Chương 40
gười lãnh nhiệm vụ chở tù có tên Pietilä, là người có trang trại. Đó là người đàn ông còn trẻ và em trai của anh ta vẫn cùng sống với anh ta trong điền trang. Người em này có cuộc sống rất phóng đãng, làm bạn với rượu và những cô hầu gái, những người một khi đã đi với anh ta, đều bị anh ta mê hoặc. Iivari Pietilä là người đàn ông đẹp trai, biết cách xử sự với các cô thiếu nữ trẻ đúng theo cách phải làm.
Vào buổi tối tháng Bảy này anh ta đang trong cuộc rong chơi thường lệ tối Chủ nhật và vẫn chưa về nhà, khi Salonen và Puolamäki đã qua buổi hỏi cung đầu tiên của cảnh sát trưởng. Puolamäki thấy mình hoàn toàn vô tội nên bình thản ngủ ngay trên tấm phản gỗ khi vừa có dịp. Nhưng Salonen không nhắm mắt nổi. Anh ta đã hoàn toàn tỉnh rượu và đập cửa phòng giam để xin ít nước uống cho dịu cơn khát cháy cổ.
Lúc đó có người đàn ông bước vào nhà, sẵng giọng hỏi tù nhân muốn gì.
- Tôi xin ngụm nước chứ có gì đâu, nếu không thì chết khô đây! - Câu trả lời vọng ra từ phòng giam.
Người vừa bước vào phòng là Iivari Pietilä. Anh ta hỏi người vừa đập cửa:
- Vậy chứ anh không muốn uống rượu à?
- Anh đừng có chọc tức người bị giam nhé! - Câu trả lời vọng ra.
Khi Iivari bắt đầu sờ soạng tìm cách mở phòng giam thì cửa gian cuối nhà bật mở và ông anh trai chủ nhà trong bộ đồ lót ngó vào, nói:
- Này, hãy cẩn thận với gã đấy. Anh ta vừa giết người đó.
- Anh cẩn thận thì có, còn tôi quá quen Nokia rồi. Chủ nhật tuần trước tôi vừa định tẩn cho cậu ta một trận, nhưng cậu ta chạy thoát. Bây giờ có nhiều thời gian hơn đây. Anh cứ về phòng mình đi, tôi sẽ canh phạm nhân.
Iivari vẫn còn hơi say say. Và vì bình thường bao giờ anh ta cũng thông minh, mạnh mẽ hơn ông anh chủ trang trại, nên anh này đã quen làm theo mọi đề nghị của chú em.
Iivari mở cửa phòng giam tạm được ghép lại bằng những miếng ván ở góc nhà và thấy đúng “Nokia” anh ta từng làm quen vào cái lần phà chở gỗ đi qua thị trấn, đang đứng trước mặt. Cái lần đó chỉ thiếu chút nữa thôi là cuộc ẩu đả lớn xảy ra. Bây giờ ngay cả đến Iivari - cho dù ở xa thế này - cũng đã nghe đến vụ án mạng giữa những người thợ thả gỗ. Mặc dù hôm đó chính Nokia đã chọc anh ta - Iivari tức đến điên người, rồi cùng lũ bạn chạy thoát thân trước khi anh ta trả miếng, giờ đây anh ta vẫn đối xử rất thân thiện với người đàn ông bị cùm chân trong dây xích. Anh ta vẫy tay gọi phạm nhân vào phòng lớn, chẳng mấy họ đã ngồi trên cái ghế băng rộng chắc chân bên cửa sổ. Chủ trang trại lại lần nữa ngó ra trong bộ quần áo lót và nói với em trai:
- Chú phải chịu trách nhiệm về tù nhân đấy, Iivari, nhớ chưa?
- Thế mà cũng đòi làm người canh tù! - Chú em trai trả lời, lôi từ trong túi áo ra một cái chai, trong đó chứa một thứ chất lỏng sền sệt đo đỏ. Đôi mắt xanh dương của Salonen sáng bừng lên trong ánh chói chang của sáng hè. Từ phòng lớn này không trực tiếp nhìn được bình minh lên, nhưng ánh nắng phản chiếu từ phía sân thật rực rỡ.
Những người đàn ông nói chuyện về tai nạn xảy ra.
- Anh ta chết ngay à? - Iivari hỏi.
- Chắc là vậy thôi, ngay tức thì.
- Cậu đã bao giờ ngồi tù chưa?
- Ngồi tù thì chưa bao giờ, nhưng các kiểu phạt nho nhỏ thì hàng đống rồi.
- Này, trông cậu nhìn chẳng giống một tay thợ thả gỗ gì cả. Sao cậu lại phải lên phà làm việc này?
- Thì tôi lên phà làm, chỉ để thử xem việc này ra sao. Có bao nhiêu sách kể về cuộc đời người thợ thả bè, toàn những chuyện hay, nên tôi buộc phải xem nó ra sao. Thế nhưng ở đó chỉ có những người đàn ông xấu xí, một mống đẹp trai cũng chẳng thấy suốt cả mùa hè. Tôi không thấy một ai kể từ ngày rời ổ của tôi ở Tampere.
- Thế còn lũ con gái?
- Hừ, toàn cái lũ thóc mách thọc mạch với cả những con gấu cục mịch. Tôi không quan tâm… Thế nhưng con dao đã đâm thẳng vào ngực lão ta, - Nokia lấy tay làm động tác hệt như khi đâm Mettälä, mắt sáng rực lên, màu xanh dương như sậm lại và trên môi thấp thoáng nụ cười đầy mãn nguyện. Rồi tay kia anh ta với lấy chai rượu của Iivari. Người này đưa cho anh ta ngay lập tức. Salonen tu một ngụm dài. Uống xong anh ta hét lên:
- Tôi vẫn không buồn đâu, quỷ tha ma bắt đi, không buồn. Ôi, chàng trai đầy sức xuân và thật trẻ con, đầy sức xuân, thật đẹp và trẻ con…
- Cậu định nói thiếu nữ đấy chứ hả, - Iivari lưu ý.
- Chàng trai đầy sức xuân và trẻ con, - Salonen thì thầm với chính mình, cứ như quên hẳn sự có mặt của Iivari. Trong ánh mắt của anh ta có gì đó thật kỳ quặc, gần như là sự dịu ngọt rất phụ nữ, khi anh ta nhìn ra ngoài qua ô cửa sổ, vào khoảng không bao la, như nói lời chào tạm biệt với tất cả. Iivari Pietilä, người có khuôn mặt thô thô, không thể nào hiểu được những gì đang diễn ra trong tâm trí cậu thanh niên này, bối rối nhìn cậu ta và tợp một ngụm rượu từ trong cái chai đã thành của chung cho cả hai. Anh ta nói gì về chàng trai thế nhỉ?
Đã gần sáng rồi. Bà cụ già sống nhờ ở đậu, người mà địa phương phân về cho trang trại Pietilä nuôi dưỡng từ ngày nào, bước xuống từ bậc thềm của túp lều trong trang trại, rồi ngồi thụp xuống bên bụi cây, ở đó một lúc rồi đứng dậy, hơi lảo đảo và bước đi. Sáng rồi. Cả lũ chim sẻ và bầy chim én cũng thông báo điều đó.
Còn hai người đàn ông trẻ này ngôi với nhau cứ như ngày càng lạ nhau hơn, dù rượu vẫn còn, cái thứ chất lỏng đo đỏ ấy.
- Để tôi uống hết đi cho rồi! - Nokia nói với người suýt đánh nhau với mình ngày nào.
- Uống đi, con của Chúa. - Iivari nói. Anh ta nhớ rất rõ, mình còn cái chất sền sệt này ở chỗ khác nữa chứ không phải chỉ trong chai này. - Lấy đi uống đi! Một thời gian dài nữa cậu sẽ không được nếm nó đâu. Không cả thứ này, mà cũng sẽ chẳng được cái gì tôn tốt đâu. Thật là kinh khủng khi phải từ bỏ mọi thứ. Nào uống!
- Nào uống! - Và Salonen nhìn thật lâu vào khuôn mặt của người điền viên beo béo ấy. Sao anh ta xấu xí, thô thiển vậy. Và những buổi tối mùa xuân ở thành phố quê nhà mới đẹp làm sao, nơi ghềnh đá gần ngọn tháp khi ta ngồi với Jalmari trẻ tuổi, cậu học sinh trung học thơ ngây. Họ đã ngồi, tay trong tay nói với nhau bao điều, vào mùa xuân duy nhất và thật hạnh phúc ấy… Rồi mọi thứ trôi đi như đã trôi. Bể khổ cuộc đời - mà nhiều lúc lại thấy niềm vui là đấy. Áp lực của đớn đau cứ dần dần đè nặng, cho đến khi thùng chứa của nó vỡ tung. Có phải điều đó xảy ra vậy không? Và giờ ta ở đây ư, trong cái ngăn gỗ được ghép lại ở góc phòng lớn, chân trong cùm sắt, sắp bị chở về Turku và từ ấy vào một ngày nào đó lại bị trả về đây, cái huyện này - và không bao giờ được trả tự do - ôi trời đất ơi - mình đã làm gì thế này? Những giọt nước mắt trào ra từ khóe mắt, khi hắn cố gắng giải thích tình trạng mình cho người chủ điền trang trẻ tuổi, con người tự do kia.
- Cậu bé ơi, cậu không thể hiểu được những xiềng xích này có nghĩa gì khi nó siết chặt quanh chân người ta và ai biết được nó sẽ nằm ở đó đến bao giờ. Ôi ôi, Chúa Trời ơi, quỷ sứ ơi! Tiếng sụt sùi nức nở vang khắp phòng, làm ông chủ trang trại cũng lại phải ló ra từ phòng ngủ của mình và nói với em trai Iivari của mình:
- Chú mày thấy chưa! Bây giờ trong nhà này ai còn ngủ được cơ chứ, khi chú cứ ngồi thao thao nói những chuyện như thế với phạm nhân.
Còn Salonen khóc và gào, lắc lắc mạnh đôi chân bị xích đến mức tiếng xủng xoảng phá vỡ cả không gian yên tĩnh. Cả mấy cô người ở cũng từ phía bên kia lò nướng bánh ở ngay sát cửa ra vào ngó ra, mắt còn ngái ngủ, đầu tiên là ngạc nhiên, rồi cuối cùng là thương cảm. Dù đã thức trắng một đêm và vẫn đang ngà ngà say nhưng nhìn Nokia vẫn trẻ, đẹp. Mái tóc dài màu bạch kim chải hất ngược ra phía sau thỉnh thoảng lại rủ xuống trán, làm anh ta phải đôi lúc lấy tay vuốt ngược chúng lên. Chẳng mấy đâu những lọn tóc đó sẽ rơi xuống sàn của trại giam và từ đó vào sọt rác. Cô đầy tớ trẻ nghĩ vậy. Còn anh thanh niên vẫn gào lên:
- Các người thì biết gì về nỗi đau của thằng bé này? Khi chàng trai trẻ bị một nỗi khát khao kỳ lạ ngày đêm hun đốt. Nỗi khát khao mà chính anh cũng chẳng biết nguyên do. Hãy nhìn đi, hỡi cô thiếu nữ! Cô có người cô yêu, người cô muốn ôm lúc nào cũng được. Nhưng còn tôi, tôi có ai? Ngay cả mẹ cũng không, mẹ ơi, mẹ ơi…
Tiếng kêu gào của anh ta tập trung vào mấy từ cuối cùng. Anh ta nghẹn ngào nhắc đi láy lại liên tục từ ấy, mẹ ơi, mẹ ơi… Rồi anh ta nằm luôn xuống tấm phản, giấu mặt vào tấm khăn bân bẩn, từ đó tiếp tục gào lên: mẹ ơi, mẹ ơi… Anh ta không đập phá gì và một khi lời kêu gào của anh ta chỉ một từ như vậy nên những người ở đó không biết phải làm gì với anh ta. Cô đầy tớ trẻ rơm rớm nước mắt, cuối cùng bỏ ra ngoài. Cô gái tội nghiệp cũng vừa mất mẹ, còn cha thì cô chưa bao giờ được biết là ai.
Cuối cùng Salonen cũng ngủ thiếp đi trong tiếng nấc nghẹn ngào, sau khi thều thào gần như giọng của người lạ xin nước và ừng ực uống. Puolamäki ngủ say như chết trong suốt thời gian đó, không hề tỉnh dậy khi người kia kêu gào.
Nắng trải lấp lóa. Chắc đã ba giờ sáng rồi. Suy nghĩ của người chủ trang trại hiền lành hướng về lưỡi liềm cắt cỏ, khi vừa xốc xốc cái quần ngủ vừa nhìn ra ngoài sân trang trại mà ông ta thừa hưởng được của ông cha.
Người Trong Đêm Hè Người Trong Đêm Hè - Frans Eemil Sillanpää Người Trong Đêm Hè