Bẫy-22 epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Thành Phố Vĩnh Cửu(83)
hưa xin phép chính thức nhưng Yossarian vẫn đi cùng Milo, kẻ, trong lúc chiếc máy bay lướt về phía Rome, cứ lắc đầu trách móc và, cặp môi đạo đức giả bĩu ra, nói cho Yossarian với giọng giảng đạo rằng gã hổ thẹn vì y. Yossarian gật đầu. Yossarian đã tự biến mình thành một thứ kỳ quan thô lỗ bằng cách cứ đi loanh quanh giật lùi với khẩu súng gắn chặt bên hông và từ chối bay ra trận, Milo nói. Yossarian gật đầu. Như thế là bất trung với phi đoàn và làm xấu mặt thượng cấp. Y cũng đang đặt Milo vào một thế khó. Yossarian lại gật đầu. Mọi người đã bắt đầu càm ràm. Thật không công bằng khi Yossarian chỉ quan tâm tới sự an toàn của bản thân trong khi những người như Milo, đại tá Cathcart, trung tá Korn và cựu binh nhất Wintergreen luôn sẵn lòng làm mọi điều có thể để giành được chiến thắng trong cuộc chiến này. Những người đã bay hết bảy mươi trận cũng bắt đầu càm ràm bởi vì họ phải bay tới tám mươi trận, và rất có khả năng ai đó trong số họ cũng sẽ cầm lấy súng và bắt đầu đi giật lùi. Tinh thần chiến đấu đang sa sút và tất cả đều là lỗi của Yossarian. Đất nước đang nguy khốn; y đang hủy hoại quyền tự do và độc lập vốn có của mình bằng cách dám thực thi chúng.
Yossarian cứ gật đầu lia lịa trong ghế phụ lái và cố không nghe Milo lảm nhảm. Trong đầu y chỉ có cô điếm của Nately và Kraft và Orr và Nately và Dunbar, và Kid Sampson và McWatt, và tất cả những người nghèo khổ bệnh tật ngu ngốc y từng thấy ở Ý, Ai Cập, Bắc Phi và từng biết ở những vùng khác trên thế giới, cả Snowden và đứa em gái cô điếm của Nately nữa cũng đang đè nặng lương tâm y. Yossarian nghĩ y đã biết tại sao cô điếm của Nately đổ trách nhiệm cho y về cái chết của Nately và muốn giết y. Việc quái gì cô lại không làm thế cơ chứ? Đây là một thế giới của loài người, cô và tất cả những ai trẻ hơn cô đều có quyền đổ lỗi cho y và tất cả những người già hơn vì bất cứ thảm họa phi tự nhiên nào giáng lên đầu họ; cũng như việc cô, thậm chí ngay cả khi đau buồn, phải chịu trách nhiệm cho mọi khổ đau nhân tạo mà em gái cô và mọi đứa trẻ khác nhỏ hơn cô phải gánh chịu. Ai đó phải làm một việc gì đó vào một lúc nào đó. Mỗi nạn nhân là một thủ phạm, mỗi thủ phạm lại là một nạn nhân, và ai đó vào lúc nào đó cần phải đúng dậy phá vỡ chuỗi tệ hại của những lề thói truyền đời đang dồn tất cả tới tình trạng hiểm nghèo ấy. Ở nhiều vùng thuộc châu Phi vẫn có những người lớn làm nghề buôn nô lệ đi bắt cóc những bé trai để bán cho những kẻ sẽ phanh thây, ăn thịt chúng. Yossarian kinh ngạc trước việc trẻ em có thể chịu những thứ giết chóc man rợn đến vậy mà không hề tỏ ra sợ hãi hay đau đớn. Y tự cho rằng những đứa trẻ đó đã phục tùng trong bình thản. Nếu không thì, y lý luận, phong tục đó chắc chắn đã mất đi, bởi vì, y cảm thấy, không có nỗi khao khát giàu sang hay bất tử nào có thể lớn đến nỗi phải dựa trên nỗi đau của trẻ con để tồn tại.
Y đang làm chìm thuyền, Milo nói, và Yossarian lại gật đầu thêm lần nữa. Y không phải là một thành viên tốt của cả đội, Milo nói. Yossarian gật đầu và nghe Milo bảo với y rằng điều tử tế nhất nên làm nếu y không thích cái cách đại tá Cathcart và trung tá Korn điều hành liên đoàn là chạy tới Nga thay vì khuấy lên bao rắc rối. Đại tá Cathcart và trung tá Korn đều vốn rất tốt với Yossarian, Milo nói; chẳng phải họ đã trao cho y huân chương sau trận Ferrara và thăng cấp cho y lên đại úy đó sao? Yossarian gật đầu. Chẳng phải họ cho y ăn và trả lương cho y đều đặn hằng tháng sao? Yossarian lại gật đầu. Milo chắc mẩm rằng họ sẽ rất khoan dung nếu như y tới gặp họ để xin lỗi, công khai bỏ cuộc và hứa sẽ tiếp tục bay cho tới tám mươi trận. Yossarian nói y sẽ suy nghĩ, và rồi y nín thở, cầu nguyện sao cho được hạ cánh an toàn khi Milo cho hạ bánh xuống và đưa máy bay trượt vào đường băng. Thật nực cười khi y đã thực sự trở nên ghét bay tới vậy.
Rome là một đống hoang tàn, y thấy vậy khi máy bay hạ cánh. Sân bay đã bị ném bom từ tám tháng trước, những phiến đá trắng vỡ gồ ghề đã bị ủi lại thành các đống phẳng ngọn ở cả hai bên lối vào xuyên qua hàng rào kẽm gai bao quanh. Đấu trường La Mã là một lớp vỏ đổ nát, và Khải hoàn môn đã bị đánh sập. Căn hộ của cô điếm của Nately chỉ còn là một mớ hỗn độn. Các cô gái đã biến mất, người duy nhất còn lại là bà cụ già. Các cửa sổ đã vỡ cả. Bà nhồi mình trong nhiều lớp áo len dài tay và nhiều lớp chân váy, trên đầu quấn khăn choàng tối màu. Bà ngồi trên một chiếc ghế gỗ gần bếp điện, tay khoanh lại, đang đun nước trong một chiếc nồi nhôm cũ nát. Bà đang to tiếng nói chuyện một mình lúc Yossarian bước vào nhưng vừa trông thấy y bà đã bắt đầu rền rĩ.
“Đi rồi,” bà rền rĩ trước cả khi y kịp hỏi. Nắm chặt khuỷu tay, bà đung đưa trên chiếc ghế kẽo kẹt. “Đi rồi.”
“Ai cơ?”
“Cả đám. Cả đám mấy con bé tội nghiệp ấy.”
“Đi đâu?”
“Đi mất rồi. Bị đuổi ra ngoài đường. Tất cả đều đã đi mất. Tất cả mấy con bé tội nghiệp ấy.”
“Ai đuổi họ đi cơ? Ai đã làm chuyện đó?”
“Mấy thằng lính cao to hèn hạ đội mũ cứng màu trắng tay cầm dùi cui. Cả lũ carabinieri(84) của chúng tôi nữa. Tụi nó mang dùi cui tới đuổi mấy con bé đi. Thậm chí tụi nó còn không để mấy đứa kịp mặc áo khoác. Khổ thân mấy đứa. Tụi nó cứ thế xua chúng vào trong giá lạnh.”
“Tụi nó có bắt họ không?”
“Tụi nó đuổi mấy đứa đi. Chỉ đuổi đi thôi.”
“Tại sao tụi nó lại làm thế nếu như tụi nó không bắt các cô ấy?
“Tôi không biết,” bà già nức nở. “Tôi không biết. Ai sẽ chăm sóc tôi đây? Giờ thì ai sẽ chăm sóc tôi khi tất cả mấy con bé trẻ trung tội nghiệp ấy đã đi mất? Ai sẽ chăm sóc tôi đây?”
“Phải có một lý do nào đó chứ,” Yossarian khăng khăng nói, tay này đấm vào tay kia. “Tụi nó không thể nào lại tự nhiên xông vào đây và đuổi mọi người ra được.”
“Chả có lý do gì hết,” bà già khóc than. “Không có.”
“Thế tụi nó lấy quyền gì?”
“Bẫy-22.”
“Cái gì?” Yossarian đứng sững lại vì sợ hãi và cảnh giác, đột nhiên cảm thấy gai hết cả người. “Bà nói cái gì cơ?”
“Bẫy-22,” bà già lặp lại, đầu cứ gật lên gật xuống. “Bẫy-22. Bẫy-22 nói rằng tụi nó có quyền làm bất cứ điều gì chúng ta không cản trở được.”
“Bà đang nói cái quái gì vậy?” Yossarian hét toáng lên phản đối trong giận dữ và bối rối. “Làm sao bà biết được về Bẫy-22? Thằng chó nào đã bảo với bà rằng đó là Bẫy-22?”
“Mấy thằng lính đội mũ trắng cầm dùi cui chứ ai. Lúc ấy đám con gái đang khóc lóc, nói ‘Bọn em đã làm gì sai sao?’ Mấy thằng kia bảo không rồi cứ thế gí đầu dùi cui vào tụi nó lùa ra khỏi cửa. ‘Vậy thì sao mấy anh lại đuổi tụi em đi?’ mấy đứa nói. ‘Bẫy-22,’ lũ kia bảo. ‘Các anh có quyền gì?’ mấy đứa nói. ‘Bẫy-22,’ lũ kia bảo. Tất cả những gì tụi kia nói chỉ là ‘Bẫy-22, Bẫy-22.’ Thế Bẫy-22 có nghĩa gì vậy? Bẫy-22 là cái gì?”
“Tụi nó không cho bà xem à?” Yossarian hỏi, giận dữ và tuyệt vọng nện gót đi quanh. “Bà không bắt tụi nó đọc cho nghe à?”
“Tụi nó không cần phải cho chúng tôi xem Bẫy-22,” bà già đáp. “Pháp luật quy định tụi nó không bắt buộc phải làm vậy.”
“Luật nào quy định thế?”
“Bẫy-22.”
“Ôi, trời đánh thánh vật!” Yossarian thốt lên cay đắng. “Tôi cá là nó thậm chí còn không tồn tại.” Y thôi không đi lại nữa và buồn bã nhìn quanh phòng. “Lão già đâu?”
“Mất rồi,” bà già than thở.
“Mất rồi?”
“Chết,” bà già nói, gật đầu trong ai oán chất ngất, bàn tay trỏ vào đầu. “Có cái gì đó bị vỡ ở bên trong. Một phút trước lão ấy còn đang sống, một phút sau lão ta đã chết.”
“Nhưng ông ta không thể chết!” Yossarian kêu lên, khăng khăng cãi lại. Nhưng tất nhiên y biết rằng đó là sự thật, rằng như vậy là hợp lý và đúng đắn; một lần nữa lão già đã đi đều bước với số đông.
Yossarian quay đi và nặng nề lết từng bước ra khỏi căn hộ, cau có ủ dột, săm soi khắp các căn phòng với sự tò mò bi quan. Mọi thứ bằng thủy tinh đều đã tan tành dưới dùi cui. Chăn ga cùng rèm cửa rách nát nằm chất đống trên sàn. Bàn ghế và các bàn trang điểm bị lật ngược. Tất cả những gì có thể vỡ đều đã bị đập vỡ. Một cuộc phá hủy toàn diện. Không kẻ phá hoại hoang dại nào có thể triệt để tới vậy. Tất cả các cửa sổ đều bị đập vỡ, bóng tối như những đám mây mực tràn vào mỗi căn phòng qua các tấm kính vỡ. Yossarian có thể tưởng tượng ra những bước chân nặng nề, rầm rập dộng xuống của những gã quân cảnh đội mũ cứng trắng. Y có thể hình dung ra sự hoan hỉ hung hăng và hiểm ác trong lúc họ tạo nên đổ nát này, cùng cái ý thức cao đạo và tàn nhẫn về lẽ phải và sự cống hiến của họ. Tất cả những cô gái trẻ trung đáng thương đó đều đã biến mất. Tất cả đều đã biến mất ngoại trừ bà già đang khóc trong những lớp áo len dài tay dày cộp màu nâu, màu xám, đầu quấn chiếc khăn đen, và ngay cả bà cũng sẽ biến mất chẳng chóng thì chầy.
“Đi mất rồi,” bà đau khổ nói, khi y bước trở lại, chưa kịp nói gì. “Giờ thì ai sẽ chăm sóc tôi đây?”
Yossarian lờ tịt câu hỏi đó. “Cô bạn gái của Nately - có ai nghe tin gì về cô ta không?” y hỏi.
“Đi rồi.”
“Tôi biết là cô ta đã đi rồi. Nhưng có ai nghe tin gì về cô ta không? Có ai biết cô ta đang ở đâu không?”
“Đi rồi.”
“Thế còn đứa em gái. Chuyện gì đã xảy ra với con bé?”
“Đi rồi.” Giọng của bà già không hề thay đổi.
“Bà có biết tôi đang nói gì không đấy?” Yossarian gay gắt hỏi, trừng mắt nhìn xem có phải bà đang nói chuyện với y trong vô thức không. Y cao giọng. “Chuyện gì đã xảy ra với đứa em gái đó, con bé con đó?”
“Đi rồi, đi rồi,” bà già cáu kỉnh nhún vai trả lời, bực mình trước sự dai dẳng của y. Tiếng rền rĩ của bà mỗi lúc một to lên. “Bị đuổi đi cùng những người khác, bị đuổi ra ngoài đường. Tụi nó còn không để cho con bé lấy áo khoác.”
“Con bé đi đâu?”
“Tôi không biết. Tôi không biết.”
“Ai sẽ chăm sóc nó?”
“Ai sẽ chăm sóc tôi?”
“Con bé không quen biết ai cả, có phải không?”
“Ai sẽ chăm sóc tôi?”
Yossarian để lại tiền vào lòng bà già - thật kỳ lạ khi dường như tiền có thể sửa chữa biết bao sai trái - và rồi sải từng bước ra khỏi căn hộ, kịch liệt chửi rủa Bẫy-22 trong lúc xuống cầu thang, mặc dù y biết là chẳng có cái gì gọi là Bẫy-22 cả. Bẫy-22 không tồn tại, y có thể khẳng định được điều đó, nhưng cũng chẳng thay đổi được gì. Quan trọng là ai nấy đều nghĩ rằng nó tồn tại, và như thế thì còn tệ hơn nhiều, bởi vì như vậy thì không có vật thể hay văn bản nào để mọi người có thể nhạo báng hay phủ định, buộc tội, chỉ trích, tấn công, sửa đổi, căm thù, sỉ vả, nhổ nước bọt, xé vụn, giậm nát hay đốt cháy.
Ngoài trời rất lạnh, tối và một màn sương mù tẻ nhạt ri rỉ phình ra trong không khí và luồn xuống những khối nhà lớn bằng đá thô kệch cùng những bệ tượng đài. Yossarian vội vã trở lại với Milo và xuống nước. Y nói là y rất tiếc và, biết mình đang nói dối, hứa sẽ bay thêm bao nhiêu trận tùy ý đại tá Cathcart, chỉ cần Milo sử dụng ảnh hưởng của gã tại Rome để tìm xem em gái cô điếm của Nately đang ở đâu.
“Nó mới chỉ là một con bé mười hai tuổi trinh nguyên, Milo,” y hồi hộp giải thích, “và tôi muốn tìm được nó trước khi quá muộn.”
Milo đáp lại yêu cầu của y bằng một nụ cười nhân hậu. “Tôi đang có đúng một trinh nữ mười hai tuổi mà anh đang tìm đấy,” gã vui vẻ tuyên bố. “Em trinh nữ mười hai tuổi này thực ra mới có ba mươi tư, nhưng cô ta được bố mẹ nuôi dưỡng nghiêm khắc với chế độ ăn kiêng ít đạm và không ngủ với đàn ông cho tới…”
“Milo, tôi đang nói về một con bé!” Yossarian ngắt lời với vẻ sốt ruột đầy tuyệt vọng. “Anh không hiểu à? Tôi không muốn ngủ với nó. Tôi muốn giúp nó. Anh cũng có con gái. Con bé này chỉ là một đứa bé con, và hiện nó chỉ có một mình trong thành phố này mà không có ai chăm sóc. Tôi muốn bảo vệ nó khỏi hiểm nguy. Anh có biết tôi đang nói gì không thế?”
Milo hiểu và chợt cảm động sâu sắc. “Yossarian, tôi rất tự hào về anh,” gã xúc động mãnh liệt thốt lên. “Tôi thực sự rất tự hào. Anh không biết là tôi vui mừng đến mức nào khi thấy rằng không phải lúc nào với anh, mọi thứ cũng chỉ là chuyện tình dục. Anh cũng có những nguyên tắc của mình. Tất nhiên là tôi có con gái, và tôi hiểu rất rõ anh đang nói gì. Chúng ta sẽ tìm được cô bé đó. Anh đừng lo. Anh đi với tôi rồi chúng ta sẽ tìm được cô bé đó, cho dù có phải lật tung cả thành phố này lên chăng nữa. Đi nào.”
Yossarian đi cùng trong chiếc xe công vụ M&M của Milo Minderbinder phóng nhanh tới trụ sở cảnh sát để gặp một tay cảnh sát trưởng luộm thuộm da ngăm đen để ria đen mỏng, mặc quân phục không cài cúc và đang ỡm ờ với một phụ nữ to mập hai cằm và mặt đầy mụn cơm, tay này chào Milo với vẻ ngạc nhiên nồng nhiệt, rồi rạp người khúm núm với một vẻ cúc cung tởm lợm cứ như thể Milo là một hầu tước sang trọng nào đó không bằng.
“A, hầu tước Milo,” ông ta dõng dạc với một niềm vui dào dạt, xô người đàn bà mập kia ra ngoài cửa mà không thèm nhìn theo, mặc cô ta càu nhàu. “Sao ông không báo cho tôi biết là ông tới? Tôi đã có thể mở đại tiệc để đón chào ông. Mời vào, mời vào, thưa hầu tước. Ông gần như đã không còn đến thăm chúng tôi nữa.”
Milo biết là không thể lãng phí thêm chút thời gian nào nữa. “Chào Luigi,” gã nói, gật đầu mạnh tới mức gần như là thô lỗ. “Luigi, tôi cần anh giúp. Bạn tôi muốn tìm một cô bé.”
“Một cô bé ư, thưa hầu tước?” Luigi nói, trầm ngâm gãi mặt. “Có rất nhiều gái ở Rome. Với một sĩ quan Mỹ thì việc có được một cô bé thật không khó chút nào.”
“Không, Luigi, anh không hiểu. Đây là một trinh nữ mười hai tuổi mà anh ta cần phải tìm thấy ngay lập tức.”
“À vâng, giờ thì tôi hiểu,” Luigi sắc sảo nói. “Một trinh nữ thì quả là hơi mất thời gian một chút. Nhưng nếu anh ta đợi ở bến xe buýt nơi mà các thôn nữ tới để tìm việc, tôi…”
“Luigi, anh vẫn chưa hiểu,” Milo sốt ruột cáu kỉnh ngắt lời cộc cằn tới mức khiến tay cảnh sát đỏ hết cả mặt, ông ta đứng phắt dậy chăm chú lắng nghe và bắt đầu bối rối cài cúc áo lại. “Cô bé này là một người bạn, một người bạn cũ của gia đình, và chúng tôi muốn giúp nó. Nó mới chỉ là một đứa trẻ. Nó chỉ có một mình đâu đó trong thành phố này, và chúng tôi cần phải tìm được nó trước khi nó bị ai đó hãm hại. Giờ thì anh đã hiểu chưa? Luigi, điều này rất quan trọng với tôi. Tôi cũng có một đứa con gái cùng độ tuổi với cô bé này, và lúc này với tôi không có gì trên thế giới này quan trọng hơn việc cứu giúp đứa nhỏ đáng thương đó trước khi quá muộn. Anh có giúp được không?”
“Si, thưa hầu tước, giờ thì tôi đã hiểu,” Luigi nói. “Và tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để tìm cô bé ấy. Nhưng tối nay tôi không có người. Tối nay, tất cả người của tôi đều đang bận phá đường dây buôn lậu thuốc lá.”
“Thuốc lá lậu ư?” Milo hỏi.
“Milo,” Yossarian yếu ớt kêu lên, tim y như chùng xuống, ngay lập tức cảm thấy thôi thế là hết.
“Si, thưa hầu tước,” Luigi nói. “Lợi nhuận của thuốc lá lậu đã cao tới mức gần như không thể kiểm soát nổi việc buôn lậu.”
“Có thực là thuốc lá lậu có lời đến vậy không?” Milo chăm chú hỏi, cặp lông mày màu gỉ sắt của gã say sưa nhướng lên sống động, lỗ mũi bèn khụt khịt.
“Milo,” Yossarian gọi. “Hãy nghe tôi nói đây, có được không?”
“Si, thưa hầu tước,” Luigi trả lời. “Thuốc lá lậu rất lời. Việc buôn thuốc lá lậu đã thành vấn nạn quốc gia, thưa hầu tước, thực sự là một nỗi hổ thẹn quốc gia.”
“Thật vậy sao?” Milo bình luận với một nụ cười lơ đãng và bắt đầu đi ra cửa như thể đang bị dính bùa.
“Milo!” Yossarian hét toáng, nhảy lên trước để chặn gã lại. “Milo, anh phải giúp tôi.”
“Thuốc lá lậu,” Milo giải thích với ánh mắt thèm khát như phát cuồng, vật lộn quyết liệt hòng thoát ra. “Buông tôi ra. Tôi phải đi buôn lậu thuốc lá.”
“Ở lại đây giúp tôi tìm con bé đã,” Yossarian nài nỉ. “Mai anh có thể buôn lậu thuốc lá sau.”
Nhưng Milo đã điếc và cứ nhoài lên phía trước, không bạo lực nhưng không sao cưỡng lại, mồ hôi đổ ròng ròng, cặp mắt của gã, như thể đang bị khống chế gắn chặt vào một điểm không rõ là gì, đang rực cháy dữ dội, miệng gã rần rật nhểu dãi. Gã khẽ rên lên như thể đang trong cơn đau đớn bản năng và xa xôi nào đó, miệng cứ lặp đi lặp lại, “Thuốc lá lậu, thuốc lá lậu.” Yossarian rốt cuộc đành nhượng bộ và tránh ra khi thấy nói lý với gã giờ là một việc vô vọng ra sao. Milo mất hút như một viên đạn. Tay cảnh sát lại cởi cúc áo ra và nhìn Yossarian khinh bỉ.
“Anh muốn gì ở đây?” ông ta lạnh lùng hỏi. “Anh muốn tôi bắt anh à?”
Yossarian đi ra khỏi phòng xuống cầu thang ra ngoài một con phố tối tăm như hầm mộ, lúc qua hành lang thì lướt qua người đàn bà to mập hai cằm, mặt đầy mụn cơm đang trên đường quay trở lại. Không có dấu hiệu nào của Milo ở bên ngoài. Không có ánh đèn trong bất cứ ô cửa sổ nào. Vỉa hè hoang vắng liên tục dốc lên suốt một đoạn vài khối nhà. Y có thể nhìn thấy ánh sáng bừng lên từ phía đại lộ ở đầu con đường dài trải đá cuội. Đồn cảnh sát gần như ở dưới chân dốc; những bóng đèn vàng treo ở cổng kêu lèo xèo trong không khí ẩm như những ngọn đuốc ướt. Trời đang mưa lay phay, lạnh cóng. Y bắt đầu bước đi chậm chạp, cố sức ngược lên đồi. Chẳng mấy chốc y đã tới một nhà hàng yên tĩnh, ấm áp, mời gọi với rèm nhung đỏ sau cửa sổ và bảng hiệu đèn neon xanh gần cửa với dòng chữ: NHÀ HÀNG TONY. ẨM THỰC HẢO HẠNG. CẤM VÀO. Những chữ trên bảng hiệu đèn neon xanh đó chỉ khiến y thoáng ngạc nhiên trong chốc lát. Dường như không thứ lệch lạc nào còn là kỳ quái nữa trong khung cảnh kỳ lạ, méo mó xung quanh y. Nóc các tòa nhà cao vút nghiêng một góc lạ lùng, siêu thực, và phố dường như cũng nghiêng. Y dựng cổ chiếc áo khoác len ấm áp lên và quấn chặt quanh mình. Đêm rét căm căm. Một thằng nhóc vận chiếc áo mỏng cùng chiếc quần rách nát mỏng manh đi ra từ bóng tối trên đôi chân trần. Nó có mái tóc đen, cần được cắt tóc và còn cần cả giày và tất nữa. Gương mặt ốm yếu của nó nhợt nhạt và buồn bã. Khi nó bước qua, bàn chân nó tạo nên những âm thanh non nớt, khẽ khàng và khủng khiếp trên những vũng nước mưa vỉa hè, và Yossarian bị lay động bởi một mối xót thương cho cảnh nghèo của nó mãnh liệt tới mức y còn muốn đấm nát khuôn mặt nhợt nhạt, buồn bã và đau ốm ấy và đấm bay nó ra khỏi cõi đời này bởi vì nó khiến y nghĩ tới tất cả lũ trẻ nhợt nhạt, buồn bã và ốm đau ở Ý vào đêm nay, những đứa trẻ cũng cần phải được cắt tóc, cần có giày và tất. Nó khiến Yossarian nghĩ tới những người tàn tật và đàn ông, đàn bà đói rét, và tới tất cả những bà mẹ lặng câm, thụ động và thành tâm với những cặp mắt đờ đẫn cũng đang ở ngoài trời đêm nay cho con bú bầu vú động vật để trần mặc kệ trời mưa giá rét. Những con bò cái. Gần như ngay lúc ấy, một bà mẹ bế đứa con nhỏ mặc đồ như giẻ rách đen chợt lướt qua, và Yossarian cũng muốn đập cho cô một trận, bởi vì cô đã khiến y nhớ tới thằng bé đi chân trần mặc áo quần rách nát mỏng manh, và tới tất cả những khốn khổ đến rùng mình, sửng sốt trong một thế giới chưa bao giờ cung cấp đủ hơi ấm, thức ăn và sự công bằng cho tất cả mọi người mà chỉ cho một nhúm người láu cá và vô đạo đúc. Quả là một trái đất kinh tởm! Y tự hỏi ngay trong đêm nay hiện có bao nhiêu người đang phải sống trong nghèo túng, thậm chí ở ngay chính đất nước phồn vinh của y, bao nhiêu mái ấm chỉ là những túp lều lụp xụp, bao nhiêu người chồng đang say khướt và bao nhiêu người vợ bị đánh đập, bao nhiêu trẻ em bị bắt nạt, bị ngược đãi hay bị bỏ rơi? Bao nhiêu gia đình đói vì không đủ tiền mua thức ăn? Bao nhiêu trái tim tan vỡ? Đêm nay bao nhiêu vụ tự tử sẽ xảy ra và bao nhiêu người sẽ phát điên? Bao nhiêu con gián và bao nhiêu chủ đất sẽ chiến thắng? Bao nhiêu người chiến thắng sẽ thành chiến bại, thành công thành thất bại, bao nhiêu người giàu sẽ trở nên nghèo? Bao nhiêu gã thông thái sẽ trở nên ngu dốt? Bao nhiêu kết thúc có hậu lại trở nên bi thảm? Bao nhiêu người trung thực là những kẻ nói dối, người dũng cảm lại hèn nhát, bao nhiêu người nhận được sự ủy thác nhưng lại bán linh hồn cho những đồ đê tiện chỉ vì những đồng tiền vặt vãnh, bao nhiêu người chưa từng có linh hồn? Bao nhiêu con đường thẳng và hẹp bỗng trở thành cong queo? Bao nhiêu gia đình tốt nhất lại trở nên tồi tệ nhất, bao nhiêu người tốt lại trở thành kẻ xấu? Khi ta cộng tất cả lại rồi trừ đi, sẽ chỉ còn lại trẻ em, và có lẽ có thêm Albert Einstein, và một tay vĩ cầm hoặc một nhà điêu khắc già ở đâu đó. Yossarian bước đi một mình trong day dứt, cảm thấy xa lạ, và không thể gột ra khởi đầu hình ảnh thằng bé chân trần với đôi gò má ốm yếu cho đến khi rốt cuộc y rẽ ở cuối phố để đi vào đại lộ và gặp một người lính Đồng minh đang co giật trên mặt đất, một trung úy trẻ với gương mặt ngây thơ, nhỏ bé và nhợt nhạt. Sáu người lính đến từ những nước khác nhau đang vật lộn với từng bộ phận trên cơ thể cậu ta, cố gắng giúp đỡ và giữ cậu nằm yên. Cậu ta kêu rên không thành lời qua hàm răng nghiến chặt, mắt trợn ngược. “Đừng để cho anh ta cắn đứt lưỡi,” một trung sĩ thấp lùn đứng gần Yossarian nhanh trí đưa ra lời khuyên, và thế là người thứ bảy nhảy vào vật lộn với gương mặt ốm yếu của viên trung úy. Đột nhiên tất cả những người tham gia vật lộn bỗng giành chiến thắng và họ quay sang nhìn nhau ngập ngừng, bởi vì giờ khi họ đã giữ chặt được viên trung úy, họ không biết phải làm gì tiếp với cậu. Một cơn rùng mình hoảng loạn ngây ngốc truyền từ gương mặt căng thẳng cục súc này sang gương mặt căng thẳng cục súc khác. “Sao các anh không nhấc cậu ta để lên ca pô cái xe kia nhỉ?” một hạ sĩ đứng sau lưng Yossarian lè nhè nói. Nghe có vẻ có lý, thế là bảy người bọn họ bèn nhấc viên trung úy trẻ đó lên và cẩn thận đặt cậu ta lên nắp ca pô một chiếc ô tô đang đỗ gần đó, trong lúc ấy vẫn phải ghì chặt từng bộ phận đang vùng vẫy trên người cậu ta. Đặt được cậu ta thẳng đơ trên nóc ca pô rồi, họ lại tiếp tục nhìn nhau trân trối, vì họ lại không biết phải làm gì tiếp theo. “Sao các anh không nhấc cậu ta khỏi ca pô mà cho xuống đất nhỉ?” viên hạ sĩ đứng sau Yossarian lại lè nhè. Nghe có vẻ vẫn có lý, thế là họ lại bắt đầu chuyển cậu ta trở lại vỉa hè, nhưng trước khi họ làm xong việc đó thì một xe Jeep đã phi tới với đèn đỏ nhấp nháy bên hông và hai quân cảnh trên ghế trước.
“Có chuyện gì vậy?” người lái xe lớn tiếng.
“Cậu ta đang bị co giật,” một trong những người đang giữ chặt tay chân viên trung úy trẻ đáp lời. “Chúng tôi đang cố giữ chặt cậu ta lại.”
“Vậy tốt. Cậu ta đã bị bắt.”
“Chúng tôi nên làm gì với cậu ta?”
“Cứ tiếp tục bắt giữ cậu ta!” tay quân cảnh hét lên, gập cả người lại mà cười lên khùng khục trước câu đùa của chính gã, rồi phóng xe đi.
Yossarian nhớ ra rằng y không có giấy nghỉ phép và thận trọng lướt qua đám người xa lạ đó về phía những giọng nói nghèn nghẹt phát ra từ trong bóng tối âm u ở đằng xa phía trước. Đại lộ rộng lớn và loang lổ những vệt nước mưa cứ nửa đoạn phố lại được thắp sáng bởi một cây đèn đường thấp có đầu uốn cong phát ra những tia sáng mờ kỳ quái bọc trong quầng sương mù dày màu nâu. Từ một cửa sổ phía trên y nghe thấy một giọng nữ buồn rầu đang cầu khẩn. “Làm ơn đừng. Làm ơn đừng.” Một cô gái trẻ phiền muộn mặc áo mưa đen, làn tóc đen xõa tung vương trên mặt bước qua với đôi mắt cụp xuống. Ở đoạn phố tiếp theo, chỗ Bộ Nội vụ, một cô gái say khướt đang bị một người lính say khướt dồn vào một trong những cái cột kiểu Corinth, trong khi ba chiến hữu say khướt của gã ngồi trên mấy bậc thang gần đó chống mắt xem với những chai rượu dựng giữa hai chân. “Lờm ơn đừng,” cô gái say khướt cầu xin. “Giờ tôi muốn về nhà. Lờm ơn đừng.” Một trong mấy gã đang ngồi bèn hung hăng chửi và lẳng luôn một chai rượu vào Yossarian khi y quay sang nhìn. Chai rượu văng tuốt ra xa vô hại rồi vỡ vụn một tiếng gọn gàng hầu như không nghe thấy. Yossarian tiếp tục bước đi với vẻ lờ phờ, chậm rãi, tay đút túi quần. “Làm tới đi cưng,” y nghe tiếng người lính say khướt kia đang kiên quyết thúc giục. “Giờ thì đến lượt tôi.” “Lờm ơn, đừng,” cô gái say khướt kia van xin. “Lờm ơn, đừng.” Ngay tại góc phố tiếp theo, từ sâu trong bóng tối đặc quánh bất khả xuyên thủng của một con phố nhỏ hẹp quanh co, y nghe thấy tiếng ai đó dọng tuyết, âm thanh bí hiểm, không lẫn vào đâu được. Tiếng sàn sạt đều đặn, nặng nhọc, gây ra nhiều liên tưởng của chiếc xẻng sắt cà xuống sàn bê tông khiến da thịt y sởn hết lên khiếp hãi suốt từ lúc bước xuống vỉa hè qua bên kia con ngõ nhỏ nhiều điềm gở đó rồi vội vã đi tiếp cho tới khi những âm thanh ám ảnh, phi lý ấy tụt hẳn lại đằng sau. Giờ thì y biết mình đang ở đâu: nếu y cứ đi thẳng thì chẳng mấy chốc sẽ tới một vòi phun nước đã khô cạn ở giữa đại lộ, sau đó sẽ tới căn hộ dành cho sĩ quan cách đó bảy đoạn phố. Bỗng y nghe thấy những tiếng gầm gừ không phải tiếng người rạch toang bóng tối ma quái phía trước. Bóng điện trên cây đèn góc phố đã cháy, đổ tối tăm tràn qua nửa phố, xô mọi thứ mắt nhìn thấy được vào tròng trành. Ở phía bên kia ngã tư, một gã đàn ông đang đánh đập con chó bằng gậy giống như kẻ cứ lấy roi vụt con ngựa trong giấc mơ của Raskolnikov(85). Yossarian tuyệt vọng gồng mình để không nghe, không nhìn. Con chó rên ư ử và ré lên trong cơn cuồng loạn súc vật đã bị làm cho chết lặng ở đầu kia một sợi dây chão bện cũ kỹ, nằm phủ phục và rạp bụng lê lết không chút phản kháng, nhưng gã kia vẫn cứ liên tục nện cây gậy nặng và dẹt đó xuống nó. Một đám người đang đứng xem. Một bà lùn mập bước lên xin gã dừng tay. “Không phải việc của bà,” gã thô lỗ quạc lại, giơ cây gậy lên như muốn đánh cả bà ta, và bà đành ngoan ngoãn rút lui trong khốn khổ ê chề. Yossarian rảo bước để thoát đi, gần như chạy. Đêm tràn ngập những cảnh ghê rợn, và giờ y nghĩ y đã biết Chúa có cảm giác như thế nào khi ngài đi bộ qua thế giới, như bác sĩ tâm thần đi qua một phòng bệnh toàn thằng điên, như một nạn nhân đi qua một nhà tù toàn kẻ trộm. Một thằng hủi hẳn vẫn là một cảnh đón chào đẹp hơn! Ở góc phố tiếp theo, một gã đàn ông đang nện nhừ tử một thằng nhóc giữa một đám đông bất động gồm toàn những người lớn giương mắt nhìn mà không ai buồn động tay can thiệp. Yossarian chùn lại vì chợt kinh sợ nhận ra. Y chắc chắn mình đã chứng kiến cùng cảnh tượng khủng khiếp ấy đâu đó từ trước rồi. Déjà vu ư? Sự trùng hợp hung hiểm này khiến cho y sốc và đổ đầy lòng y những nghi ngờ và khiếp sợ. Chính là cái cảnh mà y đã chứng kiến ở đoạn phố trước, mặc dù mọi thứ trong đó dường như cũng có khác. Điều quái gì đang xảy ra trên thế giới này đây? Liệu lại có một bà thấp lùn nào bước ra xin gã kia ngừng lại không? Liệu gã có giơ tay lên dọa đánh và bà ta sẽ lại rút lui? Không một ai động đậy. Đứa trẻ khóc liên hồi như thể uống phải bả khổ đau. Gã đàn ông liên tục đánh ngã nó bằng những cú tát mạnh vào đầu nghe rõ cả tiếng, sau đó giật nó đứng dậy để lại nện nó ngã xuống. Không ai trong đám đông rầu rĩ, rúm ró kia có vẻ quan tâm tới thằng bé đang bị nện tới mức bất tỉnh đó đủ nhiều để can thiệp. Đứa trẻ không quá chín tuổi. Một người đàn bà nhếch nhác đang lặng lẽ khóc vào một khăn lau bát bẩn thỉu. Thằng bé gầy gò và cần cắt tóc. Máu đỏ tươi đang trào ra thành dòng từ cả hai bên tai. Yossarian nhanh chóng bước sang phía bên kia đại lộ rộng lớn này để tránh cảnh tượng buồn nôn đó và chợt thấy mình đang giẫm lên những chiếc răng người nằm trên vỉa hè sũng nước, lấp lánh gần những vết máu vẫn giữ được độ dính nhớp nhờ những giọt mưa trút xuống tới tấp như những chiếc vuốt sắc chọc vào. Răng hàm và răng cửa vỡ vương vãi khắp nơi. Y rón rén đi vòng qua đám mảnh vụn kinh tởm đó tới gần một ngưỡng cửa có người lính đang cầm một chiếc khăn tay sũng nước bịt lấy miệng mà khóc, gần như khuỵu hẳn vào hai người lính khác đang rầu rĩ sốt ruột chờ một chiếc xe cấp cứu quân y rốt cuộc cũng ầm ĩ tới với đèn sương mù ánh vàng vẫn bật nhưng rồi lại phi vèo qua chỗ bọn họ để đến chỗ xảy ra vụ cãi lộn ở quãng phố tiếp theo giữa một thường dân Ý với mấy cuốn sách và một bầy cảnh sát với còng tay và dùi cui. Thường dân đang kêu gào vật lộn kia là một người đàn ông đen đúa với gương mặt đã trắng như bột vì sợ hãi. Cặp mắt anh ta cứ giật giật vì tuyệt vọng cùng cực, chớp mở liên tục như cánh dơi vỗ, trong lúc đám cảnh sát cao to ấy túm chặt cánh tay, cẳng chân và nhấc anh ta lên. Mấy cuốn sách của anh ta rơi tràn xuống mặt đất. “Cứu!” anh ta thét lên thất thanh bằng một thứ giọng bị chính cảm xúc của nó bóp nghẹt trong khi cảnh sát đưa anh ta tới cửa sau đang mở sẵn của xe cấp cứu và ném anh ta vào trong. “Cảnh sát! Cứu! Cảnh sát!” Cửa đóng sập và cài chặt, chiếc xe cấp cứu phóng đi. Quả là một sự mỉa mai thiếu hài hước khi mà trong cơn hoảng loạn đến lố bịch của mình, người đàn ông kia đã gọi cảnh sát để kêu cứu trong khi xung quanh anh ta đang toàn là cảnh sát. Yossarian nhăn nhó cười khẩy khi nghe thấy tiếng kêu cứu vô ích và ngớ ngẩn đó, để rồi chợt thấy những từ đó rất mơ hồ, và hoảng hốt nhận ra rằng có lẽ chúng không phải là để gọi cảnh sát đến cứu mà là một lời cảnh báo quả cảm từ dưới mồ của một người bạn đã bị kết liễu tới bất cứ ai không phải là cảnh sát mang dùi cui và súng được hỗ trợ bởi một đám côn đồ những cảnh sát mang dùi cui và súng khác. “Cứu! Cảnh sát!” người đàn ông đó đã kêu lên như thế, và có lẽ anh ta đã kêu để báo hiệu sự nguy hiểm. Yossarian đáp lại ý nghĩ ấy bằng cách rón rén chuồn xa đám côn đồ cảnh sát và suýt thì giẫm lên chân một bà chị lực lưỡng khoảng bốn mươi tuổi đang vội vã bước qua ngã tư phố đầy vẻ tội lỗi, ném những cú liếc lén lút, thù hận ra đằng sau về phía một bà già tám mươi tuổi cổ chân băng bó dày hự đang lẩy bẩy đuổi theo trong vô vọng. Bà già vừa hổn hển thở vừa cà nhắc đi, lẩm bẩm một mình trong lo âu quẫn trí. Bản chất của cảnh này thật không thể lẫn vào đâu được: đó là một cuộc đuổi bắt. Bà thứ nhất đắc thắng vì đã qua được quá nửa đại lộ khi bà thứ hai còn chưa tới được lề đường. Nụ cười hơi nhếch, độc ác, hả hê mà chị ta ném nhanh về phía sau cho bà già đang chật vật kia có vẻ vừa xấu xa lại vừa sợ hãi. Yossarian biết y có thể giúp được bà già, chỉ cần bà ta kêu lên, y biết y có thể nhào tới tóm gọn bà to khỏe thứ nhất kia và đem tới chỗ đám cảnh sát gần đó nếu bà thứ hai cho phép y làm điều đó bằng một tiếng thét tuyệt vọng. Nhưng bà già chỉ đi qua mà thậm chí không thèm nhìn y, chỉ lẩm bẩm trong bực bội khủng khiếp và bi thương, và chẳng mấy chốc bà thứ nhất biến mất vào những tầng bóng tối mỗi lúc một thăm thẳm bỏ lại bà già đứng bất lực giữa tâm con đường lớn, rợn ngợp, không biết sẽ đi tiếp về đâu, trơ trọi. Yossarian dứt mắt mình khỏi bà và vội vã bước đi trong hổ thẹn vì đã chẳng làm gì để giúp. Y lén lút phóng những cú liếc tội lỗi về phía sau trong ê chề, sợ rằng bà già giờ có thể sẽ bắt đầu đi theo y, và y vui mừng vì được ẩn náu trong thứ bóng tối ảm đạm lay phay mưa, dập dềnh, không một ánh đèn, gần như mờ đục ấy. Lũ côn đồ… lũ côn đồ cảnh sát - tất cả mọi nơi ngoại trừ nước Anh đều nằm trong tay lũ côn đồ, lũ côn đồ, lũ côn đồ. Lũ côn đồ tay cầm dùi cui đang nắm quyền kiểm soát khắp mọi nơi.
Mặt ngoài cổ áo và vai áo khoác của Yossarian sũng nước. Tất chân của y ướt và lạnh. Cây cột đèn tiếp theo cũng bị cháy bóng, lớp vỏ thủy tinh chụp ngoài đã vỡ. Những tòa nhà và những hình thù không rõ nét dập dềnh trôi qua y lặng lẽ như thể được đưa đi nguyên vẹn trên bề mặt một ngọn thủy triều hôi thối và vĩnh cửu. Một thầy tu cao lớn đi qua, khuôn mặt ông ta hoàn toàn mất hút trong chiếc mũ trùm đầu tồi tàn màu xám, đến cả cặp mắt cũng bị che khuất. Có tiếng bước chân bì bõm từ từ tiến lại gần y qua một vũng nước và y sợ rằng đó lại là một đứa trẻ chân trần. Y lướt qua một người đàn ông hốc hác, nhợt nhạt, có vẻ đáng tin cậy trong bộ áo mưa đen với vết sẹo hình ngôi sao trên má và một vết lõm do bị thương bóng loáng cỡ quả trứng ở một bên thái dương. Trên đôi dép cói lép nhép, một cô gái trẻ hiện ra với gương mặt bị biến dạng bởi một vết bỏng loang lổ màu hồng ghê rợn bắt đầu từ cổ kéo thành một đám sần sùi nhăn nhúm lên tận hai bên má, vòng qua cả mắt! Yossarian không chịu nổi dù là nhìn, đoạn y rùng mình. Không ai có thể yêu được cô. Tinh thần y trở nên nặng nề; y thèm được nằm xuống cùng với một cô gái nào đó mà y có thể yêu, người có thể xoa dịu được y, làm cho y hứng khởi và đưa y vào giấc ngủ. Một tay côn đồ cầm dùi cui đang đợi y ở Pianosa. Tất cả các cô gái đều đã đi mất. Nữ bá tước và cô con dâu không còn làm cho y hứng thú; y đã quá già để đùa vui, và y không còn có thời gian nữa. Luciana đã đi mất, chết rồi cũng có khi; nếu chưa thì cũng sẽ sớm thôi. Cô điếm đẫy đà của Aarfy đã biến mất cùng với chiếc nhẫn có đá chạm bẩn thỉu, còn y tá Duckett lại lấy làm xấu hổ vì y đã từ chối bay ra trận và chuyện đó sẽ gây ra tai tiếng. Cô gái duy nhất y biết đang ở gần đó là em giúp việc xoàng xĩnh trong căn hộ dành cho sĩ quan, chưa từng có tay sĩ quan nào chịu ngủ với cô. Tên cô là Michaela, nhưng đám lính thường gọi cô với những cái tên tục tĩu bằng giọng êm ái, nịnh đầm mà cô chỉ cười khúc khích trong niềm vui thơ ngây bởi vì cô không hiểu tiếng Anh và tưởng rằng họ đang khen ngợi cô và đang đùa những câu vô hại. Mọi thứ phóng túng cô từng thấy họ làm đều khiến cô say đắm trong niềm vui. Cô là một cô gái vui vẻ, giản đơn và chăm chỉ, không biết đọc và hầu như không viết nổi tên mình. Mái tóc thẳng của cô có màu rơm mục. Cô có làn da tái và đôi mắt cận, và chưa từng có tay sĩ quan nào ngủ với cô bởi vì không có ai thèm muốn cô, không có ai ngoại trừ Aarfy, gã này đã hiếp cô vào cùng buổi tối hôm đó và sau đó nhốt cô vào trong tủ quần áo gần hai tiếng đồng hồ, tay bịt miệng cô cho đến khi có tiếng còi giới nghiêm hú lên và nếu cô ra ngoài thì sẽ là phạm pháp.
Sau đó gã ném cô ra ngoài cửa sổ. Xác cô vẫn nằm trên vỉa hè khi Yossarian đến và lịch sự mở đường đi qua một đám hàng xóm mặt mày nghiêm trọng cầm những cây đèn pin lờ mờ, họ vừa lùi lại cho y qua vừa trừng trừng nhìn độc địa và cay đắng chỉ trỏ lên cửa sổ tầng hai trong khi nghiêm nghị rì rầm riêng với nhau những mẩu hội thoại tố cáo. Tim Yossarian đập thình thịch trong kinh hãi và khiếp đảm khi tận mục sở thị cái xác thảm thương, gớm ghiếc và đẫm máu ấy. Y lủi nhanh vào trong sảnh và phi lên cầu thang vào căn hộ, tại đó y thấy Aarfy đang bứt rứt đi đi lại lại với một nụ cười phô trương, hơi gượng gạo. Aarfy có vẻ hơi bồn chồn khi tay gã cứ xoay mãi tẩu thuốc và quả quyết với Yossarian rằng mọi việc sẽ ổn thôi. Không có gì phải lo lắng cả.
“Tôi chỉ hiếp cô ta một lần,” gã giải thích.
Yossarian thất kinh. “Nhưng anh đã giết cô ta, Aarfy! Anh đã giết cô ta!”
“Ồ, tôi phải làm thế sau khi đã hiếp cô ta,” Aarfy trả lời với vẻ nhún nhường hết mức có thể. “Tôi không thể thả cô ta đi để nói xấu chúng ta được, phải không?”
“Tại sao anh lại phải chạm vào cô ta cơ chứ, đồ con hoang đần độn kia?” Yossarian hét lên. “Nếu muốn thì tại sao anh không thể tự kiếm cho mình một em ở ngoài đường kia chứ? Thành phố này đầy gái điếm mà.”
“Ồ không, tôi thì không,” Aarfy khoác lác. “Cả đời tôi không bao giờ phải trả tiền để làm chuyện đó.”
“Aarfy, anh điên rồi à?” Yossarian gần như nghẹn họng. “Anh đã giết một cô gái. Họ sẽ cho anh đi tù!”
“Ồ không,” Aarfy trả lời, nặn ra một nụ cười. “Tôi thì không. Họ sẽ không cho một Aarfy già cả tốt bụng như thế này đi tù. Vì tội giết cô ta thì không.”
“Nhưng anh đã ném cô ta ra ngoài cửa sổ. Cô ta đang nằm chết ở dưới đường.”
“Cô ta đâu có quyền ở đó,” Aarfy trả lời. “Đã đến giờ giới nghiêm.”
“Đồ ngu! Anh không nhận thức được mình đã làm gì ư?” Yossarian muốn túm chặt lấy cái bả vai no đủ và mềm như sâu bướm của gã mà lắc cho đến khi nào gã hiểu ra vấn đề. “Anh vừa giết một con người. Họ sẽ cho anh đi tù. Thậm chí họ còn có thể treo cổ anh!”
“Ồ, tôi không nghĩ là họ sẽ làm vậy,” Aarfy đáp cùng một tiếng cười khùng khục khoái trá, mặc dù các triệu chứng lo lắng của gã mỗi lúc một gia tăng. Gã làm tràn hết cả vụn thuốc lá ra ngoài tẩu mà không hề hay biết khi những ngón tay ngắn củn của gã lóng ngóng với cái nõ tẩu. “Không đâu. Không thể làm vậy với Aarfy già cả tốt bụng này.” Gã lại cười khành khạch. “Cô ta chỉ là một con ở. Tôi nghĩ họ sẽ khó lòng xé to một vụ việc chỉ dính dáng tới một con ở người Ý trong khi ngày nào chả có hàng đống mạng sống đang mất đi. Có phải không?”
“Nghe này!” Yossarian kêu lên, gần như vui sướng. Y dỏng tai lên và quan sát máu rút dần khỏi khuôn mặt Aarfy khi có tiếng còi hú rền rĩ từ đằng xa, tiếng còi cảnh sát, rồi gần như ngay lập tức nó tăng lên thành một điệu nhạc rú rít, the thé, dồn dập của thứ âm thanh lộng óc dường như đang ập vào căn phòng từ tứ phía. “Aarfy, họ đang đến tìm anh đấy,” y nói, lòng trắc ẩn trào dâng, hét lên để át tiếng ồn. “Họ đang tới bắt anh. Aarfy, anh không hiểu sao? Anh không thể lấy đi mạng sống của một con người khác mà thoát tội được, ngay cả khi đó chỉ là một con ở nghèo khó. Anh không thấy sao? Anh không hiểu sao?”
“Ồ không,” Aarfy khăng khăng nói, miệng cười yếu ớt. “Họ sẽ không đến bắt tôi. Không phải Aarfy già cả tốt bụng này.”
Đột nhiên trông gã như phát ốm. Gã run rẩy choáng váng ngồi phịch xuống một chiếc ghế, hai bàn tay mập mạp èo uột run lên trong lòng. Tiếng những chiếc xe phanh kít dừng lại bên ngoài. Lập tức đèn pha rọi thẳng vào cửa sổ. Tiếng loa vang lên chói tai. Aarfy xanh mặt. Gã cứ máy móc lắc đầu với một nụ cười kỳ cục đờ đẫn, và đều đều lặp đi lặp lại một cách yếu ớt và trống rỗng rằng không phải họ đến bắt gã, không phải Aarfy già cả tốt bụng này, không đâu, cứ cố tự thuyết phục mình như thế ngay cả khi những bước chân huỳnh huỵch đã phi lên cầu thang, nện xuống chiếu nghỉ, ngay cả khi những nắm đấm đã nện vào cửa tới bốn lần kiên quyết, đinh tai. Rồi cửa căn hộ bật mở toang, và hai quân cảnh to khỏe, cơ bắp, mắt băng giá và quai hàm vạm vỡ mím chặt nhanh chóng bước vào, sải bước qua phòng, và bắt giữ Yossarian.
Họ bắt Yossarian vì đã đến Rome mà không có giấy phép.
Họ xin lỗi Aarfy vì đã xông vào, rồi hai người kẹp Yossarian ở giữa giải đi, các ngón tay cứng như xiềng thép thọc xuống dưới cánh tay y giữ chặt. Họ không nói gì với y trên đường xuống cầu thang. Hai quân cảnh cao lớn khác với dùi cui và mũ cứng trắng đang đợi ở bên ngoài một chiếc xe đã đóng cửa. Họ đẩy y vào ghế sau, chiếc xe rồ máy phóng đi, len lỏi qua mưa và sương mù dày đặc về đồn cảnh sát. Họ nhốt y suốt đêm trong một phòng giam với bốn bức tường đá. Sáng sớm họ đưa cho y một cái xô để đi vệ sinh rồi lái xe đưa y ra sân bay, nơi có thêm hai tay quân cảnh khổng lồ nữa với dùi cui và mũ cứng trắng đang đợi trên một chiếc máy bay vận tải đã khởi động sẵn, những chiếc vỏ động cơ hình trụ màu xanh lá đang rỉ ra những hạt nước rung bần bật. Không ai trong số đám quân cảnh nói chuyện với nhau. Họ thậm chí còn không gật đầu. Yossarian chưa từng nhìn thấy khuôn mặt nào lại giống đá tảng đến vậy. Chiếc máy bay bay về Pianosa. Lại thêm hai quân cảnh câm lặng nữa đang đợi ở đường băng. Giờ tổng cộng đã là tám, và với kỷ luật không lời, chính xác, họ xếp hàng chui vào hai chiếc xe tăng tốc phóng vù vù qua bốn phi đoàn về tòa nhà trụ sở liên đoàn, tại đó lại có thêm hai quân cảnh nữa đang đợi ở bãi đỗ. Tất cả mười người cao, khỏe, quả quyết, câm lặng vây quanh y khi họ bước về phía cửa tòa nhà. Bước chân của họ nện thành một bản hợp xướng ầm ĩ trên mặt sân gạch xỉ. Y có cảm giác mọi sự càng lúc càng khẩn trương. Y kinh sợ. Mỗi người trong số mười viên quân cảnh kia đều đủ khỏe để đấm y một phát chết luôn. Họ chỉ cần ấn những bờ vai đồ sộ, rắn như đá vào y là đủ ép sạch sự sống ra khỏi cơ thể y. Y không thể làm được gì để tự cứu mình. Y thậm chí còn không thể nhìn thấy được hai người nào trong số bọn họ đang xốc nách y giải đi rất nhanh giữa hai hàng lừng lững thẳng tắp mà họ vừa xếp thành. Nhịp bước của họ mỗi lúc một nhanh và y có cảm giác như mình đang bay lên khỏi mặt đất khi họ bước theo một nhịp quyết liệt lên cái cầu thang đá cẩm thạch rộng rãi tới chiếu nghỉ tầng trên, tại đó vẫn còn có thêm hai quân cảnh bí hiểm, mặt rắn đanh đang đợi để dẫn tất cả bọn họ đi với tốc độ còn nhanh hơn nữa xuống ban công dài đỡ bằng mút chìa treo bên trên đại sảnh thênh thang. Những tiếng chân đi đều nện lên sàn lát gạch xỉn rền vang như tiếng trống kinh hoàng dồn dập qua phần trung tâm trống rỗng của tòa nhà khi họ đi với tốc độ và độ chính xác còn cao hơn nữa tới phòng làm việc của đại tá Cathcart, và những cơn gió hoảng loạn bắt đầu thổi vào tai Yossarian khi họ đưa y đến sự phán quyết cuối cùng của mình ở bên trong căn phòng ấy, nơi trung tá Korn đang thoải mái đặt mông lên một góc bàn làm việc của đại tá Cathcart, chờ sẵn để chào đón y với một nụ cười thân ái và nói,
“Chúng tôi sẽ cho anh về nhà.”
83. Eternal City, biệt danh của Rome.
84. Hiến binh Ý.
85. Lại là nhân vật trong Tội ác và hình phạt của Dostoyevsky. Trong giấc mơ đầu tiên trong truyện, Raskolnikov tưởng tượng mình là một cậu bé đang đi cùng cha thì chứng kiến một gã say, Mikolka, cùng một nhóm bạn say xỉn, đang đánh đập con ngựa của gã tới chết vì nó không thể lết đi nổi khi kéo hàng nặng.
Bẫy-22 Bẫy-22 - Joseph Heller Bẫy-22