miệng ông cố vấn cung đình nhận xét rằng chuyến đi này thực ra rất phù hợp với lợi ích sát sườn của chính ông ta, vì rõ ràng ông ta bị thiếu máu trầm trọng. Thiếu máu ư, ông, Tienappel mà thiếu máu? Chứ còn gì nữa! Behrens bảo và đưa ngay ngón tay trỏ ra vạch một mi mắt dưới của ông lãnh sự xuống xem. Thiếu máu cao độ! Ông ta khẳng định. Quý ông cậu sẽ làm được một việc tốt cho sức khỏe của mình, nếu trong thời gian mấy tuần lễ ở đây ông ta chịu khó đo giường ngoài ban công và theo gương người cháu trong mọi tiết mục còn lại. Với tình trạng sức khỏe của ông ta hiện nay không gì thông thái hơn là làm một khóa điều dưỡng như một ca tuberculosis pulmonum[291] nhẹ - thực ra ai cũng mang trong mình một ít vi khuẩn này. “Lẽ dĩ nhiên, đương nhiên là thế!” Ông lãnh sự hấp tấp tán thành một cách lịch sự và còn đứng trơ thổ địa ra một lúc, miệng hơi hé mở nhìn theo vị lương y cổ ngỏng ve vẩy hay tay như hai mái chèo quày quả đi ra, trong khi người cháu kiên nhẫn lặng thinh đứng đợi với vẻ mặt dửng dưng. Rồi họ lên đường đi dạo tới chiếc ghế bên dòng nước trên sườn núi, và sau đó James thực hành giờ nằm nghỉ đầu tiên trong đời, dưới sự chỉ dẫn của Hans Castorp, chàng mang sang cho cậu mượn một tấm chăn lông lạc đà để thêm vào với tấm chăn len ủ chân ông này mang theo từ nhà - bản thân ông ta tin rằng trong một ngày thu đẹp trời thế này thì chỉ cần một tấm chăn là đủ - và truyền đạt một cách chính xác từng bước môn nghệ thuật quấn chăn, thậm chí sau khi ông lãnh sự đã bị cuốn kín mít nằm như một cái xác ướp chàng còn giở tung hết ra bắt ông ta tự tay quấn lại một lần nữa và chỉ can thiệp vào để cải thiện chỗ này chỗ kia thôi. Rồi chàng dạy ông ta cách gắn cây dù vào tay ghế và xoay nó theo hướng mặt trời để che nắng.
Ông lãnh sự vừa làm vừa pha trò. Ông ta còn mang nặng đầu óc đồng bằng, và chế giễu tất cả những điều vừa học được, cũng như trước đó ông ta đã chế giễu chuyến đi dạo hạn chế sau bữa điểm tâm. Nhưng khi thấy người cháu, đáp lại những câu bông đùa của ông, chỉ nở một nụ cười lặng lẽ không biểu cảm, nụ cười phản chiếu tất cả sự tự tôn và khép kín của thế giới trên này, thì ông bỗng lo sợ, ông sợ cho năng lực hành động của bản thân mình và vội vàng hạ quyết tâm tìm cơ hội nói chuyện với ông cố vấn cung đình về trường hợp người cháu càng sớm càng tốt, nếu có thể thì ngay chiều nay, khi ông còn đủ sức lực và tinh thần mang theo từ dưới kia, vì ông cảm thấy những thứ ấy đang mỗi lúc một hao mòn, bị lấn át bởi liên minh thù địch giữa bầu không khí nơi đây và cái tôi được giáo dục tốt của ông.
Thêm vào đó ông ta cảm thấy lời khuyên của ông cố vấn cung đình, rằng mình nên theo nếp sinh hoạt của các bệnh nhân ở đây để điều trị chứng thiếu máu, là một điều hoàn toàn thừa thãi: chẳng cần nói ông cũng tự khắc phải làm thế, cứ như thể không còn con đường nào khác. Nhưng điều đó, cũng như thái độ bình tĩnh tự tin có vẻ không gì lay chuyển nổi của Hans Castorp, trên thực tế chắc chắn và bất khả kháng tới mức độ nào thì làm sao một người có giáo dục như ông phân biệt được từ đầu. Không gì có sức thuyết phục hơn bữa lót dạ thịnh soạn sau cữ nằm nghỉ đầu tiên, tiếp theo là cuộc dạo chơi xuống “Phố”, rồi sau đó Hans Castorp lại quấn cậu mình vào trong cái kén. Chàng gói ghém kỹ ông ta theo đúng nghĩa đen của từ này. Và dưới ánh nắng thu, trên chiếc ghế tiện nghi hoàn hảo không thể chê vào đâu được, thậm chí có thể nói là rất đáng khen, chàng để ông ta nằm nghỉ, như chính chàng cách đó chẳng bao xa, cho đến lúc tiếng cồng ngân vang gọi người ta xuống họp mặt với những bệnh nhân khác trong bữa trưa, bữa ăn thượng hạng và thịnh soạn tới mức cữ nằm nghỉ chính liền sau đó không còn là nhiệm vụ mà gần như một nhu cầu nội tại và được thực hiện một cách tự nguyện và đầy tin tưởng. Mọi việc cứ thế tiếp diễn cho đến bữa tối ê hề và thời điểm giao lưu dưới phòng khách, nơi đặt các dụng cụ quang học giải trí - chẳng có gì đáng nhớ và cũng chẳng có lý do gì để mà phản đối một thời khóa biểu với hình thức áp đặt tinh vi dưới cái vẻ đương nhiên đến thế, và lẽ ra cũng chẳng có gì đáng phàn nàn, nếu như óc suy xét của ông lãnh sự không bị hạn chế bởi trạng thái cơ thể mà ông không muốn gọi là ốm, nhưng cũng có thể coi là khó ở, do sự mệt mỏi và hồi hộp cộng với cảm giác nóng lạnh đồng thời trong người gây nên.
Cuộc hội kiến đầy mong đợi và lo ngại của ông lãnh sự với ông cố vấn cung đình Behrens được bố trí thông qua hình thức liên lạc đúng tuyến. Hans Castorp đề đạt nguyện vọng của người cậu với gã thợ tẩm quất và tay này truyền đạt tiếp tới bà y tá trưởng, thế rồi ông lãnh sự Tienappel được làm quen với kỳ quan ấy, bà ta xuất hiện không báo trước ngoài ban công giữa lúc ông ta ở tư thế nằm ngang, bị quấn kín mít trong cái kén và không thể cụ cựa gì được, ông ta phải vận dụng tất cả nền giáo dục mình được hưởng ra để đối phó với phong cách lạ đời của người đàn bà thuộc dòng dõi quý tộc này. Xời ơi, ông khách đáng kính phải cầm lòng đợi vài ngày, vì ông cố vấn cung đình chưa có rảnh, nào là mổ xẻ, nào tổng kiểm tra sức khỏe, thành phần nhân loại chịu khổ đau phải được ưu tiên đúng như lời dạy của Chúa lòng lành, và vì ông khách tự nhận mình hoàn toàn khỏe mạnh nên ông ta phải thích nghi với nhận thức rằng ông ta không phải nhân vật số một ở đây, rằng ông ta nên khiêm nhường đợi tới lượt mình. Nhưng nếu như ông ta muốn kiểm tra sức khỏe thì đó lại là chuyện khác - bản thân bà ta, Adriatica, sẽ không lấy làm lạ chút nào nếu ông ta có nguyện vọng này, cứ nhìn vào mắt ông ta là rõ, thế này này, mắt ông ta đục ngầu và cứ hấp háy liên hồi, và cứ như cái cách ông ta nằm thì có vẻ ngọc thể ông ta cũng không được ổn, không sạch khuẩn, mong ông khách hiểu đúng ý bà ta - rốt cuộc, ông ta muốn gặp ông cố vấn cung đình để khám bệnh hay là để nói chuyện? - Để nói chuyện, đương nhiên là thế, ông ta chỉ muốn trao đổi riêng đôi điều mà thôi! Người ở tư thế nằm ngang hấp tấp khẳng định. - Thế thì xin mời ông đợi cho đến lúc được gọi. Ông cố vấn cung đình không có nhiều thời gian để chuyện gẫu.
Tóm lại, mọi việc diễn ra khác hẳn với dự tính của James, và cuộc gặp mặt với bà y tá trưởng đã đẩy cho cán cân thăng bằng tâm lý của ông lệch hẳn đi. Quá văn minh để có thể nói toạc móng heo với người cháu - mà sự nhất trí với các hiện tượng trên này lồ lộ hiện ra qua thái độ dửng dưng không động lòng trước bất cứ điều gì - về cảm giác hãi hùng người đàn bà ấy gợi lên ở ông ta, ông lãnh sự chỉ thận trọng ướm hỏi rằng, bà y tá trưởng hình như là một phụ nữ khá lập dị. Hans Castorp trả lời lấp lửng, sau một cú liếc mắt thăm dò, bằng một câu hỏi ngược lại, thế bà Mylendonk có bán cho ông ta một cây nhiệt kế không? - “Không, tại sao lại bán? Thế ra bà ta còn kiêm cả bán hàng nữa ư?” Người cậu ngớ ra... Nhưng điều kinh khủng nhất là, nét mặt người cháu cho thấy chàng ta sẽ chẳng lấy làm lạ nếu sự thể xảy ra đúng như thế. “Ở trên này không ai thấy lạnh”, nét mặt ấy như muốn nói. Nhưng ông lãnh sự thấy lạnh, người ông lúc nào cũng lạnh run trong khi đầu nóng hôi hổi, và ông thầm nghĩ, nếu bà y tá trưởng tìm cách bán cho ông một cây nhiệt kế thì hẳn ông đã nghiêm nghị từ chối; nhưng có lẽ từ chối lại sai lầm, vì xét cho cùng một người văn minh không thể ngậm vào miệng cây nhiệt kế của người khác, cho dù đó là nhiệt kế của cháu mình.
Ngày giờ cứ trôi qua như thế, khoảng bốn hay năm hôm. Cuộc sống của vị sứ giả như chạy trên đường ray - tuyến đường được đặt sẵn cho ông, và chệch ra ngoài hai thanh ray ấy gần như là điều không thể tưởng tượng nổi. Ông lãnh sự đã có những trải nghiệm, đã thu thập được nhiều ấn tượng, chúng tôi không có ý rình mò ông ta. Một hôm vào phòng Hans Castorp ông ta cầm lên tay một vật nhỏ giữa đám tư trang ít ỏi chủ nhân bày biện trong chỗ ở đơn sơ của mình, một tấm kính đen dựa vào một cái giá chạm trổ nhỏ xíu để trên mặt tủ thấp, khi đưa lên ngược sáng hóa ra là một tấm phim âm bản. “Cái gì thế này?” Người cậu tò mò hỏi... Lại còn phải hỏi! Tấm chân dung không có đầu, nổi lên bộ xương nửa trên một thân người bọc trong lớp vỏ thịt mờ mờ - có thể nhận ra đó là một tấm thân phụ nữ. “Cái ấy ư? Một kỷ vật.” Hans Castorp trả lời. Người cậu vội nói “Xin lỗi!” rồi đặt tấm hình dựa lên cái giá như cũ và hấp tấp rời khỏi chỗ ấy. Đó chỉ là một ví dụ, đơn cử một trong những trải nghiệm và ấn tượng trong bốn hay năm ngày này của ông lãnh sự. Ông ta cũng tham sự cả một buổi thuyết trình của bác sĩ Krokowski, vì không tham dự là điều không thể tưởng tượng nổi. Buổi nói chuyện với ông cố vấn cung đình mà ông ta tha thiết yêu cầu diễn ra vào ngày thứ sáu của cuộc thăm viếng. Ông được gọi, và sau bữa điểm tâm ông hăm hở leo cầu thang xuống tầng hầm, quyết tâm chất vấn đến nơi đến chốn người chịu trách nhiệm về cháu ông và sự tiêu tốn thời gian của chàng ta ở đây.
Khi từ dưới ấy leo trở lên ông ta đã bớt hăm hở và hỏi giọng nhỏ hẳn đi:
“Cháu đã bao giờ được nghe điều gì như thế chưa?”
Nhưng rõ ràng Hans Castorp đã được nghe những điều tương tự như thế rồi, và chắc khi nghe chàng cũng không cảm thấy lạnh, cho nên ông ngừng bặt không hỏi nữa; và khi người cháu hỏi ông có sao không bằng giọng khá dửng dưng thì ông chỉ đáp: “Không, không sao.” Có điều từ lúc ấy trở đi ở ông bỗng hình thành một thói quen mới: ông hay thẫn thờ, chân mày chụm lại, môi dẩu ra, mắt như nhắm vào một điểm chênh chếch phía trước, thỉnh thoảng quay phắt lại ném cái nhìn nhớn nhác về phía sau lưng... Phải chăng cả cuộc nói chuyện với Behrens cũng diễn ra ngoài dự tính của ông lãnh sự? Phải chăng trong suốt thời gian nói chuyện không chỉ Hans Castorp mà cả ông ta, James Tienappel, cũng là đối tượng được đưa ra trao đổi, khiến cho buổi gặp gỡ ấy mất đi tính chất một cuộc chuyện trò thuần túy? Thái độ của ông lãnh sự cho phép người ta phỏng đoán điều đó. Ông ta tỏ ra đặc biệt cao hứng, nói cười huyên thuyên, thỉnh thoảng lại thụi vào mạn sườn người cháu mà kêu: “Thế nào, anh bạn!” Nhưng đôi lúc ông ta lại có cái nhìn nhớn nhác, đột ngột đổi hướng từ chỗ này sang chỗ kia. Và ánh mắt ông ta cứ tìm về một mục tiêu nhất định, lúc ngồi bên bàn ăn cũng như trên đường đi dạo và trong những buổi tối giao lưu.
Mới đầu ông lãnh sự không dành sự chú ý đặc biệt nào cho một bà tên gọi Redisch, phu nhân một nhà tư bản công nghiệp người Ba Lan, ngồi ở bàn cậu học trò háu ăn đeo kính mắt tròn và bà Salomon hiện đang vắng mặt; trên thực tế bà ta cũng chỉ là một phụ nữ như nhiều bà khác trong phòng điều dưỡng chung, tóm lại là một phụ nữ tóc nâu vừa lùn vừa mập, bằng vào mái tóc đã hơi điểm bạc có thể thấy bà ta không còn trẻ trung gì nữa, nhưng có một cái cằm hai ngấn xinh xinh và đôi mắt nâu rất linh hoạt. Xét về mặt văn minh thì bà ta không thể so sánh được với bà Tienappel ở dưới đồng bằng. Có điều sau bữa tối ngày chủ nhật, trong lúc giao lưu nơi phòng giải trí, bà ta diện một chiếc váy đen đính những hạt cườm lóng lánh cổ khoét rộng, và ông lãnh sự bỗng phát hiện ra bà Redisch sở hữu một bộ ngực rất đàn bà, trắng ngần, bị ép chặt vào nhau để lộ một đường rãnh sâu xẻ ra ở giữa, và khám phá này làm cho người đàn ông chín chắn và tinh tế ấy rung động đến tận đáy linh hồn, đầy hứng khởi như thể đó là một cái gì hoàn toàn mới mẻ, ngoài sức tưởng tượng và vô cùng trọng đại. Ông ta kiếm cách làm quen với bà Redisch, trò chuyện với bà ta, mới đầu đứng, sau đó ngồi, và lúc về phòng đi ngủ thì vừa đi vừa hát. Ngày hôm sau bà Redisch không mặc váy đen đính cườm nữa và bộ ngực cũng bị gói kín, nhưng ông lãnh sự đã biết cái mà ông biết, và trung thành với những ấn tượng của mình. Ông ta đón đường bà ta lúc đi dạo, vừa chuyện trò vừa đón ý bà ta thái độ rất đỗi ga lăng, lúc nào cũng quanh quẩn bên cạnh bà ta, nâng ly chúc tụng bà ta bên bàn ăn và được bà ta đáp lại bằng nụ cười lóe sáng những chiếc răng bọc vàng đầy trong miệng, khi tâm sự với người cháu ông ta gọi bà ta là “người phụ nữ thánh thiện” - và lại ư ử hát. Hans Castorp chịu đựng tất cả những điều đó với thái độ điềm tĩnh nhẫn nại và vẻ mặt như muốn nói, biết làm sao. Nhưng không thể bảo rằng điều đó góp phần làm tăng thêm uy tín của người cậu trong con mắt người cháu hoặc có ích lợi gì cho sứ mạng của ông ta.
Trong bữa ăn mà ông lãnh sự nâng ly chào bà Redisch - ông ta làm thế tới hai lần: một lần khi ăn món cá và sau đó khi nước trái cây lạnh được đưa lên - tình cờ ông cố vấn cung đình tới ngồi vào bàn Hans Castorp và khách của chàng - vị lương y vẫn lần lượt dự bữa ăn ở một trong bảy chiếc bàn, và ở đầu bàn nào cũng có một chiếc ghế trống với dao nĩa dành sẵn cho ông ta. Hai bàn tay khổng lồ chắp lại trước cái đĩa, ông ta ngồi với hàng ria mép tỉa bên cụp bên xòe giữa ông Wehsal và ông gù Mexico, vừa ăn vừa hỏi chuyện ông này bằng tiếng Tây Ban Nha - vì tiếng gì ông ta cũng nói được, cả tiếng Thổ và tiếng Hungary - đồng thời giương cặp mắt lồi xanh lơ vằn tia máu đỏ quan sát cảnh ông lãnh sự Tienappel nâng ly rượu Bordeaux về phía bàn bà Redisch. Sau đó ông ta còn hạ cố giảng giải cho họ về một đề tài theo gợi ý của chính James Tienappel: trong một cơn cao hứng bất ngờ ông này thảy lên bàn câu hỏi, rằng điều gì xảy ra với thân thể người ta sau khi chết. Ông cố vấn cung đình đã dày công nghiên cứu cơ thể con người, đấy là nghề của ông ta, có thể nói không quá rằng ông ta là vị chúa tể của thể xác, hãy xem ông ta kể gì về quá trình phân hủy hữu cơ của thân thể con người!
“Trước tiên bụng ông sẽ bể ra”, ông cố vấn cung đình cất tiếng oang oang giảng giải, chống cùi tay xuống bàn, ngả người trên hai bàn tay chắp lại. “Ông nằm trong cái hòm của ông trên đống mùn cưa, ông hiểu chứ, và thán khí làm người ông trương lên. Ông cứ phình to mãi ra, như con ếch bị bọn trẻ con tinh nghịch thổi hơi vào bụng, cuối cùng người ông tròn căng không khác gì quả bóng bay, và rồi bụng ông không chịu nổi áp suất bên trong bị nổ tung. Bụp. Ông bỗng thấy nhẹ cả người, như Judas Iscariot[292] khi y rớt bịch từ trên cành cây xuống đất, và mọi chất thải trong người ông được tống hết ra. Chà, sau đó thì ông lại có thể dự hội hè đình đám được như thường. Nếu Diêm Vương cho nghỉ phép thì ông có thể về thăm thân nhân họ hàng mà không sợ bị họ xa lánh vì ghê tởm. Người ta gọi đấy là giai đoạn đã bốc hết mùi. Bấy giờ mà ra ngoài không khí thì ông cũng đỏm dáng như đám thị dân Palermo treo trong đường hầm của các tu sĩ dòng Capuchin trước cổng thành Porta Nuova[293]. Họ đứng dán lưng vào tường ở đó, khô ráo và thanh lịch, được tất cả mọi người tôn trọng. Ăn thua là phải bốc hết mùi đã.”
“Đương nhiên là thế!” Ông lãnh sự lắp bắp. “Rất cảm ơn ông!” Và sáng hôm sau ông ta biến mất.
Ông ta đã biệt tăm, bỏ đi hẳn, theo chuyến tàu sớm tinh mơ xuống đồng bằng - tất nhiên trước khi đi không quên giải quyết các thủ tục tài chính, ai dám nghi ngờ ông ta về mặt đó! Ông ta đã thanh toán hóa đơn tiền phòng, trả thù lao cho một lần khám bệnh té ra cũng có được thực hiện, nhưng không hé răng nói với người cháu một tiếng nào, lẳng lặng thu dọn đồ đạc vào hai chiếc vali xách tay - rất có khả năng ông ta làm việc đó vào buổi tối hay lúc sáng sớm, khi mọi người còn đang ngủ - và đến lúc Hans Castorp sang gọi cậu xuống ăn bữa điểm tâm thứ nhất thì chàng thấy phòng ông ta trống trơn.
Chàng đứng chống tay mạn sườn lẩm bẩm: “Chà, chà!” Đây là lúc nụ cười buồn chậm rãi lan ra trên mặt chàng. “Thế đấy”, chàng vừa nói vừa gục gặc đầu. Cậu chàng đã cao chạy xa bay. Vắt giò lên cổ mà chạy, lén lút như đi trốn, như thể ông ta phải gom góp tất cả quyết tâm trong một khoảnh khắc nhất định để cứu lấy cái mạng mình, đã vứt nháo nhào đồ đạc vào hai cái vali xách tay, bỏ đi không dám ngoái cổ lại, một mình chứ không phải hai người theo dự định, không hoàn thành sứ mệnh cao cả được giao phó lúc lên đây, nhưng thâm tâm mừng như chết đi sống lại vì đã thoát, ôi con người tiểu thị dân, kẻ đào ngũ quay về với lá cờ đồng bằng, cậu James của chàng. Thôi thì chúc thượng lộ bình an!
Hans Castorp không để lộ ra với ai là chàng chẳng hay biết gì về kết cục đột ngột của chuyến viếng thăm của cậu mình, nhất là với lão già khập khiễng, người đưa ông lãnh sự ra ngoài ga. Sau đó chàng nhận được một tấm bưu thiếp gửi đi từ Bodensee, nội dung cho biết James có điện tín gọi về đồng bằng gấp để giải quyết một chuyện kinh doanh. Ông ta không muốn làm phiền người cháu - đúng là lý do lý trấu. “Chúc cháu ở lại bình an lâu dài!” - Một lời chúc mỉa mai? Nếu thế thì đó là một sự mỉa mai giả tạo, Hans Castorp tự nhủ, vì cậu chàng chắc chắn không nghĩ đến chuyện mỉa mai cười cợt lúc hấp tấp bỏ đi như thế, mà chắc hẳn ông ta thấy sợ, một nỗi sợ kinh hoàng chấn động tâm can, sợ rằng bây giờ về lại đồng bằng, sau tám ngày sống trên này, ông ta sẽ mất một thời gian dài để làm quen trở lại với cuộc sống xa lạ, giả tạo và thậm chí sai trái ở dưới ấy, nơi mà sau bữa điểm tâm người ta không phải đi dạo theo quy định và sau đó cũng không phải quấn mình trong chăn theo một nghi lễ nhất định, không phải ngày mấy lần giữ tư thế nằm ngang ngoài trời, mà thay vào đó phải đến văn phòng làm việc. Nhận thức kinh khủng ấy là nguyên nhân chính khiến ông ta đánh bài chuồn.
Cố gắng của đồng bằng để tìm lại đứa con đi hoang đã kết thúc như vậy. Chàng trai trẻ không hề ảo tưởng mà biết rõ rằng sự thất bại của đòn tấn công này - mà chàng có thể thấy được ngay từ đầu - có tính chất quyết định trong mối quan hệ từ nay về sau giữa chàng và những người bà con ở dưới kia. Thất bại ấy khiến đồng bằng nhún vai buông xuôi hẳn và để mặc cho chàng ngụp lặn trong tự do tuyệt đối, chỉ có điều trái tim chàng dần dà đã không còn rung động khi nghe hai tiếng tự do.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần